Nguyễn Thị Quỳnh Anh
Hãy lạc quan: Giai cấp trung lưu đang tăng trưởng nhanh
Dưới đây là bài phỏng vấn ông Kishore Mahbubani, giáo sư đại học của Singapore, do ký giả Cor Speksnijder thực hiện. Theo ông Mahbubani, sự ảm đạm ở Tây Phương về vấn đề khủng hoảng là điều vô lý. Sự nghèo đói trên thế giới biến mất nhanh chóng hơn là chúng ta đã nghĩ.
Giáo sư Kishore Mahbubani
Thế giới, hay nói rõ hơn là khối Tây Phương, đang ở cung thứ u buồn của một bài nhạc. Phần thế giới này đang vật vã với một trong những cơn khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất kể từ Thế chiến thứ hai, đang lo sợ chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo và hiểm họa nguyên tử. Nhưng ông Kishore Mahbubani (1948), cựu đại sứ của Singapore ở Liên Hiệp Quốc và là khoa trưởng của trường Chính sách Quốc gia Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew School of Public Policy) thuộc Đại Học Quốc Gia Singapore, đã không chia sẻ sự ảm đạm đó. Trong quyển sách mới nhất của ông, The Great Convergence: Asia, The West and The Logic of One World (Cuộc Ðại Hội Tụ: Á Châu, Tây Phương và Luận Lý Về Thế Giới Hợp Nhất), ông đã lạc quan một cách đáng ghi nhận.
Theo vị giáo sư đại học này, nổi tiếng nhờ dịch thuật các câu chuyện thành công ở Á Châu, nhân loại đang chuyển hướng nhanh về một nền văn minh mới toàn cầu. Trong đó các quốc gia sẽ cùng chung sống hòa bình và dân chúng có thể xây dựng cuộc sống khá giả hơn.
Từ đâu mà ông có được sự tin tưởng vào tương lai như thế?
– Đối với 88 phần trăm dân số của toàn thế giới - trong đó 12 phần trăm dân số trên thế giới đang sống ở Tây Phương - ba chục năm qua đã là thời kỳ tốt đẹp nhất trong suốt hai thế kỷ. Cả 1,3 tỷ người Trung Quốc chưa hề trải qua thời gian nào tốt đẹp hơn thập niên vừa qua. Ngay cả Ấn Độ cũng kinh qua sự gia tăng kinh tế một cách đáng kinh ngạc.
Các cuộc chiến tranh lớn giữa các quốc gia là một hiện tượng tàn phai. Khủng bố có hiệu quả bi thảm hơn – bom nổ ở Boston gieo rắc kinh hoàng – nhưng con số tử vong giới hạn hơn. Số nạn nhân của các loại bạo lực đã suy giảm.
Mục tiêu mà Liên Hiệp Quốc đề ra nhằm giảm thiểu sự nghèo đói trên thế giới xuống còn phân nửa trước năm 2015 sẽ đạt hơn mức dự trù. Giai cấp trung lưu sẽ lớn mạnh hơn ở khắp mọi nơi. Riêng ở Á Châu đang có khoảng 500 triệu người thuộc giai cấp trung lưu. Vào năm 2020 con số đó sẽ gia tăng lên đến 1,7 tỷ. Đó là sự nâng cấp vô cùng lớn lao của một thành phần trọng yếu của nhân loại. Vì thế tôi tự hỏi vì sao Tây Phương lại bi quan đến thế?
Trong tác phẩm của ông, ông đã định nghĩa sự tiến bộ như "một chiếc thang cuốn của lý trí". Có phải lịch sử nằm trên một đường thẳng đang lên?
Tôi không tin rằng có một đường thẳng đang đi lên. Hiện thời đang có các cuộc khủng hoảng, các suy sụp. Nhưng thế giới trở nên tốt đẹp hơn bởi vì có sự đồng thuận xảy ra về những tiêu chuẩn được chia xẻ. Chúng ta đều chấp nhận khoa học hiện đại. Con người trở nên tương đối hơn trong phương cách giải quyết các vấn đề.
Càng ngày càng có nhiều xã hội tin tưởng vào tự do kinh tế thị trường. Càng ngày càng có nhiều quốc gia bị đan dính vào trong một mạng lưới chằng chịt của các tổ chức quốc tế. Hợp đồng xã hội giữa giới thống trị và những người đang bị thống trị đã thay đổi. Mubarak đã nghĩ rằng ông ta có thể nắm quyền hàng thế kỷ ở Ai Cập. Hãy xem chuyện gì đã xảy ra với ông ta.
