Kevin Mattson
Những nguy cơ của Michael Moore: Chỉ trích chính trị giữa thời đại chuộng giải trí
Michael Moore có lẽ là người phái tả hàng đầu ở Mỹ hiện nay. Kể cả những ai chưa hề đọc Dissent [1] chắc cũng đã có dịp thấy Moore xuất hiện trên TV vào những giờ cao điểm đông khán giả trong ngày (Fox, NBC, Bravo...), hay ở rạp xinê (phim Bowling for Columbine [2] mới chiếu gần đây) hoặc mua một cuốn sách thuộc loại bestseller của ông. Moore đã "đột phá" một cách rất thành công, mang đến cho đông đảo khán giả những vấn đề nóng bỏng như việc tăng gia sử dụng sức lao động của tù nhân; chương trình chỉnh trang đô thị bỏ dở; việc biến đội ngũ lao động thành công nhân ăn lương tạm thời; những vấn đề an ninh xã hội, bạo lực, kỳ thị chủng tộc... Qua màn ảnh TV ông đã đưa những đề tài này vào tận phòng khách của hàng triệu người dân Mỹ, cổ vũ việc dùng chính sách công bằng xã hội theo kiểu công đoàn CIO [3] để áp dụng cho thế kỷ 21. Đầu đội mũ baseball, áo quần lếch thếch, hiện thân cho thành phần lao động thứ thiệt, Moore lê bước vào chốn thành trì kiên cố của quyền lực, máy quay chực sẵn, với mục đích vạch ra cái mặt chẳng đẹp đẽ gì của Giấc Mơ Mỹ Quốc.
Kỹ thuật của Moore thực chẳng có gì mới. Ông chỉ việc theo gót cái truyền thống phong phú của phái tả trong lĩnh vực phê bình chính trị. Lấy ví dụ nhân vật cầu bơ cầu bất của Charlie Chaplin. [4 ] Chaplin xuất thân nghèo khổ, đắm mình trong cái văn hóa tả khuynh của thời đại ông (Max Eastman [5 ] là bạn thân của Chaplin), thể hiện qua vai "kẻ bị lãng quên". Gần thời của Moore hơn, phe "Tân Tả" dùng "sân khấu du kích" để đối đầu với quyền lực. Lấy trường hợp Abbie Hoffmann [6] và đồng bọn Yippie [7] muốn cho Ngũ Giác đài bay lên trời, hay có lần vãi đô la tung tóe ở trụ sở Thị Trường Chứng Khoán New York để chế giễu thói tư bản tham lam. Đã có Chaplin và Hoffmann, góp thêm vào cái truyền thống "tạp chí tin tức" của Edward R Murrow [8] cùng với chương trình "Sáu Mươi Phút" (phóng sự điều tra trên TV) trộn với thật nhiều trào lộng hậu hiện đai, thế là ta có được một Michael Moore, đại khái là vậy.
Moore làm những chuyện mà phe tả hiếm khi làm, như việc đưa giải trí vào phê bình chính trị chẳng hạn. Những cuộc thăm dò dư luận cho thấy, giới "trẻ"dưới tuổi trung niên, thường tiếp nhận tin tức từ những chương trình TV mang tính giải trí - những câu chuyện hài hước về chính trị được kể trên chương trình "Late Show" của David Letterman và "Daily Show" của Jon Stewart. Quả vậy, khi chương trình TV Nation được phát sóng trên hệ thống NBC và Fox khoảng 1994-1995, các cuộc điều tra cho thấy số đông khán giả của Moore thuộc lứa tuổi từ 18 đến 34. Sự thành công của Moore chứng tỏ rằng để đến với giới trẻ, thì đĩa vệ tinh và hiệu sách ở các khu buôn bán khổng lồ là phương tiện truyền thông hữu hiệu hơn là các hàng quán, trụ sở công đoàn hay những tạp chí ít độc giả. Đem phê bình chính trị vào với giải trí, Moore đã cho ta thấy ít nhiều về hiện tình cánh tả ở Mỹ trong một xã hội hậu hiện đại tràn ngập truyền thông.
