Minh Hạnh


Nghĩa trang phù phiếm Việt Nam cung cấp sự xa hoa cho người chết

 

Lời người dịch: Ðầu năm nay (2011), khi Công viên Nghĩa Trang Lạc Hồng Viên tại Kỳ Sơn (Hòa Bình) bắt đầu thành hình, trong nước chợt dấy lên luồng dư luận về công trình xây cất táo bạo với tầm mức đại qui mô này. Nhất là từ khi công ty chủ quản cử hành lễ khai trương chính thức ngày 24/09/2011, và ngay sau đó có thêm dịch vụ “cúng giỗ online” do một công ty bạn khai thác, người ta đã có nhiều phản ứng khen chê hình thức cúng giỗ hiện đại của tập đoàn khai thác. Dưới đây là bài dịch từ bài báo mang tựa đề “Glitzy Vietnam cemetery offers bling for the dead”, của Mike Ives, phóng viên hãng thông tấn AP.

***

 

Kỳ Sơn, Việt Nam – Ðây là nơi mà giới trung lưu mới nổi ở Việt Nam khi qua đời đang muốn phô trương sự lộng lẫy: một nghĩa địa mới được thành lập nằm sau khung cổng nạm vàng, cuối “Con đường Vĩnh Hằng”, nơi thân nhân có thể đặt mua trực tuyến rượu Hennessy cho người dưới mộ.

Nghĩa trang Lạc Hồng Viên đang được nhiều người đến hỏi mua đất xây mộ, nhờ những tấm bảng quảng cáo theo kiểu Las Vegas với những chọn lựa từ hạng XL cho đến nhà mồ cao cấp dành cho thân nhân quá cố. Khoảng 120.000 ngôi mộ đã được lên kế hoạch xây cất trong vòng 4 năm tới, nằm trên một mặt bằng trên sườn đồi.

“Ðất này có phong thủy tốt,” lời bà Bùi Mai Phương – một nhân viên kế toán 53 tuổi của một công ty quốc doanh đang quan sát những khoảnh đất trong một chuyến xe bus chở hai tá cư dân Hà Nội đến xem. Bà đang xem xét đến việc đầu tư 240 triệu đồng (11.430 USD) – khoảng 10 năm lợi tức của một người Việt Nam trung bình – cho một khoảnh đất rộng 320 bộ vuông (30 thước vuông).

“Chúng tôi phải lo phần tâm linh cho cha mẹ,” bà Phương nói.

Dịch vụ trực tuyến dành cho tổ tiên của nghĩa trang là dịch vụ đầu tiên thuộc loại này. Những thân nhân bận rộn trong công việc có thể mua đồ cúng cho người chết – từ hoa, gà luộc cho đến những chai rượu cognac đắt tiền – chỉ qua một cái nhấp chuột. Nhân viên nghĩa trang sẽ mang những phẩm vật này đến mộ và gửi video hay hình ảnh của buổi lễ qua email.

Khu đất mới sang trọng này làm nổi bật một số tương phản mới nổi lên trong một nước với đa số dân theo Phật giáo. Ðó là nơi những truyền thống cổ xưa đang gặp gỡ một nền văn hóa tiêu thụ điên cuồng, được kích thích bởi một trong những quốc gia Á châu có nền kinh tế phát triển nhanh nhất.

Sự xung đột được thể hiện rõ ràng nhất tại thủ đô Hà Nội và trung tâm thương mại phía Nam của thành phố Hồ Chí Minh, nơi mà ngay cả những dân mới giàu lên đang cuồng loạn trong cuộc chạy đua mua tivi màn hình phẳng và nhập xe du lịch sang trọng từ nước ngoài, vẫn còn dùng âm lịch để ghi ngày tháng và thắp nhang cho tổ tiên trong những ngôi chùa cũ kỹ nằm trong hóc hẻm.

Nhưng những mâu thuẫn này cũng đang thẩm thấu đến những vùng quê – đã từng là vùng đất yên ngủ với những cánh đồng lúa và trâu, nhưng nay đang mọc lên những khu nghỉ mát năm sao, khu công nghệ và câu lạc bộ chơi golf.

Khu nghĩa trang rộng 98 mẫu tây, tọa lạc tại phía bắc tỉnh Hòa Bình, khoảng 30 dặm (50km) phía tây Hà Nội, hy vọng sẽ hốt bạc trong trào lưu quần chúng nhờ bán được nhiều khu phần mộ được nâng cấp khi người ta cho rằng chúng sẽ bao hàm cả địa vị cao quý ngay cả khi đã ở dưới mộ.

Người Việt tôn kính tổ tiên bằng cách thắp nhang và dâng đồ cúng nơi mộ phần và trên bàn thờ gia tiên, bao gồm thực phẩm, tiền âm phủ, rượu và thuốc hút mà người ta nghĩ là để phụng dưỡng phần hồn của người thân ở thế giới bên kia. Truyền thống cũng nhắc nhở gia đình phải thăm mộ những người thân trước ngày giỗ và vào ngày Tết, ngày đầu năm theo như âm lịch Việt Nam.

