Phan Quỳnh
Vũ khí của người Việt cổ đại
Khảo sát folklore, dân tộc học, truyền thuyết dân gian. Thương, giáo, lao, có hình dạng tương tự và cùng với tên nỏ, cung, rìu, v.v.... là những vũ khí đã được xử dụng thường xuyên của người Việt thời thượng cổ. Để được đầy đủ hơn cho công việc tìm hiểu nguồn gốc bản địa của những vũ khí truyền thống này, chúng ta không thể bỏ qua lĩnh vực khảo cổ và những tài liệu ở các lĩnh vực thuộc khoa học xã hội và nhân văn khác.
***
Khảo cổ học thời thượng cổ Việt Nam đã được phân ra những giai đoạn có khung niên đại (dựa theo sách Lịch Sử Việt Nam tập I) như sau:
– Thời đại đồ đá cũ: khoảng 300 ngàn năm về trước (di tích ở núi Đọ và văn hóa Sơn Vi hậu kỳ thời đá cũ ).
– Thời đại đồ đá giữa: 10 ngàn năm trước nay (văn hóa Hòa Bình, nghề nông đã xuất hiện).
– Thời đại đồ đá mới: 5 ngàn năm trước nay: văn hóa Bắc Sơn, văn hóa Bầu Chó, văn hóa Hạ Long.
–Thời đại đồ đồng thau: 4 ngàn năm trước nay (văn hóa Phùng Nguyên).3 ngàn năm – 2.5 ngàn năm: Văn Hóa Đông Sơn, trống đồng Ngọc Lũ. (1)
Ngay từ thời đại đồ đá cũ, người Việt cổ đã biết dùng đá làm những công cụ chặt, nạo, rìu tay, ghè đẽo thô sơ tìm thấy núi Đọ (Thanh Hóa) cách nay ba trăm ngàn năm hay những công cụ bằng đá cuội ở vùng đồi núi Vĩnh Phúc Yên, Phú-thọ, (văn hóa Sơn Vi), cách nay trên dưới ba chục ngàn năm, hậu kỳ đồ đá cũ.
Truyền thống kỹ thuật và văn hóa đá cuội Việt Nam được tiếp nối với hai nền văn hóa Hòa-bình (thuộc thời đại đá giữa) và văn hóa Bắc-sơn (thuộc buổi đầu thời đại đá mới).
Bên cạnh kỹ thuật ghè đẽo, người Việt cổ đã phát minh kỹ thuật mài, tạo nên những chiếc rìu Bắc-sơn (rìu tứ giác mài lưỡi) nổi tiếng thời đại đồ đá mới. một số lưỡi dáo hay thương hoặc lao và mũi tên đá. Văn hóa Bắc-sơn là một trong những văn hoá có rìu mài sớm ởtrên thế giới. Tiến sĩ Wilhelm G. Solheim, giáo sư Nhân Chủng Học trường đại học Hawaii, nhận xét:”Tôi cho rằng những công cụ bằng đá dẽo có cạnh sắc tìm thấy ởphía bắc Úc châu và được định tuổi bằng Carbon 14 là hai chục ngàn năm trước Tây lịch đều thuộc nguồn gốc Hòa Bình” (2).
Trình độ phát triển vũ khí ở thời đại đồ đá tại Việt Nam nhìn chung, ngoại trừ rìu đá, vẫn còn ít ỏi về kiểu loại, và sự thô sơ của kỹ thuật cùng tính năng của nó. Những vũ khí này dù kỹ thuật chế tác có đạt tới bước phát triển cuối cùng của kỹ nghệ đồ đá, thì cũng vẫn bị chất liệu đá hạn chế khá nhiều độ sắc nhọn, hướng cải tiến và diện sử dụng.
Tuy nhiên, cần ghi nhận ở đây điểm quan trọng là: một sở trường, một thiên hướng, một thị hiếu nữa, trong việc chọn lựa, sáng tạo và sử dụng vũ khí của tiền nhân người Việt đã được khẳng định ở thời đại đồ đá để rồi sau sẽ được nhân bội lên trong việc trực tiếp kế thừa và phát triển mạnh mẽ ở những thời đại đồ đồng, đồ sắt sau này, góp phần tạo nên những vũ khí truyền thống. Đó là sở trường, thiên hướng, thị hiếu dùng cung nỏ tên, rìu búa và giáo lao (thương) làm vũ khí chủ đạo.
