Chu Tấn
Hướng về mùa xuân tâm linh…
Nền tảng hòa đồng tôn giáo
Từ khi bùng nổ cuộc cách mạng điện toán hay cuộc cách mạng tin học, đưa đến kết quả thu hẹp không gian và thu ngắn thời gian khiến cho “năm châu một chợ, bốn biển một nhà” hay người ta còn gọi là thời đại “toàn cầu hóa”. Nhân loại hiện nay không chỉ có nhu cầu toàn cầu hóa về “kinh tế”, mà còn tiến tới toàn cầu hóa về chính trị, văn hóa và tôn giáo. Đặc biệt tại Việt Nam từ thời đại Lý Trần, cha ông chúng ta đã chủ trương “Tam Giáo Đồng Nguyên” (Phật – Lão – Khổng) nay nước ta lại có thêm các tôn giáo mới như: Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài giáo nên một số người làm văn hóa đã đặt vấn đề “Bước sang thế kỷ 21, Việt Nam có thể tiến tới Bát Giáo Đồng Nguyên hay không?”. Trong bài Tiểu luận này, chúng tôi không xét sâu về đề tài tuy mới mẻ – nhưng cũng còn nhiều gay cấn – nói trên, mà chỉ bàn đến các vấn đề “chung nhất” và cũng cần thiết hơn cả là:
– Hiện nay chúng ta có nhu cầu Hòa Đồng Tôn Giáo hay không?
– Ích lợi của việc Hòa Đồng Tôn Giáo như thế nào?
– Nhất là Hòa Đồng Tôn Giáo trên nền tảng nào?
I.- Nhu cầu cấp thiết của hòa đồng tôn giáo :
Có các động cơ và nhu cầu sau đây:
1.- Sự tiến bộ của khoa học nói chung đã thúc đẩy các tôn giáo phải xét lại toàn bộ tín lý và phương thức truyền đạo hành đạo sao cho sát hợp với thời đại.
2.- Thời đại hiện nay là thời đại tự do dân chủ, nên các tôn giáo trên hoàn vũ, đều được hưởng quyền tự do bình đẳng, do đó không còn một tôn giáo nào có được đặc quyền đặc lợi hay quyền lực thế lực uy hiếp chèn ép các tôn giáo khác.
3.- Thời đại hiện nay còn là thời đại của quần chúng nên tương quan giữa hàng giáo phẩm các tôn giáo đối với các tín đồ của tôn giáo mình không còn quá xa cách quan liêu, bảo thủ như trước nữa.
4.- Sự sai lầm hay sự sa đọa của một số nhỏ trong hàng giáo phẩm của các tôn giáo đều bị dư luận lên án khắt khe và còn bị kiện và bồi thường thiệt hại, nên uy tín và uy quyền của hàng giáo phẩm nói chung trên quần chúng tín đồ của ngay tôn giáo mình cũng bị phương hại và sút giảm giá trị so với các thế kỷ trước.
5.- Cuộc cách mạng truyền thông và cuộc cách mạng tin học đã thúc đẩy các tôn giáo – bất cứ một tôn giáo nào cũng phải hòa mình tìm hiểu các tôn giáo bạn, hòa mình với quần chúng – đem Đạo vào đời . Do đó cánh cửa ĐỐI THOẠI giữa các tôn giáo đã được mở ra và đây cũng chính là bước đầu của sự hòa đồng tôn giáo.
6.- Các khoa “tôn giáo đối chiếu” và “triết lý đối chiếu” đã đem lại rất nhiều lợi ích cho việc “tìm hiểu tôn giáo bạn” và ngay cả việc “tìm hiểu tôn giáo của chính mình”, trên cả 2 phương diện ưu điểm cũng như khuyết điểm, đáp ứng nhu cầu canh tân tôn giáo, sao cho thích hợp với dân tộc tính, thời đại tính, nhân bản tính, nhân chủ tính theo đà tiến hóa mới của nhân loại.
7.- Hiện nay “Độc Tài Cộng Sản” và “Khủng Bố” là 2 “quốc tế nạn” của chung nhân loại, trong dó có các tôn giáo, thường là nạn nhân trực tiếp, nên hơn lúc nào hết các tôn giáo trên thế giới cần hòa đồng, hiệp thông để cùng tranh đấu cho quyền Tự Do Tôn Giáo và tranh đấu Nhân Quyền cho tất cả mọi người như bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà Liên Hiệp Quốc đã long trọng công bố và ban hành năm 1948.
