Lại Mạnh Cường


Phiếm luận về TRÍ DỤC và THỂ DỤC

 

ĐẠI CƯƠNG :

Một tâm hồn minh mẫn trong một thân thể tráng kiện ” là điều ai cũng biết từ xưa đến nay. Thân thể có khoẻ mạnh thì người ta mới hăng hái làm việc và trí óc mới luôn luôn sáng suốt trong công việc làm. Ngược lại khi đau yếu hay cơ thể yếu đuối khiến cho con người trở nên uể oải, không muốn làm việc, hay có làm được đi nữa thì cũng không còn sáng suốt để chủ động trong công việc mình làm, dễ phạm phải những lỗi lầm mà thường ra không mắc phải.

Giáo dục con người chẳng những chú trọng đến TRÍ DỤC mà cần song song với những hướng dẫn cần thiết về THỂ DỤC.

Thông thường khi nói đến thể dục người ta hay nghe đến luôn từ ngữ kép thể-thao đi kèm theo, hay nói rõ hơn cụm từ ngữ THỂ-DỤC THỂ-THAO hầu như song hành với nhau như hình với bóng. Một các đại cương Thể Dục là những vận động cơ bản tối cần thiết cho sự khỏe mạnh của thân thể; trong khi đó Thể Thao mang thêm tính cách tranh đua ở trong. Khi có tranh tài tất nhiên phải có luật lệ qui định để định mức hơn thua.

Giải thích rõ hơn, cũng là môn chạy, khi trở thành một môn thể thao người ta ước định với nhau về cự ly chạy 100 m, 200 m v.v…, cách xuất phát và những qui định khác, rồi mới bấm đồng hồ tính điểm. Lúc đó môn chạy phổ thông trở thành một môn thể thao.

Hay trong bơi lội, người ta ấn định ra nội dung thi đấu, như bơi tự do (sải; trườn sấp), ngửa (trườn ngửa), bướm, ếch, phối hợp ở các cự ly có thể là 50m, 100m, 200m, 400m, 800m, 1500m; cũng như tranh tài cá nhân, đồng đội hay toàn đội.

Hoặc đi xe đạp cũng thế. Việc làm đơn giản và dễ dàng nhất là lấy chiếc xe đạp ra chạy vài vòng cho dãn gân cốt. Nhưng khi thi đấu thì khác hẳn. Cần có sự chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt, con người lẫn phương tiện là cái xe đạp để đi đua lấy giải !

Tuy nhiên các môn điền kinh mà học sinh phải học qua gồm các môn chạy, kể cả chạy việt dã, nhảy xa, nhảy cao, ném tạ, (không học ném lao, ném búa), leo dây (không thi đấu trong các kỳ thi chính thức như thế vận hội) vẫn bị coi là thuộc về thể dục! Thậm chí đến môn gọi là thể dục dụng cụ, gồm các nội dung rất nặng, như đánh xà đơn, xà kép (còn gọi là xà lệch), đánh vòng hay nhảy ngựa gỗ… rất khó và nguy hiểm vô cùng.

Dĩ nhiên ở từng cấp độ (địa phương lớn nhỏ, toàn quốc, liên / đa quốc gia, quốc tế) thì luật lệ và tiêu chuẩn thi đấu các bộ môn thể dục thể thao sẽ trở nên khắt khe hơn, với nhiều điều ràng buộc, nhất là trong các giải lớn “GRAND SLAM”, như trong môn quần vợt (tennis), đánh golf, đua xe chẳng hạn; hay giải truyền thống Tour de France về đua xe đạp hàng năm vòng quanh nước Pháp. Đây là chốn thi tài của các tay nhà nghề (professionals) vào hàng siêu đẳng, chứ không còn là đất dụng võ của các tay đua “tài tử” (“amateurs”), còn gọi là lực sĩ (vận động viên) không chuyên (nghiệp). Muốn tham dự giải đấu chính thức, phải ghi tên thi đấu vòng loại ngay trước giải ít lâu. Hay ít ra phải có thành tích sáng chói trên trường quốc tế mới nhận được giấy mời tham dự của ban tổ chức giải. Chẳng hạn muốn tham dự thi tài ở thế vận hội, các lực sĩ phải đạt được các tiêu chuẩn do ban tổ chức đưa ra; hay phải tranh nhau kịch liệt các xuất được đi dự giải thế vận trong các giải nhỏ trước đó.

 

BIẾN TƯỚNG (XẤU) TRONG THẾ THAO :

DOPING

Tôi muốn nhấn mạnh ở đây ngoài sự gian dối lớn lao nhất, làm đau đầu người tổ chức các giải thể thao là sự lén lút dùng thuốc kích thích để chiến thắng, thường được biết dưới từ ngữ quen thuốc DOPING!

Doping trở nên phổ thông và có hệ thống. Phổ thông vì ngay cả những dân thường, nhất là trong giới cử tạ, muốn có một thể hình hay thành tích mong muốn, người ta cũng ưa dùng thuốc kích thích bất chấp những phản ứng phụ của thuốc dùng.

Trước kia chỉ nghe nói đến các lực sĩ của khối xã hội chủ nghĩa, điển hình như Cộng hòa dân chủ Đức tức Đông Đức cũ, trong các bộ môn như chạy hay bơi lội chẳng hạn. Nhưng sau này khoa học phát triển người ta dần dần phát hiện ra các tay lực sĩ nhà nghề của các nước tư bản như Mỹ, Canada, Pháp, Ý … cũng dùng doping để chiếm giải quan trọng, như thế vận hội chẳng hạn.

Có những phát hiện doping mãi đến nhiều tháng, thậm chí vài năm sau và đương sự phải hoàn trả lại huy chương và tiền thưởng đã lãnh nhận, kèm theo thủ thục “treo giò” (tay ?) một thời gian hay vĩnh viễn. Một khi thương mại xâm nhập vào môi trường thể thao thì có lẽ đến thượng đế cũng phải chào thua, như sự chịu thua trước sự xúi dục của Eva (tiền tài và danh vọng) khiến cho Adam (lực sĩ) làm liều ăn trái cấm (doping), cố tình quên đi lời răn dậy của God (ban tổ chức).

Nói nào ngay chỉ biết kết tội các lực sĩ là còn thiếu sót nhiều lắm. Bởi bên cạnh hay bên trên họ còn biết bao nhiêu là “giây mơ rễ má”, mà “bứt dây động rừng” !

