Phạm Hồng Lam
Nước ta mất bởi vì đâu?
Từ Việt-nho tới Tống-nho
hay Tiến-trình vong-thân của Nho-sĩ
Trong “Hải ngoại huyết thư”, Phan Bội Châu, sau khi đặt câu hỏi, đã đưa ra các lý-do như sau:
Một là vua sự dân chẳng biết
Hai là quan chẳng thiết gì dân
Ba là dân chỉ biết dân
Mặc quân với quốc, mặc thần với ai
Tất cả nói lên một điều: Khổng-giáo, giềng mối của các tương-quan trên, đã phá-sản.
Nhìn lại lịch-sử, không ai phủ-nhận Việt Nam trong bốn thế-kỷ độc-lập đầu tiên (thế-kỷ 11 đến 14) đã đạt tới hoàng-kim văn-minh. Một trong những yếu-tố quyết-định đưa đất-nước đi lên lả Nho-sĩ, thành-phần lãnh-đạo thời đó. Nhưng cũng chính thành-phần này, 5 thế-kỷ sau, đã đưa đất nước vào vòng nô-thuộc ngoại-bang. Tại sao? Tất cả vấn-đề được giải-thích bằng hai chữ “vong-thân” của Nho-sĩ.
Để hiểu căn-nguyên tha-hóa của thành-phần này, thiết tưởng không thể không tìm hiểu qua quá-trình phát-triển của nho-học.
Từ Việt-nho tới Tống-nho
Hai học-giả người Pháp P. Grousset và Dérimiéville phân loại Confucéisme (Nho-giáo) và Confucianisme (Khổng-giáo). Triết-gia Kim Định gọi Confucéisme là Việt-nho và Confucianisme là Hán-nho (1).
Việt-nho hay Nho-giáo là học-thuyết nho nguyên-thủy, thịnh-hành trước thời Tần (221 -207 trước công nguyên – tcn) và được Khổng Tử truyền lại qua các lời dạy và được học trò ghi chép lại. Như vậy, có thể nói Khổng Tử là đại-biểu chính-thống cuối cùng của nho-giáo. Khổng-giáo là học-thuyết nho mà ta thấy ngày nay; nho này đã bị xuyên-tạc sau nhiều đợt, đặc biệt qua tay nhà Hán (Hán-nho) và nhất là dưới thời nhà Tống (Tống-nho). Các sách Tứ Thư Ngũ Kinh ngày nay đều mang tên hoặc nhân danh Khổng Tử, nhưng thực ra nội-dung nguyên-thủy các lời dạy của ngài hẳn không còn bao nhiêu.
Trong bài này từ Nho-giáo được dùng để chỉ nho nguyên-thủy hay còn gọi là Việt-nho, và từ Khổng-giáo để chỉ loại nho đã bị xuyên-tạc kể từ nhà Hán trở đi. Khổng-giáo như vậy bao gồm cả Hán lẫn Tống-nho. Còn từ Nho-học được dùng để chỉ chung cái học cũ, đối lại với tân học.
*
Nho-giáo và Khổng-giáo khác nhau ở nhiều điểm quan trọng. Nho-giáo thịnh hành tới cuối đời Chiến Quốc (475 – 221 tcn) rồi bị biến chất dần bởi ảnh-hưởng của phái Pháp-gia.
Hàn Phi Tử (? – 233 tcn) (2) là người có ảnh-hưởng nhất trong nhóm pháp-gia. Ông sống vào thời Chiến Quốc, thời mà Nho-giáo đã suy vi và xã-hội tao-loạn đảo điên vì chiến-tranh giữa các vương quốc. Do vậy, để tái tạo ổn-định, ông chủ trương chính-sách chuyên-chế độc-tôn dựa trên pháp-luật, chứ chẳng cần đến nhân nghĩa và tài trí của quân-vương.
Sau khi qui phục các tiểu-quốc lân bang, nhà Tần xưng Hoàng-đế: Tần Thỉ Hoàng Đế (221 tcn). Ông thống-nhất Trung Hoa, chuyển xã-hội phong-kiến thành một chế-độ trung-ương tập quyền. Tần áp dụng tư-tưởng Hàn Phi: trị nước không lệ thuộc vào cá-nhân một ông vua nữa, song bằng những luật lệ rõ ràng. Không chỉ cách-mạng cơ-chế, nhà Tần muốn cải tạo luôn cả tư-tưởng: ra lệnh xóa bỏ mọi học thuyết vốn làm nền cho xã-hội đương thời.
