Phan Văn Song


Gương sáng phụ nữ:

Bà Cory Aquino, vị nữ Tổng Thống đầu tiên của Đông Nam Á.

 

Năm 2009 sắp tàn, chúng ta thử kiểm điểm lại những biến chuyển hay những sự việc đã xảy ra trong năm đã làm cho chúng ta chú ý. Nhiều sự việc lắm! Nhiều dữ kiện lắm! Dư luận đã chú ý, ít có, nhiều có, có những việc người ta quảng cáo rầm rộ, như kỷ niệm ngày Bức tường Bá Linh sụp đổ. Cũng có những mất mát, có những vị ra đi, như nhà nhân chủng học Claude Levy-Strauss chẳng hạn. Nhưng có một vị cựu nguyên thủ một quốc gia vùng Đông Nam Á mất trong năm nay, đối với tôi là một biểu tượng, tôi muốn vinh danh bà trong dịp thiên hạ đang đưa vùng Đông Nam Á lên hàng đầu thời sự, với sự thăm viếng của Tổng Thống Mỹ Obama, với sự lên gân cường điệu của Trung Cộng có tham vọng Hán Hóa Đông Nam Á và Biển Đông.

Tôi muốn nói đến bà Cory Aquino.

Ngày 1 tháng tám 2009, bà Cory Aquino, Tổng Thống Phi Luật Tân từ 1986 đến 1992, mất vì bệnh ung thư. Bà Cory Aquino, vị nữ Tổng Thống đầu tiên của một quốc gia vùng Đông Nam Á, điển hình cho “những việc gì phải làm và có thể làm được” của đất nước Phi Luật Tân thời hậu độc tài Marcos.

Một “Yes We Can” Phi Luật Tân, không phải chờ Mỹ bật đèn xanh, tự túc, tự lập.

***

Con người của quần chúng:

Sức mạnh của người dân nghèo là trong sự quan trọng của cái liên hệ gắn bó giữa người dân nghèo đối với giai cấp người giàu. Đối với toàn thể dân chúng Phi Luật Tân, Corazon Sumulong Cojuangco, cô gái cưng của một điền chủ giàu có gốc Hoa-Phi, chỉ là “Cory”, người vợ yêu quý của nhà tranh đấu cách mạng rất được quần chúng ủng hộ và yêu chuộng, Benigno “Ninoy” Aquino. Nàng và chàng lấy nhau khi nàng vừa tròn 22 tuổi, và tạo một hình ảnh điển hình của một cặp trai tài gái sắc cho xã hội Phi Luật Tân thời bấy giờ. Cạnh người chồng yêu quý của mình, là một nhà tranh đấu cách mạng và một nhà đối lập với chánh quyền độc tài của Tổng Thống Ferdinand Marcos, nàng đã học được – nếu không phải là một nghề nghiệp “làm chánh trị” – thì ít ra nàng cũng nắm rõ thế nào là trách nhiệm của những “kẻ sĩ” hay những “nhà trí thức”, hay những người có may mắn sanh ra trong nhưng gia đình có tiền của, và có được kiến thức trước thời cuộc. Một thời cuộc đầy khó khăn đối với một đất nước đang bị một nhà “độc tài” tàn phá một cách vô trách nhiệm, vì chỉ có 20 năm cầm quyền mà đã xóa bỏ tất cả những điệu kiện thuận lợi tạo được sau Hậu Chiến.

Một tấm bi kịch đã đẩy nàng lên sàn sân khấu chánh trị: ngày 21 tháng 8 năm 1983, hai vợ chồng Aquino trở về Manille sau một thời gian bị buộc phải ly hương sang Huê Kỳ. Bàn chân của Ninoy vừa chạm đất quê hương thân yêu thì chàng phải gục ngã dưới chân cầu thang máy bay trước làn đạn ám sát của kẻ thù. Chắc chắn là do bàn tay của tên độc tài bạo chúa, nhưng làm sao chứng minh được? Cory góa phụ vào lúc 50 tuổi. Nàng phải nắm lấy – như nàng nói “Có những lúc chúng ta phải biết nhận những nhiệm vụ mà quần chúng muốn chúng ta phải đảm nhậnvận mạng; và với sự ủng hộ của quần chúng, nàng ứng cử Tổng Thống năm 1986. Mặc dù nàng thắng rõ, nhưng kết quả chánh thức cuộc bầu cử lại tuyên bố Marcos thắng. Lập tức một Phong trào quần chúng được tập họp và nổi dậy: Phong Trào People Power Sức Mạnh của Quần Chúng. Một cuộc biểu tình ôn hòa trên một triệu người trên các đường phố thành phố Manille. Vào ngày 25 tháng 2 năm 1986, Marcos chấp nhận thua cuộc và Cory Aquino trở thành vị nữ Tổng Thống đấu tiên ở một quốc gia Đông Nam Á, lập lại trật tự, đem lại nền Dân Chủ cho Phi Luật Tân.

