Nguyễn Hiền
Những kẻ xa lạ mà thân thuộc của Việt Nam
"Saigon is the new Cali, Cali is the old Saigon" "You can't ever change Vietnam. Vietnam changes you" |
Ngày 10/09/2012, tại đại giảng đường của Ðại học Tự Do (Vrij Universiteit) Amsterdam, cô Priscilla Koh Siew Im, người Singapore nhưng cư ngụ ở Canada, đã bảo vệ luận án tiến sĩ với tựa đề trên (Vietnam’s Familiar Strangers)
Quyển luận án dầy 340 trang, được cô cho là một cuốn sách dành cho thế hệ thứ hai của Việt Kiều trên toàn thế giới.
Bắt đầu từ một cuốn phim ngắn từ truyện mang tựa đề “Oh, Saigon” của Ðoan Hoàng (2000) quay cảnh gia đình bà ở Hoa Kỳ và theo dõi suốt chuyến trở về Việt Nam vào năm sau đó. Trong phim có những khúc xoay quanh người cha của bà mà trái tim của ông vẫn để ở quê nhà. Từ những cảm xúc qua cuốn phim này, Priscilla đã tìm cách đào sâu thêm về những gì người Việt nghĩ và cảm nhận một khi họ trở về làm ăn sinh sống ở Việt Nam sau một thời gian dài đã định cư ở nước ngoài. Hơn ba thập niên sau chiến tranh, với 1,7 triệu người Việt đã bỏ nước ra đi, người Việt lưu vong dần dần có những liên kết trở lại với Việt Nam. Cái gì đã thay đổi trong những thập niên đó.
Năm 1986 chính phủ Việt Nam buộc phải nới lỏng sự kiểm soát. Tiến trình “đổi mới” này đã khơi lên một làn sóng người gốc Việt đến Việt Nam du lịch. Ngoài ra còn có những người Việt ở hải ngoại trở về. Những dự án hợp tác với Việt Nam được thành hình, theo số liệu trong khảo cứu đã có hơn 3200 dự án ở Việt Nam. Cũng trong thời điểm cô làm khảo cứu, đã có hơn 300 chuyên gia Việt kiều trở về Việt Nam làm việc hay sinh sống, phần lớn ở Sài Gòn, và trong lứa tuổi từ 20 đến giữa 40. Phần lớn những người này đến từ Hoa Kỳ, họ làm công việc văn phòng và có bằng cấp.
Vì những yếu tố này, cô đã chọn Sài Gòn làm địa bàn khảo cứu, thu thập kinh nghiệm của những người trở về Việt Nam thuộc thế hệ một rưỡi (sinh ở Việt Nam và rời nước khi còn nhỏ) và hai (sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, có cha hay mẹ là người Việt).
Thời gian khảo cứu kéo dài 24 tháng, từ 2008 đến 2010. Những người được phỏng vấn phần lớn có địa chỉ gốc ở Hoa Kỳ, nhưng có những người ở Canada, Úc, Pháp, Ðức, Hòa Lan. Những người này làm trong giới ngân hàng, tài chính, vi tính, y tế và ở trong những tổ chức phi chính phủ NGO. Những người này đã làm và sống ở Việt Nam trên 3 năm (lâu nhất là 14 năm) và có những kế hoạch dài hạn 2 – 3 năm. Trong số 38 người được chọn cho cuộc nghiên cứu thực địa qua phỏng vấn, có 9 người gốc Hoa.
Cho mỗi đối tượng, cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng 3 giờ, phần lớn ở nhà hàng, quán nước hay quán nhậu. Cô cho biết lý do là để tránh ảnh hưởng của những người khác trong gia đình.
