Uyên Thao


Nhìn lại nghề cầm bút

Nghề báo là nghề khoe dốt!

Đó là một định nghĩa luôn hiện đến với tôi mỗi khi nghĩ về cái nghề mà mình đã theo đuổi. Tôi không nhớ ai đưa ra định nghĩa này và tôi đã nghe được hay đọc được vào trường hợp nào, ngoại trừ thời gian là khoảng 1956-57. Đó là thời gian tôi ngồi ở toà soạn tuần báo Hà Nội tại đường Gia Long, Sài Gòn. Thuở đó, tôi mới ngoài hai mươi trong khi toà soạn toàn những người sắp bước sang tuổi về chiều gồm các anh Phan Trâm, Nguyễn Tiến Hỷ, Nguyễn Gia Trí, Tú Duyên, Trần Việt Sơn, Thái Bằng ... Tất cả đều là những tên tuổi quen thuộc của làng báo Việt Nam với quá trình viết, vẽ khá lâu năm nhưng lại đều không quen với việc sắp đặt hình thức và kỹ thuật của một tờ báo. Vì thế, dù mới góp mặt trong nghề khoảng 4, 5 năm, tôi đã được đặt vào ghế Tổng Thư Ký Toà Soạn và có tên in trên manchette bên cạnh tên chủ nhiệm Phan Trâm, chủ bút Nguyễn Tiến Hỷ.

Nhưng, tờ báo không đạt số độc giả như mong đợi.

Mức tirage èo uột khiến tôi nhớ lại thuở ngồi tại toà soạn nhật báo Dân Chủ của ký giả Vũ Ngọc Các mấy năm trước. Tôi vẫn coi anh Các là người thầy đầu tiên trong nghề, dù anh Các chẳng bao giờ có ý định dạy dỗ ai. Điều tôi học được ở anh chỉ là sự ghi nhận từ những dịp chuyện phiếm trong toà soạn hoặc bên ly cà phê trên vỉa hè đường Colonel Grimaud đã được thay tên là đường Phạm Ngũ Lão.

Khi có mặt trong toà soạn nhật báo Dân Chủ tại Sài Gòn vào cuối năm 1955, tôi đã là một cây bút tương đối được tín nhiệm của nhiều vị chủ báo. Từ mấy năm trước tại Hà Nội, ông Phạm Văn Thụ, chủ nhiệm tuần báo Cải Tạo tỏ ra thích các bài viết của tôi bàn về một số tác phẩm văn nghệ và đã dành cho tôi vị thế của một cộng tác viên thường trực. Thời điểm đó, bài viết của tôi cũng xuất hiện trên các tờ báo khác ở Hà Nội trong số có hai tờ báo lớn là tuần báo Ý Dân và nhật báo Tia Sáng. Nhưng tôi vẫn mù tịt về báo chí. Đối với tôi, cầm bút hoàn toàn do ngẫu hứng, bất ngờ bị thôi thúc phải viết về một đề tài gì đó thì viết. Và, tôi đã viết đủ thứ. Những bài đầu tiên của tôi là dịch một số truyện của Anatole France, rồi dịch cuốn Le Petit Chose của Alphonse Daudet. Sau đó, khi thì tôi sáng tác truyện ngắn, khi thì tôi viết về các vấn đề thời sự, khi thì tôi bàn về một tác giả nào đó vừa có sách xuất bản hoặc một tác giả cổ điển của mấy thế kỷ trước và khi thì tôi làm thơ... Nói tóm lại, tôi chẳng nghĩ gì về báo chí mà cứ cặm cụi viết rồi gửi đi. Với tôi, báo chí chỉ đơn giản là phương tiện truyền bá bài viết của người cầm bút.

Mấy năm sau ở Sài Gòn, ý nghĩ của tôi về báo chí cũng không thay đổi, dù tôi đã làm quen thêm nhiều tờ báo và nhiều người làm báo, cho tới khi nằm tại bộ Tư Lệnh Miền Đông của quân đội giáo phái Cao Đài. Thời gian này, tôi có dịp kề cận một cây bút chủ lực cũ của báo Ý Dân ở Hà Nội là anh Sơn Điền. Anh là cây bút chuyên về phân tích thời sự và qua anh, tôi bắt đầu thấy báo chí không chỉ là phương tiện truyền bá bài viết mà là võ khí quan trọng của những người đấu tranh cho một mục tiêu nào đó trong cuộc sống.

– Anh Sơn Điền về sau đổi bút hiệu là Sơn Điền Hoàng Hải để tránh ngộ nhận do có sự xuất hiện bút hiệu Sơn Điền trên một số tờ báo ở Sài Gòn. Tuy nhiên anh không còn viết thường xuyên như đầu thập niên 50 mà tập trung nỗ lực vào hoạt động đoàn thể, bởi anh là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng lưu vong ở Côn Minh mới trở về Hà Nội đầu thập niên 50.

Ý nghĩ mới của tôi về báo chí trở thành ổn định khi tôi có mặt trong toà soạn nhật báo Quốc Gia, tiếng nói của Lực Lượng Liên Minh Quốc Gia Kháng Chiến. Tờ báo hình thành và ra mắt khoảng hai tháng sau khi tướng Trình Minh Thế tử trận tại cầu Tân Thuận. Suốt thời gian chuẩn bị cho tờ báo ra mắt, tôi gần như không lúc nào quên hình ảnh của "anh Tư" vào buổi trưa hôm đó khi tướng Thế ngồi trên chiếc Peugeot 203 chạy ngang sân bóng chuyền tại bộ Tư Lệnh Miền Đông của quân đội Cao Đài. Ông tươi cười vẫy tay chào tạm biệt chúng tôi để ra thị sát mặt trận. Đó là hình ảnh cuối cùng của ông.

