Phạm Đình Lân
Trư tộc và năm Hợi
Nguồn gốc và thân thế Trư tộc
Heo là một loài động vật có vú, có xương sống, có máu đỏ, ăn tạp và sinh con. Tên Hán Việt là TRƯ hay HY. Trư tộc thuộc gia đình Suidae và được biết dưới tên khoa học Sus Scrofa .
Loài heo mà loài người nuôi để ăn thịt là những con heo to lớn cung cấp nhiều thịt.
Có ít ra 40 giống heo khác nhau trên thế giới.
Tùy theo giống, chiều cao của heo sẽ xê dịch từ 30cm – 102cm tính từ vai và cân nặng từ 6 kí-lô đến 400 kí lô. Heo nặng nhất căn nặng 400 kí-lô tức 880 pounds. Các lọai heo thường thấy trên thế giới là heo Duroc, Landrace. Berkshire, Yorkshire, Chester White, Hampshire, Porland China v.v… Các giống heo to lớn nầy chỉ được phổ biến ở Việt Nam sau năm 1954. Người Việt Nam gọi những giống heo to lớn là heo Tây tức là heo nhập cảng từ Âu-Mỹ vào.
Heo ở Việt Nam không to lớn. Đó là các giống:
1.- Heo Mọi: da đen, lưng cong, bụng sà xuống mặt đất, Loại heo nầy cân nặng nhất là 150 kí-lô. Người Việt Nam có khuynh hướng gọi các loại heo nhỏ con là heo cỏ.
2.- Heo ỷ (lợn ỷ): heo mỏ ngắn, mặt nhăn nheo với nhiều lằn xếp.
3.- Heo láng: heo có vá trắng và đen.
Thân thuộc gần của heo là heo rừng sống trong thiên nhiên và phải chiến đấu với các loài dã thú khác nên heo rừng rất mạnh và bạo tợn. Heo rừng được gọi là heo lăn chai nên da rất dầy. Khác với heo thịt ở các trại chăn nuôi, heo rừng có ít mỡ vì chúng phải tự mưu sinh và tự vệ để sinh tồn. Người Pháp gọi heo rừng là sanglier với ý nghĩa rằng đó là một loài động vật hung tợn và khát máu (chữ sang trong tiếng Pháp có nghĩa là máu). Heo rừng đực lớn tuổi có nanh dài. Heo rừng đào đất, chiến đấu chống các dã thú hay lột vỏ cây bằng nanh của chúng. Người ta thử nanh heo rừng thật bằng cách quấn tóc vào nanh và đem đốt. Người ta cho rằng nếu là nanh thật thì tóc không cháy. Vì thế người ta kết luận mang nanh heo rừng trong người thì tránh được lửa đạn. Trong thời kỳ chiến tranh nanh heo rừng trở nên đắt giá.
Heo rừng nổi tiếng là heo rừng thuộc gia đình Barbiusa (tên khoa học Barburousa barburussa ) trên đảo Celèbes (Indonesia), heo warthog ( Pharcochoerus ) ở Phi Châu. Ở miền tây nam Hoa Kỳ có heo rừng Razorbacks . Tổ tiên giống nầy gốc ở Âu Châu. Các nhà chinh phục Tây Ban Nha ( conquistadors ) mang chúng từ Âu Châu sang Mỹ Châu. Như vậy heo rừng Razorbacks thực sự là heo nuôi trong nhà bị bỏ hoang nên trở thành heo rừng. Ở Ý Đại Lợi có heo Peccaries thuộc gia đình Taya Suidae . Nhiều nhà động vật học cho rằng loài thú nầy giống heo nhưng không phải là heo.
