Nguyễn thị Cỏ May


Những cái “isme”

Trong tiếng Pháp, có một số từ ngữ tận cùng bằng “isme” để chỉ một quan niệm, một nếp sanh hoạt hay một trào lưu tư tưởng. Nhưng cũng tiếp vĩ ngữ “isme” ấy trong một số trường hợp diễn tả một ý nghĩa xấu.

Tiếp vĩ ngữ “isme” hiện diện nhiều trong triết học, chánh trị, kinh tế, tôn giáo,...Nhiều từ ngữ được tạo ra với “isme” vào thế kỷ XIX và XX để chỉ những trào lưu tư tưởng lớn chi phối mạnh đời sống của hai thế kỷ nay.

Về cách cấu tạo, tiếp vĩ ngữ có thể ghép với danh từ chung như “le roi” (ông vua) – “le royalisme” (tư tưởng hay chủ trương bảo hoàng), với danh từ riêng như Ông “Marx” – “le marxisme” (chủ thuyết mác-xít), tĩnh từ như “colonial” (thực dân) – “le colonialisme” (chủ nghĩa thực dân), …

Tiếp vĩ ngữ “isme”, như đã nói, trong một số trường hợp, hàm nghĩa xấu. Hồi giáo là “islam” nhưng “islamisme” có nghĩa là hồi giáo quá khích, thứ hồi giáo chủ trương khủng bố chống lại các tôn giáo khác hoặc nền văn minh không hồi giáo, như thiên chúa giáo hay tư tưởng dân chủ, tự do.

“Social” là xã hội bao gồm chủ trương, sanh hoạt nhằm phục vụ đời sống con người nhưng “socialisme” là chủ thuyết/ chủ nghĩa xã hội, một hệ thống chánh trị tổ chức xã hội dưới sự chỉ huy tập trung, tức độc tài nên tham nhũng và gian ác hoành hành triệt để như ở Việt Nam ngày nay.

Tiếp vĩ ngữ “isme” làm mất đi ý nghĩa của chữ gốc. Trong tiếng Việt Nam vì tiếng đơn âm, muốn nói ý nghĩa của tiếp vĩ ngữ “isme” phải ghép thêm “chủ thuyết” hay “chủ nghĩa”. Như “le socialisme”, thì phải nói “chủ nghĩa xã hội”, “le communisme” là “chủ nghĩa cộng sản”.

Tóm lại, tiếng gốc có nghĩa tốt, bình thường nhưng khi ghép với “isme” ý nghĩa của nó bị thay đổi hoàn toàn. “Isme” cũng đóng khung cứng ngắc ý nghĩa của chữ. Cả tư tưởng hay suy nghĩ của con người.

Mượn “isme”, chúng ta thử lan man qua chữ nazi, viết tắc của “nationalsozialismus” và phong trào “Đầu trọc” (Skinhead) ở Âu châu và ở Pháp.

Nguồn gốc “Đầu trọc” (Skinhead)

Muốn hiểu qua vài nét về phong trào “Đầu trọc” ở Âu châu, chúng ta thử trở về những năm đầu của thế kỷ XX trước khi cuộc khủng hoảng lớn bùng nổ ở Đức (1929-1930). Đảng quốc xã của những người lao động người Đức – viết tắc là NAZI – trước kia chỉ là một tổ chức cực hữu của hệ thống chánh đảng Đức. Trong kỳ bầu cử Quốc hội năm 1928, đảng NAZI chiếm được 2,6% phiếu, một dấu hiệu thụt lùi so với kỳ bầu cử trước năm 1924 (3%). Cuộc bầu cử này đưa vào Chánh quyền một Liên minh lớn gồm đảng Quốc xã, đảng Công giáo, đảng Dân chủ Ðức và đảng Nhơn dân Ðức. Liên minh nắm quyền suốt sáu tháng đầu trong thời kỳ khủng hoảng.

Từ năm 1930, khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng mạnh lên đời sống quốc gia, làm cho công nhơn thất nghiệp lên tới 30%. Hằng triệu người Đức phản ứng. Họ kết hợp khủng hoảng kinh tế với nỗi nhục của đất nước sau khi Đức thất bại Đệ I Thế chiến. Dân chúng cho rằng Liên minh quá yếu không đủ sức đưa nước Đức thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. Nghèo đói ở khắp nơi, lo sợ tương lai còn đen tối hơn nữa, giận dữ và sốt ruột trước những thất bại của chánh phủ đối phó với nạn khủng hoảng, dân chúng lợi dụng tình hình đất nước khó khăn nhưng thuận lợi cho sự thay đổi nên vận động ủng hộ đảng Quốc xã (NAZI) với Adolf Hitler lên cầm quyền.

