Cái Đình
Hội nhập của người Việt vào xã hội Hòa Lan
Đúc kết cuộc thăm dò ‘Hội nhập vào xã hội Hòa Lan'
Năm 2006 đánh dấu 30 năm những người tị nạn Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Hòa Lan (ngoài con số vài người, vì hoàn cảnh, vào ngày 30/04/1975 đã mặc nhiên trở thành người tị nạn). Vào ngày 16/09/2006, nhân dịp Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn Cộng Sản tại Hòa Lan (AVVN) tổ chức buổi sinh hoạt '30 năm hội nhập' tại Mijdrecht, Cái Đình đã mở một cuộc thăm dò về hội nhập của người Việt tại Hòa Lan. Những bản thăm dò ý kiến bằng tiếng Hòa Lan và tiếng Việt đã được phát trong buổi tổ chức, và gửi đến một số địa chỉ e-mail.
Cho đến nay đã có 24 bản trả lời (15 bản tiếng Việt và 9 bản tiếng Hòa Lan) đã gởi về, những người đã điền vào bản thăm dò gồm có 18 nam và 6 nữ.
50% số người trả lời nằm trong hạn tuổi 51 – 65. Ở hai hạn tuổi ‘dưới 25' và '25 – 40' có 3 người trong mỗi hạn tuổi gởi bản trả lời về. Trong hạn tuổi 41 – 50 có 4 người. Có 2 vị trên 65 tuổi đã tham gia.
Những người gửi bản trả lời về đã cư ngụ ở Hòa Lan trung bình 25 năm (ngắn nhất 22 năm, lâu nhất là 27 năm). Tuyệt đại đa số (23 người) là người tị nạn, 1 người theo diện đoàn tụ gia đình.
Trong số 24 người, có 21 người cho biết trình độ học vấn cao nhất của mình (không phân biệt đã học ở Việt Nam hay ở Hòa Lan), gồm có: 1 người có trình độ tiểu học, 4 người có trình độ trung học, 5 người có trình độ cao đẳng và 11 người có trình độ đại học.
Có 4 người làm trong các cơ quan của chính phủ, 8 làm trong khu vực tư nhân, 9 có cơ sở tự lập và 3 không đi làm (thất nghiệp/hưu).
Những người tham dự cuộc thăm dò đã cho thấy một số ưu điểm của xã hội Hòa Lan trong con mắt nhìn của họ. Đó là:
– Một hệ thống an sinh xã hội tốt (nhận xét của 17 người)
– Sự tự do (13 người)
– Tôn trọng nhân quyền (4 người)
– Dân chủ (6 người)
– Ngoài ra có những đánh giá ưu điểm của đất nước và xã hội Hòa Lan như: nước Hòa Lan ở gần nhiều nước lân bang, yên tĩnh, có mực sống cao, có kiến trúc đặc biệt là ở mỗi xóm người ta đều có thể đi dạo, tiêu khiển, thể thao. Người Hòa Lan dễ thương, lịch sự và có ý thức; trẻ em được học hành và có tương lai, xã hội khoan dung…
Về điểm cuối này lại có nhiều ý kiến trái ngược. Khi được hỏi về những điểm không hay ở Hòa Lan, đã có tới 9 ý kiến cho rằng đó là bản tính con người (ở Hòa Lan) là ganh ghét, không cởi mở, tự cao, thô lỗ cục cằn, hỗn láo, dè sẻn, thích chiếm đoạt hơn cho, thích làm ra vẻ cao trưởng, và ưa càu nhàu đòi hỏi.
6 người cho rằng khí hậu là một điều họ không thích ở Hòa Lan
4 người thấy mức thuế quá cao, và 4 người cho rằng xã hội có quá nhiều luật lệ, thủ tục.
4 người thấy vấn đề kỳ thị là điều không hay ở Hòa Lan.
Tuy hơn một nửa số người tham gia (13/24) cho rằng sự tự do là điểm tốt của Hòa Lan, nhưng chính sự khoan dung và tôn trọng tự do (quá trớn) đã tạo một số ảnh hướng xấu lên xã hội. 4 người thấy rằng sự tự do và khoan dung quá trớn là điều không hay trong xã hội Hòa Lan.
