Lê Ngọc Vân
Mỗi học sinh một máy vi tính riêng:
Phương cách độc đáo giải quyết nạn học chậm nơi trẻ nước ngoài của Hà Lan
Một đề nghị táo bạo đã được đem ra thử nghiệm trong trường Phổ thông Cơ sở De Snippeling
tại thành phố Deventer, nơi có tới 90% số học sinh là người nước ngoài.
Mỗi em học sinh được cấp một máy vi tính cho riêng mình, để sử dụng trong việc học.
Ngày 04/02/2010 đánh dấu một bước đột phá, không những ở thành phố Deventer mà còn trên toàn nước Hà Lan, khi đại diện cấp chính quyền và ban giám hiệu trường De Snippeling hiện diện trong buổi trao tặng 125 chiếc ‘netbook’ cho những em học sinh từ nhóm 4 (8 tuổi) trở lên. Những máy netbook này có lắp công cụ WiFi nối kết với một mạng giáo dục học tập dùng chung cho cả trường. Từ nay các em có thể thực hiện một số bài tập trong lãnh vực tính toán, luận văn, tìm tài liệu v.v… trên máy vi tính của riêng mình. Giáo viên có thể chấm bài và theo dõi trực tiếp thành tích học tập của từng em để có thể hướng dẫn hay sửa chữa kịp thời.
Công trình thực hiện mạng giáo dục này được điều hợp bởi Hội Giáo dục Phổ thông Deventer (Stichting Openbaar Onderwijs Deventer). Tổng số phí tổn là 300.000 euro, nhà trường trả phân nửa, tỉnh trợ cấp 35% và số 15% còn lại do quỹ thị xã đài thọ.
Theo ông Phó Thị trưởng Gosse Hiemstra, việc học tập qua vi tính (e-learning) có thể áp dụng cho trẻ từ 6 tuổi. Mạng giáo dục như trên sẽ là động cơ khuyến khích học sinh và cha mẹ tham gia vào việc học tập.
Ủy viên Hội đồng tỉnh Deventer, Carry Abbenhues, phấn khởi trước bước khai phá này. “Vi tính là tương lai. Hiện tại trẻ em chưa có điều kiện để sớm tiếp cận với sinh hoạt kiểu này. Mạng giáo dục học tập có thể truyền tải thông tin nhanh chóng qua cáp quang, là những phát kiến mà chúng tôi sẵn lòng đầu tư vào đó.”
Những giáo viên sẽ phải bỏ thêm giờ để soạn giáo án và tập làm quen với phương pháp giảng dạy mới, nhưng họ cho biết rất thích thú nếu phương pháp đạt kết quả. Còn những em học sinh thì rất hãnh diện có máy vi tính mang tên mình.
Để chống lại nạn học sinh những vùng lân cận đổ dồn về đây, nhà trường ra quyết định chỉ thu nhận những học sinh cư ngụ ở vùng có mã bưu điện 7417.
Những trẻ em có gốc người nước ngoài, cho dù sinh ra ở Hà Lan, khi mới đến trường, có thể ở trong tình trạng ‘hoàn toàn không biết một chữ Hà Lan nào’. Nơi một số dân nhập cư (nhất là những người theo văn hóa Hồi giáo), phụ nữ có bổn phận lo việc nội trợ. Con của những người này, cho đến tuổi đi học, chỉ tiếp xúc với ngôn ngữ mẹ. Để có thể (phần nào) đuổi kịp những bạn cùng lứa tuổi, những em này phải theo một chương trình học tập gắt gao, mỗi ngày tiếp nhận 5 từ mới, tức 1000 từ mỗi năm, để sau 8 năm có thể có đủ vốn ngôn ngữ cho tiến trình phát triển cá nhân.
De Snippeling là trường Phổ thông Cơ sở ở vùng Rivierenwijk, một trong 40 vùng ‘có nhiều vấn đề nhất’ tại Hà Lan. Những vùng này được mang tên chung là ‘vùng Vogelaar’ (Vogelaarwijk), lấy từ tên của bà Bộ trưởng Gia cư, Khu Dân cư và Hội nhập Ella Vogelaar, khi bà mở ra chiến dịch nâng cấp những vùng ‘có vấn đề’ vào tháng 03 năm 2007. Một nửa dân số trong vùng Rivierenwijk ở Deventer là người nước ngoài, đa phần là người Thổ Nhĩ Kỳ.
Hướng giải quyết sự thua sút khả năng ngôn ngữ nơi trẻ người nước ngoài bằng phương pháp học trên computer là một phương thức mới lạ. Nó mang tính đặc trưng của người Hà Lan: giải quyết vấn đề xã hội theo một phương cách táo bạo, hoàn toàn mới, nhiều khi tưởng như nghịch lý. Dân Hà Lan đã đương đầu với tệ nạn cần sa ma túy, đĩ điếm theo cách nhìn riêng của họ. Gần đây nhất, một nhóm trẻ Maroc ở Gouda đã được chính quyền địa phương ‘cho phép tổ chức đón giao thừa 2010 bằng tiền của thị xã’ (1500 euro) với mục đích làm cho họ sẽ ‘phải’ bận rộn dùng số tiền này lo tổ chức hội Tết cho họ và đồng hương, qua đó người ta hy vọng giảm bớt chuyện quậy phá vẫn thường xảy ra nơi cộng đồng người Maroc mỗi dịp lễ tết. Đây là một cách giải quyết ‘sáng tạo’, dù đạt kết quả, nhưng nó cũng đang gây tranh cãi.
Lê Ngọc Vân
(02/2010)