Cao Xuân Tứ


Văn Hoá Hà Lan

Do Minh Nguyệt, phóng viên Cơ Quan Truyền Thông Úc Châu (Australian Broadcasting Corporation) thực hiện, ngày 07/05/2004 trong chương trình ‘Vòng Quanh Thế Giới’.

 


Thưa quý thính giả, trong mục ‘Vòng Quanh Thế Giới’ tuần này, chúng ta sẽ tìm hiểu một số chi tiết thú vị liên quan đến ngôn ngữ, văn học, triết học và hội hoạ của Hà Lan. Tuy chỉ là một nước nhỏ, diện tích chỉ hơn 1/8 diện tích Việt Nam và dân số khoảng 20 triệu, Hà Lan lại có nhiều đóng góp quan trọng cho đời sống văn hoá của nhân loại.

Từ sau năm 1975 có khá nhiều người Việt Nam định cư tại Hà Lan. Tuy nhiên có lẽ không ai có thẩm quyền để giới thiệu Hà Lan với chúng ta hơn là ông Cao Xuân Tứ, một nhà văn, nhà thơ và là một dịch giả, người đã định cư ở Hà Lan từ hơn 30 năm qua. Nhà văn Cao Xuân Tứ am tường về ngôn ngữ và văn hoá Hà Lan, do đó, những câu trả lời phỏng vấn của ông hẳn sẽ cung cấp cho chúng ta những kiến thức bổ ích. Sau đây, mời quý thính giả theo dõi buổi phỏng vấn của MN với nhà văn Cao Xuân Tứ.

MN: Trước hết, xin anh cho biết tiếng Hà Lan có những đặc điểm gì và có khó học lắm không anh?

CXT: Tiếng Hà Lan thuộc về ngữ hệ Germanic cùng với tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Friesland, là ngôn ngữ ở tỉnh miền bắc Hà Lan. Tiếng Hà Lan đa âm tiết, khác với tiếng Việt là đơn âm tiết. Theo tôi, nếu đã biết tiếng Anh hoặc tiếng Pháp thì học tiếng Hà Lan cũng chẳng khó khăn gì.

MN: Anh mới nói tới tiếng Friesland, đó có phải là một ngôn ngữ địa phương không anh?

CXT: Vâng, Friesland là một ngôn ngữ địa phương, giống như ở Pháp, người ta có tiếng ở đảo Corse. Tiếng này cũng hơi giống tiếng Hà Lan, chỉ có khác phần từ vựng và cách phát âm mà thôi.

MN: Thưa anh, đó là nói về ngôn ngữ. Còn về nền văn học Hà Lan, anh có thể cho biết văn học Hà Lan xuất hiện từ bao giờ và có những tác giả nào nổi tiếng nhất?

CXT: Văn chương viết bằng tiếng Hà Lan có từ thế kỷ thứ 12. Thoạt đầu thì chịu ảnh hưởng của Pháp nhiều hơn Đức, chủ yếu là viết về truyện thần kỳ, truyện nặng về vấn đề luân lý. Phải đợi đến thế kỷ 17, với sự hình thành của nền Cộng Hoà ở đây thì mới xuất hiện những cây bút có tầm cỡ như Vondel, PC Hooft, Huygens, v.v... Thế kỷ 19 có Multatuli, bút hiệu của Douwes Dekker, tác giả cuốn "Max Havelaar", được xem là một trong những cuốn tiểu thuyết chống chủ nghĩa thực dân đầu tiên ở châu Âu. Tôi cũng mới vừa dịch xong cuốn sách này và hy vọng có thể ra mắt độc giả ở Việt Nam trong năm nay. Thế kỷ 20 với hai cuộc đại chiến, nhất là đại chiến thứ hai đã cho ra đời một số tác phẩm tả lại thời kỳ Hà Lan bị Đức quốc xã chiếm đóng, tiêu biểu là cuốn "Nhật ký Anne Frank" (Tôi cũng đã dịch cuốn này ra tiếng Việt và được nhà xuất bản Văn Học ở Hà Nội in năm 2000). Văn chương thế kỷ 20 cũng chịu ảnh hưởng các trường phái văn học ở Âu châu như phái biểu hiện, phái siêu thực. Các tác giả hiện đại có tầm cỡ là Hermans, Nooteboom hay Mullisch. Về thơ thì sau thế chiến thứ hai có phong trào làm thơ không vần, tiêu biểu là Lucibert.

MN: Xin anh nói thêm một chút về cuốn "Nhật ký Anne Frank".

CXT: Cuốn "Nhật ký Anne Frank", chắc ở Việt Nam đã dịch ra mấy lần rồi. Tôi biết có nhiều bản dịch từ tiếng Pháp hay tiếng Anh. Lần này thì tôi dịch nguyên bản tiếng Hà Lan, được nhà xuất bản Văn Học ở Hà Nội xuất bản năm 2000. Tôi được may mắn ở cách "Nhà Anne Frank" ở Amsterdam có mấy trăm thước. Ai cũng biết Anne Frank là một cô gái lớn lên trong thời chiến, phải trốn Đức quốc xã, ẩn núp trong một ngôi nhà, về sau bị tố cáo, bị bắt, và chết ở trại tập trung. Trong thời gian ẩn núp, ngày nào Anne Frank cũng cố gắng viết nhật ký. Sau này người cha của cô cho in thành sách, gây tiếng vang khắp thế giới.

