Thanh Tâm
Đi xem một cuộc biểu dương
Một sự tình cờ đã mang đến cho tôi, trong thời gian ngắn ngủi ghé qua San Jose (California), có được cơ hội tham dự một ngày ‘ấn tượng': Ngày người Việt ở thành phố này chào mừng Little Saigon.
Buổi lễ hội cũng là một cơ hội để đẩy mạnh thêm cuộc vận động bãi nhiệm cô Madison Nguyễn, nghị viên khu vực 7 thành phố San Jose, khi cô thúc đẩy hội đồng thành phố biểu quyết đặt tên một khu thương mại của người Việt nằm trên đường Story là Saigon Business District. Tên này đã làm phật ý nhiều người Việt tỵ nạn ở đây, khi họ muốn khu thương mại này phải được mang tên Little Saigon, một danh xưng trong đó ẩn tàng ý không chấp nhận cộng sản Việt Nam. Những cuộc biểu tình lên tới hơn chục ngàn người sau đó, và tiếp theo là 28 ngày tuyệt thực của Lý Tống, hội đồng thành phố San Jose – trong cố gắng làm dịu sự phẫn nộ của người Việt, ít nhiều đã gây xáo trộn trong vùng – đã quyết định hủy bỏ tên Saigon Business District, và tạm thời cho người Việt dựng một bảng hiệu ‘Welcome to Little Saigon' trước khu phố trong khi chờ đợi biểu quyết một tên mới. Lại thêm một chặng đường gian nan cả về nhân lẫn vật lực.
Tôi đến nơi tổ chức – khoảng sân rộng trước trụ sở mới của Tòa Thị Chính San Jose ở đường Santa Clara – vào lúc hơn 3 giờ chiều chủ nhật 18/05/2008, lúc những chuẩn bị đang đi đến cao điểm để kịp giờ khai mạc. Trời San Jose tuần lễ đó đổ lửa, với kỷ lục thời tiết lên mấp mé 100°F (38°C) và giá xăng nhấp nhô ở mức 4 đô la một gallon (tuy thế chỉ bằng nửa giá xăng ở Hòa Lan, tôi không thể hình dung nước Mỹ sẽ ra sao nếu giá xăng tăng lên tới mức này). Người ta đang từ mọi ngã đường đổ đến, khoảng sân trở nên sống động, náo nhiệt, nổi bật hẳn lên trên khung cảnh thưa vắng xe cộ quanh vùng. Những hàng ghế sắt được ban tổ chức thuê, nằm phơi dưới nắng từ giữa trưa, giờ đã bị chiếm hết. Một số anh chị trong ban tổ chức đang phát cho mỗi người một chai nước trong số 4000 chai được chở đến xếp thành chồng phía sau sân khấu ‘dã chiến' trang hoàng biểu ngữ và cờ Mỹ Việt. Một số khác đang bận rộn trong công tác xin chữ ký yêu cầu bãi nhiệm Madison Nguyễn và canh mấy thùng tiền quyên góp. Những quầy phát báo chí, tài liệu… kể cả quầy của những người phản đối báo Người Việt ở Nam Cali ‘nhục mạ cờ vàng' và ‘đi đêm với Việt cộng' cũng góp mặt, mặc dù chuyện này xảy ra cách nơi tổ chức hơn 600km. Bốn ông Mễ đẩy xe kem đứng bán phía sau được một ngày đắt hàng. Nhưng với tôi, nổi bật nhất là bốn năm chục vị mặc quân phục rằn ri của những binh chủng dữ dằn. Từ ‘Thiên thần mũ đỏ' (Nhảy dù) tới ‘Cọp Ba Đầu Rằn' (Biệt động quân) hay‘Trâu Điên' (Thủy quân lục chiến)…. Chen vào đó có vài ông Quân cảnh và Võ Bị Đà Lạt, bên cạnh những vị còm nhom mang đồng phục xám cảnh sát, điểm thêm vài vị mang quân phục Hải và Không quân… Dường như người ta thích mặc đồ của những binh chủng sắt máu, được biểu hiện bằng những khuôn mặt ‘rất ngầu', và những binh chủng nổi danh với truyền thống ‘bay bướm'. Bộ binh, nhất là những lính Địa phương quân, Nghĩa quân tìm đỏ mắt không thấy, hỏi chị bạn đi theo thì chị ta nói đâu cũng vậy, mặc đồ rằn coi oai hùng hơn. Chân lý ‘xanh rờn' của phái nữ. Thật lạ, khi tôi chợt có ý nghĩ là chính những người lính Địa phương quân hay Nghĩa quân mới là những người lính gần dân chúng, bà con họ hàng của họ nhất, và như thế họ hẳn phải là những người lính ‘nhân bản' nhất trong cuộc chiến. Sự vắng bóng của họ trong những cuộc biểu dương, biểu tình phải chăng là một biểu hiện của sự ‘mắc cở' trước những đề cao ‘anh hùng áo rằn ri' được phim ảnh và truyền hình dàn dựng, hoặc giả họ đang kiếm ‘chầu bia' theo như thói quen xưa của những vị nhà binh ham nhậu!!!
