Minh Hạnh
5 thế kỷ dân nhập cư Hòa Lan
Hiện tượng dân từ nước này đến nước khác lập nghiệp là một hiện tượng xã hội tự nhiên. Người nhập cư mang luồng gió mới vào sinh hoạt kinh tế, văn hóa. Riêng trường hợp Hòa Lan, do hoàn cảnh địa lý, do sự tiếp cận với nhiều quốc gia trên thế giới, đã cho ta thấy một số điểm đặc biệt trong những làn sóng chuyển dịch của những nhóm dân trong quá khứ đã đến và rời khỏi Hòa Lan.
Bài này tóm tắt những làn sóng nhập cư vào Hòa Lan trong 500 năm vừa qua. Mức 500 năm được chọn là do thời điểm 1492, khi dân Moor bị đánh bật khỏi Âu châu, phải rút về Phi châu, và người Do Thái chạy trốn tứ phía. Sự xáo trộn tiếp tục khi những Tôn giáo Pháp Ðình ở một số quốc gia như Bồ Ðào Nha và Pháp kết tội những người không theo Công giáo làm nhiều người phải bỏ nước lưu lạc lên những vùng đất phía Bắc, họ đã tìm đến những thành phố của nước Hòa Lan cổ để sinh sống. Amsterdam, trong nhiều thế kỷ đã là thành phố có nhiều thay đổi nhất về thành phần cư dân. Mặc dù ở thế kỷ 16 Amsterdam không phải là thành phố lớn nhất hay thành phố có sinh hoạt mậu dịch sầm uất nhất trong vùng (Kampen có thời được coi là thành phố mậu dịch quan trọng nhất của Hòa Lan), nhưng tầm quan trọng của Amsterdam dần được nâng cao. Những tài liệu nghiên cứu vì thế thường chú trọng đến Amsterdam, điều đó cũng không thể tránh hết trong bài viết này.
***
Những làn sóng nhập cư trong suốt chiều dài 5 thế kỷ ở Hòa Lan tưởng chừng phức tạp, nhưng chúng có thể được phân loại theo lý do vì sao họ chọn Hòa Lan làm nơi sinh sống. Chúng ta có thể kể những nhóm sau đây:
– Nhập cư vì lý do tôn giáo.
– Nhập cư do sự giải tán thuộc địa
– Nhập cư vì lý do chiến tranh.
– Nhập cư vì lý do nghề nghiệp.
I. Nhập cư vì lý do tôn giáo:
1.- Các hệ phái Tin Lành:
Công đồng Trente (gồm các buổi nhóm họp trong khoảng thời gian 1545 – 1562), trên danh nghĩa là bàn về việc cải tổ Thiên Chúa giáo cùng phê phán những sai phạm và lạm dụng trong những giáo xứ, nhưng đã gây nên sự nghi ngờ trong hàng ngũ tín đồ các hệ phái Tin Lành, là có dụng ý bắt họ phải tin theo Công giáo (Catholic). Những thương nhân, tầng lớp trí thức và thợ thuyền cảm thấy an ninh bị đe dọa, đã chạy lên những vùng đất phương bắc. Chiến dịch phong tỏa sông Schelde (1584) của quân Tây Ban Nha trong cuộc chiến 80 năm (1568 – 1648) dẫn đến sự thất thủ thành Antwerpen (1585) đã gây nên làn sóng trốn chạy của 150.000 cư dân ở đây (tính đến năm 1630). Antwerpen mất đi một nửa dân số trong thời gian này, cùng lúc đó dân số Amsterdam tăng từ 30.000 (năm 1578) lên tới 108.000 người trong năm 1622.
2.- Người Do Thái:
Do những hành động bài xích người Do Thái vào cuối thế kỷ 16, đã có hàng trăm người Do Thái từ Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha đến Hòa Lan tị nạn. Họ được gọi là dân Sefardim.
Khoảng năm 1635 lại có một đợt tị nạn người Do Thái nữa đến Hòa Lan, do những vụ ruồng bố dân Do Thái ở Ba Lan. Những người này được gọi là Asjkenazim. Họ tương đối giàu có hơn dân Sefardim nhiều, đa số kiếm ăn bằng nghề bán dạo. Năm 1674 ở Amsterdam có khoảng 2500 người Do Thái Sefardim và 5000 người Asjkenazim.
Trước thế kỷ 18, ở Hòa Lan muốn hành nghề, người thợ phải gia nhập vào những phường (gilde) của nghề đó. Có tất cả 63 phường, như phường thợ bạc, phường thợ nướng bánh mì, phường thợ nề, phường lò rèn, phường dệt…, cả đến những phường như phường thầy thuốc/cô đỡ hay phường nghệ nhân. Dân Do Thái không được gia nhập những phường này, mà cũng không được phép lập phường riêng cho họ. Họ đành phải tìm những công việc ‘ngoài lề’, nhưng nhờ vậy họ đã có nhiều sáng tạo, như mua vải cũ về may thành giẻ lau, hay mua đi bán lại quần áo cũ được thải ra khi nhà có người chết, hay từ những tiệm cầm đồ. Nhờ chịu khó xoay sở và óc sáng tạo, nhiều người đã tích tiểu thành đại, từ bán dạo, lên tới bán xe đạp, rồi bán xe ngựa, để cuối cùng lập nên nhà máy, hoặc giàu lên từ nghề lượm đồ phế thải.