Trực tiếp thì có Ban Huấn Luyện gồm huấn luyện viên trưởng, với một hay hai trợ (phó) huấn luyện viên, nhà dìu dắt, bác sĩ thể thao của đội (team; ploeg); rồi Ban Lãnh đạo nếu của một câu lạc bộ (club); hay Ủy ban Thế vận (Olympic National Committee) chẳng hạn, nếu như ở tầm mức quốc gia. Rồi bộ hay tổng cục thể dục thế thao của chính phủ…

Gián tiếp là các nhà bảo trợ, cũng có ảnh hướng ít nhiều vào đó. Chẳng hạn trong năm 2007 đã qua, ban bảo trợ là nhà băng ABN-Amro ở Hòa Lan đã loại ngay môt tay đua cừ khôi ra khỏi đội hình thi đấu của mình, trong khi tay cua rơ gốc người Đan Mạch đang là ứng viên sáng giá nhất trong Vòng đua Pháp quốc, ngay sau khi Lance Amstrong rút lui không tham gia giải này thêm nữa (Cua rơ người Mỹ Lance Amstrong đã lập được kỷ lục có một không hai là 7 lần liên tiếp vô địch giải Tour de France, từ 1999 đến 2005, sau khi được chữa lành bệnh ung thư dịch hoàn)

Nói tóm tắt, tiền thưởng càng cao, vinh quang càng nhiều thì sự ganh đua mang tính khốc liệt và từ đó giết chết luôn tính chất thể thao đẹp đẽ và cao quí. “FAIR PLAY”, chơi đẹp, có phong cách thể thao, phải đi kèm với sự TRUNG THỰC. Đó là dùng tài nghệ đích thực của mình để chiếm giải. Ngày nay Fair Play chỉ còn để trang trí, rồi biến đi không kèn không trống, vì không thấy ai thèm đả động đến giải phong cách thể thao nữa rồi.

Điều quan tâm hàng đầu hiện nay của các quan chức cao cấp ngành thể dục thể thao là tìm ra các biện pháp hữu hiệu nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng doping tân thời nhất, vì ngành dược học phát triển rất mau, cho ra những mẫu thuốc mới không hay chưa kịp bổ sung vào danh sách các dược phẩm cấm sử dụng.

Việc ngăn ngừa doping coi như hoàn toàn thất bại, vì hầu như lực sĩ nhà nghề nào trên thế giới cũng dính líu ít nhiều đến doping Nguyên do cường độ và mật độ thi đấu quá cao và nặng, khó có ai có thể duy trì nổi thể lực trong một thời gian dài để luôn luôn ở đỉnh cao nghệ thuật. Trong khi tiến treo giải lại ngày một lớn do có nhiều hãng quảng cáo đầu tư vào. Cần dùng thuốc kích thích để hổ trợ cho các lực sĩ tham dự giải.

Lực sĩ nào cũng chỉ có một thời gian huy hoàng, ngắn hay dài tùy cá nhân hay môn thi đấu, cho nên đa số cố gắng lợi dụng tối đa để hốt bạc, nhằm để dành khi giải nghệ hay đã xuống sức. Càng ngày các lực sĩ bắt đầu từ tuổi rất nhỏ, cho nên có khi chỉ ngoài 20 hay 30 tuổi đã phải giải nghệ. Đó là chưa kể những chấn thương họ vướng phải trong khi tập luyện hay thi đấu, mà có khi họ phải mang thương tật này suốt đời mình, nhất là khi về già sẽ có cơ nguy hành hạ nhiều do đã quá lạm dụng thân thể trong khi còn trẻ.

 

CHƠI XẤU

Như đội Ý chơi xấu đội Pháp trong khi tranh tài Cúp Bóng đá Thế giới (Mondial Football Cup) của FIFA, tổ chức ở Đức vào năm 2007, là đạt đến mức thượng thừa, theo nhận định riêng của tôi.

Trong trận chung kết, một cầu thủ của đội tuyển Ý cố tình gây hấn với danh thủ tuyển Pháp là Zidane, bằng những lời lẽ thô tục, khiến anh này phải nổi nóng phạm lỗi nghiêm trọng, nên lãnh ngay thẻ đỏ và bị đuối ngay ra sân trong tình huống cực kỳ bất lợi cho đội tuyển Pháp. Riêng Zidane bị “hạ nhục” qua cảnh được chiếu đi chiếu lại nhiều lần, khi anh dường như “vô cớ” dùng đầu đánh vào ngực anh chàng người Ý láu lỉnh kia, khiến anh ta lăn đùng ra sân ăn vạ tức thì.

Sau này anh ta có thú nhận tội trạng và ngỏ lời xin lỗi Zidane, nhưng trên thực tế món võ độc địa này đã giúp cho tuyển Ý vinh dự đăng quang lần thứ ba ở ngôi vị vô địch bóng đá thế giới; còn Zidane phải chia tay trong tủi hổ với những cổ động viên của đội tuyển Pháp nói riêng và thế giới bóng đá quốc tế nói chung. Những hào quang quanh các lần đoạt cúp vô địch bóng đá Âu châu rồi thế giới trước đó, cũng như thành tích sáng chói trong khi tranh giải đã tắt ngóm sau sự cố có dàn dựng thật khéo léo trong đội tuyển Ý.

Như thế các huấn luyện viên phải đấu trí với nhau rất nhiều, như nào mấy ai biết được sự thật đằng sau sân cỏ. Nhưng đó chỉ mới ở cấp độ thấp, bởi khi chính trị quốc gia xen vào thì thể thao lại mang một bộ mặt còn xấu xí hơn nữa.

Trong nhiều môn thể thao, như bóng đá chẳng hạn, người ta còn dạy cho các đấu thủ chơi xấu nhau ra sao cho thật khéo, qua mắt cả tổ trọng tài chính lẫn trọng tài biên. Thậm chí lắm khi kẻ chơi xấu cũng lăn đùng ra sân cỏ ăn vạ! Đến như danh thủ siêu đẳng như Maradona trong một trận đấu quan trọng của giải bóng đá vô địch thế giới khéo léo qua mặt trong tài chính bằng cách dùng tay đẩy bóng vào lưới đối phương. Bàn thắng tai tiếng bằng bàn tay này được thu gọn trong các máy quay hình quanh sân cỏ.

Môn chơi xấu nhau thô bạo nhất, theo tôi là môn hockey trên băng. Các đấu thủ thường đánh nhau chí chết và sẵn gậy trong tay đập nhau như điên. Tuy thể chỉ bị phạt ngồi riêng ngoài sân trong vài phút rồi lại cho vào sân chơi tiếp.

Môn bóng rổ cũng chơi xấu nhau thật kinh khiếp, nhưng lại được che dấu thật kỹ lưỡng, nên thường là bên chơi xấu lại được hưởng ném phạt !

 

NGỤY TẠO và MỊ DÂN

Như ta đã biết ở các nước châu Mỹ La Tinh, cụ thể như ở Ba Tây, Á Căn Đình…, coi bóng đá như là một môn thế thao quốc gia, một nấc thang danh vọng, thậm chí một vũ khí chính trị nữa.

Các em nhỏ ở các khu nhà ổ chuột mộng mơ trở thành các hảo thủ có cặp chân vàng như viên ngọc đen Pelé, hay viên ngọc trắng Zico, hoặc huyền thoại Maradona… Danh vọng và tiền tài đổ xuống như mưa một khi trở nên nổi tiếng, được chen chân vào đội tuyển quốc gia được gửi đi thi đấu trên các vũ đài quốc tế.

