Phạm Đình Lân
Thử tìm hiểu về ma-na và thức ăn của thánh John
Bài viết này chia ra làm hai phần:
- Phần thứ nhất về ma-na.
- Phần thứ hai về thức ăn của thánh John (St John the Baptist tức thánh Jean Baptiste theo tiếng Pháp).
Phần thứ nhất được tìm thấy trong Exodus 16 (Cựu Ước Kinh) và phần thứ hai được tìm thấy trong Tân Ước Kinh).
Ma-na?
Theo Cựu Ước Kinh chép, 600.000 người Do Thái không kể phụ nữ và trẻ em và nhiều người phi Do Thái khác cùng đàn thú của họ rời Rameses đi Sukkoth dưới sự lãnh đạo của Moses sau 430 năm sống làm nô lệ trên đất Ai Cập. Họ lưu lạc trong đồng vắng, thiếu ăn và thiếu nước ngọt cho người và đàn thú. Họ vượt Hồng Hải. Đến Marah họ thiếu nước uống, nước lại đắng. Địa danh Marah có nghĩa là "nước đắng". Họ tiến về Elim nằm về phía nam trên bờ Hồng Hải nơi có các suối nước ngọt và có cây chà là. Khi họ tiến về Sa mạc Sin giữa Elim và Sinai thì họ oán trách Moses vì thiếu lương thực. Moses cầu xin đức Jehovah nên toàn thể người Do Thái trên đường hồi hương về Đất Hứa Canaan đều được ban ma-na và chim cút hàng ngày. Không ai được giữ ma-na quá ngày vì ma-na sẽ hóa sâu và bị hư hủy. Riêng ngày thứ sáu họ được cấp hai phần ma-na để mọi người được nghĩ ngơi vào ngày thứ bảy tức ngày sabbath. Việc lưu giữ ma-na trong hai ngày này thì không bị phân hủy và hóa sâu.
Theo sự mô tả thì ma-na là những hột màu trắng giống như hột rau cần thơm Coriandrum sativum và có vị ngọt.
1- Có giả thuyết cho rằng chữ manna là do tiếng Ai Cập mennu mà ra. Âm chữ manna trong tiếng Do Thái có nghĩa là "Cái gì vậy?". Vào đầu thế kỷ XX người Á Rập bán nhựa cây Tamarix gallica mà họ gọi là mann-es-sama có nghĩa là ma-na từ trên Trời.
Cây Tamarix gallica thuộc gia đình Tamaricaceae là một loại cây cao lối 10m được tìm thấy nhiều trên bán đảo Saudi Arabia, bán đảo Sinai ở phía nam nước Do Thái tức lộ trình mà Moses hướng dẫn người Do Thái rời Ai Cập về đất Canaan. Ma-na hiểu theo các nhà thực vật học là nhựa tuôn ra từ nhánh cây Tamarix gallica mà người Anh gọi là French tamarisk (Gallicus, Gallica chỉ nước Pháp La Tinh). Chúng ta tạm gọi đó là cây ma-na. Khi côn trùng đụt vào nhánh hay thân cây ma-na, nhựa màu vàng tuôn ra và keo tụ lại. Nhựa này có vị ngọt. Nó tan ra khi gặp nhiệt của mặt trời.
2- Cây ma-na tần bì Fraximus ornus thuộc gia đình Oleaceae được người Anh gọi là manna ash (ma-na tần bì). Đó là một loại cây cao lối 15 m, có nhiều trong vùng Địa Trung Hải, trong đó có vùng mà người Do Thái di chuyển ngang qua và tạm sống trong đồng vắng suốt 40 năm liền. Ma-na của loại thảo mộc nầy là nhựa trắng có đường mannose C6H12O6 và mannitol C6H14O6.
