Phạm Đình Lân
Thảo mộc trong văn chương, thi ca và ngôn từ thông dụng Việt Nam
Việt Nam là một quốc gia nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới có vũ lượng trung bình hàng năm cao nên có nhiều loại thảo mộc khác nhau. Trong văn chương, thi ca và ngôn từ thông dụng người ta đề cập nhiều đến những loại cây lương thực mang sự sống hàng ngày, các loại hoa, một ít loại cây biểu tượng, cây ăn trái, cây thuốc hay cây cung cấp gỗ dùng trong việc xây cất, đóng thuyền hay đóng bàn, ghế, tủ sẵn có trong nước. Người ta dùng hình ảnh của thảo mộc để nhắc nhở công dụng, dược tính trị liệu của chúng hay để đưa ra những nhận xét mang tính kinh nghiệm nghề nghiệp, kinh nghiệm sống, triết lý nhân sinh và tâm lý-xã hội.
Cây lương thực
Cây lúa Oryza sativa là một loại cây lương thực quan trọng trong đời sống của người Việt Nam. Từ cây lúa ta có gạo và nếp. Gạo dùng để nấu cơm. Nếp dùng để làm bánh ú, bánh tét, bánh chưng, xôi, xôi vò, cơm rượu v.v… Khi Tết đến người ta luôn nhắc đến:
Thịt mỡ dưa, hành câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo bánh chưng xanh.
Trong hai câu thơ ấy có ba loại thảo mộc: dưa hành (củ hành: Allium cepa), cây nêu (tre: Bambusa vulgaris), bánh chưng xanh (nếp: Oryza glutinoza).
Người ta mạnh vì ăn uống no đủ và bạo vì trong túi có nhiều tiền nên có câu:
Mạnh vì gạo, bạo vì tiền.
Người nghèo lâm vào cảnh:
Thiếu lúa thiên trơ mặt địa.
Nơi nào có lợi lộc nhiều, nơi ấy thu hút được nhiều người đến như cảnh:
Lúa thóc đâu thì bồ câu đến đó.
Nông dân vỗ về con trâu ra sức cày bừa vì:
Ngày nào cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
Lúa ngoài ruộng là một đảm bảo để vay mượn tiền hay mượn gạo ăn trong khi chờ lúa chín nên có câu:
Có lúa mới cho mượn gạo.
Trên châu thổ sông Hồng có hai vụ lúa: vụ Chiêm (sau Tết và gặt vào tháng 5 âm lịch) và vụ Mùa. Nông dân làm lụng cực nhọc suốt năm vì:
Lúa chiêm bóc vỏ,
Lúa mùa xỏ tay.
Về kinh nghiệm trồng lúa có:
Lúa nhổ ngã mạ,
Vàng rạ thì mạ xuống được.
Lúa bông vang thì vàng con mắt.
(Lá lúa cháy đỏ vì thiếu mưa)
Đói thì ăn ráy ăn khoai
Chớ thấy lúa trổ tháng hai (Â.L) mà mừng.
(Củ ráy: Alocasia longiloba)
Ngày xưa triều đình bắt các tráng đinh đi tòng quân. Nhà nào có thanh niên phải sắm gạo bị cho thân nhân mang gạo ăn khi lên đường.
Bởi vua bắt lính đàn ông
Tiền nong gạo bị sắm trong nhà nầy.
Ca dao đề cập về lúa và thời gian kết hột và lúa chín qua câu:
Anh đi lúa chửa chia vè
Anh về lúa đã chín hoe cả đồng.
Huyền Trân công chúa gả cho vua Chiêm Thành là Chế Mân tức Jaya Sinbavarman III, ngự trị từ năm 1288 đến 1307. Lúc ấy trong nước có câu:
Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng M..., thằng M... nó leo
Chế Mân chết. Theo tục lệ Chiêm Thành hoàng hậu phải bị hỏa thiêu theo chồng. Vua Trần Anh Tôn, anh của công chúa Huyền Trân, sai Trần Khắc Chung sang Chiêm Thành dự đám tang Chế Mân đồng thời tìm cách cứu công chúa Huyền Trân đem về nước. Trần Khắc Chung thành công trong công tác khó khăn nầy. Trong thời gian Huyền Trân gần gũi với Trần Khắc Chung, trong nước lưu truyền câu:
Tiếc thay hột gạo trắng ngần,
Đã vo nước đục lại vần lửa rơm.