Tại toà soạn Quốc Gia, tôi tiếp tục lãnh số lương tháng 200 đồng, ăn ngủ ngay tại toà soạn và được giao bất kỳ công việc gì hoặc ngồi chơi suốt ngày. Công việc làm báo không thay đổi nếp sinh hoạt của chúng tôi, ngoại trừ việc chúng tôi rời về địa điểm mới là ngôi nhà tại đường Hồ Xuân Hương. Một công việc tương đối rõ rệt của tôi trong thời gian này là bám sát trung đoàn 60, đơn vị đang bao vây lực lượng Bình Xuyên tại Rừng Sác. Tôi có mặt với tư cách phóng viên, nhưng người chỉ huy đơn vị là Trung Tá Thừa không lưu tâm tới tư cách này của tôi, có lẽ vì quen coi tôi như một thuộc cấp. Ông là người nóng nẩy luôn gắt gỏng và vì thế công việc trở thành mất hứng thú với tôi.

Tôi quanh quẩn ít ngày tại đây rồi quay về Sài Gòn.

Người điều khiển tờ báo là anh Nguyễn Văn Phương đón tôi với nụ cười thật tươi. Anh nhắc tôi cất đồ vào phòng rồi ra gặp anh liền. Anh rời bàn viết ra dấu cho tôi xuống nhà. Tôi không biết anh tính toán gì, lặng lẽ đi theo với ý nghĩ "chắc ông ấy muốn đãi mình một bữa cơm đặc biệt thay vì cá kho muôn năm". Nhưng anh không vào phòng ăn mà hướng ra phòng khách, rồi ra đường. Tôi vẫn mặc nguyên bộ đồ của rừng núi, tiếp tục bước theo anh, không hiểu chuyện gì sẽ xẩy ra. Dù anh mặc sơ mi cụt tay, đi dép thì tôi vẫn biết chắc anh là Thiếu Tá Phương của Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Liên Minh Quốc Gia Kháng Chiến và tôi không thể làm trái lệnh. Anh bước thẳng ra giữa đường, dang tay chặn một chiếc xích lô máy, hất hàm ra dấu cho tôi lên xe rồi bước lên ngồi cạnh tôi. Anh chỉ hướng cho người lái xe chạy về phía đường Lê Văn Duyệt mà lúc đó chúng tôi vẫn gọi theo tên cũ là đường Verdun, quẹo ngược lên Ngã Sáu qua khu Bến Thành rồi vòng lại đường Galliéni cũng đã có tên mới là Trần Hưng Đạo. Theo hướng chỉ của anh, chiếc xe chở chúng tôi đi về phía Chợ Lớn. Bình thường, Chợ Lớn đã là một khu mê hồn trận với tôi nên tôi càng mịt mù hơn vào lúc đó. Tôi không hiểu anh Phương muốn đưa tôi tới đâu và có công việc gì. Từ lúc tôi trở về, anh không hỏi về công việc tại Rừng Sác, cũng không nói gì ngoài cái hất hàm ra lệnh cho tôi lên chiếc xích lô máy này. Xe tiếp tục chạy, lúc quẹo phải, lúc quẹo trái qua hết phố này tới phố khác cùng với những thắc mắc không có lời giải đáp của tôi. Tôi rời căn cứ Thị Vãi vào buổi chiều nên khi về tới Sài Gòn và bước lên chiếc xích lô máy thì đã chập choạng tối. Chúng tôi tiếp tục đi trong bóng đêm chỉ được phá vỡ từng mảng bởi những vũng ánh đèn vàng vọt và thắc mắc của tôi càng trở nên lớn hơn. Khoảng một giờ sau thì tôi nhận ra xe đang chạy dọc bờ sông ngược về hướng Sài Gòn. Rồi xe vòng trở lại khu Bến Thành, qua vườn Tao Đàn và dừng lại trước cửa toà báo.

Lúc xuống xe, anh Phương mới cười nói đó là phần thưởng dành cho tôi, sau những ngày cực nhọc. "Để cậu có dịp nhìn phố phường một chút" . Tôi rơi vào nghề báo không qua trường lớp nào và với cách sinh hoạt như thế.

Nhật báo Dân Chủ trở thành nơi đầu tiên gợi lên ý niệm về nghề nghiệp nhưng lại giới hạn trong phạm vi phương cách duy trì và phát triển tờ báo. Anh Vũ Ngọc Các không bao giờ định nghĩa về nghề báo mà chỉ nhắc chúng tôi về những việc cần làm để giữ vững hơi thở của tờ báo và đạt số lượng độc giả mong muốn. Theo anh, việc bán báo không khác việc kết bạn. Muốn mở rộng tương quan, có thêm bằng hữu thì trước hết phải biểu hiện được mình là người như thế nào. Anh cho rằng mỗi mẫu người đều sẽ được sự tán trợ của một đám đông, ngoại trừ kẻ nay thế này mai thế khác. Cũng thế, một tờ báo không có điểm nào đặc biệt, luôn thay đổi như chong chóng chắc chắn không thể có độc giả. Cách thức mà anh nhắc đến là cần nêu bật đặc trưng của tờ báo bao gồm cả hình thức lẫn nội dung và biết sắp đặt để có điều kiện kiên trì chờ đợi. "Thời gian sẽ mang đến cho chúng ta thêm bằng hữu, vì thời gian là yếu tố duy nhất giúp độc giả nhận ra chúng ta".