Về phương diện địa lý và hương vị ma-na của cây Tamarix gallica và Fraxinus ornus giống với ma-na trong Cựu Ước. Nhưng về hình dáng hoàn toàn khác. Ma-na mô tả trong Cựu Ước là một loại hột trắng giống như hột rau cần thơm (cilantro; coriander). Ma-na của hai loại thảo mộc vùng khô hạn ghi trên là nhựa đông đặc và tan ra chất lỏng khi gặp nhiệt. Ma-na trong Cựu Ước rớt từ trên Trời xuống đất. Về số lượng nhựa để nuôi sống trên 600.000 người theo khẩu phần lối 2 lít mỗi ngày cho thấy ma-na vẫn là ẩn số huyền bí! Vùng mà chúng ta đang nói là vùng khí hậu khô hạn. Cây cối chỉ mọc ở những nơi có suối, có dòng nước chớ không phải toàn sa mạc được phủ đầy cây ma-na Tamarix gallica hay cây Fraxinus ornus (ma-na tần bì). Cây ma-na Tamarix gallica hay cây ma-na tần bì Fraxinus ornus chỉ được khai thác nhựa trong vòng 9, 10 năm thì phải đốn bỏ, chờ mầm non lên cây khác trong khi thời gian người Do Thái lưu lạc trên bán đảo Sinai dài ngót 40 năm trường.
3- Có một loại nấm màu vàng cam mang tên khoa học Psilocybe cubensis thuộc gia đình Strophariaceae có hợp chất psilocybin, psilocin gây ảo giác. Loại nấm nầy sớm bị phân hủy rã rụt nhanh chóng như sự hóa sâu và rã rụt của ma-na của những người tích lủy quá hai lít mỗi ngày. Ma-na trong Cựu Ước là hột trắng chớ không phải là nấm. Vã chăng nấm nầy không có trong sa mạc. Theo tên khoa học của nấm ta thấy psilos và kube có nghĩa là "dấu hỏi" theo tiếng Hy Lạp và cubensis có nghĩa là từ Cuba.
4- Người Anh gọi mật thảo hoa vàng hương va-ni Anthoxanthum odoratum thuộc gia đình Poaceae là manna grass (theo tiếng Hy Lạp anthos là hoa và xanthos hay zanthos là màu vàng. Odoratum là tiếng La Tinh có nghĩa là mùi thơm). Loại mật thảo nầy giống như bụi lúa, lá dài và mỏng, hoa vàng và có hương thơm va-ni. Trái có nhiều hột nhỏ ăn được. Loại mật thảo nầy được tìm thấy trên lục địa Âu-Á và miền đông nam Úc Đại Lợi.
Ở miền ôn đới đầm lầy Bắc Mỹ và vùng Ngũ Đại Hồ giữa Hoa Kỳ-Canada có mật thảo ma-na Glyceria striata thuộc gia đình Poaceae như lúa gạo. Người Anh gọi mật thảo nầy là fowl manna grass (mật thảo của chim muông) vì vịt trời, ngỗng hoang thích ăn và ẩn trú dưới bóng mật thảo ma-na. Mật thảo nầy gốc ở Bắc Mỹ (Canada, Hoa Kỳ) nên không thể xem là nguồn ma-na của người Do Thái trong sa mạc Sin được.
Ma-na là gì vẫn còn là một câu hỏi chưa có giải đáp thỏa đáng. Cho đến ngày nay vẫn chưa có loại thảo mộc nào thích hợp với những điều mô tả trong Cựu Ước:
a- Ma-na là một loại hột màu trắng giống như hột rau cần thơm Coriandrum sativum mà người Anh gọi là cilantro hay coriander và ngọt như mật ong.
b- Từ trên trời rớt xuống vào sáng tinh sương và tự biến khi mặt trời mọc.
c- Không giữ quá đêm vì sẽ bị rửa thối, hóa sâu ngoại trừ số ma-na nhận được vào ngày thứ sáu (gấp đôi số ma-na nhận được hàng ngày).
