Phạm Đình Lân
Thử tìm nguồn gốc địa danh La Vang
La Vang là nơi Đức Mẹ hiện ra năm 1798. Đó là một thôn nhỏ nằm trong quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Thôn này nằm gần Quốc Lộ 1 và gần thành phố Quảng Trị về phía tây nam. Có hai địa danh La Vang: La Vang Tả (1) và La Vang Chánh (1). Nơi Đức Mẹ hiện ra và hiện có một Vương Cung Thánh Đường to lớn được xây lên là La Vang Tả, nằm trên bắc vĩ tuyến 16 độ 43' và đông kinh tuyến 107 độ 12'. La Vang Chánh nằm về phía đông gần La Vang Tả trên bắc vĩ tuyến 16 độ 43' và đông kinh tuyến 107 độ 12'.
Việc đặt địa danh cũng giống như việc đặt tên của con người. Địa danh phản ảnh:
– Uớc vọng an ninh, thái bình, hòa hiệp, phồn vinh, phú túc như Thái Bình, Bình Hòa, Hưng Định, An Thạnh, An Phú, Thuận An v.v.
– Tứ Linh (Long, Lân, Qui, Phụng) như Phượng Nhãn, Phụng Hiệp, núi Kỳ Lân ở xã Mật Sơn Thanh Hóa, Thăng Long, Vịnh Hạ Long, Long An, Long Hải, Long Điền, Qui Điền (ruộng rùa trong thành Thăng Long cổ), Qui Thành (Thành Gia Định bị phá hủy năm 1835 sau khi triều đình dẹp tan cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi. Thành mới được xây lên và lấy tên là Phượng Thành).
– Phước, Lộc, Thọ, Trinh, Tường trong tranh Ngũ Phúc (2) ngày xưa như Phước Yên, Phước Thành, Phước Long, Phúc An (sinh quán của Trương Hán Siêu ờ Ninh Bình), An Lộc, Lộc Ninh, Phú Thọ, Thọ Xương gần Thăng Long, Thọ Xuân (Thanh Hòa), Vĩnh Tường, Bình Trinh v.v.
– Đức tính thường thấy trong xã hội Khổng Giáo như: Nhân Giang (tên cũ của Chợ Quán bây giờ), Quảng Ngãi (Nghĩa), Phước Lễ, Đức Phổ, Thủ Đức, Hành Thiện, Hòa Hảo, Mỹ Hảo, Hoài Đức, Đức Hòa, Khánh Hậu, Thuận An, Thuận Đức, Hậu Nghĩa, núi Trí Khê, (Hà Tỉnh), Quảng Tín v.v.
– Đặc điểm riêng biệt ở địa phương: Gọi là Đồng Nai vì có nhiều nai; Gò Công (Khổng Tước Nguyên) vì có nhiều công xuất hiện; Thủ Dầu Một, Gò Dầu Hạ vì có nhiều cây dầu (Dipterocarpus alatus); Sài Gòn vì có nhiều cây gòn (Ceiba petandra); Củ Chi vì có nhiều củ chi tức mã tiền (Strychnos nux-vomica); Gò Găng vì có cây găng gai (Canthium parvifolium); Rạch Giá vì có nhiều cây giá (Excoecaria aglocha); Gò Vấp vì có cây vấp, một loại cây có gỗ chắc như gỗ lim nên được mệnh danh là thiết lực mộc (Erythrophleum fordii); Giồng Trôm vì có nhiều cây trôm (Sterculia hypodra); Búng vì có bưng nước (Rias); Đất Đỏ vì ở đó có xích thổ v.v.
Việc đặt tên La Vang chắc chắn cũng không ngoài những tiêu chuẩn trên, La Vang là một thôn nhỏ thì việc đặt tên cho nó cũng không cầu kỳ lắm. Về phương diện hành chánh thôn nầy còn ít dân hơn Cây Điệp (Trung Chánh) và Quán Tre, nơi có Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung và Trung Tâm Phát Tuyến mà cả nước đều biết mặc dù mang những tên đơn giản của vùng có nhiều cây đìệp hay phượng vĩ (Delonix regia) trên một vùng đất trước kia có một cái quán nhỏ dưới bụi tre.