Nho-giáo vì thế bị tổn hại nặng qua biến cố đốt sách chôn trò. Lệnh của Lý Tư, quan nhà Tần, về việc đốt sách:
“… sách gì không phải là sách nhà Tần thì đốt hết cả… Thiên-hạ ai dấu chứa Thi, Thư, cùng Bách-gia ngữ, phải đem… đốt hết. Ai dám nói thầm với nhau sách Thi, Thư, thì chém bỏ xác ngoài chợ; ai lấy đời xưa để chê đời nay thì giết cả họ. Kẻ thấy hoặc biết mà không tố-giác, đều phải đồng chịu một tội… ” (3)
Hậu-nho cho rằng sách vở nguyên-thủy mất hết là bởi cái lệnh ấy.
Nhà Tần hành-động quá bạo nên chế-độ đã sụp đổ sau mười bốn năm trị vì.
Nhà Hán (206 tcn – 222 scn) lên. Nho-giáo có dịp phục-hưng như là quốc-đạo. Các sách mất được điền-khuyết bởi các ghi chép mới, và cái học dĩ nhiên được diễn giảng theo nhu-cầu nhà cầm quyền lúc đó.
Đấy là khởi đầu của những xuyên tạc, bóp méo. Hán-nho (loại nho phục-vụ cho vương quyền) xuất hiện từ đây.
Sự kiện Trung Hoa dưới thời Hán càng ngày càng tỏa rộng xuống phía nam (Nam Việt bị Hán thôn-tính vào năm 111 tcn) làm tăng nhu-cầu phải có người giúp việc cho bộ máy hành-chánh khổng lồ. Hệ-thống thi cử, mà nội-dung khuôn vàng thước ngọc là quan-điểm Hán-nho, vì thế ra đời. Cũng từ đó, một giai-tầng được ưu đãi mới ở Trung Hoa xuất hiện: Nho-sĩ.
Việc nối kết việc học (thi cử) với quan-chức dẫn tới lạm-dụng thứ hai: Nội-dung học-trình dần bị hy-sinh bởi nhu-cầu chuyên-chế; và mục đích cao cả của cái học ban đầu là đạt nhân (thành người) dần bị lu mờ bởi quyền-lợi và địa-vị quan tước.
Bởi sách thiếu và chính bản còn không tìm đâu ra, nên việc học phân-hóa thành nhiều trường, nhiều phái và càng về sau càng trở nên từ-chương. Ai có sách nào dạy sách nấy, diễn-giải tùy ý.
Vào cuối đời Hán ở Trung Hoa thịnh-hành song song ba luồng tư-tưởng: Khổng. Lão và Phật-giáo. Sở dĩ Khổng-giáo lúc đó được nâng lên hàng quốc-học và quốc-giáo nhưng đã không vượt thắng được hai đạo kia, là bởi nó còn thiếu phần siêu-hình (Metaphysic). Cho tới lúc này, Khổng-giáo chỉ chú tâm hoàn toàn vào tầng thực-hành chính-trị và đạo-đức xã-hội. Gặp vấn nạn siêu hình, người ta quay ra tìm giải đáp ở Phật và Lão.
Chỉ dưới thời Tống (960 – 1279), Khổng-giáo đạt tới đỉnh hoàng-kim, sau khi nó được bổ-túc phần siêu-hình. Sách vở tây phương gọi Khổng-giáo từ đây là “Tân-khổng-giáo” (Neokonfuzianismus). Người Việt gọi là “Tống-nho”. Phần siêu-hình của Khổng-giáo là kết quả của quá-trình thu-nhập và tiêu-hóa lâu dài các yếu-tố triết-lý Phật và Lão-giáo.
Có đủ cả hai phần thực-hành siêu-hình, Tống-nho bắt đầu đẩy hai luồng tư-tưởng kia vào hậu trường để độc chiếm văn trường Trung Hoa cho mãi tới thế kỷ 20.
