Nguyễn thị Cỏ May
Noël thời thượng
Theo kết quả theo dõi của giới chức kinh tế thì hiện nay, vật giá tiêu thụ ở Pháp được ổn định. Vùng đồng euros thoát ra khỏi tình trạng bị khựng. Pháp có sản lượng nội địa tăng 0,3% so với tam cá nguyệt trước. Giới chức kinh tế ước tính vào cuối năm, tình hình sẽ khởi sắc.
Tuy mức phát triển chưa thật sự khả quan, nhưng sự tái phát triển của Pháp rất vững chắc nên người ta nghĩ rằng sự tiêu thụ sẽ mạnh vào cuối năm.
Người Pháp cũng như người dân các nước láng giềng trước ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế đều dự bị tiết giảm những chi tiêu cho lễ Noël và Tết dương lịch năm nay còn 650 euros, bao gồm cả quà biếu, thực phẩm, tiêu khiển, so với năm trước kém đi 3,5%.
Tính chung, năm nay, dân Tây Âu tiêu xài cho lễ Noël trung bình là 700 euros, bằng 6,3% lợi tức trong lúc đó dân Đông Âu dự bị chi tiêu là 415 euros, bằng 0,71% mức thu nhập.
Sự tiêu thụ ở Âu châu đang tiến tới một khúc quanh và những nỗ lực mới để phát triển đang có khả năng đánh tan sự bi quan.
Người ta cho rằng người Pháp là người tiêu thụ thận trọng hơn hết trong số 18 quốc gia Âu châu trước tình trạng khủng hoảng kinh tế hiện nay. Họ phải mua sắm Noël và Tết dương lịch vì tập tục lâu đời phải giữ mà thôi. Mùa Noël năm nay, họ chỉ có thể tiêu xài 650 euros vì đó là mức chi tiêu tối thiểu mà họ không thể co giảm hơn nữa được.
Cùng ở Âu châu, người Ái nhĩ-lan năm nay tiêu xài cho Noël là 1.110 euros, đã giảm đi 22,4% so với năm trước. Người Anh vì bị khủng hoảng đánh thẳng vảo túi tiền nên chỉ dám tiêu xài cho Noël 600 euros, giảm đi 17,4% so với năm trước. Người Tây-ban-nha tiêu xài kém hơn năm trước 9,1%, tức 735 euros. Dân Thụy sĩ, chủ ngân hàng nên kỹ lưỡng, với mức phát triển là 0,1% chỉ ăn Noël với 685 euros mà thôi.
Cách tiêu xài của người Pháp ngày nay
Người dân ở Tây Âu nhìn chung có xu hướng thắt lưng buộc bụng trước lễ cuối năm và mừng năm mới trong lúc đó, ở Nga, vào dịp cuối năm, tức hiện nay, rượu Vodka đang bán hơn năm rồi 5%. Riêng hệ thống rượu lậu năm nay tung ra thị trường 750 triệu lít so với năm rồi 700 triệu lít. Ba Tàu cũng nâng cao mức sống dân chúng, người dân từ bỏ xe thồ, nhảy lên xe hơi vì từ đầu năm nay, Tàu sản xuất được 10 triệu chiếc xe hơi.
Theo kết quả thăm dò dư luận của hãng TNS Sofres của Pháp theo yêu cầu của hãng Quảng cáo Úc, có 43% dân Pháp cho biết họ không ham muốn tiêu xài cho thú vui chơi. Thành phần này tăng 11% trong một năm.
Tuy nhiên, cũng do kết quả thăm dò dư luận, dân Pháp có một thành phần lấy lại tinh thần từ ít lâu nay. Những cá nhân cho biết có điều kiện mua sắm chiếm 35%, tăng lên 9 điểm. Đây là lần đầu tiên, ý muốn tiêu xài không phụ thuộc vào sự thận trọng trước tình hình khủng hoảng hay mức lợi tức. Một hiện tượng bất thường đối với tình hình tiêu thụ. Một hình thức xa cách khác là người tiêu thụ năm nay tỏ ra thờ ơ với những hiệu sản phẩm có tiếng. Thành phần này tăng lên 59% so với năm rồi là 39%. Dân chúng có tới 74% nhìn thấy quảng cáo là buồn chán. Trong tình hình chung như vậy, việc đi mua sắm trở thành một thứ công việc càng ngày càng khổ sở cho 63% dân chúng
Dân chúng chỉ phải mua ăn là điều không thể thay đổi. Về thời trang, mặc dầu nhiều kiểu trưng bày trong các cửa hàng rực rỡ, số thương vụ sút giảm tới 4,3%, vào mùa cao điểm việc mua bán còn giảm xuống tới 8,1%. Giới tiêu thụ đua nhau đi tìm những cửa hàng bán “sôn”, tức bán rẻ 60 - 80%.
