Nguyễn Hiền
Người Việt cao tuổi ở Hòa Lan sử dụng những phương cách săn sóc tại nhà ra sao?
“Sử dụng săn sóc tại gia nơi người Việt cao niên” là tựa đề bài phúc trình nghiên cứu của Cung May Thai để kết thúc chương trình học của cô về Quản trị và Ðiều hành trong Săn sóc Sức khoẻ, thực hiện năm 2012 trên một số người Việt cao tuổi đang cư ngụ ở Hòa Lan.
Săn sóc tại gia ở Hòa Lan có hai dạng chính:
1. Săn sóc thường xuyên tại nhà do một người không phải là chuyên viên săn sóc. Người này thường là thân nhân. Người được săn sóc có thể tự lập một phần, nhưng cần sự coi sóc thường xuyên của một người khác để có thể phụ một tay ngay tức thời.
2. Săn sóc thường xuyên tại nhà do người được huấn luyện chuyên môn trong lãnh vực này. Trường hợp này thường là khi người cần săn sóc đã mất nhiều chức năng để có thể tự lo những nhu cầu hàng ngày cần thiết, và những thiếu sót đó đòi hỏi phải do một người đã được huấn luyện chuyên môn đảm nhận, để có thể đối phó với những tình huống khẩn cấp, hay việc chăm sóc cần có những đồ phụ trợ đặc biệt.
Việc chăm sóc tại gia cho những sắc dân ngoại quốc phức tạp hơn, vì nó có liên hệ đến những nền văn hóa, tôn giáo khác hơn những gì người Hòa Lan từng quen. Quan hệ giữa những thành viên trong gia đình cũng không giống nơi gia đình Hòa Lan. Bởi vậy có những tổ chức như ZonMw đã đề ra chính sách “liên văn hóa” cho công tác săn sóc người già tại nhà.
Cuộc nghiên cứu được thực hiện dưới dạng nghiên cứu tài liệu, kèm theo phỏng vấn một số người Việt cao niên ở Hòa Lan đang hưởng một trong hai chế độ này.
Theo tài liệu của Văn phòng Thống kê Trung ương được dẫn ra trong cuộc nghiên cứu, vào năm 2011, trong số 19.500 người Việt ở Hòa Lan có 3171 người trên 55 tuổi. Người Việt ở Hòa Lan khi về già thường không có ý định trở về nguyên quán. Thời gian cư ngụ trung bình của người Việt ở Hòa Lan (12,2 năm) cao hơn so với những người Ghana (7,1 năm) hay Irak (2,6 năm). Cộng thêm với sự lão hóa tự nhiên của khối người Việt ở Hòa Lan, tỉ lệ người cao niên trong tương lai sẽ gia tăng.
Nhưng người Việt ít khi sử dụng những chế độ săn sóc tại gia theo quy định của xã hội Hòa Lan. Nếu cần, họ sẽ để cho người thân thuộc trong gia đình lo liệu việc săn sóc tại gia. Họ ít chịu để chuyện này cho chuyên viên săn sóc làm, một phần cũng vì giới hạn ngôn ngữ. Người giữ nhiệm vụ săn sóc thường là con cái, những giao tiếp với xã hội cũng thường phải qua trung gian con cái. Do ảnh hưởng của Khổng giáo, danh dự gia đình là trên hết. Con cái có bổn phận phụng dưỡng cha mẹ, cùng cực lắm mới phải nhờ đến người ngoài. Những khó khăn trước hết phải được giải quyết trong vòng gia đình.
Săn sóc tại nhà do người thân bao gồm chăm sóc nhà cửa, săn sóc cá nhân, phục dịch trong điều dưỡng và nâng đỡ dìu dắt. Nơi người Việt tị nạn cao tuổi, nhiệm vụ chính của săn sóc tại nhà do người thân là chăm sóc nhà cửa và nâng đỡ dìu dắt (thường xuyên ở bên cạnh, cùng nhau đi chợ hay giải quyết giùm những chuyện hàng ngày).
Người Việt rất hiếm khi than thở khi đau vì bịnh. Ðể lộ cảm xúc là dấu hiệu của sự yếu kém, nhất là biểu lộ cảm xúc với bậc trưởng thượng như cha mẹ hay thầy giáo. Khi bị bệnh nặng không còn cứu vãn nữa, họ thường coi đó như là phần số. Với những nền văn hóa khác, thái độ này thường được coi như là mau chóng đầu hàng.
