Minh Hạnh
Băng đảng người Việt và cần sa lậu ở Hòa Lan
Vào trung tuần tháng 2 vừa qua, một nguồn tin được hé lộ từ Đội Đặc Nhiệm Đối Phó Với Việc Trồng Cần Sa Có Tổ Chức (tạm dịch từ ‘Task Force Aanpak Georganiseerde Hennepteelt' – viết tắt TFAGH) là có thể những băng đảng người Việt đang giữ vai trò đầu nậu trong hoạt động trồng cần sa ở Âu châu.
Theo tiết lộ này thì có những người Việt cư ngụ ở Hòa Lan đã thiết lập những đường dây cung cấp và xuất khẩu trang thiết bị như đèn sưởi đặc biệt HPS (High Pressure Sodium lamp) và các bộ lọc khử mùi, nhánh ươm cùng kỹ thuật trồng. Những phát hiện từ Anh quốc, các nước Bắc Âu và các quốc gia thuộc khối Đông Âu cho thấy đầu mối các đường dây phát xuất từ Hòa Lan. Rất có thể ‘Tổng hành dinh' được đặt ở Hòa Lan để điều phối các dịch vụ này. Anh quốc trong năm 2008 đã mở nhiều chiến dịch truy lùng, bắt hàng loạt tội phạm cần sa ở vùng London, đa số là người Việt nhập cư lậu và họ đang phanh lần ra những đường dây ma túy. TFAGH chưa nắm rõ ràng cơ cấu tổ chức, nhưng điều tra ở các nước khác cho thấy những ‘vua thuốc' từ Việt Nam đã qua trung gian mua hay mướn nhà ở nước ngoài và sau đó trồng đầy nhóc cần sa trong tất cả phòng, đến mức không còn cả lối đi.
Theo báo cáo của Sở Truy cứu Thông tin Quốc gia (Dienst Natrionale Recherche Informatie), lượng cần sa sản xuất ở Hòa Lan được ước định trong khoảng 323 đến 766 tấn mỗi năm, trong số này 90% được xuất ra nước ngoài. Dịch vụ trồng cần sa ở Hòa Lan, theo TFAGH, mang đến một lợi nhuận lớn hơn kỹ nghệ trồng bông (theo một ước tính khác, đăng trên tạp chí Elsevier tháng 03/2008, là 2,5 tỉ euro, tức là có khoảng 2 tỉ euro cần sa được xuất khẩu, so với 3,6 tỉ euro xuất khẩu các loại rau cải). Mỗi cây cần sa có thể cung cấp khoảng 25 gram thuốc khô. 1 gram cần sa loại có chất lượng tốt có thể được bán với giá 12 euro ở những quán ‘coffeeshop'. Hiện nay giá một kilô cần sa khoảng 3000 – 4000 euro, tăng hơn 50% trong vòng 5 năm, do sự ruồng bố ráo riết ở Hòa Lan từ khi cựu Bộ trưởng Tư pháp Piet Hein Donner năm 2004 báo động về tình trạng trồng cần sa lậu và sự thất bại trong các chiến dịch bài trừ. Hiện nay mỗi năm có hơn 6000 nơi trồng cần sa bị phá vỡ.
Từ trước tới nay trong những vụ phá vỡ cơ sở trồng cần sa ở Hòa Lan cũng có những người Việt Nam bị liên can, nhưng cho tới gần đây người ta chưa thấy có một mạng lưới điều hợp nằm đằng sau. Ngành trồng cần sa lậu ở Hòa Lan trước nay phần lớn nằm trong tay những băng đảng Maroc và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng vài nhóm của người Hòa Lan. Người Việt Nam hoạt động mạnh trong lãnh vực này ở Canada. Cùng với một số băng đảng Á châu khác họ nắm trọn hoạt động về cần sa ở đây. Dường như ‘dân cày' Canada đã học được phương pháp thủy canh (hydroculture) từ nhà kiếng trồng cà chua và ớt bị (paprika) của Hòa Lan, để từ hai năm nay mạng lưới trồng đại trà đã phát triển từ Canada sang Úc châu và Âu châu. Ở Anh, khoảng ba phần tư các cơ sở trồng cần sa do người Việt nắm.