 

Không tham quyền cố vị:

Con người mà suốt thời gian qua chỉ biết ủng hộ và đứng bên cạnh ông chồng, ngày nay phải có bổn phận và trách nhiệm là xây dựng lại xứ sở Phi Luật Tân đã bị lạm dụng và bất công tàn phá. Công việc bề bộn, khó khăn, nàng gánh vác cùng chánh phủ của nàng trong vòng 6 năm. Một bản Hiến Pháp mới ra đời năm 1987, và Phi Luật Tân, nhờ sự ủng hộ của Huê Kỳ và Nhựt Bổn, thoát ra khỏi sự suy thoái của thời Marcos. Thế nhưng, phe Quân Đội, lúc trước đứng giữa không tranh chấp vì lúc ấy, cần hạ bệ Marcos, nay lại ló mòi đòi chia chác quyền lực: 6 lần đảo chánh. Mặc dù không thành công, nhưng cũng làm hao tổn sức lực, hay làm chậm lại của những công trình đang cải tổ và cần cải tổ. Thêm vào đó, nhóm nhà giàu, đầy quyền thế và quyền lực nay cũng muốn Cory nhớ lại nguồn gốc gia đình mình.

Cuộc cải tổ về Nông Nghiệp và Điền Địa cần thiết để Phi Luật Tân bước vào một thế giới mới vì vậy không thông qua nổi Quốc Hội. Bao nhiêu dịp bỏ lỡ, bấy nhiêu lần thất vọng. Sự thật, là vì bà Tổng Thống nắm rõ sự hạn chế của những nỗ lực để thực hiện những giấc mơ của mình, nên nhiều khi bà cũng phải, một cách chánh trị, xử dụng cơ hội chủ nghĩa. Điều ấy chứng tỏ sự chưa trưởng thành của một não trạng thiếu ý thức chánh trị của giới chánh trị Phi Luật Tân, đặt những quyền lợi cá nhơn, hay những quyền lợi của nhóm trên những quyền lợi quốc gia. Và bà rời chánh quyền.

Mặc dù Cory đã rời chánh quyền và quyết không trở lại nữa, nhưng vẫn giữ một vai trò chủ chốt trong sanh hoạt chánh trị Phi Luật Tân. Bà cũng nhận khuyết điểm khi bà quyết tâm đòi sửa đổi Hiến Pháp để những người thừa kế Bà chỉ có một nhiệm kỳ thôi; và khi làm như vậy, người kế bà là Tổng Thống Fidel Ramos không được tái ứng cử nữa. Đây là một dịp lỡ, ông Fidel Ramos là người “chống quyền lực của nhóm nhà giàu” duy nhứt, có thể chận đứng những cuộc phá hoại xâm chiếm quyền lực của nhóm trên, và giúp Phi Luật Tân bước vào dân chủ hữu hiệu hơn. Nhưng Bà cũng kêu gọi thẳng thừng Tổng Thống Joseph Estrada (1998-2001) hãy từ chức đi. Bà cũng không ngại chỉ trích Tổng Thống Gloria Macapagal Arroyo, Tổng Thống đương nhiệm để bà Arroyo có một nền quản lý hữu hiệu hơn, và đặc biệt khuyên bà Arroya bớt “đi sát” với Huê Kỳ.

Những lời chỉ trích rất đúng đắn của một con người không màng danh lợi, không tham quyền cố vị, là một chuyện hi hữu của một quốc gia thuộc Đông Nam Á, vì Bà cũng là của một con người bước vào chánh trị một cách tình cờ. Với một dân tộc Phi đầy tâm linh, đầy tin tưởng vào những phép lạ, vào mệnh trời, từ tôn giáo đến chánh trị, Cory Aquino đã chứng minh rằng: “với quyết tâm, tất cả đều làm được”.

Phải, “Yes we can”.