Và chính vì thế mà chúng ta có thể thấy thêm một đặc điểm thứ hai của tình trạng vũ khí ở bước này là: chưa có sự phân hóa, chuyển hóa rạch ròi và phổ biến giữa vũ khí và công cụ. Cây rìu, cung tên, ngọn giáo, ở thời kỳ này, lúc là công cụ để chặt bổ, săn bắn, lúc là vũ khí để đâm phóng, đánh bổ, hoặc vừa là công cụ vừa là vũ khí. Trong tình trạng này cũng chung cho cả những khí vật bằng chất liệu mà lòng đất không thể gìn giữ tới nay cho chúng ta hình dáng của nó, nhưng theo qui luật chung, hiển nhiên cũng tồn tại ở bước này. Đó là những gậy, búa, mũi nhọn, lao... bằng tre, bằng gỗ, v.v...
Tài liệu khảo cổ học thời đại đồ đồng thau thuộc văn hoá Đông-sơn (Thanh Hóa, Bắc Việt) cho thấy rằng trong khoảng thiên niên kỷ thứ nhất trước Tây lịch, vũ khí của tổ tiên người Việt đã phát triển lên một mức và có một vai trò quan trọng đáng kể. Sự tăng tiến về số lượng và sự phong phú về kiểu dạng khai quật được phản ảnh rõ ràng sự phát triển của vũ khí ở bước này. Bên cạnh những vũ khí chủ đạo, kế thừa và phát triển trực tiếp từ những vũ khí thời đồ đá, là cung nỏ tên, lao giáo và rìu búa, (những vũ khí này chẳng những còn để lại những bằng cứ là vật chất, mà còn để lại đầy đủ bằng hình ảnh qua những nét chạm khắc trên các trống đồng, thạp đồng) còn nở rộ một loạt dáng kiểu vũ khí khác nhau khá phong phú. Có thể nói những thành phần vũ khí cơ bản của bộ binh trước khi có hỏa khí, đều đã thấy xuất hiện ở giai đoạn này. Đó là các loại vũ khí tấn công tầm xa như cung nỏ và lao, đánh tầm gần như thương, dáo, mác, rìu búa, dao găm, đoản kiếm, qua, và vũ khí phòng ngự như hộ tâm phiến, khiên, mộc, v.v....
Nguyên liệu mới của những vũ khí này là một điều kiện rất cơ bản làm nẩy sinh một loại thuộc tính ưu việt của vũ khí. Đồng thau cùng với trình độ hiểu biết cao về kỹ thuật đúc cho phép sản xuất hàng loạt (Trường hợp điển hình là kho đầu mũi tên đồng ở thành Cổ-Loa, kinh đô của nhà nước Âu Lạc, khoảng mười ngàn mũi tên), tăng cường độ sắc nhọn của vũ khí và nhất là tạo điều kiện cho cho sự gia công cải tiến vũ khí, phát huy nhiều tính năng và tác dụng của vũ khí (đầu mũi tên đồng có hơn một chục loại, lao, giáo, dao găm, rìu chiến cũng có nhiều dáng vẻ khác nhau, có thể vừa đâm vừa chém và mũi tên bắn ra không lấy lại được,...).
Kết quả của những bài tính toán học và thực nghiệm cho thấy rằng với sức nặng của đầu mũi tên đồng Cổ Loa, thì phải có một chuôi tên dài từ 80 phân đến một mét mới có thể bắn tên đi ở tình trạng tốt nhất (độ dài này tính theo tỷ trọng của tre). Một chiếc tên như thế cho phép giả thiết rằng, ngoài cây cung là phương tiện phóng tên chắc chắn, còn có thể có cả hình thức nỏ máy để phóng tên nữa (3). (Một số hình ảnh chạm khắc trên trống đồng, những tài liệu dân tộc học và truyền thuyết vùng Cổ Loa cũng phù hợp với điều giả thiết này.) Sách Việt Kiệu Thư chép Man động xưa ở nước Nam Việt thời Tần rất mạnh, về phép dùng nỏ thì lại càng giỏi lắm, mỗi phát tên bằng đồng xuyên qua hơn chục người (4).
Những tài liệu ở một ngôi mộ Việt Khê thời đồ đồng cũng cung cấp những số liệu chính xác về những cây dáo, cây lao, thương: cán có độ dài lên tới hai mét ba mươi bẩy phân, đường kính cán tương đối nhỏ, khoảng một phân rưỡi, nhưng bù lại, được lựa chọn từ loại cây có thớ dọc, dẻo dai, có độ bền cao và được cạp thêm một khoảng gần sát luỡi bằng mây sợi chẻ mỏng. Cán giáo còn được sơn bóng đẹp với nước sơn ta từng khoanh màu vàng và màu đen xen kẽ.