Vậy La Vang là gì?
Có một loại dây có nhựa trắng, lá xanh sậm và chua được gọi là lá dang. Loại dây có lá chua nầy có rất nhiều ở thôn quê Việt Nam. Lá được dùng để làm nguyên liệu nấu canh chua ở nông thôn và sơn thôn nước ta. Thường thường người ta nấu canh chua lá dang với cá trào, một loại cá nước ngọt giống như cá lóc nhưng nhỏ bằng 2, 3 ngón tay, thịt rất ngon. Người ta cũng nấu canh chua lá dang với thịt gà hay khô hố.
Trong ca dao có câu:
Miệng ăn măng trúc măng mai.
Những dang cùng nứa lấy ai bạn cùng.
Tên khoa học của lá dang là Aganonerion polymorphum, thuộc gia đình Apocynaceae. Đây là một loại dây leo dài đến 10m, mọc hoang ngoài bìa rừng, dọc theo các đường mòn, sông và suối. Hoa dài và kết chùm màu trắng trông dễ nhìn. Trái có xơ. Lá dang ăn được nhưng nhựa trắng đục vào mắt có thể gây thương tổn cho mắt vì gia đình thảo mộc Apocynaceae thường có độc chất. Người Lào gọi lá dang là som lom. Hoạt chất lấy từ nhựa lá dang có tính sát trùng. Người ta dùng nó để diệt côn trùng bám trên mình các con bò. Người ta nấu nước lá dang tắm khi bị ghẻ ngứa. Người Lào dùng lá dang trị sạn thận.
Có hai lý do để không chấp nhận rằng tên La Vang xuất phát từ sự dồi dào lá dang:
a- Lá dang không phải là một loại lá nấu canh chua quí như me hay lá cây giấm Hibiscus sabdariffa. Có thể vùng La Vang có nhiều lá dang như các vùng nông thôn và sơn thôn khác có loại thảo mộc nầy. Nó không có giá trị tiêu biểu như cây dầu, cây vấp, cây thốt nốt hay trôm có mủ ăn được, hoa sen để cúng Phật (Làng Sen - Kim Liên) để được chọn làm địa danh.
b- Về chánh tả La Vang và Lá Dang hoàn toàn khác nhau. Chánh tả đúng của loại lá chua nầy là LÁ DANG chớ không phải LÁ GIANG và được chuyển dịch sang tiếng Anh thành river leaf.
Có người nói là La Vang do tên một loại thảo mộc gọi là lá vằng. Tôi đã mất khá nhiều thì giờ đi tìm lá vằng nhưng không biết loại lá nầy còn có tên gọi nào khác nữa không? Nếu có tên khoa học thì càng dễ hơn. Nhưng cho đến bây gìò tôi vẫn không tìm được ánh sáng nào về lá vằng cả. Một yếu tố làm cho tôi lưu ý là Đức Mẹ hiện ra, ẵm hài đồng trên tay và khuyên những giáo dân lẩn trốn dùng lá cây nấu nước uống, tuy rằng lời tường thuật không nói rõ là lá cây gì? Trị bịnh gì?
Tôi cố quay về lịch sử tìm nguồn gốc địa danh La Vang.
Xưa kia địa bàn của người Việt chạy từ châu thổ sông Hồng xuống đến vĩ tuyến 18. Từ vĩ tuyến 18 tức từ Quảng Bình xuống đến Bình Thuận là xứ Champa (Chiêm Thành). Champa chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ. Theo tiếng Hindi Champa là hoa sứ, một loại sứ rất thơm về đêm mà người Việt Nam gọi là sứ cùi Plueria rubra. Người Lào cũng gọi hoa sứ là Champa và xem đó là quốc hoa. Nước Nicaragua cũng xem hoa sứ là quốc hoa. Họ gọi nó là Sacuanjoche.