Một trong những khuôn mặt lớn nhất của Tân-khổng-giáo là Chu Hi (1130 – 1200). Ông là nhà tư-tưởng lớn với tầm kiến-thức sâu rộng. Lối kiến-giải của ông về Tứ Thư (Tống-nho coi bốn sách này là quan trọng nhất và được vua Nhân Tông lấy làm nội-dung chính cho việc thi cử từ năm 1313) và Ngũ Kinh được xem là chính-thống cho các sĩ tử ở cả Trung Hoa lẫn Việt Nam đến mãi thế-kỷ 20. Nhờ việc điền-khuyết phần siêu-hình, Chu Hi đã biến Khổng-giáo thành một tôn-giáo tôn nghiêm. Bên cạnh phần siêu-hình, nội-dung học thuật của Chu Hi có thể tóm tắt như sau (4):
“ Học-thuyết của ông chủ ở sự sửa điều ác hơn vui điều thiện, giữ phép ở ngoài hơn trực đạt ở trong, độc đoán hơn là hoài nghi, câu nệ danh-nghĩa hơn là được thực lý, tôn trật-tự hơn là tìm cách tân, cho hiện tại hòa-bình hơn là hy vọng vị lai… thường quá thiên về đường qui-thức, quá trọng về đường thượng-lễ và cư kính, cho nên thành ra câu chấp, bó buộc về mặt thủ cựu, thật tai hại cho sự tiến hóa… ”
Cái học Chu Hi đặt nặng đạo đức. Đây là một điểm son. Nó tạo nên nhiều thế hệ gương sáng về hiếu, trung, nghĩa và tiết-trinh.
Nhưng lối học của ông lại là nguồn của bất-hạnh, vì nó chận đứng mọi sáng-kiến và canh-tân. Đặc biệt ông chủ trương “cùng-lý” (nghĩa là có sự hiện diện của chân-lý cuối cùng) và chân-lý này nằm sẵn trong Tứ Thư Ngũ Kinh! Vì vậy, muốn đạt lý, chỉ cần học cho rốt ráo chữ của thánh hiền. Mà học, theo ông, “trước hết phải đọc (sách) cho thuộc, khiến những lời trong sách đều như là ở tự miệng mình nói ra, rồi nghĩ cho kỹ, khiến các cái ý đều như là ở tâm mình mà ra…” (5)
Chu chú-trọng việc diễn-giải chi-tiết bề ngoài mà bỏ mất những nghĩa lý bao quát và cao siêu của người xưa. Đấy là cội-nguồn của bệnh giáo-điều.
Thêm nữa, vì chiếm giữ địa-vị độc tôn nên Khổng-giáo trở nên xơ cứng. Thiếu cạnh-tranh tinh-thần nên mất tinh linh-động và sáng tạo. Bên cạnh, nó luôn bị hết triều-đại này sang triều-đại khác lạm dụng: Chữ Hiếu (đối với cha mẹ) được chuyển dịch thành chữ Trung (với vua). Nho-giáo trước đó có nói tới “trung quân” nhưng trung quân ở đây không có nghĩa là trung với cá-nhân ông vua, song là vâng phục mệnh trời được ủy nơi vị vua ấy”. (6)
Nguyên-tắc “dân-chủ” (7) nơi Mạnh Tử và “quyền cách-mạng” (cách: lấy đi; mạng: mệnh trời) của Tuân Tử không còn được Tống-nho đề cập tới nữa. Theo Tuân Tử (8): “Trời không vì vua mà sinh dân, nhưng vì dân mà lập vua. Vua nhận mệnh trời để trị dân. Nhưng khi vua ấy không xứng với mệnh đó nữa thì dân có quyền lấy lại mà chuyển cho một vua khác. Tuân Tử: “Vua là thuyền, dân là nước. Giữ thuyền cũng là nước mà lật thuyền cũng là nước.” (9)
Khổng-giáo Việt Nam và cuộc tranh-chấp địa-vị ưu thế với Phật-giáo
Khổng-giáo Việt Nam thừa hưởng mọi yếu-tố tiêu cực đó của Trung Hoa.
Sau khi nhà Hán chiếm Nam Việt, họ đưa Hán-nho vào. Nhưng trong suốt cuộc đô-hộ kéo dài 11 thế-kỷ (111 tcn – 938), Khổng-giáo tại đây đã không phát triển. Do nhiều lý do. Các thái-thú Trung Hoa thời đó hầu hết chỉ nghĩ tới ngà voi, sừng tê-giác, ngọc trai hơn là việc quảng-bá đạo-nghĩa. Dân Việt thì không tha thiết vì coi đó là đạo của kẻ xâm-lăng. Và nhất là đạo này không phù hợp với môi-sinh văn-hóa của dân tộc Việt: Khổng-giáo là đạo của xã-hội phụ hệ và quân quyền, trong khi đó yếu tố mẫu quyền (và mẫu hệ) và bộ-lạc vẫn là đặc điểm của xã-hội Việt. Thêm nữa đất Việt lúc đó đã thịnh Phật và Lão-giáo. Khổng-giáo đã chỉ bám rễ theo tiến trình Hán hóa dân Việt sau nhiều đợt di dân của người Tàu.