II.- 10 ích lợi chính của hòa đồng tôn giáo :
Công việc hòa đồng tôn giáo sẽ đem lại cho mọi người chúng ta 10 lợi ích chính sau đây:
1.- Ích lợi cho chính mình.
2.- Ích lợi cho tha nhân.
3.- Ích lợi cho tôn giáo bạn.
4.- Ích lợi cho chính tôn giáo mình.
5.- Ích lợi cho tình đoàn kết Dân Tộc.
6.- Giúp cho tôn giáo làm tròn sứ mệnh “đem Đạo vào Đời”
7.- Tạo nên sức mạnh chung để cùng tranh đấu chống lại các chế độ độc tài dù là độc tài trắng (như độc tài quân phiệt Miến Điện) hay độc tài đỏ (Cộng Sản)
8.- Tạo nên sức mạnh chung để chống lại bọn Khủng Bố thế giới, bảo vệ nền Hòa Bình Nhân loại.
9.- Theo đúng Thiên ý (Luật Trời) Theo đúng Pháp Tánh (Dharma của Phật) và đẹp lòng Thiên Chúa.
10.- Hòa đồng không phân biệt là bước đầu tiên giúp cho con người trở về với Sự Sống đích thực, giúp cho con người khai mở “Chân Tâm” để được mặc khải Thần khí của Thiên Chúa (Công giáo, Tin Lành) có được khí Hạo Nhiên (Nho giáo), hòa đồng Tiểu Ngã vào Đại Ngã Vũ Trụ (Ấn Độ giáo), đạt đến Trí Tuệ Bát Nhã Giải thoát (Phật giáo).
III.- Nền tảng để tạo hòa đồng tôn giáo :
Tuy đa phần các tôn giáo đều có vị Giáo Chủ riêng, tín lý riêng, cách thờ phụng riêng, cách hành đạo và truyền đạo riêng, phong tục tập quán cũng thường khác nhau… Nhưng xuyên qua những khác biệt về giáo lý hay nghi thức vẫn có những điểm chung. Chính vì có các điểm chung này mà chúng ta có thể coi đó là nền tảng của sự nghiệp “Hòa Đồng Tôn Giáo” như sau:
1.- Tôn giáo nào cũng dạy cho con người trở nên tốt lành:
Đây là ý kiến của đa số người bình dân khi bàn đến tôn giáo này hay tôn giáo kia đã nói lên mục đích ý hướng của tất cả các tôn giáo là đều khuyên con người ăn hiền ở lành, làm lành lánh dữ, lánh xa việc xấu ác.
2.- Tình Huynh Đệ Đại Đồng:
Con người dù khác nhau về chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, nhưng nếu nhìn theo quan điểm của tôn giáo độc thần (Do Thái giáo, Công giáo, Tin Lành, Ấn Độ giáo, Hồi giáo) thì đều là con Thiên Chúa hay Thượng Đế với những danh hiệu khác nhau), và nếu nhìn theo quan điểm của Đạo Phật thì :
“Mọi chúng sanh đồng hành trong khổ não
Sinh, lão, bệnh, tử;
Vâng, mọi chúng sanh đều vô tội và mọi chúng sanh cùng cảnh ngộ”
Nếu cùng là con Thiên Chúa (cho dù theo tôn giáo khác nhau) vẫn là con cùng một Đấng Cha Lành. Nếu cùng mang một thân phận chúng sanh, cùng một cảnh ngộ thì lòng từ bi phải mở rộng chứ lẽ nào đánh giết lẫn nhau! Do trên, dù quán chiếu vấn đề trên lập trường hay quan điểm của một tôn giáo nào chăng nữa, cũng không thể phủ nhận được tình Huynh Đệ Đại Đồng là mẫu số chung giúp chúng ta hòa đồng tôn giáo.