Quá trình tiến hoá của một người phê bình chính trị thuộc tầng lớp lao động
Moore khởi đầu với loại báo chí đứng ngoài "mạch chính". Lớn lên ở Flint, Michigan, Moore chủ trương tờ Flint Voice rồi tờ Michigan Voice , gây được ít nhiều chú ý, nhờ vậy mà ông kiếm được một chân biên tập với tạp chí Mother Jones . Chuyển tới San Francisco , Moore mắc vào những cuộc tranh chấp liên miên với đồng nghiệp ở toà soạn. Moore quay về Flint đúng vào lúc để chứng kiến thảm cảnh "giải thể công nghiệp" ở đây. Ông bỏ báo chí, nhảy vào phim trường. Kết quả là Roger and Me (1989), phim thời sự đầu tiên khá dài của Moore, ghi lại những hậu quả tai hại sau khi hãng General Motors đóng cửa một số nhà máy ở Flint. Moore cho quay cảnh những nhân viên sa thải bị đuổi ra khỏi nhà, có người trước đây ăn lương nghiệp đoàn béo bở là vậy mà giờ phải làm những việc với mức lương tối thiểu tại hàng quán bình dân như Taco Bell. Đáng chú ý nhất là cảnh một bà thất nghiệp xoay sang nghề bán thỏ, "để ăn thịt hay là để nuôi trong nhà." Moore vạch trần cái quyền lực dựa trên đẳng cấp xã hội, ông phỏng vấn dân giàu có ở Flint vừa đánh golf ở câu lạc bộ, vừa trách thợ thuyền sở dĩ thất nghiệp là do lỗi của họ, thậm chí còn thuê dân thất nghiệp làm "tượng sống"đến giúp vui cho các cuộc tiếp tân. Moore dùng những hình ảnh này để tương phản với ý niệm dân gian về bọn "giàu rửng mỡ". Thế nhưng trong khi triển khai cái trò chơi luân lý chuẩn xác này, Moore lại thích trào lộng. Chẳng hạn như ông miêu tả cuộc chạy đua chỉnh trang đô thị thật lố bịch ở Flint, điển hình là dự án xây vườn giải trí "AutoWorld" bị thất bại, và ông kết thúc cuốn phim với bài "Wouldn't It Be Nice" của ban Beach Boys trong khi màn ảnh chiếu lên quang cảnh nhà cửa tàn phế ở Flint.
Moore hiếm khi xuất hiện trong cuốn phim này, trừ lúc ông cuống cuồng cố phỏng vấn cho được Roger Smith, tổng giám đốc General Motors. Sự kiện Moore thất bại trong việc thuyết phục Smith đối đầu với những vấn đề nan giải ở Flint (Smith từ chối không chịu đi cùng với Moore đến Flint ) cho ta một vài ý niệm về phái tả vào những năm cuối thập niên 80 - giận dữ, to tiếng nhưng bất lực về chính trị. Moore gióng lên tiếng nói của những kẻ đối kháng dưới thời Reagan, và cuốn phim của ông thành công ngoài sự mong đợi (nhận giải ở nhiều liên hoan phim). Nó còn giúp Moore vạch ra đường hướng cho hoạt động tương lai: sử dụng hình ảnh công hiệu nhằm mổ xẻ tập đoàn công-thương nước Mỹ; dùng chiến thuật bốp chát để gây sự chú ý của giới quyền lực; vun xới một nhân vật quả cảm dám đem sự thực chọi với quyền lực.
Moore đã thành công. Bốn năm sau Moore xuất hiện trên TV vào giờ cao điểm với chương trình TV Nation , thoạt đầu là chương trình mùa hè tạm thời cho NBC, sau đó chuyển qua Fox, rốt cuộc được giải Emmy cho loại "Best Informational Series"--Chương Trình Thông Tin Hay Nhất (chương trường này không được tiếp tục). Trong chương trình TV Nation, hình ảnh của Moore hiện ra hàng đầu, với đầy đủ mũ baseball, áo khoác, micrô cầm tay..., sẵn sàng xông pha sương gió để đối đầu với mặt xấu của tập đoàn tài phiệt công thương. Với khoản lợi nhuận béo bở thu được, ông bỏ tiền sản xuất cuốn phim hư cấu tựa đề Canadian Bacon (1995) với John Candy và Alan Alda đóng vai chính. Moore trở lại với nghề viết: cuốn Downsize this (1997), được liệt vào loại bestseller, và Moore dùng cơ hội đi quanh nước Mỹ quảng cáo sách để làm một cuốn phim thời sự mới, The Big One (1998). Sau đó ông biến chương trình TV Nation thành The Awful Truth chiếu trên kênh Bravo. Khi chương trình này chấm dứt ông viết cuốn Stupid White Men in năm 2002 sau một thời gian cò cưa với nhà xuất bản, cuốn này nhảy vọt lên hàng đầu danh sách những cuốn bán chạy nhất. Cùng lúc cuốn phim Bowling for Columbine của ông được trình chiếu, thu hút đông đảo người xem.
Chiến thuật thích va chạm
Moore được nhiều người biết đến vì ông đã dám tìm đến tận bản doanh của giới công thương tài phiệt, lùng kiếm những ông lớn để hạch hỏi về những chuyện sai trái như sa thải công nhân, ô nhiễm môi trường. Chiến thuật đụng độ hình như hợp với Moore , nhất là khi nó mang tính hài hước. Trong một cảnh thuộc chương trình The Awful Truth , Moore thành lập một ban hợp ca gồm những người bị ung thư họng và phổi, rồi cùng họ đi đến trụ sở hãng thuốc lá Philip Morris. Trong khi ban hợp ca vo vo những bài hát Nôen, Moore đi tìm gặp ông tổng giám đốc công ty thuốc lá nhưng chỉ được phép ngồi chơi xơi nước ở lobby. Cả hai bộ phim The Big One và Bowling for Columbine kết thúc bằng cuộc phỏng vấn đầy vẻ bốp chát với những đối tác quyền thế như Phil Knight tổng giám đốc hãng Nike và Charlton Heston, chủ tịch NRA (hội những người chơi súng ở Mỹ).
