Lê Ngọc Vân
Cuộc chiến nhắm vào con gái
Trước tệ nạn buôn bán phụ nữ, môi giới cô dâu… đang xảy ra tại các nước nghèo,
trong số đó có Việt Nam, bà Mara Hvistendahl, phóng viên thường trực
của tạp chí Science tại Bắc Kinh, đã đưa ra một cái nhìn khác hơn về vấn đề này.
(dẫn nhập của người dịch)
Kể từ những năm cuối thập niên ‘70, 163 triệu bào thai bé gái đã bị phá do những bậc cha mẹ đang tìm cách có con trai.
Bà Mara Hvistendahl lo ngại cho các bé gái. Không phải trên trên bất cứ khía cạnh chính trị, luân lý hay văn hóa nào, mà dựa trên một vấn đề hiện thực. Bà ta có lý của mình. Ở Trung Quốc, Ấn Ðộ và ở nhiều quốc gia khác (cả những quốc gia đang phát triển lẫn quốc gia đã phát triển), có nhiều đàn ông hơn đàn bà, kết quả của những chiến dịch có hệ thống để chống lại những bé gái. Trong tác phẩm “Unnatural Selection,” (Cuộc chọn lựa không theo thiên nhiên), bà Hvistendahl đã trình bày về chuyện lệch cán cân giới tính: đó là gì, nó đã hình thành như thế nào và chuyện này mang ý nghĩa gì trong tương lai.
Trong thiên nhiên, cứ mỗi 100 bé gái thì có 105 bé trai sinh ra. Tỉ số này là một sự kiện sinh học chắc nịch. Giữa 104 và 106 là phạm vi bình thường, và nó cứ tiếp diễn như vậy khi nào thiên nhiên được tự do quyết định. Bất kỳ con số nào khác đều là kết quả của những biến cố không tự nhiên.
Tuy nhiên hiện nay ở Ấn Ðộ cứ 100 bé gái thì có 112 bé trai được sinh ra. Ở Trung Quốc, con số này là 121 – tuy vậy có đầy dẫy những làng Trung Quốc đã vượt qua mức 150. Dân số Trung Quốc và Ấn Ðộ khủng khiếp tới mức sự phát tán tỉ lệ giới tính này đã làm lệch mức trung bình toàn cầu tới mức không thể gọi là sinh học được, là 107. Nhưng sự mất quân bình không phải chỉ có ở Á châu. Azerbaijan đứng ở mức 115, Georgia ở mức 118 và Armenia 120.
Lý do gây ra sự lệch tỉ lệ này: sự phá thai. Nếu số nam giới trong tỉ lệ giới tính trên 106, điều đó có nghĩa là có những cặp vợ chồng vẫn đang phá thai khi họ thấy là người mẹ mang thai con gái. Theo như tính toán của bà Hvistendahl, trong ba thập niên vừa qua đã có quá nhiều trường hợp phá thai dựa trên chọn lựa giới tính khiến cho 163 triệu bé gái, đáng lẽ được sinh ra nếu theo như quân bình sinh học, đã biến mất khỏi thế gian. Gạt qua một bên sự kinh dị, nó còn rõ ràng có một hậu quả to tát.
Vào giữa thập niên 1970, việc lấy mẫu nước ối (để phát hiện giới tính của em bé khi còn trong bào thai) đã được áp dụng trong những quốc gia đang phát triển. Bắt nguồn từ việc thử những bất thường trong bào thai, từ những năm trong thập niên 1980, nó đã trở thành “phép thử nghiệm giới tính” ở Ấn Ðộ và ở những nơi mà các bậc cha mẹ kỳ vọng có con trai. Khi phương pháp thử nước ối được thay thế bằng phương pháp siêu âm, rẻ và ít xâm phạm hơn, điều đó có nghĩa là phần lớn những cặp vợ chồng muốn có một bé trai có thể đi trước thời gian nếu họ đang mang thai nam, và nếu không như vậy, họ có thể làm cái gì đó trong chuyện này. “Tốt hơn là mất 500 rupi bây giờ thay vì 5000 rupi sau này,” người ta đọc được hàng chữ quảng cáo này nơi một dưỡng đường ở Ấn Ðộ, cho thấy một tương quan giữa giá cả của một thử nghiệm phát hiện giới tính đối lại với phí tổn cho của hồi môn.
