Minh Hạnh
Ðoàn tùy tùng Zwarte Pieten của Sinterklaas và nan đề kỳ thị màu da
Hàng năm, mỗi khi vào Thu là người Hòa Lan, nhất là nơi những gia đình có con nhỏ, bắt đầu nghĩ đến ngày lễ hội cổ truyền trọng đại của quốc gia này: Sinterklaas.
Ở Hòa Lan, Sinterklaas được người ta chú ý nhiều hơn Ông Già Noël, vì nó gắn liền với hai ngày hội dân gian: lễ hội đón tiếp Sinterklaas cập bến tàu, và buổi tối trao quà. Trong hai ngày này không thể thiếu một ông Sinterklaas cao lớn phúc hậu, có bộ râu bạc, một tay cầm trượng, một tay vẫy chào các em nhỏ. Trong ngày đón rước, ông từ “Tây Ban Nha” giả tưởng đến Hòa Lan bằng tàu hơi nước. Khi lên bờ, ông được người hầu cận đỡ lên lưng con ngựa trắng, đi dạo một vòng phố. Trong tối phát quà (ngày chính thức là 05/12), thường ông đi bộ. Chạy xung quanh là một đoàn ‘tùy tùng’ được gọi chung là Zwarte Pieten (những tên Piet đen), đương nhiên là đen như bồ hóng, tóc quăn, môi dày tô son đỏ choét. Ðám ‘Piet’ này mang theo những chiếc bao bố chứa quà và cầm những bó cành khô phe phẩy. Trên đường đi, họ tung những nắm bánh ngọt nhỏ và nhảy múa, làm trò diễu cho các em cười. Dáng nghiêm trang của Sinterklaas cộng với sự đùa cợt của đám tùy tùng mang lại sự hài hòa thoải mái cho mọi người.
Sinterklaas có thể coi là một thước đo sự trưởng thành của con trẻ. Trẻ nhỏ tin tưởng là Sinterklaas có thực, cho đến khi chúng nhận thấy sự vô lý khi có nhiều Sinterklaas xuất hiện trong cùng một ngày, với những con ngựa khác nhau và đoàn tùy tùng cũng khác nhau. Khi đó, chúng bắt đầu chú trọng đến gói quà hơn đến ông thánh huyền thoại này.
Khi Sinterklaas từ trên tàu bước lên bờ cũng là thời điểm báo hiệu cho các em nhỏ chuẩn bị để giày cho ông bỏ quà vào đó. Khi xưa các em để giày dưới ống khói, Zwarte Piet ‘vào nhà ban đêm’ qua ngả này. Bó cành khô tượng trưng dụng cụ thông ống khói lò sưởi ngày xưa. Ngày nay, các em thường để giày ngoài cửa, một số cửa hàng hay siêu thị cũng dọn sẵn chỗ cho các em để giày.
Sinterklaas sinh vào khoảng năm 270 ở Lycie (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ). Khi lớn lên, ông trở thành giáo sĩ. Ông dùng tiền bạc để lại của gia đình để giúp người nghèo và người gặp nạn. Ông mất vào ngày 06/12 và sau đó được phong thánh, tức thánh Nicolaas, mang tên Hòa Lan là Sinterklaas. Thời cổ đại, ngày bắt đầu vào buổi tối, không phải từ nửa đêm. Vì lẽ đó tối ngày 05/12 được người ta chọn làm tối cho Sinterklaas phát quà để nhớ đến tính tốt của ông.
Khởi thủy, Sinterklaas không có người hầu. Chiếc tàu hơi nước, Zwarte Pieten và cuộc đón rước Sinterklaas lên bờ đi thăm dân tình được người ta thêm vào trong những năm giữa thế kỷ 19, lần lần những thứ ‘phụ tùng’ này trở thành truyền thống cho đến ngày nay. Qua thời gian, có vài thay đổi. Khi xưa những đứa trẻ hư sẽ nhận được cây roi hay túi muối, người lớn răn đe là những đứa hư sẽ bị ông Sinterklaas bắt bỏ lên tàu mang về Tây Ban Nha, xay thành bột. Ngày nay Sinterklaas nhân từ hơn. Rất hiếm khi ông la rầy các em nhỏ, dù chúng hư hỏng. Ðám Zwarte Pieten đi theo Sinterklaas trong ngày ông lên bờ chính thức ở Amsterdam cũng mỗi ngày mỗi tăng, cho tới năm, sáu trăm người hiện nay. Dĩ nhiên trong đám Pieten này hiện nay có cả ‘Piet Trắng’ hay phụ nữ (Piet Trắng xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1935), tuy người ta vẫn gọi chung là Zwarte (đen) Piet (tên dành cho con trai).