Riêng giới chính trị gia coi đó là cứu tinh khi có những khủng hoảng chính trị hay kinh tế. Bởi khi tuyến quốc gia đoạt chức vô địch cúp thế giới là cả nước quay cuồng trong sung sướng, quên hẳn mọi ưu phiền hàng ngày, như vật giá leo thang, thất nghiệp lan tràn và lạm phát phi mã v.v…

Cho đến ngay hôm nay thì không nói ra ai cũng rõ ở một số nước “đói huy chương”, như nước Tàu cộng chẳng hạn, muốn dùng thành tích thể dục thể thao sáng chói nhất để mị dân. Trong thế vận hội mùa hè Bắc Kinh 2008 vừa qua ai cũng thấy rõ mưu đồ đó của các quan chức lớn nhỏ của Tàu cộng từ nhiều năm qua.

Cố tranh thủ đế được đăng cai thế vận hội, dựa vào nhiều yếu tố thuận lợi, như biết rõ là các chiến lược gia thế giới thấy cấn phải khuyến khích phát triển phong trào thể dục thể thao ở các nơi còn kém phát triển như châu Á, cũng như để lôi kéo khối khổng lồ 1 tỉ ba người Tàu vào “dòng chính” nhân loại… Bắc Kinh đã “lôi kéo” thế vận hội 2008 đi theo chiếu hướng riêng của mình. Từ những ngụy tạo các màn trình diễn trong ngày lễ hội khai mạc giải (opening ceremony) như màn bắn pháo hoa, hát nhép của một diễn viên nhi đồng, cho đến những vụ doping hay ép buộc các lực sĩ khổ luyện quá sức mình.

Điển hình nhất là nam lực sĩ chạy đua rào cản 100m, phải bỏ cuộc thật đau lòng trong khi thi đấu, trước sự chứng kiến trực và gián tiếp của hàng trăm ngàn cổ động viên cuồng nhiệt bản xứ. Trên thực tế anh này bị bị chấn thương nặng trong quá trình tập luyện, nhưng trước sức ép của quần chúng cũng như quan chức thể thao, nên anh bị bó buộc phải xuất hiện trong cuộc tranh tài được chiếu trên màn hình TV.

Những thước phim tài liệu khác cho thấy các lực sĩ “nhí” bản xứ khổ công tập tành ra sao trong các lò đào tạo gọi là “mầm non thể dục thể thao” (sport-talents). Cũng chưa hài lòng với các thủ thuật nói trên, nhà nước CS Tàu còn cho “phù phép” để khai gian tuối lực sĩ nhí thi đấu trong môn thể dục dụng cụ nữ để chiếm huy chương vàng.

Nói tóm lại, một khi mục tiêu biến thành chủ trương đường lối của một nhà nước độc tài CS thì mọi sự đều phải được biến thành hiện thực, cho dù có phải hy sinh không biết bao nhiêu là tiền tài, thanh danh, thậm chí mạng sống con người.

Kết luận, khi CHÍNH TRỊ hay TIỀN BẠC chen chân vào thì tinh thần thể dục thể thao phải đội nón ra đi là chuyện không tránh khỏi!

 

BIỂU HIỆU TÍCH CỰC TRONG THỂ DỤC THẾ THAO :

Bên cạnh những tiêu cực nói trên, không ai có thể phủ nhận những mặt tích cực của các phong trào thể dục thể thao ảnh hưởng trên quần chúng nói riêng và những người yêu mến từng bộ môn thể dục thế thao nói riêng.

Phong trào chơi tennis được gia tăng ở Nga qua sự kiện các tay vợt nữ của Nga lọt vào top 10 thế giới ngày một nhiều. Như hiện nay vào cuối năm 2008 ta thấy có ít nhất 5 nữ hảo thủ Nga lọt và top 10, như Dinara Safina (3), Elena Dementieva (4), Vera Zvonareva (7) , Svetlena Kuznetsova (8), Maria Sharapova (9). Trong top 20-30 lại có thêm một vài khuôn mặt Nga khác như Nadia Petrova (11), Anna Chakvetadze, Maria Kirilenko…

Các phong trào chạy việt dã (marathon) cũng góp phần không nhỏ vào việc khuyến khích dân chúng đủ mọi giới tập chạy, tập chơi các môn điền kinh. Tại các nước tiên tiến trên thế giới năm nào cũng tổ chức một giải việt dã cho lực sĩ nhà nghề và dân thường tham dự. Số người tham gia đến từ khắp nơi trên thế giới và có khi lên đến hàng trăm ngàn người là chuyện thường tình.

Hòa Lan trong nhiều thập niên nổi tiếng với phong trào đi bộ việt dã 4 ngày liên tiếp, được tổ chức ở thành phố Nijmegen. Cả chục ngàn người tham gia, thuộc đủ thành phần, tuổi tác, quốc tịch. Lại có cả binh lính các nước như Anh, Pháp, Bỉ, Đức… cũng tham dự với quân phục tác chiến và ba lô nặng trên lưng, nhưng không mang vũ khí theo thôi!

Áp dụng ÂM NHẠC trong thể dục thể thao, như Aerobic bắt đầu vào thập niên 80 ngày một phổ cập trong mọi tầng lớp dân chúng khắp nơi.

Ngoài ra các điệu nhảy trẻ hiện đại đòi hỏi phải có thể lực sung mãn, như sự dẻo dai lẫn sự dũng cảm để thế hiện các điệu nhảy chất chứa nhiều tính sáng tạo (fantasies). Thí dụ như hiphop phổ biến trong giới trẻ hiện nay.

Nói tóm gọn lại âm nhạc và thể dục thể thao ngày một trộn lẫn với nhau rất nhiều. Trong các biến cố thể thao lớn, như thế vận hội, các giải bóng đá quốc tế…, phần phụ diễn văn nghệ là một nhu cầu bắt buộc phải có (a Must); cũng như những ca nhạc sĩ hàng đầu quốc tế phải có một thể lực tối ưu để trình diễn luôn luôn ở đỉnh cao. Chính vì thế mà có lắm nghệ sĩ lẫn lực sĩ chịu không nổi sức ép quá nặng của công việc mình làm, dễ a đà vào sự dùng thuốc kích thích nhằm hổ trợ cho các màn trình diễn của mình. Nhưng xem ra “lợi bất cập hại”, điển hình như ông vua nhạc Rock'en Roll Elvis Presley, hay đứa con cưng của làng bóng đá thế giới Maradona chẳng hạn.

Qua các khảo sát khoa học cho thấy những người nặng cân quá dễ bị những chứng bệnh về tim mạch, bệnh máu cao, bệnh tiểu đường… khiến cho tỉ lệ bệnh (morbility rate) và độ tử vong (mortality rate) cao hơn người bình thường cùng tuổi.

Có những khảo cứu khoa học cho thấy vòng số hai có ảnh hưởng đến tuổi thọ con người. Vòng bụng càng to thì tuổi thọ rút ngắn lại so với các người cùng tuổi. Như thế lớp mỡ tồn đọng nơi vùng bụng và eo lưng có ảnh hưởng lớn đến mạng sống con người.