Như vậy, ba vũ khí chủ đạo của người Việt cổ là: mũi tên, giáo lao hay thương và lưỡi rìu, và có nguồn gốc bản địa, sản xuất ngay tại chỗ. Giáo sư Wilhelm G. Solheim đã viết:
“Quan niệm cổ điển về thời tiền sử cho rằng kỹ thuật vùng Đông Nam Á là kết quả của những làn sóng di dân từ phương Bắc mang tới. Ngược lại, tôi cho rằng vào thời đại đầu đồ đá mới, nền văn hóa Bắc Trung Hoa gọi là Ngưỡng Thiều là một phần của nền văn hoá Hòa Bình đã tỏa lên Bắc Trung Hoa vào khoảng sáu hay bẩy ngàn năm trước Tây lịch”.
“Tôi cho rằng nền văn hóa mà sau này được gọi là văn hóa Long Sơn vẫn thường được coi là phát triển từ Ngưỡng Thiều • Bắc Trung Hoa rồi lan ra miền Đông và Đông Nam, thì trái lại thực ra đã khai sinh • Nam Trung Hoa và di chuyển lên phía Bắc. Cả hai nền văn hóa này đều bắt nguồn từ gốc văn hóa Hòa Bình”.
Mặt khác, tên gọi Nam Á (Austroasiatic) là thuật ngữ nhân chủng học và ngôn ngữ học bao gồm khu vực Đông Nam Á và Châu Á Hải Đảo kể cả phía Nam Trung Hoa mà một phần chủng tộc này được cổ thư Việt Nam và Trung Hoa gọi là Bách Việt (Điền Việt, Dương Việt, U Việt, Mân Việt, Đông Việt, Lạc Việt,...) sinh sống từ khu vực phía Nam sông Dương Tử đổ xuống phía nam, họp thành những khối cư dân lớn có những tiếng nói thuộc ngữ hệ Mon-Khmer, Việt-Mường và Malayo-Polynesian, những dân tộc thời tiền sử chủ yếu sống nông nghiệp, săn bắn đánh cá, dùng thuyền bè di chuyển trên sông rạch, biển cả, ăn mắm (chưa biết ăn xì dầu), ở nhà sàn, nhà mái cong, xâm vẽ mình, mặc: áo chui đầu (poncho), sà-rông, váy, v.v...khác với nhóm dân tộc thời tiền sử chủ yếu sống du mục, chăn nuôi với đồng cỏ mông mênh phía Bắc và Tây Bắc, thuộc ngữ hệ Hán-Tạng.
Khi xưa tiếng Hán đang còn đóng khung ở vùng phía bắc sông Hoàng Hà, sông Vị Hà thì nó chưa thể có nhiều những từ nêu lên tên gọi của những sản vật mà chỉ phương nam mới có, do đó có sự vay mượn, ảnh hưởng qua lại các thuật ngữ vùng Nam Á. Những danh từ chỉ thực vật như cảm lãm (trám), phù lưu (trầu), ba la mật (mít) v.v... chắc chắn là những danh từ vay mượn các ngôn ngữ vùng nhiệt đới. Để chỉ sông, phía bắc, người Hán gọi là Hà, nhưng từ sông Dương Tử trở về nam lại gọi là Giang. Theo các nhà địa danh học: Giang (江) là một từ người Hán vay mượn, rất dễ dàng gợi cho ta nghĩ đến Kion (Miến), Kon (Katu), Karan (Mơ-nông), Krong (Chàm), Không (Mường), Hông (Khả), Krông (Bà Na), Khung (Thái), Sôngal (Mã Lai), cũng như nghĩ đến Sông trong tiếng Việt (Việt Miên Lào có chung con sông là Mê-kông).
Có khi chiều ảnh hưởng chỉ đi theo một dường thẳng đơn giản, từ bên này sang bên kia, nhưng cũng nhiều khi mũi tên có thể đi đường vòng từ A sang B, rồi lại từ B quay trở lại A. Đó là trường hợp của nỏ, thứ vũ khí phương Namta gọi là Ná. (So sánh với Na của người Mường, người Chức, Nả của người La-Ha (Mưng La), Hna của người Bà Na, Na của người Ê Đê, dọc Trường Sơn, Mnaá của người Sơ Đăng, Sa Na của người Kơ-ho, Snao của người Raglai, Na của người Mạ Nam Tây-nguyên, Hnaá của người Gia Rai, S-Na của người Miên, Sơ-Na của người Srê, hay Sna của người Chàm Phan Rang, Phan Rí, Ná của người Thái Trắng, Pna của người Mã Lai, v.v....), có nhiều cơ sở để có thể khẳng định chính từ tên gọi loại vũ khí này mà được nhập vào vốn từ vựng của người Trung Hoa, sản sinh ra tiếng Hán có cách đọc Hán Việt cổ là Nổhay Hán Việt hiện nay là Nõ, (chữ Nõ [弩] tổng hợp của thanh phù Nô [奴] (như Nô Bộc) đứng trên chữ Cung tượng hình [弓] rồi lại quay trở về Việt Nam được đọc theo Nôm là Nỏ. Nỏ là một phát minh của người phương nam (6).
