Phạm Đình Lân


Xác định vị trí xã sinh quán của nhà thơ khuyết mục yêu nước: Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888)

 

Trước khi vào đề tôi xin được nói dài dòng một chút. Tôi dạy lịch sử, địa lý và công dân giáo dục. Tôi không chuyên nghiên cứu về văn chương Việt Nam. Tôi biết nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu hay Đồ Chiểu (1) qua Lục Vân Tiên và qua bài văn tế đầy lòng yêu nước của nhà thơ mất thị giác vì khóc quá nhiều sau khi hay tin mẹ mất ở Gia Định.

Trong trường hợp nào tôi lại có dịp bàn về việc xác định vị trí nơi sinh quán của nhà thơ khuyết mục yêu nước Nguyễn Đình Chiểu?

*

Một buổi sáng năm 1982, năm sắp cử hành lễ kỷ niệm 160 năm ngày sinh của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, A., trưởng phòng Thông Tin Văn Hóa xã Tân Thới đến tìm tôi. Vợ tôi cho biết tôi đi uống cà phê. A. đi tìm tôi khắp các quán cà phê nhưng không gặp. Anh ta trở lại nhà tôi với hy vọng tôi đã về nhà nhưng vẫn không thấy tôi vì tôi không ăn sáng trong thành phố. A. có vẻ sốt ruột chạy tới chạy lui đến nhà tôi nhiều lần mà không thấy tôi về. Anh ta chạy tìm tôi ở các quán cà phê nổi tiếng ở xã Phú Long lân cận nhưng cũng không gặp.

Lưu Minh, một học sinh người Hoa, chở tôi đi ăn sáng cách thành phố Lái Thiêu 10 cây số. Mẹ của Lưu Minh nói với Lưu Minh: “Ông thầy của mầy là người đạo đức, mầy cần gần gũi với ông ấy nhiều hơn”. Lưu Minh nghe lời mẹ nên mỗi ngày hai buổi, sáng tối nào cũng đến chở tôi đi quán tiệm quanh thành phố Lái Thiêu.

Tôi vừa về đến nhà thì vợ tôi hỏi:

“Anh uống cà phê ở đâu mà chú A. tìm hoài không gặp?”.

“A. tìm tôi có chuyện gì?”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại vợ tôi.

“Không biết. Trông chú ấy có vẻ sốt ruột lắm”. Vợ tôi đáp.

“Chắc có chuyện không lành nữa chớ gì!”.

Tôi nói như vậy vì tôi thường gặp những trường hợp tương tự xảy ra từ ngày được ‘cám ơn’ về nhà ngắm mặt trời mọc và mặt trời lặn mỗi ngày. Tôi trở thành một thi nhân không viết nổi một vần thơ, một triết gia vô tưởng và một người sống gượng trong một xã hội ghẻ lạnh với mình.

Vừa nói chuyện đến đây thì A. ngừng xe gắn máy trước sân nhà tôi. Gặp tôi A. hối thúc:

“Anh mặc quần áo và mang giày chỉnh tề đi theo tôi gấp”.

“Chuyện gì vậy?”. Tôi hỏi A.

“Anh sửa soạn rồi đi với tôi. Nhớ mặc áo quần thẳng nếp và mang giày tử tế nhé!. Sẽ biết sau”. A. đáp vắn tắt.

“Mấy năm nay có ủi quần áo đâu mà có áo quần thẳng nếp. Cũng không có mang giày nên không biết mang giày có bị phồng chân hay không”. Tôi nói.

Mặc dù nói vậy, tôi thay bộ đồ tương đối dễ nhìn nhất của tôi và mang đôi giày da được cho ‘về hưu’ gần bảy năm rồi. Xong A. chở tôi đến trụ sở xã Tân Thới.