4 người thấy rằng quan hệ gia đình lỏng lẻo, và mang tính ‘xã giao', sự giao tiếp với nhau bị giới hạn là điểm không hay.
Ngoài ra còn có ý kiến cho rằng tệ nạn xì ke ma túy, sự kiểm tra an sinh lỏng lẻo, đạo đức suy đồi nhất là trong nhà trường, và nhịp sống quá nhanh là những điểm không hay của Hòa Lan.
Những người tham gia cuộc thăm dò đã chung nhau viết nên một định nghĩa về hội nhập như sau:
Hội nhập là chia xẻ trách nhiệm với đất nước, là sống như mọi người, sống theo nếp sống của nơi cư ngụ, sống chung và cùng làm chung trong sự hài hòa, cùng tìm hiểu học hỏi lẫn nhau và đ ối xử với nhau bằng tình người không phân biệt .
Hội nhập cũng có nghĩa là phải thay đổi để thích hợp với môi trường chung quanh, với văn hóa và tập tục bản xứ, học hỏi cái hay cái tốt.
Có 4 ý kiến cho rằng hội nhập là phải tôn trọng những giá trị và mẫu mực của Hòa Lan, phải tuân theo luật lệ nhà nước, và phải thông thạo tiếng Hòa Lan.
Để trả lời câu hỏi rằng vấn đề hội nhập và những thông tin về tình trạng của người ngoại quốc có thường được mang ra thảo luận hay thông báo cho nhau nghe hay không, có 1/3 (8 người) trong số những người cho biết ý kiến (23/24) cho rằng chuyện này xảy ra thường xuyên. Với 6 người, chuyện này thỉnh thoảng mới xảy ra. 5 người ghi là chuyện này ít khi xảy ra, và ở 4 người chuyện này (gần như) không bao giờ xảy ra.
Ngoài 3 người không cho ý kiến, số còn lại (21) đều cho rằng tất cả người ngoại quốc khi mới đến Hòa Lan cần phải hội nhập. Những lý do được đưa ra giải thích cho quan điểm này là:
– Trên thực tế bạn là khách trong một quốc gia lạ, bạn phải đóng góp chút gì đó vào quốc gia nơi bạn đang sống. Bạn đang sống ở đây, vậy bạn phải biết thay đổi để thích hợp với xã hội, không thể có chuyện ngược lại.
– ‘Nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục' (3 người đã dẫn câu này), sự hình thành các ghetto sẽ đem lại xung khắc.
– Mỗi nền văn hóa có những giá trị và mẫu mực riêng, mà ta phải tôn trọng. Nếu biết được văn hóa và tập tục thì sẽ có thể sinh hoạt và hành động dễ dàng.
– Hội nhập thể hiện lòng biết ơn và sự tôn trọng đất nước đã chào đón mình, cho người ta biết mình cũng có giá trị của dân Việt Nam , là thể hiện lòng từ bi với mọi người.
Và cũng có những ý kiến đơn giản là vì ‘muốn có đời sống như họ', hay ‘để lo tương lai cho con cháu'.
Về chuyện hội nhập của những người ngoại quốc đã định cư lâu năm ở Hòa Lan, 5 người (21%) thấy rằng những người này không bắt buộc phải hội nhập, nhưng có tới 15 người (63%) cho rằng phải bắt buộc.
Những lý do đưa ra để ủng hộ chuyện mọi người bắt buộc phải hội nhập dù đã ở lâu năm gồm có:
– Hội nhập là học hỏi lẫn nhau để cùng nhau giải quyết mọi chuyện, là điều cần có để cùng chung sống (nhưng vẫn có thể gìn giữ phong tục riêng). Không thể viện cớ vì đã sống lâu năm nên không cần phải hội nhập nữa.
– Bạn đang sống ở Hòa Lan và tạm thời bạn vẫn còn sống ở đây, vậy phải hội nhập, ít nhất là tương đối. Nếu không, bạn sẽ chẳng tiến thêm được trong xã hội.
Những lý do đưa ra để phản bác chuyện bắc buộc hội nhập là: đây là nước tự do, và điều đó chỉ có ích khi chính bản thân người đó muốn. Hội nhập là nói và hiểu tiếng Hòa Lan, đi làm và đóng thuế, nhưng không cần phải biết ‘polonaise'...
