Phạm Ðình Lân
Về nước Nga
Nước Nga là quốc gia rộng lớn nhất thế giới nằm ở cực Bắc Bán Cầu. Nước nầy rộng 17 triệu km2, chạy dài từ Âu sang Á 11 múi giờ. Gọi là Nga vì nước nầy có nhiều thiên nga (swan), ngỗng (geese) và vịt trời (wild duck) thuộc gia đình Anatidae.
Nước Nga có những đặc điểm nổi bật sau đây:
– Về phương diện địa lý, đó là quốc gia Âu-Á với 13 triệu km2 (77% tổng diện tích) phủ đầy tuyết trắng và chỉ có một số người du mục Yenets, Huns, Yakuts, Scythian Ba Tư (Hồi Giáo), Uyghurs gốc Thổ (Hồi Giáo) sinh sống v.v… Phía bắc nước Nga là Bắc Băng Dương bị đóng băng quanh năm nên việc lưu thông bằng đường biển hoàn toàn không gặp điều kiện thuận lợi. Ở phía nam có Hắc Hải hiện thuộc chủ quyền của Nga và Ukraine. Biển Caspian là một biển chết. Mực nước càng ngày càng thấp dần. Nga chỉ có một phần biển Baltic nhỏ bé ở phía tây bắc thuận lợi cho việc lưu thông tàu bè. Nhưng vào mùa đông phần biển nầy và phần biển bắc Thái Bình Dương ở Vladivostok về phía đông đều bị đóng băng.
– Nga đắm chìm trong chế độ phong kiến lạc hậu vào thế kỷ XVII giữa lúc Louis XIV của Pháp được xem là Thái Dương Vương và thành phố Paris là kinh đô ánh sáng; Hòa Lan phát triển hàng hải và biến quần đảo Indonesia thành thuộc địa để trở thành quốc gia bán hương liệu gần như độc quyền ở Âu Châu đến nỗi Nga hoàng Peter Ðại Ðế (1672-1725) phải giả làm thường dân đi Hòa Lan học hỏi kỹ thuật chiến tranh và kỹ nghệ năm 1697-98.
– Trên đường tìm biển Nga phải gây chiến với Thụy Ðiển về biển Baltic và Thổ Nhĩ Kỳ trên đường tìm hải lộ Hắc Hải-Ðịa Trung Hải ngay từ thế kỷ XVII. Vào thế kỷ XIX việc tìm đường ra Ðịa Trung Hải của Nga gặp phải sự cản trở của Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Pháp. Cuộc chiến tranh Crimea 1853-1856 làm cho Nga thất vọng. Họ hướng về bắc Thái Bình Dương. Tại đây họ gặp một đối thủ khác đang tìm đường Tây tiến từ hải đảo vào lục địa Ðông Bắc Á: Nhật Bản. Ðó là nguồn gốc của chiến tranh Nga-Nhật năm 1904 ở Mãn Châu và 1905 tại eo biển Tsushima.
– Nga là một quốc gia Âu-Á khép kín với thế giới bên ngoài dưới chế độ Nga hoàng. Các Nga hoàng đều thi hành chánh sách cai trị cứng rắn. Ðại đa số dân chỉ là nông nô làm việc trong các nông trang của các nhà quí tộc từ đời nầy đến đời khác. Chánh sách quân điền của Nga hoàng đã biến con cái của các nông nô thành lính canh gác và chiến đấu bảo vệ điền trang nơi cha mẹ họ lao động để sống. Trẻ em 07 tuổi bắt đầu được huấn luyện sử dụng võ khí để trở thành quân điền. Nga hoàng ra lịnh đàn áp đẫm máu những cuộc nổi dậy dù xuất phát từ bất cứ nguyên nhân nào. Tòa án tuyên án tử hình hàng loạt nên có những cuộc hành quyết tập thể ghê rợn. Sự đàn áp đẫm máu của chế độ Nga hoàng chỉ kém hơn phép tru di tam tộc của các vua chúa Việt Nam và tru di cửu tộc của vua chúa Trung Hoa mà thôi. So với Anh, Pháp hay Hòa Lan chánh sách ấy được liệt vào sự tàn bạo Á châu (cruauté asatique). Nếu người Việt Nam bị khép kín quanh lũy tre làng với phép vua thua lệ làng để phát triển óc địa phương thì người Nga bị khép trong quốc gia to lớn mênh mông để nuôi dưỡng lòng yêu nước hẹp hòi và cực đoan. Tuyết trắng và lòng yêu nước cực đoan đã bảo vệ nước Nga trước đạo quân xâm lăng của Napoléon I năm 1812 và quân Ðức Quốc Xã vào năm 1941. Sự thất bại của Napoléon I ở Nga dẫn theo sự sụp đổ của đế chế do ông đại diện năm 1814 rồi sự thảm bại Waterloo năm 1815 với chánh phủ 100 ngày. Trận đánh Leningrad kéo dài 872 ngày. Có 1 triệu thường dân chết vì thiếu lương thực. Trận Stalingrad kéo dài 200 ngày. Có 2 triệu người lính của Ðức và Liên Sô chết trong trận đánh với 40.000 thường dân thiệt mạng. Thế là đạo quân xâm lăng Ðức tuyệt vọng trên bước đường xâm lăng của họ để chờ ngày bại vong.