Nhớ lại những lời nhắc này, tôi mở từng tờ báo cũ để tìm coi đặc trưng tờ báo tôi đang phụ trách ra sao. Tôi nhận ra ngay tuần báo Hà Nội không có sắc thái gì rõ rệt. Tuy có sự cộng tác của những cây bút tên tuổi, tờ báo vẫn là một tập hợp hỗn loạn. Trên trang nhất luôn dày đặc những bài nghị luận dài dặc và những bức hí hoạ cỡ lớn của hai hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí, Tú Duyên có vẻ không phù hợp với thị hiếu trong thời điểm này. Các trang khác là sự lấp đầy bằng những sáng tác văn nghệ mang tính ngẫu hứng bất chợt của người viết không tạo nổi nơi người đọc một sự chờ đợi gì ở những số kế tiếp. Chỉ riêng nửa trang tư dành cho phần châm biếm do anh Phan Trâm phụ trách là có tính liên tục nhưng lại thiếu sức cuốn hút. Điểm nổi bật nhất của tờ báo chỉ là lập trường đối lập với chính quyền. Và chính cái điểm nổi bật này khiến tờ báo bị đóng cửa, trước khi tôi kịp có thời gian sắp đặt lại mọi chuyện cần thiết.

Cả toà soạn coi việc báo bị đóng cửa là tự nhiên, chỉ riêng tôi thấy mình không làm tròn công việc. Mấy tiếng "khoe dốt" cứ như một âm vang liên tục trong đầu dù tôi tin chắc người nêu định nghĩa chỉ muốn dùng chữ "khoe" để nhấn mạnh "tính phơi bày bắt buộc" với mục đích nhắc nhở một sự thận trọng thường xuyên trong công việc chứ không hề ngụ ý khuyến khích "phô diễn" – vì làm sao có thể kiếm được trên đời này một người thích đem cái dốt ra khoe và khoe dốt để nhận được gì?

Tôi tự thấy tôi chỉ vỏn vẹn có một số vốn hiểu biết về hình thức và kỹ thuật thực hiện một tờ báo mà thôi. Ngoài ra, nghề báo là gì, nội dung tờ báo ra sao, yếu tố chinh phục độc giả cũng như cách thức tránh né đòn đánh trả của những thế lực đối nghịch là điều tôi không nghĩ tới – đúng hơn là không hiểu rõ. Tôi đã lao vào công việc bằng sự ngu dốt và không nhận ra mình ngu dốt. Hậu quả hiển nhiên là tôi không thể đẩy nổi số in của tờ báo lên khỏi mức 5000 số mỗi tuần và đã nhận cái lệnh đóng cửa khi tờ báo chỉ vừa có mặt tròn ba tháng. Nếu áp dụng riêng cho trường hợp của tôi và hiểu theo cách diễn tả đơn sơ của từ ngữ thì tôi là người đã thể hiện hoàn toàn đúng câu định nghĩa nghề báo là nghề khoe dốt.

Ý nghĩ này khiến suốt những năm tháng về sau, câu định nghĩa nghề báo là nghề khoe dốt không lúc nào rời khỏi đầu tôi. Tôi thấy bất kỳ ngành nghề nào cũng có thể giấu cái dốt, ngoại trừ nghề báo. Với mọi ngành nghề, công việc hay sản phẩm đều tách rời con người, trong khi người làm báo luôn bị gắn chặt vào sản phẩm và cái sản phẩm đó luôn bày ra hàng ngày trước mắt thiên hạ, thường xuyên xuất hiện dưới mọi chiều ánh sáng thẩm định. Tôi hiểu rằng không một người nào hoàn toàn sáng suốt nhưng ít nhất thì cũng không nên phô diễn lại những cái dốt đã từng đem ra khoe để thành một thứ chọc mãi vào mắt mọi người. Nhiều năm trước tôi đã nghe được từ một võ sư lời nhắc nhở các môn sinh: "Học võ không phải để thắng bất kỳ ai mà để thắng chính mình". Dựa theo lời nhắc đó, tôi tự đặt cho mình lối làm việc là mỗi ngày đều ráng vượt qua cái dốt đã phơi bày hôm trước và cố nhận ra cái dốt đang phơi bày hôm nay. Tôi chọn lối làm việc này do không dám ảo tưởng thanh toán được mọi cái dốt, vì tôi biết chắc chẳng có môn sinh nào của vị võ sư kia có thể tiêu diệt nổi cảm giác kiêu căng hoặc sợ sệt hay những mưu tính khuất tất xuất hiện trong một khoảnh khắc nào đó và cũng chẳng môn sinh nào có thể đạt mức hoàn hảo về kỹ thuật chiến đấu. Chủ yếu chỉ là cần hiểu rằng mình dốt và đang theo đuổi một cái nghề không thể che giấu nổi cái dốt.

Nhưng đây chỉ là khía cạnh biểu hiện nghề nghiệp thôi chứ không phải là chính nghề nghiệp. Gần hai mươi năm tiếp theo ngày đó cho tới tháng 4 năm 1975, ngoài sách vở, tôi luôn theo dõi công việc của những người xung quanh, nhất là các bậc đàn anh để tìm cho mình một lời giải đáp về cái nghề mà mình đang theo đuổi.

Tôi đã bắt gặp nhiều quan niệm trong số có quan niệm được lập lại nhiều lần, qua chuyện trò, qua các bài diễn thuyết và qua bài viết của ký giả Trần Tấn Quốc. Anh Quốc vào nghề từ năm 1936, thuở tôi mới biết đi, và đã phát biểu: "Vào trường đời, tôi tôn thờ một đạo. Đạo của tôi là "nghề báo". Chính anh diễn giải thêm về những đặc trưng cái Đạo của mình như sau: "Người làm báo là một luật sư, nhưng không đứng trên cương vị Luật Pháp để biện hộ cho một người hay một số người trước công lý mà luôn luôn đứng trên cương vị Công Bằng và Chánh Nghĩa để binh vực cho tất cả, từ cá nhân đến đoàn thể, từ đoàn thể đến đại chúng và binh vực cho cả một dân tộc trước dư luận và lịch sử. Người làm báo còn là một chiến sĩ chẳng những túc trực ở mặt trận bảo vệ tự do chung mà mặc nhiên trở thành anh lính tiền phong trong cuộc đấu tranh của dân tộc vì chánh nghĩa".