Người Hòa Lan thời đó đã có cụm từ “de hak, de pak en de zak”(dao phay, kiện hàng và cái bao) để chỉ ba thứ đồ nghề đi liền với dân Do Thái: dao mổ thịt, bành quần áo và túi đựng đồ linh tinh.
Trước khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, người Do Thái lại chịu một trận ruồng bố nữa. Trong đêm 10 qua 11/11/1938 , biến cố (Reich)Kristallnacht xảy ra. Ðó là một trận tàn sát người Do Thái trên khắp nước Ðức bởi lực lượng NSDAP (Ðảng Công Nhân Ðức Quốc Xã) và đội quân đàn áp ‘Áo Nâu’ SA với mục đích loại người Do Thái khỏi những sinh hoạt kinh tế, văn hóa, xã hội. Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Goebbels đứng sau quyết định này. 267 giáo đường Do Thái (synagoge) và 7500 cửa tiệm bị đập phá (tên Kristallnacht bắt nguồn từ sự đập phá tàn bạo các cửa tiệm, khiến cửa kiếng bể vụn rơi trên đường chiếu lóng lánh như đá quý). Người Do Thái bị lùa ra đường và hành hạ như súc vật, 26.000 người bị bắt giữ. Sau vụ này, 50.000 người Do Thái gốc Ðức đã chạy đến biên giới Hòa Lan xin tị nạn, nhưng vì không muốn gây căng thẳng với Hitler, chính phủ Hòa Lan chỉ chấp thuận cho 7000 người được vào. Vụ việc này sau đó đã bị dư luận qui trách là một trong những lý do làm hàng chục ngàn người Do Thái đành phải vào lò hơi ngạt.
3.- Người Hugenoten (cuối thế kỷ 17):
Người Hugenoten vốn là cư dân Pháp theo hệ phái Tin Lành Calvin. Những xung đột với Công giáo đã làm bùng nổ chiến tranh tôn giáo đẫm máu từ 1562 tới 1598, nhiều người Hugenoten đã bị thảm sát. Cuộc chiến chỉ tạm yên sau năm 1598, khi vua Henri IV – vốn là người Hugenoten đã cải đạo thành Công giáo – ban bố sắc luật Nantes cho tự do tín ngưỡng. Nhưng tình thế không được cải thiện bao nhiêu. Người Hugenoten cảm thấy sự an toàn bị đe dọa, chạy trốn hàng loạt. Tới năm 1685 vua Louis XIV hủy bỏ sắc luật Nantes, người Hugenoten ở Pháp chính thức trở thành những kẻ ngoài lề. Tiếp đó nhà vua cho áp dụng biện pháp mạnh: hoặc cải đạo thành Công giáo, hoặc bị xử tử, đồng thời nhà vua ra lệnh cấm dân Hugenoten bỏ nước. Trước cảnh này, người Hugenoten chạy tán loạn, sang Phi châu, Mỹ châu và sang những quốc gia Âu châu như Phổ (tiền thân của nước Ðức), Anh và nhất là Hòa Lan. Khoảng 12.000 người Hugenoten đã đến Amsterdam định cư, nâng số dân gốc Pháp ở đây lên đến một phần tư số cư dân vào năm 1700. Nhiều người Hugenoten mở quán và làm trong nghề sách, do bởi phường in sách không cấm người ngoại quốc nhập phường. Trong 230 nhà xuất bản ở Amsterdam vào thời kỳ 1680 – 1730, có đến 80 nhà có chủ là người Hugenoten. Những nhà thờ của họ hiện nay còn mang tên ‘Refuge’ (người tị nạn).
II.- Những người nhập cư từ những cựu thuộc địa
1.- Người Hòa Lan gốc Inđô:
Nhóm người nhập cư vào Hòa Lan lớn nhất sau thế chiến II là những người hồi hương từ vùng thuộc địa (Ðông) Ấn của Hòa Lan (Nederlands-Indië), gồm một số quần đảo trong vùng Nam Á, mà một số đã hợp thành quốc gia Nam Dương (Indonesia) hiện nay. Họ bỏ nước về lại ‘mẫu quốc’ sau khi Hòa Lan bắt buộc phải công nhận sự độc lập của Cộng Hòa Nam Dương năm 1949. Công dân Hòa Lan và khoảng 3000 người Trung Hoa bị buộc rời khỏi nước. Những dân lai giữa người bản xứ với người Hòa Lan cũng bị buộc rời khỏi nước nếu họ không chịu trở thành công dân Nam Dương. Khởi thủy có 31.000 người chọn con đường ở lại, nhưng sau đó 25.000 người trong số này lại ‘hối hận’ và được phép rời Nam Dương để đến Hòa Lan, nâng tổng số người nhập cư có gốc từ những đảo thuộc địa này lên đến hơn 300.000 người, trong số đó có 255.000 người Hòa Lan lai Inđô.
2.- Người Molukken (Maluku, Malacca):
Do sự công nhận độc lập của một số thuộc địa, nhiều người Molukken và Suriname đã đến Hòa Lan.