Khi được hỏi thêm ý kiến về một chính sách bắt buộc người nhập cư phải theo chương trình hướng dẫn hội nhập, kể cả việc dùng biện pháp mạnh, đã có 7 người tán thành vô điều kiện và 3 người không tán thành. 10 người tán thành một chính sách theo đường lối này, nhưng phải được áp dụng tùy thuộc vào điều kiện tuổi tác, hoàn cảnh… , ‘vì đó là một sự tự nguyện, không thể ép buộc người khác'. ‘Những người cao tuổi phải được miễn'. ‘Trong việc cứu xét hồ sơ đoàn tụ gia đình, nên hủy bỏ việc bắt buộc người phối ngẫu phải học Hòa ngữ căn bản và luật căn bản và phải qua kỳ trắc nghiệm, vì đây là một luật đầy tính kỳ thị và gây nhiều khó khăn'. ‘Chương trình ‘inburgering' (nhập dòng dân tộc) của nhà nước hơi quá đáng'.
Khả năng ngoại ngữ là một trong những yếu tố để đánh giá mức độ hội nhập. Trong số những người gởi bản trả lời về, không có người nào cảm thấy mình phải hoàn toàn nhờ vào người khác trong việc giao tiếp trong xã hội. 4 người thấy khả năng tiếng Hòa Lan tạm đủ, 3 người thấy vừa đủ, 6 người cho rằng khả năng tiếng Hòa Lan của mình thuộc loại khá, và 9 người cảm thấy mình không khác người Hòa Lan khi phải sử dụng tiếng Hòa Lan trong giao tiếp. 2 người không cho biết ý kiến. Nói tóm lại, 68% có thể tự xoay xở trong xã hội Hòa Lan.
Trong giao tiếp và công việc, 13 người cho biết là chưa bao giờ cá nhân họ gặp phải chuyện kỳ thị một cách cố tình. 7 người đã gặp, với 2 trường hợp khi đi xin việc, 1 trường hợp do cấp trên, 1 trường hợp bị đồng nghiệp nhục mạ nặng nề. Ngoài ra thường bị, hoặc luôn luôn bị hỏi về nguốn gốc của mình. Có ít nhất 2 trường hợp bị chế nhạo lầm là người Tàu, kể cả dùng từ bất nhã (kut chinees). Có người bị chửi là ‘ăn mày, chỉ để kiếm trợ cấp'. Ngoài ra có ý kiến cho là sự kỳ thị tế nhị rất thường xảy ra, và bằng cách gián tiếp xảy ra ở trẻ nhỏ do sự cẩu thả trong giáo dục gia đình hay do những người địa phương ít học, có óc kỳ thị.
Về thành quả đã đạt được trong cuộc sống, 72% (13/18) đã tự đánh giá là thành công, 22% (4/18) thấy rằng ‘chấp nhận được', 1 người cảm thấy không thành công. 6 người không cho biết ý kiến về vấn đề này.
75% (18/24) cho biết mình cảm thấy hạnh phúc ở Hòa Lan. 4 người không thấy hạnh phúc, vì những lý do: ngôn ngữ, tài chánh, đây không phải là quê hương (mỗi lý do được nêu ra 1 lần). Hai lý do ‘khí hậu' và ‘không người thân' được nêu ra 2 lần. 1 người không thấy hoàn toàn hạnh phúc.
83% số người tham dự (20/24) đã kể ra những chuyện ở Việt Nam làm họ nhớ. Đó là: gia đình, người thân, bạn bè (15 lần); quê hương đất nước (9 lần); món ăn (8 lần); khí hậu (7 lần); dĩ vãng nói chung (4 lần). Ngoài ra, sự hỗn độn, văn chương (Việt Nam ) cũng là chuyện để nhớ.
Nếu được trao quyền lãnh đạo tối cao ở Hòa Lan, bạn sẽ làm gì liền?
Ngoài những ước nguyện mang tính bao quát như: chia xẻ cho mọi dân tộc còn khó khăn, làm cho đất nước được phồn vinh, mang phúc lợi cho quốc gia, giảm thiểu ô nhiễm môi sinh, tạo thêm bộ mặt cho người ngoại quốc nhập cư, làm gì cho quê hương Việt Nam hay làm gì hữu ích cho người Việt tị nạn v.v…, đã có nhiều người nêu ra những hành động tương đối cụ thể.
