Hoàng Dung
Nguyễn Tất Nhiên và vấn đề tự tử
Tôi không được quen Nguyễn Tất Nhiên, chỉ gặp anh có một lần vào năm 1972, khi tôi rời Pleiku về tu nghiệp tại Tổng Y Viện Cộng Hòa và anh vào đó khám bệnh, nhưng rồi ngay sau đó tôi phải lên Biên Hòa công tác.
Tuy nhiên, trước khi đi, tôi cũng kịp chộp cuốn thơ Thiên Tai mà anh tặng chung cho các bác sĩ trong trại bệnh. Đối với một độc giả chỉ biết anh qua thơ như tôi, cuốn Thiên Tai đã thể hiện phần nào cuộc đời Nguyễn Tất Nhiên, một cuộc đời lao đao vì tình và bị ám ảnh bởi cái chết. Bởi thiên tai của anh chẳng phải động đất, hỏa hoạn hay bão lụt mà chỉ là những cô gái anh quen và được anh gọi là những thiên tai lớn êm đềm.
Ngay ở bìa sau cuốn thơ, Nguyễn Tất Nhiên cũng công nhận là có ý tưởng tự sát từ năm mười tám tuổi.
Tôi không được đọc hai cuốn thơ đầu của anh, Nàng Thơ Trong Mắt và Dấu Mưa Qua Đất, nhưng tôi nghĩ cuốn thơ nào của anh chắc cũng đầy mơ mộng, đầy tình yêu, nhưng cũng đầy cay đắng, hận thù và chết chóc.
Chết là một vấn đề quan trọng của con người và tùy theo mỗi người quan niệm, chết có thể là khởi đầu hay chấm dứt. Hầu như nhà văn hay thi sĩ nào cũng có lúc viết về cái chết, trong đó có một số viết về tự tử hay có người đã tự tử thực sự.
Trong những tác giả viết về tự tử, có nhân vật Kiều của Nguyễn Du, Werther của Goethe, Kirilov của Dostoievski..., một số tác giả như Chateaubriand có ý định tự tử, Guy de Maupassant tự tử nhưng không chết. Một số đã tự tử thật sự , như Nhất Linh, Tam Ích, Van Gogh và nhất là người thi sĩ yêu thích của Bùi Giáng, Gerard de Nerval. Vấn đề tự tử tùy thuộc nhiều vào mỗi cá nhân nhưng cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi yếu tố văn hóa, xã hội...
Cộng Sản bài bác tự tử vì vô lý mà trong thiên đường của họ có người chán sống.
Thiên Chúa Giáo phản đối tự tử vì cho rằng Thượng Đế đã ban cho con người sự sống nên chỉ có Thượng Đế mới quyết định được sự chết.
Điều này trái với quan niệm của Albert Camus. Trong cuốn Huyền Thoại Sisyphe, ông cho rằng tự tử là một vấn đề hoàn toàn có tính cách cá nhân để cho mỗi con người hoàn toàn quyết định.
Cách nay hơn một trăm năm, nhà xã hội học Durkheim đã nghiên cứu vấn đề tự tử. Trong cuốn Le Suicide, ông phân biệt ba loại tự tử căn cứ trên mỗi quan hệ giữa con người và xã hội.
Loại tự tử đầu tiên của Durkheim là tự tử vị tha, altruistic, xảy ra với những người mà mối quan hệ vủa họ với xã hội, với cộng đồng quá bền chặt. Những cái chết của Đặng Dung, Hoàng Diệu, Nhất Linh, Nguyễn Khoa Nam... là những cái chết vị tha. Cuộc đời của họ đã như gắn liền với quốc gia, dân tộc và đồng đội. Họ tìm cái chết để giữ gìn khí tiết không những cho bản thân mình mà còn cho tập thể.
Loại tự tử thứ hai, anomic, xảy ra khi con người phải đối phó với những thay đổi bất ngờ của xã hội và tương quan giữa con người với ngoại giới bị mất thăng bằng. Trong văn học thế giới, Maiakovski tự tử vì thất vọng với chủ nghĩa Cộng Sản, Stephen Zweig tự tử vì sự sụp đổ của nền văn minh Âu Châu. Mishima, tác giả Kim Các Tự, tự tử vì sự suy sụp của tinh thần võ sĩ đạo của Nhật.
Loại tự tử thứ ba, vị kỷ hay egoistic, xảy ra đối với những người gặp khó khăn trong mối giao tiếp với xã hội xung quanh.
Nếu căn cứ trên thi văn, thì cái chết của Nguyễn Tất Nhiên, theo Durkheim, là một cái chết vị kỷ. Cũng như Khuất Nguyên, tác giả tập thơ Ly Tao đời xưa đã gieo mình xuống sông Mịch La vì thấy "Đời đục cả một mình ta trong. Đời say cả một mình ta tỉnh". Nguyễn Tất Nhiên có lẽ không bao giờ thích ứng được với xã hội xung quanh. Anh đã luôn sống cô đơn như một linh mục "không mặc áo nhà dòng - nên suốt đời hiu quạnh - nên suốt đời lang thang." Anh không chỉ gặp khó khăn với những người tình mà cỏn đối với cuộc đời:
mỗi cuộc sống phải mua bằng nhục nhã
mỗi mặt trời, phải trả giá một hoàng hôn.
