Cao Xuân Tứ & Nguyễn Hiền


Tản mạn về lịch sử Việt Nam nhân đọc cuốn ‘Sư Tử và Rồng'

Sau khi Leeuw en Draak (Sư Tử và Rồng)
do nhà xuất bản Boom phát hành vào tháng 10/2007,
một số bạn đọc tỏ ý thắc mắc liên quan đến phần viết về lịch sử Việt Nam
thời Trịnh Nguyễn trong cuốn sách.
Tòa soạn có nhờ anh Cao Xuân Tứ và Nguyễn Hiền góp ý
và đăng dưới đây bài trao đổi của hai anh,
cũng là viết tặng những ai còn lưu tâm đến lịch sử Việt Nam.

Ban Biên tập

 

 

“Sư Tử và Rồng: 400 năm quan hệ Hà Lan -Việt Nam”, ấn hành bằng tiếng Hà Lan, mở đầu với bài viết của tiến sĩ John Kleinen về mối quan hệ giữa Công Ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) và Đàng Trong hồi thế kỷ 17. Bài viết về căn bản dựa trên công trình nghiên cứu của Wilhelm Buch De Oost-Indische Compagnie en Quinam. De Betrekkingen der Nederlanders met Annam in de XVIIe Eeuw (1929). Nhằm hướng tới độc giả Hà Lan, vốn xa lạ với lịch sử Việt nam, tác giả còn dụng công giới thiệu thêm bối cảnh chính trị xã hội Đại Việt giai đoạn đó qua việc phân tích hai diễn biến nổi bật: thứ nhất là tiến trình mở rộng cương vực về phía nam; mà tiếp sau là thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, chia Đại Việt thành Đàng Trong và Đàng Ngoài. Đoạn mở đầu, tác giả nhận định ( dịch từ tiếng Hà Lan - CXT & NH):

“Việt Nam vào thế kỷ 17 và 18 mà người Hà Lan từng biết đến chỉ giống na ná về (mặt) hình thể địa lý như cái đất nước mà chúng ta thấy hiện giờ. Mặc dù rất có thể (thành phần) dân cư không đồng nhất, tương tự ngày nay, điều đáng chú ý hơn cả chính là các đợt di dân. Thiên tai xảy ra liên tục buộc nhiều người dân phải chuyển cư từ đồng bằng châu thổ mầu mỡ sông Hồng dọc xuống duyên hải phía nam. Đó là (lãnh thổ) của vương quốc Chămpa thuộc văn hóa Ấn Độ. Mở đầu bằng các cuộc chinh chiến như vào năm 1471 mà theo sau là phương cách mềm mỏng có tính chiến lược tính toán thông qua liên hệ hôn nhân với các vua Chămpa, nước này đã rơi vào ảnh hưởng của người Việt đến từ phía bắc. Đây là công trình của các vua Lê, những người sáng lập nước Đại Việt ở vùng châu thổ sông Hồng năm 1428.”

Ngay từ câu đầu tiên, người đọc cảm nhận có gì đó không ổn. Việt Nam vào thế kỷ 17 và 18 mà người Hà Lan từng biết thời đó thực giống như đất nước mà chúng ta thấy ngày hôm nay về mặt hình thể địa lý? Xin thưa là phải đợi đến nửa sau thế kỷ 18 thì may chăng mới đúng. So sánh với bây giờ thì địa phận nước Đại Việt – tiền thân của nước Việt Nam thế kỷ 21 này, vào những năm đầu thế kỷ 17 đến nửa đầu thế kỷ 18 khác rất nhiều. Thử lấy một ví dụ: đầu thế kỷ 17 (thời Nguyễn Hoàng), nói chính xác là năm 1611 địa phận vùng Thuận Quảng (1) của Đại Việt chạy đến tận Phú Yên (2), phần còn lại cho tới Bình Thuận vẫn thuộc lãnh thổ Chămpa; còn Nam Kỳ/hay Nam Bộ như ta biết ngày nay – thời đó gọi là Thủy Chân Lạp – dĩ nhiên thuộc về… vương quốc Khmer (Căm Pu Chia hiện giờ). Sau này các chúa Nguyễn dần chiếm nốt phần đất còn lại, cho đến năm 1692 thì gần như ‘xóa sổ' nước Chămpa. Cuộc Nam tiến chưa dừng ở đó, mà phải đợi tới mốc năm 1757 khi toàn bộ vùng Thủy Chân Lạp của vương quốc Khmer sáp nhập thành đất Đại Việt. Sơ lược như vậy để thấy rằng trên dải đất hình chữ S mà ta biết hiện nay vào giai đoạn giữa thế kỷ 17 từng là lãnh thổ của 3 nước: Đại Việt, Chămpa – lúc này đã gần diệt vong – và một phần vương quốc Khmer. Giả phỏng thời ấy có ông thuyền trưởng Hà Lan nào lái tàu đi Hải Phố (Faifo/Hội An) định giao lưu với chúa Nguyễn mà không may gặp bão, lạc vào vịnh Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa ngày nay), muốn lên bờ kiếm chút đồ ăn thức uống chắc phải cần thông dịch viên… tiếng Chăm!

