Nguyễn thị Quỳnh Anh


Hoàng Đế Bưởi của Việt Nam.

 

Sieben van Wijk bắt ngay các cơ hội của mình ở Việt Nam.
Ông thành lậpcác khâu dây chuyền trong ngành sản xuất trái cây
và bán kiến thức của mình cho các nhà trồng cây ăn trái.

 

Cho đến khi Việt Nam trở thành hội viên của WTO (Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới) vào năm 2007, quốc gia nầy là một nước thuần xuất cảng trái cây. Hợp lý bởi vì quốc gia nầy tự nó vô cùng thích hợp cho việc sản xuất trái cây nhiệt đới. Do được trở thành hội viên của WTO, dường như các cơ hội xuất cảng của các nhà trồng cây ăn trái của Việt Nam càng trở nên lớn lao hơn.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi là hội viên của WTO, điều nầy đã xảy ra: Việc xuất cảng rau cải và trái cây đã gia tăng với hàng chục triệu Mỹ kim mỗi năm. Tuy nhiên việc nhập cảng vượt cao hơn rất nhiều với khoảng 300 triệu Mỹ kim hàng năm.

Sieben van Wijk cảm thấy kinh khủng: "Đó là điều không thể tin được. Việt Nam có thể trở thành một quốc gia chuyên xuất cảng rau cải và trái cây, nhưng đất nước nầy lại trở thành quốc gia chỉ thuần nhập cảng."

Đây không phải là sự quan tâm bàng quan của Van Wijk, đây là tiếng thở dài của một nhà kinh doanh, kinh ngạc vì thấy cả một cơ hội lớn đang bị bỏ lỡ. Ông đang ở Hòa Lan vài tuần cho kỳ nghỉ hè, nhưng ông đã sinh sống ở Việt Nam từ năm 2004. Đất nước nầy đã gây ấn tượng tốt cho ông. Ông nhìn thấy cơ hội ở khắp mọi nơi, nhất là trong ngành nông nghiệp. Ông không hề cảm thấy hối hận khi chụp bắt các cơ hội đó. Và như thế – hơi ngoài ý muốn một chút – ông đã trở thành một "hoàng đế bưởi" ở Việt Nam cách đây không lâu.

Van Wijk là một kẻ sống ly hương từ lúc chào đời. Ông sinh ra ở Kenia, nơi cha ông, một chuyên gia ngành nông nghiệp, và mẹ ông, một chuyên gia ngành thủy lợi, đã làm việc. Trong suốt thời gian theo học ở đại học Wageningen, ông đã biết rằng ông sẽ muốn làm việc trong ngành nông nghiệp nhiệt đới. Bởi vì hãy còn nhiều chuyện phải làm, bởi vì kiến thức của các  chuyên gia nông nghiệp như ông có thể tạo nên một sự khác biệt to lớn.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông đã làm việc trong nhiều quốc gia khác nhau trong vai trò cố vấn nông nghiệp, nhưng khi đến Việt Nam, ông đã biết ngay: Cơ hội là đây. Những người nông dân làm việc cần cù và chịu học hỏi. Đất canh tác mầu mỡ. Khí hậu lý tưởng. Và dĩ nhiên với cả một thị trường thương mại Trung Quốc tuyệt vời cận kề.

Ông và vợ ông, Irmen Mantingh, một chuyên gia ngư nghiệp và cũng là người hùn hạp trong tất cả công việc kinh doanh của ông, đã gặp một người đồng hương đang kinh doanh về chuối ở Phi Luật Tân. Với thương gia nầy Van Wijk đã thành lập công ty Fresh Studio, kể từ năm 2006 đã cung cấp các dịch vụ nghiên cứu và phát triển cho các công ty kinh doanh trong các ngành nông nghiệp. Các công ty này nhỏ nên không đủ khả năng để tự thực hiện các dịch vụ nghiên cứu và phát triển trên. Dần dần khả năng cung cấp các dịch vụ của Fresh Studio càng lớn hơn. Giờ đây ông không ngại ngùng gì để đạo diễn cho cả hệ thống vận tải của các công ty siêu thị hay của các công ty phân phối khác.

Các chuyên viên nông nghiệp của ông cố vấn cho hàng trăm nông dân. Ở Việt Nam một người nông dân bình thường sở hữu khoảng nửa mẫu đất. Các cơ sở đặt hàng lớn như các siêu thị hay công ty đa quốc gia nếu muốn có các mặt hàng lớn với cùng một phẩm chất thì họ phải tiếp xúc nhanh chóng với hàng ngàn nông dân để có thể đạt được điều mong muốn.

