Phạm Đình Lân
Tân truyện Sơn Tinh và Thủy Tinh
Chuyện Sơn Tinh và Thủy Tinh là một huyền thoại hay là một chuyện lịch sử được lưu lại dưới dạng truyền thuyết?
Đó là một chuyện thật vì trong chuyện nêu rõ vua Hùng Vương thứ XVIII và người con gái đẹp tên là Mỵ Nương. Nhưng Sơn Tinh và Thủy Tinh không phải là người thật. Đó là hai hình ảnh tiêu biểu cho nạn lụt, bão tố hàng năm trên châu thổ sông Hồng và nỗ lực chống hay trốn tránh thiên tai của dân chúng trên châu thổ sông Hồng ngày xưa.
Chuyện Sơn Tinh và Thủy Tinh cũng nói lên một trong hai chủ đề tranh chấp và oán hận triền miên trong xã hội Việt Nam được tóm gọn trong hai câu nói ngắn gọn:
Nhất hộ hôn,
Nhì điền thổ.
Một sự thực khác trong lịch sử là việc vua Hùng Vương thứ XVIII từ chối gả con gái là Mỵ Nương cho vua Thục khiến cho vị vua nầy tủi nhục và dặn con cháu phải trả thù bằng cách đánh chiếm nước Văn Lang. Thục Phán đã thành công trong việc đánh chiếm nước Văn Lang vì vua Hùng Vương XVIII say đắm rượu chè nên bỏ bê việc nước. Nước Văn Lang sát nhập vào nước Thục để trở thành vương quốc Âu Lạc (257 - 207 trước Tây Lịch).
Một câu chuyện đơn giản và đầy màu sắc huyền thoại lại phản ảnh đầy đủ:
– Nạn lụt hàng năm trên châu thổ sông Hồng vào mùa mưa.
– Nạn dễ tranh chấp và oán hận giữa người và người trong xã hội: vấn đề hộ hôn và điền thổ. Nói xa hơn, đó cũng là nan đề của nhân loại. Chiến tranh thành Troy trong huyền thoại Hy Lạp há không xuất phát từ việc Paris bắt cóc người đẹp Helen? Năm 1812 Napoleon I cử binh đánh Nga sau khi hoàng gia Nga khéo léo khước từ việc cầu hôn giữa ông và công chúa Anna Paulowna, em gái của Nga Hoàng Alexander I. Vấn đề điền sản cũng phức tạp ở mọi nơi trên thế giới chớ không riêng ở Việt Nam.
Vận mệnh thăng trầm của đất nước trước ngoại xâm và sự tranh giành ảnh hưởng của các nước trên quê hương ta.
Việt Nam bị Trung Hoa đô hộ trên 1.000 năm (111 trước Tây Lịch đến 938 sau Tây Lịch), rồi 20 năm Minh thuộc (1407 - 1427). Trong thời kỳ độc lập khỏi Bắc quốc, các vua Việt Nam đều phải được các hoàng đế Trung Hoa nhìn nhận mới được xem là có chính danh. Mặc dù độc lập, các vua Việt Nam đều có lệ triều cống Trung Hoa. Nhưng không một vị vua Việt Nam nào sang chầu hoàng đế Trung Hoa cả. Việc xưng đế hiệu của các vua Việt Nam cũng như những quốc hiệu Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Nam cho thấy tinh thần ưa chuộng độc lập và ý chí vươn lên của các quân vương Việt Nam ngày xưa. Các vị vua sau vua Tự Đức không còn lệ triều cống Trung Hoa nữa vì lúc ấy Việt Nam bắt đầu rơi vào vòng kiểm soát của Pháp. Nam Kỳ là đất thuộc địa Pháp. Trung và Bắc Kỳ là đất bảo hộ. Dù vậy Bảo Đại vẫn tự xem mình là hoàng đế!
Ảnh hưởng Trung Hoa ở Việt Nam không còn nữa sau khi Pháp ký hiệp ước 1884 với triều đình Huế.
