Đoàn Viết Hoạt
Xây dựng xã hội dân sự ở Việt Nam
Tôi được biết tại San Jose các bạn đã liên tục tổ chức ngày hội Trung Thu đến
nay được 9 năm. Đây là một việc làm đáng khích lệ tại hải ngoại để những thế
hệ trẻ Việt Nam, dù là công dân Mỹ, không những vẫn có dịp tiếp cận với các
sinh hoạt văn hóa riêng của Việt Nam, mà còn có được một môi trường văn hóa
đa dạng phong phú trong đó văn hóa Việt hòa quyện vào văn hóa bản xứ Mỹ làm
nền cho một đời sống văn hóa ngày càng toàn cầu hơn, nhân loại hơn. Tôi tin
rằng các bạn trong ban tổ chức đã có một định hướng như thế nên trong năm thứ
9 này các bạn mới tạo điều kiện để chúng ta cùng nhau chia xẻ những suy nghĩ
về Việt Nam trong cả hai khía cạnh văn hóa tư tưởng và thực tế xã hội.
Trong tinh thần đó, hôm nay tôi muốn nói chuyện với quí vị và các bạn về một
đề tài vừa có tính tư tưởng vừa có tính thời sự. Đó là vấn đề xây dựng xã hội
dân sự ở Việt Nam. Đề tài này có tính thời sự vì như chúng ta đều biết, chế
độ chính trị ở nước ta hiện nay là chế độ cộng sản. Bằng kiến thức sơ đẳng nhất,
cũng như bằng kinh nghiệm thức tế của những nước đã sống dưới chế dộ cộng sản,
chúng ta đều thấy rằng chế độ cộng sản chưa bao giờ thành công trong việc xây
dựng một xã hội phát triển, có tự do dân chủ, và các quyền dân sự và chính trị
căn bản. Do đó việc xây dựng xã hội dân sự – trong đó mọi sinh hoạt xã hội,
từ kinh tế thương mại, tới văn hóa xã hội và chính trị đều do người dân thực
hiện – việc xây dựng một xã hội dân sự, hay còn gọi là xã hội công dân như thế,
đi ngược với những cố gắng của ban lãnh đạo cộng sản ở Việt Nam hiện nay muốn
duy trì và củng cố chế độ cộng sản. Xã hội dân sự càng định hình rõ nét và càng
vững chắc hơn thì chế dộ cộng sản càng suy yếu đi để cuối cùng sẽ bị tan vỡ
hoàn toàn mở đường cho chế độ dân chủ ra đời. Hơn thế nữa, xã hội dân sự được
hình thành và phát triển sẽ tạo môi trường và điều kiện triệt tiêu mọi mầm mống
của độc quyền và độc tài dưới bất cứ hình thức nào. Tất nhiên để tiến trình
này được thực hiện thành công và nhanh chóng chúng ta phải làm nhiều việc, bằng
một lộ trình nhiều giai đoạn và với những phương thức và sáng kiến đa dạng,
được hướng dẫn bởi một tầm nhìn xa dài và sâu rộng. Giới hạn thời gian và đề
tài của buổi nói chuyện hôm nay không cho phép ta đi sâu vào những vấn đề này.
Mong rằng chúng ta sẽ có một dịp khác để thảo luận về những vấn đề thời sự quan
trọng này. Riêng hôm nay, chúng ta sẽ chú ý nhiều hơn về mặt tư tưởng trong
khi thảo luận về xã hội dân sự và việc xây dựng xã hội dân sự ở Việt Nam, có
lưu ý tới tình hình thực tế ở trong nước cũng như ở hải ngoại, và trên thế giới.
Chúng ta sẽ trao đổi về xã hội dân sự nói chung và truyền thống và tư tưởng
Việt trong việc xây dựng xã hội dân sự nói riêng.