Từ đó anh đã phải thu mình vào chính bản thân:
khi mòn mỏi, nghe đời mình trắc trở
hơn lúc nào tôi quá đỗi thương tôi.
Khuynh hướng thu những cảm xúc cay đắng vào chính bản thân này có lẽ là một yếu tố khiến Nguyễn Tất Nhiên lúc nào cũng nghĩ đến thế nào rồi tôi cũng giết tôi, vì theo phân tâm học, tự tử là hướng cái bản năng hủy phá vào chính bản thân mình.
Nhắc đến Nguyễn Tất Nhiên, tôi liên tưởng đến Hemingway. Tuy Hemingway không gặp khó khăn nhiều với cuộc sống như Nguyễn Tất Nhiên, nhưng ông cũng tự tử vì bất mãn với chính bản thân. Hai con người là hai cuộc sống, hai cách sáng tác khác biệt. Nhưng cả hai đều phải trải qua những giai đoạn trầm cảm (depression) và cả hai đều đã viết nhiều về cái chết.
Trong những tác phẩm của Hemingway, gần như luôn có các nhân vật nằm chờ chết. Catherine Barkley trong A Farewell to Arms chờ chết trong một bệnh viện ở Lausanne,còn Hanry nằm hấp hối dưới chân núi Kilimanjaro và Robert Jorden của For Whom The Bell Tolls chờ chết tại một vùng rừng núi hiểm trở Tây Ban Nha. Trong khi đó, ở trong thơ Nguyễn Tất Nhiên, cái chết cũng thường xuyên là một dự tính:
Tôi còn đứng bên bờ sông giá lạnh
Cho một mưu toan tự tử âm thầm.
hoặc:
Thế nào rồi tôi cũng giết tôi
Xin hận thù em suốt cuộc đời.
Một điều nữa là cả Hemingway lẫn Nguyễn Tât Nhiên đều coi mưa như một biểu tượng. Những cơn mưa tầm tã ngày đêm ướt đẫm cái không khí buồn thảm của A Farewell To Arms. Nhân vật Catherine trong truyện đã nói: "Tôi sợ trời mưa, vì thỉnh thoảng tôi thấy mình chết trong mưa." Nhưng rồi cuối cùng cô cũng chết và đoạn kết của cuốn truyện là Henry lủi thủi bước về một mình trong mưa. Mưa cũng đã ướt đẫm những cuộc tình của Nguyễn Tất Nhiên, kể từ buổi hẹn hò:
người tóc xõa ngang vai
bước qua chiều mưa nhỏ
rồi cuộc tình trở thành trắc trở
đưa em về dưới mưa
xe lăn đều trên dốc
chờ tình nhau mệt nhọc.
và sau đó chỉ là tiếc nhớ:
giọt mưa xanh mấy tuổi nàng
tôi nghe lá rụng như vàng áo xưa.
Có lẽ hơn nữa những bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên đã viết về mưa. Mưa trên ngọn trúc đào, mưa vỡ trên tượng Chúa, mưa ướt ngọn lông măng, mưa về phai tóc nhuộm...
Nếu mưa là một trong những hình tượng thể hiện cho những mối tình buồn của Nguyễn Tất Nhiên, một đặc tính khác của trạng thái trầm cảm trong tâm hồn Nguyễn Tất Nhiên là hướng về dĩ vãng. Đọc hết cuốn thơ của Nguyễn Tất Nhiên, tất cả đều là hoài cảm:
tôi có cánh buồm tấp về ký ức
em có chỗ ngồi quên lãng như mây
hoặc:
tro tàn hơi ấm lần đưa
ba năm nhớ lại cũng vừa đủ đau
Hoài cảm lúc nào cũng tạo cho con người một cảm giác bình yên, có lẽ một phần vì niềm đau không còn tác dụng nữa. Phần khác, theo nguyên lý Niết Bàn của Freud, đó là khuynh hướng của con người mỗi khi gặp khó khăn, lại tìm về tuổi thơ vô tư của mình, mà tuyệt đối của trạng thái vô ưu là giai đoạn còn nằm trong bụng mẹ. Cái ám ảnh Nada (hư không) của Hemingway có lẽ cũng là tiếng mời gọi của trạng thái vô ưu đó.
Là thi sĩ, Nguyễn Tất Nhiên chắc không cần biết đến Freud và cũng không thể nào chấp nhận được một cách phân loại máy móc và tổng quát của Durkheim. Đối với anh, mỗi con người là một chủ thể tự do, riêng biệt, cho nên anh đã thách đố Thượng Đế, tự giành lấy quyền quyết định về sự kết thúc của chính bản thân anh:
Phải khép mặt sớm hơn giờ thiên định
Vì Thượng Đề từ lâu kiêu hãnh
Nắm trong tay sinh tử của muôn người.