Tên khoa học của cây sứ ngọc lan (mộc lan?) thuộc gia đình Magnoliaceae (mộc lan) là Michelia champaca. Tiếng Sanskrit (Phạn) gọi là Champaka và tiếng Mã Lai là Chempaka. Hoa sứ được trồng nhiều quanh cá đền Ấn Giáo (Hinduism - Brahmanism). Người Chàm theo Ấn Giáo trước khi theo đạo Hồi. Hiện nay vẫn còn một số khá lớn người Chàm ở Việt Nam theo Ấn Giáo. Tục hỏa táng người chết là tục của Ấn Giáo, Tín đồ Hồi Giáo không có tục nầy. Ngôn ngữ của người Chàm vay mượn từ tiếng Hindi và Sanskrit rất nhiều. Kinh đô đầu tiên của Champa (Chiêm Thành) là Indrapura (Đồng Dương, Quảng Nam). Indra: tên vị thần trong Ấn Giáo tức Bà La Môn (Brahmanism); pura: thành phố. Ở Chiêm Thành có hai thị tộc chống báng nhau. Đó là thị tộc Cây Cau (Kramakavamca) và thị tộc Cây Dừa (Narikelavamca). Theo tiếng Sanskrit Kramaka có nghĩa là cây cau và Narikela là cây dừa.
Champa nổi tiếng về trầm, kỳ nam và các loại hương liệu khác. Đó là vùng đất nhỏ hẹp khô hạn. Vùng khô hạn nhất chạy từ Kauthara (Nha Trang) xuống Panduranga (Ninh Thuận - Bình Thuận). Ở phía đông Champa là biển với nhiều đầm phá nước mặn. Phía Tây là núi rừng hiểm trở với nhiều loại dược thảo, gỗ quí có hương thơm.
Vào thời Trung cổ người Âu Châu chú trọng đến tơ lụa của Trung Hoa và hương liệu của Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Họ phải tốn nhiều tiền để mua hương liệu Ấn Độ và tơ lụa của Trung Hoa qua trung gian các thương nhân Á Rập. Vì vậy họ tìm cách tìm đường đến Trung Hoa và Ấn Độ. Chính Christopher Columbus đi tìm Ấn Độ chớ không phải đi tìm Mỹ Châu. Vì vậy khi gặp người bản địa trên đảo Hispaniola (Haïti và Cộng Hòa Dominican bây giờ) ông nghĩ họ là Indians (người Ấn Độ) nên bây giờ phải phân biệt Indians chỉ người Ấn Độ và Indians chỉ người Da Đỏ.
Có hai con đường để đến Đông Á và Nam Á:
a- Đường Tơ Lụa (Silk Road): là đường bộ do Marco Polo (1254 - 1324) dùng trước tiên để đến Trung Hoa vào năm 1275. Ông ở lại đây dưới triều nhà Nguyên (Yuan) đến năm 1295 mới trở về quê quán của ông ở Venice. Chính những truyện kể của Marco Polo đã kích thích óc phiêu lưu và mạo hiểm của các nhà hàng hải Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha vào thế kỷ XV, XVI và XVII. Cầu Marco Polo ở Bắc Kinh (Beijing) được âm thành Lư Cầu Kiều, nơi mở đầu chiến tranh Hoa-Nhật ngày 07-07-1937.
b- Đường Hương Liệu (Spices Road): là đường biển đi từ Đại Tây Dương vòng qua đỉnh cực nam của lục địa Phi Châu để sang Ấn Độ Dương. Hải trình xa xôi và nguy hiểm vì lúc bấy giờ chưa có tàu sắt chạy bằng hơi nước và chưa có kinh đào Suez (3).
Hương liệu chánh yếu mà người Âu Châu ưa chuộng gồm hồ tiêu, quế, nghệ, đậu khấu (cardamon), đại hồi (anis), đinh hương (clove). Đó chẳng những là hương liệu dùng trong nấu nướng mà còn là dược liệu để làm thuốc và mỹ phẩm. Ấn Độ, đảo Ceylon (Sri Lanka) và các nước Đông Nam Á rất dồi dào hương liệu. Thức ăn trong vùng vừa thơm ngon vừa cay nồng vì có nhiều hương liệu. Trong nồi phở của người Việt Nam có gần đủ các hương liệu vừa kể.