Xã hội dân sự là danh từ tiếng Việt dùng để dịch xát nghĩa danh từ tiếng Anh
là “civil society”. Một số nhà nghiên cứu dùng danh từ xã hội công dân. Tôi
cho rằng danh từ này diễn tả được thực chất cũng như nội dung của civil society
hơn. Trong xã hội công dân, công dân vừa là chủ thể, vừa là mục dích của xã
hội. Công dân là chủ thể vì chính công dân chứ không phải chính quyền tạo ra
và điều hành các tổ chức và các sinh hoạt xã hội, khác với xã hội cộng sản hay
các hình thức xã hội độc đoán tương tự trong đó mọi tổ chức và sinh hoạt xã
hội hoặc do chính quyền tạo ra, hoặc phải chịu sự lãnh đạo, điều khiển của chính
quyền. Trong xã hội công dân, luật pháp đóng vai trò then chốt. Nhưng trước
hết luật pháp phải có tính độc lập, vô tư và phải được mọi công dân tôn trọng.
Quan trọng hơn, luật pháp phải được người dân chấp thuận và nhằm bảo vệ đời
sống ổn định và các quyền căn bản của công dân chứ không nhằm bảo vệ chế độ
và người cầm quyền.
Xã hội công dân do đó mang hai tính chất căn bản: một là dân bản (của dân, do
dân và vì dân), và hai là trọng pháp. Chính quyền tất nhiên cũng do dân cử,
và vì dân mà làm việc. Nhưng chính quyền chỉ là một bộ phận, dù là bộ phận quan
trọng, trong đời sống toàn bộ của công dân, trong sinh hoạt toàn diện của xã
hội. Chính quyền bao gồm hai yếu tố chính trị (bao hàm cả hoạt động đảng phái
chính trị) và công quyền (bao hàm cả trung ương lẫn địa phương, cả hành pháp,
lập pháp và tư pháp). Ngoài chính trị và công quyền, còn các mặt sinh hoạt khác
có thể gộp lại trong hai lãnh vực lớn là kinh tế thương mại và văn hóa giáo
dục. Trong xã hội công dân, đa số các sinh hoạt trong hai lãnh vực này đều nằm
trong tay người dân, hay, theo cách nói của kinh tế thị trường, trong tay tư
nhân. Chính quyền thường chỉ trực tiếp đứng ra thực hiện những công việc nào
liên quan đến phúc lợi xã hội mà tư nhân không làm, hoặc làm nhưng không bảo
đảm được phúc lợi chung của người dân. Như giáo dục, y tế, bưu điện. Ngay cả
trong những lãnh vực này, ngày nay ở nhiều nước, tư nhân được khuyến khích tham
gia ngày càng nhiều hơn. Vai trò của công quyền ngày càng giảm đi, từ quản lý,
điều hành, sang tạo và điều phối các điều kiện để công dân thực hiện được các
quyền kinh tế, văn hóa và chính trị của mình. Người dân thực hiện các quyền
này thông qua các tổ chức do họ chủ động hình thành để cùng làm việc với nhau.
Vì sinh hoạt xã hội bao gồm cả ba lãnh vực kinh tế, văn hóa và chính trị, nên
các tổ chức của công dân cũng hết sức đa dạng, vừa phù hợp với sở thích, sở
trường của mỗi công dân, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển phong phú và toàn diện
của xã hội. Chính những sinh hoạt và tổ chức của công dân này (tức các tổ chức
phi chính phủ, NGO) làm nên sức sống sinh động, phong phú và không ngừng tiến
hóa của xã hội, của quốc gia. Do đó, nguyên tắc căn bản của xã hội công dân
là: xã hội và các sinh hoạt mọi mặt của xã hội do người dân tổ chức và thực
hiện nhằm phục vụ nhu cầu sống còn và tiến hóa của con người nói chung va người
dân nói riêng. Chính quyền chỉ đóng vai trò điều hợp và bảo đảm công bằng xã
hội và bình đảng cơ hội cho mọi công dân.