Với quan điểm đó, anh Quốc đã nhắc lại hai câu nói của nhà văn André Gide và nhà thơ Paul Valery khi đề cập tới việc cầm bút mà anh cho là những câu nói vô cùng lý thú:"André Gide bảo "Ai mà cấm tôi viết thì tôi chết mất" còn Paul Valery thì nói "ai mà ép tôi viết thì tôi chết ngay".

Đầu năm 1972, tôi đã có dịp nhận rõ bằng thực tế rằng ký giả Trần Tấn Quốc không chỉ nêu nguyên tắc mà luôn thể hiện điều mình nói. Vào thời gian trên, một viên chức quân sự cao cấp tại miền Trung cưỡng hiếp một thiếu nữ vị thành niên rồi dùng quyền lực ép tòa án Quảng Ngãi đưa nạn nhân ra xử về tội làm điếm để tránh bại lộ việc làm của mình. Nhật báo Sóng Thần lên tiếng bênh vực nạn nhân, công bố bằng chứng về sự việc. Viên chức nọ lập tức cho người về Sài Gòn tìm cách mua chuộc các báo đả kích Sóng Thần đã ngụy tạo bằng chứng để bôi xấu người đại diện của chế độ. Tờ Đuốc Nhà Nam của ký giả Trần Tấn Quốc nằm trong số những tờ báo được chọn lựa để mua chuộc. Nhưng người của viên chức kia không nhận được sự chấp thuận của Đuốc Nhà Nam và ngay sau ngày diễn ra cuộc tiếp xúc, trên Đuốc Nhà Nam đã xuất hiện một bài vắn gọn kể lại đầy đủ sự việc với lời kết luận “báo Đuốc Nhà Nam coi việc làm của nhật báo Sóng Thần là một việc sẽ được ghi lại trong lịch sử báo chí Việt Nam, đồng thời những người chủ trương Đuốc Nhà Nam không bao giờ chịu bẻ cong ngòi bút rời xa cương vị Công Bằng và Chánh Nghĩa chỉ vì những lợi lộc bất chánh”.

Tôi được biết anh Quốc say mê nghề báo từ tuổi thiếu niên nhưng vì tham gia hoạt động chống đối chính quyền Pháp nên khi vừa 17 tuổi đã bị kết án 5 năm tù tại Côn Đảo phải bỏ ngang việc học. Vì thế, khi mãn án anh phải dành hơn một năm trời học ngày học đêm cố đạt trình độ Pháp Ngữ ngang với trình độ tốt nghiệp DEPSI để đủ điều kiện bước vào làng báo thời đó. Khi trở thành nhà báo rồi, anh vẫn cặm cụi học thêm hơn ba năm nữa, hoàn tất chương trình chuyên ngành Cours de Journalisme của École Universelle ở Paris để tăng tiến nghề nghiệp. Lòng yêu nghề của anh là điều không thể chối cãi, nhưng chỉ khi xảy ra sự việc liên hệ tới tờ Sóng Thần, tôi mới thấy rõ đối với anh, nghề báo đúng là một cái Đạo. Cũng trong thời gian đó, tôi đã được đọc một lời tuyên bố khác của anh về nghề báo: "Nếu không có lý tưởng mà chỉ nghĩ làm báo là một sinh kế để nuôi sống mình, nuôi sống vợ con thì đừng làm báo".
Thực tình, quan niệm này của anh Quốc không xa lạ với ý nghĩ mà tôi đã có về báo chí từ khi quen biết anh Sơn Điền và sau thời gian góp mặt trong nhật báo Quốc Gia. Nhưng chỉ sau nhiều lần nghe phát biểu của anh Quốc, tôi mới dựng được cái khung tương đối rõ rệt cho quan điểm nghề nghiệp của mình. Và cái khung đó trở thành vững hơn nhờ những ý kiến của một cây bút lẫy lừng khác trong làng báo Việt Nam là ký giả Nam Đình.

Ký giả Nam Đình vào nghề từ năm 1925 và chính là người liên tục nâng đỡ ký giả Trần Tấn Quốc trên đường theo đuổi nghề nghiệp từ năm 1940 cho tới những ngày cuối cùng. Cuối năm 1972, khi báo Đuốc Nhà Nam tự đình bản do việc chính quyền ban hành sắc luật 007 thì bộ ba đầu não của tờ báo là các anh Nam Đình, Ngoạ Long, Trần Tấn Quốc trở thành những người cộng tác với Sóng Thần.

Vào một dịp xuất hiện tại toà soạn, anh Nam Đình đứng ngắm chồng thư của độc giả rồi hỏi tôi có nắm được số lượng thư mỗi ngày hay không và giải quyết số thư đó như thế nào. Tôi thú thực không đủ thời giờ để trực tiếp nhìn tới. Anh thở dài trước câu trả lời của tôi và nhiều ngày sau, mỗi khi gặp nhau, dù ở bất kỳ chỗ nào, giữa bất kỳ đám đông nào, anh cũng nhắc tôi phải nhìn lại vấn đề. Những câu chuyện đứt nối của anh cuối cùng không chỉ dựng lên trước mắt tôi bức chân dung của một người làm báo mà là bức chân dung của chính nghề báo.