Đến nơi tôi thấy có hàng trăm người ngồi trong một phòng họp rộng lớn. Ngoài những cán bộ tỉnh, quận và xã mặc áo sơ mi trắng, mang dép da với những chiếc cặp da trước mặt, tôi thấy có nhiều người cao niên trong xã. Tôi hơi hồi hộp không biết chuyện gì. Vả lại cách đó hơn một tuần cũng tại nơi nầy tôi bị N., một công an tỉnh Sông Bé (tên mới của Bình Dương), hạch hỏi trên sáu tiếng đồng hồ về những chuyện mà tôi không hề biết.

Đến chiếc ghế trống đặc biệt, A. nói:

“Anh ngồi xuống đây”.

Tôi ngần ngại và nghĩ rằng A. nhầm lẫn vì tôi là công dân thấp nhất trong xã hội làm sao ngồi chỗ đặc biệt như vậy được. A. ấn mạnh vào vai tôi, buộc tôi phải ngồi xuống chiếc ghế đặc biệt nầy. Tôi chưa định hồn thì một người trạc tuổi 50 nói giọng Huế nhìn tôi và mỉm cười. Ông tự giới thiệu là người hướng dẫn phái đoàn văn hóa đến tìm hiểu sinh quán của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Tên ông là VĐH từng dạy ở Viện Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn. Ông cho biết đã đến xã Tân Thới nhiều lần nhưng vẫn chưa tìm được một ánh sáng nào về chuyện nầy. Trông ông VĐH có cảm tình với tôi và có vẻ tin tưởng tôi sẽ đem lại cho ông một chút ánh sáng về vấn đề tầm thường nhưng không đơn giản nầy. Một chiếc máy ghi âm được đặt trước mặt tôi. Ông hỏi:

– Theo tiểu sử của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu thì ông sinh ngày 13 tháng 05 năm Nhâm Ngọ tức ngày 01-07-1822 D.L. tại xã Tân Thới, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình tỉnh Gia Định. Xã nơi đang có buổi họp là xã Tân Thới, quận Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương đổi thành tỉnh Sông Bé. Vậy Tân Thới này có phải là nơi sinh quán của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu không?

Tôi phác họa phương pháp tìm hiểu vấn đề trên bằng cách:

1.- Liên hệ với gia đình thân sinh của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là Nguyễn Đình Huy gốc ở Phong Điền tỉnh Thừa Thiên. Bà Trương Thị Thiệt, mẹ của nhà thơ, là vợ thứ hai sau khi ông Nguyễn Đình Huy làm việc cho tòa tổng trấn Gia Định Thành (2) dưới quyền tả quân Lê Văn Duyệt. Nguyễn Đình Chiểu là con trưởng của ông Nguyễn Đình Huy và bà Trương Thị Thiệt. Sau vụ xiềng mả Lê Văn Duyệt và cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi năm 1833, thân sinh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu bỏ chạy về Thừa Thiên. Nguyễn Đình Chiểu từng sống ở Thừa Thiên một thời gian khá dài nên ông không có mặt ở Gia Định khi mẹ ông mất.

2.- Đến ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, quận Cần Giuộc, là quê vợ của nhà thơ. Nhà thơ sống với vợ là Lê Thị Diện, em gái của một môn sinh của ông tên Lê Tảng Quýnh, ở ấp Thanh Ba cho đến khi dọn về An Đức, quận Ba Tri. Lúc ấy Bến Tre chưa phải là tỉnh mà là một đơn vị hành chánh trong tỉnh Vĩnh Long.

3.- Đến xã An Đức, quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre, là nơi gia đình nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cư ngụ ngay sau khi hiệp ước Nhâm Tuất (1862) được ký kết nhường ba tỉnh miền đông Nam Kỳ cho Pháp. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu lánh xa vùng bị Pháp chiếm đóng. Ông chọn Bến Tre lúc ấy thuộc tỉnh Vĩnh Long, là nơi giáp giới với Định Tường, một trong ba tỉnh (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) đặt dưới sự cai trị của các sĩ quan hải quân Pháp. Họ là những Thanh Tra Bản Xứ Vụ (Inspecteur des affaires Indigènes) tạm xem như những tỉnh trưởng quân nhân ở một vùng đất mới chinh phục.