Khi xã hội Hòa Lan trở thành “chén nung chảy” (melting pot), pha trộn nhiều sắc dân da màu, không lớn lên cùng với sự nôn nao hàng năm chờ nhận quà từ Sinterklaas và Piet, hình ảnh những tên đen làm trò hề cho một ông già da trắng dễ gây nên trong họ cảm giác là họ nói riêng – và cả dân tộc họ nói chung – bị nhục mạ một cách gián tiếp.
Trong quá khứ, mỗi năm đều có những lời bàn ra tán vào về “hiện tượng” Zwarte Pieten. Vài sự kiện nổi bật trong những năm gần đây là ca sĩ kiêm kịch sĩ nổi tiếng Gerda Havertong (người Hòa Lan gốc Suriname – một cựu thuộc địa của Hòa Lan, được trả độc lập năm 1983) một hoạt náo viên trong chương trình truyền hình Sesamstraat dành cho trẻ em đã nói trong một buổi phát hình là người da đen chẳng có thích thú gì với ngày lễ Sinterklaas vì ngay bản thân cô cũng thường bị người ngoài đường chọc ghẹo hay chê bai là Zwarte Piet. Lời tuyên bố này đã gây là một làn sóng tranh cãi sôi nổi khi đó. Cách nay 2 năm (2011), trong cuộc đón rước Sinterklaas ở Dordrecht, nghệ sĩ Hòa Lan gốc Curaçao Quinsy Gario và nhà thơ kiêm kịch sĩ Hòa Lan gốc Ghana, Kno’Ledge Cesare, đã bị cảnh sát bắt rồi Gario lại bị chính vị bạn dân này đạp vào lưng vì mang áo thun mang chữ “Zwarte Piet is racisme”. Ðây là hai trường hợp điển hình cho sự bất mãn của người da đen đối với hình ảnh “mang tính bôi nhọ” Zwarte Piet. Tuy nhiên, đại đa số những lời chỉ trích “lũ Piet” hàng năm chỉ mang lại nụ cười chế diễu gió thoảng mây bay, bởi nhà nhà vẫn hân hoan mua quà tặng cho con cháu. Trường tiểu học và các cửa hàng là hai động lực chủ chốt duy trì ngày hội con nít hàng năm này. Những người có cảm tình với Sinterklaas và Zwarte Piet giữ thái độ với những kẻ chống đối là “đi chỗ khác mà chơi, ngày hội này chẳng có gì sai cả!”. Trong khi đó, “Zwarte Pieten” dường như cũng biết phận mình, ngày càng tỏ vẻ thân thiện hơn với con nít, mang vẻ “thông minh” hơn, sáng tạo hơn trong những trò diễu. Con số Zwarte Pieten tham dự lễ đón Sinterklaas bước lên bờ kênh “Ông Hoàng Hendriks” ở Amsterdam hiện nay đã vượt con số 500, gồm đủ thứ Piet, mỗi nhóm đảm nhận một trò.
Cho đến năm nay, 2013
Dư luận bênh và chống vụt trở nên sôi động khi Hòa Lan xin Unesco công nhận lễ hội Sinterklaas là Di sản Văn hóa Tinh thần của Thế giới. Một bản tường trình của nhóm nghiên cứu về ngày hội Sinterklaas, do Giáo sư Verene Shepherd cầm đầu, trên danh nghĩa là do yêu cầu của Liên Hiệp Quốc đã đưa ra kết quả chung là ngày hội này hàm chứa ý nghĩa nô lệ trong đó. Bà tuyên bố: “Nhóm nghiên cứu không thể hiểu nổi tại sao dân Hòa Lan lại không thấy chuyện đó là một sự trở lại thời nô lệ và trong thế kỷ 21 ta phải chấm dứt ngày hội này.”
