Ngô Thế Vinh


NGƯỜI THƯỢNG ĐÔI BỜ:
TRÊN ĐẤT VIỆT TRÊN ĐẤT MỸ

 

NGƯỜI THƯỢNG Ở VIỆT NAM

Nguời Thượng là tên gọi chung cho khoảng 29 sắc dân bộ lạc sinh sống trên vùng Cao nguyên Trung phần Việt Nam, nói nhiều thứ ngôn ngữ, mặc nhiều thứ y phục, chủ yếu sống bằng du canh và săn bắn. Họ quen sống trên những ngôi nhà sàn, nuôi thêm các loại gia súc: trâu bò heo gà. Ngày nay tại một số ít buôn bản, người Thượng vẫn còn giữ được những nghi thức sinh hoạt bộ lạc cổ truyền, rất hấp dẫn và thu hút du khách.
Trước các cuộc chiến tranh, có thể nói người Thượng có một cuộc sống xa xôi cách biệt hẳn với người Kinh ở đồng bằng. Nhưng cuộc sống thanh bình ấy hầu như đã bị kết thúc kể từ Thế Chiến Thứ Hai.

Với cuộc chiến tranh Việt Pháp chín năm, lần đầu tiên người Thượng đã phải thật sự va chạm với thế giới bên ngoài. Cuộc chiến ấy kết thúc với sự thất trận của người Pháp. Hiệp định Genève chia đôi Việt Nam và chánh quyền miền Nam được giao cho quyền kiểm soát cả một vùng Cao nguyên Trung phần rộng lớn với khoảng 1.5 triệu người Thượng thuộc nhiều bộ lạc khác nhau sống rải rác trong các vùng rừng núi phía đông dẫy Trường Sơn. Ý thức được tầm quan trọng chiến lược của vùng địa bàn Cao nguyên, ngay từ những tháng đầu tiên, chánh phủ Sài Gòn đã tung ra hàng loạt các nỗ lực đồng hóa người Thượng vào đời sống xã hội người Việt mà không kể gì tới những sắc thái văn hóa đặc thù của riêng họ. Quy chế Hoàng Triều Cương Thổ riêng biệt dành cho người Thượng có từ thời vua Bảo Đại, đã bị ông Diệm hủy bỏ (từ tháng 3/1955). Có nghĩa là không còn chính sách đãi ngộ và tôn trọng quyền lợi đặc biệt của những người thiểu số. Với chính sách Dinh điền, hàng chục ngàn người dân công giáo di cư từ miền Bắc đã được đưa lên Cao nguyên định cư, xâm phạm cả những vùng đất đai màu mỡ đã từng là sở hữu của người Thượng qua nhiều thế hệ. Cộng thêm với vô số những lỗi lầm khác của chánh quyền thời bấy giờ, như ra lệnh đóng các tòa án phong tục Thượng, ngăn cấm các thổ ngữ và hạn chế số người Thượng có khả năng và có học tham gia vào các cơ cấu hành chánh. Thái độ bất mãn và không hợp tác của người Thượng và cả chống đối nữa là điều rất dễ hiểu.

Vào đầu thập niên 60, cùng với sự tham dự trực tiếp của người Mỹ vào cuộc Chiến Tranh Việt Nam – tình cảnh của người Thượng hầu như đã hoàn toàn đổi khác. Người Thượng đã tiếp đón người Mỹ bằng vòng tay rộng mở, với những ràng buộc gắn bó nảy nở từ cả hai phía. Các cố vấn Mỹ cần người Thượng giúp đỡ họ thu thập các tin tức tình báo về sự xâm nhập và di chuyển của quân đội cộng sản. Trong khi đó người Thượng lại tin tưởng rằng, những người bạn Mỹ có thể bảo vệ họ chống lại sự đe dọa từ cả hai phía người Việt, [dù là cộng sản hay không], hơn thế nữa cả bảo đảm nền tự trị của họ một mai khi cuộc chiến tranh chấm dứt.

Và trong suốt cuộc Chiến Tranh Việt Nam, người Thượng luôn luôn là nạn nhân kẹt giữa các thế lực tranh chấp. Khoảng năm 1972, giới quân sự Mỹ ước lượng rằng đã có khoảng 200 ngàn người Thượng bị chết trong các cuộc giao tranh, với khoảng 80 phần trăm buôn ấp có tự lâu đời hoàn toàn bị phá hủy và những bản đồ sắc tộc đã chẳng còn mang một ý nghĩa nào.