Ngoài ra cuộc nghiên cứu còn được thực hiện qua những mạng xã hội như blogs và Facebook, những website như Việt Mới và VKS in Saigon. Một số tác phẩm Anh ngữ của người gốc Việt đã được dùng để tham khảo, như Catfish and Mandala (tác giả: Phạm), Perfum River (tác giả: Andrew Lam), The Evergreen Country (tác giả Thuong Vuong-Riddick), v.v…
Khúc mắc của cuộc khảo cứu là mối liên hệ tình cảm của đối tượng được phỏng vấn với nước Việt Nam.
Việt kiều hay người Việt hải ngoại? Tất cả Việt kiều là người Việt hải ngoại, nhưng không phải tất cả người Việt hải ngoại là Việt kiều.
Cô Pricilla đã đưa ra một thí dụ cho thấy cô rất thận trọng trong khảo cứu, vì trong giới Việt kiều cũng có những thành phần riêng: Việt kiều dởm, Việt kiều mới đi đã về, Việt kiều chính cống, Việt kiều yêu nước. Từ phía nhà nước Việt Nam, cũng có nhiều cụm từ được sử dụng ngoài từ Việt kiều: người Việt Nam ở nước ngoài, kiều bào, người Việt xa xứ, người Việt yêu nước…
Qua những nghiên cứu tài liệu, cô Priscilla đã cho thấy những phức tạp trong sinh hoạt, có ảnh hưởng đến sự trở về làm ăn của Việt kiều. Những vụ bắt bớ và xét xử những nhà bất đồng chính kiến như Lê Công Ðịnh, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức là bằng chứng cho thấy sự đối kháng chính trị và thách đố nhà cầm quyền không còn là lãnh vực riêng biệt của “những thế lực phản động chống đối từ bên ngoài”, nhưng nó đã sinh sôi và tạo căn cứ trong nội địa. Mặt khác, người Việt (kiều) chống cộng đã trở nên tỉnh ngộ là Việt Nam không bị kéo theo đà suy thoái và không sụp đổ như họ từng nghĩ. Cũng trong lúc đó, chính quyền Hà Nội đã phải điều chỉnh lại sự lạc quan ban đầu, khi cho là Việt kiều với sở hữu kinh tế và trí tuệ, có thể đóng góp vào việc phát triển kinh tế và cách tân. Thế nhưng có nhận xét là mặc dù Việt kiều thường tỏ ước muốn đóng góp cho quê nhà, nhưng họ lại tỏ ra thiếu hiểu biết về tình trạng đất nước. Vì thế, Việt kiều thường có nhận định là đường lối chính trị của nhà cầm quyền không thực tế và không thích hợp. Và kết quả là những nhà lãnh đạo Việt Nam bắt đầu mất tin tưởng ở Việt kiều trong những vấn đề như thế.
Những nguyên do đưa đến quyết định đến Việt Nam làm ăn của thế hệ thứ hai được cô liệt kê gồm có:
– Trở về của thế hệ đã bị thua cuộc
– Trở về để tìm lại nguồn cội và căn cước
– Trở về vì những yếu tố phiêu lưu thúc đẩy và ước muốn tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống
– Trở về vì cơ hội kinh tế
– Trở về do yếu tố phẩm chất của cuộc sống
Trong những nguyên do này, rõ ràng những yếu tố trong lãnh vực tinh thần, văn hóa giữ vai trò quan trọng. Trong cuốn luận án, cô Priscilla đã dành nhiều trang đề cập đến những vấn nạn của những người thuộc thế hệ thứ hai. Một cô gái ở Hòa Lan, tuy lớn lên trong môi trường Hòa Lan nhưng có cảm nhận là những người chung quanh vẫn coi cô như người nước ngoài. “Những nhân vật lãnh đạo toàn là người da trắng,” một kiến trúc sư ở Melbourne (Úc) cho biết. Rồi trong gia đình, ngay cả khi cha mẹ cố gắng duy trì văn hóa phong tục Việt Nam thì giới trẻ vẫn cảm thấy thiếu vắng một cái gì đó. Theo họ thì bậc cha mẹ bị mắc kẹt trong thời điểm trước 75 để rồi chỉ thấy một chiều, đó là nhận xét của nhiều người Việt ở Hoa Kỳ.