Khổng-giáo bắt đầu phát triển sau khi Đại Việt giành được độc-lập và nhất là sau khi nhà Lý và nhà Trần du-nhập thi cử nho-học để tuyển người vào hệ-thống quan lại. Nhưng cũng chỉ giới hạn, vì từ thế-kỷ thứ 10 tới 14 còn có sự hiện diện song song của Lão và Phật. Đặc biệt Phật-giáo giữ vai trò chủ-động. Người dạy nho-học là các nhà sư. Họ khoác áo quan hoặc cố-vấn nhà vua. Vua cũng được đào-tạo từ các thiền thất. Nội-dung các khoa thi thời đó bên cạnh nho-học còn có Phật và Lão-học.
Với việc định-chế-hóa thi cử, một giai-tầng mới là Nho-sĩ không ngừng gia tăng. Và giai-tầng này sớm ý-thức được chỗ đứng và quyền-lợi mà xã-hội phải dành cho họ. Thế là cuộc tranh-chấp địa-vị với các tăng sĩ, thành phần xã-hội ưu đãi thời đó, bắt đầu.
Năm 1010, nho-gia Lê Văn Hưu trách móc:
“ Lý Thái Tổ lên ngôi mới được hai năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã-tắc chưa lập mả trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng-tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm tăng hơn nghìn người ở Kinh-sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực và việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể. Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là làm việc phúc chăng?... Chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá, điện thờ Phật lộng lẫy hơn cung vua. Rồi người dưới bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc, bỏ sản nghiệp, trốn thân thích, dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền… ” (10)
300 năm sau, đạo Phật trở thành dị-đoan dưới con mắt nhà nho Trương Hán Siêu:
Hiện nay thánh triều đem giáo-hóa nhà vua như cơn gió thổi lên để chấn chỉnh phong-tục đồi-bại, thì dị-đoan cần bỏ, chính đạo nên theo. Phàm kẻ sĩ-phu không phải đạo Nghiêu Thuấn không nên tâu ở trước vua; không phải đạo Khổng Mạnh không nên chép thành sách; thế mà (nhiều kẻ không làm thế) cứ chăm chăm lầm rầm niệm Phật thì hòng nói dối (11).
Dù vậy, cho đến nửa sau thế-kỷ 14, Phật-giáo vẫn thắng thế. Lời phàn nàn của nho-sĩ Lê Quát (1366) cho thấy hoàn-cảnh huy-hoàng của Phật và bi-đát của Nho-học:
“Đạo Phật lấy phúc họa cảm-động người ta mà sao được lòng người sâu xa bền chặt đến thế? Trên từ vương công dưới đến dân thường hễ đối với việc Phật dẫu hết của cũng không tiếc. Nếu ngày nay ủy-thác trông coi về làm chùa xây tháp, thì hớn hớn hở hở như đã nắm chắc tả-khoán để sẽ được báo lại ngày mai. Cho nên trong từ kinh-thành, ngoài đến châu phủ, thôn cùng ngõ hẻm, không có lệnh mà theo, không phải thề mà tín; chỗ nào có người ở là có chùa, đổ rồi lại dựng, nát rồi lại sửa, chuông trống lâu đài so với nhà dân đã chiếm phần nửa, xây dựng rất dễ mà tôn-sùng cũng rất rộng. Ta lúc bé đọc sách… từng hiểu theo đạo thánh để giáo-hóa mọi người, mà cuối cùng chưa được một hướng nào tin. Thường du-lãm non nước, vết chân đã nửa thiên-hạ, muốn tìm nhà học, văn-miếu, chưa từng thấy đâu. Vì thế ta vẫn lấy làm thẹn nhiều với môn-đồ đạo Phật. Vậy ta tự bạch viết ra là để khuyên răn người đời.” (12)
Cuộc tranh-chấp dai dẳng, âm ỉ nhưng không kém phần mãnh-liệt đó cuối cùng đã thành công. Năm 1396 Hồ Quý Ly ra dụ đầu tiên hạn chế Phật-giáo. Lệnh bắt tất cả những sư sãi dưới 50 tuổi phải hồi tục, và chỉ những ai thông suốt giáo-lý nhà Phật thì mới được khoác áo sư. Biện-pháp quả nặng nề, bởi tuổi thọ trung bình thời đó làm sao tới 50. Nếu như lệnh trên đã được thi-hành triệt-để thì ta cũng có thể mường tượng được rằng bóng dáng sư sãi biến mất một sớm một chiều sau đó từ thị tứ đến thôn quê.
Năm sau, nhà vua đồng thời ra lệnh mở rộng nho-học xuống tận quận huyện. Đòn khá nặng thứ nhất cho Phật-giáo.