Để diển tả cuộc sống thăng trầm, "lên voi xuống chó", người ta dùng câu:
Đã từng ăn bát cơm đầy
Đã từng nhịn đói cả ngày không cơm.
Gạo cội là gạo ngon, đắt tiền. Học sinh gạo cội là học sinh tuyển xuất sắc.
Học gạo là học siêng năng, chăm chỉ nhưng thâu hoạch không nhiều.
Củi quế gạo châu phản ảnh đời sống khó khăn, nhu cầu thiết yếu hàng ngày đắt đỏ khiến cho người sống trong cảnh cơ hàn.
Tiền phát gạo đong là lời than van của những người làm dâu trong gia đình có mẹ chồng khắt khe về tiền bạc.
Chữ LÚA và GẠO không phải lúc nào cũng có nghĩa tốt trong ngôn ngữ Việt Nam.
Đánh bài chạy gạo: đánh bài kiếm tiền mua gạo ăn hàng ngày. Sau khi thắng thì lấy tiền đi mua gạo và ngưng chơi.
Heo gạo là thịt heo có trứng sên trắng. Muốn biết heo có gạo hay không, người mua heo căng miệng heo để xem lưỡi của nó. Có một thời ở Nam Bộ chữ heo gạo ám chỉ đồng bạc giả.
Xoài gạo là xoài có những đốm trắng như hột gạo làm cho cơm trái xoài bị sượng ít nhiều.
Đồ gạo là đồ giả.
Những cụm từ lúa vàng hay lúa rồi! có nghĩa tiêu cực của nó ở Nam Bộ. Những từ nầy ra đời vào thập niên 1940 với tên của một vị giáo sư Pháp Văn ở Sài Gòn. Hầu hết thí sinh vào vấn đáp mà gặp giáo sư V.V.L. đều bị đánh rớt. Lúa rồi có nghĩa là không ổn rồi!, không xong rồi!.
Khoai lang Ipomoea batatas và Khoai mì Manihot dulcis là những loại củ được dùng để ăn độn với cơm hầu tiết kiệm gạo. có khi người ta ăn khoai lang hay khoai mì (sắn) nấu ăn với muối đậu hay dưa mắm thay cơm vào những năm thất mùa vì lụt lội, bão tố hay hoàng trùng.
Nói về khoai lang và khoai mì trong Sấm Ký Phật Giáo Hòa Hảo có câu:
Khoai lang rồi lại khoai mì,
Đến khi Tần khởi độ thì khẩu ta.
(Tần ở đây ám chỉ nước Cambodia).
Kinh nghiệm về việc trồng khoai và trồng lúa được ghi nhận như sau:
Khoai ruộng lạ,
Mạ ruộng quen.
Khoai môn Colosia esculenta là một loại khoai đắt tiền. Người Việt Nam dùng khoai môn để nấu chè, nấu cháo lươn ăn với nước mắm me, làm chao, vịt hấp chao và khoai môn, bánh khoai môn. Ca dao nói về khoai môn lại không dính dấp gì đến các thức ăn:
Gió đưa bụi chuối sau hè,
Bụi môn trước cửa ai dè em hư.
Bắp hay Ngô Zea mays là một loại cây thực phẩm gốc ở Mỹ Châu. Đó là căn bản lương thực của người Da Đỏ và nhiều dân tộc Phi Châu. Ở Việt Nam người ta ăn bắp luộc, bắp nấu hay bắp chiên ăn với dừa nạo, muối đậu và đường như thức ăn sáng cho người bình dân. Ca dao Việt Nam nói về bắp chỉ có hai câu:
Tháng sáu em đi buôn bè,
Tháng bảy, tháng tám trở về dòng ngô.