Xã hội được tổ chức như thế cũng là một mô hình xã hội thật sự dân chủ. Người
dân không phải chi bầu người đại diện để thay họ điều hành việc nước, mà còn
trực tiếp tham gia vào mọi sinh hoạt của xã hội. Quốc gia, xã hội tiến được
hay không là do ở người dân chứ không phải do ở các đảng phái chính trị hay
do chính quyền. Nền dân chủ trong xã hội công dân mang một nội dung mới: người
dân trực tiếp tham gia việc nước. Họ tham gia bằng bốn hình thức khác nhau:
(1) bằng chính việc làm kiếm sống thường ngày của họ; (2) bằng các hoạt động
xã hội mọi mặt qua các cơ sở và tổ chức tư nhân do họ lập ra (NGO); (3) bằng
cách thường xuyên bầy tỏ ý kiến qua các cuộc biểu tình, hoặc các cuộc trưng
cầu ý dân do chính quyền tổ chức, hoặc thăm dò ý dân do các cơ quan nghiên cứu
tư nhân thực hiện; và (4) bằng cách tuyển chọn những người thay họ điều hành
chính quyền. Ngày nay những nhà nghiên cứu gọi chế độ dân chủ được xây dựng
trên nền tảng và trong môi sinh của xã hội công dân nư thế là nền dân chủ tham
gia (participatory democracy) để phân biệt với nền dân chủ đại diện (representative
democracy). Xã hội công dân do đó tạo điều kiện và môi trường để nền dân chủ
chuyển từ hình thức sang có nội dung, có thực chất hơn.
Xã hội dân sự còn có một nội dung khác nữa. Đó là một xã hội mà mỗi con người
đơn lẻ đều có cơ hội và điều kiện để vừa phát huy tiềm năng riêng, vừa đóng
góp vào việc thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội, và của cả nhân loại. Đièu này đang
trở thành hiện thực vì mỗi con người đơn lẻ đều có ba tính chất và ba nhu cầu:
cá nhân, xã hội và nhân loại. Trong bối cảnh của thế giới toàn cầu hóa hôm nay,
ba tính chất và ba nhu cầu này không những không mâu thuẫn với nhau, mà còn
bổ sung và hỗ trợ nhau. Trước hết là tính chất cá nhân. Mỗi cá nhân mỗi khác,
không cá nhân nào giống cá nhân nào, kẻ cả anh em cùng cha cùng mẹ. Nhưng ngoài
tính chất cá nhân, mỗi người lại luôn sống chung với những người khác, nên trong
quá trình sống từ nhỏ tới lớn dần dần hình thành một tính chất thứ hai là tính
chất cộng đồng. Môi trường cộng đồng bao gồm từ gia đình tới làng xóm, tới quốc
gia xã hội. Trong môi trường xã hội này mỗi cá nhân đều cần có điều kiện và
cơ hội để trưởng thành lên, đồng thời bằng các hoạt động của mình đóng góp vào
sự tiến hóa chung của xã hội. Mỗi cá nhân phải làm những điều chỉnh thích đáng
để vừa có lợi cho mình, vừa có lợi chung cho cộng đồng nơi mình sinh sống và
làm việc. Sau cùng, mỗi cá nhân cũng là một con người, chia xẻ với các cá nhân
khác những tính chất chung của loài người khác biệt với thiên nhiên và với các
loài sinh vật khác. Và nếu mỗi cá nhân đều mang chung tính loài người, dù khác
biệt như thế nào, thì mỗi xã hội tất nhiên cũng có tính nhân loại, dù do các
điều kiện khác biệt về lịch sử, địa lý, nhân chủng, kinh tế và văn hóa, mỗi
xã hội mỗi khác. Khía cạnh nhân loại này của mỗi cá nhân cũng như mỗi xã hội
ngày càng nổi bật lên rõ nét hơn trong môt thế giới ngày càng giao lưu dễ dàng
và rộng mở hơn, trong bối cảnh của xu thế toàn cầu hóa.