Heo là loài động vật có mỏ dài nên hay ủi phá. Chúng thích ngâm mình dười nước có sình. Nuôi heo cần phải có nhiều nước để tắm heo và rửa chuồng vì bản chất loài động vật nầy thích nước sình và có phân hôi thúi. Phân nầy tốt cho cây cỏ nhưng rất dễ nhiễm trùng. Heo vắng bóng ở các quốc gia theo đạo Hồi ở Bắc Phi, Trung Đông và Trung Á và lý do khí hậu cũng như vì sự ngăn cấm của Hồi giáo. Tín đồ Hồi giáo và Do Thái giáo không ăn thịt heo và xem đó là loài động vật dơ bẩn. Tuy nhiên, ở Do Thái người ta nuôi nhiều heo để xuất cảng thịt.
Heo đực và heo nái lên 18 tháng thì có thể bắt cặp để sinh sản. Thời kỳ mang thai kéo dài từ 112 ngày đến 150 ngày. Mỗi con heo nái sinh từ 5 đến 15 con mỗi năm. Tuổi thọ của heo nuôi trong nhà có thể kéo dài đến 25 năm.
Vị trí Trư tộc trong xã hội loài người
Trư tộc được người Trung Hoa thuần hóa cách đây 7000 năm.
Người Việt Nam và Trung Hoa dùng đất đai để trồng lúa và các loại cây lương thực khác. Việc chăn nuôi bò, dê, trừu không phát triển mạnh vì thiếu đồng cỏ. Trái lại họ chăn nuôi heo ngay trong nhà bằng những thức ăn sẵn có nhhư cám, các loại khoai củ trộn với chuối cây, bèo, lục bình và thức ăn thừa. Người Trung Hoa và Việt Nam ăn nhiều thịt heo. Người Ấn Độ và các dân tộc theo đạo Hồi ven biển Địa Trung Hải, Trung Á và Nam Á ăn nhiều thịt dê và trừu. Người Âu Mỹ ăn nhiều thịt bò hơn thịt heo và cá.
Ngoại trừ các quốc gia Hồi giáo, việc chăn nuôi heo được phát triển khắp thế gìời. Hiện nay có trên 1 tỷ con heo được nuôi trên thế giới để cung cấp thịt cho loài người. Phân nửa con số nầy thuộc về Trung Hoa. Người Âu Mỹ cũng tiêu thụ nhiều thịt heo. Có nơi người ta còn khai thác sữa heo nữa.
Thịt, huyết, tim, gan, phổi, ruột, óc, da heo đều được biến chế ra thức ăn ngon. Lông, phân và huyết được dùng làm phân bón. Ở Pháp người ta dùng huyết heo để làm keo dán gỗ rất tốt.
Lò heo lớn nhất thế giới là lò heo Chicago nơi việc giết heo, cạo lông, xẻ thịt và biến chế ra thịt hộp đều do máy móc đảm trách. Trước năm 1975 lò heo lớn ở Sài Gòn là lò heo Chánh Hưng. Sau năm 1975 lò heo nầy được thay thế bằng lò heo Vissan gần cầu Bình Lợi cũ.
Người Âu Mỹ dùng thịt heo làm xúc-xích (saucisse), ba-tê (paté), sườn nướng, sườn hấp, bacon. Xương heo dùng để nấu súp với khoai tây, cải bắp và cà-rốt. Mỡ heo được dùng trong kỹ nghệ dầu sơn.
Người Trung Hoa và Việt Nam thích ăn thịt heo quay. Món ăn sang trọng ở các nhà hàng lớn của người Trung Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn là da heo sữa quay ăn với bánh bao không nhưn. Người Trung Hoa dùng thịt heo làm lạp xưởng, xá xíu, xíu mại, nhưn bánh bao. Huyết heo dùng để nấu cháo huyết cho người bình dân ăn với gừng, tương ớt và giò cháo quảy. Xương heo dùng để nấu nước lèo mì và hủ tiếu. Da heo phơi khô dùng để nấu súp. Lòng heo dùng để làm ra món phá lấu.