Hương liệu vừa kể rất đắt tiền ở Âu Châu. Giá 1kg đinh hương vào thế kỷ XVII là 7gr vàng. Vào thế kỷ XVIII người ta cho rằng trọng lượng đinh hương bằng trọng lượng vàng ở Anh. Dĩ nhiên điều này hơi quá đáng nhưng nó phản ảnh sự quí giá và hiếm hoi của đinh hương.
Cây đinh hương cao từ 15m đến 20m. Lá dài, láng, gân lá chìm. Hoa hình chữ I dài giống như cây đinh. Người Trung Hoa gọi là ding xiang, ta âm thành đinh hương có nghĩa là cây đinh có hương thơm. Người Anh gọi là clove. Theo tiếng La Tinh "clavus"có nghĩa là cây đinh nên người Pháp gọi là clou de giroffe.
Tên khoa học của đinh hương là Eugenia aromaticum thuộc gia đình Myrtaceae. Lá, vỏ, hoa đều có mùi thơm đặc biệt vì có eugenol và methyl salicylate. Người Ấn Độ biết dùng đinh hương trước người Trung Hoa. Đến đời nhà Tùy (581 - 618) đinh hương mới được ghi trong y thư Trung Hoa.
Người Ấn Độ dùng đinh hương nêm vào thức ăn cho có hương vị hấp dẫn, làm nhang, dầu và thuốc trị bịnh. Lá đinh hương khô dùng để tạo hương thơm trong nhà. Đinh hương có eugenol kháng khuẩn, làm giảm đau. Nó có lợi cho Thận kinh, Tỳ kinh và Vị kinh. Ngoài ra đinh hương còn có acetyl eugenol, beta-caryophyllene, vanillin, ác xít crategolic, gallotannic, tannins, methyl salicylate, flavonoids, eugenin, kaempferol, triterpenoids và sesquiterpenes. Người ta dùng nó để trị trùng lãi, nôn mửa, dạ dày rối loạn, nấc cục, tiểu đường, thuốc kích dục, kháng ung thư v.v.
Cây đinh hương có rất nhiều trong nhóm đảo Moluccas tức Malubu của xứ Indonesia. Vào thế kỷ XVII người Hòa Lan chiếm Indonesia và độc quyền bán đinh hương ở Âu Châu.
Indonesia và Champa (Chiêm Thành) đều theo Ấn Giáo trước khi theo đạo Hồi. Giữa Indonesia và Champa còn có liên hệ về chủng tộc. Ngôn ngữ Indonesia cũng vậy, mượn nhiều từ tiếng Hindi và Sanskrit như ngôn ngữ Champa. Dấu tích của Ấn Giáo cũng được tìm thấy nơi người Khmer với đền Angkor Vat, tục hỏa thiêu và sự trân quí hoa sen, hoa sứ v.v. Người Champa và Indonesia đi từ Ấn Giáo sang Hồi Giáo sau khi giao thiệp với các thương nhân Á Rập. Người Khmer đi từ Ấn Giáo sang Phật Giáo Tiểu Thừa.
Người Ấn Độ gọi đinh hương là Lavang. Tôi cho rằng địa danh La Vang phát xuất từ cách gọi tên cây đinh hương Lavang của người Ấn Độ.
– Trước tiên chữ lavang có âm thanh dễ nghe, dễ nhớ và dễ đồng hóa với ngôn ngữ người Champa thời bấy giờ cảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Ấn Độ từ tôn giáo đến ngôn ngữ. Khi nhập Việt tịch chữ La Vang cũng được Việt hóa theo dịch âm hơn dịch nghĩa.
– Cây đinh hương là một loại cây quí từ lá đến vỏ và hoa. Chẳng những nó quí vì nó là hương liệu cho vào thức ăn mà nó còn được dùng để làm thuốc trị bịnh và làm mỹ phẩm nữa.