Mới đây Mỹ cho công bố là trong thập niên giảm được 1 phần ba số người chết vì bệnh tim và tai biến mạch máu não, do người ta chú ý nhiều hơn đến áp huyết và lượng mỡ và cholesterol trong máu, cũng như nhờ những vận động bỏ hút thuốc và các phương cách trị liệu hữu hiệu hơn. Tuy nhiên số người béo phì lại gia tăng mạnh

Chính vì thế trong những năm vừa qua chính phủ Hòa Lan đã phát động phong trào Thể dục thể thao để giảm cân nặng, không những ở người lớn mà cả ở trẻ em nữa. Đó là chủ trương đường lối của nhà nước Hòa Lan nhằm vào mục tiêu PHÒNG BỆNH HƠN CHỮA BỆNH.

Cũng như ở nhiều nơi trên thế giới sự bài trừ hút thuốc nơi công cộng như nhà ga, phi trường, bệnh viện, công sở…, cũng như trên máy bay, xe lửa, xe đò, tàu thuyền…, hay ở hàng quán ngày một triệt để hơn bao giờ hết.

Những khảo sát về thói xấu trong ăn uống hàng ngày được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thanh truyền hình. Các món ăn như loại fastfood chứa nhiều chất mỡ bão hòa và cholesterol được khuyến cáo không nên hay ít dùng trong mọi giới.

Nói chung kêu gọi ý thức mọi người trong cuộc sống hàng ngày, từ VỆ SINH và AN TOÀN TRONG ĂN UỐNG cho đến năng tập THỂ DỤC THỂ THAO để trở thành một thói quen, một tập quán không thể thiếu vắng trong sinh hoạt hàng ngày là mục tiêu hàng đầu mà bất cứ một chính quyền văn minh nào cũng đều hướng về và hằng mong mỏi đạt đến ít nhiều khi cầm quyền.

Trước tiên là quốc gia xã hội có được các thành viên lành mạnh từ thể xác đến tinh thần. Thứ đến chi phí cho y tế sẽ được hợp lý hóa hơn, qua sự dành ưu tiên cho y tế công cộng phòng ngừa vừa đạt hiệu quả cao lại nhẹ gánh hơn cho ngân sách quốc gia (thiên về điều trị). Hệ quả gián tiếp là các tệ nạn xã hội sẽ giảm sút, một khi các thành viên có ý thức cao độ về chính bản thân và gia đình họ. Bởi chính thể dục giúp cho sự giáo dục đạt được có hiệu quả cao hơn hết thảy.

Điều quan trọng nhất là thể dục thể thao nung đúc tinh thần ái quốc rất nhiều. Điều nay thấy rõ nhất khi đội tuyển quốc gia khi thi đấu trong các giải quốc tế mà thắng lớn thì y như rằng các công dân trong nước vô cùng hãnh diện, tha hồ mà hò reo, phất cờ gióng trống khua chiêng ầm ĩ. Mỗi khi trong một nội dung thi đấu của một môn nào đó, tỉ dụ như môn chạy, nội dung 100m nam chẳng hạn trong thế vận ội, lực sĩ nào đoạt huy chương vàng thì khi phát giải sẽ cử quốc thiều và kéo cờ nước đó lên cao, khiến cho nhiều người rưng rưng rơi lệ hay miệng cười nhưng lệ đoanh tròng. Mà ở tại các xứ Âu Mỹ thì thi đấu quốc tế hàng năm lu bù.

Cứ như thế ta thấy chỉ cần làm sao cho đội nhà thắng giải thật nhiều là nung đúc tinh thần quốc gia dân tộc lên cao hơn là những bài diễn văn hoặc các lời hiệu triệu sáo rỗng của các vị lãnh tụ chính trị nhà nước.

Tại Hòa Lan người dân rất hãnh diện đã sản sinh ra các danh thủ và huấn luyện viên bóng đá tầm kích quốc tế; hay các con kình ngư siêu đẳng như Inge de Bruijn được vinh danh trong thế vận hội Úc châu năm 2000 là “The Dutch Flying Woman” vì cô chẳng những đoạt huy chương vàng thế vận lại kèm theo phá kỷ lục thế giới (world record) hay kỷ lục thế vận (Olympic record) dài dài trong các nội dung thi đấu ở cự ly ngắn của bơi tự do và bơi bướm; tương tự phía nam có Pieter van den Hoogenband mang nickname là “Dutch Dophine”, vì cũng tạo được những thành tích chói sáng không kém gì cô bạn đồng nghiệp nói trên ở các cự ly ngắn các môn bơi nhanh nhất là tự do và bướm; hoặc trong môn thi trượt băng, môn đua xe đạp lòng chảo, môn thi đua ngựa nghệ thuật (dressure)…

Còn nói đến bóng bàn là người ta nghĩ ngay đến nước Tàu; nhu đạo hay thái cực đạo là Nhật; Taikwando (Thái Cực Đạo) là Nam Hàn; kickbox là Thái Lan; đá bóng tròn là các nước châu Mỹ La Tinh chẳng hạn.

 

HOẠT ĐỘNG THẾ THAO Ở HÒA LAN

Một đề tài quá rộng, nên tôi xin phép thu hẹp lại ở vài bộ môn người Việt chúng ta từng biết như bóng bàn , cầu lông , và hầu như rất ít biết là squash .

 

BÓNG BÀN

Ai cũng rõ trong mấy thập niên qua người Tàu là nước hàng đầu trong bộ môn bóng bàn (pingpong) cả ở nam lẫn nữ. Họ chiếm hầu như hết huy chương vàng ở các nội dung đánh đơn, đánh đôi, cá nhân lẫn đồng đội. Chính vì thế mà các nước phương Tây, như ở Âu châu có Hòa Lan, Đức, Pháp, Đan Mạch, Áo, Tây Ban Nha, Ba Lan đều có khuynh hướng “nhập cảng” những cây vợt thành danh “made in China” vào xứ mình. Mà chẳng riêng gì ở Âu châu, tại Á châu như đảo quốc Singapore cũng cho nhập nội các hảo thủ thể thao từ Tàu lục địa trong một số bộ môn, từ cầu lông (badminton) cho chí đến bóng bàn.

Liên đoàn Bóng bàn Thế giới ITTF (International Table Tennis Federation) thành lập năm 1926, nhưng mãi đến năm 1988 môn bóng bàn mới góp mặt trong chương trình thi đấu của thế vận hội, trong bốn nội dung (four events): đơn nam, đơn nữ, đôi nam và đôi nữ. Kể từ thế vận hội mùa hè năm 2008 ở Bắc Kinh hai nội dung đôi nam và đôi nữ được thay bằng giải toàn đội nam và nữ.

Theo bảng tổng sắp của ITTF ta thấy Top-10 bên Nam hiện nay chỉ có mỗi Vladimir Samsonov của Bạch Nga đứng hạng 9, còn lại là các cao thủ của Trung Cộng. Top-10 bên Nữ cũng toàn là quốc tịch Trung Cộng, ngoại trừ một nữ hảo thủ hạng 9 là người Tàu mang quốc tịch Singapore.

Đầu tháng 12 Liên đoàn Bóng bàn Âu châu ETTU (European Table Tennis Union) cho công bố danh sách Top-12 gồm những nữ hảo thủ hàng đầu của châu Âu sẽ tranh tài bắt đầu vào 7/2/ 2009 tại thành phố Dusseldorf, Đức. Trong 10 khuôn mặt đầu chiếm hết một nửa là tay vợt gốc Tàu.

