Thanh Tâm


Cư dân Hòa Lan có gốc ngoại quốc và cuộc thăm dò '21 phút'

 

Trong tháng 9 và 10/2006, một cuộc thăm dò ý kiến rộng rãi trên toàn Hòa Lan về những vấn đề quan trọng trong đời sống và xã hội Hòa Lan đã được thực hiện qua chương trình '21 phút' (21minuten.nl). Đây là lần thứ hai cuộc thăm dò được tổ chức (lần thứ nhất vào đầu năm 2005, với khoảng 150.000 người tham dự). Cuộc thăm dò ý kiến ‘21 phút' là cuộc thăm dò độc lập và bất vụ lợi, do sáng kiến của McKinsey&Company (tổ hợp quốc tế chuyên về tư vấn trong lãnh vực chính sách điều hành), Planet Internet (nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất Hòa Lan), hai nhật báo NRC Handelsblad và Algemeen Dagblad, cơ sở MSN của Microsoft, và văn phòng quảng cáo FHV-BBDO. Cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện hoàn toàn qua Internet (www.21minuten.nl), thời gian trung bình để điền toàn bộ bản câu hỏi là 21 phút. Đặc biệt là bản câu hỏi này trong suốt thời gian điền sẽ từng bước tự điều chỉnh theo những câu trả lời trước. Trong 6 tuần lễ (chấm dứt ngày 31/10/2006 ), khoảng 170.000 người đã tham gia. Vào ngày 03/11/2006, những nhận định quan trọng, đúc kết trong một bản phúc trình, đã được trình bày trong một cuộc họp báo và sau đó đã được trao cho chủ tịch các tổ chức: công đoàn FNV, tổ chức liên minh các xí nghiệp VNO-OCW và Hội đồng Cố Vấn Xã Hội Kinh Tế SER. Đoạn dưới đây được trích dịch từ bản tổng kết nói trên.

 

*

Người có gốc ngoại quốc

 

Với 19% tổng số cư dân Hòa Lan, những ‘người Hòa Lan có gốc ngoại quốc' (allochtonen) đã hợp thành một nhóm cư dân lớn. Văn Phòng Thống Kê Trung Ương (CBS) tiên đoán rằng nhóm này vào năm 2030 sẽ chiến một phần tư dân số. Có tất cả 9575 người Hòa Lan có gốc ngoại quốc đã điền đầy đủ bản câu hỏi của chương trình 21minuten.nl, với thời gian điền trung bình 25 phút.

Nhóm cư dân có gốc ngoại quốc gồm có thế hệ thứ nhất và thứ nhì; những người sinh ra ở nước ngoài và những người sinh ra ở Hòa Lan nhưng trong cha mẹ có ít nhất 1 người đã được sinh ra ở nước ngoài. Giữa hai nhóm này không có sự khác biệt rõ rệt trong những ý kiến. Nhóm người có gốc ngoại quốc cũng có thể được chia thành nhóm theo nước nguyên quán. Từ góc độ này những nước và những nhóm quốc gia sau đây đã được sử dụng (trong bản phúc trình): Indonesia (25%), Suriname (11%), Thổ Nhĩ Kỳ (7%), Antillen thuộc Hòa Lan và Aruba (5%), Maroc (5%) và những nước khác (44%). Những câu trả lời của nhóm dân có gốc Thổ Nhĩ Kỳ và Maroc có nhiều khác biệt nhất so với những câu trả lời của các nhóm dân khác và của toàn dân nói chung, trong khuôn khổ bài này những ý kiến của nhóm Thổ Nhĩ Kỳ và Maroc cũng được nhấn mạnh.

900 người có gốc Thổ Nhĩ Kỳ và Maroc đã điền bản câu hỏi của 21minuten.nl. Những người Thổ Nhĩ Kỳ cho là họ ít hạnh phúc nhất. 39% thấy hạnh phúc, và đó là sự khác biệt rõ nét so với người bản xứ Hòa Lan, với 67% nói rằng họ thấy hạnh phúc. Cho dù những người có gốc Maroc thấy hạnh phúc hơn một chút – 55% thấy hạnh phúc – nhưng trong tất cả mọi nhóm họ là những người thấy ít hạnh phúc nhất đối với đất nước Hòa Lan, 30% so với 48% nơi người bản xứ. Điều nổi bật là sự tương đồng giữa những người có gốc Indonesia và những người bản xứ Hòa Lan: mức độ hạnh phúc và mức độ hạnh phúc đối với đất nước Hòa Lan ở hai nhóm dân này gần giống như nhau. Những người Suriname và những người trong nhóm Antillen - Aruba không thấy nhiều hạnh phúc (54% và 52%) và cũng không có nhiều hạnh phúc đối với đất nước Hòa Lan (38% và 43%).

Những lãnh vực đáng quan tâm mà những nhóm cư dân hiện đang lo ngại cho quốc gia Hòa Lan lại khác biệt nhau. Tất cả, dân bản xứ và dân có gốc ngoại quốc, đều lo lắng về giá sinh hoạt. Bên cạnh đó, những người nằm trong nhóm ‘những quốc gia khác' cũng cùng ý kiến với người bản xứ Hòa Lan về 3 lãnh vực đang làm họ lo ngại nhất (sau giá sinh hoạt – đó là bảo vệ sức khoẻ, tội phạm và hội nhập, chú thích của người dịch). Giáo dục và sự sẵn lòng dấn thân cho người khác là hai vấn đề lớn làm người có gốc Indonesia bận tâm. Người Thổ Nhĩ Kỳ và Maroc thuộc thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ nhì bày tỏ nhiều lo ngại về hố ngăn cách giữa nghèo và giàu (34%), bảo đảm xã hội (Thổ Nhĩ Kỳ 25%, Maroc 28%) và nạn thất nghiệp (Thổ Nhĩ Kỳ 20%, Maroc 24%). So với mức trung bình của toàn quốc, họ cũng lo ngại nhiều hơn về sự tăng trưởng kinh tế, nhưng lại lo ngại ít hơn về chuyện dưỡng lão và săn sóc cha mẹ.