d- Khung cảnh địa lý nơi người Do Thái hồi hương nhận ma-na là sa mạc trên bán đảo Sinai, một bán đảo rộng 60.000 km2 có nhiều núi đồi, sa mạc nóng bức và khô hạn mặc dù có Hồng Hải, Địa Trung Hải và Vịnh Aqaba bao quanh.
e- Số lượng ma-na cung cấp hàng ngày đủ nuôi sống trên 600.000 người trong 40 năm liền. Mỗi ngày có lối 1.500.000 lít ma-na để cung cấp cho nhu cầu của trên 600.000 người theo tiêu chuẩn mỗi người 2 lit mỗi ngày. Trong 40 năm số lương ma-na là: 1.500.000 x 360 x 40 = lối 22 tỷ lít. Theo lịch Do Thái có tháng 29 ngày và có tháng 30 ngày nên một năm không có đến 365 ngày.
Thức ăn của Thánh John
Thánh John giảng đạo trong sa mạc Judea. Ông mặc quần áo làm bằng lông lạc đà, mang dây thắt lưng da. Thức ăn của ông là cào cào và mật ong rừng.
Mật ong rừng ở những vùng khí hậu nóng và khô rất ngon vì những vùng nầy có nhiều hoa thơm dồi dào mật hoa. Trong Thánh Kinh đề cập nhiều đến ong và mật ong như Samson thấy một ổ ong trên xác con sư tử chết; Đất Hứa chảy đầy sữa và mật ong; Thánh John ăn mật ong rừng. Mật ong là biểu tượng của Tân Niên Rosh Hashana trong lịch Do Thái.
Loài người biết tìm mật ong để ăn cách đây 10.000 năm. Ở Ai Cập cổ và Trung Đông người ta dùng mật ong trong nấu nướng và trị liệu. Mật ong còn được dùng để ướp xác chết nữa.
Trong Phật Giáo có chuyện con khỉ đem mật ong dâng cho Đức Phật.
Thánh Kinh Qur'an Hồi Giáo gọi mật ong là al-Nahl được giáo chủ dạy dùng để ăn và trị bịnh.
Ở vài vùng ở Hy Lạp có tục cô dâu mới phải nhúng ngón tay vào ổ mật ong và làm dấu chữ thập (signum crucis) tức tréo ngón tay trỏ với ngón giữa lại trước khi bước vào nhà chồng.
Con ong mật Apis mellifera rất thiêng liêng trong văn hóa Maya ở Trung Mỹ. Mật ong là thức ăn ngon và bổ dưỡng được cả thế giới công nhận vì có nhiều sinh tố B2, B3, B5, B6, B9 và sinh tố C và nhiều khoáng chất khác. Mật ong có nhiều hợp chất kháng oxy hóa, kháng trùng. Nó được dùng để trị vết thương, phỏng, ho, vết loét do bịnh tiểu đường gây ra, viêm ruột, Mật ong hòa với nước và giấm dùng để trục lãi.
Cào cào là một loại côn trùng thuộc dòng Orthoptera. Cào cào ở Phi Châu và Trung Đông mang tên khoa học Schistocerca gregaria và Locusta migratoria. Đối với người Việt Nam ăn cào cào là chuyện lạ vì người Việt Nam chỉ bắt cào cào để nuôi sáo, cưỡng và chích chòe mà thôi. Người Việt Nam ăn dế cơm chiên. Cào cào không có nhiều thịt bằng dế cơm, nhưng đó là một nguồn protein khá quan trọng. Cào cào được biến thành thức ăn ngon và bổ dưỡng ở Trung Hoa, Mễ Tây Cơ, nhiều quốc gia ở Phi Châu và Trung Đông. Như vậy việc ăn cào cào không phải là một chuyện lạ nữa. Trong xã hội Do Thái cổ đã qui định những loại thú nào ăn được và loại thú nào không được ăn vì không tinh sạch. Các loại côn trùng có cánh và đi bốn chân (hay nhiều hơn) trên mặt đất được xem là nguy hiểm và không tinh sạch nên không được ăn. Nhưng có thể ăn loại côn trùng có cánh và có hai chân để nhảy như cào cào, châu chấu, dế.
