Lê Ngọc Vân
Hồ sơ bệnh nhân dưới dạng điện tử
Vào đầu tháng 11/2008 tất cả gia đình ở Hòa Lan đã nhận được một tài liệu kèm theo thông báo là kể từ đây hồ sơ sức khoẻ của tất cả cư dân ở Hòa Lan sẽ được lưu theo dạng điện tử, v ới tên tắt là EPD (elektronisch patiëntdossier). Mỗi người có một hồ sơ riêng, những dữ kiện trong hồ sơ này gồm có chi tiết về sức khoẻ, bệnh tật đã mắc, quá khứ dùng thuốc… Hồ sơ của mỗi cá nhân được lưu trữ dưới Số Dịch Vụ Công Dân của cá nhân đó (Burgerservicenummer – BSN) để bảo đảm độ tin cậy, dưới con số này hiện chứa đựng tất cả những chi ti ết dữ liệu liên quan đến cá nhân đó, như giấy tùy thân, bằng lái xe, thuế, lợi tức và trợ cấp…, tất cả nằm trong kế hoạch tập trung tất cả h ồ sơ của một cá nhân vào một địa chỉ duy nhất đ ể có thể tự động hóa và hệ thống hóa phần lý lịch, thuế má v.v.. .
Hồ sơ bệnh nhân được cập nhật mỗi khi cá nhân đó đi khám bệnh, đi bệnh viện hay mua thuốc theo toa. Tất cả bác sĩ nhà, bác sĩ chuyên khoa và nhà thuốc tây có thể trực tiếp tham khảo hồ sơ này nếu cần, qua mạng internet với mã số truy cập riêng, mà không cần hỏi ý kiến bệnh nhân. Trên thực tế, công tác lưu trữ hồ sơ này giúp cho việc điều trị được chu đáo, chính xác và nhanh chóng hơn. Đây là lý do chính để chính phủ Hòa Lan quyết định thực hiện việc lập hồ sơ toàn diện cho tất cả cư dân Hòa Lan. Theo thống kê của Hội Dược sĩ Bệnh viện tại Hòa Lan, mỗi năm có 1200 người chết và 19000 trường hợp phải nhập viện vì sai lầm của bác sĩ điều trị. Con số này chắc chắn sẽ giảm bớt rất nhiều nếu người ta có thể thiết lập một hồ sơ bệnh lý trung ương cho tất cả mọi người.
Nhưng thông báo về việc thành lập hồ sơ bệnh nhân đã mang lại nhiều chống đối. Trong hai tuần lễ đầu tiên sau ngày công bố, hơn 150000 người đã gửi mẫu đơn phản đối việc lưu những chi tiết về bệnh tật, thuốc dùng và cho nhiều người được phép xem trong đó. Một số lý do được người ta nêu ra là:
1.- Nỗi lo rằng những hãng bảo hiểm có thể vào xem hồ sơ bệnh, đưa đến việc tính chi phí đóng bảo hiểm cao, từ chối bảo hiểm (hay không cho bảo hiểm nếu khám phá ra có sự giấu diếm) những bệnh như ung thư, aids… (bệnh kinh niên tốn phí nhiều) trong khi khai hồ sơ xin bảo hiểm.
2.- Một số bệnh có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình hay công việc nếu người khác biết: như bệnh về đường tình dục, suyễn, dị ứng, bệnh tâm thần… Mặt khác, người ta không rõ những bệnh này sẽ được lưu hồ sơ bao lâu sau khi đã chữa lành.
3.- Độ tin cậy về những hồ sơ lưu trữ dưới dạng kỹ thuật số (digital). Trong thời đại tranh đua giữa người lập trình và những hacker đã có quá đủ bằng chứng cho thấy là những hồ sơ, cho dù được bảo mật thật kỹ, vẫn có thể bị kẻ gian lọt vào để lấy dữ kiện làm những chuyện khác (lén rút tiền, lén sử dụng thẻ để mua hàng, tống tiền, hay đem bán dữ kiện cho những hãng quảng cáo). Dân biểu Hạ viện Fleur Agema đã đưa ra thí dụ về trường hợp cầu thủ bóng đá Robin van Persie bị nghi ngờ có dính líu đến tội phạm, hồ sơ an ninh của anh chỉ trong vài giờ đã bị lục bởi những người có thể vào xem, mặc dù những người này không làm công tác điều tra tội phạm.
4.- Điều mà đa số không đồng ý về kế hoạch này là sự xâm phạm đến quyền tự do cá nhân, và ở cách thức thi hành: nếu không phản đối tức là ưng thuận, thay vì đặt ra phương thức là ‘nếu ai muốn thì có thể ghi tên yêu cầu'. Trên thực tế có sự khác biệt rất xa về kết quả thu lượm được giữa hai phương pháp. Đại đa số sẽ không có phản ứng, cho nên với phương pháp đầu con số người đồng ý cho lưu trữ thông tin về tình trạng sức khỏe của mình sẽ cao hơn phương pháp thứ hai rất nhiều. Đây cũng là đầu mối lâu nay gây nên tranh cãi về phương pháp đăng ký chấp thuận hiến một phần cơ thể khi chết (phương pháp đề nghị là ‘mọi người phải hiến tạng phủ của mình trừ khi phản đối' đối lại với phương pháp khi xưa là ‘chỉ khi có đăng ký qua mẫu hiến tạng phủ thì mới có hiệu lực' hay phương pháp hiện thời ‘được chọn lựa').
5.- Và lý do cuối cùng, là do yếu tố tâm lý, tập tài liệu khổ nhỏ gửi đến cho mọi người, với 6 trang hướng dẫn và giải thích quá sơ lược đã gây hoang mang, người ta không biết đằng sau đó còn có chuyện gì? Ngay cả trang website www.infoEPD.nl cũng không có được một cấu trúc để người vào xem dễ tìm thông tin. Ngày 05/11/2008, Bộ trưởng Y Tế Ab Klink, trong buổi điều trần trước quốc hội, đã khẳng định kỹ thuật bảo mật, ông cho biết sự phân định khu vực được tham khảo trong hồ sơ đã được ghi rõ ràng cho từng cơ quan chức năng. Phụ tá Giám đốc Hiệp hội Bệnh nhân và Người tiêu thụ Hòa Lan (NPCF) cũng đã liên tục lên báo và truyền thanh truyền hình trấn an.
Nhưng nhiều người không biết rằng hiện gi ờ trong y khoa, hồ sơ bệnh lý và thuốc men của bệnh nhân đã từ lâu được lưu trữ, nhưng giới hạn trong từng khu vực m ột . Khi nhập viện hay mua thuốc, bác sĩ chuyên khoa hay nhân viên nhà thuốc có thể xem hồ sơ của bệnh nhân để biết rõ về tình trạng sức khỏe, bệnh tật hay có thể biết là thuốc trong toa có an toàn khi sử dụng hay không (không chỏi với những thuốc bệnh nhân hiện đang dùng, hay không chỏi với một thứ bệnh nào đó mà bác sĩ vô tình không biết, vì không hỏi tới). Một phần công tác này hiện nay đã được tự động hóa, máy vi tính nối vào mạng thông tin này sẽ tự kiểm soát và báo động khi phát hiện những dấu hiệu có thể gây hại đến sức khỏe bệnh nhân.
Lê Ngọc Vân