Phan Tùng Chính


Tại sao ta biết những điều ta biết và việc thực thi dân chủ

Mục đích của bài này trước hết là tìm xem tại sao ta biết những điều ta biết và sau đó là tìm xem ảnh hưởng của câu trả lời câu hỏi này với việc thực thi dân chủ.

Phần đầu của bài bàn về câu hỏi tại sao ta biết những điều ta biết. Phần này sẽ bàn đến những lí do để có thể biết một điều nào đó - điều biết này có thể do tự học hỏi hay do được giáo dục hay do môi trường xã hội - là thật hay không thật, và về những lí do làm cho việc biết của ta bị ảnh hưởng, trở thành không chính xác. Phần này dựa vào ý của Richard Dawkins.

Tiếp theo là phần bàn về ảnh hưởng của câu trả lời câu hỏi trên với việc thực thi dân chủ. Phần này bàn về ảnh hưởng của câu trả lời đó trong việc thảo luận, một phương cách để thực thi dân chủ, và về ảnh hưởng của câu trả lời câu hỏi trên đối với việc loại bỏ những thành kiến nguy hại làm thương tổn đến niềm tin, một điều kiện cần cho việc thảo luận.

I- Tại sao ta biết những điều ta biết

Có bao giờ ta tự đặt câu hỏi tại sao ta lại biết những điều ta đang biết? Thí dụ tại sao ta biết là những vì tinh tú trông chỉ nhỏ như những đầu kim đan trên bầu trời, thực sự lại là những khối lửa tròn khổng lồ y như mặt trời và ở rất xa chúng ta? Và làm thế nào ta lại biết trái đất là một quả cầu tròn nhỏ hơn và quay quanh một trong những vị tinh tú ấy, đó là mặt trời?

Câu trả lời cho những câu hỏi ấy là: vì đã được chứng minh như vậy, vì có bằng chứng là như vậy. Có khi bằng chứng là việc ta nhìn thấy (hoặc nghe thấy, sờ thấy, ngửi thấy, và vân vân) điều đó thực sự như vậy. Các phi hành gia đã đi ra ngoài trái đất khá xa và nhìn thấy tận mắt là trái đất tròn. Và đôi khi ta cũng phải dùng cái gì đó để trợ giúp cho mắt của chúng ta một chút. Sao hôm nhìn bằng mắt thường trông giống một vì sao sáng trong lấp lánh, nhưng nhìn với viễn vọng kính thì điểm sáng ấy là một trái banh tuyệt đẹp. Đó là hành tinh mà ta gọi là Venus. Nếu ta biết được một điều gì do ta trực tiếp nhìn (hoặc nghe, sờ, và vân vân) thì ta nói là quan sát thấy.

Thường thường thì không phải chỉ một quan sát là có ngay được một bằng chứng, mà phải nhiều quan sát mới có được một bằng chứng. Nếu có một vụ giết người thì thường không có ai (trừ sát nhân và nạn nhân) quan sát thấy sự kiện xảy ra như thế nào. Cảnh sát có thể sẽ thực hiện nhiều loại quan sát khác nhau để tìm ra thủ phạm. Nếu dấu tay của một người nào đó giống dấu tay trên cán dao thì đó là một bằng chứng ông ta đã dùng con dao này. Đó chưa phải là bằng chứng quyết định là ông ta đã sát nhân. Nhưng kết hợp với các bằng chứng khác thì có lẽ đúng là ông ta đã sát nhân. Một thám tử có thể nghĩ ra một số quan sát và thấy rằng những quan sát này ăn khớp và phù hợp hoàn toàn với nhau như người này và người kia đã thực hiện việc sát nhân.

Các nhà khoa học - muốn nói là các chuyên viên tìm sự thật trên thế giới quanh ta và trong vũ trụ - thường làm việc như các nhà thám tử. Họ cố gắng đoán xem cái này hợp với cái kia như thế nào (họ gọi là một giả định hay một giả thuyết). Và họ tự nói: nếu cái này đúng thì ta phải nhìn thấy như thế này như thế kia. Đó là điều kiện đầu tiên. Thí dụ ta giả sử rằng trái đất tròn, ta có thể tiên đoán là một người đi theo cùng một hướng nhất định trên trái đất sẽ đi đến vị trí khởi hành ban đầu. Nếu một bác sĩ nói rằng một người nào đó bị lên sởi thì không phải ông ta chỉ cần coi người đó một lần là biết người đó bị lên sởi. Ông ta coi người đó và đặt giả thuyết: có lẽ người này bị lên sởi. Và ông ta tự nghĩ: nếu người này lên sởi thì phải nhìn thấy cái này cái kia và ông ta bắt đầu quan sát kĩ lưỡng những giả định ấy: lấy mắt để quan sát xem có các vết đỏ ở trên da không, lấy tay để sờ xem trán có nóng sốt không và lấy tai để nghe xem phổi có thở khò khè như những người bị lên sởi không. Sau đó ông ta mới quyết định và nói: « Định bệnh của tôi là đứa bé này bị lên sởi ». Đôi khi bác sĩ còn cần những khám nghiệm khác, thí dụ thử máu hay chụp hình quang tuyến X. Nhờ đó ông ta có thêm nhiều quan sát hơn bên cạnh những quan sát ông đã thấy bằng mắt, tay và tai.