MN: Theo MN được biết thì Hà Lan có một số nhà tư tưởng lớn. Xin anh kể một vài tên tuổi và tóm tắt tiểu sử cũng như tư tưởng của họ.

CXT: Nói đến các nhà tư tưởng ở Hà Lan, trước tiên phải kể đến Erasmus, tiếng Pháp gọi là Erasme. Ông này sống vào thời Phục Hưng, thế kỷ 17, thường được xem như một trong những người đứng đầu chủ nghĩa nhân bản, đề cao hoà bình. Về tôn giáo thì Erasmus chống lại các giáo điều khắt khe của Cơ Đốc Giáo, đề nghị tách riêng Nhà Thờ và chính quyền. Đây là manh nha cho việc cải cách của Luther về sau này.

Một nhà tư tưởng khác cũng rất nổi tiếng và gây ấn tượng là Spinoza. Spinoza gốc Do Thái, di cư từ Bồ Đào Nha sang Hà Lan vào thế kỷ 17. Tác phẩm chính của Spinoza là cuốn "Ethics" (Đạo đức học). Spinoza phản bác các hình thức tôn giáo ước lệ của cả Do Thái Giáo lẫn Thiên Chúa Giáo. Ông chủ trương chỉ tin vào một thượng đế độc nhất mà thôi. Ông cũng là người trọng chủ nghĩa duy lý của Descartes. Nhân tiện, cũng xin nhắc là Descartes có thời gian sống lưu vong tại Hà Lan, khi bầu không khí chính trị và tôn giáo ở Pháp trở nên ngột ngạt vào thế kỷ 17.

MN: Thưa anh, bây giờ chúng ta chuyển sang lãnh vực hội họa. Theo anh thì nền hội họa Hà Lan có những đặc điểm gì và những ai được xem là tài hoa nhất?

CXT: So với văn học thì hội họa Hà Lan được thế giới biết nhiều hơn. Hội họa Hà Lan phát triển mạnh nhất vào thế kỷ 17, cũng là thời kỳ hoàng kim của Hà Lan. Vào thế kỷ này, những tên tuổi lẫy lừng có thể kể như sau: Frans Hals, Rembrandt, Vermeer. Hals và Rembrandt nổi tiếng về vẽ chân dung; Vermeer chuyên vẽ về cuộc sống thường nhật. Ngoài ra còn có Jan Steens, vẽ về những đề tài hài hước. Thế kỷ 18 không thấy có cây cọ nào nổi tiếng. Thế kỷ 19 thì có Van Gogh là họa sĩ nổi trội nhất, ai cũng biết. Thế kỷ 20 theo phái lập thể và trừu tượng thì có Mondriaan, hay De Koning, ông này về sau rất nổi tiếng và thành công ở New York.

Đặc trưng nổi bật của hội họa Hà Lan vào thời kỳ hoàng kim là cách kết hợp những gam màu sáng tối vào tranh, tạo ra vẻ sinh động cho nhân vật trong tranh. Một đặc điểm khác là hoạ sĩ không những chú trọng đến nhân vật mà còn để ý đến những chi tiết về bối cảnh, nghĩa là những chi tiết nền của bức tranh.

MN: Xin anh cho biết thêm về hoạ sĩ Rembrandt.

CXT: Rembrandt van Rijn sinh năm 1606 ở Leiden, mất ở Amsterdam. Ông không chịu học nghề mà theo hội họa, được xem là họa sĩ vẽ chân dung nổi tiếng nhất ở Âu châu vào thế kỷ 17. Ông vẽ cả ngàn tác phẩm đủ loại, gồm sơn dầu, tranh khắc bản, vẽ bút chì. Nổi tiếng nhất là bức tranh "Nacht Wacht" (Phiên gác đêm) và một bức tranh khác là "Bài học phẫu thuật". Các bức tranh nổi tiếng khác là "Cô dâu người Do Thái" và rất nhiều bức chân dung tự họa. Về đời sống riêng thì Rembrandt khá dư dật, ông được giới giàu có đặt vẽ chân dung với giá cao, khác xa với Van Gogh, một họa sĩ nổi tiếng khác của Hà Lan sống sau ông hai thế kỷ. Nhưng cuối đời thì Rembrandt sống rất vất vả, vì vợ con ông mất sớm và cũng vì ông không quản lý chu đáo gia sản của mình. Hiện nay ngôi nhà của ông ở Amtersdam được tái tạo thành một bảo tàng viện.

Nhắc đến Rembrandt tôi cũng xin nói đến Van Gogh, một họa sĩ lừng danh khác, sống sau Rembrandt 200 năm. Van Gogh cả đời không bán được bức tranh nào nhưng 100 năm sau khi ông mất có nhiều bức tranh của Van Gogh bán được cả hàng chục triệu đô-la. Van Gogh vẽ theo phái ấn tượng, sau này thiên về biểu hiện, cá tính nổi bật với màu sắc rất rực rỡ. Tôi nói vậy nhưng chắc hẳn "trăm nghe không bằng một thấy". Nếu có dịp xin nhìn tận mắt những bức tranh này thì không có gì hơn.

MN: Thưa quý thính giả, mục Vòng Quanh Thế Giới đến đây xin tạm dừng. MN xin kính chào tạm biệt và mời quý thính giả theo dõi phần 2 của buổi phỏng vấn vào kỳ tới.

 


Cái Đình - 2004