Theo thứ hạng từ cao xuống thấp ta thấy họ mang đủ quốc tịch, như Liu Jia (1; Áo), Li Jiao (2; Hòa Lan), Li Quan (3; Ba Lan), Wu Jiaduo (4; Đức), Li Jie (7; Hòa Lan), Yanfu Shen (10; Tây Ban Nha). Li Jiao của Hòa Lan hiện đang là đương kim vô địch của giải.

Những tay vợt Hòa Lan gốc Tàu lục địa đã đóng góp rất nhiều công sức cho chiến thắng của đội bóng bàn nữ Hòa Lan trên trường quốc tế nói riêng và phong trào bóng bàn ở xứ hoa Uất Kim Hương nói chung.

Li Jiao sinh năm 1973 tại Thanh Đảo (Qingdao) tỉnh Sơn Đông (Shandong). Nơi đây có bia Tsingtao nổi tiếng khắp nơi và cũng là căn cứ hải quân của Hạm đội Bắc hải (North Sea Fleet) của Trung Cộng. Tập chơi bóng bàn từ lúc 6 tuổi.

Được một club bóng bàn Hòa Lan ở thị xã Heerhugowaard thuộc tỉnh Noord Holland mời sang chơi vào năm 1999. Cô đứng hạng 15 trong bảng tổng sắp toàn thế giới vào năm 2000. Ngưng thi đấu ở đỉnh cao một vài năm, nhưng cô nhanh chóng chiếm lại thứ hạng cũ dễ dàng khi tái ngộ sàn đấu quốc tế.

Tháng 2 năm 2008 cô đoạt giải vô địch Top 12 cây vợt nữ hàng đầu Âu châu tổ chức ở thành phố Frankfurt bên Đức, nghiễm nhiên trở thành tay vợt thứ ba Hòa Lan đã từng đoạt giải vô địch này (trước đó là Bettine Vriesekoop và Miriam Hooman).

Li Jie sinh năm 1984 tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, nơi bị động đất nặng vào mùa xuân năm 2008 . Nhân dịp thi đấu thế vận hội Bắc Kinh cô đã về ghé thăm nhà. Hiện cô cư ngụ tại thành phố Den Helder, không xa nhà của Li Jiao bao nhiêu.

Bộ ba Lie Jiao, Li Jie và Elena Timina đã chiếm giải vô địch bóng bàn Âu châu năm 2008 vào đầu tháng 10 vừa qua, được tổ chức tại St Petersburg (Leningrad cũ). Tưởng cũng nên biết là Elena Timina vốn là lão tướng trong làng quần vợt vì hiện nay đã 39 tuổi và vốn là một cây vợt số một thời Liên Xô cũ, nhưng đã theo chồng về dinh là xứ hoa Tu-Líp từ lâu rồi. Chính vì có gốc gác cũ nên cô được bạn bè cũ trong thế giới bóng bàn tại Nga đặc cách mời tham dự. Và cô đã mang danh dự về cho xứ sở của chồng sau khi cùng hai bạn đồng nghiệp đả bại đội tuyển Hung 3-0 trong trận chung kết.

Vào tuần thứ 49 (khoảng gần giữa tháng 12) năm nay có giải ProTour ở Macau dành cho giới chuyên nghiệp hàng đầu thế giới. Giải này chỉ tổ chức tranh tài đánh đơn nam hay đơn nữ.

Xem qua kết quả các tay vợt nam lẫn nữ vào đến vòng bán kết ta thấy các hảo thủ hầu như là người Tàu, dù họ có mang quốc tịch khác nhau, như Macau, HongKong và Singapore, hay Âu Châu (Li Jiao và Li Jie mang quốc tịch Hòa Lan; Wu Jiaduo đại diện cho Đức; Li Ji cho Áo và Li Qian của Ba Lan). Một hai tay vợt người nước khác, như Nam Hàn (Kim Kyung-ah, Joo Se-Hyuh), Bạch Nga (Vladimir Samsonov) và Dimitri Ovtcharov (Đức) cũng góp mặt trong vòng tứ kết.

Nhưng đến bán kết cũng chỉ thấy tên Tàu mang quốc tịch Trung Cộng hay Singapore thống lĩnh hầu như hoàn toàn trận địa. Bên nữ có Wang Yue Gu (Sin) đấu với Guo Yan (Chin), Feng Tianwei (Sin) với Guo Yue (Chin); bên nam có Ma Long (Chin) đấu với Ma Lin (Chin) và Vladimir Samsonov (Bạch Nga) với Wang Hao (Chin).

Samsonov cũng không “sống sót” qua trận trên để lọt vào chung kết. Rút cục lại chỉ có các tay vợt người Tàu lục địa tranh giải nhất nhì với nhau thôi.

 

CẤU LÔNG

Cũng như bóng bàn biết cầm vợt đánh bóng hay đánh cầu thì chỉ cần vài phút là làm quen ngay với các môn chơi này. Nhưng muốn chơi “sạch nước cản” thì phải tập luyện mướt mồ hôi trán. Còn biết đủ ngón nghề để thi đấu giao hữu lại khó khăn gấp bội. Cao hơn một bậc là đi thi đấu chiếm giải chính thức, dù lớn hay nhỏ, cũng phải khổ luyện có bài bản khoa học đàng hoàng.

Vào cuối thập niên 70 tình cờ tôi “lạc bước” vào khu nhà tập luyện và thi đấu cầu lông ở câu lạc bộ Lao Động thành Hồ vốn trước 1975 là “Xẹc Tây” mà tên chính thức là Cercle Sportif Saigonnais, viết tắt là CSS, thuộc quyền quản lý của người Pháp. Nơi đây là nơi chơi thể dục thể thao, như quần vợt, bơi lội, cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền của dân nhà giầu hay có “máu mặt” cũng như dân Việt quốc tịch Pháp và dân ngoại quốc cư ngụ ở Sài Gòn và vùng phụ cận.

Tôi thích môn cầu lông qua bộ chân (footwork; voetwerk) nhanh thoăn thoắt như khiêu vũ trên sàn đấu, cùng với những động tác giả điêu luyện khi đập (smash) hay bỏ nhỏ (dropshot) từ cuối sân. Vả chăng môn này cũng bổ trợ cho môn chơi tennis mà tôi hẳng yêu thích.

Thực ra còn một nguyên do thầm kín khác làm tôi thích môn chơi này, chính là các nước ở châu Á rất mạnh về bộ môn này. Như ở Đông Nam Á có Mã Lai, Indonesia và Singapore; cũng như Tàu cộng, Hong Kong và Nam Hàn.

Danh sách top 10 trên thế giới phía nam giới (Wereldranglijst badminton voor heren) kể từ đầu tháng 12 năm 2008 toàn là các danh thủ gốc Tàu như sau :

1/ Lee Chong Wee ( Mas); 2/ Lin Dan (Chi); 3/Chen Jin (Chi); 4/ Sony Dwi Kuncoro (Ino); 5/ Peter Gade (Den); 6/ Taufik Hidayat (Ino); 7/ Joachim Persson (Zwe); 8/ Bao Chunlai (Chi); 9/ Kenneth Jonassen (Den); 10/ Lee Hyun-il (Z.Ko).