Hoàn cảnh của người Molukken khá phức tạp. Những dân Ambon (như họ tự gọi mình) khi đó nằm trong đạo quân Hoàng gia Hòa-Ấn (KNIL). Khi Cộng Hòa Nam Dương được độc lập năm 1949, họ có thể chọn gia nhập quân đội Nam Dương, nhưng 3578 người khước từ chuyện này.
Họ muốn trở lại quần đảo Malacca để thành lập quốc gia tự trị, nhưng không tìm được hậu thuẫn của quốc tế cũng như của Hòa Lan. Năm 1951 họ cùng gia đình đến Hòa Lan – tổng cộng 12.000 người, với lời hứa ‘cho cư ngụ tạm’ chờ tới khi quốc gia Maluku thành lập. Nhưng chuyện đó không bao giờ đến, và hiện nay, số người này – khi đó được phân phối đến ở tập trung tại một số địa phương, trong số này có hai trại tập trung người Do Thái cũ ở Westerbork và Vught – đã lên đến con số khoảng 40.000.
Người Molukken ở Hòa Lan không gây được thiện cảm với dân bản xứ. Họ luôn uất ức do chuyện lập quốc gia tự trị Maluku không thành hình, họ đổ trách nhiệm cho chính phủ Hòa Lan. Thế hệ thứ hai của người Molukken trong thập niên (19)70 đã có nhiều phản ứng chống đối đòi hỏi phải giải quyết vấn đề Maluku, mang tính bạo động như chận xe lửa bắt con tin ở De Punt (Assen) và ở Wijster, chiếm tư gia của đại sứ Nam Dương ở Wassenaar, bắt con tin tại tòa hành chính tỉnh Assen và trong trường tiểu học ở Bovensmilde. Cuộc xung đột có võ trang giữa hai cộng đồng Molukken và Maroc ở Culemborg trong tháng đầu năm 2010 đến mức chính quyền địa phương phải ban bố tình trạng khẩn cấp và gửi cảnh sát võ trang tới giữ trật tự nhiều ngày cũng là một vết nhơ trong lịch sử nhập cư của dân Molukken ở Hòa Lan.
3.- Người Suriname:
Trong những năm trước khi Suriname được độc lập (25/11/1975) đã có khoảng 80.000 người Suriname cư ngụ ở Hòa Lan. Phần đông trong số này là nhóm dân theo Ấn Ðộ giáo và người Java, vì họ sợ rằng sau khi Suriname được độc lập sẽ xảy ra xung đột giữa những nhóm dân này và thổ dân Créole. Sau khi Suriname độc lập, một nửa nước đã di dân đến Hòa Lan trốn lánh hay mong tìm một tương lai sáng lạn hơn. Ðặc biệt là hiện nay số hôn nhân giữa người Suriname và người bản xứ nhiều hơn số hôn nhân đồng chủng trong cộng đồng Suriname.
4.- Người Antilles:
Một luồng di dân mới trong thập niên (19)90 là người sống trên quần đảo Antilles thuộc Hòa Lan (ở Biển Caraïbe, Trung Mỹ). Trước đó đã có những người Antilles đến Hòa Lan, thường là do nhu cầu học lên những bực cao hay học những ngành đặc biệt ở Hòa Lan. Ðó là con cái những danh gia vọng tộc ở Antilles, họ nói thông thạo tiếng Hòa Lan. Từ giữa thập niên 90 bắt đầu có nhiều người Antilles đến Hòa Lan tìm đường thoát cảnh nghèo đói thất nghiệp, phần lớn họ đến từ Curaçao (70% dân Antilles sống dưới mức nghèo). Hiện tại có khoảng 13.000 người Antilles ở Hòa Lan.
III.- Những người nhập cư do chiến tranh:
Ngoài những người nhập cư Hòa Lan vì lý do tôn giáo như đã nêu ở phần I, ta có thể lập riêng một nhóm dân nhập cư, gồm những người nhập cư vì hậu quả chiến tranh, theo nghĩa phổ quát nhất.
1.- Người tị nạn chiến tranh từ Bỉ trong thế chiến I (1914):
Dòng người tị nạn lớn nhất Hòa Lan phải gánh chịu là vào thế chiến I, khi cuộc chiến ở Bỉ bùng nổ, và nhất là sau khi thành phố Antwerpen bị quân Ðức bắn phá. Gần 1 triệu người Bỉ đã phải chạy sang quốc gia lân bang còn giữ được sự trung lập là Hòa Lan. Phần lớn những người tị nạn này đến Roosendaal bằng xe lửa và từ đó họ được phân tán đi các trại tiếp cư khắp Hòa Lan. Một Ủy hội được lập ra để lo chuyện an cư cho những người này (Ủy hội Giúp đỡ Nạn nhân Bỉ quốc và Những nạn nhân khác – Comité tot Steun aan de Belgische en andere Slachtoffers). Nhiều chiến dịch quyên góp được phát động, người tị nạn có điều kiện vật chất tương đối thì được xếp cho ở trong những khách sạn hay trú ngụ trong gia đình những người Hòa Lan hảo tâm. Những người nghèo khổ thì phải ở trong lều dựng tạm. Chủ nhân những xí nghiệp thích tuyển dụng số người Bỉ tị nạn này vì họ có một nền học vấn cao. 32 địa phương trên toàn Hòa Lan đã thành lập những xưởng may để thu nhận khoảng 5000 phụ nữ Bỉ. Những xung đột giữa dân Bỉ và Hòa Lan gần như không có, ngoài những chuyện chế riễu lặt vặt không thể tránh được giữa hai nước láng giềng với nhau, như người Hòa Lan gắn người Bỉ với khoai tây chiên, hay người Bỉ chê dân Hòa Lan quê mùa.
