Phan Văn Song


Đầu năm nói chuyện tiền tệ;
Thomas Gresham hay Nicolas Oresme ?

 

Đầu năm 2012, trong không khí nhộn nhịp của năm bầu cử Tổng thống Pháp, trong không khí lo âu của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh thế giới vẫn không tìm ra lối thoát, và đặc biệt với một viễn tượng rất mờ ám của đồng euro, chúng tôi, một nhóm bạn Hội Sư tử Lions họp nhau lại, vừa để làm bữa tiệc gây quỹ xã hội, vừa để đấu láo động não với đề tài: đồng euro là một đồng tiền tốt hay xấu?

Trong lúc hứng khẩu, Lion Phan Văn Song tôi bèn đề cập đến người xưa Thomas Gresham với định luật của ông và Nicolas Oresme với lời khuyên người lãnh đạo. Nay xin viết bài nầy trước là để hầu quý độc giả câu chuyện đầu năm, sau đó cũng để chia sẻ với quý độc giả cái nỗi lo của nền kinh tế tài chánh thế giới.

Còn chuyện Việt Nam? Chuyện Việt Nam nếu quý độc giả theo dõi tình hình trong nước thì Việt Nam ta ngày nay là vô địch quán quân nhiều giải, cao thủ về các nước nghèo, đói, nhiều tệ nạn xã hội, nhưng cũng cao thủ về con số đại gia giàu sang tột bực; về học hành chữ nghĩa dốt nát cũng thuộc về hạng nhứt, nhưng trái lại cũng rất giàu bằng cấp, “tiến sĩ bác sĩ kỹ sư… chạy đầy đường”; vô địch về tham nhũng, vô địch về bất công; giải nhứt về môi trường dơ dáy, số một hàng hóa thiếu vệ sanh… nói tóm lại mọi thứ, mọi hạng, muốn thi đua thứ gì Việt Nam đều có “chiến sĩ thi đua” hạng đó, và tất cả “đều đạt tiêu chuẩn”... Còn nói về tình hình kinh tế, tài chánh cũng hạng bét nốt… Chỉ có nói láo là số một thôi. Vì vậy chúng ta thử quên Việt Nam Xã hội chủ nghĩa trong đầu năm 2012 nầy để nhìn về thế giới.

Đồng tiền xấu sẽ sa thải đồng tiền tốt:

Đó là định luật của nhà kinh tế tài chánh người Anh Thomas Gresham quy định vào thế kỷ thứ XVI, ngày hôm nay xin được nhắc nhở đến khi các nhà thông thái kinh tế tài chánh từ chuyên gia đến chánh trị gia hay cả đến các nhà lãnh đạo quốc gia cũng đang tự hỏi hay bàn với nhau là có cần phải cải tổ lại một hệ thống tiền tệ cho Âu châu hay cho cả Thế giới.

 

Thế nào là một đồng tiền tốt?

Tiền tệ là tín dụng, là lòng tin vào một hệ thống đơn vị giá trị, dùng để đánh giá hàng hóa, dùng để trao đổi, và dùng đánh giá mọi trao đổi thương mãi. Đồng tiền tốt là đồng tiền tạo một sự tin tưởng, vì trị giá của đồng tiền có đủ bảo đảm và giá trị dài hạn để chúng ta có thể dùng để đánh giá mọi thương lượng trao đổi ngay hiện tại và tiếp tục dùng làm dự án trong tương lai (sa valeur doit être stable pour fixer les termes d’un échange et pour faire des calculs à termes). Giá trị đồng tiền ấy phải là cái cầu nối, một sự giao tiếp liên tục giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

Hiểu như vậy, đồng tiền xấu là đồng tiền chỉ đem lại cho chúng ta những lo âu (ngày mai tiền sụt giá), thâm thủng tài sản gia đình và không giúp chúng ta tính toán được tương lai.

Dỉ nhiên nếu chúng ta có sự lựa chọn, chúng ta mong chỉ được nhập, nhận vào đồng tiền tốt và chỉ chi, trả ra cho người khác đồng tiền xấu! Và nếu ai ai cũng nghĩ như vậy, mọi người sẽ thu, nhập vào, cất giữ đồng tiền tốt và chi, trả, xuất ra đồng tiền xấu. Dần dần… vì vậy đồng tiền xấu sẽ sa thải đồng tiền tốt đi! Và đồng tiền tốt sẽ “bị” cất giữ và không được sử dụng nữa. Trường hợp ở Việt Nam ngày nay, ai ai cũng rất thích được trả hoặc giữ làm tài sản vàng hay dollars – euros hay ngoại tệ và thích chi tiêu ra, chi xài bằng tiền “đồng Việt Nam” địa phương!