Cho tới lúc đó, tôi đã được nghe ký giả Trần Tấn Quốc kể khá nhiều về sinh hoạt báo chí Việt Nam giữa thập niên 30 là không toà báo nào thâu nhận biên tập viên chỉ có tài viết truyện ngắn hay sáng tác giả tưởng dù có thể sáng tác được các truyện thật mê ly hấp dẫn. Mỗi tờ báo hàng ngày dầu tám trang hay mười hai trang chỉ đăng một hay hai tiểu thuyết là cùng. Phần chủ yếu trong nội dung mỗi tờ báo là tin tức và phóng sự. Vì thế, con đường trở thành nhà báo luôn mở đầu bằng công việc của một phóng viên, trước hết là phóng viên săn tin "xe cán chó", rồi phóng viên săn tin toà án và viết phóng sự. Săn tin "xe cán chó" hay "tin local" cũng như săn tin toà án thuở đó phải biết tiếng Pháp vì các nguồn tin đều dính tới người Pháp. Nhưng săn tin toà án khó hơn vì mức độ tiếng Pháp sử dụng tại các phiên toà bởi các chánh án, công tố, luật sư ở trình độ cao hơn nhiều. Về phóng sự, ký giả Trần Tấn Quốc nhấn mạnh tới khía cạnh chính xác và đề ra điều kiện căn bản là đi và sống. Quan niệm này đã được thể hiện từ khi anh viết thiên phóng sự "Những hoạt động và mánh lới của bọn móc túi Sài Gòn" mang đến toà soạn báo Việt Nam và được nhà báo lão thành Nguyễn Phan Long chấp nhận cho vào làm việc tại toà soạn. Thiên phóng sự đầu đời đó của anh hiện đến thật tình cờ do một đêm anh ra ngồi tại bùng binh Sài Gòn và nghe được mấy lời đối đáp của hai người lạ mà anh ghi lại như sau:

"Một người nói:
- Khứa tứ bị cội múm.
Người kia quay qua ngó tôi (ký giả Trần Tấn Quốc) đang ngồi trên băng đá, nói:
- Coi khứa ni là khứa ăn bay hay khứa bảy bảy.
Người nọ nói với người kia:
- Hừ, khứa nhủ."


Anh không thể hiểu những lời nói đó và ngay sáng hôm sau sang hỏi người hàng xóm. Người này vốn là Agent de Recherche (cảnh sát truy tầm) biết rành mọi loại tiếng lóng của giới giang hồ nên cho biết đó là loại tiếng lóng của đám "ăn hồ" tức đám móc túi và ba câu nói trên chỉ có nghĩa như sau:
- Anh Tư đã bị lính bắt.
- Coi thằng kia là ăn cắp vặt hay lính kín.
- Hừ, thằng nhỏ.
Liên tục ba tháng sau đó, anh Quốc theo sát ông hàng xóm la cà khắp các ngõ ngách tìm hiểu mọi mánh khoé cũng như ngôn ngữ của đám móc túi để có được thiên phóng sự đưa anh vào làng báo và được nhận công việc đầu tiên là phóng viên săn tin "xe cán chó".

Ký giả Nam Đình cũng bắt đầu cuộc đời làm báo qua những trình tự như thế. Anh kể rằng trước đó anh chuyên "chạy cò" tức dắt khách cho các văn phòng luật sư. Nhờ công việc này, anh tiếp xúc với nhiều nguồn tin và trở thành người săn tin, rồi viết tin toà án, viết phóng sự và giữa thập niên 30 trở thành một cây bút cự phách của làng báo Việt Nam.

Khác với ký giả Trần Tấn Quốc về sau chuyển qua viết về nhiều lãnh vực từ thời sự đến thể thao, sân khấu ..., ký giả Nam Đình dù là cây bút xuất sắc ở mọi lãnh vực từ tiểu thuyết tới các thể loại nghị luận vẫn không bao giờ rời việc viết tin toà án. Anh viết tin để in báo và tiếp tục viết tin cả lúc không có báo. Đây là điều anh kể ra để nhắc tôi phải có thái độ khác với những lá thư của độc giả. Vào thời điểm đó, khoảng 1973–74, anh cho biết hàng năm anh vẫn phải chi một khoản tiền 2 triệu đồng (tương đương với thời giá 20 lượng vàng) trả lương cho hai người thư ký và các phí khoản giấy tờ, lệ phí bưu điện, mua báo, mua tin télétype ... để gửi thư đều đặn cho gần hai chục ngàn độc giả trên khắp nước mặc dù báo Đuốc Nhà Nam đã đình bản. Anh vẫn thường xuyên có mặt tại Toà theo dõi các vụ án, đọc các bản tin để nắm vững tình hình thời sự và đều đặn gửi thư tường trình mọi loại tin tức cần thiết cho các độc giả đã gửi thư cho những tờ báo của anh từ nhiều năm qua. Lâu lâu, anh còn gửi hình tặng độc giả. Nhắc tới việc này, anh cười hỏi tôi có nghĩ rằng đối với một nông dân ở Cà Mâu thì việc kết bạn với nhà báo Nam Đình là chuyện quan trọng đáng đem ra kể lại với bạn bè không? Theo anh, đó là cách "làm lancement hữu hiệu nhất" cho tờ báo, kể cả báo đang xuất bản cũng như báo sắp ra mắt. Nhưng việc giữ liên lạc bền bỉ với độc giả của anh không nhắm vào khía cạnh này. Đây chỉ là một kết quả tất yếu của cái việc mà anh cho là không thể không làm trong mối tương quan giữa người làm báo với độc giả.

