Phạm Đình Lân


Năm Tý nói chuyện chuột

 

Thân thế và đặc điểm của thử tộc

Năm 2008 là năm Mậu Tý (1). Nói một cách nôm na đó là năm con chuột. Tên Hán Việt của chuột là Thử. Tên La Tinh là Mus . Tiếng Phạn (Sanskrit) Mush có nghĩa là ‘ăn cắp'

Chuột là loài gậm nhấm được liệt vào động vật có vú, có xương sống và có máu đỏ. Thử tộc sinh sản rất nhanh và có mặt khắp nơi trên thế giới ngoại trừ Nam Băng Châu Đảo. Đảo Greenland giá lạnh cũng có giòng họ thử tộc sinh sống.

Chuột thuộc gia đình Muridae . Loài chuột lớn mang tên khoa học Mus masculus và loài chuột nhỏ mang tên khoa học Mus minimus . Có trên 300 loại chuột khác nhau trên thế giới. Hai loại chuột thường thấy trên thế giới là chuột Na Uy Rattus norvegicus và chuột nhà Rattus rattus .

Ở Đông Phi có giống chuột chũi đầu to được biết dưới tên khoa học Tachyoryctes macrocephalus sống trong đồng cỏ, vùng ẩm ướt hay gò cao. Giống nầy đào hang dài đến 50m. Chúng ăn khoai củ, lá cây v.v…

Ở Tây Á và Đông Âu có chuột vàng có bộ lông vàng óng ánh. Đó là chuột Hamster được biết dưới tên khoa học Mesocricetus auratus .

Chuột Gambia ở Phi Châu mang tên khoa học Cricetomys gambianus có hai chân sau rất mạnh nên nhảy rất xa. Người ta nuôi loại chuột nầy trong nhà để lấy thịt và da.

Người Việt Nam phân biệt:

Chuột đồng là chuột sống ngoài đồng. Chúng ăn khoai củ hay lúa mạ. Nông dân trên đồng bằng sông Cửu Long xông khói vào hang cho chuột ngộp phải chạy ra khỏi hang để bắt làm thịt. Người ta quay, chiên hay làm mắm chuột. Đó là một nguồn dinh dưỡng quan trọng ở nông thôn nước ta. Nó cũng là nguồn thịt quan trọng cho các tù nhân chiến tranh hay các cải tạo viên trong thời kỳ bị giam giữ. Trên lục địa Á-Âu có chuột đồng Arvicola terrestris có lông dầy. Chúng lặn và lội rất giỏi.

Chuột cống là những con chuột sống dưới cống rãnh và sống bằng thức ăn thừa trong các đống rác ở thành thị.

Chuột cà xốc là một giống chuột sống trong hang.

Chuột lắt là chuột nhỏ quấy phá trong nhà. Loại chuột nầy chạy nhảy rất nhanh nên người ta thường nói: “ Nhanh như chuột lắt.”

Chuột chù hay chuột xạ là một loại chuột lù đù chậm chạp, mắt mờ, mỏ nhọn và có mùi khó chịu. Vì mùi khó chịu nầy mà có tên chuột xạ. Ở miền ôn đới và hàn đới Á-Âu và Bắc Mỹ có chuột xạ Ondatra zibethicus khác với chuột xạ mà chúng ta biết. Loại chuột nầy có mắt to và lội rất nhanh. Xạ nằm quanh bộ phận sinh dục của chúng.

Chuột Tàu còn gọi là chuột bạch, là một loại chuột nhỏ, lông trắng trông sạch sẽ. Người ta nuôi chuột nầy để chúng xích đu trong lồng. Nó cũng được dùng trong phòng thí nghiệm Loại chuột Jird Mông Cổ có lông rất đẹp nên được nuôi trong nhà.

