Đài Phát thanh Úc Châu


Người Việt ở Campuchia



Phỏng vấn do Đài Phát thanh Úc Châu thực hiện

So với Việt Nam, Campuchia là một nước tương đối ít dân. Dân số hiện nay của Campuchia chỉ có khoảng gần 12 triệu người. Tuy nhiên, cũng giống như Việt Nam, Campuchia là một quốc gia tương đối thuần chủng, có thể được xem là thuần chủng nhất tại vùng Đông Nam Á. Nếu ở Việt Nam, người Kinh chiếm đại đa số thì ở Campuchia, người Khmer cũng giữ vị thế tương tự hoặc hơn thế nữa, với khoảng 90% dân số cả nước.

Ngoài người Khmer, tại Campuchia còn có một số sắc dân khác, trong đó đông nhất là người Hoa, người Việt Nam, người Chàm và một số dân thiểu số khác sống trên các vùng cao nguyên. Người Hoa đã đến Campuchia từ thời Angkor, tức cách đây cả ngàn năm. Từ khoảng 200 năm trở lại đây, số lượng người Hoa di cư đến Campuchia càng ngày càng nhiều. Trước năm 1975, người Hoa nắm phần lớn các hoạt động kinh tế của Campuchia, được xem là thành phần giàu có nhất nước. Hiện nay, ưu thế ấy đã giảm nhưng phần lớn người Hoa vẫn tập trung trong các thành phố lớn và vẫn có ảnh hưởng rất đáng kể về kinh tế và thương mại. Người Chàm thì đến Campuchia từ lâu, cách đây nhiều thế kỷ, phần lớn theo Hồi giáo và làm các nghề chăn nuôi, trồng trọt hoặc chài lưới.

Riêng người Việt Nam thì có một lịch sử khá đặc biệt. Một số khá đông qua Campuchia sinh sống từ thời Pháp thuộc; nhưng nhiều nhất là sau năm 1975, nhất là trong thời gian quân đội Việt Nam chiếm đóng Campuchia. Quan hệ giữa người Việt Nam và người bản xứ tại Campuchia có lúc căng thẳng và đẫm máu. Để tìm hiểu về cộng đồng người Việt tại quốc gia láng giềng này, ngày 10/09/2004, phóng viên Minh Nguyệt của Đài Phát thanh Úc châu (Radio ABC) đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Khậy, tác giả cuốn biên khảo "Kampuchea trong bối cảnh chiến tranh Đông Dương" xuất bản tại Úc vào năm 2003.

*

Minh Nguyệt: Trước hết, xin anh cho biết người Việt Nam sang sinh sống tại Campuchia trong những thời điểm nào? Và lý do tại sao họ phải di cư sang Campuchia?

Nguyễn Văn Khậy: Khi người Pháp cai trị toàn cõi Đông Dương, đa số người Việt sang đất bạn làm công chức, tư chức, nhân viên xã ấp cho chánh phủ Cao Miên. Số còn lại là tín đồ đạo Thiên Chúa lánh nạn tôn giáo dưới triều vua Tự Đức.

Nhóm người Việt các tỉnh miền Bắc, năm 1920 di dân theo cuộc khai mở các khu đồn điền cao su của Pháp, gọi là dân ‘công tra’, số nầy lên đến cả 100.000 người.

Người Việt các tỉnh ven biên như: Châu Đốc, Rạch Giá, Tây Ninh... theo dòng người di cư đến làm trong các khu đồn điền mới khai mở. Một số khá đông sống ở vùng Biển hồ để đánh bắt cá.


Minh Nguyệt: Hiện nay có khoảng bao nhiêu người Việt ở Campuchia?

Nguyễn Văn Khậy: Hiện nay có khoảng 1 triệu người, xin tạm phân chia ra:

– Khoảng 3 - 400 ngàn thời Pháp thuộc, tức công tư chức, thầy giáo, bác sĩ... nay đã bị đồng hóa thành dân tộc Khmer. Họ nói giỏi tiếng Miên, có điền sản, nhà cửa sống xa thành phố. Có thể nói họ không còn biết tổ tông, quê cha đất tổ là gì.