Về rau cải dòng Brassica ta có:
Ai làm cây cải lên ngòng
Cho dưa tôi khú cho chồng tôi chê.
Rau nào sâu nấy.
Rau chọn lá, cá chọn vảy.
Rau già, cá ươn
(Sự ế ẩm không đắt khách, đắt hàng)
Gió đưa cây cải về Trời,
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay.
(Rau răm: Polygonatum odoratum)
Gia vị
Người ta mượn sự cay nồng của Gừng Zingiber officinale để nói lên sự gay gắt của người già khó tính với:
Tính gừng quế.
Già gừng già quế.
Gừng già, gừng rụi, gừng cay,
Anh hùng càng cực càng đầy nghĩa nhân.
Trong một khúc hát ru con có câu:
Tay mang dĩa muối chấm gừng
Gừng cay, muối mặn xin đừng bỏ nhau.
Riềng Alpinia galanga cay và nồng như gừng, được dùng làm gia vị cho mắm hay tré.
Chim quyên nó đậu bụi riềng,
Dẫu bà con ruột không tiền cũng xa.
Vị cay của Ớt Capsicum annuum gắn liền với tính ghen tuông của phụ nữ:
Ớt nào là ớt chẳng cay
Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng.
Hồ tiêu Piper nigrum là một hương liệu hiếm và đắt giá ở Âu Châu vào thời Trung cổ. Ngày xưa phòng ngủ của hoàng hậu ở Trung Hoa được trét hồ tiêu cho ấm. Đó là tiêu phòng. Trong Cung Oán Ngâm Khúc có câu:
Oán chi những khách tiêu phòng
Mà xui phận bạc nằm trong má đào.
Người ta dùng tiêu cà để ướp thịt heo, thịt gà, thịt vịt trước khi kho hay xào, nướng như câu ca dao sau đây diễn đạt:
Khoan khoan mổ ruột con gà,
Bí đao xắc nhỏ, tiêu cà bỏ vô.
Trầu cau, Trà, Thuốc lá
Trầu Piper betie và Cau Areca catechu là hai loại thảo mộc không ăn được nhưng có một vị trí rất quan trọng trong xã hội Việt Nam. Trầu cau không thể thiếu trong giao tế giữa người và người ngày xưa và trong hôn lễ Việt Nam từ xưa đến nay.
Miếng trầu là đầu câu chuyện.
Lễ hỏi ở Việt Nam được gọi là lễ bỏ trầu cau. Ca dao Việt Nam nói về trầu khá nhiều:
Trầu nầy trầu quế trầu hầu,
Trầu loan trầu phượng trầu tôi lấy mình.
Trầu nầy trầu tính trầu tình ,
Trầu nhân trầu nghĩa trầu mình lấy ta.
Trầu nầy têm tối hôm qua,
Giấu cha, giấu mẹ đem ra cho chàng.
Trầu nầy không phải trầu hàng,
Không bùa không thuốc sao chàng không ăn.
Hay là chê khó chê khăn,
Xin chàng dừng lại mà ăn miếng trầu.
Trồng trầu thì phải khai mương,
Làm trai hai vợ phải thương cho đồng.
Cho anh một lá trầu vàng,
Sang năm trả lại cho nàng nguyên mâm.
Trồng trầu mà lộn dây tiêu (Piper nigrum),
Con mê hát bội mẹ liều con hư.
Trầu luôn luôn gắn liền với cau và thuốc lá Nicotiana tabacum.
Trầu là nghĩa,
Thuốc xỉa là tình.
Têm trầu là một nghệ thuật đánh giá sự khéo léo và thanh nhã của người phụ nữ. Đàn ông ăn trầu và hút thuốc lá. Đàn bà ăn trầu và xỉa thuốc. Thuốc lá ngon phải cay khi xỉa và có nhiều nhựa thơm khi hút.