Chuột Ấn là con bọ lớn hơn chuột thường và có lông đẹp. Người ta nuôi nó trong nhà hay dùng nó để thí nghiệm thuốc trong các phòng thí nghiệm. Chuột Ấn dịch từ chữ cochon d'Inde của tiếng Pháp là loài gậm nhấm mang tên khoa học Cavia Porcellus , gia đình Cavidae . Tiếng Anh cũng có nghĩa giống như tiếng Pháp khi gọi loại bọ nầy là Guinea pig dịch nguyên từ là ‘ heo xứ Guinea ' ở Tây Phi. Đây là loài gậm nhấm như chuột nhưng không biết vì sao lại gọi là cochon ( cochon : heo, lợn. Vì mập tròn như heo hay thịt được dùng như thịt heo nghĩa là từ ‘ cochon ' ở đây được dùng qua hình dáng lẫn công dụng?). Cochon d'Inde được dịch là chuột Ấn đúng hơn là dịch nguyên từ là ‘heo Ấn' vì con bọ có dáng giống chuột. Người Pháp gọi con nhím là Porc-épic xuất phát từ tên gọi cổ: porc d'espine (épine: gai) tức ‘heo gai' vì thân hình mập tròn như heo và có lông cứng như gai (porc: heo; lợn: thịt heo). Tiếng Anh gọi là Porcupine với ý nghĩa tương tự ( spine : gai). Nhím và chuột đều là loài gậm nhấm nhưng nhím thuộc gia đình Erethizontidae và được biết dưới tên khoa học Erethizon dorsatum . Như vậy con bọ và nhím là loài gậm nhấm nhưng không cùng gia đình Muridae với chuột.

Chuột cơm là chuột lớn hơn chuột lắt nhưng nhỏ hơn chuột cống ngoài thành phố. Về chỗ ở, loài chuột cơm nầy có thể ở trên nóc nhà mà cũng có thể sống hoang ngoài đồng hay dưới cống rãnh.

Trung bình một con chuột đo khoảng 25 cm tính cả đuôi. Đó là vóc dáng trung bình của chuột to và chuột nhỏ. Chuột có thể liệt vào loài thú vật ăn tạp vì chúng có thể sống bằng thịt, khoai củ, trái cây, các loại hột v.v…. Ở miền Tây Hoa Kỳ và miền bắc Mễ Tây Cơ có giống chuột chỉ ăn cào cào và bò cạp.

Chuột sinh sản rất nhanh. Chuột bắt cặp khi lên 2 hay 3 tháng sau khi sinh! Chuột cái có thể mang 6 lứa con mỗi năm. Mỗi lứa có từ 4 đến 12 con chuột con. Thời kỳ mang thai chỉ kéo dài một tháng mà thôi! Trong thời kỳ động cỡn, một con chuột cái có thể giao cấu với hàng trăm chuột đực trong một đêm.

Chuột có thể sống trong hang, trên nóc nhà, dưới cống rãnh, trong bóng cây. Thử tộc có kỹ thuật đào hang rất tinh vi. Hang được chia ra từng ô như phòng vậy. Có ô để trữ thức ăn. Có ô để ở. Chúng biết làm hang như thế nào cho nước đừng ngập vào hang.

Thử tộc lội rất giỏi nhưng chúng không thích làm hang gần nơi dễ bị ngập nước.

Thị giác của thử tộc rất kém. Do đó thử tộc không dám đi xa nhưng chúng chỉ hoạt động về đêm mà thôi.

Nếu thị giác thử tộc kém thì thính giác của chúng lại bén nhạy. Người ta cho rằng chuột nghe và hiểu tiếng người. Khi bị hăm he chúng trả thù bằng cách cắn xé quần áo và bàn ghế của chủ nhà.

Kẻ thù trực tiếp của chuột là mèo. Ngoài ra rắn, chim cú, và các loài chuột khác lạ cũng là kẻ thù của thử tộc. Kẻ thù thường xuyên và gần gũi với thử tộc vẫn là loài người.

 

Thử tộc và loài người

Vạn vật trên hành tinh nầy đều có mặt hữu ích và mặt vô ích của chúng.