– Nhóm người Việt là “ngư phủ “ sống dọc theo sông Mêkong, vùng Biển Hồ. Con số nầy lên xuống khó kiểm vì vấn đề an ninh của vương quốc (trước và sau 1975).

– Nhóm người Việt sau năm 1993 quay trở lại thủ đô Nam Vang buôn gánh bán bưng sống qua ngày. Tuy là nhóm nhỏ như: thợ mộc, thợ hồ xây cất, thợ sửa xe, thợ hớt tóc, uốn tóc... đây là nguồn nhân lực sống dễ dàng trên đất khách.


Minh Nguyệt: Người Việt ở Campuchia thường làm nghề gì? Và mức sống chung của họ so với người Campuchia thì như thế nào?

Nguyễn Văn Khậy: Nếu là thị dân thì họ thuê mướn nhà buôn gánh bán bưng, sống tạm vào các khu phố chợ đông người. Đỡ vất vả hơn họ chạy xe Honda ôm, làm thợ hớt tóc, thợ mộc, thợ hồ, sửa xe... Đây là nguồn nhân lực sống dễ dàng trên đất khách. Họ kiếm được mỗi ngày từ 15.000 đến 24.000 riel (khoảng 4 đến 6 mỹ kim).

Đây chỉ nói thị dân. Còn dân cạo mủ thì hưởng theo chế độ “xã hội chủ nghĩa” trong các khu đồn điền cao su. Còn phần đông người Việt ở Biển Hồ, sống nhờ vào con nước, nổi trôi trên thuyền bè bằng nghề đánh bắt cá, khó lòng lượng định sự nghèo giàu đúng mực.

Minh Nguyệt: Thưa anh, phần lớn người Việt ở Campuchia có nói tiếng Việt và học tiếng Việt hay không?

Nguyễn Văn Khậy: Theo thống kê của Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp, khoảng 500.000 người nói được tiếng Việt; 500.000 người đang học tiếng Việt, hiểu nghĩa tiếng Việt.

Minh Nguyệt: Trước năm 1975 cũng như sau này, thỉnh thoảng lại xảy những vụ người Việt Nam định cư tại Campuchia bị người bản xứ thảm sát, hay gọi theo tiếng Miên là cáp duồn. Trước hết, xin anh giải thích "cáp duồn" có nghĩa là gì?

Nguyễn Văn Khậy: Cáp là chặt, còn duồn là người Việt. Tuy nhiên, từ "duồn" xưa rồi, không còn sử dụng mấy nữa.

Minh Nguyệt: Thưa anh, tại sao lại có những vụ cáp duồn như thế?

Nguyễn Văn Khậy: Tôi xin trả lời theo tuần tự của thời gian. Thời Pháp thuộc, người Campuchia bị xách động để trả thù người Việt. Những Việt kiều ở ven các xã Prasath, Soknok, Bavet tỉnh Swayrieng, các tỉnh Kan dal, Preyveng dọc theo sông Tiền Giang gần ranh giới bị thiệt thòi về điền sản, có người mất ít từ 5-20 mẫu, có người mất nhiều cả 100 đến 200 mẫu. Người Miên tung khẩu hiệu: "Đất Miên trả lại dân Miên". Lý do dễ hiểu là người Miên lười không chịu canh tác, trong khi người Việt siêng năng cần cù hơn, lại biết hợp tác với nhau trong việc phá rừng, lập rẫy theo sự khích lệ của chánh phủ Miên, họ được cấp giấy phép canh tác.

Tôi xin tóm giai đoạn Tổng thống Lon Nol cầm quyền 1970, người Việt bỏ của chạy lấy người. Họ áp dụng chính sách khủng bố và xua đuổi hơn chém giết như thời Pháp. Việt kiều tràn ngập về đến Sàigòn, nhiều nhất lúc đó là ở khu Phạm Thế Hiển. Trông họ thật lạc lõng giữa “chợ đời” đồng bào ruột thịt, từ cách ăn mặc đến giọng nói.

Thời Pol Pot cầm quyền: Mở đầu chiến dịch là thái độ xua đuổi, khủng bố, nhưng động cơ chính của sự ra đi ồ ạt là nạn thảm sát kinh hoàng.

