Hoàng Mai Ðạt
Thử thách đối với các nhà báo trong cộng đồng thiểu số
'Một bài viết cần ghi nhận cả hai khía cạnh xấu và tốt để có một giá trị vững chắc'
WESTMINSTER, California (NV) - Quyền tự do báo chí ở nước Mỹ được bảo đảm theo Tu Chính Án Thứ Nhất trong Hiến Pháp Hoa Kỳ. Tuy vậy, đối với những ai hành nghề báo chí trong các cộng đồng thiểu số, việc làm của họ không chắc được tự do, đôi khi thiếu an toàn, gặp nguy hiểm như phóng viên tường trình tại một nơi đang có lửa đạn của chiến tranh. Ngòi bút viết lên sự thật theo lương tâm nghề nghiệp của ký giả có thể bị ngăn chặn hoặc bị bẻ cong trước sự phản đối xuất phát từ trong cộng đồng thiểu số.
Trong một buổi hội luận vào ngày 7 Tháng Tư vừa qua tại Trung Tâm Văn Hóa Nhật trong khu phố Little Tokyo, Los Angeles, khoảng 30 người, mà đa số là các chủ bút từ nhiều cộng đồng thiểu số, đã chia sẻ những kinh nghiệm về việc họ bị đe dọa trong lúc hành nghề báo chí. Chương trình hội luận với chủ đề “Một Thử Thách Cho Giới Truyền Thông Thiểu Số: Săn Tin Ðưa Ðến Sự Ðe Dọa Từ Trong Cộng Ðồng Của Bạn” được tổ chức bởi New America Media, California First Amendment Coalition, USC Annenberg's Institute for Justice and Journalism, CSU Northridge's Center for Ethnic and Alternative Media, và vài tổ chức khác chuyên bênh vực quyền tự do báo chí.
Trong buổi hội luận dài hơn hai tiếng đồng hồ, những người làm báo đã kể lại những câu chuyện hãi hùng như nhật báo bị tẩy chay, bị biểu tình; phóng viên bị bắn thiệt mạng; chủ bút bị hăm dọa mạng sống. Mối đe dọa xuất phát từ những người trong cộng đồng muốn kiểm duyệt nội dung, yêu cầu nhật báo phải viết tin theo ý của họ.
“Sự công bình trong những bài viết, những vấn đề của ngành báo chí thiểu số đang gặp thử thách,” bà Sandy Close nói. Bà điều hợp buổi hội luận giữa các nhà báo.
Trong các cộng đồng, người ta thường xem tờ báo địa phương là tiếng nói của riêng họ chứ không phải một tiếng nói trung thực, khách quan như một tờ báo lớn của người Mỹ. Sự đối xử theo hai tiêu chuẩn khác nhau này được các nhà báo nhắc đến vài lần trong buổi hội luận.
Một trong những mẩu chuyện từng được báo chí Hoa Kỳ loan tải là vụ ông Chauncey Bailey bị thanh toán tại Bắc California. Ông là chủ bút tờ Oakland Post, một tuần báo phục vụ cộng đồng người da đen. Vào buổi sáng ngày 2 Tháng Tám, 2007, ông Bailey bị bắn thiệt mạng trên đường đến tòa soạn. Lúc đó ông đang viết bài điều tra những hoạt động tài chánh đáng nghi ngờ của Your Black Muslim Bakery, một tiệm bánh trong vùng Oakland.
Trình bày thêm về vụ bắn ký giả Bailey, ông Bob Butler - giám đốc của Chauncy Bailey Project, một nỗ lực tìm hiểu sự thật trong cái chết của ký giả - nói trong buổi hội luận rằng tiệm bánh Your Black Muslim Bakery được mở cửa mấy chục năm trước, thường trợ giúp những cựu tù nhân, giúp họ có nơi làm việc và ổn định đời sống. Ðến mấy năm gần đây, một thế hệ trẻ đã điều hành tiệm bánh, đưa đến sự sinh nghi có hoạt động phi pháp trong tiệm.