Người Việt Nam dùng thịt heo để làm nem, chả lụa, bì, tré, bì dai v.v… Huyết heo dùng làm tiết canh. Thịt mỡ dùng làm thịt đông vào dịp Tết ở miền Bắc. Nên có câu:
Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ,
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Người khá giả ở Việt Nam ăn thịt heo kho với nước dừa tươi trong các bữa ăn hàng ngày. Người miền Nam thích ăn điểm tâm bằng cháo lòng với dồi heo. Vào những ngày Tết người ta thái thịt đầu heo, lỗ tai heo ngâm với dấm và đường để ăn bánh tráng. Người ta cũng dùng thịt đầu và lỗ tai heo thái mỏng để làm giò thủ. Ở Huế người ta dùng giò heo và thịt bò để nấu bún bò Huế. Ở miền Nam người ta dùng giò heo để nấu bánh canh cua (hay cá) giò heo hay hầm giò heo với măng tre. Một thời Trảng Bàng nổi tiếng với bánh canh ăn với bánh tráng cuốn với thịt giò heo và rau rừng. Người Trung Hoa lẫn Việt Nam đều dùng mỡ heo để chiên xào và ăn tóp mỡ với bánh tráng hay tóp mỡ ngào đường. Cách ăn tóp mỡ nầy không được các nhà y học khuyến khích.
Trư tộc là động vật ăn tạp như loài heo. Do đó xuất hiện khái niệm y học thường thức: Ăn gì bổ nấy . Đuôi heo dùng để nấu với đậu đen ăn cho bổ thận. Phổi heo dùng để nấu canh hẹ ăn bổ phổi. Ăn óc heo cho bổ óc. Ăn huyết cho bổ máu. Ăn gan để đưọc bổ gan và sáng mắt. Ăn bao tử heo hầm tiêu sọ để làm ấm bao tử. Ăn tim heo để được bổ tim. Ăn thận heo thì bổ thận.
Heo được dùng trong các phòng thí nghiệm. Tuyến đờm dãi ( pituitar glands ) của heo là một nguồn kích thích tố quan trọng. Heo cũng được dùng trong các gánh xiệc. Ở miền tây nam nước Pháp người ta dùng heo để đào nấm truffles , một loại nấm mọc ngầm dưới mặt đất. Sau chiến tranh Việt Nam một số người Hoa Kỳ từng tham chiến ở miền Nam Việt Nam về nước và phát động thời trang nuôi heo Mọi trong nhà như chó và mèo vậy.
Trong Tân Ước Kinh có nói đến một người bị ma quỉ ám. Hồn ma quỉ xin chúa Jesus cho phép chúng nhập vào bầy heo đang ăn. Hàng ngàn con heo bị ma quỉ nhập hồn nhảy xuống biển chết.
Trong Tây Du Ký ba nhân vật được đặc biệt chú ý đến là: Trần Huyền Trang, Tôn Hành Giả và Trư Bát Giới.
Trần Huyền Trang là một chân tu đạo hạnh, một nhà ngôn ngữ có công sang Tây Trúc thỉnh, dịch và phổ biến kinh Phật. Cuộc hành trình của ông rất nhiêu khê nguy hiểm xuyên qua nhiều vùng rừng núi, đồi hiểm trở với khí hậu khắc nghiệt. Dân chúng có phong tục dị thường. Trên đường về cố quốc ông dùng đường thủy nối liền Ấn Độ Dương và một phần của Thái Bình Dương.
Tôn Hành Giả là một người-khỉ, một khái niệm sống động xuất hiện trước thuyết tiến hóa của Darwin (1809-1882) trong Origin of the Species và Evoluon by Natural Selection . Đây là một mẫu người hăng say trong công việc nhưng tánh tình bất tịnh của người ‘ tâm viên ý mã' (tâm xao động nhảy nhót như khỉ; ý phi chạy hỗn loạn như ngựa) nên thường có những việc làm sai phạm.
Trư Bát Giới đưọc mô tả như một người có tướng heo, bụng bự, ăn mặc lè phè, thích rượu thịt và gái và lúc nào cũng mang chiếc cào cỏ trên vai. Con heo là biểu tượng của sự lười biếng và hưởng thụ các thú vui nhục dục. Chiếc cào cỏ là dấu hiệu của nhà nông chiếm tỷ lệ to lớn trong xã hội nông nghiệp ngày xưa.