Cách mà các nhà khoa học sử dụng các bằng chứng để biết về thế giới còn thông minh hơn và phức tạp hơn là việc tôi có thể giải thích ngắn gọn trong bài này. Nhưng bây giờ tôi không muốn nói thêm về các bằng chứng, luôn luôn là những lí do xác đáng để ta có thể tin một cái gì đó, mà tôi muốn cảnh giác về ba lí do sai lầm đã làm cho chúng ta tin. Đó là truyền thống, uy quyền và mặc khải (revelation).
Tôi bắt đầu với lí do truyền thống. Một vài tháng trước đây tôi đã coi trên TiVi một cuộc thảo luận của khoảng 50 em. Các em này được mời vì các em được giáo dục theo các tôn giáo khác nhau. Một số em được giáo dục theo Thiên chúa giáo, các em khác theo Do thái giáo, Hồi giáo hoặc Ấn độ giáo. Người đàn ông điều khiển chương trình cầm ống nói đi ngang qua tất cả các em và hỏi các em về những điều các em tin. Các câu trả lời của các em cho thấy đúng như điều tôi muốn ám chỉ về truyền thống. Các em lập lại theo cùng một điệu những gì bố mẹ và ông bà đã nói là thật dù những cái ấy không dựa vào bằng chứng nào. Các em nói: « Chúng tôi, tín đồ Ấn độ giáo, tin điều này và điều kia » hay « Chúng tôi, những người Hồi giáo, tin như thế này thế nọ » và « Chúng tôi, những người Ki-tô giáo, tin điều ấy không giống như vậy ».

Các em tin tất cả khác nhau, như vậy các em không thể đều có lí cả. Người điều khiển chương trình không tỏ ra kinh ngạc chút nào và hoàn toàn không thấy khó khăn để cho các em trao đổi với nhau về những khác biệt ấy. Nhưng với tôi thì khác. Tôi muốn biết về nguồn gốc của những tin tưởng ấy. Và đó là truyền thống. Truyền thống bao gồm việc cha mẹ trao truyền những điều mình tin tưởng cho con cái. Rồi đến lần chúng, chúng lại trao truyền cho con cái chúng và vân vân. Hoặc qua những sách vở mà người ta đã lưu truyền cho nhau hàng nhiều thế kỉ. Những tin tưởng truyền thống thường không dựa vào cơ sở nào. Có lẽ chúng được người nào đó nghĩ ra vào một thời điểm nào đó như các truyện về Thor và Zeus. Nhưng sau khi chúng đã trải qua một vài thế kỉ thì chúng bắt đầu trở thành đặc biệt chỉ vì chúng cổ xưa. Con người thường tin nhiều điều với lí do đơn giản là người ta đã tin những điều đó nhiều thế kỉ rồi. Đó là truyền thống.

Một vấn đề liên quan đến truyền thống là một câu truyện vào lúc nghĩ ra, có thể thật hoặc không thật, sẽ trở thành không còn khác biệt nữa nếu nó càng có gốc gác xa xưa. Mà trong thực tế một câu truyện không thật sẽ không thể trở thành thật vì nó được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Ở Âu châu nhiều người cho mình là tín đồ Thiên chúa giáo. Nhưng trong khối Thiên chúa giáo này lại có nhiều phái. Ta có Thiên chúa giáo La mã, Tin lành Calvin, Tin lành Luther, Anh giáo, Chính thống giáo Nga sô và còn nhiều trào lưu khác nữa. Và trong những trào lưu này người ta cũng tin hơi khác nhau. Do Thái giáo và Hồi giáo lại còn khác nữa và trong các tôn giáo này cũng có những khuynh hướng khác nhau. Những điều người ta tin không khác nhau bao nhiêu nhưng người ta đánh nhau sống chết vì những khác biệt nhỏ nhoi này. Có lẽ người ta nghĩ là người ta có những lí do chính đáng - bằng chứng - để tin những điều ấy. Nhưng trong thực tế những niềm tin của họ khác biệt nhau chỉ vì đặt cơ sở trên những truyền thống khác biệt.