3.- Tất cả các tôn giáo đều xác nhận tính chất nhị nguyên của lý trí và cũng là bản tính con người: Đúng/Sai, Thị/Phi, Tốt/Xấu,Thiện/Ác, Thiên thần/Quỷ sứ..., và đều chỉ đường cho con người “vượt thiện ác” để trở thành “thánh nhân” hay “đấng trọn lành”:
Triết gia Mạnh Tử chủ trương con người “tính bản thiện”! (Nhân chi sơ tính bản thiện). Trái lại Tuân Tử chủ trương con người “tính bản ác”. Cả 2 triết gia này đều nhấn mạnh vào một đặc điểm nổi bật của con người trong khi Nho Giáo nguyên thủy định nghĩa về con người gồm cả hai: Nhân giả kỳ thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỷ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí (Con người là phối kết của “Đức Trời Đất”, là nơi giao tiếp của 2 khí âm dương, là nơi hội tụ của “Thần và Quỷ”, là kết tụ của ngũ hành”. Xem thế, ta thấy Nho giáo nguyên thủy đã có cái nhìn rất đúng về bản tánh nhị nguyên của con người. Khoa Duy Thức Học của Phật giáo cũng xác nhận con người gồm cả thiện và ác, chỉ khi tu hành cao con người mới có khả năng “chuyển thức thành trí”, “chuyển hóa ‘trí phân biệt' thành ‘trí viên dung' hay ‘trí tuệ giác ngộ'”. Trong Tân Ước, Chúa Jesus cũng khuyên chúng ta “hãy khôn ngoan như một con rắn, nhưng hiền lành như chim bồ câu”, và cũng cho rằng trong tâm trí con người là bãi chiến trường thường trực của Thiện và Ác. Hòa đồng mới là bước đầu tiên, trên con đường vượt cả “thiện và ác” tương đối, để vươn tới cõi “Chí thiện” (Nho giáo). Chúa dạy “ yêu cả người làm mất lòng ta, yêu cả kẻ thù ”. Phật dạy “ oán thân bình đẳng”!
4.- Trong tận cùng sâu thẳm của mỗi con người đều có lương tri, lương năng:
Trong nội tâm con người có 2 yếu tố nhị nguyên: Thiện Ác thường xuyên xung đột nhau. Nhưng trong sâu thẳm của vô thức hay siêu thức con người còn có lương tri, lương năng. Theo danh từ thông thường mà nhiều người thường gọi là “Tiếng nói lương tâm”. Khi ta làm điều gì sai trái ác độc thì lương tâm cắn rứt! Ngay cả những con người được gọi là “cùng hung cực ác” tưởng như họ đã táng tận lương tâm (đánh mất lương tâm. lương tâm của họ đen ngòm tội lỗi). Vậy mà vẫn có một giây phút nào đó ánh sáng lương tâm lương tri lại loé lên nhắc cho họ biết là họ đã sai lầm, đã tiến sâu vào con đường tội lỗi, khiến cho họ phải lo sợ và sám hối! Cũng thường khi ánh sáng lương tâm lương tri ở những con người chuyên làm việc ác, không đủ mạnh chỉ “lóe lên một phút giây rồi chợt tắt”. Nhưng điều này cho chúng ta thấy ánh sáng lương tâm, lương tri là ánh sáng Trời chỉ bị nhất thời che khuất chứ không bao giờ mất cả. Chính điều này cho chúng ta có niềm tin và định hướng được nền giáo dục là “không có con người nào dù tội lỗi đến đâu chăng nữa mà không thể cải hóa được. Có điều mục đích của cải hóa là mở lối thoát cho con người, giúp con người tự giác trở về con đường thiện (tiến gần Chân Thiện Mỹ) chứ không phải cải tạo theo lối đấu tranh giai cấp trả thù trả oán kiểu cộng sản Trung Cộng và cộng sản Việt Nam. Trong nền Văn minh Nhân Chủ, các án “tử hình” cần phải bãi bỏ vì hiện nay ở nhiều nước án tử hình đã được bãi bỏ mà đất nước của họ vẫn được yên bình thạnh trị. Nhất là trong xã hội tương lai thế kỷ 22, 23 trở đi án tử hình cần được xóa bỏ trên toàn thế giới trên toàn hành tinh này. Đó là chưa kể những con người được gọi là “lương thiện” và các xã hội được gọi là “tân tiến văn minh” cũng phải “chịu trách nhiệm” về “án từ hình” khi trong xã hội đó còn những kẻ được gọi “tử tội”! Đó là dấu chỉ của một xã hội chưa thực sự tiến bộ hay tốt lành hay văn minh cấp cao.