Đến năm 1975, bối cảnh chánh trị và quân sự Việt Nam càng ngày càng suy thoái. Sau biến cố mất Ban Mê Thuột, bằng một quyết định sai lầm có tính cách chiến lược của ông Thiệu khi bỏ Cao nguyên, với hậu quả là một cuộc di tản đẫm máu, kéo theo sự tan rã hoàn toàn của chánh quyền Sài Gòn.
Dưới chế độ cộng sản mới, hàng ngàn người Thượng do bị nghi ngờ đã sát cánh chiến đấu với người Mỹ, bị hành hạ tù đày trong các trại cải tạo, một số lãnh tụ Thượng bị hành quyết và những người dân Thượng sống trong các buôn bản cũng bị kiểm soát rất chặt chẽ.
Một số người Thượng khác đã chọn cầm vũ khí, tìm tự do trong rừng sâu, chống lại chế độ mới. Nhưng họ đã bị tổn thất nặng nề do nhà nước Hà Nội có hỏa lực nhiều lần mạnh hơn. Nhóm người Thượng này đã phải chạy sang Lào rồi Cam Bốt cuối cùng cho dù kiệt sức, họ cũng thoát được sang được Thái Lan. Qua bao nhiêu vận động và thủ tục, lần đầu tiên có một nhóm đông đảo 213 người Thượng được vào Mỹ và cuối cùng đi định cư ở tiểu bang North Carolina, nơi có những người bạn cựu chiến binh Mũ Xanh Mỹ chờ đón và giúp đỡ họ.

Vẫn tại Việt Nam, với không ngừng các đợt di dân lên Cao nguyên, cho tới năm 2000, dân số trên các tỉnh Tây nguyên đã tăng vọt lên tới con số 4 triệu, mà đa số lại là người Kinh đến từ đồng bằng. Chỉ còn khoảng 1 triệu người Thượng với ngót 30 các sắc tộc bao gồm 6 bộ lạc lớn chính như: Jarai (320 ngàn), Rhadé (258 ngàn), Bahnar (181 ngàn), Koho (122 ngàn), Mnong (89 ngàn) và Stieng (66 ngàn). Và người Thượng nay trở thành thiểu số trên chính vùng đất đai vốn là quê hương của họ.

Với áp lực di dân khổng lồ và ồ ạt của người Kinh [do chính sách của Nhà nước cộng sản hoặc từ các cuộc di dân tự phát], người Thượng hầu như không còn không còn có được một khoảng không gian sinh tồn, họ không có cách nào duy trì được nếp sinh hoạt du canh truyền thống vì họ đã hoàn toàn bị tước đoạt quyền kiểm soát đất đai trước đây là của họ. Họ phải chấp nhận sinh sống trên từng mảnh vườn nhỏ, làm thuê trên những vùng trồng trà hay cà phê của người Kinh; họ cảm thấy bị kỳ thị và bị bóc lột ngay trên vùng đất đai vốn là của tổ tiên họ.

Tôn giáo nguyên thủy của người Thượng là đa thần và thờ cúng những vật linh, với nhiều nghi thức thường thấy như cảnh giết trâu hay súc vật khác trong các buổi tế lễ. Nếp sinh hoạt ấy vẫn còn được duy trì nơi một số ít buôn bản Thượng ở Việt Nam.
Nhưng cũng do có các đoàn truyền giáo Tây phương [Pháp và Mỹ] hoạt động rất mạnh trên Cao nguyên từ những thập niên 1930, càng ngày càng có đông số người Thượng theo đạo Tin lành, một số khác ít hơn theo đạo Thiên chúa [có khoảng 150 ngàn theo đạo Thiên chúa].

Trong số một triệu người Thượng ở Cao nguyên hiện nay, ước định có khoảng hơn 300 ngàn người theo đạo Tinh lành _ hay còn được gọi là Tin Lanh Dega. Từ thập niên 1990, theo nhận định của Human Rights Watch, Tin Lanh Dega trở nên càng ngày càng hấp dẫn đối với người Thượng không phải chỉ có thuần đức tin tôn giáo mà nó còn được kết hợp với khát vọng độc lập và niềm kiêu hãnh về văn hóa. Đó như một kết hợp chánh trị và tôn giáo khá tinh vi. Trong những buổi lễ rao giảng đạo cùng một lúc cầu nguyện cho một quê hương độc lập không phải là hiếm có. [Dega có nguồn gốc từ tiếng Rhadé: Anak Ede Gar có nghĩa là Những Đứa Con của Núi Rừng – một từ ngữ đã được người Thượng Chính-trị-hóa / politicized để chỉ chung cho các nhóm sắc dân thiểu số sống trên Cao nguyên. Nhiều người Thượng không muốn dùng từ Montagnard vì cho đó là sản phẩm của thời thực dân Pháp.]