Do đó, xã hội dân sự, vừa mang tính dân bản, vì đặt trọng tâm vào công dân chứ
không vào chính quyền, ngày nay cũng mang tính nhân bản. Người dân vừa là dân
vừa là người. Là dân vì cùng sống trong một quốc gia, là người vì cùng sống
trong một thế giới đang trở thành một đại gia đình nhân loại. Nội dung hai mặt
của công dân, người và dân, có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xây
dựng xã hội công dân ở tất cả các quốc gia. Trước hết nội dung này làm cho việc
xây dựng xã hội công dân mang tính nhân loại, tính quốc tế, không còn bị hạn
chế cho riêng một số quốc gia dân tộc “đặc ân”, “ưu việt” nào. Mọi dân tộc đều
có quyền xây dựng xã hội dân sự để tạo môi trường và điều kiện tối ưu phát triển
mỗi con người. Hơn nữa, với thực tế giao lưu kinh tế và văn hóa thông tin quốc
tế không biên giới, và với xu thế toàn cầu hóa, các quốc gia chậm phát triển
ngày càng có thêm nhiều điều kiện và cơ hội để phát triển nhanh hơn, toàn diện
hơn, trong đó có việc xây dựng xã hội dân sự như là một môi trường cần thiết
cho phát triển. Có thể nói, không những các quốc gia phát triển chậm có thể
xây dựng xã hội dân sự được nhờ trào lưu chung của thế giới, mà chính việc xây
dựng xã hội công dân thúc đẩy nhanh quá trình phát triển. Tiềm năng của quần
chúng, qua các tổ chức và hoạt động đa dạng và tự nguyện của chính quần chúng,
sẽ có nhiều cơ hội để phát huy nhanh hơn và toàn bộ hơn. Đó là về mặt tích cực.
Còn về mặt tiêu cực, xã hội công dân giới hạn bớt sự chi phối của chính quyền
vào sinh hoạt xã hội, triệt tiêu cơ hội phát sinh độc tài, lạm quyền và tham
nhũng. Như chúng ta đều biết, quan liêu, lạm quyền và tham nhũng là những trở
lực lớn nhất cho việc phát triển xã hội. Xây dựng xã hội dân sư sẽ triệt tiêu
mầm mống của những căn bệnh chính trị này.
Tất nhiên để cho xã hội công dân ra đời được công dân trước hết phải có được
các quyền tự do căn bản, trong đó ít nhất phải bảo đảm được hai quyền tự do
đầu tiên: tự do ngôn luận và tư tưởng, và tự do lập hội và hội họp. Khi có hai
quyền này, nhửng công dân cùng sở thích và cùng quyền lợi, mới có thể tự nguyện
đứng ra thành lập các tổ chức để phát huy sở trường của họ và bênh vực quyền
lợi chung. Nhiều mạng lưới các tổ chức tư nhân, tự nguyện đa dạng như thế, từ
kinh tế thương mại tới văn hóa giáo dục thông tin, và cả chính trị, sẽ tạo nên
sức sống cho xã hội, làm cho xã hội ngày càng thực sự thuộc về người dân hơn,
giới hạn dần quyền lực của giới cầm quyền. Luật pháp, được hình thành và thực
thi một cách dân chủ và công minh, sẽ bảo đảm cơ hội đồng đều cho mọi người
dân.
Tóm lại, xã hộị công dân gồm ba nội dung chính:
(1) gần như toàn bộ các sinh hoạt xã hội trong cả ba lãnh vực kinh tế thương
mại, văn hóa thông tin giáo dục, và chính trị xã hội đều do người dân trực tiếp
thực hiện;
(2) công dân thực hiện các hoạt động này thông qua các tổ chức tư nhân đa dạng
do họ tự nguyện thành lập. Các tổ chức này (bao gồm cả các tổ chức chính trị)
phối hợp với nhau tạo ra những hệ thống mang lưới quốc gia, và trong tình hình
toàn cầu hóa hiện nay, có thể liên hợp với các tổ chức vùng (liên quốc gia)
và quốc tế, giúp tạo đươc sức di động xã hội (social mobility) và di động toàn
cầu (global mobility) cao và nhanh, thông lưu được hoạt động của người dân trong
nước với khu vực và thế giới, thúc đẩy sự phát triển không ngừng của xã hội;
(3) chính quyền nói chung, và những người cầm quyền nói riêng, không những bị
chế tài bởi hệ thống chính trị và luật pháp dân chủ, mà còn bị giới hạn và kiểm
soát bởi chính các tổ chức và hoạt động dân sự, ngoài và phi chính phủ của tư
nhân, của công dân. Vai trò của chính quyền sẽ chuyển từ quản trị sang điều
hợp, tạo và bảo đảm các điều kiện và cơ hội đồng đều cho mọi công dân không
phân biệt vì bắt cứ lý do gì.
