Nguyễn Hiền
“Nhỏ bé” trong ngôn ngữ Hòa Lan
Bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới cũng chứa vài điểm đặc thù, có thể ngộ nghĩnh cũng có thể gây khó chịu đối với những người đang tập làm quen với nó. Tiếng Anh mang theo một sự suy đoán liên tục khi phải đọc một bản văn có chứa những từ ngữ lạ. Tiếng Pháp với cách kết nối âm giữa hai từ đứng cạnh nhau (liason) là trở ngại lớn cho người mới học đối thoại. Tiếng Ðức phải nhớ viết hoa những danh từ. Tiếng Phần Lan có những biến đổi từ ngữ khá phức tạp tùy theo vị trí trong câu, ngay cả tên riêng cũng phải đổi. Tiếng Indonesia giản dị khi chỉ cần thêm số 2 vào sau để chỉ số nhiều. Khi dùng tiếng Việt phải luôn luôn nhớ vị trí xã hội, gia tộc của những nhân vật liên quan để xưng hô cho đúng. Còn tiếng Hòa Lan thì sao? Ngoài vụ “khọt khẹt” khi phát âm vần ch hay g, tiếng Hòa Lan còn có một nét riêng: thêm hai mẫu tự je vào sau danh từ để diễn tả sự nhỏ bé.
Huis: cái nhà, huisje: cái nhà nhỏ
Hond: con chó, hondje: con chó nhỏ v.v…
Ðôi khi, để cho dễ phát âm, mẫu tự t, p, k hay et được thêm vào trước je.
Konijn: con thỏ, konijntje: con thỏ nhỏ
Boom: cái cây, boompje: cái cây nhỏ v.v…
Có những từ không thể làm nhỏ hơn được nữa theo cách này, như meisje (cô gái), có nguồn gốc từ meid (thiếu nữ). Khi muốn làm meisje nhỏ hơn nữa, chỉ còn cách thêm tĩnh từ “nhỏ” vào trước: een klein meisje.
Ðiểm đặc biệt là trong đối thoại hàng ngày, phái nữ sử dụng cách làm nhỏ nhiều hơn phái nam, nhất là khi họ chuyện trò với các em bé. Phải chăng trong thâm tâm họ muốn mọi sự đều nhỏ lại để cho các em thấy gần gũi hơn? Hoặc tất cả những vật nhỏ bé trong mắt người phụ nữ đều dễ thương? Trong những cuộc phỏng vấn, ta thấy nữ giới sử dụng cách này như một hình thức gây sự thân mật với người phỏng vấn, và với khán thính giả. Ðiều này có thể so sánh với cung cách xã giao của người Việt. Ở người Việt, phái nữ thường cảm thấy không tự nhiên khi họ phải xưng hô theo khuôn mẫu giao dịch làm ăn, tự xưng là tôi và dùng những tiếng như “ông, bà, anh, chị” cho người đối diện. Phụ nữ Việt thích đặt mình trong một khung cảnh gia đình thân mật hơn qua những cặp từ “chị/em”, “dì/cháu” v.v… Thói quen này có lẽ do người phụ nữ Việt Nam có nhiều giao tiếp trong phạm vi gia đình, với những người quen thân hơn là trong phạm vi xã hội như ở nam giới.
“Làm nhỏ sự việc” gắn cho chúng ý nghĩa thân mật, do đó người ta không dùng thể này trong khung cảnh trang nghiêm, trong diễn văn chính thức, khi bàn chuyện quan trọng.
Với người ngoại quốc khi mới học tiếng Hòa Lan, đã có lời khuyên nên dùng cách “làm nhỏ lại” này để tránh việc phải suy nghĩ xem tính từ có phải biến thể (thêm e vào sau) hay không, vì tất cả những từ “nhỏ bé” đều mất cả giống đực hay giống cái, để thành “vô phái tính”. Khi nói een mooi huisje, een slim hondje ta chẳng cần suy nghĩ như khi nói een mooi huis, een slimme hond.
Trong sinh hoạt hàng ngày, ngôn ngữ có những giao ước không thành văn.