5.- Con người là Tiểu Vũ Trụ, chứa đựng nhiều QUYỀN NĂNG mà nhân loại chưa khám phá hết được:
Chúa Jesus cho rằng “Con người là đền thờ của Chúa” và trong con người có KHO BÁU NƯỚC TRỜI. Nho giáo quan niệm Thiên Lý tại nhân tâm! Ấn Độ giáo, Phật giáo và Lão giáo đều cho biết trong con người có 7 luân xa có sức mạnh thiêng liêng tượng trưng là con rắn Kundalini nằm bất động tại luân xa thứ nhất, nằm tại đốt cuối cùng của xương sống ( Chữ kundalini nghĩa đen là năng lượng bị cuốn lại ). Luân xa thứ hai nằm tại đan điền. Luân xa thứ 3 nằm tại nằm gần rốn có hình tam giác mầu đỏ. Luân xa thứ 4 nằm tại trái tim. Luân xa thứ 5 nằm tại cuống họng. Luân xa thứ 6 nằm tại giữa hai chân mày. Khi luân xa thứ 6 hoạt động, bạn biết cả quá khứ hiện tại và tương lai. Luân xa thứ 7 nằm tại đỉnh đầu, hay còn gọi là luân xa Sahasrara, nghĩa là luân xa một ngàn cánh, biểu tượng của vô hạn, trùng trùng, điệp điệp không bao giờ hết. Luân xa này còn gọi bằng nhiều tên khác nhau: Niết bàn,Thượng Đế tối cao (Parabrahma) Tâm thức Bồ Đề (Bodhini), Bánh xe phúc lạc vĩ đại của tự tánh tuyệt đối. Lão giáo gọi luân xa này là Bá Hội, là núi Côn Luân. Bá hội là nơi hội tụ của tất cả. Côn Luân là đỉnh núi cao nhất của Thiên Đình.
Muốn khám phá quyền năng vĩ đại vô hạn sẵn có trong con người, người ta phải tu hành chuyên nhất đề cao tâm tính phải ăn chay trường và vào thiền liên tục, nhất là phải có chân sư hay minh sư hướng dẫn thực tập mở các luân xa từ dưới đi lên. Điều cảnh giác là nếu con người mà tâm chưa an tịnh chưa trong sạch còn nhiễm đầy bản tính “tham sân si, dục lạc” thì tập mở luân xa là điều rất nguy hiểm vì khi thân tâm chưa thanh tịnh, còn ô trược, mà khích động con rắn lửa thức dậy nó đi lên tới đâu sẽ đốt cháy tế bào và biến con người thành điên loạn hay nếu con rắn kundalini mà “đi xuống bộ sinh dục” sẽ biến con người này thành kẻ ham mê sắc dục vô độ (Một thứ quỷ râu xanh rất tai hại cho xã hội). Khi luân xa thứ 7 trên đỉnh đầu được khai mở sẽ giúp cho con người thực chứng được những chiều kích tâm linh siêu việt bên trên thực tại bình thường của thế giới này. Khi Sahasrara hoạt động, một tâm thức mới tự bên trong phát khởi, do sự hợp nhất của Shiva và Shakti. Người Ấn gọi tâm thức đó Trí Huệ Bát Nhã (Pranã). Phật giáo gọi là Trí Huệ Bát Nhã Ba La Mật Đa (Prajnaparamita). Đó là một loại trí huệ không tuỳ thuộc vào bộ óc. Cho nên chỉ khi Kundalini lên đến Sahasrara, ta mới biết chân lý thực sự là gì. Khi năng lượng Kundalini lên đến luân xa thứ 7, sự phân biệt giữa tiểu ngã và đại ngã không còn nữa. Người ấy đã trở thành một với Đại Hồn (Brahman), Atman (tiểu hồn) chính là Brahman. (Trích Tam Giáo Đồng Nguyên: Kitô giáo – Phật giáo – Ấn Độ giáo của Vân Sơn, trang 37).
