Lê Ngọc Vân


Dấu chân nước của Hà Lan

 

Người Hà Lan dùng trung bình 2300 m3 nước mỗi năm, nhiều gần bằng dung tích hồ bơi Thế Vận (2500m3). Lượng nước này lớn gần gấp đôi số lượng tiêu thụ trung bình của người dân trên toàn thế giới. Chỉ có 2% lượng nước này chảy ra từ vòi nước trong nhà, số còn lại là lượng nước tiêu thụ gián tiếp, người tiêu thụ không thấy được. Đó là nước được sử dụng trong những qui trình kỹ nghệ và nông nghiệp/chăn nuôi (1).

Hà Lan lệ thuộc vào sự nhập khẩu của nhiều sản phẩm và qua cách này tiêu thụ một lượng lớn nước từ nước ngoài. Dấu vết nước để lại chỉ có 11% nằm trên lãnh thổ Hà Lan, số còn lại nằm ngoài biên giới quốc gia của chúng ta và nó có mối liên hệ với những sản phẩm chúng ta nhập khẩu. Với sản phẩm nông nghiệp/chăn nuôi có tới 97% lượng nước có nguồn từ nước ngoài. Đây là những sản phẩm nhập từ những quốc gia có mức khan hiếm nước trầm trọng hơn Hà Lan, như Sudan và Tây Ban Nha.

Hà Lan cũng là một quốc gia có sự giao thương trong lãnh vực nước: Hà Lan nhập khẩu nhiều nước ở dạng ảo, có nghĩa là ở dạng hàng hóa, nhưng lại tái xuất hơn nửa số hàng này. Thí dụ bò cừu gà của Hà Lan được cho ăn rau trái từ Á châu hay Nam Mỹ. Những bò cừu gà này cung cấp pho-mát, trứng và thịt, là những sản phẩm sẽ có một phần được xuất khẩu. Số lượng nước xuất khẩu này do đó không in dấu vết nơi người tiêu thụ ở Hà Lan.

Chỉ có 2% số lượng nước người Hà Lan tiêu thụ là nước sử dụng trong chuyện nhà. 98% nước được tiêu thụ gián tiếp, là nước dùng để làm ra những sản phẩm của chúng ta. 67% lượng nước do người tiêu thụ ở Hà Lan dùng có mang mối liên hệ với sản xuất sản phẩm nông nghiệp/chăn nuôi và 31% có mối liên hệ với sản phẩm do kỹ nghệ cung cấp.

Trong số lượng toàn thể nước dùng trong nông nghiệp/chăn nuôi, có 46% từ thịt, sữa, trứng và những sản phẩm động vật khác. Hạng mục bao gồm dầu cây cọ, dầu mè, dầu bông hướng dương và những loại cây trái cho dầu khác chiếm hạng nhì: chúng mang 17% dấu ấn của nước trong lãnh vực nông nghiệp/chăn nuôi của Hà Lan.

Hạng mục cà phê, cacao, thuốc lá đứng hàng thứ ba trong bảng sắp hạng dấu chân của nước trong ngành nông nghiệp/chăn nuôi ở Hà Lan: chúng chiếm 12% lượng nước tiêu dùng cho những nông phẩm và sản phẩm từ gia súc.

Hà Lan nhập khẩu gần một nửa nước dùng cho sản phẩm nông nghiệp/chăn nuôi tử Âu châu và 1/5 từ châu Mỹ La-tinh. Trong lượng nước sử dụng cho những sản phẩm kỹ nghệ, có hơn một nửa có nguồn từ Âu châu và 1/3 đến từ Á châu. Trong những quốc gia có đầy đủ nước, lượng nước tiêu thụ này không nhất thiết phải gây nên một hậu quả xấu. Ảnh hưởng thực sự trên thiên nhiên nơi những quốc gia cung cấp nước do nhập khẩu nước từ những quốc gia này tùy thuộc vào nơi khai thác nước, bằng cách nào, và khi nào.