Xã hội công dân như thế có thể hình thành được ở Việt Nam hay không? Trong tình
hình thực tế hiện nay là đảng cộng sản đang nắm toàn quyền quyết định mọi vấn
đề quan trọng của đất nước, và chi phối mọi sinh hoạt của người dân? Và nhất
là truyền thống xã hội Việt Nam có được các yéu tố thuận lợi cho việc xây dựng
xã hội công dân hay không? Từ đặc tính vốn có của xã hôi Việt Nam và tình hình
thực tế hiện nay chúng ta có thể làm gì để xây dựng xã hội công dân?
Trước hết xã hội Việt Nam có hai truyền thống tốt đẹp thích hợp với khái niệm
xã hội công dân ngày nay. Đó là tinh thần dân bản và các tục lệ sinh hoạt hội
đoàn dân gian. Tinh thần dân bản hình như đãõ có từ thời Hùng Vương. Truyền
thuyết dân gian kể rằng vua Hùng, vốn thuộc loài rồng, thường đi thăm Long vương
ở thủy cung. Mỗi lần đi thăm thủy cung vua Hùng đều dặn dân chúng nếu có việc
gì cần giải quyết gấp cứ tới bờ sông gọi thì vua sẽ trở về ngay. Câu chuyện
này nói lên tính gần gũi giữa vua Hùng và dân chúng. Có thể thời các vua Hùng
dù đã có Lạc Vương, Lạc hầu, Lạc tướng, nhưng chưa thực sự có chế độ quân chủ.
Vua Hùng thực ra mới chỉ là vị lãnh đạo của một bộ lạc mạnh nhất được các bộ
lạc thuộc Lạc Việt thần phục. Vì thế quan hệ vua quan với dân chúng chưa quá
xa cách như sau này. Nhờ vậy tinh thần thân dân và vì dân còn mạnh. Dù sao tinh
thần dân bản thời Lạc Việt này cũng đã in đậm nét trong truyền thống văn hóa
xã hội dân gian, nhất là trong sinh hoạt cộng đồng làng xã. Nhờ đó dù bị Trung
Hoa đô hộ cả nghìn năm, người dân Việt vẫn giữ được bản sắc văn hóa, nhân chủng,
ngôn ngữ, và rất nhiều phong tục đặc thù, nhất là trong nếp sống dân gian ở
các thôn làng. Đình làng chẳng hạn là một nét sinh hoạt văn hóa đặc thù Việt
tộc. Đây vừa là nơi thờ phụng vị thành hoàng của làng, lại vừa là trung tâm
sinh hoạt tâm linh trong những ngày hội hè tế lễ. Đồng thời đình làng còn là
trung tâm sinh hoạt chính trị xã hội của làng, nơi dân làng hội họp bàn luận
và quyết định về các vấn đề quan trọng của làng. Đây là sinh hoạt dân chủ đặc
thù của Việt Nam, mà một số nhà nghiên cứu ngày nay gọi là nền dân chủ dân bản.
Nền dân chủ này tồn tại trong thôn làng ngay cả sau khi chế độ quân chủ đã chính
thức thành hình, tạo thành một thể chế chính trị đặc biệt Việt Nam: thể chế
chính trị hai tầng, quân chủ trên mặt tầng triều đình ở thủ đô và dân chủ dưới
đáy tầng nơi làng xã. Có thể nói sức mạnh dân tộc tồn tại nơi làng xã hơn là
ở trìều đình (“phép vua thua lệ làng”). Điều này được chứng tỏ ở cả hai khía
cạnh, bảo vệ sự độc lập của đất nước, và bảo tồn nếp sống và văn hóa dân tộc.