Tôi hỏi một người đứng bên cạnh, một cựu Đại úy sư đoàn 3 Không quân vì sao ông không mặc đồ trận tham dự, ông nói: “Thôi có Lý Tống đại diện đủ rồi.” Theo tay ông chỉ, tôi mới nhận ra ‘anh hùng Lý Tống' trong bộ đồ bay màu cam, đang được những người ngưỡng mộ vây quanh chào hỏi và xin được chụp hình chung. Ông cựu sĩ quan Không quân còn chỉ cho tôi xem chiếc lều nylon dã chiến Lý Tống đã ở trong đó suốt 28 ngày, dưới tiết trời lạnh cóng tay chân, trong cuộc đấu tranh kiên trì đòi cho bằng được tên Little Saigon. Chiếc lều đặt ở cánh trái khán đài, chắc trong tương lai sẽ trở thành một bảo vật được người Việt mang theo trong các cuộc biểu tình, cho có đôi với bức hình ‘lịch sử' chụp cảnh linh mục Nguyễn Văn Lý bị công an bịt miệng trước vành móng ngựa.
San Jose đang rộn rịp trong mùa vận động tranh cử vào Hội đồng Giám sát Thành phố, cuộc bầu cử sơ bộ sẽ được diễn ra vào ngày 03/06. Ba ứng cử viên người Việt đang ráo riết kiếm phiếu, đường phố đặc nghẹt biểu ngữ vận động, truyền đơn được phát cùng khắp. Những ứng cử viên người Hoa Kỳ chính gốc hay gốc ngoại quốc cũng ồn ào tham dự trò chơi dân chủ bỏ tiền kiểu Mỹ này. Đương nhiên người Việt tỵ nạn với con số bảy tám trăm ngàn ở vùng Bắc Cali trở thành một chiêu bài lợi hại được nhiều người tận dụng, trước khi nón cối được tung ra cho đối thủ đội. Những ứng cử viên gốc Việt trở thành những người con có hiếu nhất với dân tộc qua những buổi thắp nhang trước bàn thờ tổ quốc. Tờ quảng cáo của dân biểu gốc Đại Hàn Otto Lee có chụp ảnh ông thắt cà vạt vàng có ba sọc đỏ bắt chéo, còn ông phó thị trưởng San Jose (Dave Cortese) chiều nay cũng đi tới đi lui trong bộ vét với cà vạt cờ vàng như để đối chọi với ông thị trưởng Chuck Reed, người đã ‘lỡ dại' ủng hộ cô Madison Nguyễn, nhưng đã lặn mất tăm kể từ sau biến cố ‘Tháng Ba Đen' (ngày 02/03 San Jose có cuộc biểu dương vĩ đại nhất lịch sử tranh đấu Bắc Cali, đòi bãi nhiệm cô Madison Nguyễn). Đương nhiên trong hoàn cảnh này Madison Nguyễn đang trở thành con vật tế thần của nhiều phe phái bất kể Mỹ hay Việt. Điều này có thể thấy rõ nét trong những bài báo, và chiều nay trên những biểu ngữ vải và bảng carton người ta mang theo đòi bãi nhiệm cô, bên cạnh một rừng băng-rôn mang dòng chữ ‘Little Saigon Won – San Jose welcome Little Saigon' hay những dòng chữ tương tự. Cờ vàng ba sọc đỏ rợp một góc trời, từ trên khán đài, tới những chiếc cờ mọi người cầm trên tay, và được đan thành mũ len cho những ông bà già đội, thành áo dài cho những thiếu nữ khoác lên người.
Đã 4 giờ mười phút, trời nắng rất gắt nhưng không rát như nắng gió Hạ Lào năm 1972, tiếng micro báo hiệu khai mạc. Một nghi lễ rước cờ danh dự Việt Mỹ được cử hành trang nghiêm với những vị mặc đồ rằn ri thẳng nếp, giày bốt đờ sô đánh láng coóng, súng bồng nghiêm nghỉ rầm rập, rồi màn hạ kiếm tưởng niệm những người vị quốc vong thân thật cảm động…
Với tôi đây là một cảnh rất lạ mắt chưa từng bao giờ thấy lại kể từ ngày Quân lực 19/06/1974. Hùng tráng, nhưng vẫn vương mang một nét buồn. Buồn xa xứ trong nỗi hận mất nước. Có tham dự buổi này, tôi mới hiểu được – cho dù không trọn vẹn – lý do vì sao những cuộc biểu tình, biểu dương lực lượng ở Hoa Kỳ của người Việt lại có thể quy tụ được con số ngàn và chục ngàn. Bởi vì, ngoài mục đích bày tỏ quan điểm chính trị của một cộng đồng đang đứng đầu sóng ngọn gió trước những chiến dịch, nghị quyết từ Việt Nam tung ra, những buổi này còn là một cơ hội tốt cho những vị đã một lần ngã ngựa nay có dịp tìm lại bạn bè cùng chí hướng để tâm sự, đàm đạo trong một khung cảnh khá thân quen, may mắn nữa thì gặp thời tiết dễ chịu. Có bạn tán dóc, có nhạc phụ diễn miễn phí, còn gì hơn.