“Zwarte Piet trời sinh ra đã đen rồi, tôi chẳng có thể thay đổi được gì nữa.” Mark Rutte, Thủ tướng Hòa Lan |
---|
Loại bỏ yếu tố được cho là chủ quan (bà Verene là người da đen Jamaica!!), lời kết luận của nhóm nghiên cứu đã chính thức đổ dầu vào lửa dư luận ở Hòa Lan, nhất là sau đó Liên Hiệp Quốc lại ra thông báo cải chính là nhóm này chỉ gồm tình nguyện viên và họ đã tự tiện in báo cáo bằng giấy mang tiêu đề Cao Ủy về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, gây ngộ nhận. Verene Shepherd đã cố tình lợi dụng Liên Hiệp Quốc trong mưu đồ thu lợi riêng bằng cách tạo uy thế. Trong thời tin học hiện đại, một trang Facebook đặc biệt Pietitie đã được mở ra, trong 2 tuần đã thu được hơn 2 triệu “likes”, một kỷ lục chưa từng có trong mạng xã hội. Verene nhận được lời mời thăm buổi đón Sinterklaas để bà có thể thấy tận mắt ngày hội diễn ra làm sao. Những buổi phỏng vấn liên tiếp được đưa lên báo, lên TV về vấn đề “Zwarte Pieten và kỳ thị chủng tộc” cho thấy một hiện tượng phổ cập trong thời đại hiện nay: một số ít người to miệng muốn khơi lớn chuyện, trong khi đó đại đa số thầm lặng đồng ý với truyền thống cũ, nhưng họ không lên tiếng, không ra mặt vì không muốn gây rắc rối cho mình và cho mọi người.
Những cuộc phỏng vấn đã cho thấy cán cân dư luận bênh và chống Zwarte Piet dường như không nghiêng nhiều theo khuynh hướng [da đen = chống] – [da trắng = ủng hộ] như người ta nghĩ (cuộc thăm dò vẫn đang tiếp tục). Có những tình huống nực cười xảy ra. Ngày 16/10, tại Den Haag, bà Tilly Kaisiëpo (62 tuổi), người Hòa Lan gốc Papua, khi cầm cờ Papua để ủng hộ Zwarte Piet, do ngôn ngữ bất đồng, đã bị ngộ nhận là bà thuộc phe chống, và bị bao vây hành hung bởi một nhóm chừng ba chục người. “May mắn là có người ngăn hắn lại. Mắt ông ta hằn lên nét thù ghét thực sự,” bà nói khi hoàn hồn. “Liên Hiệp Quốc bỏ tiền của để nghiên cứu về Zwarte Piet, trong khi chẳng làm gì chống lại chiến tranh diệt chủng ở Papua.” Khu Ðông Nam Amsterdam, nơi người da màu sống tập trung, nhiều nhất là người gốc Suriname, thổ dân gốc quần đảo Antilles và người gốc Phi Châu, đang tranh cãi ráo riết về việc có tổ chức lễ Sinterklaas chính thức hay không. Một cú điện thoại, twitter khích động có thể trong chớp mắt làm không khí ngày hội thay đổi hoàn toàn, từ vui vẻ trở sang thù hận, và chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Ngày 01/11/2013, thị trưởng Amsterdam, Eberhard van der Laan, tuyên bố là “không thể loại bỏ nguy cơ một vụ khủng bố sẽ xảy ra trong ngày đón Sinterklaas.”
Ngày Sinterklaas gần kề, những nhà phân tích tâm lý, kinh tế, an ninh đang bận rộn với những con số. Trong khi đó các cửa tiệm rộn rịp chuẩn bị tăng cường đội ngũ nhân viên để thỏa mãn nhu cầu quà cáp của dân. Trong hai tháng cuối năm, doanh số các cửa hàng bán đồ chơi có thể lên đến gần 50% doanh số của cả năm. Hãy nhìn sự biến đổi của bộ mặt các cửa hàng ở Hòa Lan trong ngày 05/12 mỗi năm. Trong một tối, tất cả mọi thứ quà mang nhãn Sinterklaas bị dẹp bỏ, cho vào khu bán đại hạ giá, trong khi đó bộ mặt ông già Noël tươi cười xuất hiện. Giới trẻ Hòa Lan càng ngày càng thấy gần ông già Noël mang tính quốc tế hơn ông thánh Nicolaas mà chúng chê là cổ lỗ.
Minh Hạnh
(11/2013)