Còn về mối liên hệ với Chămpa, như tác giả nhận định, thì Đại Việt thay đổi sách lược tùy thời, lúc khởi binh đao, khi thì ngoại giao, đặc biệt bằng quan hệ hôn nhân để tạo “ảnh hưởng”. Tác giả tiếp tục cho rằng đây quả là “công trình của các vua Lê, những người đã lập ra Đại Việt vào năm 1428.” Đến đây thì thực là một nhầm lẫn tai hại về dữ kiện lịch sử. Tra cứu thư tịch cũ, người ta thấy Đại Việt là quốc hiệu do Lý Thánh Tông đặt ra năm 1054 (3) sau khi tiên đế Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư lên Thăng Long (1010). Quốc hiệu này tồn tại qua triều Trần cho đến nhà Hậu Lê (4). Làm sao mà có chuyện “những vua Lê lập ra Đại Việt năm 1428”? Họa chăng chỉ là Lê Lợi (Lê Thái Tổ) khai sáng vương triều (Hậu) Lê năm 1428, sau khi giành lại độc lập từ tay nhà Minh. Về cái gọi là “ảnh hưởng” với Chămpa – thực chất là chiếm đất – thì đã được khơi mào từ thời Lý, thế kỷ 11 với chiến công của Lý Thánh Tông năm 1069, mà ‘chiến lợi phẩm' là Quảng Bình và một phần Quảng Trị bây giờ. Bốn thế kỷ sau, Lê Thánh Tông đại phá Chămpa năm 1472 (như tác giả ghi) với chiến công đẫm máu (5), chiếm Bình Định và giành lại đất Chiêm Động, Cổ Lũy (Quảng Nam, Quảng Ngãi bây giờ), lâp ra đạo Quảng Nam, đẩy biên giới phía nam tới sát đèo Cù Mông (6). Lật lại sử sách thì thấy đời Hậu Lê chẳng có vua nào mượn cách ràng buộc hôn nhân hòng bành trướng lãnh thổ, chỉ thấy toàn đánh nhau, chém giết. Hẳn tác giả ‘bé cái nhầm' với câu chuyện đời Trần hồi đầu thế kỷ 14? Thiết tưởng kẻ bình thường như chúng tôi đây, từ thủa ngồi ghế trường làng cũng đã biết ‘ngón đòn' ngoại giao của Thượng Hoàng Trần Nhân Tông, gả cô cháu nội Huyền Trân công chúa (con Trần Anh Tông) cho vua Chế Mân nhằm đổi lấy hai châu Ô, Rí (mà giờ đây là Thừa Thiên – Huế) (7). Nhưng cũng có bận, thừa khi Đại Việt vào vận suy, vua Chămpa là Chế Bồng Nga đã đánh lên tận Thăng Long đốt phá kinh thành, đến mức triều đình nhà Trần phải bỏ chạy (1383), thậm chí vua cầm quân đi đánh giặc có khi tử trận như Trần Duệ Tông (1377) (8)

Cuộc tranh chấp Trịnh Nguyễn bắt rễ từ những giằng dai giữa nhà Mạc (Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Hậu Lê năm 1527) và nhà Lê Trung Hưng do Nguyễn Kim dựng lên năm 1532, mà sau đấy, khi Nguyễn Kim chết (1545) (9), thì có Trịnh Kiểm tiếp tục phò trợ ở địa bàn Thanh Hóa, Nghệ An. Liên quan đến công cuộc “phù Lê diệt Mạc” giai đoạn này, cũng như sự ra đi của Nguyễn Hoàng, tác giả viết như sau:

“Những người ủng hộ các vua Lê vây quanh hai nhân vật: ông quan võ Nguyễn Kim và người con rể Trịnh Kim (sic). Hai người đại diện cho hai dòng họ phong kiến vẫn tiếp tục trung thành với vua Lê. Có điều Nguyễn Kim bị sát hại một cách mờ ám do nhà Mạc xúi dục. Sau đó các gia đình (dòng họ) khác tiếp tục chống Mạc, nhưng lại đánh lẫn nhau. Con Nguyễn Kim là Hoàng cùng phe ủng hộ theo ông tránh vào Quảng Nam , vốn là đất ông lấy từ Chămpa trước đấy.”