– Nga kỹ nghệ hóa chậm trễ hơn các nước Tây Âu. Họ không có đội hải quân hùng hậu để mở những cuộc viễn chinh xa xôi như Anh, Pháp, Hòa Lan. Nhưng dưới thời Nga hoàng, Nga cũng là một đế quốc. Họ nới rộng lãnh thổ bằng cách sáp nhập những thuộc địa của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ ở phía nam, phân chia nước Ba Lan ở phía tây, tiến về phía đông sáp nhập vùng đất chạy dài từ hồ Baikal đến sông Argun (hiệp ước Nerchinsk ký năm 1689 đời Kangxi – Khang Hy). Năm 1858 nhà Thanh ký hiệp ước Aigun nhường 600.000km2 ở phía bắc sông Amur (Hắc Long Giang – Heilongjiang) và hiệp ước Beijing 1860 nhường vùng Ngoại Mãn Châu tính luôn cả đảo Sakhalin.
Khác với Anh, Pháp, Hòa Lan và các nưóc Âu châu khác, Nga khai triển chủ nghĩa đế quốc tại chỗ với các quốc gia láng giềng. Từ triều đại Romanov (1613-1917) đến năm 1991 người Nga hoàn toàn xa lạ với những từ ngữ Tự Do, Dân Chủ. Quân sĩ tham dự cuộc bao vây Paris năm 1814 mang các tập thơ của Pháp về nước và phổ biến trong vòng bí mật. Ðọc thơ Pháp cũng bị tù đày hay bị tử hình, đừng nói chi đến việc đọc những cuốn sách về định chế chánh trị dân chủ Tây Phương.
Chế độ Nga hoàng sụp đổ. Nạn nhân đầu tiên của chế độ Cộng Sản là gia đình Nga hoàng Nicholas II. Kế đó là những nông dân bị đàn áp đẫm máu vì không hưởng ứng chánh sách nông nghiệp tập thể của chánh quyền Cộng Sản. Với chánh sách Cộng Sản thời Lenin có 06 triệu người Nga chết đói năm 1921 khiến chánh quyền Cộng Sản phải ban hành chánh sách Tân Kinh Tế (NEP; New Economic Plan) để cứu vãn mức sản xuất nông nghiệp trong nước có nội chiến. Sau NEP Stalin bắt đầu đàn áp những Kulags tức những phú nông phát đạt nhờ chánh sách NEP. Có 20 triệu người Nga và Ukraine chết; 2 triệu người bị đày sang Tây Bá Lợi Á lao động và chết dần mòn trong cảnh lao động khổ sai lại thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc men trên vùng đất giá lạnh. Có lối 25 triệu người khác bị giết chết trong thời kỳ Ðại Thanh Trừng của Stalin. Gần 50 triệu người Nga chết dưới hình thức nầy hay hình thức khác để Lenin và Stalin củng cố quyền hành. Người Nga mua danh dự cường quốc quân sự thứ nhì trên thế giới và chiến thắng quân Ðức Quốc Xã với gần 50 triệu xác chết chưa kể 26 triệu người thiệt mạng trong đệ nhị thế chiến.