Pháp xâm chiếm Việt Nam bằng võ lực và tước đoạt ảnh hưởng của Trung Hoa ở Việt Nam bằng sức mạnh của hải quân, buộc Beijing phải ký hiệp ước Tianjin (Thiên Tân) từ bỏ ảnh hưởng chánh trị ở Việt Nam.
Pháp biến Việt Nam thành người đẹp Mỵ Nương ở Đông Nam Á khi gọi Sài Gòn là Hòn Ngọc Viễn Đông (La Perle de l'Extrème Orient) và Việt Nam là Bao Lơn của Thái Bình Dương (Le Balcon du Pacifique). Gọi Sài Gòn và Việt Nam bằng những mỹ từ như vậy không phải vì Sài Gòn là thành phố của ánh sáng ở Viễn Đông mà vì Sài Gòn thay đổi sắc diện do công trình kiến tạo của Pháp. Người Pháp cũng muốn nhấn mạnh đến vị trí địa lý quan trọng của Việt Nam trên bờ Tây Thái Bình Dương giữa hải trình nối liến Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương và giữa các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là mặt tiền của Việt Nam, là trạm kiểm soát tàu bè qua lại giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Mất quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là mất đi mặt tiền của căn nhà Việt Nam, mất vị trí chiến lược quan trọng trong Thái Bình Dương và chúng trở thành cặp mắt dòm ngó và theo dõi mọi sinh hoạt cũng như quan hệ giữa Việt Nam và các nước khác trên thế giới. Đó là lý do tại sao Nhật vội vã đánh chiếm Trường Sa năm 1939 trong đệ nhị thế chiến vừa qua. Trường Sa trở thành trạm kiểm soát các nước Đông Nam Á lục địa và quần đảo.
Từ năm 1884 đến 1945 Pháp và Trung Hoa là Sơn Tinh và Thủy Tinh cùng tranh giành người đẹp Mỵ Nương Việt Nam. Trung Hoa ngấm ngầm giúp đỡ các nhà cách mạng Việt Nam hoạt động ở Trung Hoa với hy vọng tái lập ảnh hưởng chánh trị ở Việt Nam sau khi Pháp bị đánh bại. Cơ hội ấy đã đến khi Nhật đầu hàng vào tháng 8 năm 1945. 180.000 quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng tiến về Hà Nội để giải giới quân Nhật ở Phía bắc vĩ tuyến 16 theo quyết định của hội nghị Postdam. Trung Hoa Quốc Dân Đảng lúc ấy chưa đủ sức mạnh đề hoàn thành ước muốn của họ ở Việt Nam. Ở Hà Nội, Hồ chí Minh đã thành lập chánh phủ và khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ở phía Nam vĩ tuyến 16 Pháp núp bóng quân Anh. Gurkha giải giới quân Nhật để tái chiếm Nam Bộ và các thành phố lớn ở phía Nam vĩ tuyến 16. Họ chuẩn bị đưa quân ra tái chiếm Bắc Bộ, nơi họ gặp hai trở ngại: chánh phủ Hồ Chí Minh và quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Pháp dùng hiệp ước Chongqing (Trùng Khánh) để đẩy quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng ra khỏi Bắc Bộ và dùng sơ ước 06-03-1946 để đưa quân vào Bắc Bộ. Lúc đó Hồ Chí Minh muốn Mỵ Nương ở vậy chớ không muốn gả chồng. Ông trở thành cha ghẻ của Mỵ Nương. Ông có những suy nghĩ thầm kín riêng tư chớ không hề thương yêu Mỵ Nương. Dĩ nhiên Mỵ Nương cũng không thương yêu gì một người xa lạ và thô bạo muốn biến nàng thành vợ của anh ta bằng bạo lực.
Sự thành công của Cộng Sản Trung Hoa trên lục địa có lợi cho người cha ghẻ của Mỵ Nương. Ông muốn gả nàng cho người khác. Cuộc đấu đá giữa chàng rể thô bạo và người cha ghẻ nhiều âm mưu dẫn đến sự chia cắt thân thể của người đẹp Mỵ Nương.