Về vụ Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc đánh thuốc độc chết mà sau đấy binh quyền về tay Trịnh Kiểm sử sách cũng ghi khá rõ. Nhưng lấy đâu ra chuyện “các dòng họ khác tiếp tục chống nhà Mạc, nhưng lại đánh lẫn nhau” và coi đây là lý do khiến Nguyễn Hoàng ra đi. Theo biên niên sử triều Nguyễn (10) thì sau khi Nguyễn Kim bị mưu sát, Trịnh Kiểm lên thay. Con trai trưởng Nguyễn Kim là Nguyễn Uông lại bị chính người anh rể Trịnh Kiểm ganh ghét ám hại, mà nguyên do là Trịnh Kiểm muốn loại trừ phe cánh của bố vợ mình mà trước hết là mấy người con trai ông (11). Người con thứ, Nguyễn Hoàng e sẽ đến lượt mình, bèn nhờ bà chị Ngọc Bảo xin với Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Thấy Thuận Hóa là vùng xa xôi, hiểm trở lại đang lúc khó khăn nên Trịnh Kiểm chấp thuận, “để hiệp sức với trấn thủ Quảng Nam…” (12) Như vậy không có chuyện Nguyễn Hoàng đi Quảng Nam – mặc dù về sau Nguyễn Hoàng được cử cai quản thêm địa hạt này năm 1570 (13). Sai lầm lớn về sử liệu nằm ở chỗ Quảng Nam không phải là đất Nguyễn Hoàng ‘lấy từ tay Chămpa,' như tác giả nêu, bởi lẽ vùng này do Lê Thánh Tông sáp nhập vào Đại Việt từ gần một thế kỷ trước, sau chiến thắng 1471 như trên đề cập.

Tiếp theo mạch suy luận [sai lầm] đó, tác giả viết: “từ Phú Xuân, Nguyễn Hoàng tích cực yểm trợ nỗ lực của họ Trịnh chống lại nhà Mạc…” Người ta vẫn thường ví ‘khôn từ trong trứng khôn ra,' nhưng xét trong trường hợp này thì quả là ‘sai từ cái tên sai đi.' Có thể thấy ngay rằng, Phú Xuân (khu vực Huế ngày nay) thực chỉ hiện hữu vào thời Chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687) (14) – vốn là cháu 5 đời của Nguyễn Hoàng – khi ông dời thủ phủ từ Kim Long (thuộc Thừa Thiên) về đây. Căn cứ trên sử liệu (Trương Hữu Quýnh và nhiều tác giả , 2001) thì thời điểm mới vào Nam , Nguyễn Hoàng đóng ‘tổng hành dinh' ở địa phận xã Ái Tử (ngày nay), tới năm 1570 chuyển tiếp về Trà Bát (đều thuộc tỉnh Quảng Trị). Đến đời con ông, chúa Nguyễn Phúc Nguyên lại dời vào xã Phước Yên, sau đó dời sang Kim Long (thuộc Thừa Thiên). Và phải đợi tận thời Nguyễn Phúc Khoát thì mới định hình một đô thành Phú Xuân.

Giờ mới bàn đến nội dung câu này: “từ Phú Xuân, Nguyễn Hoàng tích cực yểm trợ nỗ lực của họ Trịnh đánh đuổi nhà Mạc ra khỏi ngôi vua. Năm 1592 nỗ lực này đã có kết quả, qua việc chiếm lại Hà Nội.” Thử hỏi có thực Nguyễn Hoàng tham gia vào cái gọi là ‘nỗ lực' này hay không? Và nếu có thì xét ở mức độ nào? Bởi lẽ kể từ khi tránh vào Thuận Hóa, một mặt Nguyễn Hoàng còn mải bận lo củng cố ‘cứ địa' mới, mặt khác vẫn phải tính kế đối đầu với đe dọa từ biển như tướng giặc Tây Dương mang hiệu là Hiển Quý (15) và với quân nhà Mạc chẳng ở đâu xa mà ngay tại xứ Thuận Quảng, như sử chép ‘sau khi Nguyễn Hoàng giết được tướng Mạc Lập Bạo năm 1572 giữ được sự ổn định chính trị ở Thuận Quảng…'(16). Vậy chẳng đã giải thích quá rõ việc Nguyễn Hoàng đánh bại tướng Lập Bạo không ngoài mục đích giữ ‘đất' của mình (17). Phải chăng ý của tác giả muốn ‘cộng điểm' cho Nguyễn Hoàng, nên đã lùi thêm 20 năm sau để tính đến chiến tích đánh bại tướng Lập Bạo này vào trong cái ‘nỗ lực chung' chống lại nhà Mạc, nhằm ‘giải phóng' Thăng Long?

