Nguyễn Thị Quỳnh Anh
‘Khủng hoảng tài chánh không làm tôi ngạc nhiên'
Dưới đây là bài ký giả Philippe Remarque của báo de Volkskrant phỏng vấn ông Herman Wijffels, cựu bộ trưởng bộ Nông và Ngư Nghiệp Hòa Lan, hiện là quản tri viên Ngân Hàng Thế Giới (ông chấm dứt nhiệm vụ vào đầu tháng 11/2008). Như chúng ta đã biết, cuộc khủng hoảng tài chánh xảy ra khởi đầu từ Hoa Kỳ và sau đó lan rộng ra, ảnh hưởng đến toàn thế giới. Các chỉ số bách phân giá biểu của các thị trường chứng khoán, từ Dow Jones của Hoa Kỳ đến AEX của Hòa Lan hay Nikkei của Nhật đã nằm ở mức độ thấp nhất. Khủng hoảng khởi đi tử hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán sau đó đã ảnh hưởng đến các ngành kinh tế liên hệ. Chính phủ Hoa Kỳ đã đề ra kế hoạch chống khủng hoảng tài chánh và yêu cầu quốc hội biểu quyết kế hoạch này với số tiền 700 tỷ Mỹ kim để tiếp sức tư bản, hỗ trợ các ngân hàng bị phá sản, bảo đảm cho sự lưu hành vay mượn lẫn nhau giữa các ngân hàng hầu đi đến ổn định hệ thống tài chánh. Ở Âu Châu số ngân khoản được dự trù cho kế hoạch khẩn cấp của các chính phủ vào khoảng hơn 1000 tỷ Âu kim. Sự can thiệp của nhà nước vào các hệ thống ngân hàng và bảo hiểm, một hình thức quốc hữu hóa, đã đi ngược lại nguyên tắc của kinh tế thị trường tự do được phổ biến mạnh từ thời tổng thống Ronald Reagan của Hoa Kỳ: ‘hãy để cho thị trường tự nó điều tiết'. Bài phỏng vấn được thực hiện ở Washington, trong thời gian chính phủ Hoa Kỳ vận động quốc hội biểu quyết kế hoạch khẩn với số tiền tiếp sức tư bản 700 tỷ Mỹ kim nói trên và trong bối cảnh của cuộc vận động bầu cử tổng thống Hoa Kỳ giữa hai ứng cử viên Barack Obama của đảng Dân Chủ và John Mc Cain của đảng Cộng Hòa.
(NtQA)
*
Washington – Herman Wijffels (66) vẫn còn trụ trong trung tâm cũ của thế lực: Washington. Từ nơi đây, hàng xóm của ông, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, đã gieo rắc tư tưởng tự do thị trường trên khắp thế giới. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chánh xảy ra mang ý nghĩa ‘kết cuộc chính thức của sự đồng thuận Washington', theo lời ông Wijffels. “Chúng tôi đã từng nói với mọi quốc gia họ phải làm thế nào theo mẫu mực của Hoa Kỳ. Nhưng điều đó giờ đây chỉ còn đáng tin trong sách vở mà thôi”.
Tuy nhiên ông Wijffels không cảm thấy đau buồn vì điều trên. Thỉnh thoảng ông lại còn tươi cười rạng rỡ. ‘Chúng ta đang cùng nhau đi đến một trật tự thế giới đa cực. Đó là nhiệm vụ của vị tổng thống Hoa Kỳ kế tiếp để tìm trong trật tự mới này một nơi chốn thích nghi. Một khoảng trống đẹp đẽ của lịch sử: nó nối tiếp ngay tức khắc nỗ lực thiết lập một trật tự thế giới nhất cực. Trong nỗ lực đó, chính điều ngược lại đã xảy ra. Tuyệt vời thật!'.
Nhân dân Hoa Kỳ cũng nghĩ như ông?
‘Chúng ta phải cùng nhau chia đều thế giới này để chúng ta có thể cùng nhau chung sống. Và đó là một bước nhảy đáng kể cho Hoa Kỳ. Bởi vì tâm tính ranh giới luôn cho thấy vấn đề cốt tủy là con người không chấp nhận ranh giới: nếu bạn bước đến một ranh giới, bạn sẽ vượt qua nó bởi vì bạn muốn đạt được một không gian mới'.