Bây giờ ta thử xem một điểm của truyền thống ấy. Những người Công giáo La mã tin là Đức Bà Maria, mẹ của Chúa Giê su, thật đặc biệt đến nỗi không bị chết mà lại lên trời cả hồn lẫn xác. Các truyền thống Thiên chúa giáo khác không đồng ý điểm này. Họ nói là Đức Bà Maria đã chết như tất cả những người khác. Các tôn giáo khác không quan tâm đến Bà và không gọi Bà là « Nữ Vương Trên Trời » như những người Công Giáo. Truyền thống nói rằng Đức Bà Maria cả hồn và xác lên trời có chưa lâu lắm. Kinh thánh không nói gì về thời điểm hoặc cách thức Đức Bà đã chết. Người đàn bà khốn khó ấy rất ít được nhắc đến trong kinh thánh. Niềm tin là xác của Đức Bà lên trời mới chỉ bắt đầu hiện hữu vào khoảng sáu thế kỉ sau thời của Chúa Giê su. Đầu tiên đó chỉ là một truyện tưởng tượng thông thường cũng giống như truyện tưởng tượng về công chúa Bạch Tuyết. Nhưng theo dòng thời gian của nhiều thế kỉ thì câu truyện này trở thành truyền thống và người ta bắt đầu tin là thật vì nó đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Truyền thống càng lâu đời thì càng nhiều người tin truyền thống ấy là thật. Cuối cùng truyện ấy mới chỉ được người Công giáo công nhận chính thức thành một tín điều gần đây thôi, vào năm 1950. Nhưng câu truyện vào năm 1950 cũng không thật hơn là vào lúc mà câu truyện mới được nghĩ ra, 6 thế kỉ sau ngày Đức Bà Maria mất.

Vào cuối bài này tôi sẽ trở lại khái niệm truyền thống và bàn dưới khía cạnh khác. Nhưng trước hết tôi còn phải bàn về hai lí do sai lầm khác đã khiến chúng ta tin. Đó là uy quyền và mặc khải.

Tin dựa vào uy quyền có nghĩa là tin một điều gì đó vì một nhân vật quan trọng đã nói là ta phải tin. Trong giáo hội Công giáo La mã thì Giáo hoàng là người quan trọng nhất. Người ta tin là ngài có lí chỉ bởi vì ngài là giáo hoàng. Trong một chi nhánh của Hồi giáo thì những người đàn ông già có bộ râu rậm rạp được gọi là ayatollah là những người quan trọng. Nhiều tín đồ Hồi giáo ở trên toàn thế giới sẵn sàng giết người chỉ vì các vị ayatollah ở một nước xa xôi nào đó đã nói là họ phải làm điều đó.

Khi tôi nói những người công giáo La mã chỉ mới được nghe vào năm 1950 là họ phải tin là xác của Đức bà Maria đã lên trời, tôi muốn nói là giáo hoàng đã nói vào năm 1950 là người ta phải tin điều ấy. Chấm hết. Giáo hoàng đã nói rằng điều đó là đúng tức là điều đó phải là đúng. Có lẽ trong cuộc đời của giáo hoàng, ngài đã nói một số điều đúng mà cũng có một số điều không đúng. Không có những lí do xác đáng nào để biện hộ cho việc tại sao ta phải tin tất cả những gì giáo hoàng đã nói chỉ vì ngài là giáo hoàng đang khi ta không cần phải tin những phát biểu của tất cả những người khác. Giáo hoàng hiện tại đã ra chỉ thị cho các tín hữu là không được hạn chế sinh đẻ theo các phương pháp nhân tạo. Nhưng nếu mọi người đều tuân phục ngài một cách nô lệ như ngài muốn thì sẽ xảy ra không biết bao nhiêu là nạn đói kém khủng khiếp, dịch hạch và chiến tranh là hậu quả của nạn nhân mãn.

Dĩ nhiên là trong khoa học ta thường không thể chính mắt nhìn thấy điều gì đó đúng và ta phải tin vào lời một người nào đó. Thí dụ tôi chưa bao giờ chính mắt nhìn thấy bằng chứng là tốc độ vận hành của ánh sáng là 300.000 cây số một giây, nhưng tôi tin đó là đúng vì tôi đã đọc thấy trong sách. Như vậy thì hình như tôi đã chấp nhận một điều gì đó dựa vào uy quyền của người đã viết quyển sách ấy. Nhưng trên thực tế tôi có nhiều cơ sở để chấp nhận điều đó là đúng vì người viết sách đã nhìn thấy bằng chứng và vì mọi người muốn nhìn bằng chứng này đều được tự do để tham khảo kho tàng bằng chứng ấy. Điều đó làm cho việc tin này thành đáng tin. Nhưng ngay cả các linh mục cũng không cho thấy là có một bằng chứng nào đó để xác quyết chuyện Đức bà Maria đã lên trời cả hồn lẫn xác.