Dữ kiện lịch sử cho thấy, sau khi Trịnh Tùng lấy được thành Thăng Long từ tay nhà Mạc năm 1592, Nguyễn Hoàng có đem quân ra Bắc để mừng vua Lê và được vua Lê thăng tước từ Đoan Quận Công lên Đoan Quốc Công. Sử cũng ghi rằng lần này Nguyễn Hoàng lưu lại ngoài Bắc suốt 8 năm trời, để giúp ‘ông cháu' Trịnh Tùng tiêu diệt bè đảng họ Mạc, và lập được nhiều chiến tích. Nhưng có thực chỉ dừng vậy thôi không? Gần đây, một số học giả tiêu biểu như Keith Taylor (18), Cao Tự Thanh (19) đã dụng công truy cứu sử liệu và cho thấy chủ đích lần đem quân ra Bắc này của Nguyễn Hoàng thực chất nhằm giành lại binh quyền. Bởi cho đến thời điểm đó, thâm tâm Nguyễn Hoàng vẫn cho mình mới có quyền kế vị chính thức cơ nghiệp do người cha Nguyễn Kim gây dựng sau cái chết mờ ám của anh cả là Nguyễn Uông (theo lệ “cha truyền con nối”). Phải đến năm 1599 khi Trịnh Tùng (con Trịnh Kiểm) được thăng tước Vương (Bình An Vương) lập triều chính riêng thì Nguyễn Hoàng tự thấy không còn ‘hy vọng' gì nữa, cho nên mới đem quân bản bộ theo đường thủy trở về Thuận Hóa năm 1600. Tác giả Kleinen diễn giải sự ra đi này của Nguyễn Hoàng như một sự ‘cắt đứt' (20) với họ Trịnh và cho rằng còn nhiều chi tiết ‘không rõ ràng' xoay quanh chuyện này.

Đối chiếu sử ‘Bắc' của phía Lê-Trịnh, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cho rằng chính Nguyễn Hoàng kích động bọn tướng Lê là Phan Ngạn làm phản ở cửa Đại An (nay thuộc Nam Định), và sau đó thừa cơ tự ý đem quân bỏ về (21). Còn sử ‘Nam' như Đại Nam Thực Lục thì ‘đổ lỗi' vì Trịnh Tùng ghen ghét do Nguyễn Hoàng lập nhiều công trạng nên Nguyễn Hoàng mới phải rút về (22).

Tác giả John Kleinen viết: “Vào quãng năm 1600 thì Hoàng cắt đứt liên hệ với họ Trịnh trong những tình huống vẫn còn chưa được làm sáng tỏ. Ông tự xưng là Vương – tương đương với Vua…”

Một lần nữa, tác giả lại ‘đánh đồng' về chữ nghĩa, giữa Vương - Vua. Trong ‘Đại cương lịch sử Việt Nam ,' Trương Hữu Quýnh và các đồng sự đã chỉ ra rằng: “buổi đầu, mặc dầu nhân dân quen gọi những người đứng đầu dòng họ thống trị là chúa , các chúa Nguyễn vẫn chỉ xưng quốc công [chữ nghiêng: người viết bài nhấn mạnh]. Chỉ đến năm 1692, chúa Nguyễn Phúc Chu dự định tách Đàng Trong thành một nước riêng, tự xưng là Đại Việt quốc vương, nhưng việc không thành. Phải đến năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, thành lập triều đình ở Phú Xuân.”(23)