Nhất gái một con,
Nhì thuốc ngon nửa điếu.
Nhớ gì bằng nhớ thuốc lào (Nicotiana rustica)
Mới chôn điếu xuống lại đào điếu lên.
Cau non khéo bửa cũng dầy,
Têm trầu cánh phượng để thầy ăn đêm.
Thân em như miếng cau khô,
Kẻ thanh tham mỏng, người thô tham dầy.
Ai về cho gởi buồng cau,
Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy.
Trầu vàng ăn với cau sâu,
Lấy chồng thua bạn thảm sầu mà hư.
Trà Camelia sinensis có một vị trí quan trọng trong đời sống của người Việt Nam với những câu:
Trà dư tửu hậu
Trà Tiên rượu Thánh.
Ở Nhật có Trà Đạo (Chanoyu) với bốn nguyên tắc căn bản: Wa (Hòa), Kei (Kính), Sei (Thanh), Jaku (Tịnh).
Trong Cung Oán Ngâm Khúc có câu liên quan đến đóa trà mi (Hoa trà hay đổ mi):
Cái đêm hôm ấy đêm gì?
Bóng dương lồng bóng trà mi chập chùng.
Thi hào Nguyễn Du đề cập đến trà trong câu:
Khi hương sớm lúc trà trưa.
Ca dao nói về trà:
Chẳng chè chẳng chén chẳng say,
Chẳng thương chẳng nhớ sao hay đi tìm.
Chè thang chảo dậu bưng ra,
Chàng sơi một chén kẻo mà công lênh.
Sáng trăng sáng cả vườn chè (trà),
Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ.
Bà Chúa Chè là biệt danh của Đặng Thị Huệ, thứ phi của chúa Trịnh Sâm cầm quyền ở Bắc Hà từ năm 1767 đến 1782. Được sự sủng ái của chúa Trịnh Sâm, bà trở thành đệ nhất phu nhân lộng quyền. Trịnh Khải là con trưởng nhưng bị phế để. Con của bà là Trịnh Cán nối ngôi Chúa. Lính tam phủ (Thiệu Hóa, Hà Trung, Tĩnh Gia) nổi dậy giết bà để tôn Trịnh Khải lên ngôi Chúa (1782).
Cây thông dụng
Tre Bambusa vulgaris, Trúc Dendrocalamus halmiltonii, Tầm Vong Dendrocalamus strictus, Nứa Schizostaegyum zollingeri là những loại thảo mộc có công dụng đa dạng ở Việt Nam. Làng mạc ở Việt Nam ngày xưa được bao bọc bởi những lũy tre xanh. Măng tre, trúc và tầm vong đều là thức ăn ngon nhưng dễ tìm. Cây trúc còn là biểu tượng cho người quân tử trong câu:
Trúc xinh trúc mọc bờ ao,
Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh.
Một nhà sum họp trúc mai,
Càng sâu biển cả càng dài tình sông.
(Nguyễn Du)
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.
(Nguyễn Du)
Tiên rằng: Ông quán chớ cười
Đây là nhớ lại bảy người Trúc Lâm.
Ca dao về tre có câu:
Cóc nằm dưới vũng tre ngâm,
Cóc kêu mặc cóc, tre dầm mặc tre.
Trong bài Lính Thú Đời Xưa có câu:
Miệng ăn măng trúc măng mai,
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng.
(giang: một loại tre).
Tiếc công anh chẻ nứa đan lờ,
Để cho con cá vượt bờ nó đi.
Trong ngôn ngữ thông dụng có những cụm từ Tre tàn măng mọc; Tre khóc măng non; Tre lại trói tre, đồng nghĩa với Củi đậu nấu đậu; Bức màn tre v.v…
Trúc tơ là tiếng sáo thổi:
Trúc tơ nổi trước, kiệu vàng kéo sau.