Hội nghị Diên Hồng thời nhà Trần là một trường hợp nổi bật nhất về sự phối hợp
sức mạnh dân bản của đáy tầng xã hội Việt với sức mạnh quân chủ nơi mặt tầng
triều chính. Làng cũng là nơi bảo tồn nếp sống và văn hóa Việt. Người Tầu xâm
chiếm nước ta nhiều lần, đô hộ nước ta cả ngàn năm. Trong suốt “đêm dài lịch
sử” đó người Tầu cố đồng hóa Lạc Việt như họ đã làm đối với các chi Việt khác
ở vùng Hoa Nam, đất Bách Việt cũ. Họ ảnh hưởng được nhiều tới nếp sống của dân
ta, nhất là trên mặt tầng, ở các nơi thị tứ và ở triều đình. Nhưng ở đáy tầng,
nơi thôn dã, nơi làng xã, thì người dân Việt vẫn bảo tồn được những phong tục
tập quán và nếp sống đặc thù của dân tộc. Sức sống tiềm tàng của dân dã này
được thể hiện trong nền văn học dân gian truyền khẩu song song với nền văn học
bác học ở mặt tầng. Đây là sức mạnh của dân tộc ta, và sức mạnh này luôn luôn
được vận dụng mỗi khi có quốc nạn. Chúng ta cần lưu ý tói sức mạnh tièm tàng
trong dân dã này để vận dụng trong cuộc đấu tranh hiện nay. Kể từ khi người
Pháp sang xâm chiếm nước ta họ tìm cách phá vỡ truyền thống dân chủ dân bản
làng xã này để dề bề cai trị dân ta. Và chính đảng cộng sản, vì muốn xây dựng
xã hội cộng sản theo quan điểm duy vật mác xít, nên trong một thời gian dài
từ 1950 tới khoảng gần đây, luôn luôn tìm cách phá vỡ nếp sinh hoạt truyền thống
làng xã. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hàng trăm đình làng đã bị phá
hủy. Những nơi còn đình, thì đình miếu hoặc bị bỏ hoang, hoặc bị dùng làm kho
chứa nông sản phẩm, nông cụ, trâu bò, và mọi thứ uế tạp. Nhưng tất cả những
cố gằng đó đều thất bại, như mọi cố gắng khác trước đây đến từ bên ngoài muốn
đồng hoá dân tộc ta. Ngày nay, mặc dù chính quyền vẫn nằm trong tay những người
cộng sản, nhưng nơi thôn ấp, làng xã, người dân đang tự động phục hồi trở lại
nếp sống và sinh hoạt văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc, bất chấp nhà
cầm quyền. Hầu hết các đình làng ở Việt nam đã được tu bổ lại, tế lễ hội hè
đã được phục hồi, thành hoàng đã được thờ phụng trở lại. Chế độ cộng sản, cũng
như mọi chế độ ngoại lai, phi dân tộc khác, đã thất baị không xóa nổi truyền
thống văn hóa dân bản Việt.
Khi nói về đình làng, có một điểm chúng ta cần đặc biệt chú ý. Đó là tinh thần
nhân bản trong tục lệ thờ thành hoàng làng. Đình làng là nơi thờ phụng vị thành
hoàng của làng. Thành hoàng là một con người bình thường, có thể là dân làng,
có thể là một người ở nơi khác đến, đã làm một việc phi thường cứu giúp cho
dân làng thoát khỏi một tai họa lớn lao nào đó, và khi chết đi, được dân làng
tôn thờ. Trước khi tôn thờ vị này, dân làng làm đơn xin nhà vua chấp thuận.
Vua thường chấp thuận và ban chiếu chỉ sắc phong thành hoàng cho vị này. Dân
làng đặt chiếu chỉ sắc phong của nhà vua nơi bàn thờ trong đình để thờ phụng.
Điểm đáng chú ý ở đây là vị thành hoàng này chi là một người bình thường, có
trường hợp lại là một người ăn mày, nhưng đã cứu dân làng khỏi một tai họa lớn,
như dịch bệnh, hay hỏa hoạn…. . .và do đó được dân làng tôn thờ làm thành hoàng
của làng. Truyền thống nhân bản này bắt nguồn từ thời kỳ huyền sử của dân tộc.
Như chúng ta đều biết dân tộc nào cũng có các huyền thoại, là các câu chuyện
truyền khẩu trong dân gian ghi dấu thời kỳ chưa có sử ký của dân tộc đó. Kho
tàng huyền thoại của dân tộc ta cũng có rất nhiều các câu chuyện về các vị thần.