 

Phải có sự lựa chọn:

Để định luật có hoàn toàn hiệu lực, những người sử dụng đồng tiền phải có sự lựa chọn giữa nhiều hình thức và hệ thống tiền tệ khác nhau. Thí dụ, hệ thống tiền tệ của thế kỷ thứ XVI, lúc bấy giờ, các đồng tiền bằng bản vị vàng hoặc bằng bản vị bạc cùng được song song sử dụng, đồng lưu hành trên thị trường. Nhưng lúc ấy, tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, (kể cả nước Pháp), giá trị của đồng tiền do Triều đình, có khi do chính Nhà Vua, lựa chọn (lượng, quan, livre, pound, denier). Định giá giữa vàng và bạc không hẳn là đúng với giá trị thật sự giữa hai kim loại theo thị trường.

Để nói rõ, đặt một thí dụ, trên thị trường trị giá giữa vàng và bạc là 1 ăn mười, nghĩa là 1 vàng đổi 10 bạc. Nhưng Nhà Vua quyết định ra giá là 9 đổi 1. Vàng biến thành tiền xấu (vàng sụt giá). Tự nhiên, trên thị trường bạc sẽ dần dần biến mất. Thiên hạ sẽ thủ Bạc. Định luật Gresham sẽ có hiệu lực khi Nhà Nước định giá, và khi giá chánh thức khác biệt với giá thị trường.

Đó cũng là một cái lý do đã phá vỡ hệ thống hai – kim loại (bi-métaliste), đã có từ thời Quân chủ Pháp, nhưng sau thời kỳ Cách mạng Pháp (1789) nhà cẩm quyền Cách mạng đã thống nhứt quy định và cấm không được thay đổi tương quan trị giá giữa hai kim loại: từ nay tương quan trị giá giữa hai loại tiền tệ hai kim loại với nhau được quy định theo tỷ lệ bất di bất dịch là 15,5 bạc cho 1 vàng.

Sir Thomas Gresham (Hình họa bởi Anthonis Mor, 1554)

Nhưng Nhà Nước Cách mạng Pháp quên rằng trên thị trường lúc bấy giờ, trị giá vàng và trị giá bạc thay đổi không ngừng, tùy theo thời cuộc, và tùy theo những khám phá khai thác các mỏ vàng hay các mỏ bạc và đặc biệt suốt cả thế kỷ thứ XIX. Và cứ theo thời gian, tùy thời kỳ, có khi vàng có khi bạc thay nhau làm đồng tiền tốt, hay xấu. Và cuối cùng bạc hoàn toàn không còn ở trong hệ thống tiền tệ nữa.

 

Ngày hôm nay:

Ngày hôm nay, đồng tiền không còn có liên quan đến kim loại quý nữa. Đồng tiền ngày nay là những tờ giấy in (Việt Nam ta gọi là giấy bạc) tượng trưng tiền do một Ngân hàng Trung ương do một Chánh phủ một Quốc gia in ra. Đồng tiền cũng có thể là những chi phiếu do những cá nhơn hay tập thể chủ nhơn một trương mục của những ngân hàng thương mãi – ngân hàng hạng thứ nghĩa là không phải ngân hàng trung ương. Chi phiếu có liên quan với tờ giấy bạc, vì chi phiếu sử dụng giá trị (viết bằng giá trị) của tiền tệ quốc gia do Ngân hàng Trung ương bảo đảm.

Và như vậy, tất cả hệ thống tiền tệ một quốc gia đều do Ngân hàng Trung Ương một quốc gia quyết định. Và đồng tiền tốt là một loại đồng tiền biết tuân thủ theo những định luật sau đây: số lượng tiền tệ phải được nâng theo phát triển của tổng sản lượng, vì nhu cầu tiền tệ sẽ đòi hỏi một số lượng tương xứng với số lượng dịch vụ trao đổi.

Trái lại, nếu Ngân hàng Trung ương tung một số lượng tiền tệ một cách bừa bãi, số lượng tiền tệ sẽ làm hàng hóa lên giá và như thế sẽ làm giảm mãi lực của đồng tiền: đồng tiền mất giá. Nếu có thị trường hối đoái tự do, người ta sẽ đổi ngay đồng tiền mất giá nầy để lấy đồng tiền khác được giá hơn. Định Luật Gresham đi ngược lại: đồng tiền xấu sẽ từ từ biến mất.

Thế nhưng, ngày nay, một số tiền tệ như dollar chẳng hạn, mặc dù mất giá, vẫn còn được duy trì, ấy là nhờ một cộng đồng sử dụng khổng lồ, và cũng nhờ cái tầm vóc chánh trị kinh tế và tầm ảnh hưởng kinh tế tài chánh hàng đầu, ấy cũng nhờ vào vai trò quan trọng của hệ thống thương mãi, sức mạnh phát triển và sức sáng tạo không ngừng của quốc gia phát ngân: Huê Kỳ.

