Phạm Tri - Việt Thần
Những ẩn dụ phía sau công trình văn hóa tâm linh
Từ bàn thờ tổ tiên đến Đình, Đền, Dinh, Miếu, Chùa Chiền, Thánh Thất, Nhà Thờ, Hội Thánh... đều là hình ảnh thiêng liêng gắn liền với đức tin của Việt tộc, phản ảnh một cách sống động đặc biệt tổng thể của nền Văn Hóa – Văn minh Việt, một nhu cầu tinh thần, một tập quán kỳ diệu không thể thiếu trong đời sống Việt nhằm biểu đạt sự hiện diện mầu nhiệm của thế giới hữu hạn và trong vũ trụ bao la, u huyền. Có thể nói đó là tín ngưỡng tôn Thần.
Từ khi có chủ trương theo đường lối tam vô, thân phận các nơi thờ phượng linh thiêng này rất rõ, cũng lênh đênh chìm nổi khốn đốn như định mệnh của dân tộc để cuối cùng tồn tại, phát triển mà không một lực lượng vật chất nào dù độc địa đến đâu cũng không thể triệt tiêu được tôn giáo Việt. Thậm chí các đức sáng ấy bàng bạc bao trùm khắp trời đất Việt, từ siêu nhiên, thiên nhiên, nhơn thần buộc thế giới của họ và họ phải qui Thần.
Thời gian đã giúp họ thấm dần ý nghĩa huyền bí của mọi sự sinh tồn đến rợn gáy nên có thể tìm được ở đó một sự phản tỉnh dù chưa phải hoàn toàn. Do đó, trong những năm gần đây, bất chấp sự giáo dục của Bộ chính trị các Đảng viên, cán bộ từ Trung Ương đến địa phương cùng gia đình của CS hàng hàng lớp lớp nối đuôi nhau đến các nơi thờ tự để xin lễ, chiêm bái, cầu nguyện. Không những thế, trong các buổi tiệc lễ, tế lễ, tang chế của gia đình cũng được tổ chức chu đáo tùy theo nghi thức của mỗi một tín ngưỡng mà xem như không cần biết đến sự có mặt của ĐCS.
Tất nhiên khi đức tin trở thành một khát vọng vô biên, những gì ngược lại sẽ là những phản ứng rất mạnh, rất thực - thực đến mức ngày nay người dân không cần giữ môi miệng mà rằng nơi nào "Kính Chúa, Kính Phật, yêu XHCN" thì nơi ấy vắng như "chùa bà Đanh" ĐCSVN nghĩ gì? Chẳng lẽ tới cái chổ ngồi của Thần Linh , của Phật, của Chúa mà cũng cướp vĩnh viễn hay sao! Đối phó trước cao trào của dân chúng, ĐCS như giành lại thế chủ động bằng cách ra chỉ thị cho phép có giới hạn ở các địa phương được trùng tu, tôn tạo, xây dựng nhà thờ, chùa, Đình, Điện, Đền...
Và mới đây, theo Thông Tấn Xã Việt Nam tối ngày 7-2-06 tại khu di tích đền Trần ở phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định đã tổ chức long trọng lễ khánh thành và an vị tượng của 14 vị hoàng đế nhà Trần (từ Trần Thái Tông đến Trần Quí Khoách). Cũng theo TTXVN đây là một công trình văn hóa tâm linh nhằm tôn vinh triều đại nhà Trần, một trong những triều đại thạnh trị bậc nhất của chế độ phong kiến Việt Nam đã cùng với quân dân Đại Việt viết nên trang sử vàng chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước.
Tượng của 14 vị hoàng đế nhà Trần được đúc bằng đồng nguyên chất, mỗi tượng có trong lượng 900kg đồng. Đến tham dự có cựu TBT Đỗ Mười, Hòa Thượng Thích Thanh Tứ PCT thường trực HĐ trị sự Trung Ương GHPGVN (TTXVN)
Nhìn lại lịch sử uy vũ Việt qua 10 thế kỷ Bắc thuộc là 10 thế kỷ chống giặc Tàu xâm lược bảo vệ tổ quốc, đã có biết bao triều đại, biết bao tấm gương anh hùng, anh thư nữ kiệt dù thời gian trị vì lâu dài hay ngắn ngủi có khác nhau nhưng con dân nước Việt không bao giờ quên ơn, quên nghĩa đối với tổ tiên.Vì thế việc sùng kính thờ phụng các bậc tiên đế trong đó có các vị hoàng đế của nhà Trần, các bậc anh hùng, hiền tài, đức độ cũng chính là tôn thờ cái nguyên khí, thần khí của tổ quốc.