Nhưng kỳ quặc hơn nữa, Bà Hvistendahl ghi nhận, thường là giới giàu có dẫn đầu trên con đường lựa chọn chống lại chuyện sinh bé gái, chứ không phải giới nghèo. “Sự lựa chọn giới tính đặc biệt khởi đầu từ những vùng đô thị, giai tầng có học thức trong xã hội,” bà viết. “Thành phần ưu tú là những người đầu tiên đạt được cơ hội tiếp cận kỹ thuật mới, trong đó bao gồm MRI scan, điện thoại thông minh, hay những máy siêu âm.” Nếp sống của giới thượng lưu sau đó mới được thẩm thấu xuống những giai tầng thấp hơn và trở thành một thành tố của nền văn hóa đại chúng. Ðiều cũng không ai ngờ nữa là quyết định phá thai bé gái thường do các bà – mẹ ruột hoặc là mẹ chồng.
Nếu bạn chú tâm đúng mức tới các số liệu, bạn có thể thấy thực tình là các bậc cha mẹ đang muốn có con trai. Hãy lấy thí dụ Hàn Quốc. Vào năm 1989, tỉ lệ giới tính của lần sinh thứ nhất là 104 bé trai cho mỗi 100 bé gái – hoàn toàn bình thường. Nhưng những cặp đã có con gái lần lần trở nên tuyệt vọng trong cuộc tìm kiếm một bé trai. Lần sinh thứ hai, số bé trai sinh ra đã tăng lên 113; và lần thứ ba, tới 185. Cho tới lần sinh thứ tư, điều này đã trở thành chóng mặt với con số 209. Và điều đáng báo động hơn nữa là người dân vẫn giữ định kiến văn hóa này ngay khi sống trong một cộng đồng ở nước ngoài; khảo cứu đã cho thấy một mô hình sinh nở tương tự nơi những cặp vợ chồng gốc Trung Quốc, Ấn Ðộ hay Hàn Quốc hiện đang sống ở Hoa Kỳ.
Bà Hvistendahl lập luận rằng sự bất quân bình như thế là điềm xấu báo động Những Ðiều Rất Xấu sẽ tới. “Xét theo sử học, những xã hội trong đó số đàn ông vượt trội hẳn số đàn bà là những nơi chốn không tốt lành khi phải sống ở đó,” bà viết. “Những nơi đó thường bất ổn. Ðôi khi có bạo lực.” Ðể thí dụ, bà ghi chú là tỉ lệ giới tính cao đã xảy ra ít nhất ở Athene vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên – một thời đẫm máu đặc biệt trong lịch sử Hy Lạp – và trong thời loạn Thái Bình Thiên Quốc vào giữa thế kỷ 19 ở Trung Hoa. (Cả hai thời kỳ mang đặc điểm là tục giết những bé gái tràn lan khắp nơi). Bà cũng ghi chú thêm là sự hiếm hoi phụ nữ dọc biên giới trong Miền Tây Hoa Kỳ có thể đã là một lý do khiến nơi đây trở thành hoang dã. Vào năm 1870 chẳng hạn, tỉ lệ giới tính ở phía tây Mississippi là 125 trai cho 100 gái. Ở California lúc đó là 166 đối với 100. Ở Nevada nó là 320. Ở phía tây Kansas, nó là 768.
Thực sự là có những bằng chứng hấp dẫn cho thấy mối liên kết giữa tỉ lệ giới tính và bạo lực. Tỉ lệ giới tính cao có nghĩa là xã hội đó đang đi đến tình trạng có những “đàn ông thặng dư” – tức là có những người đàn ông không có hy vọng kết hôn bởi vì không có đủ đàn bà. Những người như vậy quần tụ trong những giai tầng thấp trong xã hội, nơi mà nguy cơ về bạo lực đã cao sẵn. Và những người đàn ông không vợ này với lợi tức thấp có khuynh hướng phá rối. Ở Trung Quốc, nơi những tỉnh có tỉ lệ giới tính tăng vọt, làn sóng tội phạm kéo theo liền. Hiện nay ở Ấn Ðộ, dự đoán đúng nhất về bạo lực và tội phạm ở bất cứ nơi đâu không phải do lợi tức mà do tỉ lệ giới tính.