Từ những câu chuyện của anh Nam Đình đã hiện ra cái mặt thứ hai của công việc làm báo mà ký giả Trần Tấn Quốc từng nhấn mạnh nhưng có vẻ không lưu tâm nhiều như với tính đấu tranh. Đó là sự tìm hiểu và đáp ứng đúng nhu cầu cấp thiết về thông tin cho người đọc. Thực ra, ký giả Trần Tấn Quốc không coi nhẹ việc thông tin và còn có một quan niệm rất chính xác về tin tức. Tháng 6 năm 1954, khi là chủ nhiệm nhật báo Tiếng Dội, anh đã bất chấp mọi phản bác cho chạy vedette 8 cột trên trang nhất tin nữ nghệ sĩ Năm Phỉ từ trần. Cho tới lúc đó và ngay cả thời gian về sau, xu hướng chọn tin của báo giới Việt Nam vẫn chỉ dành vị thế đó cho những tin liên quan đến các biến cố và nhân vật quốc tế. Do đó, có người đã mỉa mai ví von cô Năm Phỉ được sánh vai với lãnh tụ Staline nhờ ông chủ báo Tiếng Dội. Ký giả Trần Tấn Quốc hỏi lại rằng đối với người Việt Nam, nhất là người miền Nam thì cô Năm Phỉ là thần tượng hay Staline là thần tượng? Vả lại, việc Staline qua đời hơn một năm trước dù có được một số chính khách quan tâm vẫn chẳng hề tác động vào tâm tư người Việt Nam, thậm chí đại đa số còn không cần biết Staline là ai. Ngược lại, cô Năm Phỉ qua đời đã gieo nỗi xót xa nhớ tiếc cho ít nhất hàng triệu con tim và rõ ràng là một mất mát khó bù lấp nổi của nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Thêm nữa, báo Tiếng Dội là tờ báo được làm cho ai, cho người Nga, cho người Mỹ hay cho người Việt Nam?

Dù vậy, sự lưu tâm tới mặt thông tin của ký giả Trần Tấn Quốc vẫn không thể sánh với ký giả Nam Đình. Trong ý nghĩ của tôi, nếu ký giả Trần Tấn Quốc coi nghề báo là cái Đạo do tính đấu tranh cho Chính Nghĩa thì ký giả Nam Đình cũng coi nghề báo là cái Đạo với sứ mạng đáp ứng nhu cầu hiểu biết vô hạn của người đọc. Trên thực tế, cả hai không khác nhau về quan điểm nghề nghiệp mà chỉ đặt khía cạnh chuyên môn và khía cạnh xã hội ở những tầm mức hơi chênh lệch mà thôi.

Từ giữa thập niên 20 tới giữa thập niên 70, hai ký giả Nam Đình và Trần Tấn Quốc hoạt động liên tục trong nghề báo, chủ trương nhiều tờ báo lớn nên mức ảnh hưởng của cả hai trong sinh hoạt báo chí là điều rõ rệt. Nếu cần ghi lại đặc trưng tiêu biểu của báo chí Việt Nam cho tới giữa thập niên 70, tôi thấy không thể bỏ quên cái Đạo tính bao gồm hai khía cạnh là tính đấu tranh và tính phụng sự theo hướng giúp mở rộng kiến thức của mọi người. Tất nhiên vẫn có những tờ báo chỉ là tiệm buôn – từ của các anh Nam Đình và Trần Tấn Quốc – nhưng những tờ báo tiệm buôn này dù có nhiều thời kỳ phát triển sôi nổi vẫn không thể che mờ được Đạo tính kể trên của nghề báo và không bao giờ trở thành những tờ báo tiêu biểu cho báo chí Việt Nam của thế kỷ qua.

Qua hiểu biết giới hạn của mình, tôi thấy báo chí Việt Nam cho tới giữa thập niên 70 mang nặng dáng dấp của báo chí Mỹ trong thế kỷ 18, thời điểm mà người Mỹ kiên quyết lật đổ quyền thống trị của người Anh và đấu tranh với mọi thứ tệ nạn để dựng nước. Nghề báo có thể được khai sinh và phát triển từ Tây Âu nhưng báo chí Tây Âu không có Đạo tính rõ rệt như báo chí Mỹ thế kỷ 18 và báo chí Việt Nam thế kỷ 20. Trong ghi nhận của mình, tôi chỉ thấy báo chí Pháp biểu hiện rõ rệt một lần tính chất này qua sự việc "J'accuse" của Emile Zola trong vụ án Dreyfus.

Dù không thể phủ nhận Đạo tính của nghề báo mà các cây bút đàn anh đã nhắc, tôi cũng hiểu rằng không bao giờ có thể áp đặt một khuôn mẫu hành nghề chung cho báo chí mọi quốc gia. Thực ra, lúc này khuôn mẫu hành nghề của báo chí Mỹ đã khác rất xa với khuôn mẫu hành nghề của báo chí Mỹ thế kỷ 18 vì hoàn cảnh sinh hoạt thực tế của đời sống. Nhưng ánh đuốc chỉ hướng cho nghề báo không vì thế mà thay đổi. Chất chiến sĩ của người làm báo không thể mất, dù không biểu hiện đậm đà trong một xã hội dân chủ ổn định với quyền hành nghề được pháp luật bảo đảm – khác với sự biểu hiện trong một xã hội bị các bạo quyền khốâng chế. Cũng thế, việc mở mang kiến thức dù được thể hiện bằng nhiều hình thức, nhiều phương cách khác biệt tuỳ thực tế sinh hoạt của các đám đông đối tượng thì bao giờ cũng còn đó. Đạo tính này chính là mặt trăng chân lý mà mọi phương thức hành nghề là hướng chỉ của những ngón tay. Trên thực tế, có những người chỉ nhìn thấy những ngón tay và cũng có không ít người ngưỡng mộ ngón tay của một người khác đến mức coi đó là chính mặt trăng. Tôi hiểu rằng không ai đến với một nghề lại được quyền không cần biết cái nghề đó là gì nhưng sự lẫn lộn ngón tay với mặt trăng chính là cách phá nát nghề nghiệp dữ dội nhất, dù hiểu rất rõ về nghề nghiệp.