Liên quan đến bức thư được dùng làm trang bìa của cuốn sách, in ở trang 22 với chú thích ghi chi tiết: “‘người đại diện nước An Nam' gửi J.P. Coen. Cái dấu đỏ là con triện của ông tướng [chữ nghiêng: người viết bài nhấn mạnh] (Bộ binh? Quốc phòng?) (theo tác giả Tuong Quan Cong=de generaal van de landverdediging)(24), có thể là một trong những anh em của vua.” Ở sau tác giả cho rằng “người viết bức thư này không nhất thiết là một cá nhân đại diện nước An Nam mà có thể là trường hợp ‘lưỡng đầu chế.'” Điều này cũng không phải không có lý khi tác giả dựa trên thời điểm ghi trên bức thư mà phỏng đoán người gửi thư là Nguyễn Phúc Kỳ - con trưởng của chúa Nguyễn Phúc Nguyên – được cử làm trấn thủ Quảng Nam năm 1614 và chết năm 1631. Đồng thời đến năm 1626, nhà chúa giao binh quyền cho một người em, có tước hiệu là ‘Tuong Quan Cong.'” Theo tác giả thì ‘lưỡng đầu

chế' gồm cả người em Tôn Thất Khê (25). Thế nhưng, xin thưa rằng Tôn Thất Khê đây chẳng phải ‘ Tuong Quan Cong' nào mà là ‘ Tường Quận Công!'(26) Tác giả còn bày tỏ ngạc nhiên khi bức thư lại đề niên hiệu Vĩnh Tộ của vua Lê Thần Tông. Nếu biết rằng họ Trịnh và họ Nguyễn dù có chọi nhau đến ‘sứt đầu mẻ trán' đến mấy cũng vẫn núp dưới danh nghĩa “phù Lê” thì chẳng có gì lạ. Vả lại Nguyễn Phúc Nguyên có làm vua đâu mà đặt niên hiệu!

Một nhầm lẫn đáng tiếc nữa thuộc phần kiến thức địa lý. Sau khi cuộc chiến Trịnh-Nguyễn bùng nổ thì Lũy Nhật Lệ (27) đóng vai trò trọng yếu trong hệ thống phòng thủ của chúa Nguyễn. Lũy đất này “nằm cạnh Đồng Hới” như tác giả ghi nhận, tuy nhiên đáng lẽ phải tọa lạc ở phía nam sông Gianh, tức là bên này sông Gianh thì tác giả lại đem ‘chuyển' lũy này qua “bên kia sông” là đất của chúa Trịnh!

Tựu trung lại, chỉ với vỏn vẹn hai trang về cái gọi là ‘tổng quan' giới thiệu lịch sử Việt Nam nhằm cung cấp một ‘phông' kiến thức cơ bản cho độc giả tiện theo dõi quan hệ giao thương giữa Hà Lan và Đại Việt vào thế kỷ 17 trong cuốn sách Sư tử và Rồng, mấy trang viết của Kleinen không tránh khỏi những nhầm lẫn, sai lạc thực không đáng có. Mặc dù chẳng muốn chuốc lấy cái tiếng làm chuyện ‘bới lông tìm vết' nhưng trước cách diễn giải lịch sử ‘Rồng ' như thế, đặc biệt về một giai đoạn đánh dấu bước đường ‘nghìn năm đi mở cõi' của cha ông, liệu những ai còn cho mình là con dân đất Việt nên khóc hay cười đây?

 

Cao Xu ân Tứ và Nguyễn Hiền
(tặng Biển Bắc)


_____________

Chú thích:

(1) Vào giữa thế kỷ 17 vùng Thuận Quảng: gồm có trấn Thuận Hóa (gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên ngày nay) và trấn Quảng Nam (gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay) , xem Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, NXB Sử Học, Hà Nội, 1962, tr. 33).

(2)Năm 1611, Nguyễn Hoàng gửi quân đánh Chiêm Thành, lập phủ Phú Yên (Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, tập 1, tr. 43-44.

(3)Trần Trọng Kim. 1964. Việt Nam Sử Lược. Sài gòn: NXB Tân Việt. tr. 102.

(4) Đầu thời kỳ độc lập, nhà Đinh (968-980) dăt tên nước là Đại Cồ Việt, giữ qua đời Tiền Lê (981-1009), đến đời Lý (1010-1225) đổi thành Đại Viêt. Nhà Hồ (1400-1407) đặt quốc hiệu là Đại Ngu. Chưa kể thời Lý Nam Đế (Lý Bí) vào thế kỷ thứ 6 nổi lên chống nhà Lương lấy quốc hiệu là Vạn Xuân.

(5) Trận nay hơn 4 vạn người Chiêm bị giết khi thành Chà Bàn (Bình Định) thất thủ (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Bản Kỷ, Q 7, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1992, tr.449.