2.- Tị nạn chính trị:
a.- Người tị nạn chính trị gốc Ðức và Do Thái trong thế chiến II:
Trong khoảng thời gian 1933 – 1940 hàng chục ngàn người từ Ðức đã trốn chạy khỏi quốc gia đang cổ võ chủ nghĩa cực đoan này. Ngoài những người Do Thái còn có nhiều người tị nạn chính trị khi họ không có cùng chánh kiến, còn có nhiều nghệ sĩ không cảm thấy có tự do sáng tác trên đất nước của mình. Họ tự nhận là ‘kẻ lưu đầy’. Nhưng số phận của họ không may mắn. Hòa Lan không muốn làm mất lòng chính phủ Hitler, và vì cuộc khủng hoảng kinh tế đã bắt buộc Hòa Lan có biện pháp ngăn trở những người tị nạn đến từ Ðức, nhất là những người có khuynh hướng tả phái, như nhóm cabaret nổi tiếng ‘Die Pfeffermühle’ chuyên diễn nhạc kịch mang màu sắc chính trị, để cuối cùng họ phải rời Hòa Lan để đi Hoa Kỳ
b.- Tị nạn do cuộc chiến tranh lạnh:
– Người Hung:
Tháng 11/1956 Hồng quân Liên Xô đã đè bẹp một cách dã man cuộc nổi dậy của dân Hung, dấy lên từ 24/10 chống lại sự thống trị của chế độ Xô Viết. Khoảng 200.000 người Hung đã chạy trốn khỏi quốc gia của họ và phần lớn sang nước lân bang là Áo.
Hòa Lan khi đó lên án dữ dội sự can thiệp của Liên Xô, đã tuyên bố tiếp nhận 3000 người Hung. Ðiều ngạc nhiên là họ hội nhập rất nhanh. Một trong những người Hung ở Hòa Lan đạt được vị trí cao trong cấp chính quyền là Dzsingisz Gabor, năm 1983 là thị trưởng Haaksbergen và năm 1990 là Thứ trưởng Canh nông, Quản lý Thiên nhiên và Ðánh bắt cá trong nội các Lubbers thứ III.
– Người Tiệp:
Người tị nạn Tiệp (khi đó còn là quốc gia Tiệp Khắc) đầu tiên đến Hòa Lan là năm 1948 sau cuộc nổi dậy của trường đại học chống lại cộng sản. Trong số này, một nhân vật được nhiều người biết là Zdenek Dittrich, cha của chính trị gia Boris Dittrich thuộc đảng D’66. Ðợt tị nạn thứ hai là sau cuộc biến động mùa Xuân Praha tháng 8/1968 (150.000 binh sĩ Hồng quân Liên Xô và của một số chư hầu tiến vào thủ đô Praha, đè bẹp những cuộc biểu tình phản đối của dân chúng ở đây). Trong đợt tị nạn này có cha của tay vợt tennis nổi tiếng Richard Krajicek, đang trên đường đến Thụy Ðiển, nhưng khi nghỉ chân ở Hòa Lan đã chọn nơi này làm quê hương thứ hai.
– Người châu Mỹ La-tinh:
Thế hệ châu Mỹ La-tinh thứ nhất gồm vài ngàn người, đến định cư ở Hòa Lan đầu thập niên (19)70 và 80. Họ là dân tị nạn từ Chile, Argentina và Uruguay. Phần lớn trong số này là những người có học vấn cao, do đó họ dễ dàng tìm ra con đường phát triển cá nhân ở Hòa Lan. Nhiều người trở thành doanh gia và thành công trong vị trí lãnh đạo những trung tâm dạy/dịch ngôn ngữ, hay trong ngành khách sạn, ăn uống. Họ đã mở ra Học viện Tango ở Amsterdam chuyên dạy Tango.