4.- Liên hệ với bà Phan Văn Hùm, cháu ngoại của bà Sương Nguyệt Ánh tức Nguyễn Thị Khuê, con gái của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Lúc ấy bà Phan Văn Hùm còn sống và cư ngụ trong một căn nhà trên đường Chi Lăng, Phú Nhuận. Kỹ sư kiều lộ (Ingénieur de Pont et Chaussées) Phan Kiều Dương và ký giả Phan Tùng Mai là con của nhà cách mạng Phan Văn Hùm (1904-1945) gốc ở Búng, Thủ Dầu Một (Bình Dương). Vì có liên hệ đến nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu nên ông Phan Văn Hùm có viết quyển Nỗi Lòng Đồ Chiểu. (Tôi không nói nhiều về Phan Văn Hùm vì ông thuộc nhóm La Lutte của Tạ Thu Thâu (1905-1945). Đó là nhóm Trotskyite Đệ Tứ Quốc Tế. Tạ Thu Thâu và Phan Văn Hùm đều bị Việt Minh giết chết năm 1945).

Khi tôi nói đến đâu ông VĐH đều xác nhận là đã làm rồi nghĩa là đã đến Phong Điền, Thanh Ba, An Đức và tiếp xúc với bà Phan Văn Hùm ở Phú Nhuận nhưng vẫn chưa xác định được vị trí của Tân Thới, xã sinh quán của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu nằm nơi nào trên bản đồ. Ông cho biết ông đến xã Tân Thới năm lần, tiếp xúc với nhiều vị cao niên kể cả những người mang họ Trương, họ của thân mẫu nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, nhưng không ai biết bà Trương Thị Thiệt là ai cả. Phần lớn những người cao niên mà ông hỏi đều không biết Nguyễn Đình Chiểu hay Đồ Chiểu. Có vài người biết thơ Lục Vân Tiên qua ấn bản của nhà in Phạm Văn Thìn nghĩa là đồng hóa Lục Vân Tiên với chuyện Chàng Nhái Kiểng Tiên, Thạch Sanh Chém Chằng, Phạm Công Cúc Hoa v.v... Có người biết Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga qua những người hành khất ngâm nga thơ Lục Vân Tiên  ngoài đường phố như lời rao giảng lòng yêu nước và tinh thần Khổng Giáo với:

Trai thì trung hiếu làm đầu
Gái thì tiết hạnh làm câu trau mình  

“Có thể Tân Thới nầy là nơi sinh quán của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu không?”. Ông VDH hỏi tôi.

“Không”. Tôi đáp.

“Có thể nhà thơ chạy giặc Pháp ngang qua xã Tân Thới nầy không?”. Ông VDH hỏi tiếp.

“Không. Ông về Thanh Ba khi:

Bến Nghé của tiền tan bọt nước.
Đồng Nai tranh, ngói nhuộm màu mây.

Từ Thanh Ba, Cần Giuộc, ông chạy xuống xã An Đức, quận Ba Tri. Như vậy ông chạy về phía nam chớ không chạy lên phía bắc”. Tôi đáp.

“Phía bắc có nhiều rừng để kháng chiến tại sao nhà thơ lại chạy về phía nam?”. Ông VĐH hỏi.

“Phía bắc có rừng thuận tiện cho việc ẩn nấp nhưng lại thiếu lúa gạo. do đó địa bàn kháng chiến vào thập niên 1860 đều nằm ở phía nam Sài Gòn như Cần Giuộc, Lý Nhơn, Kiểng Phước (Gò Công), Nhật Tảo (Long An), Phủ Khiết, Cai Lậy (Định Tường), Đồng Tháp Mười v.v... Vì phía nam Sài Gòn là vùng đồng bằng có nhiều dân cư và là vùng sản xuất lúa gạo để nuôi dưỡng nghĩa binh”. Tôi đáp.