 

NGƯỜI THƯỢNG Ở MỸ

Vào thời điểm 1975, hầu như không có người Thượng nào có cơ hội di tản khỏi Việt Nam cho dù trước đó họ đã cộng tác rất chặt chẽ với người lính Mỹ Mũ Xanh Mỹ trong suốt cuộc Chiến Tranh Việt Nam.

Trước 1986, chỉ có khoảng không quá 30 người Thượng sống rải rác trên đất nước Mỹ. Tới khoảng năm 1987, mới có một đợt những người Thượng tỵ nạn đầu tiên từ Thái Lan tới Mỹ. Họ khoảng 200 người đa số là đàn ông, được đưa tới định cư tại tiểu bang North Carolina.
Vào tháng 12 năm 1992, thêm một nhóm khoảng 402 người Thượng từ Tây nguyên vượt biên sang các tỉnh Mondolkiri và Ratanakiri bên Cam Bốt. Giữa hai lựa chọn phải trở về Việt Nam hay được phỏng vấn cho đi định cư tại Mỹ, đa số đã chọn giải pháp thứ hai: họ gồm 269 đàn ông, 24 phụ nữ và 80 trẻ em.
Cho tới năm 2000, con số người Thượng ở Mỹ tiếp tục gia tăng. Họ bao gồm từng nhóm nhỏ người Thượng vào Mỹ, hoặc với tính cách tỵ nạn sau khi được ra khỏi các trại cải tạo của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, hoặc được đi theo các diện đoàn tụ ODP [Orderly Departure Program], diện con lai [thường cha là lính Mỹ, mẹ là những người đàn bà Thượng bị bỏ rơi lại từ cuộc Chiến Tranh Việt Nam trước đây], hầu hết cũng đều được đưa tới định cư tại North Carolina.

Theo thống kê dân số năm 2000, riêng tại bang North Carolina đã có khoảng hơn 3000 người Thượng, nơi định cư đông nhất của người Thượng bao gồm khoảng 2000 người ở Greensboro, 700 ở vùng Charlotte, 400 ở Raleigh. (1)

Vào tháng Hai năm 2001, tại Việt Nam lại xảy ra biến cố nhiều ngàn người Thượng đã đồng loạt biểu tình trên Cao nguyên đòi độc lập, đòi lại đất đai của tổ tiên và đòi quyền tự do tôn giáo. Và cũng là điều khiến mọi người khá ngạc nhiên là các phương tiện high-tech đã được người Thượng bên trong cũng như bên ngoài vận dụng rất hữu hiệu trong cuộc tranh đấu của họ như liên lạc điều hợp bằng Cellular phone, E-mail và thông tin nhanh chóng qua các mạng lưới Internet (2). Nhà nước cộng sản Việt Nam đã thẳng tay trấn áp mạnh mẽ khiến ngót 1 ngàn người Thượng phải chạy sang Cam Bốt. Mốt số đã bị quân đội cộng sản Việt Nam truy lùng và cưỡng bách trở lại Việt Nam. Phủ Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp quốc [UNHCR] đã phải can thiệp, và đa số đã bày tỏ nguyện vọng không muốn trở lại Việt Nam. Cuối cùng vào năm 2002, thêm số 900 người Thượng nữa được nhận vào Mỹ và cũng được tới định cư tại North Carolina. Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây về một tình cảm chia xẻ của cộng đồng người Việt Nam California đối với đợt những người Thượng mới tới này bằng buổi đón tiếp họ ở phi trường và một số hiện kim tượng trưng đã được quyên góp.

Những người Thượng tới Mỹ sớm trước hoặc sau, tất cả đều có mẫu số chung là những khó khăn của bước đầu hội nhập với một môi trường và cảnh vực hoàn toàn xa lạ với họ. Cho dù từ những bộ lạc sắc tộc khác nhau nhưng họ đều xuất thân từ vùng rừng núi Cao nguyên Trung phần Việt Nam. Ngôn ngữ của các nhóm sắc tộc Thượng này có gốc gác từ hai nhóm Mon-Khmer và Malayo-Polynesian. Đông nhất là người sắc tộc Rhadé.