Dân tộc Phi Luật Tân cũng như tất cả dân Đông Nam Á, có một nền văn minh nông nghiệp. Cũng cùng văn minh nông nghiệp như Việt Nam. Cũng trải qua một thời gian thuộc địa như Việt Nam. Tại sao ngày nay Phi Luật Tân đứng trên hạng Việt Nam từ sản xuất, đến đời sống mãi lực của quần chúng, đến cả cán cân thương mãi. Quản lý hữu hiệu hơn? Khoa học hơn? Giàu hơn? Hay cái gi khác, phải chăng Việt Nam thiếu dân chủ hơn? Với một Đảng Cộng sản độc tài với một ý thức hệ thiếu sáng suốt?

Ta thử so sánh, đối chiếu:

Tài liệu Cơ Quan Tiền Tệ (IMF - FMI), Số liệu 2007.

  Phi Luật Tân Việt Nam
TSL/người     $US 1784 / người $US 805/người
TSL quốc gia 157 tỷ $US     

67 tỷ $US

Tăng trưởng 7,3% 8,5%
Đầu tư quốc tế 2,2 tỷ $US 2,3 tỷ $US
Du lịch 3,1 tỷ $US 3,2 tỷ $US
Dân số 88 triệu dân 85 triệu dân
Diện tích 300 000km² 330 000km²
Sản xuất Điện 58 000 tỷ Kwh 60 000 tỷ Kwh
Tiêu dùng Điện 600 ngàn kwh/người 660 ngàn Kwh/người
Cán cân thương mại +6351 tỷ $US -6722 tỷ $US

Nếu ta đọc kỹ và so sánh, Việt Nam và Phi Luật Tân rất giống nhau, nghèo như nhau.

Việt Nam lợi điểm hơn là có một địa dư dính liền nhau. Phi Luật Tân là một quần đảo gồm 7700 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau.

Phi Luật Tân ít đất canh tác hơn: chỉ sản xuất được có 17 triệu tấn gạo,

Việt Nam 37 triệu tấn, đứng hàng thứ 5 thế giới; về heo Việt Nam sản xuất 27 triệu tấn đứng hàng thứ 4, Phi chỉ có 13 triệu thôi.

Về khoáng sản: Việt Nam ta giàu hơn: than 42 triệu tấn đứng hàng thứ 17 trên thế giới,

Về dầu hỏa: 17 triệu tấn, với một trữ lượng tương lai là 500 triệu tấn đầu hỏa đứng hàng thứ 30 trên thế giới, và 220 triệu tấn khí đốt. Phi Luật Tân không sản xuất được than, dầu hỏa và có ở ngoài khơi 19 trìệu tấn dầu chưa khai thác.

Việt Nam còn có sức mạnh canh tác, nông dân là lá phổi cho sanh hoạt kinh tế và xã hội:

Tỷ lệ người dân thành thị ở Việt Nam là chỉ có 27%,

Ở Phi Luật Tân tỷ lệ lên đến 65% gây khó khăn cho quản lý dân số và tệ nạn xã hội.

Nhưng Việt Nam phung phí sức canh tác hơn.

Với 73% số dân, nông dân chỉ sản xuất được 20% chỉ số Tông sản lượng quốc gia.

Phi luật Tân, với 35 % dân số, nông phẩm chiếm 15% TSL quốc gia.

Hai cái nghèo giống nhau. Tại sao người dân Phi Luật Tân sống tương đối dễ thở và thoải mái hơn? TSL đầu người là 1784 dollars với một mãi lực tương đương với 3153 dollars Mỹ (227% của TSL đầu người, nghĩa là đời sống đắt đỏ hơn Việt Nam).

Việt Nam có một mãi lực tương đương với 2363 dollars với một TSL đầu người kém hơn (so sánh gấp 338% của TSL/người là 805 $US).

Hỏi tức là trả lời. Bức tường Bá Linh đã đổ, chừng nào bức tường giàu nghèo ở Việt Nam sụp đổ? Chừng nào bức tường ngăn cách của những biệt thự đồ sộ và những khu ổ chuột sụp đổ?

Chừng nào có những người ý thức được rằng mình có may mắn, có kiến thức, có học lực, và biết trả cái may mắn có người, biết lấy trách nhiệm “lo cho người, biết đặt quyền lợi chung, quyền lợi đất nước trước quyền lợi của mình”?

Chừng nào có vài vị cách mạng biết không tham quyền cố vị biết xuống để trao quyền lại cho người khác? Chừng nào không còn những Chủ Tịch muôn năm, những Bộ trưởng muôn năm, nhửng Chủ nghĩa bất diệt, những Đảng cầm quyền hằng chục năm nữa?

Chừng nào?
Chừng nào?

 

Phan Văn Song

 


Cái Đình - 2009