– Có thể xưa kia vùng La Vang có nhiều cây đinh hương mà người Ấn Độ gọi là Lavang hay Lavanga ở một vài địa phương ở Ấn Độ. Thôn La Vang nằm trong quận Hải Lăng. Hải Lăng là quận ở cực nam tỉnh Quảng Trị giáp giới với tỉnh Thừa Thiên - Huế. Khi vùng đất ở phía nam vĩ tuyến 17 được Việt hóa thì ta thấy có nhiều địa danh mang chữ Hương (mùi thơm) trong tỉnh Thừa Thiên như sông Hương hay Hương Giang, Hương Thủy, Hương Điền, Hương Trà.
Hương thơm ấy do tưởng tượng?
Hay phát xuất từ hương thơm của lá cây, các loại thảo mộc quanh vùng trong đó có cây đinh hương?
Nếu hương thơm chỉ là tưởng tượng thì tất cả các địa danh trong tỉnh nầy phải có chữ "HƯƠNG". Nhưng đây là hương thơm thật sự của những loại thảo mộc nhiệt đới có lá, hoa và vỏ toát mùi thơm và chỉ có một số địa điểm giới hạn nào đó có hương thơm mà thôi.
Như đã đề cập sơ qua ở phần trên, Nha Trang xưa kia nổi tiếng về trầm (Aquilaria crassna). Do đó có câu:
- Ngậm ngải tìm trầm.
- Thôi thời tắt đuốc đi thầm
Còn duyên đâu nữa mua trầm bán hương
(Ca Dao)
- Sâm Cao Ly tốt mấy cũng chẳng màng
Trầm hương dẫu mất vị, bạc ngàn cũng mua.
Quảng Nam nổi tiếng về quế (Cinnamonum louieirii) và kỳ nam (4). Nha Trang cũng có kỳ nam rất đắng trị đau bụng rất tốt. Để gợi lên cái đắng của kỳ nam người ta nói:
- Mật gấu, kỳ nam.
- Để lâu cây gió thành kỳ
Đá kia lăn lóc có khi thành vàng.
(Ca Dao)
Đó là tất cả những tìm hiểu của tôi về nguồn gốc của địa danh La Vang từ tiếng Hindi Lavang chỉ cây đinh hương, một loại cây quí vào thế kỷ XVI, XVII, XVIII và XIX. Vào thế kỷ XVIII người Pháp trồng cây đinh hương trên đảo Mauritus gần đảo Madagascar. Đinh hương được trồng ở Guyana, West Indies, Brazil trên lục địa Mỹ Châu. Đinh hương là động lực khiến người Hòa Lan phỗng tay trên trước người Bồ Đào Nha khi xâm chiếm quần đảo Moluccas mà họ gọi là đảo hương liệu để độc quyền bán đinh hương ở Âu Châu. Chắc chắn cây đinh hương quí giá nầy có nhiều ở Champa (Chiêm Thành) vì vùng nầy hội đủ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu nhiệt đới. Champa là nơi chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Ấn Độ từ tôn giáo, ngôn ngữ lẩn học thuật như Bali ở Indonesia trước khi theo Hồi Giáo. Quốc hiệu Champa (Chiêm Thành), tên kinh đô Indrapura (Đồng Dương, Quảng Nam), kinh đô Vijaya (Đồ Bàn tức Qui Nhơn), Panduranga (Phan Rang - Ninh Thuận) đều là tiếng Hindi hay Sanskrit tuần tự có nghĩa là hoa sứ, thành phố của Thần Indra, chiến thắng (Vijaya, tên cháu nội thần Indra theo huyền thoại Ấn Độ), trắng nhạt (Panduranga - có lẽ vì nắng chói và nhiều cát trắng trong vùng khô hạn nhất trong nước). Các vua Indonesia, Khmers. Champa trong thời kỳ chịa ảnh hưởng của Ấn Giáo đều có tước cao quí là Varma hay Varman nghĩa là cái giáp, cái khiên của các anh hùng xông pha nơi trậm mạc. Vua chế Mân cưới Huyền Trân Công Chúa là Jaya Simha Varman III.