Một mức cao trong chuyện sinh bé trai, khi đi xa thêm, mang những ảnh hưởng khác. Chuyện tìm ra một cô dâu trở nên khó khăn hơn, và nam giới có thể tìm ra họ qua việc mua bán hay đấu giá. Ðiều này, bà Hvistendahl ghi nhận, đã góp phần khiến cho tốc độ gửi tiền tiết kiệm trong sinh hoạt gia đình đã lên cao ngất ngưởng; các bậc cha mẹ biết rằng họ phải để dành tiền để bảo đảm cho đám con trai của họ có được cô dâu. (Một phản ảnh mỉa mai những chiến dịch quảng cáo ở Ấn Ðộ cho các bậc cha mẹ có cảm tưởng là họ để dành được tiền khi phá thai bé gái). Tốc độ để tiền trong quỹ tiết kiệm này, đến phiên nó, lại làm cho dân Trung quốc thấy có nhu cầu cần đến đồng tiền trong Ngân khố Hoa Kỳ.
Và để trị sự thúc ép hôn nhân gây nên do nghiêng lệch tỉ lệ giới tính, đàn ông trong những quốc gia tuy bị mất quân bình nhưng có đời sống cao xâm hại đến những đàn bà ở nơi nghèo hơn. Bà Hvistendahl phúc trình từ Việt Nam, nơi có những dịch vụ đặt-cô-dâu-qua-thư đang nở rộ nhờ có những đòi hỏi đàn bà từ Trung Quốc. Ðĩ điếm cũng bùng nổ – chứ không phải là do những nguyên do tình dục như những người đòi hỏi nữ quyền ở Tây phương ngây thơ tưởng vậy.
Ðã nhiều năm, có những cặp đã hiến tinh, hiến trứng, hay trở thành người mang thai giùm để giúp họ trở thành cha mẹ. Hiện giờ tiến trình này đang tiến sang mức kéo giãn ranh giới hợp pháp/bất hợp pháp và ranh giới đạo đức ra. Linda Blake của tạp chí Wall Street Journal tường trình từ Ấn Ðộ.
Kinh tế gia Gary Becker đã từng ghi nhận là khi phụ nữ trở thành khan hiếm, giá trị của họ tăng lên, và họ xem đó như là một sự phát triển thuận lợi. Nhung theo như bà Hvistendahl trình bày, “sự đánh giá này chi đúng khi xét thuần trên cảm tính thô thiển.” Một cô gái 17 tuổi trong một quốc gia đang mở mang chẳng có một vị thế nào để có thể chụp bắt giá trị thực của cô ta. Thay vào đó, một người đàn bà trẻ rất có thể trở nên một món đồ trong nhà, mang lại lợi tức cho gia đình họ, hay trở thành tú bà. Như Lena Edlund, giáo sư kinh tế học ở Columbia, đã nhìn ra: “Nguy hiểm lớn nhất có mối liên quan đến việc xác định giới tính trước khi sinh là sự tuyên truyền cho một tầng lớp phụ nữ thấp kém,” đó là có một nhóm tuy nhỏ nhưng vẫn đáng kể trong thế giới đàn bà cuối cùng sẽ trở thành nạn nhân bị cướp trộm do chính gia đình họ, bị bán, hoặc bị ép vào con đường mãi dâm hay hôn nhân.
Tất cả những chuyện như thế nghe ra có lẽ khô khan chán chường, nhưng bà Hvistendahl là một phóng viên tiên phong và bà đã thêm vào cuốn “Cuộc lựa chọn không theo thiên nhiên” những bằng cớ chắc nịch. Bà đã phỏng vấn những nhà nhân khẩu học và bác sĩ từ Paris cho đến Mumbai. Bà đã dành hẳn một chương đả phá qua những cuộc trò chuyện với Paul Ehrlich, người đã hướng sự điên loạn nhân mãn vào dòng chính trong năm 1968 qua tác phẩm “Trái bom dân số” – và là người dường như vẫn còn nghĩ là sự loại bỏ những bé gái là một tư tưởng lớn (một phần bởi vì nó giữ cho gia đình khỏi có nhiều con hơn nữa cho tới khi họ có được đứa con trai). Trong một chương khác, bà nói chuyện với Geert Jan Olsder, một nhà toán học Hòa Lan mập mờ khó hiểu, cũng là người do một tai nạn lịch sử, đã góp phần cho sự hình thành chính sách “Một Con” ở Trung Quốc khi ông gặp một khoa học gia Trung Quốc vào năm 1975. Sau này, bà thăm trụ sở chính ở Nam Kinh của “Câu lạc bộ Ái Quốc”, một tổ chức qui tụ những người đàn ông Trung Quốc thặng dư chỉ chuyên vẽ trò chơi game chiến tranh và chơi tập trận giả.