Một chân tu như Trần Huyền Trang vẫn không thoát khỏi được sự cư xử bất công thường thấy trong xã hội loài người. Tôn Hành Giả năng nổ trong công việc nhưng lại có nhiều sai phạm nên luôn luôn bị Trần Huyền Trang quở phạt. Trái lại Trư Bát Giới lười biếng và chỉ biết hưởng thụ lại không bị phạt vì không làm gì nên không có sai phạm nào cả.
Trư Bát Giới tiêu biểu cho sự lười biếng và ham thích hưởng thụ các thú vui của loài người. Tánh tình, cách ăn mặc lè phè và chiếc cào cỏ của Trư Bát Giới phản ảnh tâm lý và nếp sống của đa số quần chúng tức giai cấp nông dân thời bấy giờ.
Ở nước Ai Cập cổ có thần Seth , ác thần đã giết anh là Osiris tức Diêm Vương phán xét người chết. Seth có dáng vóc và hình hài của con heo và con lừa. Xin đừng nhầm thần Seth nầy với tên của người con thứ ba của Adam là Seth trong Thánh Kinh.
Trong phim hí họa nhi đồng người ta mô tả con heo đẹt Wilbert như một con thú dễ thương và có nhiều tài năng.
Do mê tín dị đoan người Việt Nam không mua và không ăn thịt heo 5 móng vì sợ bị xui xẻo. Người ta tin rằng heo 5 móng là hồn người hóa kiếp súc vật.
Người ta cũng không dám nuôi heo nái già đẻ quá nhiều lứa vì cho rằng heo nái già sẽ thành tinh!
Khi có một con heo lạc vào xóm người ta tin rằng đó là điềm xấu cho xóm. Để tránh điềm xấu người ta chặt đuôi con heo lạc.
Người Việt Nam thích ăn lòng heo chấm với mắm tôm hay mắm nêm tùy theo cách ăn của địa phương. Nhưng ‘ lòng lợn cách đêm' được xem là món ăn độc có thể gây thổ tả đến chết. Người ta cũng cho rằng heo vá, bò vá, cá bông, vịt Xiêm lai… rất độc vì suy luận rằng máu huyết của những con thú ấy độc nên mới có mầu da lốm đốm kỳ lạ như vậy.
Người Anh dùng nhiều từ cho trư tộc: swine, pig, hog . Boar là heo đực; sow : heo cái; wild boar : heo rừng; gilt : heo cái dưới một tuổi; barrow : heo thiến để ăn thịt; piglet: heo con v.v..
Chữ Hog và Pig còn dùng để chỉ người ích kỷ, tham ăn và bẩn thỉu.
Trong tiếng lóng pig chỉ người phụ nữ ăn mặc lếch thếch và dơ bẩn.
Trong ngành luyện kim pig có nghĩa là kim khí còn trong khuôn.
Vì heo ăn tạp và ăn rất mạnh nên người Anh có động từ To pig out tức ăn khỏe như trư tộc.
Chữ pig-boat là tiếng lóng ám chỉ tiềm thủy đĩnh.
Chữ Swine ám chỉ người đê tiện.
Người Việt Nam há không nói ăn như heo, lười biếng như heo ?
Phim khiêu dâm được gọi là phim con heo dịch ý từ cinéma cochon của Pháp.
Trong ngôn ngữ Việt Nam ta có:
Heo voi là heo to lớn và có nhiều lông. Nhiều người nuôi heo tin rằng cho heo ăn da voi bán ở các hiệu thuốc Đông Y sẽ giúp cho heo chóng lớn và to như voi.
Trắng như da heo cạo là những cụm từ dành cho những người đàn ông có da trắng toát.
Heo sữa ( cochon de lait ) là heo mới sinh. Các nhà hàng thường quay những con heo sữa để thực khách thưởng thức lớp da dòn bên ngoài với bánh bao không nhưn chớ không ăn thịt heo sữa quay.