Do đó nhiều người đã trở về Việt Nam với mục đích tìm lại nguồn cội và căn cước, để học hỏi thêm về quá khứ trong cố gắng xóa bỏ hố ngăn cách giữa cá nhân và gia đình. Có người trở về để tái ngộ với người thân, như một cô gái Việt ở Ðức đã trở về để tìm lại người cha, mặc dù cô hoàn toàn cảm thấy như là người Ðức.
Một số đối tượng khi được phỏng vấn cho biết trước khi đi đến quyết định trở về Việt Nam, họ cảm thấy như “đã ở cuối con đường”, sự chán nản và không hài lòng trong công việc cũng như trong đời sống xã hội, họ muốn tìm một con đường hoàn toàn mới. Một người được phỏng vấn cho biết cô ta ngày nào cũng phải đi làm từ sáng đến tối, cuộc sống không có ý nghĩa nữa, và hoàn toàn không còn thời giờ riêng cho bạn bè, cũng chẳng có giải trí.
Một bạn ở Delft (Hòa Lan) cho thấy mô hình xã hội Hòa Lan là sau khi tan việc, mọi người lại chui vào nhà, ngay cả những cuối tuần. Mọi chuyện đều phải được lên chương trình rất sớm, cả tuần hay cả tháng trước, ngay cả việc đi thăm ông bà vào ngày cuối tuần.
Cũng có khi chỉ vì một nguyên cớ rất xa, như ông Bảo ở Hoa Kỳ thuật là cha ông đã đưa cho ông quyển Truyện Kiều và từ đó ông đâm ra muốn tìm hiểu thêm về văn chương Việt, thế là ông đã trở về.
Nhưng khi làm ăn ở Việt Nam, họ lại đụng với những chuyện không ưng ý. “Bạn là người Việt, tại sao không thông thạo tiếng Việt?” Ở Việt Nam có những dễ dàng thoải mái hơn ở Hoa Kỳ, như vấn đề du lịch, không tốn kém, không phải đi theo bạn bè, không phải tốn phí cho những mục đắt tiền. Ở Việt Nam, họ tìm thấy niềm thông cảm, sự ấm áp trong khung cảnh gia đình, nhưng cũng có những cú “sốc” văn hóa, ngay ở những chuyện nhỏ, như hàng chục người sống chen chúc dưới một mái nhà. Những người thân quen tìm cách xin tiền hay xin xỏ giúp đỡ, mặc dù cha mẹ cố gắng bảo vệ con bằng cách ngăn chặn những vụ vòi vĩnh như trên.
Trong khi đó hiện nay có sự xét lại về Việt kiều: bạn không có đủ kinh nghiệm, không thông thạo tiếng Việt. Những công ty ngoại quốc coi Việt kiều như những “siêu nhân” có thể giải quyết mọi công việc, còn người bản xứ lại chỉ chú ý đến nhưng sơ hở về văn hóa ứng xử của họ.
Một đề mục quan trọng đã được cô Priscilla đào xới là sự mâu thuẫn trong nhận thức về một quê hương. Nhiều Việt kiều trở về do cảm thấy một ràng buộc nào đó với quê hương. Nhưng quê hương của những người này là gì? Ngay cả ý niệm home, homeland cũng có nhiều bực và những cảm nhận khác nhau. Ðó là quê nhà, hay quê hương, đất mẹ, quê cha…? Có phải quê nhà là nơi có nhà để ở, có thể nghe, thấy, cảm nhận? Hay quê nhà là một cái gì mơ hồ, nơi ta nghĩ đến để nhớ?
Những Việt kiều sẽ xử trí với sự mâu thuẫn này ra sao?