Lenin và Stalin
Lenin kết hợp chủ nghĩa xã hội quốc tế của Marx với tổ chức của Vatican và Hoa Kỳ để đưa nước Nga lên hàng đế quốc mà không cần phải có cơ đội hải quân hùng hậu đi chinh phục xa xôi. Năm 1919 ông thành lập Ðệ Tam Quốc Tế Cộng Sản (Comintern) xem Karl Marx là ‘Thánh Tổ’. Bản thân ông Lenin là ‘Giáo Hoàng’. Moscow là ‘Vatican’ của thế giới Cộng Sản như Vatican đối với Giáo Hội Thiên Chúa Giáo thế giới. Các ông Hồ Chí Minh, Chen Duxui (Trần Ðộc Tú, Li Dazhao (Lý Ðại Triều), Zhang Guoutao (Trương Quốc Ðào), Dimitrov… là các ‘Hồng Y’ ở các quốc gia địa phương. Ðảng viên Cộng Sản là các ‘linh mục’ thoát ly gia đình. Họ không có tổ quốc, không có gia đình, không tôn giáo mà chỉ có Ðệ Tam Quốc Tế Cộng Sản (nước Nga), chủ nghĩa Marx-Lenin với hình ảnh của hai ông Karl Marx và Lenin để tôn thờ mà thôi. Lenin bày tỏ ý muốn tóm thâu thiên hạ nếu có một tổ chức như Hoa Kỳ! Một sự kiện đáng lưu ý là Cộng Sản Nga xem Hoa Kỳ là thành trì tư bản chủ nghĩa cần phải đánh đổ và tự hào chế độ Cộng Sản giải phóng người lao động nhưng Cộng Sản Quốc Tế dùng ngày 01 tháng 05 làm ngày Quốc Tế Lao Ðộng và ngày 08 tháng 03 làm ngày Phụ Nữ. Cả hai ngày này là thành quả của cuộc đấu tranh của người lao động và phụ nữ Hoa Kỳ!
Lenin có mộng đế quốc nhưng lớn tiếng lên án chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân và ra vẻ yểm trợ các nước thuộc địa chống lại các đế quốc Tây Phương như Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Hòa Lan v.v… Nguyễn Tất Thành gia nhập vào đảng Cộng Sản Pháp vào ngày đảng này được thành lập vào cuối năm 1920 chỉ vì được một đại biểu trong đại hội cho biết Ðệ Tam Quốc Tế giúp các dân tộc thuộc địa giải phóng. Một người Pháp đưa cho ông đọc bản Luận Cương của Lenin về vấn đề thuộc địa đăng trên tờ l’Humanité, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Pháp sau nầy. Ông vui mừng như Newton khám phá một điều gì khi thấy trái ‘pomme’ rớt xuống hay Archimèdes trần truồng chạy ra ngoài đường khi đang tắm và la lên: Eureka! Eureka! (tôi đã tìm thấy). Có điều lạ là người ta tin vào lòng tốt của Lenin và nước Nga mà không buồn đặt câu hỏi: Họ được lợi gì mà giúp các dân tộc thuộc địa giải phóng ngoài việc ‘trâu cột muốn giành cỏ với trâu ăn’? Trên đời có ai chịu tốn tiền và xương máu vì một chuyện tào lao nào đâu. Có lý nào ông Lenin là người bất thường trong thế giới nhân loại bình thường? Ông không bất thường mà siêu bình thường. Ông không biết nước Việt Nam cũng không biết Hồ Chí Minh là ai vậy mà ông thành công to tát ở Việt Nam nơi đảng Cộng Sản Việt Nam chối bỏ mọi công lao của các anh hùng dân tộc để dựng bức tượng đồ sộ của ông ở Hà Nội. Người Cộng Sản chối bỏ tổ quốc mình để phục vụ và hy sinh cho tổ quốc Nga! Khi Stalin sát hại những đảng viên Cộng Sản bị chụp mũ Trotskyite thì các đảng viên Cộng Sản trên thế giới phải tìm người thuộc khuynh hướng Ðệ Tứ Quốc Tế để thanh toán. Chuyện của thời thập niên 1920 và 1930 ở Liên Sô được diễn ra ở Việt Nam năm 1945 khi Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Huỳnh Văn Phương… bị nhóm Stalinist giết chết một cách tàn bạo và ghê rợn. Stalin cần thành lập Mặt Trận Bình Dân (Front Polulaire) để chống chủ nghĩa phát xít tức thì Mặt Trận Bình Dân ra đời ở Pháp với Léon Blum (1936). Ở Việt Nam đảng Cộng Sản Ðông Dương phải đặt dưới sự chỉ đạo của đảng Cộng Sản Pháp theo sự sắp xếp của Stalin. Khi Stalin ra lịnh cho Molotov ký hiệp ước bất tương xâm với Ðức Quốc Xã năm 1939 thì đảng Cộng Sản Ðông Dương cũng phải tìm cách giải thích cái tốt của Liên Sô đối với nhân loại. Khi Ðức tấn công Liên Sô thì các đảng Cộng Sản trên thế giới kêu gào cứu giúp thành trì xã hội chủ nghĩa thế giới. Khi Stalin tìm cách hòa hoãn với Nhật bằng cách ký kết hiệp ước với Nhật thì ông Hồ Chí Minh ung dung ở hang Pắc Bó dịch lịch sử đảng Cộng Sản Nga và cách đánh du kích của Mao Zedong (Mao Trạch Ðông) ở Yenan (Diên An).