Có người không ưa tính xông xáo của Moore . Thực vậy, nhiều lúc ta không khỏi sững sờ khi thấy cái ngón nghề ấy cũng lắm lúc thất bại. Vâng, trong phim The Big One , Moore đã gặp được "ông bự" Knight và Knight thú nhận là chi nhánh hãng Nike ở Indonesia đã thuê nhân công dưới 14 tuổi. Trong phim Bowling for Columbine , Charlton Heston lầm bầm nói rằng việc pha trộn chủng tộc dễ nảy sinh bạo động (chẳng rõ ông ta muốn nói gì). Cả hai cuộc phỏng vấn cho thấy sự vô dụng của phương pháp chạm trán, không chứng minh được cái công hiệu của nó. Heston bước mau để tránh những câu hỏi soi mói của Moore , Knight trở nên lãnh đạm. Khi Moore đề nghị Knight mở hãng làm giày ở Flint thay vì ở Indonesia , Knight từ chối, nói rằng: "Dân Mỹ không thích làm thợ giày." Moore trở lại, cho Knight xem băng video với cảnh dân chúng ở Flint đòi mở nhà máy sản xuất giày. Knight cười gượng nhưng không đổi ý. Khi Moore thách Knight dự cuộc thi đi bộ để quyên tiền trợ giúp cho một nhà máy ở Flint , dĩ nhiên là Knight từ chối. Moore chấm dứt đoạn này, nằm ở phần cuối phim, như sau: "Tôi biết phần lớn các bạn nghĩ gì rồi: nếu được xem cuộc thi đi bộ thì khoái biết mấy! Thôi để chờ phim sau sẽ tính." Theo cách tôi hiểu thì Moore đã biến cuộc chạm trán này thành trò khôi hài; vậy là cứ để mặc vấn đề toàn-cầu-hoá ì ra đấy trong khi đó khán giả chờ Moore bày trò giải trí mới.
Kỹ thuật chạm trán của Moore thất bại trong những tình huống quan trọng hơn, điều này phần nào giải thích tình trạng bị-cho-ra-rìa của phái tả hiện nay. Trong chương trình TV Nation , có lần Moore tạo nên một nhân vật tên Crackers, Con Gà Quyết Tâm Bài Trừ Tệ đoan Trong Tập đoàn Công Thương. Trong lần đầu ra mắt, Crackers cho biết Ngân Hàng First Boston được chính quyền thành phố New York cho hưởng đặc ân về thuế má với điều kiện phải hứa không được sa thải nhân viên. Sau khi thỏa hiệp xong, ngân hàng vẫn sa thải như thường. Thế là Moore đem Crackers đến đụng độ với Giuliani, thị trưởng New York . Không những Crackers bị cấm không được vào toà Thị Chính (với lý do an ninh), mà khi Moore chạm mặt Giuliani, Giuliani đã không thèm trả lời câu hỏi của Moore , viện cớ Moore đã trình bày vấn đề như một trò đùa. Ông thị trưởng giải thích rằng đây là chuyện quan trọng không đùa bỡn được. Moore lúng túng, lặng người, và khi xem đoạn này tôi cũng lặng người chẳng kém, bởi vì buổi phát hình cho thấy phương thức đụng độ pha tính hài hước của Moore rất dễ bị gạt sang một bên.
Thường thì không mấy khi Moore tiếp xúc được với những nhân vật cao cấp trong giới công thương hay chính quyền. Thế là ông chạm trán với nhân viên bảo vệ hay một tay thư ký quèn, camêra cứ việc quay. Trong phim The Big One , có lần Moore đến chất vấn ban giám đốc công ty sản xuất kẹo Payday về chuyện công nhân bị sa thải. Bị nhân viên bảo vệ tống ra khỏi cửa, Moore tức bực, thách thức và chế giễu họ. Như vậy, đến đây thay vì mục đích chạm trán với giới quyền thế ông lại gây chuyện với những anh bảo vệ thừa hành ăn lương chết đói. Tôi nghĩ điểm này không được khán giả để ý, chẳng riêng gì tôi đâu.
Những chuyện như thế thực chẳng ăn nhằm gì, mà gom lại với nhau thành cái trò đùa. Hiềm một nỗi là Moore nghĩ rằng mình đang làm chính trị thứ thiệt. Ở đây, ông nối gót phái "Tân Tả", nhập nhằng giữa "sân khấu du kích" và chính trị. Thật không may vì đụng độ thường nhẹ về chính trị mà thiên về cảm xúc, cường điệu, lại dễ làm cho đối thủ xem nhẹ những mối quan tâm chính đáng. Nhà sử học Christopher Lasch cho rằng "sân khấu du kích" của Abbie Hoffmann đã "giam phe tả trong một thứ chính trị nặng phần trình diễn, hình thức thì nhiều mà nội dung rỗng tuếch; nó phản ánh thứ chính trị trên trời dưới đất, mà lẽ ra phe tả cần phải vạch trần." Đây là lời chỉ trích nhắm vào những người đi trước Moore , nhưng cũng áp dụng được với Moore . Rộn ràng, hài hước một lúc chẳng làm thay đổi được gì, chỉ càng tỏ ra là mình bất lực.