 

Dấu vết nước của Hà Lan ở nước ngoài

Hạt mè từ Sudan, bông vải từ Trung Quốc và trái cây từ Tây Ban Nha. Bản đồ biểu tổng quát (bấm vào đây để xem trong nguyên bản tiếng Hà Lan) cho thấy Hà Lan lấy sản phẩm từ những quốc gia nào. Bản đồ biểu này đặc biệt cho thấy những vùng nào khan hiếm nước. Nó cho thấy những dấu vết do nước để lại ở ngoài Hà Lan, nơi những vùng được coi là chịu tác động cao trên môi trường. Thí dụ như Hà Lan nhập đậu nành (để làm thức ăn gia súc) và thịt từ Nam Mỹ, nhưng sụ tiêu thụ nước ở những nơi này ít gây nên vấn đề.

Mexico:

Sản phẩm: Cà phê, hạt bông hướng dương và dầu hạt hướng dương.

Mối đe dọa: Bông hướng dương được trồng trên những vùng phía bắc khô khan, nơi khan hiếm nước. Kỹ nghệ sản xuất cà phê tập trung phần lớn ở miền nam Mexico. Nguồn nước ở vùng này không bị đe dọa trầm trọng.

Tây Ban Nha:

Sản phẩm: Trái cây họ cam chanh, hạt hạnh nhân, nho, rượu nho, trái ô-liu và sản phẩm từ gia súc.

Mối đe dọa: Công trình tưới tiêu ở Tây Ban Nha dành cho nhu cầu nông nghiệp/chăn nuôi chiếm 3/4 lượng nước tiêu thụ. Hệ quả của việc này là hiện tượng sụt mực nước ngầm và giảm lượng nước ao hồ. Hơn 60% những vùng xưa kia là đất trũng sình lầy nay đã biến mất. Vùng lưu vực những sông ở những tỉnh phía nam Tây Ban Nha (Segura, Jucar, Guardiana và Guadalquivir) và những vùng đất trũng giáp ranh cũng chịu ảnh hưởng lớn lao.

Thổ Nhĩ Kỳ:

Sản phẩm: Vải, trái cây (nhất là nho khô) và thuốc lá.

Mối đe dọa: Có thể đến với những sản phẩm nông nghiệp mà phần lớn được trồng cấy ở Bắc Thổ Nhĩ Kỳ.  Nước cung cấp cho sản xuất những nông phẩm này gần như hoàn toàn trông cậy vâo hệ thống thủy lợi mà không phải lúc nào chúng cũng đạt hiệu năng. Có những lúc ở miền tây Thổ Nhĩ Kỳ lượng nước tiêu thụ nhiều hơn lượng nước do thiên nhiên bù đắp. Những vùng trũng và sông ngòi khô cạn do việc sử dụng nước không lưu ý đến hậu quả dài lâu, và mực nước ngầm rút xuống mau lẹ. Những vùng chim chóc sinh sống như Công viên Chim Quốc gia Izmir, với 250 loại chim khác nhau, đang chịu áp lực nặng.

Sudan:

Sản phẩm: Hạt mè (vừng).

Mối đe dọa: Mè phần lớn được trồng ở Kordofan, miền bắc Sudan. Nhiều thảo mộc thiên nhiên bị dân đốn để làm đất canh tác. Kể từ năm ‘60 hạn hán hoành hành ở đây. Chỉ có 28% nông dân trồng mè dùng nước mưa, số còn lại dùng nước từ những công tác thủy lợi. Hà Lan nhập hạt mè để làm thức ăn, hay sử dụng như nguyên liệu trong kỹ nghệ, hay làm thực phẩm gia súc hoặc lại xuất khẩu.

Nam Phi:

Sản phẩm: Trái cây, đậu phộng, hạt hướng dương.

Mối đe dọa: Lưu vực sông Limpopo là một kho chứa nước quan trọng. Vùng phía bắc của vườn Krugerpark chẳng hạn, nằm trong lưu vực này. Nơi đây là vùng hấp dẫn du khách, nhưng cũng là nơi sinh sống của loài trâu, tê giác trắng và đen, chó rừng Phi châu và voi. Gia tăng khô hạn ở vùng sông Limpopo đưa đến hậu quả là đất bị xói mòn, giảm chất mầu mỡ, ô nhiễm và bị sa mạc hóa. Cả nông nghiệp lẫn thiên nhiên đều có một nhu cầu tiêu thụ nước lớn, gây ra hiểm họa cạnh tranh giữa người và thiên nhiên.

Trung Quốc:

Sản phẩm: Vải vóc.

