Trần Văn Đạt
Khủng hoảng lương thực
Thế giới đang thiếu gạo?
Nhiều giới quan sát quốc tế theo dõi khuynh hướng tăng giá của các nhu yếu phẩm như gạo, lúa mì, bắp và thịt từ năm 2004 và sự kiện tăng giá đột biến từ giữa 2007 đến nay. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, giá các lương thực chủ yếu đã tăng đến 40-80% hoặc nhiều hơn tại một số quốc gia phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu nội địa. Giá gạo trắng Thái 100% B hạng nhì (F.O.B Bangkok) tăng từ 245 Mỹ kim/tấn trong 2004 lên 334 Mỹ kim trong 2007, và hơn 1.000 Mỹ kim vào cuối tháng 4-2008 (FAOSTAT, 20008), gây ra tình trạng xã hội bất ổn, nổi loạn tại Mexico, Haiti ở châu Mỹ La Tinh và Caribbean; Ai Cập, Cameroon, Guinea, Burkina Faso, Mauritania, Senegal ở châu Phi; Bangladesh, Philippines, Pakistan ở châu Á. Giá gạo và các thực phẩm khác đang còn tiếp tục tăng cao, làm cộng đồng thế giới và các giới hữu trách quốc tế như Ngân Hàng Thế Giới (WB), Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), Cơ Quan Lương Nông Quốc Tế (FAO), Chương Trình Lương Thực Thế Giới (WFP), Viện Nghiên Cứu Lúa Quốc Tế ở Philippines (IRRI)… đặc biệt quan tâm theo dõi.
Vào giữa tháng 4-2008, cuộc họp giữa WB và IMF ở Washington, với sự tham dự cấp Bộ trưởng của hơn 180 quốc gia đã thảo luận tình trạng tăng giá năng lượng và lương thực cũng như khủng hoảng tín dụng làm xáo trộn thị trường chứng khoán toàn cầu. Họ đã ủng hộ “Khế ước mới về chính sách lương thực toàn cầu” (New Deal for Global Food Policy), trong đó đề ra những biện pháp ngắn, trung và dài hạn để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay. Ngân Hàng Thế Giới ước lượng 100 triệu người tại các nước nghèo có thể bị nạn đói nghiêm trọng với giá lương thực tăng lên mức kỷ lục, và kêu gọi các nước giàu và thế giới cung cấp viện trợ thực phẩm cho những nơi đang cần.
Có lẽ thời đại thực phẩm giá rẻ không còn nữa sau gần một thế kỷ các nước phát triển xem nhẹ tầm quan trọng của ngành nông nghiệp, trong khi theo đuổi tiến trình công nghiệp hóa và thực hiện chính sách bao cấp hỗ trợ nông dân từ khâu sản xuất đến thị trường xuất khẩu. Do đó, giá thực phẩm ở Bắc Mỹ và Tây Âu luôn luôn thấp, với mức tăng hàng năm không đáng kể so với các lãnh vực khác như dịch vụ, nhà ở và vận chuyển trong những thập niên vừa qua. Cuộc Cách Mạng Xanh cuối cùng xảy ra từ thập niên 1970 đến giữa thập niên 1990 đã làm cho giá thực phẩm thế giới, nhứt là lúa gạo xuống thấp, có lợi cho giới tiêu thụ đô thị và thành phần nghèo; tuy nhiên, đời sống nông dân trồng lúa tại các nước đang phát triển vẫn còn nghèo khó đến nay, vì họ không được nhà nước hỗ trợ đúng mức như các nước công nghiệp đang làm.