Theo gương Liên Bang của Hoa Kỳ, Cộng Sản Nga sáp nhập các quốc gia láng giềng ở phía Nam (Georgia, Turkmenistan, Uzbekistan, Tajikistan, Kazakhstan, Azerbeijan), phía Tây (Latvia, Lithuania, Estonia) và phía Ðông (Mông Cổ) vào nước Nga để thành lập Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Sô Viết (Liên Sô). Diện tích Liên Sô gần 33 triệu km2. Liên Bang Hoa Kỳ thành công nhưng Liên Bang Sô Viết thất bại và giải thể năm 1991 vì các Cộng Hòa Sô Viết bị Nga hóa, mất tôn giáo, bản sắc chủng tộc và địa phương để hoàn toàn lệ thuộc vào Nga.
Stalin tìm cách khống chế đảng Cộng Sản Trung Hoa. Những đại hội đầu của đảng nầy được tổ chức ở Moscow. Liên Sô đào luyện 28 đảng viên Cộng Sản Quốc Tế gốc Trung Hoa đưa về nước lãnh đạo đảng. Sự thất bại của đảng Cộng Sản năm 1927 làm cho nhiều đảng viên Cộng Sản Trung Hoa không tin vào sự chỉ đạo của Liên Sô. Li Dazhao trốn trong tòa lãnh sự Liên Sô nhưng bị quân Quốc Dân Ðảng xông vào bắt và hành quyết. Từ đó Mao mặc nhiên trở thành người lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Hoa. Ông dùng nông dân (95% dân số Trung Hoa) làm lực lượng nòng cốt và lấy nông thôn làm địa bàn đấu tranh khác với những đảng viên Cộng Sản được thụ huấn ở Liên Sô như Zhang Guotao (Trương Quốc Ðào) và Wang Ming (Vương Minh) và những người sáng lập ra đảng Cộng Sản Trung Hoa năm 1921 dựa vào công nhân ở thành thị.
Ðế quốc Liên Sô bành trướng ở Ðông Âu sau đệ nhị thế chiến. Số quốc gia Cộng Sản gia tăng. Các nước Ðông Ðức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hung Gia Lợi, Bulgaria, Romania, Albania đều trở thành những nước chư hầu của Liên Sô. Tượng Stalin được dựng lên ở các thành phố lớn ở Ðông Âu. Nam Tư là một nước Cộng Sản. Tito là người được Moscow huấn luyện nhưng Tito mạnh dạn đối đầu với Stalin bằng cách độc lập với Liên Sô khác với những quốc gia Ðông Âu vừa kể. Trước kia Nga tìm đường ra Ðịa Trung Hải thì gặp Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Pháp cản trở. Ra Baltic thì gặp Ðức, Anh. Ra Bắc Thái Bình Dương thì gặp Nhật. Tràn xuống phía Iran, Afghanistan, Tây Tạng thì gặp Anh nên phải ký hiệp ước 1907 làm hòa với Anh. Bây giờ Anh không còn là đối thủ của Liên Sô. Nhưng Liên Sô phải đối đầu với một cường quốc dân chủ khác: Hoa Kỳ.