– Người Việt Nam:
Làn sóng thuyền nhân Việt Nam bắt đầu từ tháng 5/1975, lên cao điểm trong những năm cuối cùng của thập niên ‘70 và đầu thập niên ’80, khi chính quyền Việt Nam áp dụng chính sách đối xử phân biệt với những người dân Việt Nam Cộng Hòa cũ (Nam Việt Nam). Ðồng thời, trong thời gian này, phần lớn những sĩ quan quân lực VNCH bị tập trung học cải tạo đã được thả, và họ rơi ngay vào hoàn cảnh vô vọng. Những ngưỏi ra đi hy vọng họ sẽ tới được Hoa Kỳ hay một quốc gia tự do mà họ đã từng biết qua sách vở. Nhưng hàng chục ngàn người trong số hàng trăm ngàn người liều chết ra đi bằng tàu đánh cá đã không đến được bờ. Một số lớn nữa tìm đường tị nạn bằng cách vượt biên giới sang những nước lân cận. Trước thảm trạng này, Liên Hiệp Quốc đã thỏa thuận với những quốc gia có tầu đang hải hành ở vùng Ðông Nam Á để họ chấp nhận chở thuyền nhân đến những trại tiếp cư, và nếu có thể, tiếp sức nhận những người này định cư. Hòa Lan đã nhận khoảng 10.000 người Việt Nam, cả thuyền nhân lẫn những người vượt biên bằng đường bộ. Sau khi khối cộng sản tan rã, vài trăm người đang làm việc ở vài nước thuộc khối Ðông Âu (Ðông Ðức, Tiệp) đã qua con đường trung gian từ Ðức để đến Hòa Lan xin tị nạn chính trị. Ở Hòa Lan người Việt tị nạn thành công trong nghề may gia công, làm móng tay, và mở những quán lưu động hay tiệm ăn nhanh (snack) bán chả giò và một số món chiên xào Á châu. Ngoài từ boatpeople (bootvluchteling) được ghi vào tự điển, chả giò Việt Nam (Vietnamese loempia’s) đã trở thành một món phổ thông trong những tiệc tiếp tân ở Hòa Lan.
– Người tị nạn thời toàn cầu hóa:
Khi sự di chuyển và thông tin giữa các quốc gia trở thành phổ quát, một vấn nạn mới nảy sinh. Có những người tị nạn đến từ những quốc gia xa xôi qua ngã máy bay hay qua những chặng đường dài hàng ngàn cây số với lý do tị nạn chính trị (như người Ghana vượt sa mạc đến Maroc để từ đó tìm cách sang Âu châu xin tị nạn, con đường kéo dài vài năm là chuyện bình thường). Lý do này trên thực tế đã bị mọi người trong cuộc chơi bóp méo theo quan điểm của mình, tùy theo thời cuộc, hoàn cảnh kinh tế, mối tương quan giữa các quốc gia. Ranh giới giữa tị nạn chính trị và tị nạn kinh tế nhiều khi mờ nhạt, nhất là khi người tị nạn ‘chính trị’ bỏ mất ý tưởng trở về lại quê hương khi ‘không khí chính trị ở đó cho phép’.
Sự giằng co giữa ‘tị nạn chính trị’ và ‘tị nạn kinh tế’, thêm vào đó là nạn nhân của ‘chiến tranh diệt chủng’ làm chúng ta phải gom những người này vào một nhóm: đó là những người đến từ những quốc gia đang xảy ra ‘chiến tranh nhân dân’: Afghanistan, Angola, Ethiopie, Ghana, Irak, Iran, (Cựu) Nam Tư, Somalia, Sri Lanka, Cherchenia, Congo…
Vấn đề nhiều khi đã được (cố tình) đem ra thử thách trước dư luận, khi truyền thông trong thời đại này là một trong những vũ khí lợi hại nhất. Vấn đề người Tamils là một thí dụ điển hình: ở Hòa Lan có khoảng 3500 người Tamils, đến tị nạn trong năm 1984 – 1985, nhiều người qua những đường dây đưa người nhập cư lậu. Cuộc thanh lọc đã làm người Tamils bất mãn, họ tổ chức, biểu tình tuyệt thực, phá phách, đốt trung tâm tiếp cư… Những xung đột này xảy ra ở một thời điểm không thuận lợi, dư luận bị báo chí lôi kéo, đã làm người Hòa Lan nhìn người tị nạn bằng con mắt thiếu thiện cảm.
IV.- Những người nhập cư vì lý do tìm việc làm hay kinh tế:
1.- Ðợt nhập cư thứ nhất – Người Ðức và dân vùng Bắc Âu (Scandinavie) trong thế kỷ 17:
Thế kỷ 17 là thế kỷ vàng son của nước Hòa Lan. Hòa Lan lúc đó là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất Âu châu. Do kinh tế phát triển, hàng ngàn người đã nhập cư vào Hòa Lan. 4 thành phố lớn ở vùng đô thị phía tây Hòa Lan (Randstad, gồm Amsterdam, Den Haag, Rotterdam và Utrecht tính chung các vùng phụ cận) được đô thị hóa, hấp dẫn nhiều nhân công. Trong 2 thế kỷ 17 và 18, người ta ước lượng có chừng 1,4 triệu dân ngoại quốc đến nhập cư vĩnh viễn ở Hòa Lan. Như ở Amsterdam, vào năm 1650, khoảng một nửa cư dân là người có sinh quán ở ngoài Hòa Lan.
Ngoài số nhập cư vĩnh viễn này, còn có nhiều người nhập cư tạm. Khi đó, mỗi năm có chừng 30.000 dân Ðức đến Hòa Lan lao động theo mùa, với những nghề như cắt cỏ hay theo tàu săn cá voi (thuở đó những người săn cá voi thường được coi là anh hùng, gan dạ, nhất là những người đi xuống tận Nam cực săn cá). Nhiều thanh niên thiếu nữ đến những thành phố Hòa Lan làm nghề giúp việc nhà, thủy thủ hay lao công. Khi đã để dành đủ tiền, họ quay trở về nguyên quán để lập gia đình hay dùng vốn đã kiếm được để làm ăn tiếp nơi bản xứ.
