Phạm Đình Lân


Tiếng Việt

Như tất cả các dân tộc khác trên thế giới, người Việt Nam có tiếng nói từ lúc bình minh lịch sử nhưng tiền nhân chúng ta không có chữ viết. Đó là tình trạng chung của các dân tộc sống ở miền nam sông Dương Tử đến thung lũng sông Hồng, sông Mã và sông Cả cách đây 3000 năm. Ở Trung Hoa có lối 500 thổ ngữ khác nhau nhưng tất cả các tộc đều cùng chung một chũ viết.
Người Việt Nam học Hán tự từ các nhà cai trị Trung Hoa dưới thời Bắc Thuộc (111 trước Tây Lịch đến 938 sau Tây Lịch). Vào thế kỷ 13 Nguyễn Thuyên, thượng thơ bộ hình dưới triều vua Trần Nhân Tôn (1225–1258) , là người đầu tiên làm thơ bằng chữ Nôm. Ông được vua nhà Trần cho đổi sang họ Hàn sau khi làm một bài văn tế khiến cho con sấu hung tợn trên sông Phú Lương bỏ đi. Sự kiện nầy giống như Hàn Dũ (768–823) đời Đường đặt văn tế cá sấu khi làm thứ sử ở Triều Châu. Tuy vậy chữ Nôm vẫn chưa phát triển. Các cuộc thi tam trường qua các triều đại ở Việt Nam đều bằng chữ Hán.
Điều đáng chú ý là chữ Nôm không giản dị như nhiều người lầm tưởng. Cách diễn đạt nôm na thì đơn giản. Thay vì nói “nhất nhân hành” ta nói “một người đi”. Nhưng cách viết chữ Nôm rất rắc rối vì nó đòi hỏi người học phải biết chữ Hán. Vào thế kỷ 8 dân chúng tôn Phùng Hưng là Bố Cái Đại Vương. Vào thế kỷ 10 Đinh Tiên Hoàng đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Danh hiệu Bố Cái Đại Vương hay quốc hiệu Đại Cồ Việt đánhn dấu sự kết hợp của chũ Nôm và chữ Hán ngay từ thế kỷ 8 và 10.
Hoàng đế Quang Trung là người mạnh dạn trong việc quảng bá chữ Nôm. Vào thế kỷ 19 những tác phẩm nổi tiếng như Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du và Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu đều được viết bằng chữ Nôm. Trước đó Đặng Trần Côn viết Chinh Phụ Ngân Khúc bằng chữ Hán. Bà Đoàn Thị Điểm đã diễn Nôm tác phẩm nầy một cách đặc sắc đến nỗi nhiều người ngờ rằng bà là tác giả của áng văn tuyệt tác nầy.
Từ năm 1862 chữ quốc ngữ đuợc giảng dạy ở ba tỉnh miền đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định và Định Tường). Giáo sĩ Pháp Alexandre de Rhodes (1591–1660) phát minh ra chữ quốc ngữ vào thế kỷ 17 để tiện việc giảng giáo lý ở Đàng Ngoài. Đến năm 1867 Pháp chiếm đóng toàn thể Nam Kỳ Lục Tỉnh nên thi hương đương nhiên bị bãi bỏ ở Nam Kỳ. Kỳ thi hương năm 1915 là kỳ thi cuối cùng ở Bắc Kỳ. Ở Trung Kỳ thì hương, thi hội và thi đình chấm dứt vào năm 1918. Từ đó về sau toàn thể ba miền ở Việt Nam đều học chữ quốc ngữ hiện đang lưu hành trong nước. Như vậy Việt tự hiện hành ra đời do công lao của một giáo sĩ người Pháp gốc ở Avignon. Nó mới thịnh hành trên toàn thể nước ta vào đầu thế kỷ 20 mà thôi.

ĐẶC ĐIỂM CỦA TIẾNG VIỆT

1.- Tiếng Việt là một thứ tiếng độc âm. Các tiếp đầu ngữ (prefix) và itếp vĩ ngữ (suffix) đều độc âm không giống như tiếng Pháp hay tiếng Anh. Thí dụ: hậu chiến (post-bellum hay post-war); bán quân sự (para-military); Việt Nam hóa (Vietnamization); Mỹ hóa (Americanization) v.v…

2.- Tiếng Việt tương đối thuần nhất. Dù cách diễn tả có phần khác nhau nhưng dân chúng ở ba miền vẫn có thể hiểu nhau. Ở miền Bắc người ta nói: “Nhặt hộ tôi quả bóng.” Ở miền Nam, cũng ý nghĩa của câu nầy, người ta nói: “Lượm giùm tôi trái banh.” Một vài khác biệt về cách dùng từ ngữ được tìm thấy ở ba miền. Khi nói đến xương mỏ ác, người miền Nam chỉ trên đầu, người miền Bắc chỉ trên ngực. Người miền Nam gọi đó là xương ức hay chấn thủy (stenum). Đối với người miền Bắc và miền Trung sầm uất là nơi ồn ào náo nhiệt. Ở miền Nam sầm uất là nơi vắng vẻ, âm u, có nhiều bụi bậm hay đầy dẫy bình vôi. Người miền Bắc gọi trái mãng cầu là trái na, cái muỗng là cái thìa, trái mận là trái roi, con heo là con lợn v.v… Ở miền Trung “không có răng” có nghĩa là “không có sao”.

3.- Tiếng Việt dồi dào âm thanh vì có nhiều dấu. Đọc sai dấu hay viết nhầm dấu có thể gây ra những hiểu lầm đáng tiếc. Chính vì có nhiều dấu mà việc học Việt ngữ trở nên khó khăn đối với người ngoại quốc vì họ khó phát âm đúng được.
Hình dung từ trong tiếng Việt rất phong phú và gợi hình. Con mèo đen được gọi là mèo mun. Con chó đen thì gọi là chó mực. Con gà đen thì gọi là con gà ô hay con gà quạ. Con ngựa đen thì gọi là ngựa ô. Con ngựa trắng thì gọi là con ngựa kim hay ngựa bạch (Bạch mã). Con chuột trắng thì gọi là chuột bạch.