Nga mất phần ở Trung Ðông sau khi đệ nhất thế chiến chấm dứt. Vùng nầy là vùng ảnh hưởng của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Ðức trong đệ nhất thế chiến. Ðức bại trận. Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu số phận của quốc gia chiến bại. Anh và Pháp được ủy trị ở Syria và Iraq. Nga bị loại vì năm 1917 Lenin được Ðức giúp đỡ về nước lãnh đạo cuộc cách mạng vô sản. Ðức giúp Lenin để được rảnh tay ở mặt trận phía Ðông giữa lúc họ thất thế ở mặt trận phía Tây do sự phản công mạnh mẽ của quân Pháp và sự tham chiến của Hoa Kỳ mà ra. Cuộc khủng hoảng Kinh Ðào Suez năm 1956 giúp cho Liên Sô có cơ hội hiện diện ở Trung Ðông. Nasser quốc hữu hóa kinh đào Suez. Liên quân Anh Pháp tấn công Ai Cập để giải tỏa kinh đào. Do Thái chiếm bán đảo Sinai. Hoa Kỳ không ủng hộ Anh Pháp tái chiếm kinh Suez. Liên Sô đe dọa dùng hỏa tiễn đẩy liên quân Anh-Pháp ra khỏi Ai Cập. Lợi dụng sự thù hận của các quốc gia Á Rập đối với Do Thái, Lien Sô bành trướng ảnh hưởng ở Ai Cập và Syria. Ðại tá Nasser được xem là người hùng của khối Á Rập chống Do Thái. Syria hăng say trong việc đánh đuổi Do Thái ra khỏi vùng Trung Ðông. Năm 1958 nước nầy tự nguyện sáp nhập vào Ai Cập để cho ra đời Cộng Hòa Á Rập Thống Nhất. Liên Sô viện trợ kinh tế và quân sự cho Ai Cập. Họ giúp Nasser xây đập Aswan trong khi Ngân Hàng Thế Giới chần chờ chưa cho Ai Cập mượn tiền để thực hiện chương trình to tát nầy. Năm 1960 đập bắt đầu xây. Ai Cập nhận phi cơ Mig, xe tăng và võ khí tối tân. Hàng chục ngàn cố vấn quân sự Liên Sô được phái sang Ai Cập. Các ông Anwar Sadat và Hosni Mubarak, những người lãnh đạo Ai Cập sau khi Nasser mất, đều là những tướng lãnh được Liên Sô huấn luyện. Nasser tin tưởng vào Liên Sô và các nước Cộng Sản. Liên Sô được xem như nước có trách nhiệm lớn trong cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, Ðó là sự đại bại của Ai Cập, Syria, Jordan và xa hơn của Liên Sô vì họ nghĩ rằng Do Thái không đủ sức đương đầu với ba mũi tấn công từ phía Bắc (Syria), Nam (Ai Cập), và Ðông (Jordan). Trong chớp mắt 350 chiếc phi cơ Mig của Ai Cập chưa kịp thi hành phi vụ thì đã bị Do Thái phá hủy ngay tại phi trường. Uy tín của Nasser xuống thấp. Ông mất năm 1970. Tướng Sadat lên làm tổng thống. Ông tiếp tục chiến tranh với Do Thái năm 1973 bằng trận đánh bất ngờ nhưng rốt cuộc cũng không đạt được kết quả mong muốn. Sadat chuyển hướng sang nhận viện trợ Hoa Kỳ và hòa giải với Do Thái. Các cố vấn Liên Sô rời khỏi Ai Cập. Nhưng họ còn bấu víu ảnh hưởng ở Syria, quốc gia miệt mài chống Do Thái. Syria trở thành thị trường tiêu thụ võ khí của Liên Sô. Tướng Hafez al-Assad là một quân nhân do Liên Sô huấn luyện. Năm 1970 ông đảo chánh và nắm chánh quyền từ đó đến năm 2000. Ông có quan hệ mật thiết với Liên Sô. Năm 1971 một thỏa ước được ký kết giữa Syria và Liên Sô. Theo đó tàu chiến Liên Sô được hiện diện tại cảng Tartus. Ðó là cảng duy nhất trên bờ Ðông Ðịa Trung Hải của Liên Sô. Năm 1991 Liên Sô sụp đổ nhưng hải quân Nga vẫn hiện diện ở Tartus.