Ông Butler cho biết những bài viết tìm hiểu về cái chết của ký giả Bailey đã bị một số người trong cộng đồng da đen phản đối. Họ cho rằng những bài viết đó nói xấu cộng đồng. Ông Butler nói, “Ðôi khi độc giả không hiểu rằng một bài viết cần ghi nhận cả hai khía cạnh xấu và tốt để có một giá trị vững chắc.”
Bà Hassina Leelarathne, chủ bút bán nguyệt san Sri Lanka Express tại Arleta, California, kể lại những thử thách bà từng gặp trong cộng đồng người Tích Lan. Báo của bà bị chỉ trích vì nêu thắc mắc về những món tiền được quyên góp để gởi về cho đồng bào trong vụ thiên tai sóng thần vào cuối năm 2004.
Bà Leelarathne từng bị phản đối chỉ vì bà viết một câu trong một bản tin để chỉ trích một hành động bị xem là bất lịch sự của phu nhân thủ tướng Tích Lan trong một chuyến viếng thăm California. Chồng của bà Leelarathne cũng là một nhà báo. Ông bị hành hung trong lúc hành nghề tại một cuộc họp của những người ủng hộ nhóm Hổ Tamil, một tổ chức chống chính quyền Tích Lan.
“Tôi cảm thấy bị xâm phạm. Tôi không thể giải thích hoặc mô tả cho các bạn hiểu những thông điệp đó kinh khủng như thế nào,” bà Leelarathne kể lại những lời hăm dọa mạng sống, những câu nói tục tằn mà người ta đã nhắn lại trong máy điện thoại của bà.
Ông Tom Byun, cựu chủ bút của nhật báo Korea Times, từng bị băng đảng tội ác đe dọa mạng sống nếu báo của ông tiếp tục điều tra những hoạt động của băng đảng trong khu phố của người Ðại Hàn tại Los Angeles. Ông kể rằng nhiều băng đảng hoạt động tại Koreatown đầu thập niên 1990. “Hai thành viên băng đảng đã gọi điện thoại cho tôi, hăm dọa chặt đứt những ngón tay để tôi không thể viết bài,” ông Byun nói. “Chiều hôm đó, lúc rời tòa soạn, tôi thấy xe của tôi bị đâm thủng hai bánh.”
Ông Byun cho biết Korea Times là nhật báo lớn nhất, lâu đời nhất của người Ðại Hàn tại Hoa Kỳ. Báo của ông bị áp lực từ nhiều nhóm theo xu hướng chính trị, các Giáo Hội Thiên Chúa, kinh doanh, hội cao niên, và hội cựu chiến binh. Ông kể rằng vào năm 1980, những người đại diện cho các nhóm nhà thờ đã đến tận tòa soạn để gây áp lực, cảnh cáo rằng họ sẽ kêu gọi tẩy chay, rút quảng cáo trên toàn quốc, nếu tờ Korea Times tiếp tục bảo trợ cho một chương trình hội chợ văn hóa và truyền thống được tổ chức lần đầu tại Los Angeles. Lúc đó ban tổ chức muốn mở hội chợ trong ngày Chủ Nhật, ngày mà các nhà thờ nói rằng chỉ được dành cho Thượng Ðế. Cuối cùng tờ báo phải nhượng bộ và đồng ý tổ chức hội chợ trong ngày Thứ Bảy.
Buổi hội luận của New American Media được tổ chức để đáp ứng những thắc mắc trước cuộc biểu tình bên ngoài tòa soạn Nhật Báo Người Việt, một tờ báo tiếng Việt lớn nhất và lâu đời nhất tại Hoa Kỳ. Cô Ðỗ Bảo Anh, chủ bút báo Người Việt, đã trình bày về nguyên nhân đưa đến sự biểu tình.