Tiếp vĩ ngữ -je thực ra không đơn giản là chỉ làm nhỏ sự vật. Trong thực tế, phương cách “làm nhỏ lại” mang một tính năng là làm đẹp thêm ngôn từ. Chúng ta có thể tự hỏi: tiếng Việt có cách nào tương tự như vậy không. Câu trả lời là “không” và “có”. Không, vì trong tiếng Việt ta không có một từ nào tương đương để biểu thị tính nhỏ, xinh, cái đẹp một cách tổng quát. Có, vì tiếng Việt có những cách dùng từ phức tạp hơn tiếng Hòa Lan để biểu thị những tinh tế trong cách viết hay cách nói, mà ta thường không để ý.
Thí dụ:
Huis: cái nhà, huisje trong tiếng Việt sẽ trở thành căn nhà (nhỏ). Cái nhà lớn là tiếng Việt nhưng không mang hồn Việt. Trong trường hợp này người Việt sẽ nói ngôi (hay tòa) nhà lớn, ngôi nhà đồ sộ.
Konijn: con thỏ, konijntje khi qua tiếng Việt không là con thỏ nhỏ mà thành chú thỏ.
Een klein meisje sẽ không là cô gái nhỏ mà thành cô bé hay cô nhỏ. Ngược lại buikje không phải là cái bụng nhỏ mà là bụng bầu hay bụng phệ. Trong giới ăn nhậu, buikje có nghĩa là chai bia nửa lít.
Klusje trong tiếng Việt sẽ là việc lặt vặt, không phải “chuyện nhỏ”. Cho ý này, tiếng Hòa Lan có “koud kunstje”.
Trong ăn uống, “-je” là một bà nội trợ biến đổi thực phẩm thành món ăn: ijs (nước đá, kem) thành ijsje (cây kem, ly kem), patat (khoai chiên) thành patatje ([một] phần khoai chiên), bier (rượu bia) thành biertje (ly bia hay chai bia), hap (miếng cắn) thành hapje (món ăn nhẹ khai vị). Vào quán rượu bạn nhớ gọi nootjes (đậu phộng, hạt điều… rang), chớ có gọi noten vì tiệm không có nốt nhạc để bán cho bạn đâu, mặc dù chữ nootje(s) trong tự điển Hòa Lan không có.
Tóm lại, phần nhiều ta có thể đoán được nghĩa của những từ tận cùng bằng -je qua cách suy luận từ chữ gốc. Tuy thế, có những khi chữ nghĩa đã biến thể, đi khá xa nghĩa gốc. Vuurtje có nghĩa là đốm lửa nhỏ, cũng có thể là mồi lửa thuốc lá thì ta còn có thể đoán ra, còn muốn biết được bloedje có nghĩa là đứa trẻ bất hạnh, đứa bé đáng thương có lẽ phần lớn chúng ta phải cần một cuốn tự điển thực sự.
Nhiều người tưởng moedertje có nghĩa là bà mẹ nhỏ, khi họ liên tưởng đến trò chơi vợ chồng của trẻ em (vader en moedertje) nhưng không phải vậy. Moedertje có nghĩa là “bà già chu đáo cẩn thận”.
Nummertje không phải là con số nhỏ đâu. Với mấy bà, chữ này có nghĩa là (lấy) số thứ tự để chờ tới phiên mua hàng. Với mấy ông, nó có nghĩa khác hẳn, đó là chuyện “trên giường”.
Trên đây chỉ là một số trong nhiều thí dụ của những từ ngữ Hòa Lan được làm “nhỏ đi” với tiếp vĩ ngữ -je. Qua đó, các bạn biết tiếng Hòa Lan chắc hẳn sẽ cảm nhận được cái hồn ngôn ngữ tiềm ẩn trong đó. Các bạn không ở Hòa Lan có thể thấy rằng ngôn ngữ nào cũng có những nét phong phú riêng của nó. Còn Google translate cần một thời gian rất dài mới thấm được những nét này.
Nguyễn Hiền