(6) Phan Huy Lê, Lịch Sử và Văn Hóa Việt Nam, tiếp cận bộ phận, NXB Giáo Dục, 2006, tr.383.

(7) Vua Chiêm là Chế Mân (Jaya Paramesvaravarman) còn lấy công chúa Tapasi của Java để gây liên minh chống xâm lược của nhà Nguyên. (theo Ngô Văn Doanh, Văn Hóa Cổ Chămpa , Nhà Xuất Bản Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội, 2002, tr.118).

(8) Đại Cương Lịch Sử Việt Nam , NXB Giáo Dục, Hà Nội 2005, tr.247.

(9) Như trên, tr.340.

(10) Đại Nam Thục Lục Tiền Biên, NXB Sử Học, Hà Nội 1962, T 1, tr.30, 31.

(11) Đại Cương Lịch Sử Việt Nam , tr.341.

(12) Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa (1558), lập dinh trại ở Ái Tử (thuộc tỉnh Quảng Trị ngày nay), Đại Nam Thục Lục Tiền Biên , tr.31.

(13) Đại Việt Sử ký Toàn Thư Bản Kỷ Tục Biên, Q 16, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1993, tr 139: Năm 1570, Trịnh Kiểm ốm nặng, Nguyễn Hoàng ra thăm anh rể, được trao quyền trấn thủ Quảng Nam thay cho Nguyễn Bá Quýnh.

(14) Đại Nam Thục Lục Tiền Biên, tr.134.

(15) Hiển Quý là người Nhật, theo Phan Huy Lê, sách đã dẫn, tr.1022.

(16) Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên , tr.16.

(17) Ở đây là vùng Thuận Quảng.

(18) Keith Taylor. 1993. Nguyen Hoang and the beginning of Vietnam 's Southward Expansion,' in Reid, Anthony (ed.), Southeast Asia in the Early Modern Era . Ithaca : Cornell University Press.

(19) Cao Tự Thanh (dịch và giới thiệu), 1995. Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên . Hà Nội: NXB Khoa học xã hội.

(20)Với một người mưu cao kế rộng như Nguyễn Hoàng thì việc ‘cắt đứt' với nhà Trịnh vào thời điểm ‘nhạy cảm' đó có khác nào là một sự ‘khiêu chiến?' Liệu có thể gọi là ‘cắt đứt' không khi mùa đông năm đó Nguyễn Hoàng gả con gái là Ngọc Tú cho Trịnh Tráng con của Trịnh Tùng, nghĩa là kết thông gia với ông cháu gọi mình bằng cậu, vì Trịnh Tùng là con Ngọc Bảo – chị Nguyễn Hoàng. Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, tr.47. Có thể xem năm 1600 là cái mốc đánh dấu sự từ bỏ tranh giành quyền lực của Nguyễn Hoàng với họ Trịnh, quyết tâm mở mang cơ nghiệp Đàng Trong.

(21) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Bản Kỷ Tục Biên quyển XVIII, tr.208.

(22) Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, tr.41.

(23) Đại Cương Lịch Sử Việt Nam , tr.48.

(24) Do không để dấu tiếng Việt, nên người đọc có thể đoán theo nhiều cách, chẳng hạn Tướng Quận Công, Tướng Quan Công...

(25) Tương truyền mẹ của Tường Quận Công là Minh Đức vương thái phi, người phụ nữ hoàng tộc đầu tiên được chính Alexandre de Rhodes rửa tội và đặt tên thánh là Maria Madalena. http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailbook&id=87&ib=101

(26) Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên (tr.88-89): “Tôn Thất Khê (Nguyễn Phúc Khê) là người con thứ mười của Nguyễn Hoàng ( và em Nguyễn Phúc Nguyên). Năm 1626, ông được Chúa Phúc Nguyên phong làm (chức) Tổng trấn, (tước) Tường Quận Công. Ông có công giữ vững cơ nghiệp chúa Nguyễn. Sau khi Nguyễn Phúc Nguyên mất, Nguyễn Phúc Lan kế vị, người em là Anh mưu phản. Chúa do dự không muốn tru lục, nhưng Tường Quận công đã cắt tình riêng vì nghĩa lớn mà phát binh bắt Anh giết đi.”

(27) Đại Nam Thục Lục Tiền Biên , tr.60: Lũy Nhật Lệ, còn được gọi là Lũy Thầy vì do Đào Duy Từ, quân sư của Nguyễn Phúc Nguyên chỉ đạo xây đắp, hoàn thành vào tháng 8 năm 1631.


Cái Đình - 2008 .