Nguyễn Thị Quỳnh Anh
Công lý du hành toàn cầu
Có thể bạn đã không đọc một bài báo quan trọng vừa qua trong tờ China Newsweek, thôi thì để tôi giúp bạn cập nhật hóa vậy. Bạn nghĩ hình ai đã nằm trên trang bìa – một người ngoại quốc được xem là "có ảnh hưởng nhiều nhất" trong năm ở Trung Quốc? Barack Obama? Không phải. Bill Gates? Cũng không phải. Warren Buffett? Lại không phải. Thôi thì tôi sẽ bật mí chút ít cho bạn: Người đó là một minh tinh nhạc trẻ, một "ngôi sao nhạc rock" ở Á Châu, và quần chúng ở Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc đã phải đua nhau mua vé chợ đen để được nghe. Bạn chịu thua chưa?
Đó là Michael J. Sandel, một triết gia chánh trị của Đại Học Harvard Hoa Kỳ.
Tin này sẽ không đến như một sự ngạc nhiên cho các sinh viên của Harvard, khoảng 15.000 sinh viên trong trường này đã từng theo lớp học nổi tiếng về vấn đề "Công Lý" của Sandel. Điều đã làm cho các cua học trở nên vô cùng lôi cuốn là cách Sandel đã sử dụng các thí dụ thực tế trong đời sống hằng ngày để phát họa các tư tưởng triết học của Aristotle, Immanuel Kant và John Stuart Mill.
Sandel (58 tuổi) bắt đầu bằng cách đưa ra một câu hỏi như: "Có công bằng không khi David Letterman (1) lãnh lương gấp 700 lần một giáo viên?", hay: "Chúng ta có trách nhiệm đạo đức hay không cho sự điều chỉnh lại những sai lầm của thế hệ cha ông của chúng ta? ". Các sinh viên sau đó đua nhau đưa ra các câu trả lời, thách thức lẫn nhau trong giảng đường, tranh luận với các triết gia và như thế họ thực hành nghệ thuật đưa ra các minh chứng có tính đạo đức trong phương cách lý luận.
Bên cạnh sự bổ ích về kinh nghiệm học hỏi, các cua giảng của Sandel còn được xem là các vở tuồng trình diễn độc đáo – cho đến nỗi trường Harvard và đài truyền hình PBS Boston đã thu hình và thực hiện thành một chương trình truyền hình nhiều kỳ cho đại chúng và đã phát hình toàn quốc vào năm 2009. Các chương trình này có thể giờ đây đã được phát hành tự do trên mạng (www.JusticeHarvard.org), đã bắt đầu khích động sự quan tâm ở các địa phương đáng ngạc nhiên khác.
Năm rồi, đài truyền hình Nhật NHK đã chuyển dịch các chương trình trên của đài PBS Boston và đã làm nổ bùng cơn sốt triết học. Sau đó trường đại học Tokyo cũng đã thực hiện các cua giảng dạy dựa theo phương cách của Sandel. Trường hợp ở Trung Quốc, các người dich thuật thiện nguyện đã phụ đề Hoa ngữ các bài giảng, đưa lên các mạng lưới điện Trung Quốc và đã thu hút hàng triệu người xem. Tác phẩm mới nhất của Sandel – "Justice. What's the Right Thing to Do? - đã bán hàng triệu bản chỉ riêng ở Đông Á. Cần phải nói thêm: Đây là một quyền sách về triết lý đạo đức!
Vào năm 2010 báo The Japan Times đã thông tin về chuyến viếng thăm của Sandel ở Nhật: "Hầu như rất ít triết gia được so sánh với các ngôi sao nhạc trẻ hay các nhân vật nổi danh trên đài truyền hình, nhưng đó là sự hâm mộ mà Sandel đã nhận được ở Nhật". Về buổi diễn thuyết của Sandel ở Tokyo, báo trên đã tường thuật: "Những hàng người dài phía bên ngoài gần giống như một giờ trước khi trận đấu thể thao buổi tối khai mạc". Các vé vào cửa đều miễn phí và phát hành qua hình thức bốc thăm. Nhưng nhu cầu thính giả quá lớn đến nỗi các vé miễn phí này được đưa lên bán trên mạng với giá 500 Mỹ kim. Sandel đã bắt đầu bài diễn thuyết với câu hỏi: "Đầu cơ các vé vào cửa là lương thiện hay bất lương?"
Nhưng điều thú vị nhất là việc Sandel được tiếp đón (trong vòng thân hữu) ở Trung Quốc. Ông vừa hoàn thành một một vòng ra mắt sách và diễn thuyết ở các trường đại học ở Tsinghua và Fudan, nơi các sinh viên đã bắt đầu dành ghế từ nhiều giờ trước đó. Đại học Tsinghua khai mạc một học kỳ với đề tài "Tư Duy Phê Phán và Lý Luận Đạo Đức" dựa theo mô thức của Sandel. Chuyến viếng thăm của Sandel ở đây đã được đưa lên chương trình tin tức buổi tối ở toàn quốc.