Tưởng cần nên nhấn mạnh ở đây là những người Thượng Tây nguyên này có nguồn gốc chủng tộc khác hẳn và không có liên hệ gì với người Hmong ở Lào sống phía tây dãy Trường Sơn và các sắc tộc thiểu số khác trên vùng thượng du miền bắc Việt Nam.

Những người Thượng đã vào Mỹ, đa số theo đạo Tin lành, một số khác khoảng một ngàn người theo đạo Thiên chúa. Các nhà thờ và trường đạo dần đà trở thành định chế sinh hoạt xã hội của người Thượng sinh sống ở Mỹ.


Cũng như với những người Chăm [sống ở Việt Nam hay bên Cam Bốt] khi chọn theo đạo Hồi, tuy đó không phải là đạo gốc của họ_ người Thượng khi chọn theo đạo Tin lành, đối với họ có ý nghĩa như tìm tới một sự cứu rỗi, xác định và tìm lại một thứ căn cước chủng tộc đang bị tiêu vong và giúp họ sống còn với đầy đủ nhân phẩm và cả bảo tồn văn hóa.

Đời sống gia đình và xã hội của người Thượng khi còn ở Việt Nam, giữ nét mẫu hệ, con cái mang họ mẹï. Người đàn bà đóng vai chủ động và quán xuyến mọi chuyện trong gia đình và thường chọn chồng trong cùng một sắc tộc với mình.

Nhưng với những người Thượng di cư vào Mỹ thì nếp sống ấy đã thật sự phải thay đổi : dù là đàn ông hay đàn bà thì cũng phải cùng nhau chia xẻ công việc trong gia đình và ngoài xã hội, và đã có những cuộc hôn nhân giữa các sắc tộc khác nhau, bắt nguồn từ một nét rất đặc thù của cộng đồng người Thượng trên đất Mỹ, đó là là tình trạng “trai thừa gái thiếu”, nên đã có nhiều cuộc hôn nhân giữa người đàn ông Thượng với các phụ nữ thuộc ngoài chủng tộc như với người Lào, Cam Bốt, Việt nam và ngay cả với người Mỹ Đen hay Mỹ Trắng.

Với thế hệ thứ nhất người Thượng tới Mỹ thường gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề hội nhập, do trình độ hiểu biết rất hạn chế lại thêm sự khác biệt quá lớn về phong tục và văn hóa nên đã có những va chạm với cộng đồng địa phương là điều không thể tránh, ví dụ như những vi phạm thường xuyên luật lệ ở Mỹ như say rượu lái xe, chạy xe không có bảo hiểm, các sinh hoạt nhà cửa vệ sinh thiếu tiêu chuẩn như cảnh phơi thịt cá khô trước nhà, đem bày hết đồ đạc cả ra ngoài sân...

Họ phải chấp nhận làm những công việc tay chân nặng nhọc trong các hãng xưởng, cả vợ và chồng đều phải đi làm, có người phải làm hai jobs với đồng lương tối thiểu để trả tiền nhà và nuôi đám con cái ăn học.

Với những người Thượng trẻ thuộc thế thệ thứ hai, họ có khả năng thích nghi mau chóng với nếp sống Mỹ quốc, từ trang phục cho tới cách ăn uống fast food, nói thông thạo tiếng Anh và được tới trường đi học. Nếu lớp người trẻ này được hướng dẫn và không bị lạc lối, số có học sẽ có khả năng trở thành tầng lớp lãnh đạo trong cộng đồng người Thượng trong tương lai.

 

Ngô Thế Vinh
12/2003

 

Tham khảo.

(1) Montagnards: Their History and Culture_ CulturalOrientation.net

(2) Repression of Montagnards: Conflicts over Land and Religion in Vietnam’s Central Highlands_ Human Rights Watch, April 2002.

(3) Window on a War: An Anthropologist in the Vietnam Conflict_ Gerald C. Hickey, Texas Tech Univ. Press 2002

(4) The Ethnography of Vietnam’s Central Highlanders_ Oscar Salemink, Univ. of Hawaii Press 2003.


Cái Đình - 2004