Nguyễn Hiền


Vòng cung kinh đào khu trung tâm Amsterdam được UNESCO công nhận là di sản thế giới

 

Trung tâm Amsterdam với những kinh đào hình vòng cung. Nguồn: BMZVào ngày 01/08/2010, trong phiên họp lần thứ 34 tại Ba Tây, Ủy ban Di sản Thế giới (World Heritage Commitee) của UNESCO đã chấp thuận yêu cầu của Hòa Lan là đưa một phần của hệ thống vòng cung kinh đào trung tâm Amsterdam (phần cổ nhất, trong vùng Singel, được tạo dựng trong thế kỷ 17) vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Quyết định này dựa trên ba tiêu chuẩn đánh giá mang số I, II và IV:

– là kiệt tác của thiên tư con người,
– đã trưng ra được sự tương tác giữa các giá trị của nhân loại.
– và là một biểu tượng tuyệt vời của một công trình xây dựng, một tổ hợp hoặc kiến trúc hoặc kỹ thuật của cảnh quan, đã trưng ra được những bước đáng kể trong lịch sử nhân loại.

Với quyết định này, Hòa Lan có tổng cộng 9 địa danh và công trình được ghi trong danh sách Di sản Thế giới Unesco (8 về văn hóa và 1 về thiên nhiên, xem toàn bộ danh sách các di sản trên thế giới tại: http://whc.unesco.org/en/list).

Hệ thống vòng cung kinh đào bao quanh vùng nội ô Amsterdam được khởi công năm 1612 để đáp ứng nhu cầu phát triển bộc phát của thành phố. Amsterdam khi ấy là một thành phố phồn thịnh và là một trung tâm buôn bán của thế giới. Công trình được bắt đầu bằng ba con kinh vòng đai chính là Herengracht, Keizersgracht van Prinsengracht. Sau đó, vào năm 1658 những con kinh này được đào tiếp thêm thành những đoạn nối dài: Nieuwe Herengracht, Nieuwe Keizersgracht và Nieuwe Prinsengracht. Khu trung tâm Amsterdam từ đây được bao bởi ba vòng kinh bán nguyệt cho tới hậu bán thế kỷ 19, khi hệ thống vòng cung kinh đào này được mở rộng thêm thành một hệ thống kinh chằng chịt như hình ảnh ngày hôm nay.

Nhiều dinh thự trên bờ những con kinh này có chủ là những nhà buôn nổi tiếng, nhà băng lớn, cơ sở thương mại… và từng là nơi cư ngụ của nhiều đại tài phiệt hay nhân vật có quyền cao chức trọng khi xưa. Nhiều căn nhà có kiểu dáng mặt tiền độc đáo, với đặc trưng của những trường phái kiến trúc cổ khác nhau. Đây là nơi du khách đến thăm Amsterdam không thể bỏ qua.

Không nơi nào trên thế giới lại có sự kết hợp giữa các con kinh đào với những ngôi nhà rộng dọc theo bờ kinh có vườn nằm sâu ở sau nhà. Vào thế kỷ 17 (được mệnh danh là thời kỳ vàng son ‘gouden eeuw’ ở Hòa Lan), hệ thống kinh rạch và nhà cửa được xây dựng cho việc thương mại, để cho hàng hóa được chuyển vận bằng tàu thuyền từ các con kinh ra con sông Amstel và đi xa hơn nữa, hay đưa hàng của các tàu buôn lên bờ. Nhiều căn nhà có gắn ròng rọc nơi mặt tiền để người ta có thể trục hàng lên kho chứa. Trong 400 năm qua khu này được bảo tồn kỹ lưỡng và còn nguyên vẹn. Vì tính độc đáo và do giá trị văn hóa, lịch sử, là nguồn hấp dẫn du khách, chính phủ Hòa Lan từ năm 1999 đã xếp khu phố cổ Amsterdam với những kinh đào này vào loại cổ tích được bảo tồn. Năm 2006, Hòa Lan đã có ý định làm thủ tục xin Unesco công nhận phần cổ nhất của vòng cung kinh đào khu trung tâm Amsterdam là Di sản Văn hóa Thế giới, nhưng phải chờ đến năm 2008 dự án nộp đơn mới được quốc hội thông qua.

Quyết định của UNESCO là một tin mừng cho dân Hòa Lan, nhưng nhiều người đã quên rằng những con kinh và phố cổ này nhiều lần trong lịch sử đã được mang ra tranh cãi trong những dự án đập bỏ một số nơi trong khu phố cổ có nguy cơ bị sập lún để tân tạo thành phố Amsterdam thành một thủ đô có bề mặt ‘đẹp hơn’, theo cách nhìn của người dân thời đó. Trong thập niên ‘50 và ‘60 của thế kỷ trước, đã có những dự án xây những cao ốc khổng lồ làm văn phòng và thiết lập một hệ thống đường giao thông xuyên ngang thành phố. Qua sự tranh đấu quyết liệt của Hội Bạn Vùng Nội Ô Amsterdam, cuối cùng dự án đã bị hủy bỏ.

Thị xã Amsterdam cũng đã hứa là sẽ cố duy trì sinh hoạt hiện nay tại khu cổ tích này trong phạm vi có thể, để tránh khu phố lâm vào tình trạng ‘ngủ triền miên’ như đã xảy ra ở Brugge (Bỉ) va Salzburg (Áo).

 

Nguyễn Hiền

___________

Ghi chú thêm: Cũng trong phiên họp này, Ủy ban Di sản Thế giới cũng đã quyết định đưa Hoàng thành Thăng Long, với những di tích cổ 1000 năm, vào danh sách Di sản Văn hóa Thế giới.

 


Cái Đình - 2010