Về giống ta có: đực, cái, trống và mái. Hình dung từ đựccái dành cho các loài có vú và thú vật to lón như chó đực, chó cái, bò đực, bò cái. Hình dung từ trốngmái dành cho loài thú nhỏ và loài cầm vũ như cá trống, cá mái, gà trống, gà mái, chim trống, chim mái v.v…
Hình dung từ chỉ về cảm giác thì có đau, nhức, lói, ê, thốn, tức, rim, tê, buốt.
Hình dung từ dốt trong tiếng Việt vừa khôi hài vừa gợi hình. Dốt là trạng thái không sống cũng không chín. Me dốt không phải là me chín cũng không phải là me sống. Bánh tráng dốt không hoàn toàn ướt nhưng chưa khô. Người dốt không phải là người mù chữ nhưng sự hiểu biết còn nhiều thiếu sót.

Động từ porter của Pháp tương ứng với bồng, bế, gánh, gồng, cõng, khiêng, khuân, vác, đội, mặc của Việt Nam. Chữ ĂN được xử dụng rộng rãi như ăn cơm, ăn tiệc, ăn Tết, ăn chịu, ăn chực, ăn mặc, ăn mày, ăn nằm, ăn nói, ăn mộng, ăn nhịp, ăn khách, ăn khớp, ăn ở, ăn thua, ăn trớt, ăn gian, ăn lận v.v…

4.- Tiếng Việt phong phú nhưng không có qui luật văn phạm. Động từ ‘To Be’ hay ‘Etre’ mà ta dịch ‘Thì’ hay ‘Là’ thường vắng mặt trong các câu nói hay câu văn. Trong tiếng Việt không có chia động từ và không có thì trong động từ. Trần Trọng Kim soạn quyển Văn Phạm Việt Nam sau khi ông tiếp xúc với văn hóa Pháp. Article thì dịch ra là quán từ; conjonction: liên từ; verbe: động từ; préposition: giới từ; complément: túc từ; adjectief: tĩnh từ. Le, la, un, une, les, des thì tương đương với bên Việt ngữ cái, con, các, những. Quán từ cái dùng chỉ vật bất động như cái chén, cái khăn. Quán từ con dùng để chỉ thú vật hay vật có thể di động như con gà, con cọp, con đường, con sông. Nhưng người Việt Nam không nói cái cam, cái bưởi, cái núi mà trái cam, trái bưởi, trái núi. Đây là một phần của sự phức tạp của tiếng Việt. Không hẹn vẫn gặp. Đó là trường hợp không dùng quán từ trước những danh từ không đếm được (uncountable nouns) như vẫn thấy trong qui luật văn phạm Anh và Hoa Kỳ. Do đó người ta không nói cái thì giờ, cái tiền bạc, cái cảm tình mà nói: thì giờ, tiền bạc, cảm tình. Trên thực tế không biết có bao nhiêu người Việt Nam viết thơ văn tiếng Việt suông sẻ nhờ thấu triệt văn phạm Việt Nam

Tiền nhân chúng ta có câu:

Vua có khó thì thợ mới hay.
Mẹ chồng khó thì nàng dâu mới khéo.

Chế độ quân chủ và xã hội giai cấp thời phong kiến góp phần đáng kể vào việc phong phú hóa Việt ngữ. Ngày xưa chỉ có vua mới được dùng màu vàng và mặc áo vàng trên đó có thêu rồng với đầy đủ 5 móng. Một số từ ngữ chỉ dành cho vua và hoàng tộc mà thôi. Áo của vua được gọi là long bào hay hoàng bào. Thân thể của vua gọi là long thể. Mặt vua gọi là long nhan. Ý của vua gọi là thánh ý. Ấn của vua gọi là ngọc tỷ. Giường vua nằm gọi là long sàng. Chuối vua ăn gọi là chuối ngự. Vua bịnh thì gọi là vua se mình. Mồ mả của vua thì gọi là lăng tẩm. Vua chết thì nói là vua băng hà. Hoàng hậu sinh con thì gọi là hoàng hậu lâm bồn.

Không một thần dân nào dám gọi tên vua hay dùng tên vua để đặt tên cho con mình. Do đó trong tiếng Việt có những chữ đồng nghĩa nhưng không đồng âm vì phải đọc trại ra. Nghĩa trở thành ngãi; đức: đước; dảm: dởm; phúc: phước; nhân: nhơn; hoa: huê; nhật: nhựt; hoàng: hùng; vũ: võ; uy: oai; dũng: dõng; tôn: tông; nhậm: nhiệm v.v... Thay vì nói: ăn ở cho có nhânnghĩa và phải có đức độ người ta nói: ăn ở cho có nhơnngãi và phải có đước độ. Can đảm trở thành can đởm.

Điều này rất phổ cập từ thế kỷ 17 ở Đàng Trong, vùng ảnh hưởng của họ Nguyễn. Chữ phúc trở thành phước vì đó là chữ lót của các chúa Nguyễn bắt đầu từ chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đến các vua nhà Nguyễn sau nầy. Vua Gia Long tên là Nguyễn Phúc Ánh. Bảo Đại tên là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Đảm, Tôn, Nhậm là tên gọi của vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.

Cách xưng hô của người Việt Nam thời phong kiến rất phức tạp vì tùy thuộc vào địa vị và tuổi tác của người xưng hô. Đại danh từ ngôi thứ nhất của Pháp là JE và của Anh la I. Trong tiếng Việt ta có: Trẫm, Thần, Thiếp, Lão, Ta, Tôi, Tao, Tớ, Con, Cháu, Em, Anh.
Tiếng Việt phong phú vì Việt Nam là giao điểm tiếp thu văn hóa Trung hoa, Ấn Độ, văn hóa Hồi giáo và Thiên Chúa giáo. Dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm nô lệ và hàng trăm năm dưới chế độ phong kiến và độc tài nên phải khéo léo trong lời nói và cách sử dụng từ ngữ mới sông yên ổn được.