Tình trạng phát triển kinh tế bất quân bình trên thế giới kéo dài nhiều năm qua, đã đến thời điểm cần có những giải pháp công bình hơn cho các nước đang sống với nghề nông nghiệp. Hiện nay, giá lương thực thế giới lên cao, nhưng người sản xuất không có lợi ích gì, trái lại còn bị lỗ lã vì giá các nhập lượng trợ nông như phân hóa học, thuốc sát trùng, thuốc diệt cỏ, nhiên liệu, nhân công… cũng tăng cao không kém. Hơn nữa, ngay trong những nước xuất khẩu gạo, giá của loại lương thực này cũng tăng lên cao và khó kiềm chế. Rõ ràng tình trạng cung cầu không phải là yếu tố duy nhứt trong bài toán kinh tế thực phẩm hiện nay, ít nhứt đối với lúa gạo, một nhu yếu phẩm quan trọng cho hơn 3 tỉ người trên thế giới. Thị trường Mỹ không thiếu gạo vì là nước xuất khẩu gạo, nhưng giới tiêu thụ ăn gạo xôn xao, giá gạo vẫn tăng lên cao do ảnh hưởng thế giới, nhứt là từ châu Á.
Sản xuất lúa gạo toàn cầu trong 40 năm qua (1966 đến 2006) vẫn tăng gia liên tục từ 261 triệu lên 636 triệu tấn lúa (tương đương 422,6 triệu tấn gạo trắng), hay trung bình 3,6% mỗi năm, với độ mỗi 8-10 năm có một lần mất mùa. Trong cùng thời gian đó, giá gạo bình quân tăng từ 128 lên 311 Mỹ kim/tấn, và giá cao nhứt 464 Mỹ kim trong 1974. Cuộc Cách Mạng Xanh đã làm tăng sản lượng lúa trong 25 năm, nhưng đồng thời làm cho giá lúa tăng chậm, ở mức 250 Mỹ kim/tấn mà thôi, ngoại trừ những năm bị mất mùa giá gạo cao hơn. Năm 1986 là thời cao điểm của Cách Mạng Xanh, nên giá gạo bình quân thế giới xuống thấp nhứt, chỉ còn 188 Mỹ kim/tấn. Mãi đến năm 2001-03 giá gạo trở lại mức 222 Mỹ kim/tấn, tương đương với giá gạo cách đó 25 năm (1976) (FAOSTAT, 2008). Nếu thêm yếu tố lạm phát mỗi năm, nông dân trồng lúa ở các nước đang phát triển phải chịu biết bao thiệt thòi trong cuộc sống, vì vậy họ mãi là thành phần nghèo của xã hội dù sống tại một nước xuất khẩu gạo. Thật vậy, Thái Lan đứng hàng đầu xuất khẩu gạo thế giới hơn 70 thập niên qua, nông dân họ vẫn còn tương đối nghèo! Cho nên, nhiều nông dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ ruộng lúa qua vườn cây trái, ruộng đất trồng lúa bị công nghiệp hóa tại các nước có nền kinh tế đang phát triển mạnh. Trung Quốc đã chuyển đổi hơn 3 triệu đất trồng lúa qua các sử dụng khác có lợi tức kinh tế cao hơn trong hơn 3 thập niên qua.
Trong thời gian từ 1997 đến 2007, giá gạo trắng Thái 100% B hạng nhì (F.O.B Bangkok) đã giảm từ 317 Mỹ kim trong 1997 xuống mức thấp nhứt 177 Mỹ kim/tấn trong 2001, sau đó giá gạo bình quân tăng dần cho đến năm 2007 ở mức 334 Mỹ kim/tấn. Bỗng nhiên, trong 4 tháng đầu 2008, giá gạo tăng đột biến: 575 Mỹ kim trong tháng 2, 602 Mỹ kim trong tháng 3 và hơn 1.000 Mỹ kim vào cuối tháng 4. Do đó, có nhiều yếu tố ngoài mức cung cầu tạo nên sức ép lớn làm giá gạo thế giới tăng đột ngột trong một thời gian ngắn.