Có người Việt nào mà không ước mong thực hiện cho kỳ được cái bổn phận cao quý này đối với tiền nhân. Nhưng vốn ĐCSVN có những quan điểm đối kháng với dân tộc, với tổ quốc. Riêng ở đây là quan điểm về văn hóa. Chẳng phải họ luôn nói rằng văn hóa, văn học, nghệ thuật là một bộ phận của Đảng, phục vụ những mục tiêu chính trị của Đảng trong từng giai đoạn lịch sử. Như thế ĐCS đã chính trị hóa cái công trình văn hóa tâm linh có tính toán ưu tiên này để phục vụ một sách lược mới, một thủ đoạn khủng bố mới qua phép ẩn dụ làm sống dậy một nhân vật mà ĐCSVN đắc ý nhất trong đời nhà Trần – Trần Thủ Độ, một Trần Thủ Độ không học vấn, loạn luân, nhưng tính cách gian hùng thì tự cổ chí kim chỉ có một. Cướp ngôi nhà Lý, có công khai sáng nhà Trần, được Trần Thái Tông phong đến chức Thái Sứ Thống Quốc hành quản chinh thảo sự.Trần Thủ Độ vẫn chưa yên lòng dù Lý Huệ Tông đã xuất gia vào ở chùa Chân Giáo. Lịch sử còn ghi câu nói vô cùng hiểm độc của Trần Thủ Độ dành cho Lý Huệ Tông: "Nhổ cỏ thì nhổ cả rễ cái của nó" đã đẩy Lý Huệ Tông tới chỗ thắt cổ tự vẩn! (theo VNSL)
Nhớ lại thời kỳ đấu tố, ĐCSVN sửa lại phiên khúc này thành vần, thành điệu làm tăng thêm cường độ của sự tàn ác "trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ" sử xanh còn có cách kêu trời! chính sách ngu dân, hụt hẫng trí tuệ cũng bắt đầu từ đây!
Giết Lý Huệ Tông chưa đủ, Trần Thủ Độ còn muốn trừ khử cả tôn thất của nhà Lý. Nhân cơ hội tổ chức lễ tế thiên hậu (các bà hoàng hậu đời trước của họ Lý) nhà Lý ở làng Hoa Lâm, huyện Đông Ngạn tỉnh Bắc Ninh, vào năm Nhâm Thìn (1232), lúc ấy Trần Thủ Độ ngầm sai người đào hố ở dưới, làm nhà lá ở trên, đến khi các tôn thất của nhà Lý vào tế lễ vô tình bỗng sụp cả xuống hố, Trần Thủ Độ đã chuẩn bị sẵn, sai người lấp đất chôn sống tất cả! Người nào còn sống sót trong nước mang họ Lý phải cải đổi ra thành họ Nguyễn (theo VNSL)
Một lần nữa lịch sử vàng son của ĐCSVN có điểm nào dị biệt với Trần Thủ Độ? Nếu có, là sự khác biệt về số lần và số lượng đến ớn lạnh! Cho nên nếu bảo ĐCSVN là không sai lầm, không gian ác, không lạc hậu thì không còn có gì là sai lầm, lạc hậu, độc ác nữa!
Đứng trước một giai đoạn lịch sử đen tối do ĐCSVN cai trị, có vùng đất nào, có người Việt nào mà không đau buốt đến tận tủy xương, có gia đình Việt nào mà không tang tóc, chia ly, có tôn giáo nào mà không bị tịch thu tài sản và tù đày.
Nhưng cũng vì "quá khứ và hiện tại chỉ là phương tiện, tương lai mới là hạnh phúc của chúng ta" như Pascal đã nói, nên chúng tôi:
"Có nhiều lúc máu trào lên ngọn bút
Cũng đành thôi viết hai chữ căm hờn"
Thời đại ngày nay đảng tạo ra những nấc thang giá trị mới, để vươn tới điều đó ĐCSVN phải thức tỉnh để chấp nhận học tập vả áp dụng học thuyết mới như một phần của hiện đại hóa, trước nhất là hiện đại hóa tư tưởng. Từ đó xây dựng một nền văn hóa tâm linh đúng nghĩa. Đương nhiên là phải đoạn tuyệt với những cái phi nhân, phản tiến hóa đã làm cho xã hội Việt băng hoại, trì trệ. Bằng không, công cuộc đổi mới như một người ngọng nghịu, kinh phong. Ngược lại nếu ĐCSVN cứ khư khư mãi đi trong vòng lẩn quẩn từ độc tài Đảng trị, bè phái đến gia đình trị và xem cải cách như một thứ son phấn thì có lẽ những người CS giác ngộ theo chủ nghĩa yêu nước, yêu dân chủ phải nghĩ ngay đến một giải pháp khác. Vì thời gian không đứng đợi bao giờ.
Phạm Tri - Việt Thần