Sự phi lý và yếm thế của phe tả
Từ khi Moore nhập nghề điện ảnh, những người điểm phim thường tìm ra những nhầm lẫn của ông. Có người buộc tội ông đã bóp méo lịch sử trong phim Roger and Me, cố tình gây cảm tưởng là những diễn biến đã xảy ra tuần tự, sai với thực tế. Gần đây, trong phim Bowling for Columbine , người làm phim gợi ý rằng hai học sinh nổ súng giết bạn cùng trường đã đến lớp chơi bowling lúc 6 giờ cùng ngày. Hồ sơ cảnh sát cho thấy làm gì có chuyện này. Trong cảnh mở màn, Moore bước vào ngân hàng để mở trương mục mới và được tặng một khẩu súng. Moore giơ súng lên cao và hỏi: "Liệu tặng súng trong ngân hàng như thế này không thấy nguy hiểm hay sao?". Thực ra, đấy chỉ là dàn cảnh. Thân chủ mới của ngân hàng phải đi đến tiệm bán súng ở nơi khác để nhận quà - đã quá đáng rồi, cứ nói thẳng thế có mất gì đâu.
Những lời than phiền về Moore có tính cách chính trị nhiều hơn là thực tình quan tâm đến sự chính xác của sự kiện. Chính tạp chí Forbes [9] đã chỉ ra những sai lầm trong phim Bowling for Columbine . Thú thực, tôi không tin ban biên tập báo này sẽ chịu tốn công sức để moi móc nhầm lẫn của những người phát ngôn đảng Cộng Hòa. Thêm nữa, những người chỉ trích Moore không nhận ra những cái mà Moore làm đúng. Trong phim Bowling for Columbine , Moore cho ta thấy chương trình thời sự của các đài TV địa phương đã thổi phồng những hành động bạo lực riêng rẽ, và như thế đã làm cho người dân sợ hãi một cách vô căn cứ. Moore vạch ra chỗ yếu của việc cải tổ chế độ an ninh xã hội, theo đó lớp thợ thuyền nghèo bỏ trợ cấp xã hội để nhận làm việc với số lương thấp. Chương trình TV Nation tường thuật việc nhiều thành phố tàn tạ đến nỗi phải giành giựt nhau mấy cái nhà tù nhằm phục hồi kinh tế, thậm chí có thành phố tranh đua giành khách du lịch với một thị trấn giàu có ở Connecticut vì thị trấn này cấm người không phải là cư dân địa phương sử dụng bãi tắm. Trong phim The Awful Truth , Moore chiếu cảnh những người theo phái Thiên Chúa chính thống cầm biểu ngữ dọa với "bọn pê-đê" là họ sẽ bị "nướng dưới địa ngục." Về dữ kiện thì chẳng có gì sai cả.
Như vậy vấn đề ở đây không phải là sự thiếu chính xác của Moore mà là kỹ thuật ông đã dùng. Thực vậy, khí cụ ông chọn - hình ảnh và giải trí - có nhiều hạn chế rõ rệt. Chức năng giải thích mờ dần trước những hình ảnh khi cắt khi dán, liên tục những cảnh này đuổi theo cảnh kia. Như một số nhà phê bình điện ảnh chỉ ra, cái "lôgic" của Bowling For Columbine không đứng vững. Lấy một ví dụ (chưa kể ở trên) để minh họa điều không ổn trong công trình của Moore . Nhằm giải thích nguyên do cuộc nổ súng ở trường Columbine, Moore đưa ra cái ý tưởng là Clinton đã cho ném bom xuống Sudan vào thời điểm vụ Columbine xảy ra. Moore lùi về lịch sử để dẫn chứng cho cái nhân tố bạo lực tiềm tàng trong chính sách ngoại giao Mỹ, qua những hình ảnh vá víu, rời rạc về sự can thiệp của Mỹ ở Iran ( thập niên 50), Vietnam (60), Trung Mỹ (80), Trung đông (90). Rõ ràng Moore dụng tâm đưa những hình ảnh này ra nhằm gây ấn tượng nước Mỹ là một cường quốc mang bản chất bạo lực -ông biện chứng rằng cái bạo lực này đã ''gậy ông lại đập lưng ông''. Nếu cứ theo cái lô gíc này thì Moore gợi ý rằng có một liên hệ đặc biệt giữa chính sách ngoại giao của Mỹ và vụ thảm sát Columbine. Thực tình tôi không biết gì về lý lịch của hai học sinh sát nhân này, nhưng thú thực khó mà tin mấy cậu này có theo dõi chuyện nước Mỹ xông pha trên trường quốc tế, tôi lại càng không chắc các cậu có biết gì về vụ Mỹ can thiệp ở Iran vào những năm 50, thậm chí chắc họ cũng chẳng biết cái nước Iran nằm tận nơi mô. Tôi chỉ thấy truớc mặt những hình ảnh rời rạc, không đầu không đuôi Moore quẳng vào với nhau nhằm đưa ra một luận điểm khiêu khích. Khổ nỗi là tôi chẳng thấy gì ngoài những hình ảnh rời rạc, bị cắt xén khỏi bối cảnh của chúng.
