Lê Ngọc Vân
Cư dân nước nào hạnh phúc nhất?
Một công trình thăm dò của Viện Thống kê Gallup về hạnh phúc, thực hiện trong khoảng thời gian 5 năm (từ 2005 đến 2009) tại 155 quốc gia đã cho ta một khái niệm về sự phân bố hạnh phúc của cư dân trên toàn thế giới. Theo thông kê này, Đan Mạch là quốc gia trong đó người dân cảm thấy hạnh phúc nhất.
Kết quả thống kê được công bố tóm tắt trên tạp chí Forbes, số tháng 07/2010. Cuộc thăm dò được nhắm vào hai hình thái của sự thỏa mãn. Trước hết, đối tượng thăm dò được hỏi về sự thỏa mãn của họ về một số mặt quan yếu trong cuộc sống hàng ngày, theo một thang điểm 10 bậc. Sau đó, người được phỏng vấn được hỏi về sự trải nghiệm của họ về những sự việc xảy ra vào ngày trước đó, những điều như: họ có cảm thấy yên ổn không, có được tôn trọng không, có gặp khổ sở gì không, hay có phải bận tâm suy nghĩ gì không.
Nhóm nghiên cứu đã tìm ra một điều hiển nhiên mà từ trước tới nay nhiều người vẫn còn nghi ngờ: Tiền bạc có thể mua được hạnh phúc – ít nhất là ở một khía cạnh nào đó. Trong bản tường trình có liên quan đến cuộc nghiên cứu, họ đã tìm hiểu lý do vì sao người dân ở những quốc gia có tổng sản lượng quốc gia cao lại cảm thấy hạnh phúc hơn, và đã tìm ra được mối liên qua giữa sự thỏa mãn trong cuộc sống với lợi tức của họ: “Tiền bạc là một mục tiêu mà nhiều người – có thể nói là đại đa số – ham muốn”. Tuy nhiên có nhiều điểm để đạt tới hạnh phúc hơn là sự giàu sang. Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong khi không thể chối cãi rằng lợi tức có ảnh hưởng đến sự hạnh phúc, nhưng cũng rõ ràng là có một thứ thỏa mãn đặc thù – cái mà người ta cảm nhận khi nhìn lại những thành quả đạt được và những hứa hẹn trong tương lai của chính họ. Niềm hạnh phúc hàng ngày dường như mang mối liên hệ nhiều hơn với nhu cầu tinh thần và nhu cầu xã hội được đáp ứng, điều đó khó đạt được bằng một tấm chi phiếu.
Vì vậy, trong khi Ðan Mạch – quốc gia được nhóm xếp hạng nhất trong thang điểm hạnh phúc – có chỉ số GDP đầu người năm 2009 là 36.000 USD, chỉ thua 30 nước, nhưng Costa Rica, nước đứng hạng 6, đã đánh bại nhiều nước giàu có hơn. Ðiều này được lý giải bằng một tổ chức mạng lưới xã hội vững chắc ở Costa Rica, trong đó gia đình góp phần quan trọng, cộng thêm là sự hài lòng của mỗi cá nhân đối với số phận của họ, bất kể sự thành công về tài chánh.
Công dân của những quốc gia giàu có cho thấy là họ thường cảm thấy hạnh phúc hơn. Nhưng hạnh phúc là điều khó có thể hiểu một cách rõ ràng, và tiền bạc không phải là thứ duy nhất có ảnh hưởng trên đó. Sức khoẻ cũng là một yếu tố trừu tượng cũng có ảnh hưởng khác trên đời sống hơn là sự hạnh phúc có được hàng ngày.
Theo bảng sắp hạng, Hoa Kỳ đứng hạng 14, Hòa Lan được xếp hạng 4 (đồng hạng với Thụy Điển), trong khi đó Singapore và Nhật nằm ở vị trí 81, không hơn Việt Nam (hạng 96) bao nhiêu. Trung quốc đứng hạng 125.
Nhưng nhìn ở một mặt khác, sự hạnh phúc của cư dân thường không đi đôi với sự ‘thân thiện với môi trường’. Cũng vào tháng này một năm trước (2009), tổ chức ‘Tân Kinh tế’ (New Economics) đã công bố ‘Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc’ (Happy Planet Index) qua cuộc nghiên cứu trên 143 quốc gia. Chỉ số HPI căn cứ trên các yếu tố: dự đoán tuổi thọ có thể đạt được, sự thỏa mãn trong cuộc sống, dấu ấn để lại trong môi trường sinh thái... Theo thống kê này, Việt Nam đứng hạng 5, hơn cả Hòa Lan (hạng 43), và bỏ xa Hoa Kỳ (hạng 114)!!! Trong hoàn cảnh báo động liên tục về ô nhiễm sinh thái tại Việt Nam (vụ dự án khai thác quặng bauxite, những phát hiện xả chất thải bừa bãi từ các cơ sở công nghệ v.v...), điều này thoạt nhìn tưởng như nghịch lý, tuy nhiên phải xét toàn cảnh để thấy được rằng những ô nhiễm kể trên, tuy nghiêm trọng nhưng chỉ xảy ra ở một vài vùng, còn đại đa số dân vẫn chưa sử dụng nhiên liệu đốt (ga, xăng, dầu) trong sinh hoạt hàng ngày ở mức độ cao như những quốc gia đã phát triển ở Âu Mỹ. Ðan Mạch, quốc gia hạnh phúc hàng đầu theo đánh giá của Viện Gallup năm nay, lại là quốc gia có chỉ số HPI rất thấp (đứng hạng 105 trong số 143 quốc gia được khảo cứu). Xét như vậy, để một lần nữa thấy sự hạnh phúc của xứ ‘nghèo’ Costa Rica, nơi lợi tức GDP cho mỗi đầu người chỉ bằng 1/3 Hoa Kỳ, nhưng là quốc gia có chỉ số HPI cao nhất thế giới.
Lê Ngọc Vân
___________
Tài liệu sử dụng:
– Gallup.com
– Forbes.com
– Neweconomics.org