Theo kết quả điều tra của hãng Harris, dân chúng Pháp có 7 người trên 10 lấy thái độ chờ cơ hội tốt hơn hoặc chọn mua những món hàng tương đương mà rẻ hơn, tức không cần nhãn hiệu nổi tiếng.
Từ nay, giới tiêu thụ, trước khi muốn mua sắm, thường tự hỏi “Phải chăng ta thật sự cần mua thứ này không?”. “Ta có thể tìm được thứ tương đương mà rẻ hơn không?”. “Ta có nên tiêu xài không?”.
Hiện tình khủng hoảng đã làm thay đổi thái độ người tiêu thụ. Phần lớn người tiêu thụ ngày nay trở thành một thứ chuyên viên thượng thặng, phải biết quản lý tính phức tạp của vật giá và phẩm lượng, đôi khi phải biết chấp nhận cả sự mâu thuẫn của quyết định mua sắm. Khi người dân, qua một thời gian chủ động được sự mua sắm, họ trở thành những người đầy kinh nghiệm về thị trường trước tình hình kinh tế khủng hoảng.
“Muốn tất cả, có ngay” không còn là khẩu hiệu của thị trường. Thật ra giới tiêu thụ vẫn còn ý muốn ăn xài, mua sắm, nhưng quyết định thì lại bị phụ thuộc vào sự tính toán kỹ lưỡng vì thời kỳ tiêu xài xả láng như vào những năm 2000 không còn nữa.
Hơn bao giờ hết, ăn chắc mặc bền
Ảnh hưởng tình hình kinh tế khủng hoảng, giới tiêu thụ Pháp ngày càng thờ ơ với nhãn hiệu nổi tiếng. Thời trang mang nhãn hiệu Dior, Chanel, Christian de Lacroix, Pierre Cardin,… chiếc cà-vạt giá từ 75 - 90 euros, sơ-mi giá từ 175 euros. Y phục phụ nữ giá đắt hơn. Đang mùa Noël năm nay, các cửa hàng lớn của Paris như Printemps, La Fayette, BHV đều dán bảng hạ giá 25% - 30%. Người đi xem hàng thì đông, mà người mua sắm phần đông là ngoại quốc đến từ Nga, Á-rập, và Tàu. Bên cạnh và phía bên kia Đại lộ Hausmann là các cửa hàng bình dân C&A, H&M và ZARA lại đông khách mua sắm thật. Trông mặt, người ta dễ nhận diện nơi đây phần đông là dân Tây Paris thuộc thành phần trên dưới trung lưu. Ngày nay, họ bắt đầu thay đổi cách mua sắm tiêu dùng nên họ thay đổi từ cách tiêu thụ của họ.
Người tiêu thụ nghĩ ngợi đến việc ăn tiêu của họ nhiều hơn trước đây. Họ tự hỏi giá trị của nhãn hiệu là gì? Có nên giữ nhãn hiệu hoài không? Cái giá gắn trên nhãn hiệu đó có đúng với giá trị thật của món hàng không?
Đó là những câu hỏi được đặt ra cho người trước khi quyết định mua sắm.
Từ đây, nhiều nhãn hiệu bị những người tiêu thụ với thái độ mới hăm dọa. Người ta cho đây là hiện tượng chao đảo căn bản của giới tiêu thụ đối đầu với tình hình khủng hoảng.
Không chỉ riêng mua sắm những thứ đắt tiền người ta mới đắn đo giá cả và giá trị món hàng, mà sự đắn đo đã trở thành một thái độ phổ biến. Một người một chai shampooing cũng tự đặt cho mình câu hỏi "Sự ích lợi của thứ này? Tôi đã chọn đúng chưa?".
Điều mà giới tiêu thụ đặc biệt quan tâm là giá cả. Khi muốn mua một món hàng, nhiều tiền hay ít tiền, người tiêu thụ cũng suy nghĩ "Giá này có đúng không?".
Theo kết quả điều tra giá cả trên thị trường, thì hơn 70% hàng hóa đắt tiền, tức mang những nhãn hiệu lớn, đều không giữ giá phù hợp với sản phẩm. Chỉ có những hàng hóa rẻ tiền, không có nhãn hiệu lớn, thì tương quan giữa giá cả và giá trị món hàng mới phù hợp.
Giới tiêu thụ bắt đầu xa rời những nhãn hiệu lớn vì họ biết giá cả những loại sản phẩm này đều do marketing tạo ra hơn là giá trị thật của sản phẩm.