"Họ không muốn điều đó," Van Wijk nói,"Họ không muốn lặn lội sình bùn đến những nơi khỉ ho cò gáy để tiếp xúc với nông dân. Nhưng chúng tôi muốn làm điều đó." Bởi vì Fresh Studio của Van Wijk  là một  công ty Việt Nam (và Phi Luật Tân) bình thường. Với một vài người sống xa quê hương, trong đó có ông, nhưng hầu hết những công nhân viên đều là người Việt Nam.

 

Trái bơ

Ông có nhiều chuyện thú vị để kể về việc thành lập một hệ thống dây chuyền tương tự. Như chuyện người Việt Nam tập ăn trái bơ của xứ họ như thế nào. Cây bơ được trồng ở Việt Nam như một loại cây cung cấp bóng mát cho cây cà phê, nhưng trái của loại cây này chỉ được dùng cao lắm là trong các loại kem sữa trái cây.

Van Wijk kể: "Chúng tôi đã phải lo liệu làm sao để các trái bơ được gói đàng hoàng, được vận chuyển cẩn thận và được bày bán đẹp mắt trong các cửa hàng. Và chúng tôi dạy khách hàng có thể làm gì với loại trái cây này. Lúc ban đầu rất ít nông dân cũng như các bạn hàng chiếu cố, nhưng sau đó nó đã trở nên một thành công lớn."

Một số các khâu dây chuyền như thế này đã được ông thành lập ở Phi Luật Tân và nhất là ở Việt Nam: trái bơ, cà chua, cá, bông cải. Ông thành lập các kho dự trữ trong các vùng nông nghiệp, bởi vì không có các kho chứa này, phẩm chất của các loại sản phẩm trên không thể được bảo toàn. Tổng cộng có 1500 nhân công ở Phi Luật Tân và 350 nhân công ở Việt Nam làm việc trong các khâu dây chuyền trái cây. Và con số này gia tăng rất nhanh.

Trước sự ngạc nhiên của ông, không có ai trong ngành trái cây ở đây quan tâm đến các dịch vụ của ông. Trong khi chính ông thấy có rất nhiều cơ hội lớn trong ngành này. Ngay đây sự chẩn đoán cũng được thực hiện nhanh: Cả các khâu dây chuyền ở nơi này không nhắm vào phẩm chất, và một nhà xuất cảng chuyên nghiệp hoàn toàn vắng bóng ở đây. Trong khung cảnh đó Van Wijk đã thành lập một công ty xuất cảng trái cây vào năm 2000: The Fruit Republic.

Ông nhìn thấy các cơ hội lớn trong trái bưởi. Ở Việt Nam có khoảng 40.000 mẫu đất được trồng bưởi, so sánh với Trung Quốc: 50.000 mẫu. Và người Trung Quốc đã thu nhiều ký-lô bưởi hơn tính trên mỗi mẫu đất. Nhưng Việt Nam có một lợi thế lớn: Ở Trung Quốc chỉ có bốn tháng thu hái bưởi do thời tiết trong khi ở Việt Nam suốt cả một năm. Van Wijk tuyển chọn khoảng 250 nông dân trồng bưởi, giao hẹn với họ về vấn đề chăm sóc cùng phẩm chất và xây một hệ thống máy rửa bưởi.

"Tôi thưởng cho nông dân nếu họ cung cấp bưởi trong tháng giêng đến tháng tám. Trong những tháng này Trung Quốc không phân phối bưởi nên chúng tôi có thể bán được giá cao hơn. Rất nhanh các nông dân đã hiểu được điều này và họ đã điều tiết thời gian hái bưởi." Van Wijk thưởng cho họ khi họ cung cấp các trái cây có phảm chất nguyên vẹn, và cũng rất nhanh các trái bưởi còn trên cành cây đã được đặt trong các túi bảo vệ. Điều này chưa từng xảy ra. Trong các buổi họp các nông dân bàn nhau về những thành công của họ và về The Fruit Republic so sánh với thành quả của họ.

Giờ đây Van Wijk đã đưa bưởi của ông đến khắp thế giới. Ông cũng phát triển một nhãn hiệu riêng, Wildboi, để chuyển hóa hình tượng xấu mà trái cây Việt Nam đang mang tiếng trong các xứ láng giềng. Kế đó ông cũng tung ra thị trường Việt Nam mười lăm loại trái cây khác.

Vào năm nay The Fruit Republic thu vào khoảng 5 triệu Âu kim tiền bán bưởi và các loại trái cây khác, nhưng Van Wijk tiên đoán sẽ bán được khoảng 20 triệu Âu kim trong vòng năm năm tới. Công ty nhập cảng Âu Châu HillFresh ở Barendrecht rất hài lòng về ông. "Thế là chúng tôi có thể liên tục bán bưởi cả năm."

 

Nguyên tác: De Pomelo-Keizer van Vietnam, Gerard Reijn, de Volkskrant, 29-07-2011)
Nguyễn thị Quỳnh Anh dịch 

 


Cái Đình - 2011