 

NGOẠI NGỮ TRONG TIẾNG VIỆT

Ngôn ngữ nào cũng có sự vay mượn ngôn ngữ nước ngoài. Hoa Kỳ là một nước hợp chủng nên sự vay mượn từ ngữ nước ngoài càng nhiều hơn. Những chữ bungalow, amigo, adios, coup d’etat, kindergarten, Salem, ahimsa… vay mượn từ tiếng Bengali, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Do Thái, Ấn Độ.


Nước ta trải qua một quá trình thuộc địa lâu dài nên sự vay mượn ngôn ngữ từ các quốc gia đô hộ rất nhiều. Ngay từ thế kỷ 2 sau Tây Lịch đã có người Việt đậu hiếu liêm hay mậu tài (1). Từ thế kỷ 11 đã có những kỳ thi tam trường trong nước ta. Tất cả sách vở mà các thì sinh học để dự các kỳ thi trên đều xuất phát từ Trung Hoa. Trên thế giới không có dân tộc nào say mê đọc truyện Tầu và hiểu trọn vẹn như người Việt Nam. Cho đến ngày nay các tu sĩ Phật giáo hay các thầy thuốc Đông Y đều phải học chữ Hán để nghiên cứu kinh Phật và y học cổ truyền Trung Hoa. Tất cả các từ ngữ triết học, luật học, mỹ thuật học, tôn giáo, văn chương, y học của Việt Nam đều vay mượn của Trung Hoa. Hoàng Xuân Hãn soạn quyển Danh Từ Khoa Học bằng cách dịch các danh từ khoa học của Pháp ra Việt–Hán. Hán tự giống như chữ La Tinh. Tất cả các loại thảo mộc hay dược thảo đều có tên Hán tự. Dây chùm bao (Passiflora) được gọi là lạc tiên; vỏ quít khô được gọi là trần bì; củ cỏ gấu (Cyberno Bulbosus) thì gọi là hương phụ; cây muồng trâu (Cassia Alata) la nam đại hoàng; cây sống đời (Kalanchoe Pinnata) là lạc diệp sinh căn.

Năm 1945 là năm những danh từ Việt–Hán được phổ biến sâu rộng trong quần chúng khiến cho người dùng tự tín và thích thú hơn mặc dù chỉ hiểu lờ mờ. Người ta dùng chữ phụ nữ thay thế cho chữ đàn bà vẫn thường được nghe trước đó. Trẻ em hay con nít được gọi là nhi đồng hay thiếu niên. Trai tráng đuợc gọi là thanh niên. Khi hỏi tuổi người ta hỏi: “Anh được bao nhiêu niên kỷ?” Khi hỏi tên người ta nói: “Quí danh anh là gì?” Từ ngữ chánh trị và quân sự được đem ra ứng dụng. Ngôn ngữ chuyên môn và bác học được quảng bá trong quần chúng.

Trong thời ký chiến tranh cũng như khi có chánh quyền, người Cộng Sản không quan tâm đến chánh tả. Những chữ I và Y viết sao cũng đuợc miễn là đọc ra âm I là đủ rồi. Ông Nguiễn Ngu Í có vẻ thích thú về việc bãi bỏ chữ Y mà người Việt Nam nói là I dì-dách phát âm từ chữ Grec (Hy Lạp). Gạch nối không còn quan trọng nữa ngoại trừ bí danh Trường-Chinh của Đặng Xuân Khu. Vào thập niên 1960 chánh quyền miền Bắc luôn luôn nói đến sự trong sáng của tiếng Việt bằng cách tránh những từ Việt–Hán và đề cao những từ bình dân dễ hiểu như lối diễn nôm ngày xưa. Trực thăng được gọi là máy bay lên thẳng. Thủy quân lục chiến được gọi là lính thủy đánh bộ. Hội Hồng Thập Tự được gọi là Hội Chữ Thập Đỏ. Việc đề cao tiếng Việt trong sáng, việc đổi âm lịch vào năm 1967 và việc sửa bàn toán 5 nút ra 4 nút được hiểu như là một cóp nhặt sáng tạo và sự đối kháng ngấm ngầm với Trung Hoa.

Tỷ lệ người Việt Nam tin vào triết lý Phật giáo rất cao. Nhưng ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ ở Việt Nam không lớn. Lý do dễ hiểu là người Việt Nam học triết lý Phật giáo qua các sư tăng Trung Hoa chớ không qua các sư tăng từ Ấn Độ, Tích Lan hay Nepal. Phật giáo ở Việt Nam là Phật giáo đại thừa (Mahayana). Trên thực tế vai trò của đạo Phật rất nhỏ ở Ấn Độ nơì phần lớn dân chúng theo đạo Bà La Môn (Brahmanism) còn gọi là Ấn giáo (Hinduism).
Trong quá trình nam tiến dân tộc Việt Nam tiếp xúc với Chiêm Thành và Chân Lạp là hai nước chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Ấn Dộ. Tục hỏa thiêu của người Chiêm và Khmer do ảnh hưởng của người Ấn Độ mà ra. Từ thế kỷ 13 về sau người Chiêm Thành chuyển sang đạo Hồi (2). Một số khác vẫn còn theo đạo Bà La Môn. Người Khmer theo đạo Bà La Môn trước khi nghiêng theo Phật giáo tiểu thừa (Hinayana). Kiến trúc của đền Angkor Vat và Ankor Thom cho thấy ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ ở Cambodia.

Những từ Niết Bàn (Nirvana), sát na (đơn vị thời gian nhỏ nhất), Vệ Đà (kinh), Dhyana (Thiền), mật dà tăng (bột kim khí dùng làm thuốc), ưu bà di, ưu bà tắc (Nữ tu sĩ), karma (nghiệp chướng), swastika (chữ vạn), bồ đề (cây bodhi), xà tri (chetty)… đều là từ ngữ gốc Ấn Độ.

Người Việt Nam gọi thần nữ Chiêm Thành Po Nagor là bà Chúa Ngọc, vua Rudravarman III là Chế Cũ, Po Bin Swor là Chế Bồng Nga… Trong tiếng Việt không thấy nhiều vết tích của Chiêm ngữ. Tên các địa danh Chiêm Thành như Indrapura, Vijaya, Kauthara, Panduranga đã trở thành Đồng Dương, Qui Nhơn, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Những địa danh nhu Phan Rí và Phan Thiết còn phảng phất những hcữ Parik và Manthiet tức là tên cũ của hai địa danh nầy.