Dưới nhãn quan của loài người, thử tộc phá hại nhiều hơn là hữu dụng. Chuột nhà cắn phá quần áo, bàn ghế. Chuột đồng phá lúa mạ, hoa màu. Một con chuột ăn trung bình mỗi năm 12 kí lô lúa. Một con chuột cái đẻ 6 lứa trong năm. Chuột con 3 tháng tuổi bắt đầu đẻ lứa con đầu và cứ thế nhân lên mãi. Một cặp vợ chồng chuột trong vòng một năm sẽ có trăm con và cháu để ăn cả tấn lúa mỗi năm! Dân chúng trên châu thổ sông Hồng sợ chuột làm hang dưới chân đê làm cho đê yếu và có thể bị vỡ khiến cho nhà cửa, ruộng nương bị lũ lụt tàn phá. Chuột cắn cũng có thể gây bịnh như chó, mèo cắn vậy. Bọ chét chuột gây ra bịnh dịch hạch giết hại loài người hàng loạt vào thời Trung Cổ ở Âu Châu. Chuột mang cho loài người nhiều thứ bịnh như:

– sốt do chuột cắn

– bịnh Leptospirisis do ký sinh trùng Leptospira interrogans gây ra sốt, vàng da, đau bắp thịt và hại đến gan thận.

– bịnh Salmonellosis do nhiễm trùng Salmonella gây ra nóng sốt, nôn mửa, thổ tả.

– bịnh Trichinosis do nhiễm trùng Trichonella spiralis gây ra nóng sốt, bắp thịt suy nhược, tiêu chảy v.v…

– hội chứng HPS ( Hantavirus Pulmonary Syndrome ) là hội chứng phổi nhiễm siêu vi khuẩn Hantavirus thuộc giòng Bunya viridae do các loài gậm nhấm như chuột mang đến. Siêu vi khuẩn Hantavirus nằm trong nước miếng, nước tiểu hay phân chuột và truyền sang người gây sốt xuất huyết, hoại thận, sưng phổi ngộp thở và gây tử vong nhanh chóng.

Năm 1347 lục địa Á-Âu bị bịnh dịch đen càn quét. Hàng triệu người chết vì bịnh do vi trùng Yersinia pestis gây ra. Năm 1957 nhà văn Pháp Albert Camus được giải thưởng Nobel văn chương nhờ quyển La Peste (Dịch Hạch).

Thịt chuột không được phổ biến khắp thế giới dù rằng thử tộc cung cấp cho loài người một nguồn thịt đáng kể với mức sinh sản phi mã của giòng họ gậm nhấm nầy. Người ta ăn thịt chuột quay, chiên hay mắm chuột. Bà Từ Hi Thái Hậu thích món chuột con sống mới sinh ăn với mật ong. Đó là món ăn cầu kỳ, táo bạo và được xem là bổ dưỡng vì chuột cha và chuột mẹ được nuôi từ nhỏ và cho ăn những thức ăn bổ dưỡng để sinh những con chuột con đầy bổ dưỡng cho các vua chúa. Một đại sứ của một quốc gia Tây Âu bất tỉnh trên bàn tiệc khi món ăn nầy được bày ra và được bà Từ Hi ăn thử một con cho quan khách ăn theo. Chuột con được ngâm rượu làm thuốc. Chuột được dùng trong các phòng thí nghiệm để thử thuốc vì dễ gây giống, dễ nuôi và không tốn kém như nuôi các loài thú vật khác. Chúng được dùng để thí nghiệm và nghiên cứu bịnh ung thư, bịnh Alzheimer, cao huyết áp. Chuột cũng giúp cho các bác sĩ chữa dây cột sống bị thương tổn. Trước năm 1954 trên đường Catinat (sau nầy là đường Tự Do và hiện nay là Đồng Khởi) có nhà thuốc Mus (Mus: chuột - tiếng La Tinh), nhà thuốc to lớn nhất ở Sài Gòn. Sau năm 1954 đó là nhà thuốc La Thành Nghệ.