Đạo tính của nghề báo còn phải được nhận rõ thêm ở mức gắùn bó với người hành nghề. Câu chuyện về những lá thư độc giả của anh Nam Đình đã soi tỏ mức độ ảnh hưởng nghề nghiệp với nếp sống của người làm báo theo hướng xác định rằng cách nhìn nghề báo như một cái Đạo là cách nhìn chính xác nhất. Bởi sự nâng niu những lá thư kia không chỉ phản ảnh thái độ trân trọng tình cảm thương mến của người khác mà còn phản ảnh cả nỗ lực vươn lên cho ngang tầm xứng đáng với tình cảm đó. Trên thực tế, không ít lần anh Nam Đình đã nhắc cái câu "đừng phụ lòng tin của người ta". Chính câu nói này đã hiện đến với tôi vào tháng 5 năm 1975 khi bất ngờ gặp anh tại Sài Gòn. Lúc đó tôi nghe khá nhiều người nhắc là anh Nam Đình đang chuẩn bị tái bản tờ Thần Chung. Gặp anh, tôi hỏi về việc đó. Anh nhìn tôi cười xác nhận có được một số người đương quyền đề nghị như thế và vẫn với nụ cười trên môi anh kết luận:
– Lúc này không có đủ matière để làm báo.

Tôi hơi ngỡ ngàng khi nghe anh nói, bởi giữa không khí bão táp như thế sao lại không có đủ matière. Chỉ sau khi chia tay với anh, tôi mới nhận ra ý nghĩa thực sự của câu nói qua hình ảnh nụ cười của anh. Tôi hiểu anh ngụ ý cho thấy không còn báo chí nữa. Vì tất cả thực tế phô bày đang bị bắt buộc phải thay thế bằng một thực tế chỉ có trong lời lẽ thì kiếm đâu ra matière cho nghề báo vốn là cái nghề không bao giờ có thể rời xa cuộc sống. Và, tôi tin là không thể có sự tái xuất hiện của báo Thần Chung dù tại nhiều nơi, tôi vẫn nhìn thấy những mảnh affiche nhỏ quảng cáo cho sự tái xuất hiện này. Tôi nghe vẳng lại câu nói "đừng phụ lòng tin của người ta" và nghĩ đây không phải câu nói của anh Nam Đình mà chính là câu nói của nghề báo. Có thể vào lúc đó, chính anh Nam Đình cũng đang nghe vẳng lại câu nói trên, như tôi vậy.

Từ năm 1881, Việt Nam đã có luật báo chí do chế độ thuộc địa Pháp ban hành. Sinh hoạt báo chí trở thành sôi nổi từ thập kỷ 20 và nghề báo đã trở thành cái Đạo của khá nhiều người. Nhưng cho tới tháng 4-1975, những tín đồ của báo chí Việt Nam vẫn chưa ra thoát khỏi bước đường vùng vẫy để được hiển hiện là mình.

Còn thời gian sau đó?
Tôi gặp lại ký giả Ngọa Long năm 1986, sau khi được thả ra khỏi trại tù. Anh lật đật chạy ra mở cổng khi nhận ra tôi. Vừa ôm lấy tôi, anh vừa gục trên vai tôi nức nở khóc và không ngừng lập lại:
– Chú đấy à? Chú còn sống à?
Tôi dìu anh vào nhà. Câu nói đầu tiên của anh là báo tin:
– Nam Đình đi rồi. Đi lâu rồi!
Thấy tôi ngơ ngác, anh nói thêm:
– Ông ấy chết rồi, chết từ năm 78.
Tôi hỏi:
– Còn anh Quốc?
Anh Ngoạ Long không trả lời mà lắc đầu. Tôi không hiểu rõ ý nghĩa cái lắc đầu đó nên hỏi tiếp:
– Anh ấy vẫn còn ở đây chớ? Lát nữa em sang gặp anh ấy có được không?

Tới lúc đó, anh Ngọa Long mới kể cho tôi nghe về những gì đã xẩy ra cho các cây bút đàn anh của tôi. Anh Nam Đình đã phải giao nộp trọn vẹn tài sản khổng lồ để đổi lấy chiếc vé máy bay sang Pháp xum họp với con gái vào năm 1977. Còn anh Quốc đã bán căn nhà gần nhà anh Ngọa Long, trở về Sadec từ tháng 11-1975 để dứt khoát hẳn với những chèo kéo. Riêng anh Ngoạ Long cũng viện cái tuổi bảy mươi để được khoanh tay ngồi lặng lẽ tại một góc nhà. Nhưng cả anh Ngọa Long lẫn anh Trần Tấn Quốc đều không được yên thân như anh Nam Đình, vì tên của hai anh vẫn tiếp tục xuất hiện trên nhiều tờ báo, đặc biệt là in thường xuyên trên danh sách bộ biên tập của tờ Đại Đoàn Kết. Anh Ngoạ Long nói với tôi:
– Họ in tên Trần Tấn Quốc và đăng thơ ký tên Ngoạ Long trong khi chúng tôi chẳng biết gì đến việc làm của họ. Nhưng chúng tôi nói gì bây giờ khi mà trên đài phát thanh còn có cả sự xuất hiện của một nhạc sĩ Phạm Duy nào đó.
Chính tôi cũng đã có lần nhìn thấy một bài báo giới thiệu một nhạc sĩ có tên là Phạm Duy và anh Ngoạ Long chìa cho tôi thấy tờ báo có in bài thơ ký tên Ngoạ Long cùng với danh sách bộ biên tập có tên Trần Tấn Quốc. Anh kết luận:
– Làm gì có báo chí vào lúc này. Đây là thời kỳ man trá.