Hitler là một nhà hùng biện tài ba hấp dẫn mảnh liệt quần chúng. Ông biết khai thác sự tức giận và sự bất lực của một số lớn cử tri. Ông thu hút được một số lớn dân chúng Đức đang mong muốn thay đổi. Đảng Quốc xã vận động tranh cử hứa hẹn đưa nước Đức ra khỏi sự khủng hoảng. Đảng Quốc xã cam kết phục hồi những giá trị văn hóa của xứ sở, hủy bỏ những điều khoản của Hiệp ước Versailles bất bình đẳng, ngăn chận mối hăm dọa một cuộc cách mạng cộng sản nổi lên, đem lại công ăn việc làm cho công nhơn lao động và khôi phục lại vị trí cường quốc trên thế giới cho nước Đức.

Đảng Quốc xã trong cuộc bầu cử sau đó thắng lớn bèn hướng sự giận dữ và sợ hải của dân chúng nhằm vào Do Thái, cộng sản và những người mà họ buộc tội có trách nhiệm ký Hiệp ước Versailles, cũng như thiết lập nền Cộng hòa Đại nghị. Hitler và đảng Quốc xã khép những người này vào “tội phạm tháng 11”.

Qua giữa tháng 7 năm 1933, Quốc hội chuyển cho Hitler toàn quyền và đảng NAZI trở thành đảng độc tôn cai trị nước Ðức.

Đức thất trận trong Thế chiến II, Hitler chết, đảng viên Quốc xã bị đưa ra Tòa án nhơn quyền. Sự việc này vội chôn vùi sự kiêu hãnh dân tộc trước đây. Ngày nay ở Đức, ở Pháp và Âu châu, nhiều nhóm thanh niên xuất hiện như để biểu hiện cái oai hùng xưa, do bất mãn đời sống xã hội hiện tại. Nhưng lớp trẻ bất mãn xã hội, chánh giới, muốn một sự bùng vỡ để thay đổi cái hiện tại, không chỉ riêng ở Âu châu vì thừa hưởng cái kiêu hùng của Đức quốc xã và cái mặc cảm sau khi Đức quốc xã tàn lụi, mà hiện tượng này hầu như có mặt ở khắp nơi trên thế giới như Anh – thường những hiện tượng xã hội loại này bắt đầu ở Anh rồi mới lan ra các nơi khác – như Canada, Nhựt,…

Nhận diện “Đầu trọc” (Skinhead) và tổ chức cực hữu

“Đầu trọc” (Skinhead) nhìn thấy ở Âu châu và các nơi khác là những cá nhơn thuộc thành phần thợ thuyền và phải biết say mê âm nhạc jamaicaine (xứ Jamaique ở trong vùng biển Caraibes). Skinhead bị khép vào thành phần cực hữu, thứ “Tân Quốc xã” (Néo-nazisme).

Skinhead được định nghĩa là những người trẻ, những nhóm, phong trào, tổ chức, đảng phái,… nghiêng về quá hữu của chánh trị, văn hóa, tôn giáo,…

Khi những người “Đầu trọc” thuộc cực hữu, về chánh trị, lập trường của họ thường không rõ ràng, dứt khoát hẳn. Vì vậy, từ ngữ “cực hữu” chỉ những nhóm, những tổ chức chánh trị và bao gồm luôn phát-xít hay tân phát-xít, quốc xã hay tân quốc xã, những nhóm truyền thống hay toàn thống, tức quá khích, những thái độ kỳ thị chủng tộc hoặc phân biệt đối xử, cho tới cả những đảng phái quốc gia cực đoan hoặc “vì nhân dân – thật ra là mị dân” (populisme).

Về tổ chức chánh trị như đảng phái, trong ngôn ngữ chánh trị ở Anh, cực hữu được gọi là “hữu cấp tiến” vì nó ở giới hạn của hữu dân chủ, tự do hoặc bảo thủ. Có khác nhau về tổ chức, chủ trương, nhưng nền tảng ý hệ của họ có những điểm chung: lòng ái quốc, tinh thần quốc gia và truyền thống mạnh, có khi trở thành cực đoan. Họ bám vào những giá trị dân tộc, bản sắc, văn hóa và tôn giáo. Đôi khi họ có xu hướng về một nền kinh tế và một xã hội chỉ riêng cho đất nước, dân tộc của họ mà thôi. Ưu tư của họ là kinh tế và xã hội phải nghiêng về phục vụ lớp bình dân hơn.