“Tại sao phải chạy về Bến Tre?”. Ông VĐH hỏi.

“Bến Tre lúc ấy thuộc Vĩnh Long. Đó là vùng gần tỉnh Định Tường do người Pháp chiếm đóng theo hiệp ước 1862 ký ở Sài Gòn giữa Bonard với Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là người thấm nhuần Khổng Giáo. Ông rất ngưỡng mộ Phan Thanh Giản, người Nam Kỳ đầu tiên đậu tiến sĩ và làm quan dưới triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Phan Thanh Giản là người làng Bảo Thạnh, quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre sau nầy. Đối với Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản là một người khoa bảng mẫu mực đúng theo tinh thần Khổng Giáo và là một người nêu gương thành công trong xã hội phong kiến vì Phan Thanh Giản xuất thân từ một gia đình nghèo khổ. Nguyễn Đình Chiểu đổi về xã An Đức cách quận lỵ Ba Tri không xa”. Tôi đáp.

“Như vậy ta còn cách nào xác định vị trí xã Tân Thới, sinh quán của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu không?”. Ông VĐH hỏi.

“Đó là phương thức thứ 5 mà tôi sắp nói đến. Đó là trở lại tổ chức hành chánh ở Gia Định Thành dưới triều vua Gia Long vì nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu sinh năm 1822. Lúc ấy Nam Kỳ có Ngũ Trấn:

1.- Biên Trấn (Biên Hòa).
2.- Phiên Trấn (Gia Định).
3.- Định Trấn (Định Tường-Mỹ Tho)
4.- Vĩnh Trấn (Vĩnh Long).
5.- Hà Trấn (Hà Tiên).

“Đến năm 1833 vua Minh Mạng mới đổi trấn thành tỉnh và lập thêm tỉnh mới là An Giang. Từ đó có Nam Kỳ Lục Tỉnh (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Nếu nói rõ thì Nguyễn Đình Chiểu sinh tại xã Tân Thới, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, Phiên Trấn (Gia Định).

“Bây giờ tôi xin chứng minh tại sao Tân Thới, xã sinh quán của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, không phải là Tân Thới, quận Lái Thiêu và huyện Bình Dương với tỉnh Bình Dương (Sông Bé) là hai chớ không phài là một.

“Dưới triều Nguyễn sông Sài Gòn là ranh giới thiên nhiên của hai tỉnh Biên Hòa và Gia Định.

Phần đất nằm trên hữu ngạn sông Sài Gòn thuộc tỉnh Gia Định, Sài Gòn – Chợ Lớn, Tây Ninh, một phần lớn tỉnh Tân An (Long An) và một phần của tỉnh Gò Công sau này đều nằm trong tỉnh Gia Định.

Phần đất nằm trên tả ngạn sông Sài Gòn thuộc tỉnh Biên Hòa. Vùng đất mà người Pháp lập thành tỉnh Thủ Dầu Một, sau đổi thành tỉnh Bình Dương trong thời kỳ đất nước qua phân là huyện Bình An thuộc tỉnh Biên Hòa vào thế kỷ XIX. Huyện Bình An bao gồm luôn cả Dĩ An, Thủ Đức và vùng núi Châu Thới. Bà Hồ Thị Hoa (1790 – 1807), hoàng hậu dưới triều vua Minh Mạng là người huyện Bình An. Bà là con gái của quận công Hồ Văn Vui. Bà mất sau khi sinh hoàng tử Nguyễn Phước Miên Tông được 13 ngày. Đó là vua Thiệu Trị sau này. Mồ mả họ Hồ ở Linh Chiểu Tây, Thủ Đức, được người Pháp long trọng hứa bảo vệ kỹ lưỡng trong hiệp ước Giáp Tuất (1874).