Nhiều địa danh ở miền Nam phảng phất ảnh hưởng của ngôn ngữ Khmer. Preikor (rừng gòn) đã trở thành Sài Gòn. Mỹ Tho, Sa Đéc, Bạc Liêu, Sài Mạt, Cà Mau đều được phiên âm từ chữ Khmer: Mề Sa (bà trắng), Psar Dec (chợ sắt), Po Loeuth (cây da cao); Banta Meas (Hà Tiên – thành bằng vàng). Tuk Khmau (nước đen). Những chữ ông lục (thầy tu), ốc nha (tổng trấn), Tầm Bôn (Katambon), Cần Bột (Kampot), Hương Úc (Kompong Som), La Bích (Lovek) đều là tiếng Khmer phiên âm và Việt hóa.

Vào thế kỷ 18 quân Xiêm tấn công Hà Tiên. Lúc bấy giờ người ta thường dùng chữ phi nhã phiên âm từ chữ Phya của Xiêm La. Thời bấy giờ có một người Trung Hoa tên là Trịnh Quốc Anh làm phi nhã ở huyện Tak (Phya Tak – tri huyện Tak) lên làm vua ở Thonburi (3) sau khi đánh đuổi quân Miến Điện xâm lăng.
Dưới thời Pháp thuộc người Pháp du nhập nhiều loại rau cải, trái cây và các sản phẩm kỹ nghệ vào Việt Nam. Tất cả các vật nầy đều mới lạ đối với người Việt Nam. Tên gọi của chúng được phiên âm từ tiếng Pháp.
Dưới đây là một số từ ngữ vay mượn từ tiếng Pháp: xà lách (salade), cà tô mát (tomate), xà lách son (cresson), trái bom (pomme), bánh ga tô (gateau), (beurre), phó mát (fromage), ra gu (ragout), la ve (bière), cùi dìa (cuillère), cái tách (tasse), rượu vang (vin), áo sơ mi (chemise), áo bành tô (paletot), áo sú chen (soutien), áo py-ja-ma (pyjama), xe ô tô (auto), xe ô-tô-buýt (bus), ca rô (carreaux), dây lập lòng (fil à plomb), xăng (essence), xà bông (savon), đạo Gia Tô (Catholicisme), kí lô (kilogramme), ác xít (acide), dây sên (chaine), ghi đông (guidon), áp phe (affaire), lấy le (prendre l’air), phú lít (police), ma trắc (matraque), át bích (arbitre), ma sơ (ma Sœur), sút (soude), cây dên (bielle), cây láp (l’arbre), cái bu-gi (bougie), thịt cóc lét (cotelette), phi-lê (filet), di-văn (divan), xà lan (chaland), xà lúp (chaloupe), xe cam nhông (camion), xe bù-ệt (broette), nhà băng (banque), ông ách (adjudant), ông Cò (commissaire), con tem (timbre), con vít (vis), xe tăng (tank), súng cà-nông (canon), bột-dền (bordel), lô-cốt (blockhaus), nồi sốt-de (chaudière), cò mi (commis-assistant), thầy su (surveillant), đốc tơ (docteur), phạm-nhe (infirmière), rua (Bonjour), xừ lủy (Monsieur, lui), bà đầm (dame), cao su (caoutchouc), săm lốp (chambre, enveloppe thường dùng ở miền Bắc), ABC (anti-Bolchévic thường dùng trong thời kỳ chiến tranh Việt Pháp) v.v…

Nhìn chung các từ ngữ liên quan đến khoa học và kỹ thuật đều được phiên âm từ tiếng Pháp. Vài địa danh ở Việt Nam ngẫu nhiên bị Pháp hóa. Trên bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc Đà Nẵng được ghi là Touranne; Hội An: Faifo; Vũng Tầu: Cap St. Jacques. Địa danh Chí Hòa do người Pháp ghi từ chữ Ký Hòa và Đa Kao từ chữ Đất Hộ. Cho đến bây giờ Đa Kao hay Chí Hòa vẫn còn được lưu dùng trong khi hai chữ gốc Ký Hòa và Đất Hộ biến mất hẳn. Vũng Tầu còn gọi là Ô Cấp (Au Cap). Trong thành phố nầy có bãi Ô Quắn do chữ Au Vent của Pháp (vent: gió) mà ra.
Trong tiểu sử của tướng Trần Văn Đôn người ta thấy ông sinh ở Pháp và học ở trường võ bị Tong nên liên tưởng ngay đó là một trường võ bị ở Pháp. Chữ Tong ở đây phát xuất từ chùa Thông ở Sơn Tây mà ra. Trong tiếng Pháp chữ H bị câm nên chữ Thông phát âm thành Tong.

Trên bản đồ sông Hồng được ghi là Rivière Rouge. Có bản đồ ghi là sông Koi (do chữ sông Cái mà người Pháp viết sai ra sông Koi). Sông Đà được ghi là Rivière Noire không phải vì nước den mà vì bóng cây và núi rợp xuống mặt nước làm cho người ta thấy như nước đen ngòm vậy. Sông Lô được ghi là Rivière Claire. Nhiều nhà địa lý Việt Nam dịch ra là Thanh Giang. Mũi Ba Làng An bị ghi sai là Cap Batangan. Đèo Hải Vân được ghi là Col des Nuages v.v…
Những tên núi ở miền Bắc phần lớn do đồng bào thiểu số đặt tên. Các sông ở miền tây Bắc Bộ thường mang chữ Nậm do ảnh hưởng của đồng bào thiểu số gốc Thái. Các sông ở miền cao nguyên Trung Bộ thường mang chữ Đa do ảnh hưởng của đồng bào Thượng trong vùng mà ra.