Độc giả có thể thắc mắc:
1- "Tại sao trong nước Việt Nam lại có địa danh Ấn Độ?"
Câu hỏi nầy đã được giải thích nhiều trong bài viết. Tôi xin nhấn mạnh rằng trong nước ta có nhiều địa danh không hoàn toàn Việt. Những địa danh như Nam Oun, Mường Thanh, Đà Lạt, Ban Mê Thuột, Đa Rằng, Mỹ Tho, Bạc Liêu, Cà Mau, Sa Đéc, Thốt Nốt, Phan Rí, Phan Thiết... đều là tên gọi của người Thái ở Tây Bắc Bộ, người thiểu số trên Cao Nguyên Nam Trung Bộ, người Khmers và người Chàm. Một thời Đà Nẳng mang tên Tourane; Hội An mang tên Faifo; Vũng Tàu mang tên Cap St Jacques; mũi Ba Làng An trở thành Cap Batangan. Kỳ Hòa trở thành Chí Hòa, Đất Hộ trở thành Đa Kao, chùa Thông (Sơn Tây) trở thành Tông chỉ vì người Pháp viết sai chánh tả theo cách phát âm của họ (chữ H câm) nhưng đến bây giờ ta vẫn dùng đến nổi khi nói đến Kỳ Hòa hay Đất Hộ thì không ai biết ở đâu cả. Tướng Trần Văn Đôn và Trần Văn Minh học trường võ bị Tông. Ai cũng nghĩ đó là một trường võ bị ở Pháp.
2- "Nếu La Vang do chữ lavang của Ấn Độ chỉ cây đinh hương, sao bây giờ không thấy cây nào?"
Mọi phong cảnh đều thay đổi theo thời gian, sự tàn phá của chiến tranh, những biến đổi chính trị, sự gia tăng dân số và nhu cầu phát triễn địa phương. Bây giờ không ai thấy cây vấp ở Gò Vấp, cây mã tiền (củ chi) ở Củ Chi, cây thốt nốt ở Thốt Nốt (An Giang), cây tra ở Rạch Tra, cây giá ở Rạch Giá v.v.
Tôi viết bài nầy vì sự hiếu kỳ. Tôi thiết tha kêu gọi độc giả cùng góp ý và thảo luận về đề tài khô khan và có vẻ vô bổ nầy. Nhưng nếu chúng ta không lần lượt thanh toán các vô bổ thì chúng ta chồng chất nhiều vô bổ cho hậu thế.
Phạm Đình Lân, F.A. B. I.
__________
Chú thích:
(1) Tôi phân vân về La Vang Tả và La Vang Chánh vì "Tả" thì đối lại với "Hữu" như "tả ngạn", "'hữu ngạn"' chẳng hạn. Ở đây "Tả" đối lại với "Chánh". có phải chăng là "Tà" và "Chánh"? Vì ngày xưa khi đạo Thiên Chúa bị ngăn cấm thì nhà cầm quyền địa phương gọi đạo nầy là "tà đạo"'. Có hai địa danh La Vang. La Vang Chánh ám chỉ nơi những người theo Tam Giáo đã có từ trước chăng? Và La Vang Tà là nơi những người theo đạo Thiên Chúa bị truy lùng? ("Tà" ở đây ám chỉ "tà giáo" như lời buộc tội của chánh quyền lúc bấy giờ). Hay "Tả" ở đây ám chỉ hướng tây? Và "chánh" là hướng đông? Mời độc giả góp ý về ý nghĩa hai chữ "Tả" và "Chánh" ở đây. Có thể đó là cách dùng riêng của người địa phương.
(2) Phúc: Phước. Người miền Nam tránh nói chữ "Phúc" mà dùng chữ "Phước" vì "Phúc" là chữ lót của Nguyễn Phúc Ánh, người sáng lập ra nhà Nguyễn tức là vua Gia Long.
(3) Kinh đào Suez hoàn thành năm 1869 dưới triều Napoléon III.
(4) Kỳ Nam: Kỳ ở Quảng Nam. Kỳ là bướu cây gió lâu năm, rất đắng dùng trị đau bụng rất hiệu quả.