Heo vá là heo có những miếng vá trắng-đen hay trắng-vàng trên đầu và mình.
Heo nọc là heo đực giống tốt, mạnh khỏe không thiến để làm công tác truyền giống. Ngày nay ở các quốc gia có ngành nông lâm, mục súc tiến bộ, vai trò của heo nọc trong công tác truyền giống không còn quan trọng nữa.
Heo thịt là heo thiến để chóng mập. Ở Việt Nam phần lớn những người quay và thiến heo là người Hoa. Thợ thiến heo cỡi xe đạp đi từ nơi nầy đến nơi khác và thổi sáo báo cho dân chúng biết sự hiện diện của họ.
Heo đực hay cái thiến không sinh sản mà chỉ được vỗ béo để gia tăng trọng lượng. Thịt heo thiến ăn ngon hơn thịt heo nọc hay heo nái sinh nhiều lứa.
Heo gạo là heo có trứng sên. Cách đây nửa thế kỷ người mua heo phải vật ngã con heo xuống đất và dùng một cây đòn cán miệng heo để xem heo có trứng sên hay không. Vì lý do nầy mà người ta sợ không dám ăn nem vì nem làm bằng thịt heo sống quết nhuyễn, nêm nếm và trộn vì trước khi gói chặt vào lá vong và lá chuối. Heo gạo bị mất giá nặng nề. Trước năm 1945 ở Nam Bộ chữ heo gạo ám chỉ tiền giả.
Mập như heo, ăn như heo là những cụm từ dùng để chỉ người mập, lười biếng và tham ăn.
Làm trò con heo là làm tình.
Con lợn lòng chỉ sự thèm khát tình dục của đàn ông.
Lợn đói một năm không bằng tằm đói một bữa: đó là nhận xét về việc chăn nuôi heo tương đối còn dễ hơn việc chăn nuôi tằm. Heo đói thì la thét ầm lên nhưng không chết. Trái lại tằm đói một bữa thì chết ngay khiến người nuôi bị phá sản.
Lợn đói một bữa bằng người đói nửa năm : khi đói con heo kêu la ầm ĩ và phá chuồng khiến cho người nuôi nóng ruột.
Lợn đực chuộng phè, lợn sề chuộng chỏm nói lên kinh nghiệm chọn heo đực để nuôi thịt và heo cái để sinh heo con. Nuôi heo thịt thì lựa con đực to con. Nuôi nái thì chọn con cái mình thon.
Lợn lành chữa lợn toi là một nhận xét về thái độ mâu thuẫn của người nuôi heo khi có con heo bịnh họ phải bán heo mạnh khoẻ để lấy tiền chạy chữa cho heo bịnh. Có khi họ hạ thịt con heo mạnh để cúng vái cho con heo bịnh chóng lành bịnh! Khi cúng vái họ xin ‘ông thầy'cho một lá bùa dán trước chuồng heo để heo hết bịnh.
Lợn trong chuồng thả ra mà đuổi nói lên những khó khăn, phiền não do chính mình gây ra.
Lợn tó gà tò là quan sát về thái độ của heo đực và gà trống trước khi giao tình với giống cái.
Người Việt Nam thường giết heo sống để cúng Thần Hoàng tại đình làng hàng năm vào mùa xuân và mùa thu. Trước và trong khi mổ heo hay mổ bò người ta thường hay cãi nhau. Do đó có những cụm từ:
Cãi nhau như mổ bò.
hay
Cãi nhau như mổ heo.
Sau lễ cúng đình những viên chức xã thôn được chia một phần thịt dùng để tế Thần Hoàng. Từ đó có câu:
Một miếng thịt làng bằng một sàng thịt chợ.
hay
Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp.
Ngày xưa những người giàu có đòi hỏi gia đình chú rể phải khiêng heo sống đến nhà cô dâu trong ngày cưới. Điều kiện cưới xin nầy gây rắc rối cho gia đình chú rể không ít vì heo sống la hét và dẫy dụa trên đường đi đến nhà cô dâu. Có khi heo sống sẩy lồng bỏ chạy tứ tung khiến cho mọi người phải chạy rượt bắt heo bất chấp lễ phục chỉnh tề mà họ mặc để cử hành lễ rước dâu.