Ở một vài quốc gia Trung Đông người ta ngâm cào cào trong muối và bỏ vào nước sôi rồi đem phơi khô ngoài nắng trước khi biến thành thức ăn. Cách ăn nầy chắc chắn không phù hợp với hoàn cảnh của một người bận rộn và thiếu thốn mọi phương tiện trong lúc đi truyền giảng Tin Lành trong sa mạc như Thánh John.
Ǎn cào cào sống?
Không thể ăn như vậy được vì không phù hợp với phép vệ sinh được hướng dẫn kỹ càng trong văn hóa và tôn giáo của người Do Thái cổ, nhất là sau khi loài người đã biết tạo ra lửa để nấu nướng. Ngay từ thời Moses đấng Jehovah dạy ông rằng các con vật tế lễ đều phải được quay chín. Hơn nữa ăn cào cào sống có thể bị nhiễm sán xơ mít.
Không ăn cào cào ngâm muối và khử nước sôi phơi khô ngoài nắng vì thiếu phương tiện và không thể ăn cào cào sống vì dễ bị nhiễm sán xơ mít. Vậy Thánh John ăn thức ăn gì?
Trong từ ngữ thông dụng, người Anh dùng những chữ honey locust tree (cây cào cào mật) để chỉ các loại cây thuộc dòng Gleditsia, Robinia, Parkia và Ceratonia thuộc gia đình Fabaceae.
a- Cây bồ kết hay tạo giác Gleditsia sinensis là một loại cây có gai chằng chịt cao lối 10 m. Lá khép lại khi đụng đến giống như lá mắc cở (trinh nữ) nên cây bồ kết còn mang tên khoa học khác là Mimosa fera. Trái bồ kết dẹp, cơm vàng. Đó là loại thảo mộc miền ôn đới và bán nhiệt đới. Người anh gọi là Chinese honey locust (cây cào cào mật Trung Hoa). Ở miền Bắc Việt Nam người ta dùng bồ kết làm xà bông gội đầu cho sạch gàu vì có nhiều saponins. Lá và hột bồ kết ăn được nhưng là phải luộc và hột phải rang. Hột bồ kết nghiền thành bột dùng để thổi vào mũi người bị chết đuối hay làm thuôc hít cho người bị tê bại hay bán thân bất toại. Bồ kết cũng được dùng làm thuốc cầm máu, kháng trùng, kháng nấm, trị ho, sình bụng, tiểu tiện bất thông, đàm nghẽn, giang mai, ngứa (prutinus) v.v.
b- Cây cào cào đen Robinia pseudoacacia loà cây me keo giả (căn cứ theo tên khoa học). Người Anh gọi là black locust vì các nhà truyền giáo liên tưởng đến cây carob ở Trung Đông. Cây cao lối 20 m. Hoa kết thành chùm dài màu trắng rất đẹp và thơm. Hoa nở vào tháng năm. Trái màu đen hay đỏ hao hao giống trái me keo. Cây cào cào đen có nhiều độc chất ngoại trừ hoa. Trái ăn không được vì độc. Ngựa ăn vào bị yếu sức và có thể chết vỉ độc chất trong trái cào cào đen nầy. Loài ong hút nhụy hoa và cho một loại mật ong thơm và ngon.Điều nầy cho thấy hoa cây cào cào đen Robinia pseudoacacia không độc. Nếu mật hoa độc thì mật ong sẽ độc. Cây cào cào đen gốc miền Đông Nam Hoa Kỳ. Nó cũng được tìm thấy ở miền ôn đới Âu Châu và Á Châu.