Trong cuộc Cách Mạng Mùa Xuân Á Rập sự bất dung đã gia tăng.
Trong lúc ban đầu có thể chủ nghĩa bảo thủ cực đoan sẽ xuất hiện. Hệ thống chính trị ở Ai Cập đã bị đóng băng từ lâu, cho nên ngay sau khi bùng nổ, ta có thể tiên liệu rằng sự bất ổn sẽ xảy ra. Quốc gia Hồi Giáo đông dân số nhất thế giới là Indonesia. Sau khi chế độ Suharto sụp đổ, mọi người đều nghĩ rằng Indonesia sẽ cáo chung, nhưng bây giờ thì hoàn cảnh khá tốt. Số người dân Indonesia bỏ phiếu cho các đảng phái Hồi Giáo không hề gia tăng.
Theo ông các quốc gia sẽ phát triển theo xu hướng xích lại với nhau. Nhưng có những khu vực căng thẳng mới lại cứ xuất hiện. Thí dụ như liên hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia lân bang, khoảng cách giữa Tây Phương và thế giới Hồi Giáo. Ngay cả ở Âu Châu sự tương phản cũng gia tăng. Ông không thể nào tránh né điều đó sao?
Có một sự khác biệt to lớn giữa căng thẳng và xung đột. Có những tương phản trên thế giới, trong đó có sự tương phản giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, giữa Tây Phương và "phần còn lại", giữa các quyền lợi toàn cầu và các quyền lợi quốc gia. Tất cả những điều này không thể nào biến mất đi trong một ngày. Nhưng tôi tin tưởng rằng trong hầu hết những trường hợp, chúng sẽ không đưa đến các xung đột lớn.
Liên Âu là một cơ chế gây kinh ngạc. Cơ hội để chiến tranh bùng nổ giữa các quốc gia Âu Châu hầu như không có. Đó là cả một thành tích mà các quốc gia Âu Châu xem như chuyện bình thường, nhưng điều đó tạo thành một cảm hứng cho phần còn lại của thế giới.
Âu Châu sẽ vẫn còn là một thí dụ điển hình nếu khu vực đồng Euro bị sụp đổ?
Nếu điều đó xảy ra, Âu châu sẽ không tan rã. Ngay cả nếu thí nghiệm tiền tệ bị thất bại, sự ổn định chính trị vẫn tồn tại.
Ông biện hộ cho chủ nghĩa đa cực. Ở Âu Châu chúng ta thấy rằng các tình tự quốc gia và địa phương trở nên mãnh liệt hơn khi chủ quyền quốc gia được truyền đạt. Ngoài ra dường như các khác biệt văn hóa cũng gây trở ngại cho sự hội nhập.
Trong vài mặt, người Âu châu đã đi quá đà rất nhanh. Người Á Châu hợp tác làm việc bằng phong cách cẩn trọng hơn. Chủ nghĩa đa cực ở Á Châu có tính cách thực dụng hơn. Khối ASEAN (Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á) không tin tưởng vào các thỏa thuận ràng buộc nếu chúng giới hạn chủ quyền quốc gia.
Lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã nói: "Anh băng qua một con sông bằng cách dò từng viên đá. Anh thử tìm một cách nào đó, cứ tiếp tục nếu anh thành công và nếu không được thì anh lùi lại một bước". Không hề có giấc mộng nào lớn ở Á Châu.
Có phải đồng Âu kim (Euro) đã được thực hiện quá nhanh?
Tôi nghĩ đúng như thế. Trong thời gian tôi ở Âu châu vào thập niên chín mươi, tôi đã hỏi: Làm sao bạn có được một liên hiệp tiền tệ mà không có một liên hiệp về thuế khóa? Câu trả lời là sẽ có kỷ luật về thuế khóa. Nhưng khi Pháp và Đức vi phạm các điều lệ, họ không hề bị chế tài. Sau đó các quốc gia khác cũng hành xử tương tự.
Cần phải có những lãnh tụ Âu Châu giải thích cho dân chúng hiểu rằng thế giới đã thay đổi. Âu Châu đã dành một phần ba của dự tính ngân sách cho chính sách nông nghiệp. Bộ trưởng Ấn Độ Shashi Tharoor nói rằng, với số tiền mà Âu Châu chi tiêu cho bò sữa thì chúng ta có thể cho mỗi con bò sữa đi hai chuyến bay vòng quanh thế giới với chỗ ngồi hạng nhất. Điều này phải chấm dứt.