Dịch vụ nghĩa trang thời thượng theo cách trực tuyến giúp cho người Việt đang sống ở những nơi khác trong nước và ngay cả ở hải ngoại một phương cách tham gia những nghi lễ truyền thống qua một chiếc máy tính xách tay hay với một thẻ tín dụng MasterCard.

“Dịch vụ này rất thuận tiện,” ông Tô Hoài Dũng – một kỹ sư 29 tuổi trong ngành xây dựng đã nói, khi ông đặt mua trực tuyến trái cây, hoa, và rượu cất tại gia cho người ông của mình. “Nó không thể thay thế việc thờ tự truyền thống, nhưng nó giúp cho chúng tôi cảm thấy thoải mái.”

Chết ở đây không rẻ. Với 8 triệu đồng (400 USD)cho mỗi thước vuông, khoảng đất nghĩa trang này được bán lẻ với giá gần bằng 4 lần giá địa ốc hiện tại ở những thị trấn gần đó. Một gia đình đã tiêu tốn 1,5 tỉ đồng (71.500 USD) cho miếng đất 200 thước vuông (2000 bộ vuông), đủ chỗ để mai táng vài thế hệ với thảm cỏ được cắt xén, bao quanh là những bụi lan và hàng rào với những trụ màu trắng. Thêm vào đó, những mộ bia được bán với giá lên tới 1 tỉ đồng (48.000 USD).

Mặc dù với trang mạng hào nhoáng, khu nghĩa trang này vẫn còn là công trình đang được xúc tiến nên chẳng có được một sự yên tĩnh nào. Nó có vẻ như là một khu mỏ bụi bậm với những chiếc xe tải đổ nền chạy ầm ầm trên “Con đường Vĩnh Hằng” trong khi những chiếc máy khoan đất đang xoáy vào những phiến mặt bằng trơ trụi trên sườn đồi.

Trần Tuấn Anh, phó giám đốc công ty tư nhân điều hành nghĩa trang, nói là có khoảng 10.000 lô đã được đặt mua. Tuy nhiên cho tới nay chỉ có 30 người được chôn cất, với một dúm thân nhân đang sử dụng dịch vụ thờ cúng tổ tiên trực tuyến (1).

Sự tiện lợi của việc nhấp-kéo-chuột có thể hấp dẫn hầu hết giới trẻ Việt Nam sành sỏi về kỹ thuật.

Hơn một nửa của đất nước với 87 triệu dân sinh ra sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975 với hơn một phần tư số người Việt sử dụng Internet, gần gấp đôi số trung bình của những quốc gia trên khắp châu Á, theo tài liệu của Liên Hiệp Quốc. Vô số người trẻ trên khắp nước bỏ cả buổi chiều để chơi trò chơi vi tính trong những quán chơi game bẩn thỉu.

Bà Phương, có cha mẹ đã gần 90, cho biết bà hiểu rằng tại sao việc thờ cúng tổ tiên theo lối trực tuyến có thể hấp dẫn lứa tuổi hai mươi. “Ðiều tốt nhất cho con cháu chúng ta là việc viếng thăm phần mộ của chúng ta,” bà nói. “Nhưng nếu chúng quá bận rộn, chúng ta đành phải chấp nhận điều này.”

Nhưng ông Nguyễn Lê Hoa, 38 tuổi, một nhân viên của Bộ Tài chính, người cũng đã tham dự một tour giới thiệu việc mua sắm phần mộ mới đây, nói là việc sử dụng Internet để đặt lễ vật dâng cúng phần mộ tổ tiên theo cách ảo này có thể phù hợp với một số người, nhưng chắc chắn sẽ không thích hợp đối với những ai tin là truyền thống vẫn còn ăn đứt tính hiện đại.”

“Trong gia đình tôi ấy hả?” ông Hoa nói. “Ðiều này sẽ không được OK đâu.”

 

Nguyên tác: “Glitzy Vietnam cemetery offers bling for the dead”, Mike Ives, Yahoo!News,  22.11.2011.
Người dịch: Minh Hạnh.

__________________________

Chú thích của người dịch:

(1) Theo ông Trần Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu Tư Xây Dựng & Thương Mại Toàn Cầu thì việc cúng giỗ online sẽ được thực hiện như sau: Khi con cái ở xa thậm chí nước ngoài, ngày rằm, mùng 1 không về được có thể lên website của Lạc Hồng Viên, qua một cái click là có thể chọn một gói cúng giỗ online với tiền vàng mã, trầu cau, đĩa xôi, con gà… Sau đó, sẽ có bộ phận dịch vụ đúng ngày giờ sẽ thực hiện cúng giỗ, thắp hương tại khuôn viên phần mộ khách hàng, sau đó gửi hình ảnh đến khách hàng. Và mục đích của cúng giỗ online, theo ông là muốn dần thay đổi quan niệm là phải đến tận nơi để hương khói, mà nay qua công nghệ hoàn toàn có thể làm được từ xa, giúp giảm chi phí cho xã hội, tiết kiệm thời gian (trích từ website của Công viên Nghĩa trang Lạc Hồng Viên, lachongvien.vn).

 


Cái Đình - 2011