Cho dù những người Việt có ý tưởng tốt đối với hình thức săn sóc nhắm vào người cao tuổi ở Hòa Lan, nhưng ít người chịu sử dụng đến hình thức săn sóc tại gia, có lẽ vì họ chưa quen với hình thức này, vốn chưa phổ biến ở Việt Nam, một quốc gia trong đó con cái có bổn phận nuôi dưỡng cha mẹ già yếu. Trong 10 người đang thường xuyên săn sóc người thân, có tới 9 người cho biết chưa thấy có nhu cầu đòi hỏi một sự chăm sóc tại gia, nhưng họ sẵn sàng tìm hiểu thêm khi thấy thực sự có nhu cầu này.
Khi được hỏi về sự chấp nhận được săn sóc tại gia do chuyên viên, những người đang được thân nhân săn sóc đã đưa ra nhiều ý kiến khác biệt nhưng ta có thể thấy là họ sẽ chấp nhận khi việc săn sóc đòi hỏi những công việc đặc biệt, và đừng có quá nhiều can thiệp vào đời tư. Những người đang có nhiệm vụ chăm sóc người thân thường xuyên thì cảm thấy có nhu cầu được chuyên viên chăm sóc thêm khi nào công việc chăm sóc với họ thành quá nhiều. Trên thực tế, ngày càng khó khăn hơn trong việc kết hợp công việc với chuyện sinh hoạt trong nhà riêng cho chính họ, rồi đồng thời cũng còn phải chăm sóc người thân thường trực. Ở Hòa Lan ngày càng có nhiều gia đình người ngoại quốc có hai người đi làm, rồi phải có bổn phận lo cho con cái, sự săn sóc dành cho người thân trở thành một gánh nặng. Với họ, thật là khó khăn khi phải kết hợp đủ thứ bổn phận với công ăn việc làm. Trong khi đó người đang được săn sóc lại cảm thấy khó chịu khi họ phải chấp nhận hưởng sự săn sóc từ những người không phải thân nhân.
Một số đề nghị đã được tác giả nêu ra để giải quyết những khó khăn này, đó là phải có những kế hoạch cải tiến sự chăm sóc qua những hình thức:
– Hướng dẫn thêm và tư vấn về chăm sóc sức khoẻ do những chuyên viên hướng dẫn bằng tiếng mẹ đẻ của những sắc dân ngoại quốc.
– Tạo những khóa hướng dẫn thêm về Chăm sóc trong gia đình.
– Tạo những nhóm đơn vị gia cư cho những người cao tuổi có gốc ngoại quốc.
Ngoài ra điều rõ ràng là chưa có nhiều người hiện đang lo chăm sóc người thân thấu hiểu về những gì hệ thống chăm sóc sức khoẻ cho người già có thể cung ứng cho họ. Với nhóm người này cần phải có những buổi chỉ dẫn thêm.
***
Trên đây là một số điểm đáng ghi nhận, được lọc ra từ tập phúc trình nghiên cứu của Cung May Thai. Rất tiếc là công trình khảo cứu, do thời gian và do hoàn cảnh khách quan, đã không thu hút được số lượng đối tượng phỏng vấn đủ nhiều cho một kết luận có tính thống kê khoa học. Về phần nghiên cứu tài liệu, tác giả tập phúc trình cho biết vì số lượng quá hạn hẹp trong số tài liệu viết cho người Việt, đã phải dùng nhiều đến những tài liệu viết cho các sắc dân khác như Maroc, Thổ Nhĩ Kỳ, Suriname… Những tài liệu nghiên cứu về vấn đề săn sóc sức khoẻ cho người cao tuổi trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ cũng không thể dùng được vì những người Việt ở đây sống trong một cộng đồng xã hội rộng lớn bao gồm nhiều người Việt sống chung với nhau cho nên họ có những vấn đề khác hơn ở Hòa Lan.
Cho dù chúng ta có thể nhận ra một số điều quen thuộc do đã trải nghiệm qua bản thân, hay qua suy nghĩ, nhưng bản phúc trình này đã mang đến những bổ túc cần thiết cho một vấn đề trong tương lai sẽ trở nên quan trọng trong cộng đồng người Việt di dân ở Hòa Lan. Cuộc nghiên cứu đã mở ra một bước đầu cho những ai muốn đi sâu thêm trong lãnh vực này.
Nguyễn Hiền