Từ kinh nghiệm chọn heo tiền nhân chúng ta dạy kinh nghiệm chọn người trăm năm như sau:
Mua heo lựa nái.
Cưới gái chọn giòng .
Nói về heo và lễ cưới ca dao Việt Nam có câu:
Còn duyên anh cưới ba heo
Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi.
Giúp em một thúng xôi vò.
Một con lợn béo, một vò rượu tăm .
Người Trung Hoa có tục mang heo quay về gia đình bên vợ vào ngày nhị hỉ tức ngày thứ hai sau hôn lễ. Nếu mũi heo bị cắt xẻo, cô dâu xem như mất trinh trước khi có gia đình. Đó là sự thương tổn danh dự đối với gia đình cô dâu trong xã hội Khổng Giáo ngày xưa.
Người ở nông thôn Việt Nam xem con heo như lợi tức phụ hàng năm hay ít ra nó cũng là nguồn thực phẩm quí giá vào những ngày Tết, giỗ chạp, quan hôn tang tế. Người ta làm ống bơ để dành tiền bằng đất sét với hình con heo. Nhiều ngân hàng vẽ hình trư tộc với dấu hiệu đồng tiền như là biểu tượng của tiền tiết kiệm vậy. Những bức tranh vẽ treo trong nhà vào những ngày Tết thường có hình ảnh trư tộc như là ước vọng được ấm no, sung túc vào năm mới.
Ở Việt Nam những người giàu có mua heo cho người khác nuôi. Khi bán heo tiền chia tứ lục (4 – 6). Người nuôi hưởng 6 phần, người xuất vốn hưởng 4 phần. Tỷ lệ chia tiền nầy tùy theo sự cam kết ban đầu giữa đôi bên. Heo nuôi cách nầy được gọi là heo nuôi rẽ.
Trong Hán-Việt Trư và Hy là heo.
Trư cốt là xương heo
Trư du là mỡ heo
Trư nhục là thịt heo.
Trong thực vật học có:
1.- Cây hoa cứt lợn tức cây bù xít thuộc gia đình Compositae và được biết dưới tên khoa học Ageratum conyzoides . Lá hoa cứt lợn màu xanh, có lông và có mùi khó chịu. Thỏ thích ăn lá bù xít (hoa cứt lợn). Người ta chặt cây bù xít đặt dưới các mô khoai lang cho khoai ra nhiều củ. Cây bù xít (hoa cứt lợn) được dùng làm thuốc trị viêm mũi và dị ứng. Tinh dầu cây bù xít có eugenol , vanillin v.v…
2.- Cỏ cứt lợn tức thiên thảo thuộc gia đình Labiatae dưới tên khoa học Anisomeles ovata. Trong y hoc dân gian người ta dùng để trị thấp khớp ở vài nước ở Nam Á. Cỏ cứt lợn có ovalodiolide.
3.- Hy thiên thảo (cỏ cứt heo hay cỏ dỉ) thuộc gia đình Compositae và được biết đến dưới tên khoa học Siegesbeckia orientalis . Nó được dùng trong y học cổ truyền để trị bán thân bất toại, thấp khớp, bại liệt, đau dây thần kinh v.v… Hy thiên thảo có mùi khó chịu và có vị chua đặc biệt.
4.- Mướp rừng thuộc gia đình Cucurbitaceae dưới tên khoa học Trichosanthes macrocarpa còn được gọi là dây mỡ lợn . Qua lâu Trichosantes kirilowii cùng gia đình và họ với dây mỡ lợn , được xem là thảo mộc có thể dùng để trị bịnh AIDS.
Trong y học có chứng bịnh Scrofula ( Scrofa : heo nái theo tiếng La Tinh) là chứng lao sơ đẳng của hạch bạch huyết đặc biệt trên cổ.