Ở miền Bắc, Liên Sô và Trung Hoa Cộng Sản trở thành Sơn Tinh và Thủy Tinh. Cả hai đều đấu nhau ngang ngửa. Khi thì Trung Hoa Cộng Sản là Sơn Tinh. Khi thì họ trở thành Thủy Tinh. Thế thượng phong của đôi bên biến thiên không ngừng. Phe thân Trung Hoa Cộng Sản do Trường Chinh đứng đầu lúc nào cũng đông đảo hơn phe thân Liên Sô. Phe thân Liên Sô do Hồ Chí Minh đứng đầu tuy ít nhưng là phe thường có nhiều ảnh hưởng. Ông Hồ Chí Minh vẫn phải nhớ ơn Liên Sô vì đó là cái nôi đào tạo ông. Mặt khác ông luôn luôn bị ám ảnh bởi kỷ luật sắt máu của Stalin. Sự kinh sợ nầy nhập tâm ông và dẫn ông đến những hành động tàn bạo giống hệt như Stalin, người gây kinh sợ cho ông vào thập niên 1930. Stalin không nhìn nhận chánh phủ Hồ Chí Minh năm 1945, án binh bất động khi Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Pháp và giả điếc khi Hồ Chí Minh nhờ ông vận động cho VNDCCH gia nhập vào tổ chức Liên Hiệp Quốc. Stalin xem thường một nước Việt Nam nông nghiệp, thuộc địa nghèo khổ ở Đông Nam Á xa xôi. Nhưng ông luôn luôn xem trọng truyền thống ngoại giao giữa Nga và Pháp ngay dưới thời Nga hoàng, rồi dưới sự thống trị của ông sau khi thương nghị với thủ tướng Laval năm 1935 và tướng De Gaulle trong đệ nhị thế chiến. Charles de Gaulle đứng đầu Lực Lượng Pháp Tự Do mặc dù ông chỉ là vị tướng hai sao vừa mới thăng chức. Tướng De Gaulle ngậm cay nuốt đắng trước hai nhà lãnh đạo Đồng Minh vì Pháp là một cường quốc bị Đức chiếm đóng và có chánh phủ Vichy thân Đức. Dưới nhãn quan quốc tế của tổng thống Roosevelt và Churchill, chánh phủ Vichy (thù) của Pétain nặng cân hơn chánh phủ lưu vong của De Gaulle (bạn). Trung Hoa có một phần đất bị Nhật chiếm đóng, có chánh phủ thân Nhật ở Nanjing (Nam Kinh), nhưng họ có chánh phủ kháng chiến trên lãnh thổ Trung Hoa trong khi Pháp không có. Chiang Kai-shek (Tưởng Giới Thạch) được mời tham dự hội nghị với các nhà lãnh đạo Đồng Minh mà De Gaulle không được mời. Stalin không bỏ lỡ cơ hội để biến De Gaulle thành bạn. Việc tái chiếm thuộc địa ở Đông Dương nhằm phát huy sự vĩ đại của nước Pháp xảy ra khi De Gaulle cầm quyền.
***
Người đẹp Mỵ Nương bị qua phân. Ở miền Bắc, Trung Hoa Cộng Sản và Liên Sô là Sơn Tinh và Thủy Tinh.
Ở miền Nam, Pháp và Hoa Kỳ trở thành Sơn Tinh và Thủy Tinh. Sơn Tinh và Thủy Tinh không trực tiếp giao tranh nhau, nhưng đàn em của họ thanh toán nhau đẫm máu. Pháp trở thành Thủy Tinh và Hoa Kỳ là Sơn Tinh. Cựu hoàng Bảo Đại thuộc phe 'Thủy Tinh phải nhường bước trước thủ tướng Ngô Đình Diệm được Sơn Tinh cực lực yểm trợ.
Cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ hai bắt đầu vào năm 1960 và kéo dài đến năm 1975. Cuộc chiến kết thúc bằng sự chiến thắng của Cộng Sản. Việt Nam thống nhất dưới chế độ Cộng Sản.