Các giáo sỉ Tây Ban Nha (giòng Dominican và Bồ Đào Nha (giòng Jesuit) truyền giảng đạo Thiên Chúa ở nước ta ngay từ thế kỷ 16. Vào thế kỷ 19 người Tây Ban Nha có tham dự các trận đánh ở Sài Gòn với người Pháp. Đại tá Palanca đại diện Tây Ban Nha ký tên trong hòa ước 1862 với Bonard, Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp. Nhưng không thấy ảnh hưởng của tiếng Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha trong Việt ngữ ngoại trừ vài tên Thánh như Francisco, Thomaso v.v..
Tiếng Anh xuất hiện ở Việt Nam ngay dưới thời Pháp thuộc. Hầu hết những từ ngữ liên quan đến thể thao đều vay mượn từ Anh ngữ. Trẻ em Việt Nam chơi oảnh tù tì (One, two, three). Những từ tơ nít (tennis), đá banh (football), giữ gôn (goal keeper), đánh bốc (boxing), nóc ao (Knock out), nóc dao (knock down), bê nanh ti (penalty), cọt ne (corner), nét (net), sẹt vít (service), câu lạc bộ (club), y sĩ phi lý thuần (inspiration), vô-lây (volley ball), bát-kết (basket ball), banh bong (ping pong), bia (beer), bíp tết (beef steak) đều là những từ vay mượn từ tiếng Anh. Vào tiền bán thế kỷ 20, người ta không nói “Thi sĩ đi tìm nguồn cảm hứng” mà lại nói “Thi sĩ đi tìm y sĩ phi lý thuần”.
Vài tên nhân vật, địa danh và tác phẩm và tác phẩm Âu Mỹ được các học giả Trung Hoa phiên dịch ra Hán tự và được người Việt Nam dùng vào đầu thế kỷ 29. Quyển Esprit des Lois của Montesquieu được dịch là Vạn Pháp Tinh Lý và Contrat Social của Jean Jacques rousseau là Xã Ước. Montesquieu được phiên dịch thành Mạnh Đức Tư Cưu, Jean Jacques Rousseau: Lư Thoa, La Fontaine: Lã Phụng Tiên, Paris: Ba Lê; Rome: La Mã; Honolulu: Đàn Hương Sơn; Hawai: Hạ Uy Di; New York: Nữu Ước; London: Luân Đôn; Singapore: Tịnh Châu; America: A Mỹ Lệ Gia; France: Pháp Lan Sa; Italy: Ý Đại Lợi; Belgium: Bỉ Lợi Thì; Luxemburg: Lục Xâm Bảo; Garibaldi: Gia Lý Ba Đích; San Francisco: Cựu Kim Sơn; Washington: Hoa Thịnh Đốn; Karl Marx: Mã Khắc Tư; Inukai: Khuyển Dưỡng Nghị; Meiji Tenno: Minh Trị Thiên Hoàng. Người Trung Hoa phát âm chữ D thành chữ T và chữ R thành chữ L giống như một số người Bình Dương phát âm chữ T không rõ, một số người ở Kiên Giang phát âm chữ R thành chữ G, chữ TR thành CH hay một số người miền Bắc phát âm chữ L thành N và chữ TR thành GI vậy. Vì vậy Paris phiên âm thành Ba Lê; Rome thành La Mã hay Rousseau trở thành Lư Thoa.

Các nhà cách mạng Việt Nam tìm hiểu tư tưởng Tây phương qua sách dịch của Trung Hoa. Khang Hữu Vi (Kang Yu-wei) và Lương Khải Siêu (Leang Ki-chao) quan tâm đến cuộc duy tân của Nhật. Hai ông giúp cho hoàng đế Quang Tự (Kuang Hsu) thực hiện cuộc cải cách bất thành năm 1898. Cuộc canh tân 100 ngày nầy được các nhà cách mạng Việt Nam như Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu đặc biệt lưu ý đến.
Tôn Dật Tiên (Sun Yat-sen) theo đạo Tin Lành, lúc ấu thời học ở Honolulu, sau học y khoa ở Hong Kong. Ông chịu ảnh hưởng văn hóa Anh và Hoa Kỳ cũng như tư tưởng của Karl Marx lẫn Henry George. Cuộc cách mạng Tân Hợi và chủ nghĩa Tam Dân do ông đề xướng được Phan Bội Châu và sau nầy Nguyễn Thái Học đặc biệt để ý đến.

Học giả Hồ thích (Hu Shi) học ở Hoa Kỳ. Trần Độc Tú (Chen Duxiu), Châu Ân Lai (Chou Enlai), Trần Nghị (Chen Yi), Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) học ở Pháp. Dù thuộc tả khuynh hay hữu khuynh cách nhà chánh trị trên đều hấp thu tư tưởng Tây phương. Ít nhiều họ cũng có ảnh hưởng với những đảng viên Cộng Sản Việt Nam thân Trung Hoa như Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Sơn, Trường Chinh, Hoàng Văn Hoan.
Một số từ ngữ chánh trị mới như độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, bình đẳng, bình quyền, bầu cử, bãi miễn, tam quyền phân lập, ngũ quyền phân lập, duy tâm, duy vật, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa duy dân, chủ nghĩa vô chánh phủ, quân chủ cộng hòa, vạn lý trường chinh… lưu hành ở Việt Nam dưới thời Pháp thuộc do ảnh hưởng của Quốc Dân Đảng và một phần nhỏ của đảng Cộng Sản Trung Hoa.

Từ thập niên 1920 đến thập niên 1950 từ ngữ chánh trị ở Việt nam rất dồi dào. Một số do ảnh hưởng của Trung Hoa Quốc Dân Đảng (Kuonmintang) và Tam Dân Chủ Nghĩa (San Min Chu I). Một số khác do ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx-Lenin sau khi Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản (Comintern hay Third International) được thành lập ở Nga năm 1919.