Vì chuột phá hại mùa màng và mang lại bịnh tật nên loài người dùng mọi cách để diệt chuột. Ở các nước có trình độ khoa học kỹ thuật cao người ta dùng thuốc hóa học để diệt chuột. Ở Việt Nam người ta có nhiều phương cách ngăn ngừa và diệt chuột. Nuôi mèo để ngừa chuột là cách thông thường nhất. Khả năng bắt chuột của rắn ngoài đồng còn kiến hiệu hơn cả mèo bắt chuột trong nhà vì rắn có thể vào tận hang chuột để kiếm mồi. Nông dân Việt Nam dùng hai phương pháp đầy khôi hài sau đây để đuổi chuột:

1.- Phương pháp thứ nhất là bắt một con chuột, cạo lông và sơn nhiều màu khác nhau trên mình con chuột rồi thả nó về hang. Những con chuột khác thấy con chuột có nhiều màu kỳ lạ trông ghê rợn nên hoảng sợ phải bỏ hang mà… chạy. Con chuột có màu sắc kỳ dị cảm thấy lẻ loi. Nó cần có bạn nên cố rượt theo các con chuột bạn trong bầy đang bỏ chạy. Chuột càng lại gần thì bầy chuột trong hang càng cố gắng chạy nhanh và chạy xa để tránh nó. Thế là đàn chuột bỏ hang ổ mà đi.

2.- Phương pháp thứ hai là bắt một con chuột đực, thiến nó rồi cho vài hột thóc vào ngoại thận của nó, khâu lại và trả nó vầ hang. Sau khi vết thương lành lại chuột thiến bị ngứa ngáy khó chịu vì các hột thóc trong bều ngoại thận của nó. Nó trở nên cộc cằn và bạo tợn. Nó rượt chuột trong hang mà cắn. Tất cả chuột trong hang sợ nó nên phải bỏ hang mà chạy. Người ta cũng dùng phương pháp nầy để làm cho chó thiến giữ nhà hữu hiệu hơn.

Viết đến đây tôi suy nghĩ mông lung những gì đã và đang xảy ra trên thế giới và tưởng tượng rằng Hội Bảo Vệ Súc Vật còn nhiều việc để làm giữa lúc Hội Bảo Vệ Nhân Quyền đang uể oải.

*

Không phải nhân loại lúc nào cũng có cái nhìn như nhau về thử tộc. Một số dân tộc trên thế giới xem thử tộc là loài thú vật phá phách tiêu biểu cho sự tiểu tâm, nhỏ mọn, những hành vi lén lút và hèn nhát. Trong huyền thoại Ấn Độ con chuột được mô tả như là chiến mã của voi thần Ganesh. Trong tiểu bang Rajasthan ở Ấn Độ có nhiều đền thờ dành cho chuột. Ở Calcutta có một phần công viên thành phố được duy trì như là tổ ấm của hàng chục ngàn con chuột. Đền Bikaner trong tiểu bang Rajasthan nổi tiếng về việc thờ chuột. Các tu sĩ ăn cơm chung với chuột. Du khách vào đền phải cởi giày giữa lúc chuột chạy trên chân của họ!

Trong một bài ngụ ngôn của La Fontaine viết vào thế kỷ 17 có đề cập đến một con chuột lắt cắn lưới cứu một con cọp.
Cọp là chúa sơn lâm. Khi mắc nạn ‘chúa sơn lâm' lại được kẻ thấp bé như chuột cứu. Tác giả mượn hình ảnh nầy để đưa ra một nhận xét như là một bài học rất thực trong cuộc sống:

Parfois on a besoin du plus petit que soi.
(Đôi khi người ta cũng cần đến kẻ nhỏ bé hơn mình)

Ở Việt Nam có truyện Trinh Thử và những bức tranh đám cưới chuột đầy duyên dáng.

Ở Đức có Tháp Chuột tức Mause-Turm (Mouse Tower) nằm trên một hòn đảo trên sông Rhine.

Con chuột Mickey của họa sĩ hoạt họa Walt Disney (1901 – 1966) duyên dáng và sống động được nhi đồng khắp thế giới yêu chuộng. Hình ảnh của nó xuất hiện khắp nơi ở Disney Land, Disney World, trên áo thung, trên báo chí, truyền hình, phim ảnh và trong các rạp hát, hội chợ v.v… Người Hoa Kỳ gọi cây mai là Mickey-mouse plant vì hột mai hình trái xoan và đen láng giống màu đen trong hình con chuột Mickey.