c- Cây cào cào họ đậu ở Phi Châu mang tên khoa học Parkia biglobosa. Người Anh gọi là locust bean (đậu cào cào) hay african locust bean (đậu cào cào Phi Châu). Người Pháp gọi là arbre à farine (cây bột). Cây cao từ 10 - 20 m được tìm thấy nhiều ở Trung và Tây Phi. Về sau nó được đưa sang quần đảo Antilles. Hột có nhiều bột được người Phi Châu dùng làm bột để ăn. Bột có nhiều proteins, lipids, chất vôi, potassium, phosphorus, sodium, sinh tố B2. Hột lên men có nhiều lysine. Vỏ cây cào cào đen có alkaloid parkine dùng để thuốc cá. Người Phi Châu dùng lá cây Parkia biglobosa để trị phỏng, đau mắt, đau răng. Hột dùng để trị cao máu. Lá và trái cây Parkia biglobosa là thức ăn cho người và súc vật.
d- Ở Trung Đông và vùng Địa Trung Hải có cây carob âm từ chữ kharrub của người Á Rập. Người Do Thái gọi là Haruv. Tên khoa học của cây carob là Ceratonia siliqua gốc ở Syria. Người Hy Lạp du nhập giống cây nầy sang Ý. Người Á Rập du nhập nó vào Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sau những trận thư hùng giữa người Hồi Giáo và người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha theo Thiên Chúa Giáo. Sau nầy người Tây Ban Nha đem cây carob sang các nước Trung và Nam Mỹ.
Cây carob chịu đụng khô hạn và nước mặn rất tốt. Hoa màu đỏ. Trái giống như trái me dẹp hình bán nguyệt. Trái carob ăn được. Người Thổ Nhĩ Kỳ ví trái carob với sừng dê và gọi là Keciboynuzu. Người Anh gọi trái carob là St John's bread (bánh mì của Thánh John) và cây là locust tree (cây cào cào). Gọi là trái cây cào cào vì trái carob tươi treo lủng lẳng trên cây tựa như những con cào cào xanh. Trái carob có nhiều đường trước khi loài người biết dùng mía và củ cải đường để sản xuất ra đường. Người ta dùng trái carob để nuôi súc vật hay nghiền thành bột để thay thế sô-cô-la, cà phê, nước giải khát hay để cất rượu. Nó được dùng để làm bánh, kẹo và thức ăn. Trái carob có 72% đường, nhiều calories, proteins, chất vôi, phosphorus, sợi, carbohydrates, tro và chất béo. Người Ai Cập cổ rất thích ăn trái carob. Người Do Thái có truyền thống ăn trái carob vào dịp lễ Tu Bishvat tức lễ mừng Thảo Mộc Tân Niên tức Tết cây cỏ vào cuối tháng 1 đầu tháng 2 mỗi năm. Vào ngày nầy người ta trồng cây mới và ăn trái sung ngọt, nho, chà là, trái carob. Đó là mùa hoa hạnh Prunus dulcis nở giống như hoa mai nở vào mùa Tết ở nước ta vậy. Tín đồ Hồi giáo dùng nước ép của trái carob vào mùa chay Ramadan. Ngày xưa người ta dùng hột trái carob làm đơn vị đo đá quí, vàng và kim cương. Chữ carat do chữ keration (trái carob) của tiếng Hy lạp mà ra (keras có nghĩa là "sừng", ám chỉ trái carob). Một carat lối 0,2 gram. Vàng nguyên chất là vàng 24 carats tức khoảng 4,5 grams.
Việc Thánh John uống mật ong là điều hiểu được. Còn việc ông ăn cào cào có phải chăng là ăn trái của những cây được gọi chung là honey locust trees chớ không phải con cào cào Locusta migratoria hay Schistocerca gregaria vì một số lý do nhất định đã nêu ở phần trên?
Trong bốn loại trái cây cào cào mật dòng Gleditsia, Robinia, Parkia và Ceratonia ghi trên, loại trái nào khả dĩ được Thánh John dùng?