Vào những năm đầu của thế kỷ 21 trư tộc bị chứng bịnh đau móng và sùi bọt mép. Gần đây người ta ngạc nhiên khi có vài người Trung Hoa có vi trùng Streptococcus suis trong người khiến da bị rỉ máu, đau nhức, ói mửa. Heo có vi trùng Streptococcus suis bị ói mửa, da rỉ máu. Đó là mối lo ngại của Tổ Chức Y Tế Quốc Tế (WHO).
Có một loại bánh ngọt, dẻo dai và có nhiều lớp giữa lớp nhưn đậu xanh được gọi là bánh da lợn . Loại bánh nầy gốc ở miền Nam. Như vậy bánh da lợn ra đời ở miền Nam nhưng người có sáng kiến làm ra bánh nầy có thể là người gốc miền Bắc định cư ở miền Nam. Dưới triều vua Minh Mạng và Tự Đức có nhiều người miền Bắc được đưa vào miền Trung và miền Nam sau các cuộc nổi dậy của các tôn thất nhà Lê.
Trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư có câu chuyện liên quan đến cái lưỡi heo giản lược từ một chuyện cổ Hy Lạp đại để như sau:
Một người chủ nhà bảo người tôi tớ giết một con heo và đem cho ông ta cái gì ngon nhất. Người tôi tớ mổ heo xong, anh ta mang cho người chủ nhà cái lưỡi heo và nói:
“Đây là món ngon nhất của con heo mà ông cần ăn.”
Vài hôm sau người chủ nhà sai người tôi tớ giết một con heo khác và nói:
“Hãy đem cho ta cái gì dở nhất.”
Người tôi tớ giết heo xong lại đem cái lưỡi heo cho người chủ nhà và nói:
“Đây là món dở nhất mà ông cần ăn.”
Người chủ nhà ngạc nhiên hỏi:
“Hôm trước mầy đem cho tao cái lưỡi heo và nói rằng cái lưỡi heo là món ngon nhất. Bây giờ mầy lại đem cái lưỡi heo và nói rằng đó là món dở nhất là thế nào?”
“Thưa ông, khi cái lưỡi nói ‘ngon' thì cái gì cũng ngon. Khi cái lưỡi nói ‘dở' thì cái gì cũng dở. Mọi việc tốt hay xấu đều do cái lưỡi mà ra.” Người tôi tớ đáp.
***
Trong số đề heo mang số 7 sau con cọp (số 6) và trước con thỏ (số 8).
Heo là con vật thứ 12 trong 12 con giáp. Năm con heo được gọi là năm Hợi. Trong chu kỳ 60 năm có 5 năm Hợi. Đó là:
Ất Hợi (1875, 1935… 2055) (Hỏa)
Đinh Hợi (1887, 1947… 2067) (Thổ)
Kỷ Hợi (1899, 1959… 2079) (Mộc)
Tân Hợi (1911, 1971… 2091) (Kim)
Quí Hợi (1923, 2983… 2103) (Thủy).
Năm Hợi là năm âm (–). Người tuổi Hợi luôn luôn được ấm no và hay giúp người khác nhưng thưòng bị người mình giúp gieo tiếng oán.
Người có mặt heo là người ham thích nhục dục và tàn ác. Vua Lê Tương Dực (1510-1516) được gọi là Trư Vương vì có mặt như trư tộc. Ông là người dâm dật và tàn ác. Ông hạ nhục tướng Trịnh Duy Sản bằng cách dùng roi đánh vị tướng nầy ngay giữa triều đình. Năm 1516 ông bị Trịnh Duy Sản giết chết.
Tuổi Hợi hợp với: Mùi, Mão và không hợp với: Tỵ, Dần, Thân.
Những năm Hợi quan trọng vào thế kỷ XX
1911: Phan Chu Trinh sang Pháp sau khi bị an trí ở Mỹ Tho; cách mạng Tân Hợi lật đổ nhà Mãn Thanh; chuyến bay xuyên lục địa đầu tiên của Hoa Kỳ từ New York đến Pasediana (California).