Nhà Lê lên, Phật-giáo bị nhiều đòn nặng hơn. Sư sãi và Đạo-sĩ (Lão-giáo) được lệnh phải qua một kỳ thi về giáo-lý của mình. Ai không đậu, phải cởi áo (13). Cấm ngặt tăng-lữ của hai đạo này có liên-hệ với thân-tộc nhà vua. (14). Cấm xây chùa. Cấm in và phổ-biến sách Phật và Lão (15).
Tóm lại, nếu không có sự tiếp tay của triều-đình thì Khổng-giáo đã không giành được địa-vị ưu thế sớm.
Phật và Lão từ thế-kỷ 15 trở đi bị nhà nho coi là vô dụng, sai lầm và phản tiến-bộ. Đà suy vong không còn cản được nữa. Tân-khổng-giáo (Tống-nho) bước lên vũ-đài độc tôn.
Nho-sĩ thời độc tôn Khổng-giáo hay Tiến-trình vong-thân của Nho-sĩ
Nho-gia của bốn thế-kỷ độc-lập đầu quả đặc biệt. Đặc biệt ở bản chất “tổng-hợp” nơi họ, nghĩa là họ kết-hợp được phong-cách tư-tưởng của Lão và Phật với nguyên-tắc hành-xử của Khổng. Tinh-thần họ do đó phóng khoáng, bao-dung về văn-hóa và chính-trị. Lối sống họ thuần nhiễm yếu-tố dấn thân xã-hội của Phật-giáo đại-thừa, tinh-thần sẵn sàng từ bỏ mọi ưu đãi cá-nhân của Lão và ý-thức bổn-phận cao độ của Khổng. Nhờ những đức-tính này mà Nho-sĩ dưới thời Lý Trần tạo được nhiều kỳ-công trên mọi lãnh-vực.
Văn-chương nở rộ. Nó phản-ảnh tính tổng-hợp trên và cho thấy chưa có vết tích từ-chương, hư văn lẫn giáo-điều cứng nhắc (16).
Mặt chính-trị quân-sự vang lừng với chiến-công thắng Nguyên, bình Chiêm. Qua chiến-thắng Chiêm, đất nước mở rộng thêm về phía nam.
Tinh-thần tổng-hợp tôn-giáo và bao-dung mà ta thấy ở Nho-sĩ thời Lý Trần, sau này lại xuất-hiện ở những nhân-kiệt như Nguyễn Trãi (1380 – 1442), Nguyễn Du (1765 – 1820), Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858), Phan Bội Châu (1867 – 1940) v.v… Họ trở thành lỗi-lạc trước hết là chính nhờ tinh-thần tổng-hợp tôn-giáo.
Thiên-tài chiến-lược, chính-trị và văn-hóa Nguyễn Trãi không chỉ là một nho-gia có ý-thức, nhưng đồng thời cũng là một thiền sư (17). Tin tưởng Phật-giáo nơi nhà nho Nguyễn Du được chứng-minh trong tác phẩm để đời Đoạn Trường Tân Thanh. Nhà hành-chánh kiêm danh tướng và thi-sĩ Nguyễn Công Trứ, mà cuộc sống phản ảnh tinh-thần Lão và Khổng, cũng xác tín vào Phật. Bài thơ chữ nôm duy nhất “Đạo Phật Tối Cao” đủ nói lên chất Phật nơi ông. Nguyễn Công Trứ coi Khổng và Phật giá trị như nhau:
Bạng y thiên lý hành tương khứ
Độ tự nhân tâm tố xuất lai
Bất khang trang chẳng chút chông gai
Cũng nghiêng ngả một dòng Hà Lạc (18)
[Đạo Phật phù hợp với bản-tính Trời Đất và phát sinh do lòng người. Nó không khó hiểu mà cũng chẳng kém quan-trọng hơn Khổng-giáo.]
Không nên quên rằng vào thời Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ, đối với nhà nho, Phật và Lão được coi như đã chết!
Và gần đây là gương không màng lợi danh, nhiệt tình dấn thân cho tha nhân và lòng bao-dung về mặt ý-thức-hệ của Phan Bội Châu. Cuộc đời hoạt-động và văn-chương nổi lửa của ông chứng minh điều đó. Bàng bạc trong nhiều tác phẩm, đặc biệt là tập Việt Nam Vong Quốc Sử, nói lên tâm bao-dung tôn-giáo của ông. Tâm đó đặc biệt chói sáng khi mà hàng hàng lớp lớp nhà nho Văn Thân đương thời vẫn chìm đắm trong điên mê diệt tà đạo.