Lí do sai lầm thứ ba để ta tin một điều gì đó là mặc khải. Nếu ta hỏi giáo hoàng lúc ấy vào năm 1950 là làm thế nào ngài biết là Đức Bà lên trời cả xác thì có lẽ ngài sẽ nói là ngài đã được mặc khải điều đó. Là ngài đã ở trong phòng một mình và cầu nguyện để xin soi sáng. Là ngài đã tự suy nghiệm kĩ lưỡng và dần dà tự thâm tâm ngài càng ngày càng thấy chắc chắn về sự việc này. Khi các người theo một tôn giáo nào đó có cảm giác là một điều gì đó đúng, dù không có một bằng chứng nào thì người ta gọi cảm giác ấy là mặc khải. Không phải chỉ có các giáo hoàng mới xác quyết là các ngài nhận được mặc khải; mà nhiều người theo đạo khác cũng xác quyết là họ được mặc khải. Đó là một trong những lí do quan trọng nhất để người ta tin những sự việc mà người ta tin. Nhưng đó có phải là lí do đúng không?

Già sử tôi nói với bạn rằng con chó Vện của bạn đã chết. Thì có lẽ bạn sẽ rất buồn và hỏi: « Anh có biết chắc chắn không? Làm sao anh biết? Và việc đó xảy ra như thế nào? ». Và giả sử tôi lại nói: « Sự thực thì tôi không biết chắc chắn là con chó Vện chết. Tôi không có bằng chứng nhưng tôi có linh cảm là nó chết ». Thì có lẽ bạn sẽ khá giận tôi vì tôi đã làm cho bạn hoảng sợ vì bạn biết là linh cảm tự nó không phải là lí do xác đáng để tin là con chó chết. Bạn muốn thấy hoặc nghe được bằng chứng. Ta, ai cũng có lần có linh cảm về một cái gì đó, đôi khi thì linh cảm đó đúng với thực tế nhưng đôi khi thì sai. Ta có thể nói trong mọi trường hợp, rằng mọi người có thể có những linh cảm trái nghịch nhau. Nhưng làm sao ta có thể quy định là ai có linh cảm đúng? Cách độc nhất để ta có thể biết chắc chắn là con chó có chết không, là ta nhìn thấy nó chết hoặc nghe thấy tim nó không còn đập nữa hoặc nghe ai đã thấy bằng chứng hoặc nghe nó chết.

Đôi khi người ta nói rằng ta phải tin những gì ta cảm nhận ở sâu trong nội tâm của ta vì nếu làm khác ta sẽ không bao giờ có thể tin tưởng vào những ý tưởng như « vợ tôi yêu tôi ». Nhưng đó không phải là lí do xác đáng. Có thể có khá nhiều bằng chứng về việc một người nào đó yêu ta. Nếu ta ở bên một người nào đó yêu ta, ta sẽ thấy vô số việc nho nhỏ, các loại bằng chứng nho nhỏ. Đó chẳng phải chỉ là cảm nhận trong nội tâm như cảm nhận mà vị linh mục gọi là mặc khải. Ở thế giới bên ngoài có những sự việc xác định cảm nhận nội tâm. Thí dụ một ánh mắt hoặc một giọng nói nhẹ nhàng, những cử chỉ dịu dàng mà người nào đó dành cho ta. Đó là tất cả những mẩu bằng chứng thật.

Trong cuộc sống vợ chồng, khi có một người có một cảm nhận thật mạnh là người kia yêu người khác hơn là mình và họ tin thật như vậy dù không có bằng chứng thì có lẽ họ sẽ đi đến một kết cục sai lầm. Có những người tin tưởng rằng một tài tử nổi tiếng yêu họ trong khi tài tử này chưa bao giờ gặp họ. Những người tin tưởng theo kiểu này là những người có tinh thần bệnh hoạn. Những điều mà ta cảm nhận phải được xác quyết bằng những bằng chứng nếu không phải như vậy thì ta không thể tin được.