Trở về mái nhà xưa: Come back to Sorrento? Lấy vàng làm bảo đảm? Hay trở lại thời kỳ quy định những tương quan hối đoái nhứt định (parités fixes)

Trong cuộc khủng hoảng ngày nay, rất nhiều kinh tế gia có chiều hướng muốn quay về lấy kim loại vàng làm bảo đảm hay dùng một quy định tương quan hối đoái nhứt định giữa những khối tiền tệ lớn.

Thế nhưng, cái sự thất bại của sơ đồ tổ chức Bretton Wood ngày hôm nay đã chứng minh cho chúng ta thấy rõ rằng nếu cái quan niệm lý thuyết cho rằng tương quan hối đoái nhứt định sẽ buộc các Ngân hàng Trung Ương một quốc gia không được làm bậy, (vì Ngân hàng Trung Ương có trách nhiệm bảo toàn giá trị của đồng tiền do mình phát hành) cuối cùng sẽ phản biện, vì Ngân hàng Trung ương không có sự độc lập quản trị, và sẽ không thể giữ vững những quyết định dưới những thúc ép của các Chánh phủ của quốc gia đó đang cần tiền để trả những công quỹ càng ngày càng thiếu hụt.

Bằng chứng ngày hôm nay, Ngân hàng Trung Ương Âu châu đang phải lo thanh toán một phần các công nợ của các quốc gia thành viên Liên Âu, cũng như Ngân hàng Liên bang Mỹ - FED đang lo cho công nợ Huê kỳ.

Chuyện Âu châu (và Pháp): Hai loại đồng Euros?

Để tránh phải phát hành một số lượng euros (để cứu những công nợ các quốc gia thành viên khối euros (17 quốc gia) và như thế sẽ có một cuộc lạm phát phi mã khổng lồ, cái nguy cơ mà Chánh phủ nước Đức không muốn, một số các nhà kinh tế gia đề nghị chia khối euros ra làm hai và tạo hai loại đồng euros.

Nhưng ai sẽ “thích” sử dụng đồng “euro xấu” ?

Một ý kiến khác nữa: chấp nhận các quốc gia đang gặp khó khăn trở về lại đồng tiền quốc gia cũ của mình, và sẽ cho lưu hành hai loại tiền euro làm đồng tiền chung cho khối, và tiền quốc gia cho riêng trong nội địa quốc gia. Nhưng ai thích xài euro ngay tại một quốc gia có đồng quốc gia mạnh (Đức , Hòa Lan). Và dân Hy Lạp có chắc chắn thích Euro, hay thích drachme?

Cuối cùng kết luận “ba phải”: nên để quần chúng tự do tự loại chọn trao đổi thương mãi, sử dụng trên loại đồng tiền họ muốn. Như vậy sẽ có cạnh tranh, và khi có cạnh tranh lại là có phát triển. Sẽ có đồng tiền thắng được sử dụng và đồng tiền bại.

Và khi có nhiều loại đồng tiền hy vọng Định Luật Gresham về các đồng tiền sẽ bớt tác dụng. Xã hội và thế giới sẽ bớt lộn xộn, và may ra thiên hạ mới trở về tin tưởng vào đồng tiền.

Nhưng cuối cùng không gì bằng có một sự quản trị hành chánh thông minh và công bằng. Thế giới cần một đấng anh minh để trị vì chăng?

Và có những quan niệm vẫn cho rằng:

“Nhà Nước Quốc gia chỉ có quyền chứng nhận giá trị của đồng tiền thôi”: Nicolas Oresme

Quan niệm nầy rất thời sự tại Âu Châu ngày nay. Trước một cuộc khủng hoảng, tất cả những tư tưởng cải tiến đều loay hoay giữa hoặc chỉnh đốn hệ thống hoặc thay đổi chỉ đạo: chỉnh đốn là củng cố quyền quản trị của Nhà nước một cách chặt chẽ và nếu cần tổ chức kiểm soát cả giòng luân lưu của thị trường hối đoái. Thay đổi chỉ đạo là rút quyền phát hành tiền tệ khỏi quyền của Quốc gia, để tránh những hiện tượng sử dụng tiền tệ bừa bãi, và phát ngân tệ lung tung tạo ra lạm phát và khủng hoảng của ngày nay.