Bản chất tổng-hợp nơi Nho-sĩ của bốn thế-kỷ đầu đã không còn nữa nơi các thế-hệ nho-gia càng về sau. Độc-tôn Khổng-giáo và tinh-thần thi cử là hai lý do chính cắt nghĩa sự kiện này.
Khi nhà Minh xâm chiếm Đại Việt vào đầu thế-kỷ 15, họ tạo nên một biến chuyển lớn trên phương diện nho-học. Họ mang Tống-nho vào (19), triệt để phổ biến khắp nước cái học mới này, đồng thời ra lệnh tịch-thu đốt hết mọi sách vở và học thuật đương thời. Sách Chu Hi trở thành giáo-khoa bắt buộc cho cả nước. Khắp nơi các nhà học theo khuôn mẫu Tàu được dựng lên, để “cải-hóa Nam-di”. Bao nhiêu gia-sản văn-hóa Việt mất đi từ đó.
Nhà Lê (1427 – 1527), sau khi đuổi được quân Minh, không còn thay đổi gì được nữa đối với cái học mới. Lê Thánh Tông (1460 – 1497), một vị vua lớn, phải chấp nhận lối học và thi cử đã có, dù biết có điểm không tốt, bởi ông cần người gấp cho bộ máy hành-chánh trung-ương và địa-phương đang được tái lập và mở rộng. Các yếu-tố bảo-hoàng của cái học Tống-nho vì thế càng ngày càng được đề cao, thi cử càng ngày càng bị lạm dụng bởi các triều-đại chuyên-chế, cái học từ cuối thế kỷ 17 về sau chỉ còn là tầm chương trích cú: “ Người đi học chỉ biết noi theo khuôn sáo, không biết học rộng là hơn; người chấm văn chỉ cầu lấy người nhớ sách thuộc cũ, mà không nghĩ hiểu rộng là đáng chuộng .” (20)
Nho-học và thi cử cứ thế mất máu dần và cuối cùng chết khô vào cuối thời Trịnh Nguyễn phân tranh (1533 – 1788).
Nhà Nguyễn vực con bệnh dậy, môi son má phấn lại cho nó. Về hình-thức, nho-học thời Nguyễn đạt tới cao điểm bài bản, nhưng nội-dung vong-bản. Giáo-điều và từ-chương là hai đặc-tính nổi nhất của nho-học thời này. Sĩ-tử lúc này chỉ cần thuộc lòng kinh sách, vì: “ Bài văn càng chêm đầy các câu trích từ kinh sách hoặc các lối nói có sẵn càng được điểm cao. Một ý tứ dù đúng hoặc thích-hợp cũng bị gạch nếu nó không được diễn tả bằng một câu từ sách thánh hiền. ” (21)
Sách Chu Hi là khuôn vàng thước ngọc duy nhất. Mỗi chữ, mỗi ý, mội câu đều phải được diễn giải theo tác-giả này. Phương-pháp sư-phạm nhắm điều duy nhất là tô bồi trí nhớ, triệt-tiêu mọi suy nghĩ hoặc sáng-tạo cá-nhân. Nội-dung học-trình chối bỏ các kiến-thức khoa-học thực-dụng và mở rộng kiến-thức tới các nền văn-hóa khác, mà duy nhất chỉ dạy tôn sùng văn-hóa và quá-khứ Trung Hoa: Mọi thứ đã nằm sẵn trong Thư Kinh! Từ ứng xử cho tới trị nước chỉ cần học lối của Nghiêu Thuấn (hai vị vua truyền thuyết trong huyền-sử Trung Hoa), bởi Trung Hoa là nước duy nhất có thể cung cấp các gương về “vua hiền, quan giỏi, con thảo, bạn trung và học trò toàn hảo”. (22)
Vì thế mọi ý từ Tàu đều được quý trọng, mọi trang sách Tàu đều là gương sáng. Ai bắt chước Tàu được khen, hành-động ngược lại thì bị chê. Chữ Tàu mà quảng đại dân chúng xa lạ, được triều-đình vua quan coi là chữ “thánh-hiền”; trong lúc chữ mình thì lại khinh thị là thứ “nôm-na” không đáng viết. (23)
Trong không khí đó, thi cử chỉ còn lại là hư văn hình-thức. Nó lại là phương-tiện duy nhất để đạt danh, quyền và lợi. Sự-kiện ngay cả các lão ông bảy, tám mươi vẫn lều chõng đi thi đủ nói lên điều đó.