Khi được hỏi ông muốn đạt mục tiêu gì, Moore bày tỏ một lập trường nguy hiểm: lập lờ, nước đôi giữa chính trị và giải trí. ông lý luận như sau: dĩ nhiên là tôi đề cập đến những vấn đề chính trị, nhưng đồng thời tôi còn phải trình diễn cái show của tôi. Theo Ben Frits, Moore có lần nói: "Tôi luôn nghĩ rằng chỉ có 10 đến 20 phần trăm giới độc giả, cũng như khán giả của tôi sẽ lấy những dữ kiện, phân tích trần trụi này để làm một cái gì đó. Nếu tôi gây được sự chú ý của 80 phần trăm kia qua giải trí, hài hước, thì biết đâu dần dần họ cũng ít nhiều nhận ra những điều này." Ở đây Moore rất thực tế: trong thời đại ưa chuộng giải trí, muốn đến với đại chúng ta cần phải dùng phương pháp giải trí. Chí lý đấy, nhưng để giải trí ta thường phải hy sinh sự chính xác. Trả lời phỏng vấn trên đài CNN về những nhầm lẫm trong Stupid White Men , Moore đáp: "Làm gì có sự chính xác trong hài hước?" Điều không ổn của Moore chính là chỗ đó: ông là người giúp vui chọc cười hay là tay phê bình chính trị có nhiệm vụ nói lên sự thật? Công bình mà nói thì không thể trách Moore đã lập lờ giữa tin tức và hài hước, bởi vì đây cũng là thông lệ thời nay. Vấn đề là liệu phe tả có làm nên trò trống gì nếu họ chấp nhận cái thông lệ ấy. Nhà bình luận Mark Crispin từng bàn đến thói "thời thượng cho đến chết" và thái độ thờ ơ châm biếm của khán giả truyền hình hiện nay. TV chẳng chừa một ai, khán giả không thích bị lừa, vì thế họ bác bỏ những ai vỗ ngực tự cho mình nói lên được sự thực, còn họ trở thành kẻ yếm thế. Nhớ lại những chương trình trước đây như Beavis and Butthead , làm ta vừa vui cười vừa nhạo báng những màn khôi hài của hai anh chàng phê bình trên kênh MTV, hay Married with Children của Fox với quan điểm yếm thế về gia đình, hoặc cái vẻ tự mãn của Jerry Seinfield. Hãy xem quảng cáo của Sprite trần trụi không hình ảnh. Trào lộng và yếm thế là mẫu mực của văn hóa hậu hiện đại và Moore có vẻ rất thoải mái với điều đó. Trong một buổi phát hình của chương trình The Awful Truth ở hồi kết thúc, Moore cho chiếu một màn quảng cáo giả dạng, nhằm cổ động cho "Bộ đồ chơi Michael Moore", gồm đủ mặt nạ Moore, micrô, và cái đầu hói giả cho một người bạn đội lên để đóng vai ông lớn trong giới doanh thương. Trong khi bọn trẻ con đùa nghịch với những món đồ chơi ấy, người tường thuật vạch ra rằng Moore đã trở thành triệu phú nhờ những chương trình TV, phim ảnh, và những cuốn sách của ông (một điểm mà những kẻ chỉ trích Moore luôn luôn nhắc đến). More cười mủm mỉm.