Những sự việc ta cảm nhận thấy cũng có giá trị trong khoa học, nhưng chỉ là để giúp ta có ý tưởng về sự việc ấy và phải được kiểm chứng bằng việc đi tìm bằng chứng. Một nhà khoa học có thể có một nghi ngờ, một ý tưởng do cảm nhận. Tự nó thì chưa phải là lí do xác đáng để tin mà cảm nhận ấy chỉ có thể là một lí do xác đáng để dành thời giờ cho một thí nghiệm nào đó hoặc để theo một hướng nào đó mà tìm ra những bằng chứng. Những nhà điều tra thường sử dụng cảm nhận của họ khi họ đi tìm ý tưởng. Nhưng những cảm nhận ấy không có giá trị cho tới khi chúng được xác quyết bằng những bằng chứng.

Tôi đã hứa là tôi sẽ còn trở lại bàn về khái niệm truyền thống và tôi sẽ bàn về hiện tượng này dưới một cách tiếp cận khác. Đặc biệt tôi muốn cố gắng giải thích tại sao truyền thống lại quan trọng như vậy với chúng ta. Với tất cả thú vật thì chúng (do một tiến trình mà ta gọi là tiến hoá) chỉ có thể sống còn trong những hoàn cảnh mà đồng loại của chúng sống. Sư tử sống ở bên nhau để có thể tồn tại trên những khu vực ở Phi châu. Những con tôm hùm sống ở sông có thể sống sót ở nước ngọt đang khi những con tôm hùm sống ở biển chỉ có thể sống sót ở nước mặn. Con người cũng là những con vật và ta ở bên nhau để ta có thể tồn tại được trong một môi trường với những người khác. Ta, con người, không cần phải dự trữ thức ăn cho riêng mình bằng cách đi săn như những con sư tử hay con tôm. Bình thường ta mua thức ăn ở những người khác và những người này lại đi mua của những người khác nữa. Ta ‘bơi’ trong một ‘biển người’. Và giống như cá có mang để có thể sống dưới nước, con người cần có bộ óc để biết cách liên hệ với những người khác. Như biển có đầy nước muối, biển người cũng có nhiều việc khó khăn mà ta phải học. Thí dụ như ngôn ngữ.

Bạn nói tiếng Anh còn bạn gái của bạn nói tiếng Đức. Cả hai bạn đều nói thứ ngôn ngữ thích hợp với biển người mà các bạn bơi lội. Ngôn ngữ được trao truyền như là một truyền thống. Không có cách nào khác hơn. Ở nước Anh thì con chó Vện là a dog. Ở nước Đức thì nó là ein hund. Không từ nào trong hai từ này đúng hơn hay thật hơn từ kia. Cả hai từ đều được trao truyền từ bố mẹ cho con một cách thật đơn giản. Và để lo cho con cái có thể bơi lội thoải mái trong biển người vây quanh chúng, chúng phải học ngôn ngữ của đất nước chúng và bên cạnh đó còn phải học nhiều loại sự việc khác nhau về dân tộc chúng. Điều này có nghĩa là chúng, như tờ giấy thấm, phải hút một số lượng lớn các thông tin truyền thống. (Ta nhớ là thông tin truyền thống là những sự việc được trao truyền từ bố mẹ cho con cái và rồi lại được trao truyền từ con cái cho con chúng và cứ như vậy tiếp nối). Bộ óc của trẻ em rất say mê những thông tin truyền thống được trao truyền nhưng ta không thể mong chờ một đứa trẻ phân biệt được thông tin truyền thống được trao truyền tốt và hữu dụng như các từ của ngôn ngữ với thông tin truyền thống xấu và vô nghĩa như tin phù thủy, quỷ và các trinh nữ bất tử.

Thật đáng tiếc nhưng không thể tránh được là có những em, không biết gì khác ngoài việc say sưa những thông tin truyền thống được trao truyền, thường có khuynh hướng tin tất cả những gì mà người lớn kể cho chúng bất kể là đúng và tốt hay không đúng và vô nghĩa. Nhiều điều mà người lớn kể cho con cái họ là thật và dựa vào những bằng chứng và nếu những điều kể ấy không thật thì ít nhất cũng phải có ý nghĩa. Nhưng không có gì ngăn cản các em tin những điều không thật, ngớ ngẩn hay là xấu nữa. Và các em này sẽ làm gì khi các em này trưởng thành? Dĩ nhiên là các em này lại trao truyền lại cho thế hệ kế tiếp. Bằng cách này một điều gì đó gắn liền với niềm tin – dù hoàn toàn không thật và cũng không bao giờ có lí do nào để tin - lại luôn luôn được trao truyền tiếp.

Điều ấy có xảy ra như vậy với các tôn giáo không ? Hoặc bây giờ ta nói về niềm tin vào Chúa hay các thần, niềm tin vào thiên đàng, niềm tin là Đức bà Maria không chết, Chúa Giê su không có cha là loài người, niềm tin là lời cầu nguyện sẽ được lắng nghe, rằng rượu nho sẽ trở thành máu thì không có một niềm tin tưởng nào trong những niềm tin này có bằng chứng. Thế nhưng hàng triệu người lại tin như vậy. Có lẽ vì họ đã được kể cho nghe lúc họ còn quá nhỏ nên dễ dàng tin bất cứ cái gì.