6.- Tôn giáo thì có nhiều. Chân Lý, Sự Sống, Chân Tâm Nước Trời hay Pháp (Dharma – tối hậu) chỉ có một; Chân Lý tối hậu có mặt tại khắp cả mọi nơi nhưng không có thể diễn tả bằng lời:
Hội Thông Thiên Học đưa ra Châm ngôn: “Không tôn giáo nào cao hơn Chân Lý ”. Điều này có nghĩa tôn giáo thì có nhiều, nhưng Chân lý chỉ có một. Thực vậy: Tất cả mọi tôn giáo đều khẳng định có một chân lý tối hậu, một Pháp tối hậu (Dharma – Tối hậu) mang nhiều tên khác nhau:
– Đức Chúa Cha, Thượng Đế, Chân Lý, Sự Sống, Nước Trời (Công giáo, Tin lành)
– Đấng Allah (Hồi giáo)
– Đạo Tự Nhiên (Lão Giáo)
– ÔngTrời, Tạo Hóa, Chân Tâm (Nho Giáo)
– Chân Tâm - Chân Ngã, Chân-Như, Phật Tính, Niết Bàn, Pháp Tối hậu – (Dharma – tối hậu) (Phật Giáo).
Chân Lý tối hậu có mặt ở khắp mọi nơi, Chân Lý tối hậu vừa ở trung tâm vừa ở ngoại vi:
“Đông Quách Tử hỏi Trang Tử: Cái gọi là Đạo ở đâu?
Trang Tử: Không có chỗ nào mà không có Nó.
Quách Tử: Xin chỉ ra mới được.
– Trong con sâu, con kiến
Quách Tử: Sao mà thấp quá vậy?
– Trong ngọn cỏ
Quách Tử: Sao còn thấp hơn nữa?
– Trong ngói gạch
Quách Tử: Sao càng thấp hơn nữa?
– Trong cứt đái (thỉ niệu)
Quách Tử không hỏi tiếp nữa."
(Trang Tử Nam Hoa Kinh – Thiên Đông Quách Tử)
Im lặng, Không Nói :
Ki Tô giáo : Khi Pontus Pilate hỏi: “Chân lý là gì?”, Chúa Giê Su đã im lặng,
Lão giáo : Trí hỏi Vô Vi Vị: “Tôi muốn hỏi ông ít điều: Nghĩ làm sao, lo làm sao mà biết được Đạo; Dựa vào đâu, làm cách nào mà hiểu được Đạo? Theo đâu và đi đường nào mà biết được Đạo??”
Hỏi ba lần, Vô Vi Vị không đáp. Chẳng phải không đáp mà khôngbiết đáp làm sao. Hỏi không được, Trí trở lại Bạch Thủy ở phương Nam, lên núi Hồ Quyết gặp Cuồng Khuất cũng đem ba câu ấy mà hỏi.
Cuồng Khuất nói “À! Tôi biết. Để tôi nói cho.”. Nhưng vừa muốn nói lại quên chỗ mình muốn nói.
Lão Tử mở đầu Đạo Đức Kinh bằng câu: “Đạo Khả Đạo Phi Thường Đạo” (Đạo có thể nói được không phải là đạo thường). Trong chương khác Lão Tử nói: “Người biết không nói, người nói không biết.”
Phật giáo : Có 16 câu hỏi, đức Phật từ chối không trả lời. Mười sáu câu ấy thường được bỏ chung trong 4 nhóm khác nhau:
– Vũ trụ là vĩnh cửu, hay không vĩnh cửu, hay vừa vĩnh cửu vừa không, hay chẳng vĩnh cửu cũng chẳng không vĩnh cửu.
– Vũ trụ này hữu hạn hay vô hạn, hay vừa hữu hạn vừa vô hạn, hay chẳng hữu hạn cũng chẳng vô hạn.
– Đức Phật tồn tại sau khi chết, hoặc không hoặc vừa tồn tại vừa không, hoặc chẳng tồn tại cũng chẳng không tồn tại.
– Linh hồn và thể xác là một, hay khác nhau, hoặc vừa khác vừa không, hoặc chẳng khác cũng chẳng không khác.
Ấn Độ giáo : Bahva hoàn toàn im lặng khi được Baskali hỏi về Brahman. Baskali nói: “Xin thầy giảng cho con”. Bahva vẫn lặng thinh. Khi Baskali hỏi lần thứ ba, Bahva nói: “Tôi đã giảng rồi mà anh không hiểu.” (Vân Sơn Sđd trang 323-325).