Lê Duẩn biến Việt Nam thành Mỵ Nương và Liên Sô trở thành Sơn Tinh mặc dù không có quà lễ cưới. Trung Hoa Cộng Sản nghiễm nhiên trở thành Thủy Tinh. Sơn Tinh Liên Sô sống thầm lặng ở Cam Ranh và Đà Nẵng. Ông điềm nhiên nhìn Mỵ Nương bị Thủy Tinh Trung Cộng chiếm hải đảo Trường Sa (1988) là lấn hàng rào nhà ở phía Bắc (1979 và 1984).
Năm 1991 gia nghiệp đại gia đình Sơn Tinh Liên Sô bị phá sản. Sơn Tinh ở nán lại nhà vợ ở Cam Ranh và Đà Nẵng đến năm 2002. Từ năm 1991 Mỵ Nương thay đổi nếp sống và cách xử sự với Thủy Tinh Trung Cộng và tỳ thiếp của ông ta. Mỵ Nương bớt kênh kiệu với những người láng giềng ASEAN không theo chủ nghĩa Marx-Lenin như bà ta. Từ đó Trung Cộng không còn là Sơn Tinh hay Thủy Tinh đối với Mỵ Nương. Ông ta không cần cưới xin Mỵ Nương mà Mỵ Nương phải cần đến ông ta để tồn tại.
Nhờ những người hàng xóm đến nhà buôn bán và giúp đỡ, đời sống gia đình Mỵ Nương cải thiện rõ rệt. Các đứa con ưa thích đánh đấm của bà phát đạt và sống đời vương giả.
Trong thời gian 1991 - 2008 Mỵ Nương bị người chồng già tham lam, thâm hiểm và hung bạo hiếp đáp. Nhưng bà không sao thoát khỏi nanh vuốt của ông ta vì ông ta có nhiều tiền, làm ăn phát đạt và có thế lực lớn trong xóm. Ông ta lấn át luôn cả những người hàng xóm nghèo, dùng sức mạnh tiền bạc và dao búa đe dọa cướp đất, tài nguyên trong lòng đất, ao hồ, giếng nước của người hàng xóm. Ông ta làm cho các nguồn nước cạn kiệt để những người hàng xóm chết vì đói bởi thiếu nước canh tác. Khi có mưa to, bão lớn, ông ta tháo nước ngập tràn nhà của người hàng xóm khiến cho con cái họ bị chết chìm trong biển nước.
Mỵ Nương nay đã già qua những năm dài gian khổ. Trong những năm gần đây, nhờ có chút tiền nên bà đã đến mỹ viện sửa sắc đẹp. Vẻ đẹp và nét kiều diễm năm xưa vẫn còn ẩn hiện trên nét mặt vào buổi xế chiều của cuộc đời.