Một trong những công trình ít được nhắc tới của Moore , phim Canadian Bacon , đã nắm bắt được cái bản chất yếm thế của ông. Ông vừa là người viết truyện, vừa là nhà sản xuất và đạo diễn cuốn phim mà nội dung có thể xem như một bình luận chính trị. Cũng như Stanley Kubrick trong bộ phim cổ điển Dr Strangelove , Moore đề cập đến cuộc Chiến Tranh Lạnh với con mắt nhìn lại quá khứ. Canadian Bacon xem Chiến Tranh Lạnh như là công cụ chống đỡ cho nền kinh tế Hoa Kỳ, đồng thời trình bày chi tiết về phong trào hòa bình đã công kích nước Mỹ vừa hiếu chiến vừa phúc lợi ("warfare/welfare state"). Vị tổng thống là người tự do cấp tiến (do Alan Alda đóng), ông trách cứ bọn ươn hèn "đếm từng xu" ở Washington đã không chịu "bơm" cho nền kinh tế Mỹ phồng lên sau khi Liên Xô sụp đổ. Viên Cố Vấn An Ninh đầy nam tính thúc giục tổng thống tìm một kẻ thù mới thay cho Liên Xô cũ, làm thế nào để cho cái phần "hiếu chiến" hồi sinh và phát triển trở lại. Cố vấn đề nghị chọn Canada . Khi tổng thống phản đối, cố vấn nói toạc: "Ngài thừa biết là dân Mỹ sẽ làm tất cả những gì mà ta bảo họ." Khác với ông tổng thống lù đù - mặt mày giống như Adlai Srevenson [10] – trong Dr Strangelove , dám phản đối việc làm bê bối của đám tướng tá ở hội đồng quốc phòng, ông tổng thống tự do cấp tiến của Moore nghe theo lời của viên cố vấn phản động và lao vào cuộc xung đột với Canada . Như vậy, lý luận của cuốn phim là không những chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ tuỳ thuộc vào sự thịnh suy của nền kinh tế và còn cả những thù nghịch vô căn cứ, mà ngay bọn tự do cấp tiến cũng không có gan đứng lên chống lại.
Cái yếm thế của Moore dường như tương phản với niềm hy vọng của ông về đổi thay chính trị. Ở đây, ông theo khuynh hướng đa số trong giới phê bình chính trị tả khuynh hiện nay. Moore là một trong những người to tiếng nhất cho rằng chẳng có gì khác nhau giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Trong Downsize this , ông đặt ra từ mới "Republicrats" (câu nhật tụng của những người ủng hộ Nader [11] ) và đã trích dẫn không đúng chỗ những lời phát biểu của các nhân vật thuộc đảng Dân Chủ để làm cho họ ra vẻ bảo thủ. Moore đả kích Ted Kennedy vì Kennedy đã biện luận chống lại việc cho di dân tự do vào nước Mỹ, sau đó đem những lời phát biểu của Kennedy để đối chiếu với những lời tuyên bố ủng hộ việc di dân vào Mỹ của Newt Gringrich và Goerge W Bush, lúc đó còn là thống đốc Texas. Thực ra đây là một vấn đề phức tạp hơn là Moore nhận định. Trong Stupid White Men , Moore biện luận rằng cái "bảo thủ nhân ái"của Bush so với chính sách của Clinton chẳng khác gì nhau, cá mè một lứa. Điều này làm ta ngạc nhiên bởi vì chính Moore đã bỏ nhiều công sức để bảo vệ Clinton chống lại sự tấn công của phe hữu đòi đàn hạch Clinton . Làm thế nào Moore có thể dung hợp được cái yếm thế cố hữu với một sự dấn thân chính trị hữu hiệu? Chẳng hơn gì so với những người khác. Ông đã mắc cái sai lầm của phe tả thường nhầm lẫn thái độ yếm thế về chính trị với phê bình chính trị nghiêm túc.
Thái độ "chống chính trị" của Moore
Chắc chắn là Moore muốn có sự đổi thay. Khi thì ông khuyến khích ta cần hoạt động cụ thể, ví dụ như trong cuốn Stupid White Men , ông công bố số điện thoại của các nhà chính trị. Moore tin vào giá trị đạo lý của việc phanh phui những điều xấu xa - vạch trần để mà cải thiện. Thỉnh thoảng cũng có khi ông ca ngợi phong trào nghiệp đoàn (thường thì ông hay chỉ trích tính bảo thủ của nó). Trong phim Bowling for Columbine , Moore chiếu cảnh biểu tình chống NRA, gợi ý là trong giới trung lưu Mỹ đã nổi lên phong trào chống lại kỹ nghệ bán súng. Nhưng phụ huynh của một học sinh đã bỏ mình trong vụ thảm sát và cũng là một người cầm đầu phong trào chống NRA có thể có lý khi ông ta xem Moore như kẻ "đã dựa vào cái đau khổ của người khác để làm lợi cho mình." Nhận xét đáng lo ngại: Có phải Moore quan tâm đến giải trí hơn là cải tạo xã hội? Moore tập trung vào hoạt động làm phim, sản xuất chương trình TV xung quanh cá nhân ông mà không đề cập đến sinh hoạt chính trị của người khác. Nói cho cùng thì hoạt động của Moore có tính cách phi chính trị, không vượt qua được giới hạn của lĩnh vực tiêu khiển.