Mối đe dọa: Trung Quốc nắm một phần tư sản xuất vải vóc trên toàn thế giới. Công nghệ sản xuất vải tập trung nhiều nhất ở vùng sông Hoàng Hà, con sông dài thứ nhì của Trung Quốc. Vùng hạ lưu sông Hoàng Hà hiện nay mỗi năm chịu khô hạn ít nhất 200 ngày. Ngoài ra mỗi năm nông dân rút nước ngầm nhiều hơn lượng mưa bù trừ là 30 tỉ m3. Trong số 150 loại cá sống ở Hoàng Hà có thể đã có 50 loại tuyệt chủng do hạn hán. Nạn thiếu nước đã làm chính phủ Trung Quốc quyết định dẫn nước sông Dương Tử qua hệ thống đường hầm và kinh đào đến Hoàng Hà.

Pakistan:

Sản phẩm: Vải vóc và đường mía.

Mối đe dọa: Ngành sản xuất vải và đường mía được nuôi dưỡng bằng nước thủy lợi từ sông Indus. Hệ thống thủy lợi lớn nhất thế giới đã tưới cho một vùng đất canh tác rộng 14 triệu mẫu (khoảng 3,4 lần diện tích Hà Lan). Ngoài ra, những phục vụ tiện ích con người đang gia tăng nhanh đã tiêu thụ mỗi ngày mỗi nhiều nước hơn. Lượng nước tiêu dùng là 12 tời 13 lần lượng nước hệ thống sinh thái có thể bù đắp. Ðiều này đã dẫn đến hậu quả là mực nước ngầm và nạn nhiễm mặn đang rình rập. Một trong những nạn nhân là loài cá heo Indus. Mực nước sông hạ do hậu quả của thủy lợi và đắp đê đập đã không cho giống cá heo được tự do bơi lội trong sông nữa. Hiện nay chỉ còn 1000 con cá heo loại này.

Ấn Ðộ:

Sản phẩm: Cây trái có chứa dầu, vải vóc và cà phê.

Mối đe dọa: Nói về cây trái có chứa dầu, phải kể đến dầu xổ. Dầu này dùng để làm xà bông, sơn, thuốc men và dầu thơm. Dầu xổ phần lớn được sản xuất trong bang Gujarat. Hệ thống sinh thái của Gujarat đang chịu biến động về nước, phần lớn do nông nghiệp/chăn nuôi. Ðiều này có thể thấy do sự hạ mực nước, gia tăng nhiễm mặn và giảm thiểu sự đa dạng sinh học. ở Gujarat có nhiều loài thú bị đe dọa tuyệt chủng như sư tử Á châu, lừa hoang và những loại chim đặc biệt của Ấn Ðộ.

 

Lê Ngọc Vân
Trích dịch chương 3 trong tập tài liệu ‘Water – Een kostbaar goed’, WNF* xuất bản (03/2010). www.wnf.nl

<---- Bấm vào đây để xem nguyên tập tài liệu

______

Chú thích:

(1) Từ ‘agrarisch’ sử dụng trong kinh tế hiện nay không mang nghĩa hẹp ‘nông nghiệp’ mà bao gồm những lãnh vực ruộng rẫy, chăn nuôi, rừng rú, vườn tược. Người dịch tạm dùng từ ‘nông nghiệp/chăn nuôi’.

* WNF: Wereld Natuur Fonds = World Wild Fund for Nature = Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên, là một tổ chức phi chính phủ (NGO). Quỹ được sáng lập ở Thụy Sĩ năm 1961 với tên World Wildlife Fund. Ông hoàng Bernard (1911 – 2004, chồng nữ hoàng Hà Lan Juliana, cha của nữ hoàng Beatrix) được cử làm Thống Ðốc đầu tiên của quỹ. Năm 1962 chi nhánh Hà Lan được thành lập mang tên WNF, với chủ tịch cũng là ông hoàng Bernard. Hiện nay quỹ có 59 chi nhánh trên toàn thế giới, với khoảng 5 triệu người góp phần tài trợ, hơn 900.000 trong số này là cư dân Hà Lan.
Mục tiêu của WNF (WWF):
– Bảo tồn sự đa dạng sinh học của thế giới.
– Đảm bảo duy trì sử dụng các tài nguyên thiên nhiên có thể tái sinh.
– Xúc tiến việc giảm bớt ô nhiễm môi trường và tiêu thụ lãng phí.

 


Cái Đình - 2010