Nhóm người nhập cư lớn nhất trong đợt này có nguồn gốc từ những vùng giáp biển Bắc và biển Ðông (như Na Uy, Thụy Ðiển, Ðan Mạch, Bắc Ðức, Ba Lan), và nhất là người Ðức ở dọc biên giới Hòa Lan. Những ‘thợ khách’ (gastarbeider) này có lúc lên tới hàng trăm ngàn người (thế kỷ 17), chưa kể những người tị nạn vì lý do chính trị hay tôn giáo. Vào cuối thế kỷ 19, 60% người có sinh quán ngoài Hòa Lan là người Ðức.
Người Ðức đã du nhập vào Hòa Lan cây thông Giáng Sinh, rượu bia chế bằng phương thức của họ, thể dục dụng cụ (turnen) v.v... Họ cũng tạo cho người Hòa Lan thói quen ‘dạo phố mua sắm’, sau khi Anton Sinkel, một người Ðức nhập cư, mở cửa tiệm bách hóa De Winkel van Sinkel, và tiếp sau đó là những cửa hàng thời trang lộng lẫy mọc lên ở thành phố Utrecht. Những tên hiệu nổi tiếng còn truyền cho đến ngày nay là Peek&Cloppenburg, Kreymborg, Hunkemöller, C&A, Dreesman (nay là V&D)... Ðặc điểm của những cửa tiệm này là đèn đuốc rực rỡ để câu khách.
2.- Ðợt nhập cư thứ hai: Thế kỷ 19 và 20:
Năm 1815 đánh dấu thời kỳ lập quốc của nước Hòa Lan như hiện nay. Từ thời điểm này cho đến quá nửa thế kỷ 19, lượng dân nhập cư vào Hòa Lan giảm sút. Số người ngoại quốc cũng giảm. Cuối thế kỷ 18 có 6% người ngoại quốc ở Hòa Lan, đến năm 1870 số này giảm chỉ còn 2%.
Trong hai thập niên cuối cùng của thế kỷ 19 Hòa Lan bước vào giai đoạn Cách mạng Kỹ nghệ. Các xưởng máy mọc lên tại các thành phố, nhu cầu thợ thuyền gia tăng mãnh liệt. Ðường xá và kênh đào được tạo dựng, những khu dân cư mới được thiết lập. Nhu cầu lao động đã dấy lên làn sóng chuyển dịch dân cư từ quê ra tỉnh. Ngoài số này ra, cũng phải kể thêm những người Do Thái đến từ Ðông Âu, lên tới con số 140.000 trước khi xảy ra thế chiến II. Cạnh đó, có những nhóm di dân đặc biệt: Người Tàu và người Ý.
a.- Người Tàu:
Cuối thế kỷ 19 đã có nhiều người từ Trung Hoa đi theo tàu của người Âu đến Âu châu làm phu khuân vác bến tàu với đồng lương rẻ mạt. Trong năm 1911 cuộc đình công của công nhân bến cảng Rotterdam và Amsterdam một phần thất bại cũng bởi người Tàu chịu làm thế chỗ của họ. Người ta bắt đầu nói đến ‘họa da vàng’.
Khi cuộc khủng hoảng kinh tế trong thập niên (19)30 làm giảm số công ăn việc làm ở bến cảng, nhiều người Tàu đã chuyển sang bán đậu phộng rang và bánh đậu phộng, hoặc buôn bán tơ sợi.
Cũng từ nhóm này và từ những người Tàu đến từ Hongkong sau 1945 đã có nhiều người làm nên sự nghiệp qua cách mở nhà hàng và những dịch vụ dành cho người Trung Hoa. Trong xã hội Hòa Lan, người Tàu đặc biệt rất im lặng nhưng đồng thời cũng không hội nhập, họ tự giải quyết khó khăn trong nội bộ.
b.- Người Ý:
Người Ý nhập cư Hòa Lan nhỏ giọt nhưng đều đặn. Từ đầu thế kỷ 18, những tay thợ khéo đã đến Hòa Lan lập nghiệp. Thường họ làm những nghề như thông ống khói, sau đó có nhiều người Ý làm thợ hồ, nhiều người khéo tay mở xưởng chế tạo dụng cụ.
Trong những năm đầu thế kỷ 20, nhiều thợ lát đá người Ý đã đến Hòa Lan hành nghề lát đá hoa, vào thời đó vốn là một nghệ thuật thời thượng ở Hòa Lan. Năm 1920 bắt đầu xuất hiện những tiệm kem Ý. Nhóm người Ý cuối cùng đến Hòa Lan là vào khoảng thập niên (19)60, trong dạng thợ khách. Một số đã trở về nước, số còn ở lại phần lớn làm trong tiệm pizza hay hoạt động trong ngành khách sạn và ăn uống.
c.- Thợ mỏ từ Ðức và Trung Âu:
Ðầu thế kỷ 20 đã có những người thợ từ Ba Lan, Ðức và Slovenia đến Hòa Lan làm trong những hầm mỏ. Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế thập niên 30 đã không cho họ có thể tiếp tục sinh sống ở Hòa Lan nữa.
d.- Những cô giúp việc người Ðức:
Trong những năm ‘20 và ’30 của thế kỷ trước, hàng chục ngàn thiếu nữ Ðức độc thân đã đến Hòa Lan để làm người giúp việc nhà. Trong số này nhiều ngàn người đã đến Rotterdam. Ða số họ ở vài năm, sau khi kiếm đủ tiền thì trở về, một số người còn lại cũng bị gọi về Ðức trong những năm khủng hoảng kinh tế và trước khi thế chiến II bùng nổ, do hoàn cảnh chính trị. Chỉ có một số ít lập gia đình và định cư vĩnh viễn ở Hòa Lan.