1923: Hiệp ước Lausanne giữa các đồng minh đệ nhất thế chiến với Thổ Nhĩ Kỳ làm nhẹ bớt một số điều khoản trong hiệp ước Sèvres mà Kemal Ataturk phản đối.
1935: Hội nghị Stresa Anh–Pháp–Ý trên hồ Maggiore thành lập mặt trận Stresa chống sự gây hấn của Đức. Năm 1936 Mussolini (Ý) cùng với Hitler thành lập trục Rome-Berlin.
1947: Vua Victor Emmanuel II (Ý) băng hà; sự ra đời của chủ nghĩa Truman.
1959: Alaska và Hawaii được công nhận là tiểu bang thứ 49 và 50 của Hoa Kỳ; sự ra đời của EFTA: Áo, Anh, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland thành lập hiệp hội tự do mậu dịch Âu Châu (EFTA: European Free Trade Association).
1971: Chiến dịch Hạ Lào (Lam Sơn 719); Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc đại diện Trung Hoa tại LHQ.
1983: Andropov là chủ tịch Liên Sô sau cái chết đột ngột của Brezhnev; Sally Ride là người phụ nữ Hoa Kỳ đầu tiên du hành không gian; phi cơ hành khách Đại Hàn bị Liên Sô bắn rớt; Hoa Kỳ gởi quân sang Grenada.
1995: Tổng thống Pháp Mitterand thăm viếng Hà Nội; bang giao giữa Washington và Hà Nội; hội nghị giữa Clinton và Yeltsin ở Moscow; 800 người Hoa Kỳ chết vì làn sóng bức nhiệt ở vùng Trung Tây.
Các yếu nhân sinh vào năm Hợi
1.- Thủ tướng Ceylon (Sri-Lana) Bandaranaike sinh năm 1899 (Kỷ Hợi). Ông bị ám sát chết năm Kỷ Hợi 1959. Vợ ông lên làn thủ tướng.
2.- Chernenko sinh năm 1911. Ông lãnh đạo đảng Cộng Sản Liên Sô và là chủ tịch nhà nước trong thời gian ngắn nhất (1984-1985). Ông chết năm 1985. Từ năm 1982 đến 1985 có ba lãnh tụ Liên Sô lần lượt từ trần: Brezhnev (1982), Andropov (1984), Chernenko (1985).
3.- Nguyễn Văn Thiệu sinh năm 1923 (theo giấy tờ) và lãnh đạo VNCH từ năm 1965 đến 1975.
4.- Tưởng Giới Thạch sinh 1887. Ông là một tướng lãnh có uy quyền to lớn nhất ở Trung Hoa sau khi Tôn Dật Tiên mất. Năm 1949 chánh quyền QDĐ bị phe Cộng Sản đánhj bại. Ông ra đảo Đài Loan và biến đảo nầy thành Trung Hoa Dân Quốc. Năm 1975 ông mất. Con ông là Tưởng Kinh Quốc lên làm tổng thống THDQ.
5.- Kissinger sinh năm 1923. Ông là cố vấn có ảnh hưởng rất lớn đối với tổng thống Nixon (đảng Cộng Hòa). Hiệp định Paris về Việt Nam được xem là thành tích ngoại giao giữa ông và Lê Đức Thọ.
6.- Lý Quang Diệu sinh năm 1923. Ông là người Hoa sáng lập ra đảo quốc Singapore năm 1965. Với diện tích 677 cây số vuông (0,18% nước Việt Nam) và trên 3 triệu dân (3,65% dân số Việt Nam), Singapore là quốc gia có nền kinh tế phồn vinh nhất ở Đông Nam Á.
7.- Ronald Reagan sinh năm 1911. Ông là tài tử chiếu bóng được đắc cử tổng thống trong hai nhiệm kỳ với số phiếu kỷ lục trong kỳ bầu cử nhiệm kỳ hai vào năm 1984 (1980-1984; 1984-1988).
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.