Bà Hvistendahl cũng nạo vét thêm nhiều tài liệu khó ưa từ những kịch sĩ Tây phương như từ tổ chức Ford Foundation, từ Liên Hiệp Quốc và từ hội Planned Parenthood, những tài liệu chỉ ra rằng họ đã thúc đẩy sự lựa chọn giới tính qua phá thai như là một phương tiện kiểm soát gia tăng dân số. Năm 1976 chẳng hạn, Malcom Potts, giám đốc y khoa của Liên đoàn Thế giới của Planned Parenthood, đã viết là để phát triển quốc gia, phá thai tốt hơn là kiểm soát sinh đẻ: “Phá thai sớm là an toàn, có hiệu quả, rẻ và có khả năng là phương pháp dễ nhất trong việc quản lý.”
Trong năm sau đó một tổ chức Planned Parenthood khác đã chính thức khen ngợi phương pháp cưỡng chế của Trung Quốc trong việc kế hoạch hóa gia đình, ghi nhận là “thuyết phục và động viên đạt hiệu quả trong một cộng đồng trong đó những hình phạt xã hội có thể được áp dụng để chống lại những kể nào không cộng tác trong việc kiến tạo một quốc gia xã hội chủ nghĩa.” Và ngay từ năm 1969, Hội đồng Dân số của Sheldon Segal (một nhà phôi học và sinh học Hoa Kỳ, đã dành trọn cuộc đời cho việc nghiên cứu phương pháp tránh thai – chú thích của người dịch) đã công bố rộng rãi lợi ích của việc chọn lọc giới tính qua phá thai như là một biện pháp chống lại “trái bom dân số” ở phương Ðông. Ở khắp mọi nơi, bà Hvistendahl đã vẽ nên bức tranh của những người Tây phương theo chủ nghĩa Malthus (một nhà kinh tế người Anh, chủ trương phải lập gia đình muộn và/hay dùng phương pháp ngừa thai lấy lý do là dân số tăng nhanh hơn số lượng lương thực cần thiết – chú thích của người dịch) thúc đẩy một chuỗi chính sách khủng khiếp trong nỗ lực tìm ra giải pháp cấp tốc cho một vấn đề chưa bao giờ thực sự diễn ra.
Thật có quá nhiều chuyện cần phải gợi ý trong cuốn “Sự lựa chọn không theo thiên nhiên” đến mức thật là buồn khi phải nói là bà Hvistendahl thường trưng ra một chủ trương chính trị cục bộ chưa bao giờ thành hình. Bà bắt đầu cuốn sách bằng một lời phê phán về bình đẳng giới tính từ Mao Trạch Ðông và luôn cho nó là đúng. Mong muốn bắt lỗi Tây phương nơi bà đã ăn sâu trong tâm ý khiến bà chỉ trích những cố gắng của Hoàng gia Anh dể bác bỏ hình thức giết bé gái sơ sinh ở Ấn Ðộ bởi vì “họ quá gia trưởng, như những người cha bạo ngược”. Bà nói là lý do khiến những người đàn ông “thặng dư” ở miền Tây Hoa Kỳ không muốn lấy vợ người bản xứ Hoa Kỳ là vì giòng máu phân biệt chủng tộc đặc biệt Anglo-Saxon của họ đã ngăn ngừa một cuộc hôn nhân lai giống.” (Thông qua phần lớn lịch sử nhân loại, những chủng tộc khác nhau và những nhóm dân tộc chỉ miễn cưỡng lấy người dị chủng; bà qui lỗi là sự miễn cưỡng này do óc phân biệt chủng tộc đã nhiễm vào máu).
Bà Hvistendahl đặc biệt lo ngại đến “cánh hữu” của “phe hữu Cơ Ðốc” – như là khi bà dán cho họ cái nhãn là họ có chính kiến khác bà – là họ sẽ sử dụng sự phá thai lọc lựa giới tính như là một phần của cuộc chiến rộng lớn trên mặt trận chống việc phá thai. Bà tin rằng người ta cần phải làm một chuyện gì đó cho hành động phá thai có chủ đích nhắm vào trẻ sơ sinh con gái, nếu không thì nó sẽ dẫn đến những cơn “ác mộng ‘nữ quyền’ tệ hại nhất: lệnh cấm hoàn toàn mọi chuyện phá thai.”