Việc Sandel được hâm mộ ờ Á Châu đã phản ảnh giao điểm giữa ba xu hướng. Thứ nhất: Sự phát triển của giáo dục trên mạng, nơi sinh viên ở mọi nơi trong lúc này đều có thể tiếp cận được với các giáo sư lỗi lạc nhất từ bất cứ nơi nào trên thế giới. Thứ hai: Sự khao khát ở Á Châu để có được nhiều hơn các phương cách giảng dạy sáng tạo, đặt trên căn bản thảo luận nhằm mục đích đào tạo những sinh viên có tính sáng tạo, nhiều sáng kiến. Thứ ba: Sự khao khát của giới trẻ để tiến hành phương cách lập luận và thảo luận về đạo đức, hơn là chỉ tiếp thu sự giáo dục giới hạn vào các khía cạnh kinh tế, thương mại và thiết kế khô khan.
Tại đại học Tsinghua và Fudan Sandel đã đã thử thách sinh viên với một loạt các trường hợp vể vấn đề Công Lý và Thị Trường: Có lương thiện hay không khi tăng giá bán cả một đống tuyết ngay sau cơn bảo tuyết? Bạn nghĩ sao về phần bán đấu giá các thu nhận vào đại học cho người nào trả giá cao nhất? "Cảm tính thị trường tự do vận hành cao một cách đáng ngạc nhiên", theo lời Sandel, "nhưng môt số sinh viên đã lập luận rằng các thị trường được mở ngỏ tạo ra sự bất bình đẳng và mâu thuẫn xã hội."
Phương cách giảng dạy của Sandel về vấn đề công lý "vừa làm tươi mát vừa thích hợp trong khung cảnh của Trung Quốc", khoa trưởng Qian Yingyi của học viện Kinh Tế và Quản Trị ở Tsinghua giải thích trong điện thư. Sự tươi mát do phương cách và sự thích hợp do "tư duy triết học giữa người Trung Hoa hầu như là máy móc và duy vật", và một phần do "nỗi ám ảnh hiện thời về sự phát triển kinh tế ở Trung Quốc."
Quyết định của Tsinghua để cống hiến một mô thức của khóa giảng của Sandel, Qian nói tiếp: "là một phần của một thử nghiệm lớn của sự cải cách giáo dục thuộc năm thứ nhất hiện thời đang tiến hành trong trường của chúng tôi... Điều đó không chỉ cho một lớp học, đó là sự bắt đầu của cả một vùng."
Sandel đã chạm vào vấn đề sâu sắc ở Boston và Beijing."Sinh viên ở mọi nơi khao khát tranh luận về các câu hỏi lớn có tích cách đạo đức mà chúng ta va chạm trong đời sống hàng ngày," Sander lập luận, "trong những năm qua dường như các câu hỏi về kỹ thuật kinh tế đã đẩy các câu hỏi về công lý vả cộng đồng ra ngoài lề. Tôi nghĩ rằng trong nhiều xã hội đã trỗi dậy một nhận thức rằng tổng sản lượng thu nhập quốc gia hàng năm và các giá trị thị trường tự nó không mang lại hạnh phúc hay một xã hội an lành. Niềm mơ ước của tôi là thực hiện một giảng đường toàn cầu trên mạng, qua video nối liền các sinh viên với những nền văn hóa và các ranh giới quốc gia khác nhau – để cùng tư duy về các nghi vấn đạo đức gay go nầy và để cùng xem chúng ta học hỏi được điều gì lẫn nhau."
Nguyên tác: Justice Goes Global, Thomas L. Friedman (2) – The New York Times, 14/06/2011
Nguyễn Thị Quỳnh Anh dịch
___________
Chú thích của người dịch:
(1) David Letterman có tên thật là David Michael Letterman, diễn viên hài và cũng là nhà sản xuất chương trình truyền hình và phim. Nổi tiếng trên thế giới với chương trình truyền hình Late Show with David Letterman, đầu tiên trên đài truyền hình Hoa Kỳ NBC và sau đó trên đài CBS.
(2) Thomas L. Friedman (20-06-1953) là ký giả, bỉnh bút của tờ The New York Times. Từ năm 1979 đến 1988 là ký giả ở Trung Đông. Từ năm 1988 đến 1995 ông chú tâm vào lãnh vực chánh trị Hoa Kỳ, sau đó nghiên cứu về vấn đề liên hệ quốc tế và vấn đề tòan cầu hóa. Tác phẩm của ông đã xuất bản The Lexus and the Olive Tree, The World Is Flat (viết về vấn đề toàn cầu hóa và đã là tác phẩm bán chạy nhất – best seller), Hot, Flat and Crowdes. Ông cũng đã thực hiện các phim tài liệu cho đài Discovery Channel.