Không lâu sau đó, chính anh Ngoạ Long báo cho tôi biết tin anh Quốc qua đời. Một thời gian sau nữa, một buổi sáng con trai anh Ngoạ Long đột ngột tới gõ cửa nhà tôi với nét mặt buồn thảm:
– Chú ơi, ba cháu mất tối hôm qua.
Mãi gần đây, tôi mới có dịp được thấy mấy dòng chữ của anh Trần Tấn Quốc ghi lại tâm cảnh cuối đời của anh. Đó là những dòng nhật ký anh ghi vào thời gian cuối cùng khi anh sống trong sự cùng quẫn về mọi mặt tại căn nhà lá nghèo nàn bên bờ sông Đình Trung, Sadec:

" Hiểu tôi ngày trước và thông cảm cảnh tôi ngày nay, năm 1977, một bạn văn nghệ sĩ (anh Viễn Châu) đã gửi tặng tôi hai câu đối như sau:
– Công Nhân, Tiếng Dội, Buổi Sáng, Đuốc Nhà Nam, giải Thanh Tâm gắng sức vun bồi, duyên bút mặc, nghiệp báo chương, xếp lại hành trang, đất Cao Lãnh bao dài bao luyến tiếc.
– Phùng Há, Năm Châu, Ba Vân, Lê Thị Phỉ, làng ca kịch góp công tô điểm, nợ phấn son, tình sân khấu, tàn rồi mộng ước, sông Đình Trung mấy khúc mấy u sầu ..."

Ngồi nghĩ quẩn quanh về nghề nghiệp, tôi cứ thấy mình không thể rời xa nổi hai tiếng u sầu. Rồi bỗng dưng tôi nhớ tới những cái tên lừng lẫy của báo chí Mỹ và thế giới như Peter Arnett, như Neil Sheehan... Những người này đã được tôn vinh bằng giải Pulitzer và có thể là thần tượng của nhiều người trên thế giới, đặc biệt là có thể đang được đề cao như từng được đề cao là mẫu mực cho người làm báo. Tôi chắc không ít người làm báo Việt Nam đã mong có ngày trở thành những tên tuổi như thế và có thể đã bỏ nhiều công phu để học tập cách thức hành nghề của những cây bút ấy.

Nhưng tôi lại không quên những ngày trước đây ở Sài Gòn với những bản tin của Peter Arnett luôn đề cao chế độ Hà Nội trong khi không ngừng xuyên tạc mọi thực tế tại Việt Nam – điều mà Peter Arnett vừa lập lại tại Irak dưới hình thức phát biểu cảm tưởng của một nhà báo.

Tôi cũng không quên nổi những đoạn viết của Neil Sheehan về thực tại Việt Nam năm 1990 khi cây bút này ca ngợi chế độ Hà Nội là chế độ yêu nước, thương dân đã đối xử rất tốt đẹp với những người của chế độ miền Nam ngày trước và thu hút được lòng tin tưởng của toàn thể dân chúng Việt Nam.

Khi viết những dòng này tôi lại đối diện với cơn thịnh nộ (outrage) của một nhà báo Mỹ từng có hơn hai mươi năm hành nghề là Bradley O'leary. O'leary tuyên bố đã nổi cơn thịnh nộ (!) về việc Hạ Viện Mỹ thông qua Đạo Luật Về Nhân Quyền tại Việt Nam và hứa hẹn dùng các phương tiện truyền thông mình đang có để làm cho ra lẽ. Theo O'leary, suốt 200 năm qua, Việt Nam chưa bao giờ có được không khí sinh hoạt tự do và đời sống tốt đẹp như hiện nay. Do đó, O'leary cho rằng không có lý do gì để đặt ra vấn đề Nhân Quyền tại Việt Nam ngoài sự cố tình xuyên tạc thực tế đang diễn ra trên đất nước này!

Trong nhiều năm, tôi vẫn thường được nghe nhắc cần đẩy báo chí Việt Nam lên ngang tầm với báo chí Tây Phương và cần học tập các nhà báo Tây Phương. Nhìn lại về nghề nghiệp, tôi chỉ thấy báo chí ở mỗi nơi có những hướng đi khác nhau và tôi sẽ không bao giờ rời xa những gì mà báo chí Việt Nam, cụ thể là báo chí miền Nam, từng biểu hiện vào nhiều thời điểm trước 1975. Riêng với các nhà báo Tây Phương như các ký giả thần tượng Peter Arnett, Neil Sheehan hay Bradley O'leary ... thì tôi chỉ thấy qua họ bóng dáng của cái từ mà các đàn anh của tôi đã dùng – con buôn. Tôi luôn kính trọng giới kinh doanh nên nhắc lại nguyên từ con buôn bởi cái ngụ ý diễn tả đặc tính vô liêm sỉ của kẻ mưu cầu thủ lợi bằng mọi giá.
Tôi tin chắc không một người Việt Nam có lương tâm nào muốn được những ký giả nổi danh kể trên đứng ra bênh vực và sự hành nghề của họ sẽ mãi mãi không thể trở thành kiểu mẫu cần học tập đối với người cầm bút Việt Nam, dù họ đã đoạt giải thưởng này, giải thưởng khác. Với riêng tôi, dù được trả giá bằng bất kỳ giải thưởng cao quý nào trên thế giới chỉ với một điều kiện là theo cung cách hành nghề của những người này, tôi cũng xin chối từ. Vì, cung cách hành nghề đó không chỉ xoá bỏ đạo tính của nghề nghiệp mà còn xoá bỏ luôn cả tư cách con người của kẻ hành nghề.

Nhắc đến những người này chỉ khiến tôi không ngừng nhớ lại phát biểu về nghề báo của ký giả Trần Tấn Quốc: "Người làm báo luôn luôn đứng trên cương vị Công Bằng và Chánh Nghĩa để binh vực cho tất cả, từ cá nhân đến đoàn thể và binh vực cho cả một dân tộc trước dư luận và lịch sử."

Ký giả Ngoạ Long đã bao gồm toàn bộ sinh hoạt báo chí tại Việt Nam từ 1975 tới nay bằng mấy từ "thời kỳ man trá" nên tôi chỉ có thể hướng cái nhìn về phía báo chí Việt Nam hải ngoại. Đạo tính không thể thiếu của nghề báo dường như đang nhắc nhở người làm báo về sứ mạng bênh vực cho cả một dân tộc không chỉ trước dư luận trong thời điểm này mà còn cả trước lịch sử với các thế hệ mai sau.

 

4.2003
UYÊN THAO


Cái Đình© - 2003