Nhưng điểm đặc biệt là thần thoại của dân tộc ta hầu như không có các thiên
thần mà chỉ có các nhân thần. Hầu hết các vị thần của dân tộc ta thời tiền sử
không phải từ trời xuống, mà là từ người thăng hóa lên thành thần. Thần trong
thần thoại Việt Nam là những con người bình thường đã làm đươc những việc phi
thường, những con người hiển thánh, những con người trở thành thần. Như cậu
bé cứu nước Phù Đổng Thiên Vương, cưỡi ngựa sắt phá xong giặc Ân, thành thánh
bay về trời. Như người thanh niên Nguyễn Tuân, con nhà nghèo mà hiếu thảo, có
đuợc Gậy Thần (sách lược chính trị), Sách Ước (văn hóa) đem ra giúp vua trị
nước an dân xong lên núi hiển thánh được dân tôn thờ là đức thánh Tản Viên.
Hay như Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Và tất cả các thành hoàng của dân làng khắp
nơi trong nước, đều là những con người bình thường làm được những công đức phi
thường và được dân làng tôn thờ là thần thánh. Chính truyền thống đạo lý (đạo
thống) và tinh thần vừa dân bản, vừa nhân bản đó trong đời sống dân gian nơi
thôn xóm làng mạc của Việt Nam là điều ngày nay chúng ta cần tìm hiểu, để vận
dụng trong việc xây dựïng một xã hội Việt mới, vừa đậm nét dân tộc lại vừa hòa
nhập được vào dòng tiến hóa chung của nhân loại.
Một truyền thống thứ hai trong xã hôi Việt rất thích hợp với việc xây dựng xã
hội công dân. Đó là sự hiện diện của các tổ chức hội đoàn xã hội do dân chúng
tự nguyện lập ra. Các tổ chức này bao gồm nhiều loại hình khác nhau. Các hội
đoàn tín ngưỡng hay tôn giáo như hội đi chùa, hội lên đồng (thờ bà chúa Liễu
Hạnh), các đoàn tế lễ, rước kiệu, các tổ đường, nhà thờ họ. Các hội đoàn ái
hữu hay tương tế như các hội đồng hương, đồng tỉnh; các hội ái hữư cưụ hoc sinh,
sinh viên. Các tổ chức ngành nghề, thường tập họp thành từng làng nghề hay khu
phố chuyên môn (36 phố phường Hà Nội). Các hình thức hỗ trợ tài chánh như chơi
hụi, một hình thức ngân hàng dân gian. Rồi có cả những tổ chức giải trí, văn
học nghệ thuật, như các hội thi văn, các đoàn văn nghệ bán chuyên (hát chèo,
hát bội, mú rối nước), các đội thể thao, giải trí (đua thuyền, đánh vật, võ
thuật, chơi cờ tướng, thả diều..). Tóm lại trong xã hội cổ truyền Việt Nam có
đủ các tổ chức hội đoàn do dân chúng tự động lập ra để đáp ứng nhu cầu sinh
hoạt đa dạng phong phú của họ. Triều đình hoàn toàn không can thiệp vào sinh
hoạt của các tổ chức dân gian này.
Ngày nay, trong khi ở trong nước, dưới chế độ cộng sản, nhà nước chi phối mọi
hình thức tổ chức và sinh hoạt của dân chúng thì tại hải ngoại, truyền thống
này vẫn được duy trì. Người Việt hải ngoại tự động lập ra hàng trăm tổ chức
và hội đoàn khác nhau để đáp ứng sở thích và nhu cầu sinh hoạt của họ. Từ các
hội ái hữu cựu học sinh sinh viên các trường học văn hóa và quân sư (cựu quân
nhân), tới các hội đoàn cứu tế xã hội. Đặc biệt là các tổ chức ngành nghề chuyên
môn cao cấp như các hội bác sĩ, kỹ sư, luật sư, và các hội chuyên gia. Ngoài
ra, còn có các tổ chức cộng đồng phản ảnh thực tế của gần ba triệu người Việt
tị nạn cộng sản sống lưu vong ở 70 quốc gia trên thế giới. Không ai bảo ai mà
khối người Việt hải ngoại tự nhiên sinh hoạt gần giống nhau ở khắp nơi trên
thế giới. Dường như có một nước Việt lưu vong, một nước Việt không có biên giới
quốc gia nhưng vẫn thống nhất, với ngôn ngữ chung, với các sinh hoạt và tổ chức
xã hội dân sự không chính phủ giống nhau. Các truyền thống văn hóa và xã hội
Việt vẫn được duy trì ở bên ngoài đất nước, nhất là truyền thống xã hội dân
sự. Trong khi ở trong nước mọi hoạt động của người dân đều bị nhà cầm quyền
kiểm soát và chi phối thì người Việt hải ngoại hoàn toàn tự do tổ chức mọi sinh
hoạt của mình theo sở thích và sở trường.