Đương nhiên đây cũng là những cơ hội để cho những vị public figure được xuất hiện. Với những người ở Mỹ có lẽ là chuyện thường ngày, nhưng với tôi, chỉ trong một buổi chiều mà được thấy những vị dân biểu, chính khách, thị trưởng người Mỹ, vị giáo sư nổi tiếng Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, những vị xướng ngôn viên từ lâu được nghe qua đài nhưng chưa thấy mặt, và rồi một dàn ca sĩ…, kể cả MC Việt Dũng lên xuống sân khấu, và có thể chuyện trò thân mật với họ thì cũng là một dịp hiếm có. Người được vỗ tay tán thưởng nhiều nhất, ngoài Lý Tống ra, phải kể đến ông Phó Thị Trưởng San Jose, Dave Cortese, khi ông hùng hồn tuyên bố ủng hộ hết mình cho Phong Trào Cử Tri San Jose (giữ vai trò chính trong ban tổ chức) cộng thêm lời hứa chắc như bắp: “Thành phố này không đón chào những thành phần cộng sản, sẽ không bao giờ cho phép cộng sản đến đây.”
Cuối cùng màn nhiều người mong đợi rồi cũng đến. Những lời ‘kính thưa' và ‘cám ơn' liên tục của những bài diễn văn nay đã được cất hết, dành cho những tiếng nhạc, câu hát của số nghệ sĩ khá hùng hậu, trong đó hai ca sĩ Thanh Lan và Mai Lệ Huyền với chất giọng ‘vẫn như ngày nào' đã làm những trái tim lính già thêm một lần nữa rung động. Dĩ nhiên không thể thiếu ca sĩ Mỹ Lan và bé Trần Thiện Thanh Chí, hai nhân vật bỗng dưng nổi danh từ khi Nhật Trường Trần Thiện Thanh vĩnh viễn từ giã những người hâm mộ ông. Điểm vào đó là những bản hùng ca thật tuyệt ‘Việt Nam Quê hương ngạo nghễ', ‘Cờ bay trên Quảng Trị thân yêu'… do Ban Tâm lý chiến Little Saigon trình diễn trong tiếng vỗ tay làm nhịp của khán thính giả. Trời tối dần, nhìn đồng hồ đã hơn tám giờ, thôi đành chuồn về, kẻo gia đình người bạn đợi cơm. Khán giả cũng bắt đầu tan hàng, bỏ ban vệ sinh đang hối hả thu gom giấy rác và chai nước không, mặc những lời kêu gọi phụ dọn của ban tổ chức. Tôi hy vọng họ không mau quên lời kêu gọi đoàn kết của nhiều vị chính khách trong buổi chiều nay. Bà mẹ với hai đứa con ngồi kế bên tôi rụt rè đưa tôi mấy lá cờ Việt Nam Cộng Hòa đang cầm và hỏi tôi phải bỏ chỗ nào. Tôi ngạc nhiên nhưng chợt hiểu ra khi thấy dưới đất hoàn toàn không có một tấm cờ rơi, và thấy mấy người đang mang thùng thu dọn, cẩn trọng xếp cờ vào đó. Mấy tháng trước đây một chuyện không đẹp đã xảy ra khi có người chụp được tấm ảnh lá cờ này bị nhân viên an ninh vất vào sọt rác trong một buổi lễ. Tự dưng tôi nhớ lời ba tôi kể là ông cố, một cụ đồ nho, đã có lần quở trách ông thậm tệ về tội lỡ tay xé sách, vì ‘đó là chữ thánh hiền, phải kính trọng.'
Đọc lan man tới đây, chắc có bạn thắc mắc: “Vậy chứ buổi đó có được chừng bao nhiêu người tham dự?”. Câu hỏi này thật khó trả lời, nhưng giờ đây tôi cũng đã hiểu vì sao sau những cuộc biểu dương có những con số đưa ra trái ngược nhau. Đó là do quan niệm của mỗi người, mỗi tổ chức. Tôi có thể nói số người tích cực tham dự hôm đó (có mặt trong một khoảng thời gian khá dài đủ để nghe những phần chính) ước lượng khoảng trên dưới ngàn hai. Nhưng với một cách đếm mang ‘hội chứng Mỹ', muốn cái gì cũng to bự và nhiều, bằng cách gộp chung tất cả những người ghé đến, dừng lại xem, dù chỉ chốc lát, thì con số ba ngàn trong thông báo sau đó của một số hội đoàn cũng là con số chính xác vậy. Nghĩ lại, với con số 18 ngàn người Việt ở Hòa Lan, một buổi biểu tình có được 30, 50 thì tính theo tỉ lệ cũng đâu có thua dân Việt San Jose, như vậy thì đâu có thể gọi là ‘lèo tèo' được.
Thanh Tâm
(05/2008)