Đồng Âu kim có thể sống còn được không?
Nếu phải đánh cuộc thì tôi cho rằng được. Một cơ hội khoảng 51 phần trăm. Chi phí cho sự giải thế của đồng Âu kim sẽ cao hơn là tiếp tục duy trì sự hiện hữu của đồng Âu kim.
Nỗi lo sợ của Tây Phương về sự ngự trị của Trung Quốc hợp lý đến chừng mực nào?
Thế giới nhất cực sau Chiến tranh lạnh không kéo dài lâu, lại có vẻ giả tạo trong lịch sử. Nhanh hơn là mọi người có thể tưởng tượng, người Hoa Kỳ sẽ rơi xuống vị trí số hai. Nhưng điều sau cùng mà người Trung Quốc mong muốn là ngự trị thế giới. Họ có những vấn đề nội bộ trong nước.
Cung cách hành xử của Trung Quốc ở Đông Á cho thấy rằng người Trung Quốc tự tin hơn. Khi nào điều này trở thành sự ngạo mạn?
Người Trung Quốc đã cao ngạo từ lâu. Nhưng điều đó khác hơn là việc ngự trị thế giới. Sẽ có những căng thẳng xuất hiện. Thế giới trở thành một ngôi làng toàn cầu và ở giữa ngôi làng tọa lạc một căn nhà cứ lớn mãi không ngừng: Trung Quốc. Mối ác cảm đối với Trung Quốc sẽ gia tăng. Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh đã ý thức được điều này.
Người Trung Quốc ý thức rằng họ hưởng lợi từ trật tự thế giới do người Tây Phương tạo ra. Trung Quốc kinh nghiệm rằng họ có thể mua được các nguyên liệu mà không cần phải xâm lăng các quốc gia khác. Người Úc có thể vẫn tiếp tục hát bài God Save the Queen và cùng lúc bán than đá cho Trung Quốc.
Ông viết rằng đảng Cộng Sản Trung Quốc phải được nhận lãnh sự chính đáng hàng ngày nơi nhân dân. Nhưng họ có làm đúng không? Nào là tham nhũng, dân chúng bị xua đuổi khỏi đất đai của họ, môi sinh bị tàn phá.
Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã phạm phải nhiều sai lầm. Điều nguy hiểm nhất cho đảng này là tham nhũng. Nếu các lãnh đạo Trung Quốc không thành công trong việc bài trừ tham nhũng, họ sẽ gặp nhiều vấn đề. Nhưng nhìn từ quan điểm của nhân dân: Sự nâng cấp về y tế, giáo dục và gia cư đã gia tăng rất nhiều. Chưa từng có một xã hội nào khác đã giúp nhiều người thoát ra cảnh nghèo đói như xã hội Trung Quốc.
Theo ông, cuối cùng rồi Trung Quốc cũng sẽ trở thành một thể chế dân chủ. Trước đây ông đã biện minh cho sự kết hợp của tự do kinh tế và những giới hạn chính trị như một dự thảo Á Châu. Ông đã thay đổi tư duy?
Tôi đã luôn luôn nói rằng mỗi quốc gia cuối cùng rồi cũng phải trở thành tự do dân chủ. Có điều là bằng phương cách nào và vào thời điểm nào. Nếu đảng Cộng Sản Trung Quốc bị sụp đổ vào ngày mai thì tình trạng Trung Quốc sẽ tệ hại hơn. Tôi nghĩ rằng đảng này sẽ sống còn đến hai mươi năm nữa. Nhất là với những nhà lãnh đạo mới. Tôi cho rằng đây là những lãnh đạo có khả năng mà Trung Quốc đã đào tạo được trong thời gian dài.
Ông đã nhiều lần bị tố cáo về thái độ chống đối Tây Phương. Quyển sách này cũng chứa nhiều chỉ trích về Tây Phương. Người đọc có cảm giác rằng ông đã lờ đi các mặt tiêu cực của Á Châu.
Trong tác phẩm trước tôi đã viết rằng người Á Châu vươn lên bởi vì họ đã thu thập được sự thông thái của người Tây Phương. Tôi có phải là người chống đối Tây Phương hay không nếu tôi nói người Á Châu gặt hái thành công bởi vì họ đã bắt chước giống hệt Tây Phương? Tôi không hề nói rằng người Á Châu có nhiều thành công bởi vì họ quá siêu việt về mặt di truyền.
