Việt Nam cũng có trường thành
QUẢNG NGÃI (CNN) - Gần đây các nhà khảo cổ đã khám phá ra một dải trường thành của Việt Nam xây dựng cách đây hai thế kỷ nằm dọc theo những dải đồi núi hẻo lánh của một tỉnh ở miền Trung Việt Nam.
Theo một bài viết của hãng tin CNN ngày Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011, sau 5 năm thám hiểm và khai quật, một đoàn khảo cổ đã khám phá một bức tường dài đến 127 km mà người địa phương gọi là “Trường thành của Việt Nam.”
Giáo sư Phan Huy Lê, chủ tịch Hội Sử Học Việt Nam, nói rằng “Ðây là công trình dài nhất Ðông Nam Á.”
Trường thành được xây đắp bằng đá với đất mà một số đoạn cao tới 4 mét.
Năm 2005, Tiến Sĩ Andrew Hardy, giáo sư phụ khảo và cũng là trưởng chi nhánh Hà Nội của Trường Viễn Ðông Bác Cổ tìm thấy một chi tiết bất ngờ về “Trường Thành ở Quảng Ngãi” trong một tài liệu của triều đình Huế năm 1885 có tựa đề: “Ðịa lý miêu tả của triều vua Ðồng Khánh.”
Nó kích thích trí tưởng tượng của ông và rồi dẫn đến một dự án thám hiểm và khai quật do Tiến Sĩ Hardy và Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Ðông, một nhà khảo cổ của Viện Khảo Cổ Việt Nam, dẫn đầu.
Trường thành của Việt Nam đã được khám phá sau 5 năm khảo cứu khai quật.
Nó kéo dài từ phía bắc tỉnh Quảng Ngãi xuống phía Nam đến tỉnh Bình Ðịnh và có thể nói đây là công trình xây dựng lớn nhất của triều Nguyễn.
Công trình xây dựng Trường Thành đã bắt đầu từ năm 1819 dưới sự chỉ huy của tướng quân Lê Văn Duyệt, một vị quan phục vụ dưới thời vua Gia Long.
Tuy được người địa phương gọi là Trường Thành như tên Trường Thành của Trung quốc, nhưng nó giống với trường thành Hadrian, một trường thành xây dựng phân chia Anh Quốc và Scotland thời còn đế quốc La Mã.
Cũng giống như trường thành Hadrian, trường thành của Việt Nam được xây dựng dọc theo con đường có sẵn từ trước. Hơn 50 đồn trại cổ đã được tìm thấy dọc theo Trường Thành, thiết lập để duy trì an ninh và thu thuế.
Có những dấu hiệu để cho rằng nhiều đồn trại, chợ và chùa, xây dựng dọc theo con đường, cổ hơn là bức Trường Thành. Nó vừa được dùng để đánh dấu biên giới vừa để điều hành thương mại và di chuyển giữa người Việt ở đồng bằng và các sắc dân thiểu số Hrê ở các thung lũng miền núi.
Các nhà khảo cứu phỏng đoán sự xây dựng Trường Thành có thể có sự hợp tác giữa người Việt và người Hrê. Theo sự nhận định của một số chuyên viên, xây dựng Trường Thành đem lợi ích cho dân cư cả hai cộng đồng. Cư dân ở cả hai khu vực kể nhiều câu chuyện về việc tổ tiên họ xây dựng Trường Thành thế nào, để bảo vệ lãnh thổ khỏi sự xâm lấn của phía bên kia.
Hiện đang có đơn xin nhà nước công nhận Trường Thành Quảng Ngãi là di sản văn hóa quốc gia với tham vọng biến khu vực trở thành một điểm hấp dẫn du khách quốc tế.
Khi đến Quảng Ngãi thăm viếng hồi năm 2010, Christopher Young, giám đốc Tư Vấn Quốc Tế về Truyền Thống Anh Quốc, nhận xét: “Trường Thành (Quảng Ngãi) cống hiến một cơ hội to lớn để khảo cứu, bảo tồn và sử dụng bền vững.”
Trường Thành không phải là tài nguyên du lịch duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi. Khu vực này có những vùng rừng núi hoang dã xanh tốt, các suối nước nóng, một đảo núi lửa ở ngoài khơi, các vỉa san hô và nhiều bãi biển đẹp.
Cho tới thời gian gần đây, nhà cầm quyền không mấy vui vẻ cho người ngoại quốc tiếp xúc với các cộng đồng người thiểu số.
Nếu dự định phát triển khu vực Trường Thành về du lịch thành công, nó đòi hỏi nhà cầm quyền cổ võ du lịch đi bộ và xe đạp qua các khu vực công đồng thiểu số trước đây bị cô lập ở vùng cao trên một qui mô chưa từng có.
Như vậy, Việt Nam sẽ mở ra một hình thức du lịch mới: du lịch lịch sử sinh thái. Nó sẽ tạo ra một hình thức du lịch bằng chân lớn nhất khu vực Ðông Nam Á.