Phía nữ giới gồm có:

1/ Zhou Mi (Chi); 2/ Tine Rasmussen (Den); 3/ Lu Lan (Chin); 4/ Zhu Lin (Chi); 5/ Xie Xingfang (Chi); 6/ Wang Chen (Hko); 7/ Di Hongyan (Fra); 8/ Xu Haiwan (Dui); 9/ Wang Lin (Chi); 10/ Daina Nehwal (Ind)

Hòa Lan phải “nhập nội” tay vợt nữ Yao Jie , sinh năm 1977, nhằm mục đích vực bộ môn này lên. Yao Jie hiện đứng hạng 19. Các hảo thủ người Hòa Lan nằm trong top-50 (Judith Meulendijks hạng 23); top-100 (Rachel van Cutsen hạng 52 và Patty Stolzenbach hạng 71).

Phía nam kém hơn một chút với Eric Pang (25); Dicky Palyama (32); Rune Massing (102); Koen Ridder (138); Saber Afif (174)

 

SQUASH

Tôi nghĩ với người Việt còn xa lạ với môn chơi này lắm. Chính tôi chỉ biết sơ sơ squash vào cuối thập niên 80 . Cách nay khoảng 5 năm khi chơi tennis ở Amstelpark Sport Centrum, một trung tâm thể thao có tiếng tại Amsterdam, tôi mới thấy tận mắt môn chơi này. Nhưng tôi vẫn ngần ngại mãi, vì thực tình tôi thấy không hấp dẫn như tennis; nhất là không có partner để cùng tập dợt ban đầu.

Chỉ mãi sau này khi tình cờ xem một số trận đấu nội bộ và các buổi tập dợt của các danh thủ, tôi mới thấy squash hấp dẫn hơn tôi nghĩ. Thỉnh thoảng tôi rủ anh bạn hàng xóm đăng ký đánh squash, đồng thời cũng nhắm mục đích “rửa mắt” (học ôn môn “cơ thể học” trên cơ thể trần trụi của tây đực lẫn tây cái khi tắm chung trong khu vực sauna, Turkish bath, jaccouzzi và hồ bơi).

Không ngờ học chơi sơ sịa rồi thấy thích lúc nào chả hay; nhất là tại đó có cô huấn luyện viên dễ mến và rất tài giỏi Ellie Pierce người Mỹ, từng đứng hạng 24, tức trong top-20 thế giới lận. Hiện nay Ellie vẫn còn tranh giải ở hàng lão tướng hạng tuổi từ 45 trở lên. Chính Ellie đã nhiều lần chỉ dẫn cũng như khuyến khích tôi chơi squash.

Tay vợt hàng đầu khác của Hòa Lan như Annelize Naudé cũng thường hiện diện thao dợt hay dạy chơi squash ở đây. Annelize Naudé vốn sinh trưởng ở Nam Phi, đã từng một lần chiếm giải vô địch tại đó. Năm 2006 Annelize tranh giải SquashClub ở Amstelpark nói trên. Kể từ năm 2005 cô đứng hạng thứ 14 trong bảng tổng sắp thế giới

Năm 2008 cô oanh liệt đả bại tay vợt hàng đầu Hòa Lan Vanessa Atkinson để chiếm giải vô địch đơn nữ Hòa Lan. Mới đây cô cùng Vanessa Atkinson và Orla Noom trong đội hình chính thức của Hòa Lan tranh giải toàn đội thế giới hai năm một lần tại thủ đô Le Caire của Ai Cập.

Dàn huấn luyện viên ở trung tâm thể thao Amstelpark rất mạnh. Tôi đã học thử một giờ với huấn luyện viên quốc tế Joe Kneipp người Úc. Em trai của Joe là Daniel Kneipp cũng là một tay chơi nổi tiếng thế giới. Anh này làm huấn luyện viên tại Amstelpark, sau khi Joe Kneipp đi làm coach ở vùng quần đảo Cá Sấu (Kraimaneilanden) tại biển Caribbé cho các tay nhà giầu ở đó. Huấn luyện viện hiện nay ở đây là Annelize Naudé.

Vào cuối ngày (khoảng từ 5-6 giờ chiều) hay vào cuối tuần khu squash Amstelpark rất nhộn nhịp và thường là giới trẻ trong khoảng 20-30, rất hiếm người trong độ tuổi 40. Xem họ thi đấu thật đã mắt vô cùng.

Vanessa Atkinson là tay vợt số một phía nữ của Hòa Lan, từng đứng số một thế giới trên bảng tổng sắp một thời gian ngắn vào năm 2005. Cô vô địch giải quốc gia Hòa Lan chín lần, một lần giải vô địch Âu châu và một lần giải vô địch thế giới, cũng như các giải quốc tế lớn khác.

Cô sinh năm 1976 tại Anh, nhưng ngay từ thuở bé đã cùng cha mẹ qua sống ở Hòa Lan, nên đại diện cho HL đi dự giải thế giới từ nhiều năm. Năm nay cô cùng Annelize Naudé và Orla Noom đại diện cho đội tuyển Hòa Lan thi đấu giải World Team Squash tại Cairo (xem thêm bên dưới)

Hiện nay có thêm một cao thủ võ lâm mới gia nhập làng squash Hòa Lan là Natalie Grinham . Natalie vốn đại diện cho nước Úc trong nhiều năm, nhưng cũng như tay vợt số một thế giới người Mã Lai là Nicol David, hai cô đều thường xuyên cư ngụ ở Amsterdam !

Natalie Grinham lấy chồng là hảo thủ Tommy Berden người HL, nên theo chồng về sống tại HL từ 1999 đến nay. Cô có thể đại diện cho Hòa Lan vào đầu năm 2009 tới đây. Như thế Hòa Lan như mãnh hổ được chắp thêm cánh bay trong địa hạt squash trong tương lai gần.

Cũng nên biết thêm là, giống như bộ môn tennis hiện có chị em nhà Williams người Mỹ, thì bên squash có chị em nhà Grinham với cô chị Rachael Grinham và cô em Natalie Grinham vốn làm mưa làm gió trên đấu trường quốc tế. Cô chị hiện đứng hạng ba trên thế giới, còn cô em đứng hạng hai. Mất đi Natalie chắc chắn đội tuyển nữ Úc sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

Trong báo chuyên đề SquashLife số hai tháng 4 năm 2008 (trg 10-15) có bài phỏng vấn Natalie Grinham rất hay về nhiều khía cạnh, từ việc tại sao nhập tịch HL cho đến những đóng góp mới của Natalie có tạo nên sinh khí mới nào không cho tuyển nữ HL trước các đội mạnh nhất nhì hiện nay là Anh, Ai Cập và cả Mã Lai nữa.

Trên trường quốc tế nước Anh và các thuộc địa của Anh ngày xưa là các nước chiếm thứ hạng rất cao trong bảng tổng sắp toàn thế giới.