Ở những người có gốc Thổ Nhĩ Kỳ và Maroc, sự ủng hộ dành cho chính sách hiện thời của chính quyền rõ ràng thấp hơn thành phần còn lại của dân chúng (10% so với 25% toàn quốc), cũng như về mức độ tin tưởng rằng chính quyền đã ban hành những biện pháp đúng đắn nhằm thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn (5% so với 28% toàn quốc). Mặc dù nhóm này có ý kiến tán thành ở mức trên trung bình đối với câu gợi ý ‘vẫn cần phải cải tổ Hòa Lan', nhưng họ cũng ít chịu hy sinh một phần khả năng mua sắm (25% so với 28% toàn quốc). Họ trông cậy nhiều hơn vào giải pháp ‘thêm người có việc làm' để duy trì sự phồn thịnh của Hòa Lan trong tương lai (60% so với 53% toàn quốc).

Khi được hỏi về sự lựa chọn chính sách dựa trên căn bản một số tình huống do Văn Phòng Kế Hoạch Trung Ương (CPB) đặt ra, người Thổ Nhĩ Kỳ và Maroc rõ ràng đặt ưu tiên cho giải pháp tạo thêm sự cách biệt về lợi tức, miễn là chính quyền bảo đảm lợi tức cho họ. Đặc biệt là họ, cũng như những người Antillen – Aruba và những người Suriname, đã ủng hộ phương cách giải quyết xã hội này nhiều hơn người bản xứ Hòa Lan. Biện pháp ‘nới lỏng luật lệ sa thải' (ở Hòa Lan đang có một cuộc vận động xét lại luật sa thải nhân viên, làm nhiều người chú ý, trong đó những qui chế hiện hành về bổn phận và quyền lợi khi xin nghỉ việc và khi thực hiện thủ tục sa thải sẽ được nới lỏng, kể cả hai phía chủ và thợ. Trên thực tế nếu luật này được ban hành sẽ cho phép chủ dễ dàng sa thải nhân viên hơn và ít phải bồi thường thiệt hại – chú thích của người dịch) cũng ít được những người có gốc Thổ Nhĩ Kỳ và Maroc tán thành (42% so với 50% toàn quốc), ngay cả torng trường hợp biện pháp này đưa đến nhiều công ăn việc làm hơn.

Điều gây ngạc nhiên là người Thổ Nhĩ Kỳ và Maroc có cảm nhận rằng xã hội (Hòa Lan) hiện tại ít xa rời một xã hội mà họ mong muốn hơn là cảm nhận thấy được nơi người bản xứ Hòa Lan. So với người bản xứ, người Thổ Nhĩ Kỳ và Maroc thấy xã hội hiện tại ít có khuynh hướng cá nhân hơn (83% so với 91% ở người bản xứ), ít lỗ mãng hơn (85% so vơớ I 90%) và ít chú trọng đến thành công vật chất hơn (78% so với 95%). Mặt khác, (khi đem so với người bản xứ), họ lại thấy vấn đề trách nhiệm cá nhân được đặt nặng hơn (77% so với 69% nơi người bản xứ), trong khi khuôn mẫu xã hội lý tưởng của họ lại mang nhiều tính chất an toàn xã hội hơn (79% so với 70%).

Vào thời điểm cận ngày bầu cử, kết quả cho thấy là những cử tri có gốc ngoại quốc cũng có mức lưỡng lự về sự chọn lựa lá phiếu của họ ngang bằng với những cử tri người bản xứ. 28% và 25% những người nói là sẽ đi bầu chưa biết họ sẽ chọn đảng nào trong kỳ bầu cử tới đây, và 27% (so với 29% người bản xứ) tuy đã có ý định rồi nhưng lại cho biết là họ không chắc chắn về sự chọn lựa này. Điều đó có nghĩa là một nửa số dân, người có gốc ngoại quốc lẫn người bản xứ, có ý định sẽ đi bầu nhưng vẫn còn ‘chưa biết tấp bến nào'.

Để có một hình ảnh rõ ràng về sự chuyển hướng trong khối cử tri người có gốc ngoại quốc, hai nhóm dân có nguồn gốc ‘những nước khác' và ‘ Indonesia ' được lọc bỏ ra. Hai nhóm dân này đã cho thấy một hình ảnh tương tự như người bản xứ. Nếu để những nhóm này vào chung, theo như định nghĩa, sự chuyển biến trong khối những cử tri người có gốc ngoại quốc sẽ bị chìm bớt. Ở vài điểm, những người Thổ Nhĩ Kỳ, Maroc, Antillen – Aruba và Suriname đã cho thấy có sự khác biệt so với những cử tri người bản xứ. Một trong những điểm nổi bật là những người gốc ngoại quốc đã bỏ phiếu cho đảng SP hay CDA (trong kỳ bầu cử quốc hội năm 2003 – chú thích của người dịch) kỳ này ít trung thành hơn với sự lựa chọn của họ, so với người bản xứ. 58% số cử tri ngoại quốc đã từng bầu cho đảng SP nói là họ sẽ lại bầu cho SP, ở người bản xứ tỉ lệ này là 71%; và 29% những người có gốc ngoại quốc đã bầu cho đảng CDA kỳ này sẽ lại bầu cho CDA, so với 54% người bản xứ.

 

Thanh Tâm
(trích từ bản tường trình 2006 đăng trong www.21minuten.nl)


Cái Đình - 2006