Có nhiều lý do giải thích vì sao họ lại chọn Hòa Lan:
– Tình hình tồi tệ tại Ðức sau thế chiến I: lạm phát, tăng giá, nạn nhân chiến cuộc, bất ổn chính trị v.v...
– Thanh niên Ðức bị nhập ngũ trong thế chiến I, khi hết chiến tranh họ được giải ngũ, trở về xí nghiệp cũ, lấy mất đi công việc của phụ nữ.
– Số nam giới ở Ðức giảm sút vì lý do chiến tranh đưa đến sự mất cân bằng nam nữ, giá trị của người phụ nữ ở Ðức vì thế bị giảm.
– Một số vì hiếu kỳ, tìm môi trường làm việc lạ, hay muốn dấn thân vào một con đường mới hoàn toàn.
Trong những nước lân bang, chỉ có Hòa Lan có môi trường sinh hoạt ổn định, đó là lý do tại sao phụ nữ Ðức lại chọn Hòa Lan, chưa kể sự tương cận về ngôn ngữ. Ðợt di dân thứ nhất diễn ra trong khoảng thời gian 1920 – 1923, sau đó giảm xuống khi kinh tế Ðức bắt đầu hồi phục, để rồi lại gia tăng qua cuộc khủng hoảng tài chính Wall Street năm 1929, kéo dài cho tới 1932.
Dĩ nhiên cung chỉ có khi nhu cầu phát sinh. Ở những thành phố lớn tại Hòa Lan, sau thế chiến I kỹ nghệ phát triển, sinh hoạt phồn thịnh. Người Hòa Lan vì vậy làm việc đầu tắt mặt tối ở xí nghiệp hay ở cửa tiệm, từ nay việc nhà có thể giao cho những thiếu nữ Ðức chịu làm với tiền công thấp. Nhất là những thương nhân, việc nuôi vài cô hầu trong nhà là chuyện thường tình. Một phần tiền lương cũng có thể tính vào tiền ăn ở.
Trong hoàn cảnh cộng sinh như thế, dịch vụ tìm và cung cấp người giúp việc nhà nở rộ, Nhiều văn phòng trung gian tìm việc mọc lên, đất sống của những người giúp việc là Rotterdam.Trước đó, từ 1750, Rotterdam đã là nơi dung nhận nhiều người nhập cư từ Ðức, đó cũng là lý do vì sao thiếu nữ Ðức trong thế kỷ 20 đã chọn nơi này để tạm dung, và đó cũng là lý do vì sao người Hòa Lan nghi ngại các thiếu nữ này, là họ có thể sa vào con đường mãi dâm, cũng bởi vì từ cuối thế kỷ 19, nhiều phụ nữ Ðức đã hành nghề này trong cộng đồng người Ðức ở Hòa Lan.
3.- Ðợt nhập cư lần thứ 3 (từ 1960) – Thợ khách:
Sau thế chiến II kinh tế Hòa Lan phát triển mạnh, song song với nhịp độ tái thiết quốc gia. Tuy nhiên trong thời gian đầu, lượng người thất nghiệp còn tăng do chưa có đủ việc làm cung ứng. Chính phủ vi thế đã có chính sách khuyến khích dân Hòa Lan di cư sang một số quốc gia để gây dựng cuộc sống nơi đó. Hơn nửa triệu người Hòa Lan đã đến định cư ở Canada, Úc và Tân Tây Lan. Nhưng kể từ cuối thập niên (19)60 tình hình xoay chuyển hẳn. Kinh tế phát triển nhanh chóng đã tạo một lỗ hổng lớn trong thị trường lao động chân tay. Nhiều hãng xưởng đã phải tìm cách tuyển mộ công nhân từ những nước quanh Ðịa Trung Hải: Nam Tư, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Ý, sau đó họ chuyển hướng sang Thổ Nhĩ Kỳ và Maroc.
Gần như toàn bộ những thợ khách đến Hòa Lan làm việc là dân độc thân. Chủ nhân cho họ ở trong những doanh trại hay nhà nghỉ được sửa chữa lại cho mục đích này. Vì thế có những khu mang nét đặc thù như hơn 250 công nhân do hãng Philips tuyển mộ từ Tây Ban Nha được cho ở chung trong doanh trại mang tên El Pinar (Cây Thông) trong làng Maarheeze ở gần Eindhoven, thành phố có trụ sở chính của Philips.