Nhiều triệu người khác lại tin khác hơn vì họ được nghe kể những sự việc khác khi họ còn trẻ. Những trẻ em Hồi giáo được nghe những sự việc khác hơn là những trẻ em Thiên chúa giáo nhưng cả hai đều lớn lên trong sự tin tưởng trọn vẹn là chúng đúng và những người khác không đúng. Và trong thế giới Thiên chúa giáo, những người Công giáo La mã tin nhiều sự việc khác hơn là Tin lành Calvin, Tin Lành Luther, vân vân. Và tất cả đều hoàn toàn tin tưởng là chúng đúng và những người khác không. Chúng tin tưởng các sự việc khác nhau với cùng những lí do giống nhau như tại sao bạn nói tiếng Anh còn bạn gái nói tiếng Đức. Hoàn toàn thích hợp khi ở bên Anh thì nói tiếng Anh còn ở bên Đức thì nói tiếng Đức, nhưng không thể có việc các tôn giáo lại đúng ở nước này mà không đúng ở nước khác. Đó là chưa nói tới ngay trong các tôn giáo cũng có những chân lí trái nghịch nhau. Không thể có chuyện như thế này là Đức bà Maria sống ở Cộng hoà Ái nhĩ lan Công giáo còn chết ở Bắc Ái nhĩ lan Tin lành.

Ở đây cần nói thêm là truyền thống có thể đưa đến một mối nguy rất lớn. Đó là nó ngăn cản ta tiếp nhận nhưng thông tin không giống như ta đã biết qua truyền thống.

Trước tình trạng có những điều được thông tin dựa vào bằng chứng, lẫn lộn với những điều được thông tin dựa vào niềm tin ở truyền thống, ở uy quyền hay ở mặc khải thì ta phải làm gì? Rất đơn giản. Nếu có ai kể cho ta một điều gì có vẻ quan trọng ta có thể tự suy nghĩ: « Điều này người kể biết được là do có bằng chứng hay là chỉ do dựa vào niềm tin ở truyền thống, ở uy quyền và ở mặc khải? ». Hoặc có người kể cho ta một sự kiện gì mà họ nói là đúng thì ta có thể hỏi: « Có những bằng chứng nào để xác quyết sự kiện này? ». Và nếu ta không có được câu trả lời thoả đáng thì theo tôi nghĩ, ta phải xem xét lại và suy nghĩ thật kĩ trước khi ta tin vào lời nói mà ta đã nghe.

II- Ảnh hưởng của câu trả lời với việc thực thi dân chủ

Như chúng ta biết dân chủ là phương pháp để giúp những con người khác biệt nhau có thể sống chung và làm chung với nhau mà vẫn bảo vệ được sự khác biệt của nhau. Nội dung của dân chủ là các quy định chung như luật chơi, luật pháp và khế ước.

Vì sự khác biệt nên mỗi người đều có những tiêu chuẩn riêng và khác nhau về đủ loại chẳng hạn như về quyền tự do, về công minh, về bình đẳng. Thí dụ về quyền tự do. Một nguyên tắc sơ đẳng của việc hành xử quyền tự do là « Tôi được hành xử quyền tự do của tôi tới khi việc hành xử quyền tự do của tôi vi phạm quyền tự do của người khác ». Nhưng thế nào là vi phạm quyền tự do của người khác? Mỗi người đều có những tiêu chuẩn riêng về việc vi phạm quyền tự do của người khác. Vì vậy ta cần phải có một quy định chung về việc thế nào là vi phạm quyền tự do của người khác. Quy định chung này phải được áp dụng cho mọi người, không trừ một ai. Khi cần phải phán quyết về việc vi phạm quyền tự do, tất cả đều dựa vào quy định này để phê phán. Như vậy là có công minh, có bình đẳng. Một lí do nữa về việc cần có những quy định chung là ta chỉ thực sự hành xử dân chủ khi ta biết đề ra những quy định chung để sống và làm việc với nhau. Nói cách khác nếu ta không biết xây dựng những quy định chung để sống và làm việc với nhau thì ta chưa phải là những người biết thực thi dân chủ. Như ta biết để sống và làm việc chung với nhau đòi hỏi phải có sự tin tưởng nhau. Trong dân chủ, sự tin tưởng nhau chủ yếu dựa vào những quy định chung. Những kiểu tin tưởng dựa vào cảm tính rất nguy hiểm cho việc thực thi dân chủ bởi vì nó dễ gây ra xích mích và đưa đến độc tài. Đó cũng là lí do đòi hỏi phải có những quy định chung cụ thể nếu muốn thực sự thực thi dân chủ.