Và sản-phẩm của lối học đó là những đầu óc cạn khô sáng-kiến và bảo-thủ trong hành-động.
Lý-luận sau đây của quan võ Phạm Khải chống lại các đề-nghị duy-tân theo gương Nhật và Tây phương là một điển hình:
“Ta nghe: Thủa xưa bắn Hậu Nghệ không dùng cây cung của Hậu Nghệ, giết Hạng Võ không phải dùng thanh kiếm của Hạng Võ, trừ giặc Hung-nô đâu cần ngựa tốt tên độc của Hung-nô, mà chỉ dùng chước hay quân giỏi của nhà Hán; cũng như đánh Tần, Sở đâu có cần dùng ngay giáp bền dao bén của Tần, Sở mà chỉ dùng cây, gậy của Tề, Lương.
Cổ-ngữ nói: Thấy sự quái lạ, mình đừng thèm cho là quái lạ, tự nhiên sự quái lạ ấy sẽ hết; thấy cọp đừng sợ, tự nhiên cọp phải sợ mình. Nay các anh đừng tâng bốc người tây-dương là tài khéo, thì họ khoe khoang tài khéo với ai được.” (24)
Lý-luận chống việc gởi du-sinh của Thái-hậu Từ Dụ, mẹ vua Minh Mạng, cũng không kém lạ lùng:
“Chưa đánh được thì hòa để chờ cơ hội. Chớ còn việc cho người sang Âu châu học tập là việc không nên. Người Nhật đông-di (mọi phương đông) nên mới học được với tây-di. Chúng ta con Rồng cháu Tiên, nghìn năm văn-hiến, há lại học thói mọi rợ được ư?” (25)
Vua Minh Mạng nhận ra khá sớm nguy cơ:
“Lâu nay khoa cử làm cho người ta sai lầm. Trẫm nghĩ văn-chương vốn không có qui-củ nhất định, mà nay những văn cử nghiệp chỉ câu nệ cái hủ sáo, khoe khoang lẫn với nhau, biệt-lập mỗi nhà một lối, nhân-phẩm cao hay thấp do tự đó, khoa-tràng lấy hay bỏ cũng do tự đó. Học như thế thì trách nào mà nhân-tài mỗi ngày một kém đi .” (26)
Nhưng ông cũng thú nhận ngay “tập tục đã quen rồi khó đổi thay được.” Nói thế chứ đổi sao được, bởi Minh Mạng cũng là một môn-đồ trung-thành của văn-hóa phương bắc. Thói chuộng hư văn của ông phần nào được tỏ hiện qua đầu đề thi Đình năm 1835 do chính ông ra: “Phục nê trưởng ly trong sách nói lên hiện-tượng gi?” (27). Đầu đề khiến 123 ông tiến-sĩ hoảng hốt và cả triều-đình chưng hửng. Không ai đoán ra mấy chữ ấy nằm ở đâu. Thực ra “phục nê” là tên một ngôi sao được ghi trong một cuốn sách vô danh và “trưởng ly” là tên một loại chim tưởng tượng trong sách Hán Sử. Hán Sử có trong nội-dung thi cử thật. Nhưng vì bản chính của sách này và của các Thư Kinh không tìm đâu ra nên nhà Nguyễn cho dùng thế sách Kinh truyện và Sử Tất Yếu của Bùi Huy Bích biên-soạn để dạy học trò. Đấy là những loại toát-yếu tóm tắt và diễn giải các sách xưa, mà nhiều điểm rất sai sót. (28)
Thời Tự Đức, vì ảnh-hưởng tình-hình chính-trị, nội-dung thi cử đôi lúc có thực thế hơn. Nhưng hai câu thơ sau của ông nói lên khá đủ sĩ-khí của Nho-sĩ triều-đình khi Pháp đến:
Võ tướng tiêu sầu duy hữu tửu
Văn thần thoái lỗ cánh vô thi. (29)
(Quan võ trốn chạy trong cốc rượu, quan văn không sáng-tác nổi ngay một câu thơ chống giặc)
Như đã nói trên, Tống-nho coi trọng đạo-đức. Nhằm mục-đích phục-vụ và củng cố vương quyền, các vua chúa Việt và Tàu đã rất chú trọng việc đức dục. Nho-sĩ trước thời Pháp thuộc, vì thế, còn xuất hiện nhiều tấm gương tiết tháo, nhưng nhìn chung hầu hết vong-thân về mặt kiến-thức và ý-thức xã-hội.