Vào giữa thập niên 1970 số quốc gia theo Cộng Sản gia tăng sau khi Cộng Sản Việt Nam thống nhất miền Nam Việt Nam bằng võ lực. Cambodia, Lào đều theo chế độ Cộng Sản. Ở Tây Bán Cầu Cuba là quốc gia Cộng Sản thân Liên Sô nằm sát bên Hoa Kỳ. Nicaragua có tổng thống tả phái v.v… Thực tế khối Cộng Sản rạn nứt trầm trọng. Trung Quốc tranh giành quyền lãnh đạo với Liên Sô. Các du kích Cộng Sản ở Nam, Trung Mỹ, Phi Châu, Ðông Nam Á có khuynh hướng theo chủ nghĩa Mao hơn là Liên Sô (ngoại trừ Việt Nam sau 1975). Liên Sô xua quân xâm lăng Afghanistan. Cộng Sản Việt Nam xua quân sang Cambodia. Cả hai nước Cộng Sản nầy không che giấu nổi khuynh hướng đế quốc của họ. Liên Sô bị sa lầy ở Afghanistan. Cộng Sản Việt Nam bị thế giới lên án về việc xâm lăng Cambodia. Năm 1991 Liên Sô hoàn toàn sụp đổ. Cộng Sản Việt Nam phải qui phục Trung Quốc để bám lấy chánh quyền và chịu chấp nhận mọi điều kiện do Beijing (Bắc Kinh) đưa ra. Năm 2002 hải quân Nga rời cảng Cam Ranh.
Gorbachev và Yeltsin
Gorbachev là người lãnh đạo Cộng Sản cuối cùng ở Liên Sô. Yeltsin là tổng thống đầu tiên của Nga sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ. Các Cộng Hòa Sô Viết đều tuyên bố độc lập. Nước Nga tập tễnh trong việc xây dựng dân chủ và kinh tế thị trường. Các xí nghiệp quốc doanh giải thể. Nhiều khoa học gia Nga rời khỏi nước để tìm cuộc sống dễ dãi và nơi có phương tiện nghiên cứu sâu rộng hơn. Hoa Kỳ trở thành mảnh đất hứa của họ. Xã hội Nga bỗng dưng tràn ngập nhiều tệ đoan xã hội thời hậu Cộng Sản. Thanh niên hút xách, rượu chè gia tăng phi mã. Bản thân tổng thống Yeltsin cũng là người nghiện rượu nặng. Nạn du đãng hoành hành. Yeltsin phải học hỏi kỹ thuật vận động bầu cử khi ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai. Người Nga thán phục ông Yeltsin khi xé thẻ đảng Cộng Sản và đứng trước xe tăng đảo chánh Gorbachev để lên án họ. Sự an toàn của Gorbachev được đảm bảo nhưng ông mất địa vị lãnh đạo. Chế độ Cộng Sản cáo chung (1991). Nhưng Yeltsin tỏ ra quá yếu trước Hoa Kỳ. Tự ái người Nga bị lay động ít nhiều. Yeltsin tìm cách rút khỏi chánh trường bằng cách trao quyền cho một cựu sĩ quan tình báo, Putin, để ông nầy đừng đá động gì đến những lỗi lầm của ông trong gần hai nhiệm kỳ lãnh đạo nước Nga thời hậu Cộng Sản.
Hai quốc gia Cộng Sản bị thiệt thòi nặng nề vì sự sụp đổ của Liên Sô là Cuba và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Cả hai đều mất viện trợ từ Liên Sô. CHXHCNVN chẳng những mất viện trợ mà còn phải trả nợ cho nước Nga và chịu nhục nhã sang Trung Quốc để tạ tội hầu bảo vệ chánh quyền bằng mọi giá dù phải chịu nhục nhã, mất đất, mất đảo, mất biển v.v…
Ðịa vị của Nga trên chánh trường thế giới sụt giảm. Nền dân chủ Nga èo uột trong một quốc gia có quá khứ độc tài lâu dài. Sức mạnh của nước Nga là kho vũ khí với hàng chục ngàn trái bom nguyên tử. Kinh tế Nga chỉ trông đợi vào việc bán võ khí, xuất cảng kỹ thuật sản xuất võ khí, xuất cảng dầu thô. Ðồng minh hiện nay của Nga là Trung Quốc, các quốc gia độc tài ở Phi Châu, Nam Mỹ và Trung Ðông. Họ bán võ khí cho Trung Quốc đe dọa các quốc gia Ðông Nam Á và bán võ khí, phi cơ, tàu chiến cho các nước Ðông Nam Á để tự vệ nếu bị Trung Quốc xâm lăng. Nga đứng sau Iran, Syria tạo sự bất ổn ở Trung Ðông để bán võ khí và hiện diện ở cảng Tartus. Nga bán võ khí cho Venezuela và kết thân với Hugo Chavez để gây rối Hoa Kỳ trả đũa lại việc Hoa Kỳ và NATO bám sát Nga ở Ukraine và Georgia, cựu Cộng Hòa Sô Viết trước kia. Putin là một cựu sĩ quan mật vụ, tình báo. Ông thường phô trương sức mạnh của bắp thịt khi ở trần cỡi ngựa, cỡi mô tô hay biểu diễn Judo khi thăm viếng Nhật. Ông bày tỏ sự ngưỡng mộ nhà độc tài Stalin và cố đưa nhà độc tài nầy lên hàng anh hùng dân tộc Nga trong dư luận Nga thời hậu Cộng Sản. Ông có nhiều thủ thuật vĩnh cửu quyền hành bằng định chế chánh trị ‘dân chủ’. Từ năm 1999 đến 2008 ông giữ chức thủ tướng, tổng thống hai nhiệm kỳ. Ðến năm 2008 ông đưa Dmitry Medvedev ra ứng cử tổng thống để ông về giữ chức vụ thủ tướng vì hiến pháp chỉ cho phép đương kim tổng thống được tái ứng cử một lần mà thôi. Ðến năm 2012 ông ra tranh cử tổng thống. Lần nầy nhiệm kỳ tổng thống là 6 năm theo hiến pháp tu chính! Nếu mọi việc đều suôn sẻ như ý định thì ông sẽ làm tổng thống từ 2012 đến 2018 rồi 2018-2024!