Có 6 hành động trong lãnh vực thuế: giảm thuế, sử dụng tiền thuế hợp lý, bớt máy chụp hình trên đường xa lộ…
5 hành động về việc sửa đổi luật pháp, kiểm tra chặt chẽ hơn. Đặc biệt trong số này có 2 ý kiến cho rằng phải trừng phạt tội phạm khắc nghiệt hơn, và giết người sẽ phải bị trị theo luật tối đa.
Tương tự như vậy, có 4 người đưa ra quyết định có liên quan đến chính sách cho ngoại kiều và người nhập cư, trong số này có 3 người cho biết rõ ràng: phải có biện pháp mạnh về luật nhập cư, hạn chế người theo Hồi giáo, và chỉ chấp nhận cho nhập cư khi đã hội nhập ở một mức nào đó.
Về giáo dục, có 4 người sẽ cho thực hiện ngay những biện pháp cải tiến hệ thống giáo dục: phải học nghề thay vì trợ cấp, nâng cao đạo đức ngành giáo, thêm môn đức dục, thêm tiền cho ngân sách giáo dục.
Ngoài ra, còn có những người sẽ cho áp dụng chế độ quân dịch, thêm ngân sách cho những trung tâm che chở nạn nhân bạo hành (‘blijf van mijn lijf' huis), chấm dứt những vụ cãi nhau dằng dai trong quốc hội.
Phần cuối của bản thăm dò là những lời nhắn nhủ gởi đến người ngoại quốc khác ở Hòa Lan về vấn đề hội nhập, và những lời nhắn nhủ gởi đến người Hòa Lan.
Cho người ngoại quốc, chúng tôi đã lọc ra một số lời nhắn có ý nghĩa được ghi dưới đây:
– Hãy làm sao để mình đừng thành gánh nặng cho những công dân khác.
– Hội nhập là tôn trọng nhau theo cả hai chiều.
– Không những bạn có quyền mà còn có bổn phận.
– Tôi là khách, quí vị cũng là khách như tôi.
– Nên cố gắng hội nhập càng nhiều càng tốt, cố gắng học ngôn ngữ cho thật thông.
– Nên tham gia sinh hoạt chung với người bản xứ.
– và Nên xem đây là quê hương thứ hai của mình.
Những lời nhắn sau đây xin được gửi tới người Hòa Lan:
– Đây là xứ đa văn hóa, hãy chấp nhận nó. Phải có cặp mắt nhìn sâu và hiểu người.
– Khi nào bạn chưa mở lòng hoàn toàn với những người mới tới định cư, và làm mọi chuyện khó khăn, bạn chỉ gây thêm những nguyên tắc phiền toái.
– Nên tìm hiểu những nền văn hóa khác, thân thiện với người ngoại quốc, thâu nhập những điều tốt đẹp. Hội nhập phải hai chiều.
– Nên thận trọng trong giáo dục khuyến khích hơn là áp lực với những điều luật nghiêm khắc.
– và 3 lời cám ơn đất nước Hòa Lan cũng như người Hòa Lan.
*
Vì cuộc thăm dò ý kiến (phát bản thăm dò và giải thích) phần lớn được thực hiện trong buổi tổ chức '30 năm hội nhập người Việt', và với con số giới hạn của những bản trả lời cho tới nay chúng tôi đã nhận được, kết quả nói trên có thể không phản ảnh đúng hoàn toàn ý kiến chung của những người gốc Việt sống ở Hòa Lan. Và cũng vì đã tiên liệu chuyện này, trong bản thăm dò ý kiến chúng tôi đã dành một phần quan trọng cho những câu có hình thức ‘xin ý kiến'. Những ý kiến này, tuy của cá nhân gộp chung lại, nhưng cũng đã kết thành một nhận định hữu ích cho những người muốn biết về chuyện hội nhập của người Việt tại Hòa Lan.
Trong bản đúc kết này, vì thế chúng tôi chỉ nêu ra những con số phần trăm (%) trong trường hợp con số này đủ lớn để thông tin có được độ tin cậy cao.
Sau cùng chúng tôi cũng chân thành cám ơn những người đã quan tâm đến cuộc thăm dò, đã đóng góp nhiều ý kiến quí báu.
Cái Đình
(10/2006)