Nguyễn Sinh Cung hay Nguyễn Tất Thành tức Hồ Chí Minh sau nầy gia nhập đảng Cộng Sản Pháp năm 1920. Ông là người du nhập chủ nghĩa Marx-Lenin vào Việt Nam từ Trung Hoa. Với Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội (1925) và Việt Nam Cộng Sản Đảng (1930) sau đổi thành Đông Dương Cộng Sản Đảng và Đảng Lao Động Việt Nam ông đưa ra một số từ nghữ chánh trị và Nga ngữ vào Việt ngữ. Những chữ xa hoàng (tsar), bôn-sê-vít (Bolshevik), men-sê-vít (Menshevik), Xô viết (Soviet – Ủy ban nhân dân), chế độ xa hoàng (tsarism), Xì-ta-ka-nốp (Stakanov, anh hùng lao động của Liên Sô), lựu đạn Mô-lô-tốp (lựu đạn xăng), Mát-cơ-va (Moscow), Lê-nin-gơ-rát (Leningrad), Xì-ta-lin-gơ-rát (Stalingrad), Tơ-rốt-ky (Trosky), Kom-xô-môn (Kommunistticheskii Soyuz Molodezhi – Thanh Niên Cộng Sản Đoàn) xuất hiện trên tờ Thanh Niên, cuốn Đường Kách Mệnh và những tài liệu tuyên truyền của đảng Cộng Sản và đảng Lao Động Việt Nam sau nầy.

Các từ ngữ dưới đây trở nên thịnh hành ở Việt Nam: cách mạng, tranh đấu, đấu tranh giai cấp, tư sản, vô sản, tư bản, công nông giai cấp, độc lập, bình sản, “người cày có ruộng”, giải phóng, cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng giải phóng giai cấp, trí, phú, địa, hào, áp bức, bóc lột, quốc Tế Cộng Sản (Comintern), Quốc Tế Ca (Internationale), cải cách ruộng đất, quốc hữu hóa, phát xít, Mác xít, Lê-nin-nít, Xì ta lin nít, Xô viết v.v…

Hồ Chí Minh là người thay đổi chánh tả rất nhiều. Vào thập niên 1920, lúc còn ở Paris, ông viết cho các báo Cộng Sản và Xã Hội Pháp dưới bút ký Nguyễn Ái Quấc. Năm 1926 ông viết cuốn Đường Kách Mệnh. Trong chiến tranh Việt–Pháp chữ PH được thay thế bằng chữ F cho ngắn gọn. Thay vì viết PHÁP người ta viết FÁP. Khi Trần Đại Nghĩa dùng đường rầy xe lửa và lò rèn cổ truyền để làm ra một loại súng ba-zô-ka nội hóa lấy tên là SKZ tựa hồ như súng sản xuất ở Đức hay Liên Sô vậy. SKZ là chữ viết tắt của Súng Không Zật. (Zật thay vì Giật). Giống như Hoa Kỳ, Việt Minh thường dùng những chữ viết tắt. Việt Minh (VM) là chữ rút gọn và viết tắt của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội; Thanh Niên (TN) là chữ rút ngắn của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội. VNDCCH là chữ viết tắt của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. TTS hay tạch tạch sè là chữ viết tắt và tiếng lóng của chữ tiểu tư sản, một giai cấp bị lên án là kẻ thù của giai cấp vô sản. ABC là chữ viết tắt của chữ Pháp anti-bolchéviste. UTQ là chữ viết tắt của uống trà quạu.

Sau năm 1954 chánh quyền Ngô Đình Diệm dùng chủ nghĩa nhân vị (personalism) của nhà triết học Pháp Emmanuel Mounier để chống lại chủ nghĩa Marx-Lenin. Tổng Thống Ngô Đình Diệm theo đạo Thiên Chúa, thấm nhuần Khổng giáo và chống Cộng mãnh liệt nên ông thường nhấn mạnh đến các từ vô thần, hữu thần, tam vô, duy tâm, duy vật, vô sản, hữu sản hóa nhân dân, cải tiến cần lao, đồng tiến xã hội, bài phong dã thực, nhân bản trong các bài diễn văn do bào đệ của ông là Ngô Đình Nhu viết. Theo gương các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ ông thường hay kết thúc các bài diễn văn của ông bằng câu: “Xin Ơn Trên phù hộ cho chúng ta.” (May God bless us).

Từ năm 1960 đến năm 1975 tiếng Anh có một vị trí đặc biệt ở miền Nam Việt Nam. Phần lớn học sinh chọn tiếng Anh. Nhiều người Việt Nam học tiếng Anh để làm việc cho các công ty Hòa Kỳ. Nhưng các từ tiếng Anh được Việt hóa vẫn như cũ. Vào thập niên 1980 con em những người còn trong trại cải tạo được ‘chọn’ học Nga ngữ như là một sự trừng phạt (a). Trái lại con em cán bộ A, cán bộ B hay gia đình cách mạng được học tiếng Anh. Từ năm 1990 về sau Anh ngữ có vai trò độc tôn ở Việt Nam khiến cho hội nghị các nước nói tiếng Pháp ở Hà Nội năm 1997 trở nên lạc lõng vì tỷ lệ người nói tiếng Pháp ở miền Bắc sau 1954 quá nhỏ.


THẾ GIỚI VÀ TIẾNG VIỆT

Trước năm 1945 Việt Nam không được thế giới biết đến vì đó chỉ là một thuộc địa nhỏ của Pháp ở Á châu với một nền kinh tế nông nghiệp nghèo nàn. Từ năm 1854 tvề sau cả thế giới biết đến Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh đẫm máu vừa qua. Nói đến Việt Nam người ta liên tưởng đến Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ, Thượng Tọa Thích Quảng Đức tự thiêu, bà Ngô Đình Nhu sống động và đầy thách thức, trận đánh Khe Sanh, Tết Mậu Thân, những sát phạt đẫm máu và ghê rợn giữa các phe lâm chiến, những cuộc biểu tình triền miên, chiến dịch Hồ Chí Minh, trại học tập cải tạo, vùng kinh tế mới và cuộc tỵ nạn của trên 2 triệu người Việt Nam được gọi là thuyền nhân (boat peaple) và hành nhân (walking people).