Trước nạn "cáp duồn", người Việt bị chặt đầu cách dã man. Rồi 41 người bị giết, đầu lìa khỏi xác, trong hai vụ tấn công của Khmer Đỏ. Có hơn 10 vụ thảm sát tập thể người Việt, nạn nhân lên tới 100 người.
Đó là những đợt đầu. Lâu lâu lại có tin người Việt bị chặt đầu, khi thì bốn người khi thì 8 người, ở nhương địa điểm khác nhau. Một số đàn ông Việt thoát chết khai báo với Uỷ Ban Điều Tra Liên Hiệp Quốc rằng bọn giết người mặc quân phục Khmer Đỏ, tức kiểu do Mao-Trạch-Đông thực hiện cho Hồng quân Trung quốc. Ít nhất 20 tên tham dự vụ giết người Việt nầy, với vũ khí trên tay. Chúng đã nã nhiều tràng đạn AK 47 vào làng xóm có người Việt cư ngụ. Bất cứ người nào chúng gặp đều phải chết, bất luận già trẻ bé lớn, trẻ thơ vô tội.


Minh Nguyệt: Thưa anh, tại sao người Khmer vẫn luôn tiếp tục duy trì tinh thần ‘bài Việt’ vậy anh?

Nguyễn Văn Khậy: Có rất nhiều lý do để giải thích. Tạm chia ra 4 yếu tố:

– Trước nhất là sự khác biệt văn hoá. Người Khmer không ghét người Xiêm La (Thái) mà chỉ thù người Việt. Người Thái vì cùng văn hoá Ấn Độ, chỉ có thể là “đồng minh”, mặc dù đã là tác giả của biết bao tai họa khiến người Khmer không cất đầu lên nổi: tiêu diệt nền văn minh Angkor, chiếm hữu toàn bộ lãnh thổ phía Tây, vơ vét tài nguyên, bắt người làm nô lệ, bao che những thành phần diệt chủng... Nếu không có sự hiện diện của người Việt có lẽ quốc gia nầy đã nhiều lần bị Xiêm La xóa tên. Bằng chứng thời Pháp cai trị, người Việt từng được ơn là khai hóa họ để có sự tiến bộ nhiều mặt đến ngày hôm nay.

– Thứ hai, vấn đề tâm lý. Người Khmer luôn có mặc cảm bị người Việt hà hiếp. Tâm lý nầy là kết quả của một thời gian dài bị đô hộ bởi người Xiêm La và người Pháp, hai thế lực nầy rất sợ người Việt sẽ dần dần chiếm hữu Cao Miên. Cựu vương quốc Champa là một bằng chứng. Mặc dù là ân nhân của người Khmer trong suốt quá trình giữ nước, vai trò của người Việt tại Cao Miên thường bị hiểu lầm.

– Thứ ba, lý do lịch sử. Người Khmer có mặt tại đồng bằng sông Cửu Long trước người Việt. Lý do nầy ngày nay không còn đứng vững. Người Khmer sống trên đồng bằng sông Cửu Long từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 17 không đông vì điều kiện sinh sống khó khăn, phần lớn là những người chạy trốn sự hà khắc của các vương triều Khmer. Sau khi tiêu diệt Phù Nam, các vương triều Khmer bỏ rơi đồng bằng sông Cửu Long (như Óc Eo ở Rạch Giá giáp với vùng Tri Tôn) mà chỉ tập trung phát triển khu vực chung quanh Biển Hồ. Người Việt tuy có đến sau thật nhưng đã cùng người Hoa di cư phát triển vùng đất nầy và đang chia xẻ với người Khmer địa phương những phúc lợi chung.

– Thứ tư, lý do kinh tế. Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay trở thành trù phú trong khi khu vực Biển Hồ vẫn chìm trong nghèo khổ. Thêm vào đó cộng đồng người Việt tại Cao Miên cần cù chịu khó hơn, có mức sống tương đối cao hơn người Khmer bản địa. Sự kiện nầy có lẽ làm người Khmer không bằng lòng. Nếu đồng bằng sông Cửu Long cằn cỗi như các vùng đất phía Tây và người Khmer có mức sống ngang bằng người Việt, vấn đề tranh chấp đất đai, tâm lý và tinh thần bài Việt không đặt ra.


Cái Đình - 2004