“Luận về Tiền tệ – Traité de la Monnaie” (1366) và Nicolas Oresme(1320 - 1382)

Nicolas Oresme được người đời nay gọi là Einstein của thế kỷ 14. Vì vừa là một nhà Toán học, một Kinh tế gia, một Vật lý học, một nhà Thiên Văn, một Triết lý gia, một Tâm lý học, một Nhạc sư, một nhà Thần học và một chuyên gia chuyển dịch những sách cổ từ La tinh hay Hy Lạp sang Pháp ngữ.

Chức vụ cuối cùng là Giám Mục Giáo phận Lisieux (1377 – 1382)

Trong cuốn sách Luận về Tiền tệ, Nicolas Oresme đã nói rằng trong cái quyền phát hành tiền tệ, Nhà Vua chỉ là quyền “chứng nhận” thôi (c’est un juste droit régalien). Nói rõ, quyền Nhà Vua hay Nhà Nước chỉ là quyền chứng nhận cái “đúng đắn” của đồng tiền. Nói như vậy, quyền nầy của Nhà Vua là bảo đảm đồng tiền, tránh tệ nạn của những đồng tiền xấu, làm mất uy tín của một dụng cụ thương mại. Oresme dùng chữ juste – đúng đắn để nhấn mạnh cái tác động nghiêm chỉnh của Nhà Vua phải biết giữ giá. Vì lúc bấy giờ, từ Philippe le Bel (1268 -1314) và các triều đại Vua Pháp tiếp theo, là một loạt các “Nhà Vua làm Bạc giả” chuyên “thay đổi thời giá của đồng tiền của mình – hạ giá đồng bạc – dévaluation”. Vì các vì Vua ấy, để tiêu xài (phung phí), thường nghĩ rằng in tiền, phát hành tiền ra dễ dàng hơn là tăng thuế vì tăng thuế sẽ tạo nguy hiểm là phản loạn.

Ngày nay, tập tục nầy do các Ngân hàng Trung Ương các Quốc gia đảm trách: vẫn tiếp tục cho phát hành tiền tệ, qua in tiền, tạo chi phiếu, công khố phiếu, mở tín dụng Trung Ương. Sự độc lập của một Ngân Hàng Trung Ương Quốc gia chỉ còn là một lý thuyết, dưới sức ép của các Chánh phủ Quốc gia để… tài trợ chiến tranh (Huê Kỳ cho chiến tranh Việt Nam, cho tham chiến Irak...), tài trợ quỹ chống thất nghiệp (Tổng thống Roosevelt với thuyết New Deal), những chương trình phát triển kinh tế để chống suy thoái (Huê Kỳ từ 2001). Ngày hôm nay, tiền tự nó bảo đảm lấy nó. Nhà Nước không làm cái bổn phận “juste” là bảo đảm cái giá trị thật sự của đồng tiền mình. Ngân hàng Trung Ương làm tất cả hai bổn phận. Ngân hàng Trưng Ương Âu châu nhứt định không “hạ giá” đồng euro. Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc nhứt định không tăng giá đồng Nguyên tệ vì Đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc nhứt định không tăng giá. Trung quốc làm bổn phận Nhà Vua.

Vậy thì chỉ có một thái độ :

Fiat money, hãy tin cậy một cách đơn thuần vào tiền. Nhưng có gì bảo đảm đây?

Nixon năm 1972 đã cho in trên tờ giấy dollar: In God we trust.

Lấy Chúa để bảo đảm đồng bạc của mình. Người viết xin miễn bàn.

Và cũng xin mở dấu ngoặc nói thêm rằng: cũng trên tờ giấy bạc một dollar với hình của Georges Washington vị Tổng thống lập quốc của chế độ Huê Kỳ. Cạnh bên mặt của Washington trên một Kim tự tháp có hình con mắt trong tam giác của Cao Đài, biểu tượng của hội Thợ Hồ (Francs Maçons). Từ nay quyền in tiền không còn trong tay Quân chủ, trong tay các Nhà thờ mà của nhóm Thợ thuyền. Và cũng xin miễn bàn.

Và cũng không lạ gì nếu từ nay ta thử nghĩ, đồng tiền sẽ do các nhóm ngân hàng tư nhơn tạo ra, cạnh tranh với nhau. Đó cũng chỉ là một cách nối lại thời không xa lắm khi thế giới thương mại quốc tế sử dụng một đồng tiền chung là đồng tiền thương mại: hồ tiêu, đường, vàng, bạc… Thực sự là ngày nay, các ngân hàng tư hay các xí nghiệp tín dụng đã sử dụng loại tiền như vậy rồi: Ấy là bằng những thẻ tín dụng tư rồi, và các thẻ riêng tư nhơn ấy đều cạnh tranh nhau. Có cái khác là vẫn sử dụng tiền tệ quốc gia chung đó thôi.

 

Ngày lễ Ba Vua (Épiphanie) 6 janvier 2012
Phan Văn Song


Cái Đình - 2012