Người Pháp đô hộ Việt Nam gần một thế kỷ. Nhưng số người Pháp biết tiếng Việt không nhiều ngoại trừ các nhà truyền giáo hay các nhà nghiên cứu. Thực ra những nhà trí thức uyên bác của Pháp trong trường Viễn Đông Bác Cổ (Ecole Française d’Extrême Orient) không quan tâm đến tiếng Việt mà chỉ để ý đến việc trau dồi chữ Hán để nghiên cứu lịch sử hay khảo cổ. Cha Cras, một giáo sĩ người Pháp thuộc giòng Dominican, được biết dưới tên Việt Nam, Đỗ Minh Vọng, là người rất thạo tiếng Việt và có khả năng dạy các tác phẩm Việt Nam ở đại học Văn Khoa Sài Gòn. Cha Raguin thuộc giòng Jesuit rất thông thạo lịch sử các nước Đông Á. Vị giáo sĩ nầy am tường Hán học nhưng không biết tiếng Việt.

Suốt gần một thế kỷ Pháp thuộc sách Pháp chỉ lưu lại vài chữ Việt như nhaque (nhà quê), Việt Minh.

Đài BBC (Anh) và VOA (Hoa Kỳ) có chương trình phát thanh tiếng Việt để theo dõi diễn tiến thời cuộc ở Việt Nam. Người Anh hiểu được sự phức tạp của vấn để Việt Nam khi đến SàiGòn giải giới quân Nhật. Người Hoa Kỳ hiểu được sự phức tạp nầy sau 10 năm có mặt ở miền Nam Việt Nam. Có khá nhiều người Hoa Kỳ nói được tiếng Việt. Phần lớn đó là những cố vấn hay nhân viên tòa đại sứ. Cũng có người nói sành tiếng Việt nhờ có vợ Việt Nam như ông Stephen Young chẳng hạn. Người Hoa Kỳ đã tốn hàng trăm tỷ Mỹ Kim suốt cuộc chiến vừa qua nhưng chỉ có một chữ Việt Cộng được ghi trong tự điển của họ mà thôi.

 

*****


Người Việt Nam có tiếng nói từ lâu nhưng chữ viết hiện hành được phổ biến khắp cả nước không quá một thế kỷ.

Điều đó cũng không có gì lạ cả. Người Thụy Sĩ nói ba ngôn ngữ: Pháp, Đức và Ý. Người Canada nói tiếng Anh và Pháp. Người Bỉ nói tiếng Pháp và Flamand. Tiếng quan thoại của người Trung Hoa quảng bá khắp cả nước trên dưới 70 năm nay.
Sau khi độc lập người Hoa Kỳ không ngần ngại chọn tiếng Anh làm quốc ngữ. Tiếng Anh của ngưòi Hoa Kỳ (American English) bây giờ phong phú và phổ biến hơn bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới vì tính hợp chủng và văn hóa đa dạng của Hoa Kỳ cũng như vì sự tiến bộ khoa học kỹ thuật và kinh tế vượt bực của nước nầy. Hàng năm tự điển Hoa Kỳ phải cập nhật từ 3000 đến 5000 từ mới để đặt tên cho những món hàng mới phát minh và sản xuất. Có nhiều sản phẩm lấy hiệu làm tên và biến tên ấy thành động từ luôn. Hoa Kỳ thoát thai là một nước thuộc địa của Anh lập quốc trên 200 năm nay và sớm trở thành một cường quốc kỹ nghệ, quân sự và kinh tế lãnh đạo toàn thế giới.
Người Hòa Lan, Do Thái và Nhật rất quan tâm đến ngoại ngữ để cập nhật với những tiến bộ khoa học, kỹ thuật và trào lưu tư tưởng quốc tế. Điều đó không có nghĩa là họ xem thường tiếng nói của họ hay họ kém cỏi hơn các dân tộc khác.
Hòa Lan là một nước nhỏ đã từng đô hộ Indonesia suốt trên 3 thế kỷ liền. Thành phố New York há không do người Hòa Lan lập ra và đặt tên là New Amsterdam? Họ há không đặt chân lên Nam Phi trước người Anh? Người Boers là hậu duệ của người Hòa Lan còn sống sót ở Nam Phi. Tổ tiên vị Tổng Thống đắc cử 4 lần trong lịch sử Hoa Kỳ, Franklin Delano Roosevelt, là người Hòa Lan.

Do Thái lập quốc năm 1948 và phục hồi tiếng Hebrew trong một thời gian kỷ lục. Các giáo sư đại học đều giảng bài bằng ngôn ngữ của họ (4) trong khi người Do Thái nói thông thạo nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Sau 2000 năm lưu lạc họ vẫn giữ được tiếng nói của họ nhưng họ vẫn quan tâm đến những ngôn ngữ khác vì nhiều lợi ích khác nhau giữa lúc sự đóng góp của người Do Thái vào văn minh nhân loại rất đáng kể trên mọi lãnh vực. Disraeli, Rothschild, Karl Marx, Lenin, Trotsky, Kamenev, Zinovev, Léon Blum, Einstein, Oppenheimer, Weizmann, Henri Bergson, Mendès France, Sakharov… đều là những người mang ít nhiều giòng máu Do Thái.

Nước Nhật tiến bộ nhờ cuộc canh tân năm 1868 tức là nhờ Tây phương hóa xứ sở theo tinh thần Nhật. Người Nhật khôn ngoan và khéo léo khi biết chọn cái gì để hấp thu và loại trừ cái gì cần phải vất bỏ. Không có nhiều người Nhật trong danh sách những người lãnh giải thưởng Nobel. Nhưng giáo dục của Nhật thành công trong việc đào tạo những người trí thức cập nhật được những tiến bộ của thế giới và loài người. Nhờ đó mà nước Nhật tiến một bước rất dài trên mọi lãnh vực. Ở Á châu chỉ có Nhật thích thú với các môn thể thao, cách làm ăn, quản lý xí nghiệp, nghiên cứu và phát minh của người Hoa Kỳ mà thôi. Hay nói cách khác chỉ có Nhật mới hiểu và thực hành những điều học hỏi nơi người Hoa Kỳ có kết quả tốt mà thôi. Hiện nay người Nhật càng quan tâm đến việc dạy tiếng Anh cho trẻ em Nhật ngay từ lớp đồng ấu bằng giáo viên người Anh hay người Hoa Kỳ vì khoa học, kỹ thuật, kinh tế và thươg mại vẫn phát triển mạnh ở Hoa Kỳ. Người Nhật không quên tiếng nói và không hề mất bản sắc của họ khi học hỏi nơì người khác để vươn lên.