Anh cũng đưa ra nhận định về sự sống và sự chết:
mỗi cuộc đời, một lý lẽ, bất an
mỗi cuộc chết, có một hình thức, khác.
Bất an là một đặc tính căn bản của đời sống tình cảm mỗi con người, khi phải sinh ra và phải đối diện với cái bao la của vũ trụ, với cái bí ẩn mịt mùng của sự sống và cái chết. Con người trốn chạy nỗi cô đơn, đi tìm sự bình an bằng cách gửi gấm, chia xẻ và hòa đồng tình cảm của mình vào một người, một gia đình, một đoàn thể, một niềm tin hay lý tưởng.
Với Nguyễn Tất Nhiên, anh đã dồn hết cảm xúc vào trong thơ và vào những cuộc tình. Nhưng tâm tư anh đã cảm thấy bất an ngay khi cả anh được yêu:
Hôn nát mặt sao vẫn còn nghi ngại
Nhớ điên đầu sao cứ sợ chia tan.
Nhưng rồi mối tình của anh cũng đổ vỡ:
Thế nào rồi em cũng bỏ tôi
Như những hoàng hôn bỏ mặt trời
và anh đã trở nên cay đắng với tình yêu:
mỗi đắm đưối có một mầm, gian ác
mỗi đời tình, có một thú, chia ly.
Tuy nhiên, không thể nói Nguyễn Tất Nhiên hoàn toàn ở trong tháp ngà. Trước 1975, xã hội miền Nam tuy loạn lạc nhưng cũng đủ tự do và tình người để anh sáng tác và mơ mộng, làm con chim tuyệt vọng bỏ quên trời. Nhưng anh không thờ ơ với thảm họa của đất nước, anh vẫn xúc động trước những cảnh đau thương tang tóc:
Chiều Quân Đội Nghĩa Trang
Chiều mệnh danh Tổ Quốc
Có muôn ngàn câu kinh
Có muôn ngàn tiếng khóc.
Tới 1975, trước thảm trạng di tản, anh cảm thương những thương binh cộng Hòa:
Về trên nạng gỗ mà trông
Lô nhô lãnh đạo cong lưng bôn đào.
Sau đó, sau năm 1975, bản tâm nhân hậu của Nguyễn Tất Nhiên dĩ nhiên phải gặp khó khăn với chế độ mới. Anh đã viết những bài thơ hiện thực:
Những đôi mắt ngó lườm lườm
Những nanh vuốt thú ẩn trong dáng người
Anh đã phải cố gắng:
Ta gượng sống giữa bao trùm nỗi chết
Ta khăng khăng cầm giữ nụ hoa hồng.
Mấy năm sau anh ly hương sang Paris, nhưng tâm hồn vốn nhạy cảm của Nguyễn Tất Nhiên trước những đau thương của đất nước đã bị chấn động mạnh hơn:
Có lẽ em không hay
Đôi cánh chàng đã gãy
và rồi thêm một lần lưu vong sang Mỹ:
Quê hương đã lìa
Người tình đã xa
Bạn bè đã tàn
Mọi thứ đã rã tan cùng đại dương xanh.
Nguyễn Tất Nhiên lại đi tìm cái chết và lần này anh đã thành công.
Là một độc giả yêu thơ Nguyễn Tất Nhiên, tôi đã viết về cái chết của anh. Suốt đời tôi kính phục Đặng Dung, tác giả bài thơ Thuật Hoài đã nhảy xuống biển tự tận khi bị giặc bắt trên năm trăm năm trước. Đời sống và cái chết của Đặng Dung đẹp như bài thơ của ông.
Nhưng sự nghiệp của Đặng Dung đã đặt ông lên ngôi cao của những anh hùng. Con người ông vượt xa mọi nhỏ nhen hèn mọn của cuộc sống "Vô cùng thiên địa nhập hàm ca - trời đất vô cùng một cuộc say."
Vì thế tôi cảm thấy gần gũi hơn với Nguyễn Tất Nhiên. Không phải vì anh cùng lứa tuổi hoặc vì tôi đã có may mắn một lần thấy mặt, mà vì thơ anh, con người anh đã thể hiện những khía cạnh đam mê, hờn giận, ganh ghét, ân hận của đời sống một cách rất dễ thương. Tuy anh chỉ làm thơ cho chính anh, anh tự nhận là một linh mục bị thiêu hủy lầu chuông, không có tín đồ, nhưng khi đi "phổ lời tình nhân gian - thành câu thơ buồn bã", anh đã viết ra tâm trạng mỗi con người bình thường ít ra là trong một giai đoạn nào đó.
Thi sĩ là người nào nếu không phải là những người đi rao giảng lời tình nhân gian nên nếu Nguyễn Tất Nhiên có viết về những mối tình buồn bã, điều đó chỉ giúp anh có một chỗ đứng biệt lập trong văn chương mà thôi.
Hoàng Dung
(Cõi Trời Cõi Ta - Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương 2011)