Bowling for Columbine là bộ phim ghi lại một thắng lợi chính trị. Moore cùng đi với hai nạn nhân vụ thảm sát Culumbine đến làm áp lực với K Mart đòi đình chỉ bán loại đạn đã được dùng trong vụ thảm sát Columbine. Thấy người phát ngôn của K Mart do dự, xem nhẹ thái độ của hai học sinh, Moore khẩn khoản yêu cầu ông ta nghĩ lại, nói rằng nhỡ hai học sinh này ra tay hành động gì thì sẽ to chuyện chẳng chơi. Đây là một cảnh thật cảm động. Hành động này của Moore như một lời kêu gọi cái ý thức công dân trong mỗi người. Moore và hai học sinh đạt được mong muốn. K Mart tuyên bố sẽ ngưng việc bán đạn. Moore mừng ra mặt, ông có vẻ như ngạc nhiên trước thành công này. Phải chăng đây là đường hướng hoạt động mới nhằm đổi thay cục diện chính trị. Vỏn vẹn với cái máy quay phim, Moore đã làm cho một công ty khổng lồ phải hổ thẹn, đi đến một quyết định khá đạo đức.
Điểm khác thường của kiểu dấn thân này là chẳng cần tốn công tổ chức nhân lực để làm hậu thuẫn cho tranh đấu chính trị. Làm chi cho mệt khi đã có Moore mang máy quay phim, micrô và mũ baseball đến tiếp cứu. Tự xem mình như kẻ đơn thương độc mã bảo vệ cho công lý xã hội, Moore nhắc nhở ta là chẳng có mấy tổ chức bận tâm đến những vấn nạn mà Moore đang nhúng tay vào. Chẳng hạn khi thấy Moore (trong Awful Truth ) ra tay giúp một công dân thách thức quyết định bất nhân của HMO (tổ chức bảo vệ sức khỏe), khán giả có thể nghĩ rằng hiện đương có nhiều bất công ở đây mà chẳng mấy ai đứng lên vận động cho việc cải tổ chế độ bảo hiểm y tế. Khi Moore đứng ra điều tra việc sử dụng lao động của tù nhân, ta có thể nghĩ rằng ngoài cái tổ chức nghiệp đoàn yếu xịu, chẳng có nhóm nào khác hoạt động chống cưỡng bức lao động trong tù. Thêm vào thái độ yếm thế của Moore về cục diện chính trị nước Mỹ đương thời, chúng ta phải công nhận cái thế khó xử của phe tả, chỉ biết giận dữ mà không có giải pháp chính trị hay chiến thuật cụ thể nào để làm thay đổi tình thế trong tương lai.
Ta hãy nhìn lại chương trình TV nổi tiếng của Edward R. Murrow Harvest of Shame (Mùa Gặt Sỉ Nhục) năm 1960. Cuộc sống nhọc nhằn của người di dân lao động sống nhờ nông trại được làm nổi bật qua cuộc phỏng vấn những gia đình nghèo, cùng một lúc là cuộc phỏng vấn đại diện của cơ quan American Farm Bureau Federation với những lời lẽ yếu ớt bào chữa cho tình trạng khốn khó của họ. Xem chương trình này khiến ta nghĩ là nó đã được thực hiện sánh đôi với chương trình The Other America (Một Nước Mỹ Khác) của Michael Harrington, song song với những nỗ lực của giới nghiệp đoàn và tổ chức cộng đồng để tạo khí thế cho công trình "Great Society" của Lyndon Johnson [12] . Murrow còn đòi CBS phải để ông thêm vào phần cuối chương trình lời kêu gọi cần đổi thay chính trị, mà theo ông chỉ có dư luận quần chúng "khai sáng" và "thức tỉnh" là có thể sửa sai những bất công kể trên.
So sánh Harvest of Shame của Murrow với những công trình của Moore , ta thấy có sự đổi thay lớn trong lĩnh vực truyền thông đại chúng và tình hình chính trị nước Mỹ. Harvest of Change chẳng có chút gì trào lộng. Murrow là một người đạo đức theo cái nghĩa đẹp nhất của từ này. Ông biết rõ rằng muốn thay đổi, ta phải thực lòng đứng ra bênh vực quyền lợi của những kẻ thấp cổ bé họng. đây là điều khiến cho Harvest of Shame có vẻ quá lỗi thời ngày hôm nay. Hình tượng về đạo đức quá căng thẳng. Có sự so sánh thường xuyên giữa cách người Mỹ đối xử với súc vật - kể cả loài vịt ngan và ngựa - và cái cách họ đối xử với người nghèo. Người tường thuật đã gọi chương trình này là G rapes of Wrath [13] của thập niên 60. Với Murrow, sự bất công không thể là đề tài hài hước hoặc trào lộng; khán giả không cười nhưng tức giận, sẵn sàng lao vào vòng chiến. Truyền thông hậu hiện đại đã làm cạn đi cách tiếp cận quá nặng nề chính trị, đạo đức lỗi thời của Murrow. Chẳng có gì buồn cười hay giải trí ở đấy cả.