Nếu bạn trở thành thành phần thiểu số trong ngôi làng toàn cầu thì bạn sẽ có lợi nếu thể chế đa cực được bồi đắp vững mạnh hơn. Tây Phương sẽ gặp phải một cơn sóng thần của các thay đổi. Những lời khuyên của tôi cho Tây Phương: Hãy xây dựng các con đê của cơ chế. Làm vững mạnh hơn các cơ chế toàn cầu. Tại sao tôi lại phải cảnh báo Tây Phương về những thay đổi nếu tôi chống đối Tây Phương? Tây Phương hành xử ngược lại quyền lợi riêng của mình nếu họ làm suy yếu Liên Hiệp Quốc và các cơ chế khác.
Ông thường nói rằng ông là một người bạn của Tây Phương. Phải chăng ông làm điều đó bởi vì ông bị tấn công nhiều lần?
Tôi bị tấn công thường xuyên nhưng tôi có bộ da dày. Nếu tôi thấy khó chịu vì điều đó thì tôi đã ngừng viết cách đây hai mươi năm. Tôi đã can dự với sự kiêu ngạo của những người trí thức Tây Phương từ lâu. Tây Phương cảm thấy quen thuộc khi làm thầy dạy học cho phần còn lại của thế giới. Tôi hy vọng rằng tôi không ngạo mạn. Tôi xin nói rõ ràng. Tôi cổ vũ những người trẻ Á Châu hãy đi du học ở các trường đại học của Hoa Kỳ và Âu Châu.
Sự kiện hiển nhiên là ông vẫn tiếp tục kết án Tây Phương nặng nề. Tại sao?
Bởi vì Tây Phương vẫn còn ngự trị thế giới mà không thú nhận điều đó. Vẫn còn điều lệ rằng người đứng đầu cơ quan IMF (Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế) phải là một người Âu Châu và người đứng đầu của Ngân Hàng Thế Giới phải là người Hoa Kỳ. Trong hội nghị của 20 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trên thế giới (G20) người ta đã nói rằng những tổ chức đó phải được điều hành do những người được đánh giá qua thành tích của họ. Chuyện gì đã xảy ra khi Strauss-Kahn (là một người Pháp quản trị IMF - Chú thích NTQA) bị gặp khó khăn. Ngay sau đó người đàn ông Pháp đã được thay thế bởi một người đàn bà Pháp.
Tây Phương chiếm 12 phần trăm dân số thế giới và chiếm đến 60 phần trăm ghế thường trực trong Hội Đồng Bảo An. Đó là điều phi lý. Nó phản ảnh thế giới giống như năm 1945. Tây Phương phải từ bỏ điều đó.
Trong bao lâu Hoa Kỳ vẫn còn là cường quốc chính trị và quân sự số một sau khi họ bị mất vị trí kinh tế hàng đầu?
Hoa Kỳ sẽ mất vị trí số một của kinh tế thế giới vào năm 2017. Trung Quốc đã rút ra bài học từ Liên Sô, rằng anh sẽ gặp nhiều khó khăn nếu anh có quân đội mạnh và một nền kinh tế yếu kém. Một nền kinh tế mạnh quan trọng hơn một quân đội mạnh.
Thật là phi lý khi Hoa Kỳ sau Chiến tranh lạnh chi tiêu nhiều cho quốc phòng hơn cả phần còn lại của thế giới hợp lại. Sự kiêu ngạo đưa đến cuộc xâm lăng Iraq. Tổng thống George Bush đã có một đóng góp lớn cho hòa bình thế giới bằng cách cho thấy rằng ngay cả một quốc gia chi tiêu nhiều cho quốc phòng như thế vẫn không có khả năng thực hiện thành công một cuộc chiếm đóng ở một quốc gia nhỏ như Iraq. Trung Quốc và Ấn Độ đã rút ra được bài học cho chính họ từ điều này.
Cor Speksnijder
(Wees optimistisch: de middenklasse groeit snel, De Volkskrant, 27-04-2013)
Người dịch: Nguyễn Thị Quỳnh Anh
_____________
300 trang, bìa cứng
Nhà xuất bản: Public Affairs
ISBN: 978- 1-61039-033-0 (sách in)
ISBN: 978- 1-61039-034-7 (e-book)
US$ 26.99