Trong giải vô địch thế giới squash vào đầu tháng 11 năm 2008 vừa qua, tại thủ đô Cairo nước Ai Cập, các nước sau đây được chia vào bốn nhóm để tranh giải, theo thứ hạng từ cao đến thấp ta thấy có: Anh (1); Ai Cập (2); Tân Tây Lan (3); Mã Lai (4); Hòa Lan (5); Ái Nhĩ Lan (6); Úc (7); Pháp (8); Hồng Kông (9); Canada (10); Mỹ (11); Đức 12); Nam Phi (13); Ý (14); Nhật (15); Tây Ban Nha (16); Áo (17); Thụy Sĩ (18); Trung Cộng (19) .

Như thế trong top-10 nói trên, ta thấy chỉ có Hòa Lan và Pháp là hai nước không thuộc ảnh hưởng văn hóa Anh thôi. Trong top-15 có thêm ba nước khác là Đức, Ý và Nhật.

Nhóm A

Nhóm B

Nhóm C

Nhóm D

Anh (1)

Ai Cập (2)

Tân Tây Lan (3)

Mã Lai (4)

Pháp (8)

Úc (7)

Ái Nhĩ Lan (6)

Hòa Lan (5)

Hồng Kông (9)

Canada (10)

Mỹ (11)

Đức (12)

Tây Ban Nha (16)

Nhật (15)

Ý (14)

Nam Phi (13)

Áo (17)

Thụy Sĩ (18)

Trung Cộng (19)

 

Những đội lọt vào tứ kết ở các bảng gồm có :

Nhóm A

Nhóm B

Nhóm C

Nhóm D

Anh (8 pts)

Ai Cập (8 pts)

Tân Tây Lan ( 8 pts)

Mã Lai (6 pts)

Hồng Kông (6)

Úc (6)

Ái Nhĩ Lan (6)

Hòa Lan (4)

Kết quả tứ kết như sau :

– Anh (1) thắng Ái Nhĩ Lan 3-0, vào bán kết (semi-finales)
– Ai Cập (2) hạ Hòa Lan 3-0, cũng vào bán kết
– Tân Tây Lan (3) Hồng Kông 3-0
– Mã Lai (4) hạ Úc 2-1

Tóm tắt, bốn đội hàng đầu đều lọt vào bán kết và theo cách sắp đặt khoa học đội số 1 đấu với đội số 3 và đội số 2 đấu với số 4.

Kết quả bán kết như sau:

Ai Cập thắng Mã Lai với tỷ số chung cuộc 2-1, nhưng kèm theo nhiều gay cấn.
Anh thắng Tân Tây Lan cũng với nhiều khó khăn không kém.

Chung kết là một cuộc tái hội ngộ giữa đội Anh với đội Ai Cập như trong lần tranh giải vô địch trước cách đây hai năm tròn. Trong trận thư hùng này liệu đội Ai Cập có thể trả thù cũ được chăng trên phần sân nhà mình?

Tưởng cũng nên biết một chút về đội Anh, vốn là đội dày dạn kinh nghiệm chiến trường, đã từng 8 lần liên tiếp lọt vào chung kết (finale) và hiện đang là đương kim vô địch thế giới ! Vả chăng trong đội hình lần này lại có các tay vợt thuộc hàng sừng sỏ chiếm thứ hạng cao trong bảng tổng sắp thế giới (hạng 5, 6 và 8).

Các tay vợt chủ nhà tuy thứ hạng xem ra mỏng hơn (hạng 7, 19 và 23) đối thủ, nhưng cũng tạo ra các tình huống sôi động làm nghẹt thở khách một điệu squash.

Trong trận đầu tiên tay vợt mạnh nhất Ai Cập là Ommeya Abdel Kawy (7) đã đầy thuyết phục 3-0 trước đối thủ của mình là Jenny Duncalf (6), với tỷ số: 11-1, 11-6, 11-9.

Sang trận thứ hai Raneem El Weleily (19) vốn là cựu vô địch thiếu niên với Laura Lengthorn (8). Một trận đấu đầy kịch tính vì hai bên thay phiên nhau dẫn trước, nhưng cuồi cùng Laura Lengthorn của Anh đã thắng oanh liệt với tỉ số căng thẳng: 11-8; 5-11; 15-13; 6-11; 11-4.

Vì hai bên hòa nhau 1-1, nên trận đấu thứ ba là trận quyết định cho toàn giải, vì sẽ cho biết đội nào mạnh nhất và chiếm giải vô địch thế giới lần này.

Tay vợt mạnh nhất của đội Anh là Alison Waters (5) sẽ mang lại vinh quang cho toàn đội Anh thêm lần nữa như mọi người mong đợi chăng? Đó còn là một dấu hỏi lớn,mặc dù trên lý thuyết Alison Waters quá mạnh so với đối thủ của mình là Engy Kheirallah (23) về thứ hạng.

Cũng qua cách sắp đặt các đấu thủ tranh tài với nhau lần này, ta thấy rõ là huấn luyện viên đội Anh rất “cáo già”, khi đem con chủ bài của mình vào trong trận đụng độ then chốt với đối thủ yếu kém nhất của đội Ai Cập.

Trận thứ ba đúng là rùng rợn (thriller) đến vỡ tim. Thoạt đầu tiên Alison Waters bứt đi với tỉ số 2-1 như sau : 11-4, 9-11 và 11-9. Nhưng Engy Kheirallah kiên cường chống trả và gỡ hòa bằng game thứ tư đầy ấn tượng 11-0 !

Trong game thứ năm quyết định cuộc cờ này, khi tỉ số đôi bên so kè nhau lên đến 11-10 thì Engy Khei rallah của nước chủ nhà đã dứt điểm với điểm số 12-10. Kết quả là 3-2 trong trận cuối này.

Cuối cùng đội nữ Ai Cập anh dũng đoạt chức vô địch từ tay đội Anh với tỉ số sít sao 2-1.

 

VÀI Ý KIẾN RIÊNG THAY LỜI KẾT

Nước ta từ trong gia đình ra ngoài xã hội xưa nay đều qúa coi trọng việc học hành, mà ít đầu tư cho sức khoẻ, như về y tế (y khoa phòng ngừa) và thể dục thể thao. Chúng ta cần phải tạo dựng nên các phong trào thể dục thể thao để tạo nên những con dân Việt Nam có đầy đủ phẩm chất về trí dục lẫn thể dục. Trên thực tế cái học của ta vốn trọng từ chương, nên chỉ đào tạo ra các con mọt sách, và những công chức mẫn cán làm công cụ hay tay sai đắc lực cho chính quyền.

Từ xưa đến nay người ta đã nhiều lần kêu gọi cải tổ giáo dục, nhưng chỉ là thay đổi chương trình học vấn, sao cho bớt từ chương, quá nặng lý thuyết thiếu hẳn thực tế, chứ không phải là một sự cải tổ sâu rộng thật sự về lối sống, nếp suy nghĩ của người dân Việt. Chính vì thế ngay cả những người Việt sống xa quê hương, hay may mắn được hưởng nền giáo dục tiên tiến phương Tây, nhưng họ vẫn chỉ là những chuyên gia giỏi, một thứ làm công không hơn không kém !