Tôi ghi vội trường hợp của ba quốc gia nhỏ, tài nguyên không phong phú, đất đai không màu mỡ nhưng với tinh thần học hỏi, cầu tiến và tự cường họ có một địa vị xứng đáng trên thế giới.

Nhà văn Trung Hoa gốc bác sĩ, Lỗ Tấn (Lu Xun) đã khổ tâm với Ả Q tức thằng đầu chóc tiêu biểu cho thảo dân của xứ ông trước và sau cách mạng Tân Hợi. Ả Q khinh thường những người chung quanh vì không có đầu chóc như mình. Nhà văn tà phái Kim Dung (Kim Yung) dùng hình ảnh của Châu Bá Thông để mô tả quê hương ông: một nước già nua trong lịch sử nhưng ấu trĩ về nhiều mặt giống như Châu Bá Thông già mà có tư tưởng và hảnh động như đứa trẻ, võ nghệ cao cường nhưng chỉ để phô trương và biểu diễn vui chơi chớ không mang lợi ích cụ thể nào cả. Chắc chắn một số người trong chúng ta đã trải qua thời kỳ mà người mang kiếng bị mắng nhiếc và người biết ngoại ngữ bị tình nghi làm tình báo cho ngoại nhân. Những ý niệm hẹp hòi, cố chấp và tàn hại nầy tiêu diệt sự tiến bộ và dẫn đến cơn hôn mê chậm tiến triền miên.

 

Phạm Đình Lân

Tác giả là sáng lập viên và chủ nhiệm một số tạp chí (Việt ngữ và Anh ngữ) tại Hoa Kỳ, là tác giả 4 tác phẩm khảo luận (Anh ngữ) về lịch sử, văn hóa, đời sống người Việt. Ngoài ra còn giữ một số chức vụ quan trọng trong nhiều tổ chức văn hóa, xã hội tại Hoa Kỳ

__________________________

(1) Tương đương với cử nhân bây giờ. Lý Tiến là người Giao Chỉ đầu tiên được làm thứ sử Giao Chỉ dưới đời Hán Linh Đế (Han Ling-ti, 168–189) do sự tiến cử của Giả Mạnh Kiên (Zhe M’ang-jan). Trương Trọng là người Giao Chỉ đầu tiên được bổ làm thái thú Kim Thành (Kin Cheng) sau khi Lý Cầm khóc xin Hán Linh Đế cho các học sĩ Giao Chỉ được quền làm quan ở Trung Hoa.
(2) Do sự phát âm của chữ Hồi mà người Việt Nam còn gọi người Chiêm hay Chàm là người Hời. Ảnh hưởng của Ấn giáo và Hồi giáo ở Chiêm Thành phát triển song song với Indonesia. Trên đảo Bali, một đảo nhỏ ở phía đông đảo Java, có nhiều di tích của văn hóa Ấn Độ trước khi Indonesia ngã theo đạo Hồi. Đến thế kỷ 15 hầu hết ngưòi Indonesia đều theo đạo Hồi.
(3) Kinh đô Xiêm lúc ấy là Ayuthya bị quân Miến đốt phá nên ông phải chọn Thonburi nằm trên bờ sông Chaophraya cách Bangkok 20 cây số. Tên Xiêm của Trịnh Quốc Anh là ‘Sin’. Nên người ta thường gọi ông là Phya Tak Sin. Ông lên làm vua từ năm 1767 đến năm 1781. Ông bị Chao Phraya Chakkri (tướng) Thong Duang giết chết. Thong Duang lên ngôi tức là Rama I. Vị vua Thái Lan hiện nay là Rama IX tức Bhumibol Adulyadej.
(4) Tiếng Hebrew quá khó đến nỗi người ta phải than rằng: “Khó như tiếng hebrew.”

*

(a) Vào năm 1986, chính phủ Việt Nam đã đề ra phưong hướng để tạo cân bằng trong vìệc giảng dạy ngoại ngữ tại các trường cấp 2 và 3, vì họ hy vọng sẽ mở rộng giao tiếp với Liên Xô (chưa kể một số lý do phụ như tình trạng giáo viên Nga ngữ đã đào tạo rồi nhưng có cơ thất nghiệp, vì sức ép từ Liên Xô, đồng thời Việt Nam cũng muốn thoát dần ảnh hưởng của Trung quốc). Chính quyền đã đề ra chỉ tiêu mỗi trường phải có bao nhiêu phần trăm học sinh học tiếng Nga, bao nhiêu phần trăm học tiếng Anh. Khi đó tại Sài gòn những học sinh giỏi (tiên tiến) 'bị' ép buộc chọn tiếng Nga làm ngoại ngữ (động viên đưa đến tự nguyện, cộng thêm phong trào rầm rộ đua học tiếng Nga), còn ở Hà Nội thì ngược lại, vì ngoài bắc nhiều học sinh đã biết tiếng Nga từ trước, nay vì thiếu chỉ tiêu tiếng Anh nên nhiều học sinh giỏi ở miền bắc 'may mắn' cũng bị ép buộc (động viên đưa đến tự nguyện) học tiếng Anh. Ở Sài Gòn khi đó những gia đình có người làm việc cho chế độ cũ ở những cấp bực khá và cao thường là gia đình có nền nếp, trọng việc học, con em những gia đình này thường học giỏi nên 'bị' bắt chọn tiếng Nga cho đạt chỉ tiêu trung ương đề ra. Những em vốn đã học dở, được chọn tiếng Anh làm ngoại ngữ thì lại chậm lụt, học không được vì không có tư chất, gia đình không thúc hối... Năm 1990 vì thấy giải pháp này không đạt kết quả như ý, và vì Việt Nam thấy không còn có thể trông cậy vào một Liên bang Xô Viết đang tan rã, ngoài ra trong biến chuyển toàn cầu hóa, tiếng Anh trở nên quan trọng, nên chính quyền không còn chú trọng đến chỉ tiêu như trước, những em học sinh giỏi trong lớp lại được khuyến khích học tiếng Anh. (chú thích của BBT)


Cái Đình - 2004