Cây da (đa) Fiscus indica là hình ảnh quen thuộc của dân nông thôn Việt Nam ngày xưa. Cây da thường được tìm thấy ở đầu làng, trên bến đò (Cây da bến cũ, con đò năm xưa), gần đình làng nơi trẻ em quây quần đùa giỡn. Những người buôn bán nhóm chợ dưới tàn cây da để tránh nắng nhiệt oi bức của miền nhiệt đới. Ca dao Việt Nam nói về cây da như sau:
Trăm năm dẫu có hẹn hò,
Cây da bến cũ con đò khác đưa.
Cây da cũ, con yến rũ, cây da tàn,
Bao nhiêu lá rụng thương nàng bấy nhiêu.
Nói về cây da, Phạm Đình Hổ (Chiêu Hổ) viết:
Khi nào thong thả lên cung nguyệt
Cho cả cành đa với củ đa.
Về các loại cây to như Ô đước (Cinnamomum argenteum), Bời lời Psychotria rubra, Sao Hopea odorata, Sến Shorea talura, Dầu Dipterocarpus alatus, Bần (thủy liễu) Sonnerata alba, cây Thông dòng Pinus, Tùng bách dòng Cupressus, cây Quế Cinnamomum zeylanicum, cây Lim Erythrophleum fordii, ta có những câu hát bình dân sau đây:
Ngó lên chợ Thủ cây dầu,
Có thằng bắt diệc té nhào lộn xương.
(Thủ: Thủ Dầu Một tức tỉnh Bình Dương).
Cảm thương ô đước, bời lời,
Cha sao, mẹ sến ngồi nơi gốc bần.
Nguyễn công Trứ ước ao:
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
(Thông Reo là bút hiệu của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh khi viết báo Việt ngữ.)
Ông Tiên ngồi dựa gốc tùng,
Phất phơ râu bạc lạnh lùng ông Tiên
Có gió lung mới biết tùng bách cứng
Có ngọn lửa hồng mới rõ thực vàng cao.
Ở như cây quế giữa rừng
Cay không ai biết, ngọt đừng ai hay.
Xin đừng thấy quế phụ hương,
Quế già, quế rụi hương còn thơm xa.
Khi Huyền Trân công chúa gả cho Chế Mân vào đầu thế kỷ XIV, trong nước người ta nghe văng vẳng câu:
Tiếc thay cây quế giữa rừng...
Trước khi Trung Hoa chinh phục nước Văn Lang, họ gọi nước nầy là Quế Lâm. Xin đừng nhầm Quế Lâm nầy với Guilin hay Kweilin (Quế Lâm) ở Trung Hoa.
Gỗ lim là một loại gỗ quí được tìm thấy trong bài ca dao Thằng Bờm khi Phú óng xin đổi một bè gỗ lim để lấy cái quạt làm bằng mo cau và trong hai câu ca dao khác:
Công anh chuốt chuốt bào bào
Tạp thì ra tạp lẽ nào ra lim.
Các loài hoa
Người Việt Nam thường dùng tên các loài hoa đẹp hay hoa quí để đặt tên cho con gái mình. Chịu ảnh hưởng của người Tây Phương, người Việt Nam cũng nói:
Không hoa hồng nào không có gai.
(Hoa hồng: Rosa officinalis)
Trồng hồng bẻ lá che hồng,
Đừng cho những miệng thế thường bán rao.
Hoa sen Nelumbo nucifera là loại hoa thiêng ở các quốc gia chịu ảnh hưởng Ấn Giáo, Phật Giáo, Hoàng Giáo Tây Tạng. Người Việt Nam có một bài ca dao ca tụng hương thơm, vẻ đẹp và sự thanh khiết của hoa sen:
Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng.
Nhụy vàng bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Hột sen bổ và trợ tim gây dễ ngủ. Ca dao có câu:
Thương chồng nấu cháo cao lương (Sorghum vulgare),
Nấu canh hoa bí, nấu chè hột sen.
Về hoa quỳ hay hướng dương Helianthus annuus ca dao có câu:
Hoa quỳ một dạ hướng dương,
Trung thành quỳ vốn một lòng hướng dương.
Gió đưa bụi chuối ngã quỳ,
Thương cha chịu lụy dì ơi là dì!