7.- Sự Sống là suối nguồn của mọi Chân Lý:
Đức Phật chủ trương tôn trọng Sự Sống của mọi sinh linh (Không nên giết hại từ con sâu con muỗi). Đạo Phật còn có tên khác là Đạo Sự Thật (Như Thật đạo) hay Đạo Sự Sống. Chúa Giê-Su cũng nói: “Ta là đường, là Chân Lý và là Sự Sống”. Kinh Dịch cũng nói “Sinh Sinh chi vị Dịch” (Đạo Dịch không gì khác hơn là đạo Sự Sống).
8.- Sự Sống hay Chân ngã, Chân Tâm cũng chỉ là một :
Sự Sống hay Chân Tâm là nền tảng hòa đồng tôn giáo và là kim chỉ nam của thời đại toàn cầu hóa:
Cho đến nay bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền vẫn được coi là nền tảng pháp lý cho những hợp tác giữa các quốc gia và đồng thời cũng là căn bản mà các quốc gia phải tôn trọng đối với công dân của họ. Đó là trào lưu mới của thời đại. Phần lớn các mối tương quan hợp tác xã hội giữa người và người trở nên tán loạn, xung đột, hận thù và đổ vỡ bởi vì thiếu một nền tảng vững chắc cho các mối tương quan giữa người và người.Trong lúc tất cả mọi người đều mơ ước làm sao có được một đời sống thanh bình, ổn định, phát triển và tiến hóa, nhưng đó chỉ là viễn mơ nếu không có chân tâm.
Muốn tạo dựng một cộng đồng để mọi người có thể sống hài hòa và hạnh phúc bên nhau thì ổn định nhân tâm là nền móng căn bản nhất cho tất cả mọi hợp tác xã hội. Nhân Tâm, chân tâm, tâm thành hay chính tâm của tất cả mọi người đều giống nhau. Chính ở đó mối tương quan giữa người và người sẽ bền vững vô cùng và cũng chính ở đó mối tương quan mật thiết giữa con người với Thiên Chúa hay ĐấngTạo Hóa cũng thành tựu viên mãn. Lương tâm con người (Human conscience) có một giá trị vô biên. Sự cao quý của tất cả mọi giá trị nhân bản đều phát xuất từ lương tâm con người. Lương tâm của người Do Thái, Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Khổng Giáo, Lão giáo, Công giáo hay Cơ Đốc giáo, Tin Lành hay Cao Đài giáo, Hòa Hảo, đều giống nhau bởi vì nó là thiên tính của con người . Tất cả chân tâm đều là những đóa hoa hương sắc ngàn đời, tất cả chân tâm đều đem tới Sự Sống đích thực và tất cả chân tâm đều là ánh sáng chói lòa của đời sống con người.
Vì thế TÂM ĐẠO chính là chỗ để tất cả con người gặp lại nhau. Phát huy đời sống nội tâm là con đường của Tâm Đạo. Con người hướng thượng, hướng về Trời đất Thiên Chúa, Thượng Đế hay Đấng Tạo Hóa hay Chân Như bằng con đường Tâm Đạo. Không có tâm đạo và chân tâm thì tất cả mọi tìm kiếm chân lý đều vô vọng và phù phiếm. Đó là lời dặn của tất cả các vị giáo chủ. Chính Chúa Kitô đã từng nói: “ Ta ở trong Cha ta, Cha Ta ở trong Ta và Ta ở trong các con” (Trích Chân Tâm con người thời đại trước tiến trình Toàn Cầu Hóa của T.S. Nguyễn Anh Tuấn ).
Qui Nguyên Trực Chỉ, một cuốn sách viết về Tam Giáo (Lão – Khổng – Phật) có đoạn bàn như sau: “Chân Như bản tính là bản thể chân thực, là bản lai diện mục có từ khi cha mẹ chưa sinh ra mình. Thiền Tông gọi là Chánh Pháp Nhãn Tạng, Liên tông gọi là bản tính Di Đà, Khổng Tử gọi là Thiên Lý, Lão Tử gọi là CốcThần, Dịch học gọi là Thái Cực .Tên tuy có khác nhau, nhưng kỳ thực cũng chỉ nói về bản tính của ĐấngTạo HóaThượng Đế hay Thiên Chúa” (Trích B.S. Nguyễn Văn Thọ, 2002, trang 129).