Đạo-đức, tiết-tháo để giữ tiếng cho mình, nhưng đầu óc quá khích cạn kiến-thức, cuộc sống không còn ý-thức tha-nhân và dấn thân xã-hội, thì cái đạo-đức và tiết-tháo đó nào có ý nghĩa gì!
Phạm Hồng Lam
Augsburg (Đức)
____________
Chú thích :
(1) Xem Kim Định: Nguồn gốc văn hóa Việt Nam. New Orleans. 1982: 10t. Gọi là Việt-nho vì tác-giả cho rằng Nho nguyên-thủy là truyền-thống văn-hóa của phương Nam, phát xuất từ cương-vực của các sắc-tộc Việt (Bách Việt), vùng miền nam Trung Hoa ngày nay. Khổng Tử cũng là người phương Nam.
(2) Hàn Phi là con của một quý-tộc nước Hàn, cùng với Lý Tư theo học Tuân Tử. Tư-tưởng của ông không được vua Hàn chấp nhận, nhưng được vua Tần (Tần Thỉ Hoàng) quý trọng. Khi hai nước đánh nhau, vua Hàn sai Hàn Phi sang Tần điều đình. Vua Tần vì ngưỡng-mộ muốn ông ở lại giúp. Nhung ông đã bị Lý Tư – lúc đó đã thành tướng của nước Hàn – giết hại, vì sợ Hàn Phi chiếm mất địa vị của mình.
(3) Trần Trọng Kim: Nho giáo . Bộ Quốc gia Giáo dục. 1971 (Tập I): 318.
(4) Xem Trần Trọng Kim, Nho giáo . Bộ Quốc gia Giáo dục. 1971 (Tập II): 164 tt.
(5) Xem Trần Trọng Kim, sđd. 1971 (II): 157.
(6) Xem Trần Trọng Kim, sđd. 1971 (1): 407.
(7) Xem Trần Trọng Kim, sđd. 1971 (I): 209 – 219; Phan Bội Châu, Khổng học đăng : 462-470; Phạm Quỳnh, Le Vietnam. A la Croisée des civilisations . Yerres. 1985b: 113 tt.
(8) Tuân Tử: Người đương thời với Mạnh Tử. Ngoài thuyết “cách mạng”, ông còn chủ-trương con người sinh ra vốn không có bản-tính thiện (khác với Mạnh Tử: con người sinh ra vốn tính thiện).
(9) Trần Trọng Kim, sđd. 1971 (I): 292 tt.
(10) Đại Việt Sử ký Toàn thư . Tập I. 1993: 242.
(11) Lịch triều Hiến chương loại chí . Tập I. 1992: 227.
(12) Lịch triều Hiến chương loại chí . Tập I. 1992: 228.
(13) Xem Trần Trọng Kim, sđd. 1971 (1): 249.
(14) Xem Bửu Dưỡng. The confucian tradition in the history of Vietnamese education (Diss.). 1958: 70.
(15) Xem M.R. Deloustal. La Justice dans l'ancien Annam . 1910: Livre II, Art 35 & 38.
(16) Xem Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu . 1968: 238.
(17) Xem Võ Văn Ái. Nguyễn Trãi sinh thức và hành . 1985.
(18) Vũ Ký. Đạo làm người của Nguyễn Công Trứ : 72.
(19) Tống-nho trước đó ở Trung Hoa đã được vua Minh Thành Tổ đưa vào làm nội-dung chính của nền quốc-học và thi cử.
(20) Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí. Tập II. 1992: 171.
(21) Lê Thước. L'enseignement des caractères chinois . Trích bởi Louis Chochod. Les lettres annamites et les concours mandarinat . 1936: 522 t.
(22) Trần Văn. L'enseignement traditionnel . 1942: 115.
(23) Xem Hoàng Văn Chí, Duy văn sử quan . 1990: 144-160. Chương “Nô lệ văn hóa Hán tộc”.
(24) Nguyễn Bá Thế. “ Chí sĩ Việt Nam ”, trong Văn Hóa Nguyệt San. 1961: 893/35t.
(25) Nguyễn Bá Thế, sđd. 1961: 893/36.
(26) Trần Trọng Kim. Việt Nam sử lược . 1971 (II): 195; Lê Thành Khôi, 3000 Jahre Vietnam … 1969:321.
(27) Woodside. Vietnam and the Chinese model … 1971: 211 và ghi chú trang 316.
(28) Xem Huỳnh Thúc Kháng. “ Lối học khoa cử và lối học Tống nho …”, trong Phan Bội Châu. Khổng học đăng . Không đề năm: 783.
(29) Lãng Nhân. Giai thoại làng nho . 1964: 43.