Ông không nghĩ rằng tư tưởng thị trường tự do sẽ quay trở lại?
‘Tôi không nghĩ thế và tôi thật sự cũng không mong muốn rằng bằng cách đó sản phẩm của một xí nghiệp sẽ phải chịu những áp lực. Nhưng do những loại khủng hoảng như thế này một bối cảnh xã hội sẽ phát sinh, trong đó các công ty sẽ phải bị đánh giá nhiều hơn trên việc đóng góp vào phúc lợi xã hội, vào việc cải thiện đời sống của những con người bình thường. Mục đích lợi nhuận tối hậu không còn là tiêu chuẩn ngự trị. Một mẫu mực đang được thăm dò, trong đó bằng những phương thức thông minh làm sao để những sản phẩm do các xí nghiệp sản xuất tự do có thể cùng đồng hành với lề luật xã hội. Đó là việc phải làm vì thế giới đang ở vào ngõ cụt'.
Vấn đề nghiêm trọng như thế sao?
‘Tất cả chúng ta đều bận rộn sống vượt lên trên các phương tiện mà chúng ta đang có. Nhân loại sống một phần tư trên mức tiêu thụ bền vững của hệ thống quân bình thiên nhiên. Thử thách lớn lao cho thế kỷ thứ 21 là với sự hỗ trợ của kỹ thuật học và sự thiết kế mới để chúng ta có thể sống làm sao không ra ngoài các giới hạn khả năng chịu đựng của quả đất'.
Hoa Kỳ có thể đóng vai trò lãnh đạo trong đó không?
‘Tôi nghĩ rằng trong lúc này Âu châu tiến xa hơn trên lãnh vực vừa đề cập. Nhưng chúng ta cũng đều biết sự chuyển hướng truyền thống và năng lực đổi mới của xã hội Hoa Kỳ. Có rất nhiều hy vọng đang hiện hành. Có những nhà đầu tư chuyển sang các phương thức bảo vệ môi sinh, như trường hợp nhà khai thác dầu hỏa T. Boone Pickens. Những dự án về khu dân cư ở New York, đó đúng là một hình thái cộng đồng mới. Trong cuộc vận động bầu cử của Obama bạn thấy cả một sinh khí lớn đang đổ dồn đến để mọi người có thể hành xử môt cách khác hơn. Vì thế những cuộc bầu cử ở đây rất thú vị'.
Tại sao ông lại chọn ông Obama?
‘Thế giới quan của ông Obama bắt đầu bằng: ‘Chúng ta là một thế giới và chúng ta đều lệ thuộc lẫn nhau. Vì thế tôi sẵn sàng đối thoại với tất cả mọi người và không nhìn thế giới trong những ý niệm nhị nguyên bạn và thù như ông Mc Cain'. Đó là quan điểm vô cùng quan trọng cho thế kỷ 21 nếu chúng ta muốn cùng nhau sinh tồn trên hành tinh này. Obama muốn chuyển sang nền kinh-tế-năng-lượng xanh và nhờ thế tạo thêm công ăn việc làm mới. Và ông muốn một xã hội không bỏ rơi những người kém cỏi nhất mà trái lại còn phải lo cho họ hưởng được các chăm sóc y tế và học vấn tươm tất. Ông làm giấc mơ Mỹ quốc trở nên toàn vẹn hơn với những bổ túc của thế kỷ 21'.
Như thế ông vui mừng gấp đôi với cuộc khủng hoảng này bởi vì nó có thể đưa ông Obama lên cầm quyền?
‘Những sự việc xảy ra không bao giờ tình cờ, tôi vẫn luôn nghĩ như thế'.
Ông thấy có bàn tay của Thượng Đế can thiệp vào trong đó không?
‘Không phải bàn tay của Thượng Đế mà là một loại luận lý học. Thành thật mà nói: tôi đã chờ cuộc khủng hoảng xảy ra cho nên tôi không có ngạc nhiên gì hết'.