Vì chủ trương cho đất nước dân tộc trước hết nên những người “Đầu trọc” và tổ chức cực hữu bị tố cáo là những người bài ngoại, kỳ thị chủng tộc. Ở Pháp, một chánh trị gia hay một chánh khách nào lớn tiếng tuyên bố “Tôi tranh đấu trước hết cho nước Pháp” lập tức sẽ bị phe tả công kích là cực hữu, là quốc xã, tân quốc xã, phát-xít,… Còn phe hữu thì nhấn mạnh đừng quên tư tưởng “cộng hòa”. Trong lúc đó, tư tưởng, chủ thuyết, chủ nghĩa cực tả như cộng sản lại không bị phê phán.

Theo nhà chánh trị địa lý, Bà Béatrice Giblin-Delvallet, hiện nay, phong trào cực hữu vươn mạnh lên ở Âu châu là do những người Hồi giáo tới Âu châu ồ ạt, sự toàn cầu hóa làm mất công ăn việc làm cho giới công nhơn lao động tại chỗ và Liên hiệp Âu châu không đủ khả năng xóa những dị biệt giữa các quốc gia hội viên.

Đặc điểm của Skinhead là phải tạo được một không gian sanh hoạt cho mình trước quần chúng và biến không gian này trở thành một thứ sản phẩm hấp dẫn cao cấp của cách mạng thường xuyên trong đời sống hằng ngày.

Skinhead trước nhứt phải là người của từng lớp thợ thuyền, do quan hệ nguồn gốc gia đình thợ thuyền hay tự mình xác nhận và gia nhập, có việc làm hay không, làm việc hay không, việc làm thuộc nghành nghệ thuật, công nhơn, việc làm hợp lệ hay không,… đều không quan trọng. Skinhead phải biết đoàn kết với thành phần xã hội của mình, phải có ý muốn tạo một không gian mới, giải phóng và cách mạng và điều này sẽ lan rộng ra trên khắp thế giới.

Không có một người Skinhead nào không huởng ứng lời kêu gọi biểu tình và không biết điều gì khác hơn là tham gia vào một sanh hoạt mới có ý nghĩa đồng thời xác định sự hiện diện của những người Skinhead trong xã hội.

Đặc điểm của những người “Đầu trọc” là có nguồn gốc nhưng không có lãnh tụ và họ không bao giờ muốn có lãnh tụ. Do đó, họ không phải là mác-xít, không phải là lê-ni-nít, mao-ít, hay bất cứ cái gì là “ít”. Họ không xây dựng tượng, thánh đường,… và không bao giờ đem xác chết, dầu có ướp hay không ướp, vào lăng mộ. Họ để dành xác chết cho sâu bọ, ruồi nhặng thanh toán, không gian cho bồ câu và người không gian. Tóm lại những người “Đầu trọc” (Skinheads) không thờ thần tượng, không cầu nguyện, không van xin, không yêu sách nhưng họ nhận tất cả gì thuộc về quyền lợi của họ.

Những người “Đầu trọc” (Skinheads) thừa nhận thực tế là xã hội có chia ra làm nhiều từng lớp khác nhau. Họ chủ trương không nhìn nhận từng lớp trưởng giả, chánh trị gia, vì những người này thường khéo léo khai thác sự hiện diện và hoạt động của họ cho những mục tiêu riêng.

Những người “Đầu trọc” ( hay Skinheads) sở dĩ từ khước những liên hệ nhân xã như vậy vì ngay từ gốc họ đã phủ nhận mọi cái “isme” như giá trị qui chiếu. Họ là Skinhead mà không bao giờ là “SkinheadISME” hết cả. Họ không muốn để cái “isme” biến đổi giá trị văn hóa căn bản của những người Skinheads, làm cho nó bị hạn chế, đóng khung và từ đó trở thành một thứ chủ thuyết khô khốc, không còn sức nảy nở. Nhờ đó, phong trào Skinhead thoát khỏi cộng sản, thứ cộng sản thư lại và độc tài ác ôn, tự nó cũng đã phủ nhận cái cộng sản ban đầu. Tức cái “isme” này phủ nhận cái “isme” kia!

Những cái “isme” không gì khác hơn là những công cụ biến đổi tư tưởng con người của một thời điểm thành những chủ thuyết đóng khung, hạn hẹp, khô cứng, không khả năng phát triển.

Việt Nam tụt hậu về mọi mặt, chứa đựng đủ loại tham những, ác ôn vô phương thay đổi chỉ vì bị cai trị bởi cái đảng tận cùng bằng thứ “ít” (Parti communiste), hệ thống tư tưởng tận cùng bằng “isme” – communisme và cái vô duyên không thể tả là cái “hochiminhisme” (cái gọi là “tư tưởng hồ chí minh”)!

Nguyễn thị Cỏ May

 


Cái Đình - 2013