9.- Vạn Giáo Nhất Lý (Cao Đài Giáo):
Xã hội Việt Nam hôm nay là một xã hội được điều động và lèo lái bởi một đảng chính trị vô thần đầy tội lỗi. Tất cả những tội lỗi đó thể hiện trọn vẹn trong văn hóa vô thần, trong chính trị bạo ngược, trong xã hội bất công và trong kinh tế chỉ có lừa đảo và gian dối. Mục tiêu hàng đầu và đối tượng chính cho vai trò của thần học nhập thế của Giáo Hội Công giáo đề ra phải nhằm nhìn thẳng vào những nơi tối tăm và đau khổ ấy để cứu khổn phò nguy cho bao triệu con người đang lầm than cơ cực trong vòng tay của những áp lực chính trị bạo ngược vô thần ấy. Võ khí duy nhất mà chúng ta có trong tay chính là ánh sáng giác ngộ của chân tâm (enlightened conscience), nơi những người Việt Nam thời đại Dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta chia lìa tan tác, đổ vỡ khổ đau trong mù lòa tăm tối vì con người đã đánh mất chân tâm. Thiên Chúa giáng trần chịu khổ để mong cứu vớt chân tâm cho con người. Tam giáo của Đông Phương là Lão Phật Khổng cũng chỉ vì quá yêu thương con người mà muốn đem đạo lý để chỉ cho con người tìm lại ánh sáng nhiệm mầu nơi chân tâm. Vạn giáo nhật lý là như thế (Cao Đài giáo).
Nếu Thiên Chúa, Tạo Hóa Thượng Đế hay Trời Đất là nguồn gốc của tất cả các tôn giáo thì chân tâm chính là điểm đồng quy của tất cả nhân loại. Chỉ có chân tâm, người Do Thái mới thực sự xứng đáng là con Thiên Chúa và con của Abraham. Chỉ có chân tâm người Ki Tô giáo mới xứng đáng là môn đệ của Chúa KiTô, người Ấn Độ giáo mới xứng đáng là con Brahma. Chỉ có chân tâm người Hồi Giáo mới xứng đáng là con của Allah hay chỉ có chân tâm người Phật Tử mới xứng đáng là đệ tử của Đức Thế Tôn, hay môn đệ của lão Lão Tử, và KhổngTử mà thôi.
(Trích chân tâm con người thời đại trước tiến trình Toàn Cầu Hóa của T.S. Nguyễn Anh Tuấn )
Kết luận :
Ngày nay tương quan Tôn Giáo và Chính Trị, hay tương quan Văn Hóa và Chính Trị đều là những đề tài rất lớn liên quan mật thiết đến đời sống con người. Xã hội không thể nào ổn định nếu tôn giáo bị khủng hoảng, mất hướng hay bị các chế độ độc tài bóp nghẹt! Ngược lại, khi các tôn giáo biết hòa đồng với nhau trở về Sự Sống đích thực, cùng thắp sáng lên ngọn đèn Chân Tâm, sẽ đủ sức đẩy lùi bóng tối độc tài gian ác, khủng bố. Không những thế, còn đủ sức hướng dẫn toàn xã hội đi đến ổn định thái hòa, tiến gần Chân Thiện Mỹ. Theo sự tiến triển của tự nhiên, nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh đa diện, đa xu hướng của con người nên các tôn giáo nối tiếp nhau xuất hiện với các vị giáo chủ và phương thức dạy đạo khác nhau muôn hình muôn vẻ. Tuy nhiên xuyên qua 9 điểm tương đồng căn bản giữa các tôn giáo chính đại trên toàn thế giới như đã tìm thấy ở trên, chúng ta đã tìm được một mẫu số chung làm nền tảng để hòa đồng tôn giáo đem lại muôn vàn ơn ích cho nhân loại.
Hạnh phúc thay, giữa những người kỳ thị, chia rẽ tôn giáo, chúng ta không kỳ thị chia rẽ mà biết hòa đồng tôn giáo để cùng cứu nguy đất nước và phụng sư nhân loại.
Hạnh phúc thay, theo thời tiết luân lưu qua một năm lo âu vất vả, mệt nhoài vì cuộc sống mùa xuân lại đến với đất trời đem lại Sức Sống mới và làm tươi thắm lòng người.
Hạnh phúc thay đối với những ai Biết Sống cuộc sống mình , biết sống với chân tâm thì từng ngày từng giờ, từng phút giây, từng sát na tâm, đều là mùa xuân mở hội, Mùa Xuân Tâm Linh, Mùa Xuân Vĩnh Cửu…
Chu Tấn.