Chim quyên hút mật hoa quỳ,
Ba năm còn đợi sá gì một năm.
Hoa phù dung Hibiscus mutabilis và quỳnh hoa Selenicerieus grandiflorus là hai loại hoa có đời sống ngắn ngủi. Hoa phù dung thay đổi màu ba lần trong ngày và sớm nở tối tàn nên có câu:
Phù dung tam sắc túy
Phù dung sớm nở tối tàn,
Tiếng đồn rực rỡ, hỏi nàng có không?
Quỳnh hoa ra hoa từ kẽ lá và chỉ nở về đêm. Đến khoảng 5 giờ sáng thì hoa tàn.
Quỳnh hoa sớm nở chóng tàn.
Quỳnh hoa nhất hiện.
Hoa lan dòng Iris và hoa huệ dòng Lilium là hai loại hoa được tìm thấy nhiều nhất trong tên của các phụ nữ Việt Nam.
Lan huệ sầu ai, lan huệ héo?
Lan huệ sầu tình trong héo ngoài tươi.
Lan mấy đóa lạc loài sơn dã.
(Cung Oán Ngâm Khúc)
Xuân Lan thu Cúc mặn mà cả hai.
(Đoạn Trường Tân Thanh)
Trong một khúc hát vọng cổ về chuyện tình Lan và Điệp có câu:
Chính giữa một cái mả cao
Hai bên hai cái mả thấp,
Chú ấy đang chôn lấp
Xác bướm (Điệp) với cành Lan,
Bướm, hoa Lan nay đã tàn.
Ca dao Việt Nam cũng đề cập đến bông lau Saccharum spontaneum và bông lách Saccharum arundinaceum như sau:
Đường đi những lách cùng lau,
Cha mẹ ham giàu gả ép duyên con.
Đường đi lau, lách rậm rì,
Lòng thương con bạn sá gì tấm thân.
Cây mai Ochna harmandii ở Nam Bộ có hoa vàng năm cánh. Hoa mai nầy được chưng vào dịp Tết. Cây mai Ochna harmandii có trái nhỏ, đen láng không ăn được. Ở miền Bắc Việt Nam và vùng khí hậu bán nhiệt đới và ôn đới có cây mai Prunus mume. Đó là một loại cây ăn trái cao đến 15m. Cây gọi là MAI hay MƠ. Hoa gọi là mai hoa âm theo tiếng Trung Hoa Meihua nhưng hoa màu hồng hay màu trắng giống như hoa mai Ochna Harmandii ở Nam Bộ về hình dáng hơn là màu sắc. Trái cây mai Prunus mume ăn được. Đó là mai vũ (meiyu) (vì trái chín khi trời mưa) hay ô mai (oomei) tức mai đen. Người Việt Nam ở miền Bắc gọi hoa cây mai Prunus mume là hoa đào vì hoa màu hồng. Ở miền Bắc người ta chưng cành hoa đào của cây MAI Prunus mume nầy vào dịp Tết chớ không chưng cành hoàng mai Ochna Harmandii như ở miền Nam.
Vậy hai chữ TRÚC MAI có nghĩa là cây tre (trúc) và cây mai trong các câu
Một nhà xum họp trúc mai.
Gíó đưa liễu yếu mai oằn,
Liễu yếu mặc liễu mai oằn mặc mai.
(cây liễu: Salix matsudana)
Mai cốt cách tuyết tinh thần
Ai đi đường ấy hỡi ai?
Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm.
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
(Hoa đào năm trước còn cười gió đông)
đếu liên quan đến cây mai Prunus mume ở miền khí hậu bán nhiệt đới và ôn đới chớ không phải cây mai vàng (hoàng mai) Ochna harmandii ở vùng khí hậu nhiệt đới.