Kèm theo nghề trồng cần sa là nạn bóc lột sức lao động của trẻ em khi xúi dục chúng vào con đường tội lỗi bằng cách hứa hẹn một tương lai sáng lạn. Theo tạp chí Anh The Independent, cảnh sát Anh quốc hàng ngày đều có bắt được trẻ em làm lậu kiểu này. Đại đa số những người được mướn trong công tác ‘trồng cỏ', ‘trồng cần' (tiếng lóng Hòa Lan gọi là ‘trồng bông hồng') là những người mang công mắc nợ, hay những di dân lậu cần phải bằng mọi giá đi làm để trả lại số tiền đã phải bỏ ra cho chuyến đi. Hòa Lan được người ta chọn vì tuy hình phạt tối đa dành cho tội trồng cần sa lậu là 6 năm tù, nhưng thường họ chỉ bị kết án chưa tới 2 năm (Chủ trương ‘làm ngơ' của Hòa Lan từ 1976 đã đưa đến kết quả là mang dưới 30 gram cần sa trong người không bị coi là tội phạm, mà là phạm luật, chỉ bị xử phạt hành chính. Mang 1, 2 điếu trong người không bị phiền hà gì)
Ngoài ra người ta cũng ghi nhận có những vụ thu hoạch trộm hay cướp hàng của nhau giữa những đường dây trồng cần sa đưa đến nhiều vụ thanh toán giữa các băng đảng. Theo phát biểu của ông Ad Clarijs cuối năm 2007 trong hội nghị với chủ đề ‘Thế giới phía sau nghề trồng cần sa', chỉ ở 3 tỉnh phía nam Hòa Lan (Limburg, Noord Brabant và Zeeland) từ 2000 đến 2005 đã có 25 vụ thanh toán có tử vong, liên quan trực tiếp đến cần sa. Những cơ sở lớn trồng cần sa đều được gài mìn bẫy và có những toán bảo vệ sẵn sàng nổ súng vào kẻ lạ mặt xâm phạm vùng cấm địa. Đây là mối ưu tư lớn vì khi những băng đảng tội phạm được cơ hội tung hoành, họ sẽ chuyển sang kinh doanh những món hàng khác như bạch phiến, vũ khí, đĩ điếm, buôn người v.v…
Có điều lạ là tiết lộ của TFAGH chỉ đăng trên 1 tờ báo Hòa Lan (‘Vietnamezen mogelijk spil Europese wietteelt', Weert Schenk, de Volkskrant ngày 20/02/2009). Dường như đây là cuộc điều tra riêng của đặc phái viên báo de Volkskrant, và TFAGH, với lời của ông Ủy viên Max Daniel của Đội Đặc nhiệm, ở thế chẳng đặng đừng đã phải xác nhận. Cho dù biết rằng tin này sẽ làm tăng sự cảnh giác trong các băng đảng, gây khó khăn thêm cho cuộc điều tra và có thể đưa đến những vụ thanh toán. TFAGH hẳn còn chờ thâu thập thêm dữ kiện để đúc kết trong báo cáo chính thức có thể phổ biến rộng rãi được. Tuy vậy, những khám phá trong thời gian gần đây làm người ta bắt đầu có một cái nhìn khác hơn về người Việt ở Hòa Lan. Bên cạnh ấn tượng tốt về những thành công trong học vấn của giới trẻ Việt và sự xâm nhập rộng rãi của món ‘chả giò' vào văn hóa ẩm thực đa sắc tộc của Hòa Lan, cần sa có khả năng trở thành một ‘dấu ấn xấu' đóng lên người Việt nếu tình trạng này không được nhanh chóng cải thiện.
TFAGH được thành lập theo sắc luật của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ ban hành ngày 10/07/2008 sau những phát hiện là việc trồng cần sa đang có chiều hướng trở thành kỹ nghệ hóa với những mạng lưới liên quốc gia. Mục tiêu chính TFAGH phải đạt được là làm sao tới năm 2011 việc trồng cần sa đại trà ở Hòa Lan phải giảm thấy rõ. Để có thể đạt mục tiêu này, trong TFAGH có đại diện của Bộ Tư pháp, cảnh sát, thuế vụ và 1 đại diện chính quyền địa phương (là thị trưởng Venlo – năm 1996 một cơ sở trồng cần sa ở thành phố này với 600.000 cây bị khám phá, một kỷ lục chưa bị phá vỡ). Những biện pháp trợ giúp trong điều tra cũng được tăng cường. Ngoài đường dây ẩn danh tố cáo tội ác (Meld Misdaad Anoniem), phi cơ cũng được sử dụng để dò tìm những khoảng trống ẩn sâu trong ruộng bắp, scan hồng ngoại tuyến ở một số vùng cư dân, cho chó đánh hơi và mới nhất là máy ngửi Cannasniffer có thể phát hiện mùi cần sa qua lỗ thùng thư.
Hoạt động song hành với TFAGH còn có những đội đặc nhiệm chống buôn người, bài trừ tội ác có tổ chức và điều tra thâm lạm trong ngành xây cất.
Minh Hạnh
(02/2009)