Medvedev và Putin
Nga thời hậu Cộng Sản có vẻ thân thiện với Trung Quốc hơn thời Sô Viết mặc dù lúc bấy giờ cả hai nước đều là Cộng Sản. Nga và Trung Quốc hiện đang cắn nhau. Cả hai nước đều quen thuộc với chánh sách độc tài. Cả hai đều tìm cách làm suy yếu Hoa Kỳ. Trung Quốc muốn Hoa Kỳ suy yếu để lãnh đạo thế giới.
Nga tức giận Hoa Kỳ bám sát họ tận Hắc Hải và vùng Caucasus.
Trung Quốc cần sự liên minh hay ít ra sự trung lập của Nga trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển, đảo với Nhật và các nước trong khối ASEAN trước sự xuất hiện chập chờn của tàu chiến Hoa Kỳ.
Nga và Trung Quốc chịu lép vế trước các nước dân chủ Tây Phương trong việc lật đổ Qdafi ở Libya năm 2011. Bề ngoài Nga và Trung Quốc có vẻ như đồng minh thân thiện với Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải (SCO: Shanghai Cooperation Organization – 1996) gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyztan, Tajikistan, Uzbekistan và pICS (pasil, Russia, China, South Africa). Cả hai đều ủng hộ Qdafi và Assad ở Syria trong cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2011 đến nay. Nga và Trung Quốc ủng hộ Iran và tìm mọi cách ngăn chận sự mạnh tay của Hoa Kỳ, Do Thái và Liên Âu trong chương trình sản xuất bom nguyên tử của Iran và Bắc Hàn. Năm 2013 Xi Jinping và vợ thăm viếng Moscow và được Putin tiếp đón nồng hậu. Hàng loạt thỏa ước được ký kết giữa đôi bên về việc thiết lập ống dẫn dầu từ Tây Bá Lợi Á ra Thái Bình Dương. Trên thực tế Putin lo ngại Trung Quốc hơn là lo ngại Hoa Kỳ. Ông nghĩ đến việc gia tăng ngân sách quốc phòng và việc sản xuất võ khí mới. Ở phía tây nước Nga có NATO. Chận lối ra của tàu bè Nga từ Hắc Hải ra Ðịa Trung Hải có Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia Hồi Giáo Á Châu và là thành viên lâu đời của NATO. Ở phía đông, Trung Quốc cũng là mối đe dọa lớn và thường xuyên đối với Nga. Putin từng lưu ý rằng Tây Bá Lợi Á có thể bị hoàng hóa vì Trung Quốc, Nhật Bản hay cả Triều Tiên nữa. Nga trả cho Trung Quốc những đảo nhỏ trên sông Hei Longjiang (Hắc Long Giang) để vuốt ve tự ái của Trung Quốc hầu quên rằng Nga hoàng đã chiếm 1,5 triệu km2 đất đai ở phía bắc sông Hei Longjiang ra tận bờ Bắc Thái Bình Dương. Ở Ðông Bắc Á, ngoài Trung Quốc, Nga còn gặp một đối thủ khác từng đánh bại họ năm 1904 ở Mãn Châu và 1905 tại eo biển Tsushima.