Vấn đề rất phức tạp và đa dạng, trong những câu chuyện từ một số đối tượng được phỏng vấn, cô đã vẽ ra những mảnh đời khác nhau. Những câu chuyện này đã cho người đọc thấy được những trăn trở của những Việt kiều. Có thể có những nghịch lý như người ta có thể vừa cảm thấy Việt Nam là quê hương của họ, đồng thời lại cảm thấy bất an với những rủi ro không đâu. Có người sau thời gian làm ăn ở Việt Nam đã lập gia đình nhưng cuối cùng vì áp lực công việc đè nặng đã đưa đến tan vỡ. Có người đã ở Việt Nam hơn 8 năm với lý tưởng ban đầu là sẽ giúp người dân ở đây, nhưng cuối cùng vỡ mộng khi nhận ra thực trạng của việc làm ăn ở Việt Nam, và đành phải chấp nhận một chuyện là tương lai của đất nước nằm trong tay những người Việt. Nếu những người này không muốn thay đổi hay chẳng có can đảm thay đổi thì sẽ chẳng bao giờ thay đổi được. Trên đây chỉ là vài nét chính trong những câu chuyện đời được cô Priscilla tóm tắt lại. Nhìn chung, ta có cảm tưởng Việt kiều đã không thực sự tìm được hạnh phúc ở Việt Nam. Dường như tuyệt đại đa số Việt kiều trong thế hệ thứ hai đều chọn quốc gia nơi mình từng sinh sống lâu năm làm một hậu cứ an toàn, và nhiều người lựa chọn phương cách “đi đi về về”.
38 đối tượng được trực tiếp phỏng vấn, một con số đáng kể (tính theo phần trăm) của một cuộc khảo cứu xã hội thực địa nhưng sự phức tạp trong tâm tư của Việt kiều đã khiến cho người ta khó đưa ra một kết luận chung. Giá trị của quyển luận án nằm ở chỗ đã tổng hợp được nhiều mặt của một thế giới Việt kiều ở Sài Gòn, một thế giới riêng có một nền văn hóa thứ ba, có những nơi nghỉ ngơi và vui chơi riêng, có những quan hệ riêng trong giới. Một quyển sách tổng hợp được những nét chính, trong một cố gắng hệ thống hóa vấn đề, trong đó vấn đề mâu thuẫn nội tâm trong ý niệm “quê hương, quê nhà” được mổ xẻ tận tình.
Qua quyển luận án, một điều tôi cảm thấy rõ ràng là những đối tượng được phỏng vấn đều có được sự tự do lựa chọn giữa hai nơi: Việt Nam và quốc gia gốc ghi trong thông hành của họ. Theo tôi, chính sự tự do này, và thông tin đa chiều đã làm giảm “hiệu ứng đường hầm” trong suy nghĩ của họ, và đây có lẽ là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự mâu thuẫn nội tâm “chọn nơi nào làm quê hương đây.” Một yếu tố không kém phần quan trọng là sự phải ứng xử với luật lệ của nhà cầm quyền Việt Nam, làm cho cán cân lựa chọn lúc ngả bên này, lúc theo bên kia.
Nhiều người Việt hải ngoại có thể không đồng ý với một vài nhận xét của tác giả, nhưng đây là cố gắng vượt bực của một cô gái phải tập nói tiếng Việt (hiện cô nói khá giỏi) để có thể hòa đồng với đối tượng, đồng thời cố gắng đứng ở vị trí “không bị ràng buộc bởi yếu tố gia đình, quá khứ” để có thể đưa ra những nhận xét khách quan. Ðây mới là điều đáng quý.
Trong cuộc tiếp xúc riêng, cô cho biết trong tương lai sẽ thực hiện một cuộc nghiên cứu về những chuyến du lịch của những thuyền nhân Việt Nam đến các trại tị nạn cũ nơi họ đã một thời buộc phải nhận làm chỗ tạm dung.
Nguyễn Hiền