Cây ăn trái
Lê Pyrus pyrifolia, Lựu Punica nana, Bình Bát Annona reticulata, Mãng Cầu Annonas quamosa được liệt vào bốn cây tứ quí. Lựu, bình bát, mãng cầu đều có nhiều hột, dấu hiệu của sự vĩnh cửu dòng giống. Hột bình bát và mãng cầu có thể diệt chí nhưng rất độc. Tại sao bốn loại cây ấy là tứ quí? Có hoa, có trái bốn mùa? Không đúng hẳn như vậy. Câu:
Lê, lựu. bình bát, mãng cầu
Bốn cây tứ quí anh sầu một cây.
có lẽ là câu nói của người miền Nam vì ở miền Bắc mãng cầu được gọi là trái na.
Bậu không bẻ lựu hái đào,
Lựu đâu bậu bọc, đào nào cầm tay?
Trước khi Lê Long Đĩnh tức Lê Ngọa Triều mất, trong nước nghe câu sấm:
Lê rụng, Lý sinh.
như một báo hiệu họ Lý của Lý Công Uẩn sắp thay thế họ Lê. Trái lý Eugenia aquea hao hao giống trái mận ở miền Nam và cùng một tên khoa học.
Ở miền Nam người ta ăn xoài mangifera indica chín, hay ăn xoài sống với mắm ruốc, nước mắm đường hay bầm nhuyễn cho vào nước mắm để ăn cá nướng hay cá chiên.
Má ơi! Ðừng đánh con hoài,
Để con câu cá, bầm xoài má ăn.
Trái cây dòng Citrus như bưởi, cam, quít, chanh rất đắc dụng trong đời sống nhân loại vì có nhiều sinh tố C. Vỏ cam, quít được gọi là trần bì và được xem là một vị thuốc trong Đông Y với:
Nam bất thiếu trần bì,
Nữ bất ly hương phụ.
Hương phụ là củ cỏ gấu Cyperus rotundus dùng làm thuốc điều kinh phụ nữ. Nhân trần (sung úy) Leonunus artemisia và ích mẫu (mao xạ hương) Adenosma glutinosum là hai loại thảo mộc trị hậu sản nên có câu:
Nhân trần ích mẫu ở đâu?
Để cho gái đẻ đớn đau thế nầy?
Ca dao hay những câu hát ru con của người Việt Nam dành cho trái cây dòng Citrus không dựa vào màu sắc, hương vị hay tính đa dụng của chúng mà dùng những ý tương phản những đặc tính tốt của chúng như:
Canh chua bậu chuộng,
Cam sành bậu chê.
Tới đây lạt miệng thèm chanh
Ở nhà sẵn có cam sành chín cây.
Anh đi em có dặn phòng,
Chua cam chớ phụ, ngọt hồng chớ ham.
Chính chuyên chết cũng tay không,
Lên xe xuống ngựa bưởi bòng sướng thân.
Cam ngọt, quít ngọt đã từng,
Chỉ còn khế rụng trên rừng chưa ăn.
Vỏ quít dày gặp móng tay nhọn.
Người đọc thường nghe nói đến bưởi qua câu Trèo lên cây bưởi hái hoa hay bưởi Biên Hòa, bưởi Đoài v.v... Nhưng ít người nói đến trái bòng. Trái bồng giống như trái bưởi và cùng chung tên khoa học Citrus paradisisi hay Citrus maxima với bưởi. Đó là trái Pomelo, Shaddock, Jabong. Có lẽ tên gọi Bòng xuất phát từ chữ Japong, tên một thành phố trên đảo Java của Indonesia và trên đảo Leytes của Phi Luật Tân. Bòng phát xuất từ Mã Lai và đảo Borneo. Một thuyền trưởng người Anh tên Shaddock đem giống từ Mã Lai du nhập vào các hải đảo trong biển Caribbean thuộc Anh. Từ đó bòng pomelo cũng được gọi là shaddock. Đến đầu thế kỷ XIX bòng được trồng ở Florida. Tiểu bang nầy nổi tiếng về việc sản xuất trái bòng pomelo trong trào lưu phụ nữ uống nước bòng ngừa chứng béo phì. Người Việt Nam gọi là trái bòng mà theo người viết có lẽ là âm sau cùng của chữ Japong. Người Nhật gọi trái bòng là Zabon.