Hiện nay, trước sức ép của xu thế toàn cầu hóa và của những khó khăn kinh tế
xã hội ở trong nước, đảng cộng sản phải mở cửa với thế giới. Cộng đồng người
Việt hải ngoại đang có cơ hội tác động trực tiếp vào trong nước, thông qua các
hoạt động và tổ chức tự nguyện của mình. Việc giao lưu trực tiếp giữa người
dân trong nước với người Việt hải ngoại, không cần và không qua giới cầm quyền,
đang tạo ra những cơ hội thuận lợi không những cho việc xây dựng xã hội dân
sự ở trong nước, cơ sở nền tảng của dân chủ và phát triển, mà còn cho việc làm
suy yếu, cô lập và tách biệt giới cầm quyền cộng sản ra khỏi đại đa số quần
chúng. Cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ và tôn trọng nhân quyền của người Việt
hải ngoại sẽ có kết quả nhanh chóng hơn nếu người Việt hải ngoại vận dụng được
thế mạnh dân sự, phi chính phủ của các hình thái tổ chức và sinh hoạt phong
phú đa dạng ở hải ngoại, từ kinh tế thương mại tới văn hóa văn học nghệ thuật,
truyền thông, giáo dục, cứu trợ xã hội, và cả chính trị, để tác động vào trong
nước. Các hình thức hoạt động trực tiếp giữa người dân trong và ngoài nước (people-to-people)
không qua và không cần tới giới cầm quyền, trong cả ba lãnh vực: kinh tế, văn
hóa và chính trị, sẽ giúp người dân trong nước mạnh lên, dần dần dành lại quyền
chủ động trước hết trong kinh tế thương mại, tiến đến các quyền văn hóa giáo
dục, thông tin, và cuối cùng khi thời cơ đến, sẽ dành lại nốt quyền lực chính
trị. Cộng đồng người Việt hải ngoại, đặc biệt là các bạn trẻ (vì Việt Nam hiện
nay là một nước rất trẻ), hãy vận dụng tinh thần dân bản và nhân bản trong truyền
thống đạo lý dân tộc, cùng với tiềm năng của các tổ chức và sinh hoạt xã hội
dân sự đang có ở hải ngoại, kết hợp với người dân trong nước, không qua và không
cần tới giới cầm quyền cộng sản, để dần dần hình thành một xã hội Việt mới,
một Đáy Tầng Việt, tách biệt và tiến tới đối kháng với Mặt Tầng Cộng sản. Kết
hợp với vận động quốc tế để dành lại thế chính nghĩa (the Right vs. the Wrong)
và bác bỏ tính hợp pháp (legitimacy) của chế độ cộng sản hiện nay, việc xây
dựng đáy tầng Việt không biên giới, thông lưu trong ngoài nước tạo thế mạnh
thời đại, vừa dân tộc vừa nhân loại, vận dụng dòng tiến hóa toàn cầu, toàn nhân
loại (thông qua khối người Việt hải ngoại), để khơi dậy và tăng cường tiềm năng
dân tộc. Làm được như thế chúng ta không những tạo được sức mạnh chủ động, đủ
để gạt bỏ chế dộ cộng sản hiện nay, mà còn khơi mở dòng tiến hóa của dân tộc
cho hòa quyện vào dòng tiên hóa chung của toàn nhân loại và thế giới. Dân tộc
Việt sẽ vượt qua khổ nhục quá khứ, phá vỡ bế tắc hiện tại, gạt bỏ trở lực cộng
sản, để cùng nhân loại thênh thang bước vào thiên niên kỷ thứ ba.. ./.
Đoàn Viết Hoạt
(San Jose, 10/9/2000)