Trong đời sống cá nhân, sự thủy chung cũng khó trọn vẹn thì cũng đừng kỳ vọng có sự thủy chung trong bang giao quốc tế. Liên Sô há không ký hiệp ước bất tương xâm với Ðức Quốc Xã để chuẩn bị xâm chiếm Phần Lan và sáp nhập các tiểu quốc Baltic: Lithuania, Estonia và Latvia? Họ đã ký hiệp ước bất tương xâm với Nhật để yên mặt trận phía Ðông hầu lo đánh nhau với Ðức ở phía Tây. Khi Hoa Kỳ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima (06-08-1945) và Nagasaki (09-08-1945) thì họ tuyên chiến với Nhật để cùng Ðồng Minh chia thắng lợi trong đệ nhị thế chiến. Sự liên minh tạm bợ với Trung Quốc hiện nay cũng không khác gì thái độ cầu hòa của Liên Sô với Ðức và Nhật vào những năm 1939 và 1941. Khi Liên Sô bị Ðức tấn công thì họ trở thành Ðồng Minh của các nước dân chủ Tây Phương chống phát xít. Khi chiến tranh chấm dứt họ sớm biến quốc gia giúp đỡ họ thành kẻ thù không đội trời chung. Putin là người ngưỡng mộ Stalin, chắc chắn ông đi theo con đường mà Stalin đã vạch ra. Ông không biết làm sao phát triển kinh tế mà chỉ biết tạo bất ổn thường xuyên để bán võ khí cho các quốc gia thích hỗn loạn và chinh chiến. Ông cô đơn trong hội nghị G-8 ở Bắc Ái Nhĩ Lan vào tháng 06-2013 vừa qua về vấn đề Syria. Cuộc nội chiến phải chấm dứt. Sự thất lợi nghiêng về phía tổng thống Bashar al-Assad. Hoa Kỳ, các quốc gia Liên Âu, các quốc gia Á Rập đều bất lợi cho Assad. Ông nầy chỉ được Nga và Iran viện trợ và Hezbollah giúp đỡ bằng cách đưa người vượt biên giới Lebanon để vào giúp cho quân của Assad. Putin nổi giận khi Anh và Pháp xác nhận Assad dùng võ khí hóa học để giết những người nổi dậy võ trang. Hoa Kỳ không nhảy vào vòng chiến vì có một số kinh nghiệm quí giá từ chiến tranh Việt Nam đến chiến tranh Afghanistan và Iraq. Nhưng Hoa Kỳ sẽ giúp võ khí cho phe nổi dậy. Nga và Assad cảnh cáo cho Hoa Kỳ biết có khủng bố trong hàng ngũ phe nổi dậy. Các quốc gia Á Rập kể cả Ai Cập đều chống Assad. Nga dọa đưa võ khí thêm cho Syria đánh phe nổi dậy. Sự giúp đỡ của Assad gắn liền với sự ra đi của Nga khỏi cảng Tartus. Sự hiện diện của Nga trên bờ Ðịa Trung Hải sẽ không còn nữa. Ðó là lý do cho thấy tại sao Putin triệt để ủng hộ nhà độc tài cha truyền con nối ở Syria. Nội tâm của Putin hỗn loạn vì chuyện ly dị vợ để chung sống với một thiếu nữ nhỏ hơn ông 30 tuổi. Tại Nga những người đối lập ông không ngớt lên án ông độc tài và kêu gọi biểu tình chống ông. Ngày 18-06-2103 kho đạn hỏa tiễn và đạn đại bác bị nổ ở căn cứ Chapaevst trong vùng Samara. Kho đạn nầy có 13 triệu trái đạn đại bác và hỏa tiễn. Nhưng đây không phải là vụ nổ duy nhất từ nhiều năm qua ở nước Nga. Kho võ khí Nga cạn dần với những vụ nổ bất ngờ như thế. Kinh tế Nga chưa vươn lên để đảm bảo vai trò quan trọng của nước nầy trên lãnh vực không gian. Tệ đoan xã hội hoành hành; người yêu tự do, dân chủ thất vọng. Người yêu phồn vinh đất nước không thấy ánh sáng hy vọng lóe lên. Người Hồi Giáo ở Chechenya trong tư thế sẵn sàng vùng dậy. Bức tranh xã hội Nga có nhiều màu đen, tím và mầu xám nhưng thiếu màu hồng.
Phạm Ðình Lân, F.A.B.I.