Cây chuối Musa paradisiaca là một loại cây ăn trái rất quen thuộc đối với người nông thôn Việt Nam. Trái chuối dùng để ăn, làm bánh chuối, mứt chuối, kẹo chuối, chuối sấy, bánh tét nhưn chuối, chuối xào dừa v.v... Chuối chát là trái chuối xanh của cây chuối hột dùng để ăn với thịt bò, thịt heo nướng cùng với khế chua và rau thơm với mắm nêm. Cây chuối con và bắp chuối dùng để trộn gỏi gà. Lá chuôi dùng để gói thức ăn, gói bánh ú, bánh tét, bánh chưng v.v... Cây chuối xắt mỏng, bầm nhuyễn trộn với cám để nuôi heo. Trong thời kỳ đói kém người ta ăn luôn cả củ chuối hột hay chuối sứ tức chuối Xiêm. Trong một khúc hát ru con có câu nói về chuối như sau:
Gió đưa bụi chuối sau hè,
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ.
Cây chuối và cây tre đều giống nhau ở điểm không trồng bằng hột. Cây tre có măng tre (trúc thai) nhú lên từ bụi tre. Măng dần dần cao lớn và cứng cáp để trở thành cây tre. Cây chuối có chuối con mọc lên từ bụi chuối gốc. Về chuyện nầy ca dao có câu:
Chuối cây lòng chuối còn trinh,
Chuối ở một mình sau chuối có con?
Hương vị ngọt ngào của trái chuối được ca dao vay mượn để ví với mẹ già:
Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp ngọt như đường mía lau.
Chuối non, chuối ép chát ngầm,
Trai tơ đòi vợ khóc thầm thâu đêm.
Mồ côi cha ăn cơm với cá,
Mồ côi mẹ liếm lá ngoài đường.
Năm 1556 vua Lê Trung Tôn băng hà không có con. Trịnh Kiểm có ý định xưng vương nhưng ông còn dè dặt nên cho người đến vấn kế Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Hải Dương. Trạng Trình không nói thẳng với sứ giả của Trịnh Kiểm mà nói với người tôi tớ rằng: "Năm nay thất mùa, phải tìm thóc lúa cũ mà gieo mạ. Giữ chùa thì được ăn oản". Sứ giả về thuật lời Trạng Trình nói với người tôi tớ. Trịnh Kiểm hiểu ý nên đưa Lê Duy Bằng lên ngôi tức là vua Lê Anh Tôn. Từ đó ở Đàng Ngoài có chế độ chánh trị đặc biệt. Trong nước có vua lại có chúa. Chúa không phải là vua nhưng là người quyết định việc phế lập vua theo ý muốn của mình.
Cây dừa Cocos nucifera là một loại cây ăn trái mang nhiều lợi nhuận và lợi ích cho người trồng. Trái dừa dùng để uống nước. Cơm dừa dùng để ăn, làm nước cốt dừa hay nấu dầu dừa. Lá dừa dùng để lợp nhà. Tàu dừa và củi dừa dùng để làm củi chụm v.v… Cây dừa và cây cau là nét đặc biệt của phong cảnh đồng quê Việt Nam, nhất là ở miền Nam. Bài hát An Phú Đông mở đầu bằng câu "Bên hàng dừa cao dòng sông mờ soi bóng" Ca dao Việt Nam nói về cây dừa như sau:
Trả ơn ai có cây dừa,
Cho tôi nghỉ mát đợi chờ người thương.
Còn duyên nón cũ quai tơ,
Hết duyên nón lá quai dừa cũng xong.
***
Chúng tôi tạm ngừng bài viết tại đây và xin độc giả vui lòng bổ túc thêm với các loài thảo mộc và dược thảo khác hiện hữu ở Việt Nam. Không có công trình nào hoàn chỉnh nếu không có sự sửa chữa và bổ túc cho nhau.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.