Những nhà báo khác đã chú ý khi biết cuộc biểu tình kéo dài hơn hai tháng mặc dù nhật báo đã xin lỗi, thâu hồi báo Xuân, sa thải một chủ bút và một tổng thư ký ngay trong tuần lễ đầu tiên có biểu tình. Các nhà báo gốc Hispanic, Á Ðông, Phi Châu, và Trung Ðông đã lắng nghe với sự quan tâm khi biết báo Người Việt bị người biểu tình phá hoại tài sản, nhân viên bị hành hung và thân chủ bị dọa nạt. Họ cũng được biết tòa soạn báo Người Việt có treo trong phòng tiếp khách một bức tranh lớn, vẽ lại hình ảnh những người sáng lập nước Mỹ ký hiến pháp để nói lên quyền tự do báo chí.
“Tôi đã nghe một số người đến gặp hoặc nói qua điện thoại về những gì mà tờ báo của chúng tôi có thể viết hoặc không thể viết. Ðó là sự vi phạm quyền tự do báo chí của chúng tôi,” cô Bảo Anh nói.
Vì mỗi chủ bút chỉ có khoảng ba phút để trình bày những thử thách đối với người làm báo trong cộng đồng của họ, đề tài báo Người Việt bị biểu tình được tạm ngưng một thời gian. Thế nhưng đến cuối buổi hội luận, một lần nữa các nhà báo đã quay lại đề tài này. Có người muốn biết những tờ báo bạn có thể làm gì để trợ giúp những ký giả Mỹ gốc Việt.
Các chủ bút cho biết sự việc báo của họ dễ bị đe dọa vì cộng đồng của họ áp dụng hai tiêu chuẩn khác nhau. Ông Andrew Lâm, chủ bút của New America Media, nói rằng các cộng đồng thiểu số thường xem ký giả là người của cộng đồng. Một ký giả của một nhật báo lớn của người Mỹ có thể viết về chuyện xấu trong cộng đồng. Thế nhưng nếu một ký giả trong cộng đồng cũng viết về một chuyện xấu tương tự, ký giả đó sẽ bị cộng đồng xem như một kẻ phản bội chứ không phải một ký giả. Báo chí trong cộng đồng thiểu số thường bị xem là tiếng nói của cộng đồng và không được vạch áo cho người khác xem lưng.
Buổi hội luận trưa ngày Thứ Hai vừa qua cũng có sự tham dự của những nhà báo sau đây: ông Gabriel Lerner, chủ bút trang Metro của tờ La Opinion; ông Larry Aubry, ký mục gia của tờ Los Angeles Sentinel; bà Gloria Alvarez, chủ bút Eastern Group Publishing; ông Ted Fang, chủ nhiệm tờ Asian Week tại San Francisco; ông Joseph Haiek của tạp chí Arab American Affairs Magazine; ông Greg Macabenta, chủ nhiệm tờ Filipinas Magazine; ông Jerry Sullivan, chủ nhiệm/chủ bút tờ LA Garment và Citizen Weekly; ông Steve Montiel thuộc Institute for Justice & Jounalism, California First Amendment Coalition; ông George White của Center for Communications & Community (UCLA); ông Ruben Martinez, trường Loyola Marymount University; và Erna Smith thuộc USC Annenberg School for Communications.
Trước những áp lực ảnh hưởng đến thể xác, tâm lý, và đôi khi kinh tế, một số nhà báo buộc phải nhượng bộ, tránh viết những bài báo có thể gây đụng chạm trong cộng đồng. Các nhà báo trong buổi hội luận nhận thấy hậu quả của những áp lực trong cộng đồng là sự việc tường trình một cách trung thực và đầy đủ - nguồn sống của dân chủ - trở thành sự hiếm có trong báo chí của các cộng đồng thiểu số.
“Trong ngành truyền thông thiểu số, bạn thường trở thành một người viết hoặc một chủ bút biết tự kiểm duyệt vì bạn chỉ có thể vượt qua những giới hạn bằng sự liều lĩnh rất lớn,” ông Lâm nói. (h.d.)
Hoàng Mai Ðạt