Ông trưởng xóm Hoa Kỳ từng gây ác cảm với bà, nay lại yêu bà. Không biết đó là tình yêu chân thật hay ông ta mượn nhà bà để dòm ngó người chồng già hung bạo của bà đã lên mặt với ông ta sau khi có rủng rỉnh tiền trong túi. Con người bất nhân bất nghĩa nay bắt đầu xem thường trưởng xóm, có thái độ gây hấn và khinh mạn đối với mọi người xa gần trong xóm không phân biệt lớn nhỏ. Ông ta mạnh tay đàn áp Hoàng Giáo Tây Tạng (Tibet) và người Huy theo Bái Nguyệt Giáo ở Tân Cương (Sinkiang), Thiểm Tây (Shaanxi) và Cam Túc (Gansu). Trước kia trưởng xóm là người giàu có, trong nhà có đủ loại xa mã, thuyền bè và cung tên mà người khác không có. Bây giờ người chồng già hung bạo của Mỵ Nương trở thành chủ nợ của ông ta. Ông nầy cũng có đủ các loại xa mã, thuyền bè và cung tên mà ông không có trước kia. Có lần ông ta muốn thử sức với người trưởng xóm, nhưng suy đi nghĩ lại rồi lại thôi. Có lẽ ông cũng còn e dè một chuyện gì. Người trưởng xóm tỏ tình với Mỵ Nương nhưng bà còn lưỡng lự. Một vài người con của bà được người chồng hung bạo của bà cho ăn sung mặc sướng, xe hơi, nhà lầu, vợ lớn, vợ bé khắp nơi. Bạc tiền đầy đủ. Rượu ngon, gái đẹp, tiền tài, thuốc hút phong phú nên chúng tỏ ra ưa thích người cha ghẻ hung bạo nầy hơn là ông trưởng xóm trẻ tuổi không có điểm nào giống họ từ hình hài cho tới tư tưởng. Mỵ Nương không thương người chồng hung bạo nhưng rất sợ ông ta. Nếu ông ấy ghen thì bà dễ mất mạng. Bà nhớ lại vụ đánh ghen năm 1979 và 1984 lúc bà chung sống với Sơn Tinh Liên Sô. Vì ông đã quen áp đảo người khác bằng sắt thép và quả đấm. Ông cũng quen chà đạp nhân phẩm và luật pháp ràng buộc những hành động ngông nghênh, càn dở của mình.
Suốt đời Mỵ Nương luôn luôn là đối tượng tranh giành của Sơn Tinh và Thủy Tinh. Giữa người trưởng xóm Hoa Kỳ và người láng giềng hung bạo Trung Hoa Cộng Sản, ai sẽ là Sơn Tinh và ai là Thủy Tinh trong tim Mỵ Nương?
Người trưởng xóm không ngừng bị nhóm Bái Nguyệt Giáo quấy rầy đến phải mang nợ. Gia đình bắt đầu có tiếng cãi vã qua lại. Các con của ông quen nếp sống tiện nghi. Có người đòi cưới người đồng phái làm vợ, làm chồng và lớn tiếng chê ông là người cổ lỗ, hủ lậu.
Nhưng ông vẫn còn nhiều đức độ đáng ghi nhớ. Trong nhà, ông cho con cái tự do phát biểu ý kiến của mình, tự do lựa chọn người yêu hay công việc theo sở thích, tự do đi lại từ nơi nầy đến nơi khác, tự do lập hội, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, được hưởng trọn vẹn quyền làm người dù đang ngồi tù. Con cái của ông đều được học hành và ăn no, mặc ấm. Không người nào phải đói khát, ăn mặc rách rưới hay phải đi chân đất. Đối với hàng xóm hoạn nạn, ông thường hay giúp đỡ dù đó là kẻ thù trước kia. Triết lý sống của ông ta rất thực, không cầu kỳ, không vu vơ, mơ hồ hay lý tưởng mông lung. Ông không có bạn vong niên cũng không có kẻ thù truyền kiếp. Cùng lợi là bạn. Va chạm quyền lợi thì đấu tranh để giành lấy lợi lộc. Ông rất NGƯỜI và không thích đề cao chất THÁNH vì hầu hết loài người trên Trái Đất đều là NGƯỜI hơn là THÁNH. Người tốt đối với ông là người mượn tiền người khác và trả nợ sòng phẳng. Người khả tín là người trả nợ dài hạn đúng hẹn. Dưới nhãn quan của người trưởng xóm, ai giàu có hay thông minh xuất sắc đều có thể được ông nhận làm con trong nhà.
Mỵ Nương quen xem truyện Tàu và cải lương nên tôn thờ người QUÂN TỬ và ưa chuộng chất THÁNH phi phàm, vẫn biết rằng những vị nầy rất hiếm thấy ngay trên quê hương của Đức Khổng Tử, Đức Phật hay Đức Chúa. Bà là nạn nhân của sự hung bạo. Nhưng sự hung bạo đã ăn sâu trong tiềm thức khiến bà cũng bị nhiễm ít nhiều điều mà bà ghét. Và nếu có cơ hội, bà lập lại những điều ấy cho người khác.
Phạm Đình Lân