Chính phủ Hòa Lan thoạt đầu nghĩ là những thợ khách trong đợt này cũng giống như những đợt trước (tức là họ cật lực kiếm tiền và khi đã đủ, họ trở về cố quốc) cho nên đã có chính sách khuyến khích, như cho họ quyền định cư vĩnh viễn ở Hòa Lan hay cho phép họ, sau hai năm làm việc, đón thân nhân sang ở chung. Những người Thổ và Maroc đã lợi dụng ráo riết chế độ ưu đãi này, đưa đến lạm dụng, như trong chuyện xin tiền trợ cấp nuôi dưỡng con còn ở nước họ, hay xin tiền trợ cấp thất nghiệp. Năm 1973, do khủng hoảng dầu lửa, việc tuyển mộ nhân công theo kiểu này đã ngưng, và thực sự chấm dứt hai năm sau đó. Chỉ còn nhân công của những nước trong Liên hiệp Âu châu là còn được phép hành nghề tự do ở Hòa Lan.
Vì văn hóa, tôn giáo khác biệt với người Hòa Lan, người Thổ và Maroc ở Hòa Lan thường quần cư với nhau (như khu Schilderswijk ở Den Haag với hơn 30.000 cư dân có đăng ký trong đó hơn 90% là người Thổ Nhĩ Kỳ, Maroc và Suriname; khu Lombok ở Utrecht với gần 100% cư dân là người Thổ). Tương đối có ít người hội nhập vào xã hội Hòa Lan. Thị trưởng Rotterdam hiện nay (2010) là ông Ahmed Aboutaleb, người gốc Maroc. Người Thổ Nhĩ Kỳ, qua ngã Ðức, đã du nhập vào Hòa Lan thứ bánh mì kẹp thịt nướng Döner Kebab, hiện là món ăn dằn bụng phổ thông của giới trẻ, bên cạnh pizza.
4.- Ðợt nhập cư lần thứ 4 (cuối thế kỷ 20):
Bức tường Bá Linh bị phá vỡ năm 1989 là khởi đầu cho một làn sóng nhập cư khủng khiếp từ những quốc gia thuộc khối Ðông Âu. Năm 1990 đã có khoảng 300.000 người chạy từ các nước này sang những quốc gia của khối Liên Âu. Ở Hòa Lan vào năm 2002 có khoảng 14.400 người nhập cư có quốc tịch là một trong những quốc gia ở Trung và Ðông Âu (theo thống kê năm 2003 của Văn phòng Thống kê Trung Ương Hòa Lan – CBS). Do những phức tạp ở những vùng ranh giới các quốc gia nằm ở vòng đai phía đông Liên Âu, đã có một lượng đáng kể người nhập cư lậu, khó có thể ước lượng là bao nhiêu.Thống kê năm 2003 của CBS cho thấy ở Hòa Lan có chừng 29.000 dân nhập cư có quốc tịch là những nước thuộc Liên bang Xô Viết cũ.
Sau khi một số quốc gia được chấp thuận gia nhập khối Liên Âu (năm 2004: Ba Lan, Hung, Tiệp và Khắc – 2 nước này trước kia hợp chung là Tiệp Khắc; 2007: Rumania, Bulgaria...), có thêm nhiều người từ những nước này đến Hòa Lan sinh sống lập nghiệp một cách hợp pháp. Họ thường làm những công việc tay chân, trong ngành trồng trọt (nhà kiếng, lặt củ bông, xắn măng tây...), hay buôn bán liên quốc gia. Người Ba Lan đặc biệt hoạt dộng nhiều trong lãnh vực xây cất, sửa chữa nhà cửa ăn công giá rẻ, là một đe dọa cho thợ xây cất, sửa nhà người Hòa Lan. Một số người nhập cư gây các mạng lưới buôn bán cần sa quốc tế (do chính sách dễ dãi của Hòa Lan về ma túy) hay những băng đảng tội phạm, giết mướn. Gái từ Romania đang tiến dần đến vị trí độc quyền tại những khu đèn đỏ... là những hiện tượng xã hội đáng lưu ý.
Song song với làn sóng nhập cư này là làn sóng người đoàn tụ gia đình, cho dù chính phủ hiện nay có nhiều biện pháp gắt gao ngăn chặn, như thắt chặt thêm những điều kiện đoàn tụ gia đình do hôn nhân, người muốn nhập cư trước hết phải theo học khóa hướng dẫn hội nhập xã hội có qua kỳ thi. Trong khi đó, Hòa Lan lại đang báo động về nạn ‘chảy máu chất xám’ khi nhiều người có bằng cấp cao hay địa vị cao tìm tương lai ở những quốc gia khác có chế độ lương bổng hậu hĩnh hơn. Nhưng nhờ vậy dân số Hòa Lan đã đứng yên trước những biến động xã hội, chính trị trên toàn cầu gây ra những làn sóng di dân.
Minh Hạnh
____________
Tài liệu tham khảo:
– Meer dan 2000 jaar geschiedenis van de lage landen – Jaap ter Haar (1998)
– 1900-2000, gebeurtenissen – René de Bok (Eeuwserie AD – 1999)
– Vrij Encyclopedie van het conflict Israel-Palestina
– Heimat in Holland. Duitse dienstmeisjes 1920-1950 – Barbara Henkes (1995)
– Wikipedia
– Tài liệu từ Văn phòng Thống kê Trung ương CBS Hòa Lan
– Tài liệu từ Museum voor Immigratie en Diversiteit