Thế là từ nay, giới tiêu thụ ý thức rõ họ không thể trả tiền cho marketing để mua một giá trị ảo. Những cửa hàng lớn cũng bắt đầu quay lại với giới tiêu thụ với đường lối mới: "Chúng tôi nghĩ đến quí vị mỗi ngày" hay "Chúng tôi tranh đấu cho quí vị chống lại đời sống đắt đỏ".
Tuy nhiên, theo những nhà làm Marketing, giới tiêu thụ có chuộng giá rẻ hơn là nhãn hiệu có tiếng, nhưng nhãn hiệu nổi tiếng có sẵn sẽ không vì vậy mà bị mai một trong tương lai. Qua cuộc điều tra thực hiện trong gần đây của hãng Millard-Brown, trị giá của 100 nhãn hiệu lớn nhứt trên thế giới vẫn tăng tới 1,7% năm 2008, đạt được 1950 tỉ đô-la. Bởi vì những nhãn hiệu vẫn còn giữ được những vùng đất ưu đãi. Khi có sự đắn đo hay ham muốn mua sắm, thì nhãn hiệu vẫn còn giữ được giá trị của mình.
Một người tiêu thụ tìm thỏa mãn sở thích cố hữu của mình, như người ghiền Coca-Cola, họ chỉ đi tìm mua cho được thứ Coca-Cola đúng hiệu hơn là mua thứ tương đương rẻ hơn mà bị thất vọng.
Có người giữ sự trung thành với nhãn hiệu vì giá trị của sản phẩm về sự bền bỉ. Họ không muốn chạy theo thời trang mà sớm bị lỗi thời.
Ăn Noël thời thượng
Riêng bữa ăn Noël, từ 4 năm nay, được một số người tổ chức vào ngày 15 tháng 12. Đó là những người thuộc lớp trẻ, trên dưới 30 tuổi. Bữa ăn cũng gồm đủ các món truyền thống Noël: cá Hồi ung khói, Foie gras, Gà Tây, Fromage và bánh Noël.
Quả thật họ giữ đúng truyền thống: một bữa ăn thịnh soạn, với nến thắp sáng, cây thông xanh… Vào lúc cà-phê, mọi người trao nhau quà Noël. Nhưng món quà không quá 6 euros để đừng ai bị cháy túi. Món quà thường có giá trị tượng trưng như bút bi, bốp nhỏ đựng bạc cắc,… Và rút thăm để nhận quà. Người nhận quà cũng mở ra và cũng reo mừng, ôm hun cảm ơn. Nhưng có đem quà về tới nhà hay không là chuyện riêng của mỗi người.
Ăn Noël vào giữa tháng 12 đã thật sự trở thành một trào lưu "thời thượng" đang ăn khách. Các nhà cung cấp thức ăn gia tăng vì khách hàng ăn Noël theo trào lưu này gia tăng hằng năm
Họ phần lớn gồm những nhóm từ 6 đến 8 thanh niên trên dưới 30 tuổi. Có một nhà cung cấp thức ăn tại nhà cho biết năm rồi chỉ có vài người đặt hàng, năm nay số khách đặt hàng đã quá nhiều.
Tại một thành phố lớn như Paris, dân từ tỉnh lên rất đông nên có khuynh hướng ăn Noël sớm với nhau để sau đó, đến ngày Noël, về quê ăn Noël với gia đình. Bạn bè với nhau cũng là một thứ gia đình thứ nhì khi người ta sống xa gia đình ruột thịt. Ăn Noël vào 15 tháng 12 còn là cơ hội tiếp bạn tại nhà, ấm cúng hơn, rẻ tiền hơn là mời bạn đến nhà hàng hay một cái bar nào đó như trước đây. Đó là lý do chánh khiến nhiều người trẻ nhiệt tình hưởng ứng cách ăn Noël mới này. Chẳng những nhiều người không có đủ điều kiện đi ra bên ngoài mà họ còn muốn làm một sự đổi mới. Họ muốn làm tại nhà họ điều mà họ không thể làm ở nơi khác. Người ta hút thuốc, uống tự do và… ca hát, la lối thỏa thích.
Ăn Noël thời kinh tế khủng hoảng theo phong thái này còn là cách đem lại một ý nghĩa mới cho ngày lễ lớn truyền thống nay đã thật sự trở thành ngày lễ của thương mãi hàng hóa, hoàn toàn mất hết ý nghĩa tốt đẹp đã có.
Vậy phải chăng bữa ăn Noël truyền thống sẽ biến mất ?
Người ta không tin vì những người tổ chức ăn Noël vào giữa tháng 12 là những người trẻ sống độc thân ở thành phố. Noël vẫn là ngày lễ trọng đại trong gia đình sum họp.
Nguyễn thị Cỏ May