Năm 2007, sản lượng lúa thế giới đã tăng 1% so với 2006, lên 642 triệu tấn (tương đương 428 triệu tấn gạo trắng), mặc dù vụ mùa gặp thiên tai và sâu bệnh tại Bangladesh, Trung Quốc, Việt Nam và vài nước khác. Trong điều kiện bình thường, giá gạo trong 2008, nếu tăng, chỉ có thể lên cao độ 10-15% như đã thấy vài năm trước, do dự trữ gạo thế giới sút giảm từ 130 triệu tấn trong 2000-2001 xuống còn 103,6 triệu tấn trong 2007. Trái lại, hiện nay giá gạo tăng nhanh mỗi ngày, mỗi tuần lễ; chủ yếu do tác động tâm lý khủng hoảng, gây ảnh hưởng dây chuyền từ cuộc khủng hoảng tín dụng thế giới đến đồng Mỹ kim tiếp tục mất giá (1 Euro = 1,56$ US), giá dầu thô tăng nhanh có lúc đến 120 Mỹ kim/thùng, lạm phát thế giới hoành hành, giới đầu cơ trục lợi, và hậu quả của khâu truyền thông hiện đại.
Hơn nữa, các quyết định cắt giảm xuất khẩu gạo tại Ai Cập, Ấn Độ, Pakistan và Việt Nam làm cho giá gạo thế giới càng tăng cao nhanh thêm. Ngoài ra, cộng đồng thế giới còn quan tâm đến các nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp khác từ các vấn đề nóng bỏng như dân số thế giới gia tăng không ngừng, quỹ đất nông nghiệp bị thu hẹp, tình trạng thay đổi khí hậu, hâm nóng toàn cầu đã được xác nhận, sản xuất nhiên liệu sinh học trong thời khủng hoảng năng lượng, và hiện tượng kinh tế bùng phát ở Ấn Độ và Trung Quốc đang tạo nên áp lực rất lớn cho viễn tượng sản xuất lương thực toàn cầu trong những tháng năm tới.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay, trong ngắn hạn, các cơ quan quốc tế, các nước phát triển, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng thế giới cần đẩy mạnh công tác cứu đói khẩn cấp đến các nơi đang thiếu thực phẩm. Các nước xuất khẩu gạo cần ngồi lại với nhau nhằm giúp hạ nhiệt thị trường, ổn định giá cả và phân phối. Trong tầm trung và dài hạn, các nước phát triển cần giảm bớt bao cấp nông nghiệp to lớn của họ và mở cửa cho nhập khẩu nông sản từ các nước đang phát triển để giúp san bằng khoảng cách sâu đậm giữa hai thế giới này. Đây là một cơ hội tốt cho thế giới mở lại các cuộc đàm phán về chánh sách nông nghiệp đã bị ngưng trệ từ tháng 7-2007 để tìm các giải pháp hợp lý, có lợi ích cho cả nước công nghiệp và nước đang phát triển.
T.S. Trần Văn Đạt
Nguyên Chánh Chuyên Gia, FAO, Roma , Italia
***
Tài Liệu Tham Khảo
FAO, 2008. Rice Market Monitor, December 2007 ( http://www.es/esc/en/15/70/highlight_71_p.html )
FAOSTAT, 2008. FAO statistics: Production ( http://faostat.fao.org/site/339/default.aspx )
FAO, 2008. International commodity prices (CIWP) ( http://www.fao.org/es/esc/prices/CIWPQueryServlet )
FoodMarket, 2008. World price for rice ( http://www.foodmarketexchange.com/datacenter/product/grain/rice/detail/dc_pi_gr_rice0701_01.htm )
InterRice, 2008. Monthly report of the world market of rice, March 2008 ( http://www.infoarroz.org )
MOA Portal, 2008. Liên hợp quốc hành động khẩn cấp để đối phó với “cơn sóng thần thầm lặng” giá lương thực. (http://www.agroviet.gov.vn/portal page?)
(Trích từ : Liên Lạc Nhân Văn, số tháng 05/2008)