Sách Lĩnh Nam Chích Quái chép truyện Triệu Đà sai con là Trọng Thủy đánh cắp nỏ thần phương nam của An Dương Vuơng Thục Phán.
Cái Rìu của tổ tiên chúng ta cũng có một sự tích lý thú, được đặt thành tên dân tộc: Về ý nghĩa của tộc danh Việt, lâu nay một số người dựa trên dạng chữ Hán hiện đại [越] có chứa bộ tẩu [走] của chữ này để giải thích rằng Việt nghĩa là chạy, vượt. Thực ra chữ Việt trong Hán tự đã trải qua nhiều cách viết rất khác nhau, đây là tên gọi có từ lâu đời (họ Việt [粤]-thường, chủng Bách Việt được nhắc đến trong sử Bắc từ rất sớm).
Theo Bình Nguyên Lộc (7), việt [钺] vốn là tên gọi một loại công cụ kiêm vũ khí rất đặc thù của người Việt cổ: cái rìu. Như chúng ta đã biết, khảo cổ học đã tìm được ở khắp nơi trong địa bàn cư trú của người Việt cổ rất nhiều loại rìu với các nguyên liệu khác nhau (đá, đồng, sắt) như rìu đá có tay cầm, rìu đồng hình tứ giác, rìu đồng lưỡi xéo. Trong ngôn ngữ Nam-Á cổ đại, rìu hay dìu có lẽ đã được phát âm là “uỵt” hoặc một âm gì đó tương tự (các truyền thuyết Mường gọi vua Việt là Bua Dịt hay Dịt Dàng). Khi tiếp xúc với người phương Nam, tổ tiên người Hán, với tính cách du mục vốn có, đã rất chú ý đến loại công cụ có thể được dùng như vũ khí này, coi nó là đặc trưng quan trọng của ngưòi phương Nam nên đã gọi họ là bọn Rìu: “Uỵt” được phiên âm qua tiếng Hán cổ (tiếng Quảng Đông – vùng Bách Việt), rồi từ tiếng Hán lại phiên âm trở lại theo cách đọc Hán-Việt thành Việt. Chính cái vật chất là cái rìu lưỡi xéo có cán đã là nguyên mẫu để tổ tiên người Trung Hoa, khi tiếp xúc với phương Nam, đã mô phỏng theo đó mà tạo nên chữ Việt nguyên thủy. Còn trong tiếng Việt, chữ”Uỵt” nguyên thủy ở bản địa đã trải qua nhiều biến đổi ngữ âm để có được bộ mặt của chữ rìu hiện nay cùng với cả một họ các từ gần nghĩa: rìu, rèn, rào, dao, rựa,... Bên cạnh đó, cho đến gần đây vẫn có một chữ Việt với tư cách danh từ chung có nghĩa là rìu; nó xuất hiện trong kết hợp phủ việt (phủ = búa, việt = rìu), tương tự giống trường hợp chữ Ná người Hán mượn rồi trở về ta là chữ Nỏ.
Phan Quỳnh
________________
Chú thích
(1) Uỷ Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam, LỊCH SỬ VIỆT NAM tập I, Hà Nội, nhà xb KHXH, 1971, trang 87.
(2) Wilhelm G. Solheim, New Light on a Forgotten Past, National Geographic, Vol. 139, No. 3, March 1971, page 339.
(3) Hùng Vương Dựng Nước, tập 4, Hà Nội, nxb KHXH, 1974, trang 292-299.
(4) Dẫn theo Trần Quốc Vượng-Hà Văn Tấn, Lịch Sử Chế Độ Phong Kiến Việt Nam. Tập 1, Hà Nội, Giáo Dục, 1960, trang 26.
(5) Wilhelm G. Solheim, đã dẫn, trang 339.
(6) Phan Quỳnh, Non Bộ Trong Lịch Sử Việt Nam, Đặc san VOVINAM Việt Võ Đạo, Đại Hội Thế Giới tháng 8 năm 2000 tại California USA, trang 58- 72.
(7) Bình Nguyên Lộc, Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam, Saigon, Bách Bộc xb, 1971, Xuân Thu in lại tại Hoa Kỳ, trang 154-157, 784-787.