Các tổ chức người Việt thường bàn rất nhiều về dân chủ nhưng chỉ bàn suông. Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần có ý muốn thực thi dân chủ và soạn thảo một nội quy sinh hoạt hay một quy ước sinh hoạt tổng quát là đã thực thi dân chủ. Sau đó chỉ cần nói và hô hào về dân chủ là có dân chủ. Họ không nghĩ là nội quy hay quy ước chỉ là một bản văn nền tảng có tính tổng quát để quy chiếu vào đó mà soạn thảo những quy định cụ thể rõ ràng về từng vấn đề. Chẳng hạn như quy định về việc thảo luận, về việc phân công, về nhiệm vụ của mỗi người: làm gì và chỉ được làm tới đâu vân vân. Càng có những quy định cụ thể và rõ ràng về từng vấn đề và mọi người đều tuân theo nghiêm túc những quy định này thì càng có ít mâu thuẫn và bất mãn. Nhưng họ đã không bàn đến những quy định cụ thể của việc làm chung. Bởi vậy các tổ chức người Việt đã không phát triển và lớn mạnh được để có thể làm những công việc to lớn có kết quả. Và nhiều tổ chức còn bị tan rã vì lí do này và vì thế lại bị mang tiếng là sa lông.

Ở đây tôi không nói tới các tổ chức bịp bợm được lập ra chỉ để lấy danh hoặc các tổ chức được lập ra để chạy trốn mặc cảm chẳng hạn như « mặc cảm ta không làm gì ». Họ sợ bàn đến những quy định cụ thể về việc làm chung. Bởi vì khi đã có những quy định ấy mà họ lại không làm hoặc làm không được thì bộ mặt thật hám danh, ngu dốt hoặc chỉ muốn nói mà không muốn làm của họ bị lộ ra.

Nhưng làm thế nào để đi đến một quy định chung? Thưa, đó chính là thảo luận. Thảo luận để có thể đưa ra được những đề nghị cụ thể, hợp tình, hợp lí và phù hợp với thực tế về những quy định cần phải có. Sau đó là biểu quyết chọn một trong những đề nghị này để đem ra thi hành.

Nhưng có một câu hỏi cụ thể được đặt ra là phải thảo luận thế nào để có được những quy định cụ thể, hợp tình, hợp lí và phù hợp với thực tế? Mỗi người chúng ta được giáo dục trong những truyền thống khác nhau và vì vậy có những cảm nhận khác nhau cũng như tin vào những uy quyền khác nhau. Vậy phải làm sao để có thể thảo luận với nhau và đi đến những quy định mà mọi người đều có thể đồng ý? Cách tốt nhất là việc thảo luận phải được dựa vào những sự kiện thật và đúng có nghĩa là những sự kiện có bằng chứng cụ thể. Không thể dựa vào những sự kiện tưởng tượng. Bởi vì ai cũng có thể tưởng tượng ra đuợc muôn vàn sự kiện mà những sự kiện tưởng này lại rất khác biệt nhau tuỳ theo đương sự được giáo dục theo truyền thống nào. Cho nên để có thể đi đến đồng thuận cụ thể và thực tiễn thì chỉ có một cách là thảo luận với những lí lẽ và dữ kiện dựa vào những bằng chứng cụ thể mà ai cũng có thể tự kiểm chứng được.

Trong phần bàn về « Tại sao ta biết những điều ta biết » ta đã thấy là tin theo truyền thống, uy quyền và mặc khải là đầu mối của nhiều cách suy nghĩ khác biệt và là nguồn gốc của rất nhiều cuộc chiến tranh trên thế giới. Mà thực thi dân chủ là muốn đạt đến những thoả thuận vì vậy cách tốt nhất là thảo luận với những lí lẽ và sự kiện dựa vào bằng chứng cụ thể. Nói cách khác trong thảo luận, cách suy nghĩ dựa vào bằng chứng cụ thể là cách tốt nhất để giảm bớt sự khác biệt và giúp đi đến những đồng thuận.