Cây bồ kết hay tạo giác Gleditsia sinensis là một loại cây gai, đặc điểm của loại thảo mộc vùng khí hậu khô. Người ta dùng trái bồ kết trong việc tẩy giặt, gội đầu và làm thuốc hơn là để ăn vì có saponins. Lá và hột bồ kết ăn được nhưng lá phải luộc và hột phải rang chín.
Trái cây cào cào đen Robinia pseudoacacia không ăn được vì có nhiều độc chất có thể gây tử vong cho người hay ngựa nếu ăn vào. Cây cào cào đen gốc ở Bắc Mỹ nên không tìm thấy ở Do Thái vào thời Thánh John cách đây trên 2000 năm.
Cây cào cào họ đậu Phi Châu Parkia biglobosa có hột dùng làm bột để ăn. Cây nầy gốc ở Trung và Tây Phi quá xa đối với xứ Do Thái thời bấy giờ. Việc dùng bột để biến thành thức ăn phải mất một ít thời gian chờ cho bột lên men và rã rục thành bột mới dùng trong nấu nướng được.Trên đường về Đất Hứa Canaan thời Moses, người Do Thái phải mất 40 năm sống vất vả trên bán đảo Sinai. Khoảng cách từ Marah đến cảng Eziongeber tức Elath ở cực nam nước Do Thái lối 205 km. Do đó không thể tin trái cào cào họ đậu Parkia biglobosa được Thánh John dùng vì nguồn gốc Trung và Tây Phi xa xôi của nó.
Cuối cùng chỉ còn cây cào cào carob là một loại cây có nhiều ở Trung Đông và Địa Trung Hải lại là trái có nhiều đường (72%). Tên gọi cây carob là bánh mì Thánh John (St John's Bread) hay locust tree (cây cào cào) như xác định Thánh John dùng trái carob hơn là ăn cào cào. Cây carob cho trái có nhiều đường nên nó được liệt vào danh sách các loại cây mà người Anh gọi là honey locust trees (cây cào cào mật).
***
Phần I của bài viết về ma-na vẫn là phần không có lời giải đáp khả tín. Nếu chỉ dùng lý luận khoa học, chắc chắn chúng ta không thể hiểu được làm cách nào trên 600.000 người Do Thái và đàn thú vượt qua Hồng Hải để đặt chân lên bán đảo Sinai trước sự săn đuổi của quân Ai Cập? Làm cách nào số người đông đảo trên và đàn thú có đủ thức ăn và nước uống trong khi họ sống trong sa mạc nóng bức ban ngày và lạnh buốt ban đêm suốt 40 năm liền? Sống thiếu thốn vật chất, thiếu điều kiện vệ sinh bắt buộc họ phải tuân theo lời dạy về cách giữ gìn sức khỏe bằng cách ăn uống kỹ lưỡng khi phân biệt loài vật nào được ăn và loài vật nào không được ăn.
Trong phần II về thức ăn của Thánh John chúng ta thấy việc ăn mật ong là điều hiểu được vì đó là thức ăn ngon, bổ dưỡng, có nhiều ở những vùng khí hậu nóng và khô. Còn việc ăn cào cào hay ăn trái carob thì phần đúng và sai đều ở tỷ lệ 50 - 50.
Đúng vì cào cào, châu chấu, dế, ve là những côn trùng có cánh và hai chân nhảy xa, được cho phép ăn trong xã hội Do Thái cổ.
Nếu sai thì có thể là sai khi dịch chữ locust nhầm lẫn giữa con cào cào (côn trùng) và cây locust (thảo mộc) tức cây carob Ceratonia siliqua.
Người viết bài nầy thiết tha kêu gọi độc giả có những bằng chứng và lời biện minh khác để giải tỏa thắc mắc của những người hiếu kỳ về hai tiêu đề nói trên. Chưa khai thông được chuyện về ma-na thì chúng ta cũng đừng ngạc nhiên khi nghe câu châm ngôn trân quí của người Do Thái:
Ai không tin vào phép lạ là thiếu thực tế.
(Qui ne croit pas au miracle est irréaliste).
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.