Cần phải nói là bà Hvistendahl qui chụp cho sự cấm chỉ phá thai – không phải là chuyện giết hàng chục triệu bé gái còn trong bụng mẹ – như là “cơn ác mộng tệ hại nhất” của nữ quyền. Cho dù ngay cả 163 triệu bé gái đã bị xóa sổ chỉ vì lý do giới tính, bà không giúp người ta nhìn ra bài toán qua lăng kính của một vấn đề chính trị của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong khi bà không sẵn sàng nói là có những chuyện sai lầm khủng khiếp trong những phong trào ủng hộ phá thai, bà lại nhận ra rằng có hai tư tưởng đang đối chọi nhau: “Sau nhiều thập niên tranh đấu cho quyền của phụ nữ được lựa chọn lối thoát cho cái thai của họ, thật khó mà quay trở lại mà vạch ra rằng phụ nữ đang lạm dụng cái quyền đó.”
Trong phần sau của “Cuộc lựa chọn không theo thiên nhiên”, bà Hvistendahl đưa ra vài đề nghị như là làm sao kiềm chế những “lạm dụng” như vậy mà không vi phạm đến quyền dành cho phụ nữ được phá thai. Trong cố gắng bồi đắp hai ý tưởng hoàn toàn đối nghịch nhau này, bà đề nghị biện pháp cấm chỉ sự áp dụng rộng rãi việc tiết lộ cho các bậc cha mẹ biết giới tính thai nhi qua phương pháp siêu âm. Và không hẳn là cấm đoán, mà chính phủ phải có những biện pháp mạnh, trong đó có thể bao gồm cả việc vẽ ra những chiến dịch gài bẫy có tầm mức quốc gia để tống cổ những bác sĩ, chuyên gia siêu âm và y tá thực hiện việc tiết lộ giới tính vào tù. Bên cạnh những cuộc tuần tra của cảnh sát nơi các cơ sở sản khoa, các bác sĩ phải được yêu cầu “điều tra kỹ hơn những sản phụ đang mang thai con gái” khi họ xin được phá thai, với mục đích bảo đảm rằng động lực đưa đến quyết định này của họ không bất hợp pháp.
Những hình thái như thế là đang mấp mé ở ranh giới của sự vô lý. Nó không những không khả thi, không thể chấp nhận được, mà cũng không hiệu quả: xác định giới tính đã từng nhiều năm bị coi là phạm pháp ở cả Trung Quốc lẫn Ấn Ðộ, vậy mà không có hiệu lực gì. Tôi nghi ngờ bà Hvistendahl sẽ phản biện lại là Trung Quốc và Ấn Ðộ đã không thực thi luật pháp của họ đúng mức.
Mặc dù tác giả có những ý định như thế, “Cuộc chọn lựa không theo thiên nhiên” có lẽ là một trong những cuốn sách mang lại hiệu quả nhất trong chiến dịch chống phá thai. Như một hỏa tiễn tầm nhiệt, nó nhằm mục đích chống lại toàn bộ khuôn khổ mang tính trí thức của “lựa chọn”. Ðể cho nếu “sự lựa chọn” là do luân lý bắt buộc, dẫn đến phá thai, thì sẽ không còn có lý do nào để chống lại “sự tiêu diệt giới tính”. Phá thai vì đó là bé gái thật ra không khác phá thai vì đứa bé mang hội chứng Down hay là do bà mẹ vì mang bệnh tâm thần đã yêu cầu chuyện đó. Lựa chọn là lựa chọn. Một chuyên viên phá thai người Ấn Ðộ đã nói với bà Hvistendahl: “Có những bệnh nhân đã đến với tôi và nói ‘tôi muốn phá thai bởi vì nếu đứa trẻ sinh ra, nó sẽ mang tên Gemini, nhưng tôi muốn có đứa con mang tên Libra’”.
Ðó là nơi mà sự lựa chọn sẽ dẫn ta đến. Ðó cũng là nơi mà sự lựa chọn đã luôn dẫn người ta đi như vậy. Bà Hvistendahl có thể mong muốn sự việc đi ngược lại, nhưng thật ra chỉ có hai giải pháp để chọn lựa: Hạn chế phá thai hoặc là chấp nhận sát hại hàng triệu bé gái và chấp nhận luôn cả những tai họa rất có thể đến từ đó.
Nguyên tác: The war against girls, tác giả Jonathan v. Last – Wall Street Journal, 24/06/2011
Người dịch: Lê Ngọc Vân