Cái thế kẹt của Moore
Khi chỉ trích Moore thật khó mà tránh được cái cảnh "nho xanh chẳng đáng miệng người". Người bênh vực Moore sẽ cho rằng tôi ghen tị vì tôi chẳng có cái máy quay phim hay khán giả đông đảo, và quan điểm của tôi chỉ thu hẹp ở những tạp chí ít người đọc. Tôi chịu điểm này. Moore đã bỏ ra nhiều thời gian và công sức để làm cho quan điểm của ông được đông đảo đại chúng biết tới. Về điểm này ta phải phục ông. Điều tôi muốn nói là ông đã trả một giá rất đắt để người ta chú ý đến tiếng nói của mình. Đấy là cái thế kẹt của Moore : những người tả khuynh cứ đứng bên lề hay cần "đột phá" chấp nhận luật chơi của kỹ nghệ giải trí? Tôi không chống hài hước (cứ hỏi bạn tôi thì biết). Điều tôi e ngại là có gì xảy ra cho nhãn quan của phe tả, lúc nó tuân theo luật chơi trong thời đại kỹ-thuật-số.
Những điều tôi vừa bàn trên sẽ không quan trọng gì nếu kỹ thuật được Moore sử dụng đã không tiêu biểu cho những điểm yếu trầm trọng trong phe tả hiện nay. Moore không chỉ là anh chàng lập dị, lại có đủ tài lực để đến với đông đảo khán giả. Việc phê bình chính trị của ông cho thấy những vấn đề mà phe tả phải đương đầu. Đấy là sự bị-ra-rìa; một khuynh hướng tìm kiếm cái thuần túy trong sự đối đầu thay vì tranh đấu cho những giải pháp chính trị lâu dài; một thái độ yếm thế về tính khả thi của nền chính trị đương thời; và những suy xét ít mang tính thuyết phục. Tự Moore đã cho thấy tất cả những điểm yếu này. Thực không may, một phe tả hữu hiệu khó có thể giành được nhiệt huyết hay cảm hứng từ một quan điểm chính trị cực kỳ yếm thế, vốn đã làm lập lờ giữa giải trí và tranh luận. Moore thường đi tắt trong những vấn đề chính trị. Ông làm cho người ta giải trí, và không phải lúc nào cũng đi xa hơn việc này. Điều đó cho thấy cái hiện tình của phe tả; chúng ta giận dữ, đôi khi to tiếng, nhưng chúng ta chẳng có gì để giành cho những người đang kiếm tìm và cần một sự đổi thay xã hội. Trong khi đó, ngành công nghiệp giải trí vẫn cứ xình xịch chạy đều, làm hạ thấp những tranh luận chính trị mang tính nghiêm túc và lảng tránh sự cân nhắc thảo luận. Đó chính là thế giới đình trệ mà Moore đã "đột phá" vào được.
Kevin Mattson
Cao Xuân Tứ dịch và chú thích
(Trích từ: www.talawas.org)
________________________
Kevin Mattson dạy lịch sử Mỹ tại đại học Ohio . Ông đã xuất bản cuốn Intellectuals in Action và đồng biên tập cuốn Steal This University: The Rise of the Corporate University and the Academic Labor Movement .
________________________
Chú thích:
[1] Dissent (đối kháng): Tập san chính trị xã hội tả khuynh xuất bản ở Mỹ một năm 4 lần.
[2] Phim về vụ 2 học sinh nổ súng làm 13 người chết và 23 người khác bi thương ở trường trung học Columbine, Jefferson County, bang Colorado ngày 20 tháng tư, 1999.
[3] CIO: Congress Industrial Organization. Công đoàn Mỹ. Sáp nhập với American Federatin of Labor trở thành AFL-CIO
[4] Charlie Chaplin (1889-1977): nhà hài hước, nhà điện ảnh người Anh vua hề Charlot (City Light, Modern Times, The Great Dictator, Limelight..)
[5] Max Eastman (1883-1969): Nhà báo Mỹ. Lúc đầu thiên tả, chống Thế Chiến I. Sau các cuộc thanh trừng của Stalin ở Liên Xô, ông bỏ phe tả, trở thành người chống Cọng kịch liệt. Từng là phóng viên lưu động cho Reader's Digest trong nhiều năm.
[6] Abbie Hoffmann (1936-1989); Sáng lập đảng Youth International Party (Yip/Yppies). Gây náo loạn ở đại hội đảng Dân Chủ bầu ứng cử viên tổng thống năm 1968 ở Chicago .
[7] Yppies: xem ở trên.
[8] Edward R Murrow(1908-1965): sản xuất và phụ trách chương trình TV của CBS.
[9] Forbes: tạp chí của giới công thương tư bản.
[10] Adlai Stevenson (1900-1965): ứng cử viên đảng Dân Chủ, đã thua Dwight Eisenhower trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 1952 và 1956.
[11] Ralph Nader; ứng cử viên đảng Green Party trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2000.
[12] Lyndon B. Johnson (1908-1073 ): Tổng Thống Mỹ. Lên thay John F. Kennedy tháng 11, 1963. đắc cử tồng thống năm 1964, nhưng không ra ứng cử nhiệm kỳ hai (1968) vì sức ép của chiến tranh Việt Nam . Thành quả lớn của ông là thi hành chương trình cải cách xã hội "The Great Society" ở Mỹ.
[13] Grapes of Wrath: t ác phẩm của John Steinbeck