Bây giờ ta lại bàn về ảnh hưởng của cách suy nghĩ tin vào truyền thống, uy quyền và mặc khải đối với việc gây ra các thành kiến và của cách suy nghĩ dựa vào bằng chứng đối với việc làm giảm bớt các thành kiến. Như ta biết thành kiến luôn luôn là chuớng ngại ngăn cản con người tin nhau và ngồi lại với nhau. Nhưng thành kiến do đâu mà có? Thành kiến có là do những thông tin ta tiếp nhận. Khi tiếp nhận những thông tin không tốt về một người nào đó, làm cho trong đầu ta có ấn tượng không tốt về người này và từ đó ta có thành kiến với người ấy. Từ thành kiến này ta cảm thấy không thích nói chuyện và hợp tác với họ.
Nhưng những thông tin đó có thể đúng hoặc sai. Như ta biết những thông tin ta tiếp nhận từ những nguồn dựa vào truyền thống, uy quyền hoặc do cảm nhận thường là sai. Những thí dụ về việc thông tin dựa vào truyền thông, uy quyền và mặc khải trong số người Việt có rất nhiều. Sau đây chỉ nêu ra vài thí dụ cụ thể về thông tin dựa vào truyền thống, uy quyền hoặc cảm nhận đối với việc gây ra những thành kiến.

Có một số người Việt nam được giáo dục trong truyền thống ghét đạo Công giáo thường nhìn những người công giáo là những người phản quốc, chỉ nghĩ đến La mã và làm tay sai cho ngoại bang. Ngoài ra họ còn xem những người Công giáo này như là những người luôn luôn chỉ thấy có mình là đúng nên không biết tôn trọng những người có tư tưởng và lối sống khác. Do truyền thống giáo dục này họ có thành kiến không tốt về những ngưới Công giáo. Nên khi phải gặp hoặc phải làm việc chung với những người Công giáo thì họ có thái độ thủ thế và không tin tưởng những người Công giáo này.

Lại có một số người khác không có thói quen suy nghĩ độc lập nên luôn luôn tin vào những điều mà một người có uy tín nào đó nói (hoặc bạn bè nói). Từ đó họ có thành kiến . Thí dụ họ nghe một người có uy tín nói về một cá nhân nào đó là cá nhân này không tốt và làm tay sai cho cộng sản. Họ không thắc mắc về những bằng chứng. Do đó họ tin ngay và có thành kiến về cá nhân ấy. Từ đó họ tránh xa cá nhân đó.
Cũng có những người khi gặp một người nào đó lần đầu tiên thấy người ta không niềm nở vồn vã với mình vì vậy có cảm giác người này không tốt và từ đó nghĩ là người này không tốt. Họ không cần kiểm chứng cảm giác này bằng bằng chứng. Và do đó họ có thành kiến về người này và không thích gặp và làm việc chung với người này.

Giả sử ta có thói quen xét lại những điều ta được giáo dục, được nghe và được thấy dựa vào bằng chứng thì có lẽ ta đã bỏ bớt được rất nhiều điều tin tưởng không đúng và vì vậy cũng bớt đi được rất nhiều thành kiến.

Chẳng hạn việc những người Công giáo chỉ nghĩ đến La mã và làm tay sai cho ngoại bang. Nếu ta xét lại vấn đề này dựa vào bằng chứng ta sẽ thấy là chỉ có một số người nào đó đặt quyền lợi La mã trên quyền lợi đất nước. Còn đại đa số những người theo đạo Công giáo rất yêu nước, biết đặt quyền lợi đất nước trên hết. Khái quát hoá một sự việc của của một vài cá nhân luôn luôn làm cho ta có những nhận thức sai. Trong tập thể nào cũng có những người xấu. Không phải chỉ có những người công giáo mới làm tay sai cho ngoại bang. Lịch sử đã cho thấy là có nhiều người không công giáo đã làm tay sai cho ngoại bang vì quyền lợi riêng tư. Thí dụ gần nhất là Hồ chí Minh.

Nếu khi ta nghe một người nào đó có uy tín (hay bạn bè của ta) nói về một sự kiện nào đó mà ta luôn luôn hỏi bằng chứng thì chắc là ta cũng bớt được rất nhiều thông tin sai. Và từ đó cũng bớt đi rất nhiều thành kiến.

Nếu ta xét lại một người nào đó mà vì dựa vào cảm giác, ta đã phê phán họ không tốt, bằng những bằng chứng thì có lẽ ta sẽ thấy là họ không giống như ta nghĩ và nhiều khi ta lại có thêm một người bạn mới.
Tóm lại nếu ta luôn luôn kiểm chứng những thông tin nhận được bằng những bằng chứng cụ thể thì ta sẽ tránh được rất nhiều thông tin không đúng sự thật. Nhờ đó cũng sẽ bớt được rất nhiều trường hợp ông nói gà bà nói vịt trong việc thảo luận. Và kết quả là việc thực thi dân chủ sẽ dễ dàng trở thành hiện thực.

 

Phan Tùng Chính


Cái Đình© - 2003