Nếu bạn nhìn ra thế giới bên ngoài trong lúc này, bạn sẽ thấy: chúng ta có cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay nhưng chúng ta cũng có khủng hoảng khí hậu, chúng ta có khủng hoảng thực phẩm, chúng ta có khủng hoảng năng lượng. Trong một phần lớn của thế giới đã và đang có khủng hoảng nước, và nếu không may, chúng ta lại cón có khủng hoảng y tế với bệnh dịch hoành hành. Bạn có thể nhìn các sự việc đó như những hiện tượng riêng biệt, nhưng theo tôi thì không phải như thế. Đó là những dấu hiệu báo trước cho thấy rằng phong cách sống của chúng ta từ trước đến nay không thể tiếp tục kéo dài hơn nữa và chúng ta phải chuyển sang một thời kỳ mới'.
Sự pha trộn nào giữa chính quyền và thị trường mà ông cảm thấy hợp lý?
‘Trong nhiều trường hợp câu trả lời không nằm ở tầm mức quốc gia. Thế giới của thế kỷ 21 là một hệ thống liên hệ hỗ tương nhau. Phải có một sự phối trí mạnh mẽ giữa các chính quyền và thế giới, rồi đến lượt các công dân và các cơ sở xí nghệp phải nhận lãnh trách nhiệm của mình'.
Nhưng ta không thể đề ra luật lệ cho điều đó?
‘Nhưng có thể khích lệ. Với hệ thống cap and trade (1) bạn đã đặt một bảo hiểm cho chiều hướng tốt rồi. Và người ta chọn lựa các sản phẩm tốt hơn. Đó là một tiến trình dai dẳng, nhưng các ý thức sẽ vươn lên, tôi thấy đó là yếu tố cốt tủy của sự tiến hóa. Có nhiều người đang sử dụng xe Prius (2) chung quanh nơi này. Điều mà tôi muốn nói đang xảy ra'.
Philippe Remarque
(Nguyễn thị Quỳnh Anh chuyển sang Việt ngữ)
_____________
Chú thích của người dịch:
(1) Hệ thống Cap and Trade: Dự thảo luật liên bang ở Hoa Kỳ giới hạn sự sa thải các chất gây ô nhiễm mội sinh trong các ngành điện, vận tải và kỹ nghệ. Mục đích nhằm làm giảm thán khí (carbon dioxid) và các chất phế thải khác do các sản xuất kinh tế gây ra bằng những phương thức ít tốn kém nhưng đem lại hiệu quả cao (trong năm 2007 chi phí 60 tỉ Mỹ kim cho 2,7 tỷ tấn CO2, gia tăng khoảng 80% so với năm 2006).
Cap: Mỗi xí nghiệp hay một tác nhân gây ô nhiễm phải có giấy phép cho mỗi tấn CO2 thải ra trong bầu khí quyển. Giấy phép này sẽ xác định giới hạn có thể thực hiện được (Cap) trên số lượng các chất gây ô nhiễm mà một xí nghiệp hay tác nhân được phép thải ra,
Trade: Có những xí nghiệp có thể thải ra một cách hiệu quả các chất gây ô nhiễm môi sinh dưới giới hạn được qui định. Điều đó sẽ thuận lợi và ít gây tốn kém bởi vì xí nghiệp đó có thể sang nhượng bớt các giấy phép cho các xí nghiệp không có khả năng sa thải các chất gây ô nhiễm trong giới hạn qui định. Như thế một hệ thống sẽ được khai sinh để bảo đảm cho mức độ giảm thiểu chung các chất gây ô nhiễm môi sinh đồng thời mang lại lợi nhuận cho các xí nghiệp giảm thiểu có hiệu quả sự sa thải các hóa chất gây ô nhiễm.
(2) Prius: Một hiệu xe Nhật do hãng Toyota bắt đầu sản xuất vào năm 1997, đã bán hơn một triệu chiếc ở Nhật, Âu Châu và Mỹ Châu. Theo tính toán của hãng Toyota, các xe Prius đã giảm thiểu sa thải khoảng 4,5 triệu tấn CO2 trong bầu khí quyển. Nói một cách đơn giản, trong máy xe có hai hệ thống để đẩy xe chuyển động (hybride): một động cơ hoạt động bằng nhiên liệu và một động cơ bằng điện. Mục đích của hybride để tránh sự sa thải quá nhiều chất gây ô nhiễm môi sinh. Một số xe Prius đã bị đập phá ở Hoa Kỳ do những người không cảm thấy thoải mái với ý niệm xanh (ý thức bảo vệ môi sinh) và lo sợ xe hơi Nhật sẽ chiếm thị trường của Hoa Kỳ.