Nói rõ hơn con người Việt sống xa quê hương có học giỏi hơn khi được hấp thụ nền văn minh tiến bộ nhất nhì thế giới, nhưng vẫn chưa thay đổi thật sự số phận “làm công” của mình; trước sau vẫn là một loại “thố ty hoa” (cánh hoa chùm gửi) !

Một con người tiến bộ phải mạnh dạn trên hai phương diện là thể xác và trí tuệ. Bằng không học có giỏi, bằng cấp dán đầy mình, vẫn chỉ là một anh khổng lồ đứng trên đôi chân đất sét, nếu như thể lực không có bao nhiêu. Nói như thế để thấy phải đào luyện con người Việt biết hiếu học, nhưng cũng ham mê thể dục thể thao, cùng các môn nghệ thuật khác, như âm nhạc, hội họa chẳng hạn. Đấy mới là con người Việt toàn hảo trong thế giới rộng mở ngày hôm nay. Dĩ nhiên muốn ôm đồm nhiều thứ trong người, trước tiên phải có sức khoẻ và việc học hành tuân theo phương pháp khoa học đàng hoàng.

Rút kinh nghiệm của Hòa Lan nói riêng và các nước khác nói chung, tôi nghĩ chúng ta nên suy nghĩ cho kỹ khi đầu tư về ngành thể dục thể thao ở Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

VN vốn mạnh ở một số bộ môn, như bắn súng, võ thuật (wushu, karate, nhu đạo), cử tạ (hạng nhẹ cân nhất nhờ cho người đi tập huấn dài lâu ở Bulgaria), nhưng thực ra ở chỉ có wushu, karate là có đông lực sĩ đạt trình độ quốc tế ở môn biểu diển múa võ (nội dung kata; như Nguyễn Hoàng Ngân của Hà Nội), chứ thi đấu còn kém (nữ lực sĩ của Đà Nẵng (?) là người duy nhất chiếm huy chương bạc thế vận hội ở Úc năm 2000).

Việt Nam cũng có thời khá mạnh về môn cầu mây.

Thiết nghĩ những môn như bóng bán, cầu lông, squash là các mặt mạnh ở Á Đông, cụ thể là các nước lân bang với Việt Nam, như Trung Hoa, Taiwan, Hongkong, Singapore, Malaysia, Indonesia. Chúng ta có thể thuê mướn huấn luyện viên các nước bạn này và gửi người đi tập huấn dễ dàng hơn cả. Xem ra các môn này có vẻ thích hợp với thể trạng người Việt mình hơn cả.

Về quần vợt (tennis) có Úc là nước gần Việt Nam có trình độ quốc tế cao, nhưng đó là các môn mà VN ta nói riêng và các nước ở Đông Nam Á nói chung còn lâu mới tranh nổi các nước khác trên thế giới. Cứ xem như hai nước Nhật và Trung Cộng, rồi cả Nam Hàn đầu tư đã lâu, nhưng cũng chỉ có một vài hảo thủ nữ của Nhật và Trung Cộng (Sun Tiantian; Li Na; Jie Zhang; Peng Shuai) nằm trong top 50; còn về phía nam chưa thể đạt nổi vị thế cao như nữ.

Ở Đông Nam Á ta thấy có Thái Lan có một tay vợt nam (Paradorn Srichaphan; nay đã giải nghệ) và nữ (Tamarine Tamasugarn; sinh năm 1977 tại Los Angeles) vào hàng top 50 trên thế giới; ở Viễn Đông ngoài Tàu cộng và Nhật có một vài tay vợt nam vào top 100 của Taiwan và Nam Hàn; ở Á châu có tay vợt nữ (Sania Mirza) của Ấn Độ

Tương tự về bơi lội cũng thế. Mặc dù Úc là cường quốc số một số hai trên thế giới, ngang cơ với đội tuyển các nước có truyền thống như Mỹ, Hòa Lan, nhưng ta thấy ở Á châu chỉ có Nhật và Trung Cộng có một vài tay bơi vào hàng top thế giới. Tuy nhiên môn nhảy cầu Trung Cộng là nước số một thế giới. Người Tàu vốn giỏi về nghề làm xiếc, cho nên có thể họ giỏi trong môn này. VN cũng có thể gửi người đi học thày Tàu môn này cũng như gửi người đi học Wushu; hay thuê huấn luyện viên Tàu về dạy, như thuê huấn luyện viên Tàu cộng trong môn bóng đá nữ, nên nhờ thế mà vực được đội tuyến bóng đá nữ lên cao, chiếm được hạng hai giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á vừa qua (thua đội Úc, đứng hạng 4 trong giải vô địch bóng đá nữ Á châu vừa qua). Tuyển bóng đá nữ Trung cộng vào hàng nhất nhì thế giới và từng so giày với các đội mạnh nhất hành tinh là Mỹ , Đức, Na Uy.

Chuyện khó tin mà có thật là một tay thủ môn người Ba Tây sang đá thuê cho câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai lại cưới vợ VN rồi xin nhập tịch Việt Nam, lấy tên VN. Anh này được thu nhận vào đội tuyển quốc gia.

Một số câu lạc bộ bóng đá tư nhân VN cũng thuê các cầu thủ nước ngoài đá trong đội hình chính thức của mình, tuy nhiên trình độ nghệ thuật nhồi bóng của VN còn ở mức địa phương nhỏ là Đông Nam Á. Đối thủ chính yếu mà VN chưa vượt qua nổi là Thái Lan và Miến Điện. Singapore cũng là đối thủ nặng ký cho tuyển VN.

Tuy nhiên việc trên cũng bị giới hạn nhiều, vì VN làm sao có nhiều tiền để mua bán các lực sĩ thượng thặng như các nước phương Tây. VN cũng không phải là vùng đất hứa của các lực sĩ hàng đầu thế giới. Vì thế chủ yếu phải khai thác nguồn nhân lực từ ngay trong nước. Chính vì thế phải biết tìm kiếm môn thể thao thích hợp nhất với con người Việt Nam để đạt được thành tích cao trên trường quốc tế.

Một tấm huy chương cao qúi ở các giải lớn còn có giá trị gấp trăm ngàn lần các bài diễn văn hùng hồn kêu gọi tinh thần quốc gia dân tộc của các chính trị gia nhà nghề.

Tóm lại phải biết yêu quí thể dục thể thao, coi trọng và đãi ngộ xứng đáng những lực sĩ đóng góp tích cực cho ngành thể dục thể thao nước nhà. Nicol David của Mã Lai được phong tước cao quí mặc dù còn nhỏ tuối do thành tích không tiền khoáng hậu của cô trong bộ môn squash.

Việt Nam ta có hàng ngàn vạn tiến sĩ, thạc sĩ… danh tiếng, nhưng các lực sĩ mang tiếng thơm cho Việt Nam trên trường quốc tế, như danh thủ bóng bàn Mai Văn Hòa lại chết trong quên lãng ! Chưa kể những phí phạm trong nhân tài thể dục thể thao là điều cần suy nghĩ lại. Bởi con người mới VN trong thế kỷ 21 phải mạnh cả về trí dục lẫn thể dục như các nước tiên tiến trên thế giới.

 

Amsterdam, thứ hai 15 tháng 12 năm 2008.
Lại Mạnh Cường

 


Cái Đình - 2009 .