Dưới thời Pháp thuộc Nam Kỳ có 21 tỉnh. Thủ Đức trước kia nằm trong huyện Bình An, tỉnh Biên Hòa, được sát nhập vào tỉnh Gia Định. Tỉnh Gia Định bị giới hạn diện tích sau khi các tỉnh Tây Ninh, Tân An, Chợ Lớn, Gò Công ra đời. Không có một thời điểm lịch sử nào tỉnh Thủ Dầu Một và quận Lái Thiêu nằm trong tỉnh Gia Định cả.

Huyện Bình Dương, phủ Tân Bình nằm gọn trong thành phố Sài Gòn và tỉnh Gia Định, nghĩa là trên hữu ngạn của sông Sài Gòn. Ngày nay địa danh Tân Bình vẫn còn ở vùng Phú Nhuận.

Sau cuộc nội chiến giữa họ Nguyễn và nhà Tây Sơn ở Nam Kỳ có nhiều địa danh, nhất là trong tỉnh Gia Định, mang chữ TÂN và THÁI hay THỚI như Tân Định, Tân Cảnh, Tân Bình, Tân Sơn Hòa, Tân Sơn Nhứt, Tân Sơn Nhì, Tân Lân, Tân Thuận, Tân Thới, Tân Thới Trung, Tân Long, Tân Phước, Tân Phú Trung, Tân Thạnh Đông, ấp Thới Tây, Tân Thới Hiệp, Xuân Thới Thượng, Thới Tam Thôn v.v. Đó là ước vọng hòa bình, thái bình và hưng thịnh trong bối cảnh lịch sử mới sau khi nội chiến chấm dứt.

Xã Tân Thới, quận Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương thực sự là Tân Thới Đông đối lại với Tân Thới Tây và Tân Thới Trung trong tỉnh Gia Định."

“Nhưng Tân Thới sinh quán của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu nằm trong vùng nào của thành phố Sài Gòn?”

“Thân mẫu của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu chết và được chôn ở Tân Triêm. Thành Ô Ma (Camp aux Mares) của Pháp nằm ở Tân Triêm. Cổng chánh của thành nằm trên đường Arras (Cống Quỳnh). Như vậy Tân Thới nằm ở phía Nam của vùng này, nghĩa là vùng Cầu Kho gần bến Chương Dương tức Rạch Bến Nghé thuộc Quận Nhì (2ème Arrondissement) dưới thời Pháp thuộc (3). Đó là vùng đất dọc theo Rạch Bến Nghé, nơi có nhiều người sinh sống và buôn bán. Vùng mồ mả phải là vùng đất cằn cỗi xa nơi cư trú nhưng cũng không quá xa vì gia đình nhà thơ không phải là gia đình giàu có để được chôn cất xa xôi (4). Hơn nữa người ta không thể khiêng quan tài của một người không giàu có đi quá 2km được”.

Tôi kết thúc sự chứng minh về sự trùng hợp về địa danh và tạm xác định vị trí của xã Tân Thới, sinh quán của nhà thơ khuyết mục yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.

Ông VĐH đến bắt tay và cảm ơn tôi. Trong lúc tôi sắp rời phòng họp, ông hỏi tôi:

“Tại sao gọi là Thủ Dầu Một?”.

Thủ là thành pháo thủ ám chỉ thành công binh sau này. Khi Pháp mới chiếm ba tỉnh miền đông Nam Kỳ, họ xây thành này để bảo vệ sự hiện diện của họ trên vùng đất mới chiếm đóng. Thành nầy được gọi là thành pháo thủ hay thành săn đá. Sau nầy họ đưa các giàn pháo về ấp Phú Lợi cách đó 5km. Chữ “săn đá” âm từ chữ soldat (lính) mà ra. Dầu là cây dầu (dipterocarpus alatus) và Một là đơn độc. Đó là cây dầu cao đơn độc gần thành pháo thủ nơi uốn khúc của sông Sài Gòn. Đó là một tên gọi nôm na của vùng đất có nhiều cây dầu với một biến cố được nhiều người địa phương ghi nhớ là việc một thanh niên leo lên ngọn cây dầu cao ngất nầy để bắt một ổ chim diệc và té xuống đất chết tươi. Do đó có câu:

Ngó lên chợ Thủ cây dầu
Có thằng bắt diệc té nhào lộn xương

Tôi vừa đọc xong hai câu thơ trên thì thấy ông VĐH sửng sốt. Tôi biết ông nghĩ nhầm chuyện gì nên vội giải thích:

“Diệc là con diệc giống như con cò (heron). Ca dao Việt Nam vẫn có:

Cái cò, cái diệc, cái nông.
Sao mầy giẫm lúa nhà ông hỡi cò?”.

Ông VĐH cám ơn tôi giải tỏa sự hiểu lầm của ông mặc dù ông chưa nói thành lời. Ông hỏi tiếp:

“Còn Búng?”.

“Búng ở đây là búng nước (rias), một cái vịnh nhỏ ở cuối một dòng sông hay một con rạch (arroyo). Con rạch nầy là một chi lưu của sông Sài Gòn. Một đoạn của rạch nầy chảy song song với Quốc Lộ 13. Trước khi có Quốc Lộ 13 búng nước nầy ăn thông đến chợ Búng bây giờ. Về chánh tả Búng nướcBún ta ăn khác nhau. Một tình cờ thú vị là Búng lại nổi tiếng về bún bì và bánh bèo bì”. Tôi đáp.

Ông VĐH cười thích thú. Ông rỉ tai một người trong phái đoàn của ông:

“Sao chỗ hẻo lánh nầy lại có một hoa hồng”.

Tôi giả vờ không nghe và cúi đầu chào mọi người rồi lặng lẽ ra về.

*

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 01-07-1822 ở Tân Thới, Gia Định và mất ngày 03-07-1888 tại An Đức, Bến Tre. Tác phẩm Lục Vân Tiên của ông rất phổ biến ở Nam Kỳ. Tác phẩm nầy được Eugène Bajot dịch ra Pháp ngữ và xuất bản vào năm 1887 ở Paris dưới tựa đề Histoire du Grand Lettré Louc Van Teien. Ngoài Lục Vân Tiên còn có Dương Từ Hà Mậu, Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật và các bài văn tế nổi tiếng vào những thập niên đầu của thời kỳ đô hộ của người Pháp. Với Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu còn là một thầy thuốc. Ông học nghề nầy sau khi bị mất thị giác.

Nguyễn Thị Khuê tức bà Sương Nguyệt Ánh (1864 – 1921) là con gái của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Bà là chủ bút tờ Nữ Giới Chung, tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam.

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

________

Chú thích:

(1) “Đồ”do chữ “sinh đồ” mà ra. Trong kỳ thi hương có 4 trường thi. Đậu đủ bốn trường thi được gọi là hương cống (cử nhân) như Cống Quỳnh chẳng hạn. Đậu tam trường gọi là sinh đồ (tú tài) như Tú Xương tức Trần Tế Xương chẳng hạn. Đậu tam trường chưa được triều đình trọng dụng nên phần lớn các sinh đồ đều mở lớp dạy tư ở nhà. Từ đó có tên gọi ‘thầy đồ’ hay ‘ông đồ’.

(2) Gia Định Thành tức Nam Kỳ chớ không phải tỉnh Gia Định. Quyển Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức được Aubaret dịch ra tiếng Pháp là “Description de la Basse Cochinchine”.

(3) Dưới thời Pháp thuộc Sài Gòn chỉ có 4 quận (arrondissement). Chợ Lớn là một tỉnh riêng biệt. Quận nhì bao gồm vùng Cầu Ông Lãnh và Cầu Kho.

(4) Bà Trương Thị Thiệt mất khi chồng và con bà là nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ở Thừa Thiên.


Cái Đình - 2009