Người Pháp gọi con dơi là Chauve souris (chuột sói) vì dơi có hình hài giống chuột nhưng không có lông mà có cánh.

Người Việt Nam không mấy thiện cảm với thử tộc. Họ ghét loài chuột lắt quấy phá gây thiệt hại vật chất trong nhà lại còn gây tiếng động làm cho họ mất ngủ. Ca dao có lời chửi rủa loài chuột nầy như sau:

Cha đời chuột lắt chúng bây!
Hòn đá rơi xuống thì mầy gãy xương .

Trong cảnh khổ hay hiểm nguy mới rõ bản chất thực của con người. Đó là ý nghĩa của:

Cháy nhà ra mặt chuột.

Người Anh cũng có câu:

Rats desert the falling house.

Nói về chuột họ có câu:

When the cat is away, the mice will play.

Chuyện trai gái được gọi là chuyện mèo chuột. Trong một khúc hát bình dân có câu đầy tình tứ lãng mạn như sau:

Chuột kêu chít chít trong rương,
Anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay .

Chuột sa hũ nếp nói lên sự may mắn của những chàng trai nghèo có vợ giàu.

Chuột gậm chân mèo chỉ người không biết lượng sức khi chọc giận kẻ thù mạnh hơn mình để chuốc lấy họa vào thân.

Chuột cắn dây buộc nói lên kẻ dại dột đi cứu kẻ lúc nào cũng tìm cách giết mình.

Sát nhất miêu cứu vạn thử nghĩa là giết một con mèo để cứu hàng vạn con chuột.

Thử dịch là bịnh dịch hạch do vi khuẩn Yersinia pestis được truyền từ bọ chét chuột giòng Xenopsylla cheopis truyền sang người. Vi khuẩn bịnh dịch hạch do bác sĩ Yersin khám phá. Ông là người khám phá ra Đà Lạt để làm nơi nghỉ mát trên cao độ cho người Pháp dưới thời Pháp thuộc. Trường trung học Pháp ở Đà Lạt mang tên ông.

Thử độn là trốn chui, trốn nhủi như chuột vậy.

Rễ đuôi chuột là rễ dài của cây ăn sâu dưới đất (rễ cái). Cây có rễ đuôi chuột thì đứng vững trước gió lớn. Khi bứng cây mà rễ đuôi chuột bị đứt thì cây trồng không sao sống được.

Phần gồ to trên cánh tay co lại được gọi là con chuột.

Người Anh gọi chuột là mouse hay rat .

Mouse là dụng cụ để bấm khi sử dụng computer. Mouse cũng có nghĩa là nhút nhát và tham lam; thiếu nữ; mắt quầng thâm. Động từ mouse có nghĩa là lục xét; lục lạo.

Chữ Rat ngoài nghĩa là con chuột còn có nghĩa là kẻ phản bội đoàn thể.

Trong thực vật học có nhiều loại thảo mộc mang tên chuột như:

Dưa chuột Cucumus sativus , gia đình Cucurbitaceae , là một loại thảo mộc được dùng như rau cải. Dưa chuột dùng để làm đồ chua, xào với thịt, trộn với khô tra và thơm để ăn cơm. Hột dưa chuột có chất hypoxanthine C5H4N4O có tác dụng trục lãi.

Dưa chuột Trung Hoa tức qua lâu Trichosanthes kirilowii , gia đình Cucurbitaceae , có trái màu vàng cam dùng để trị đau ngực, ung thứ vú, phổi. Qua lâu kháng viêm, kháng nấm, kháng khuẩn, trị hoàng đản, ung thư và bịnh AIDS.

Sầu đâu chuột tức túy ngư thảo Buddleja asiatica , gia đình Loganniaceae là thuốc trụy thai vì nó có thể làm cho cá say và chết. Sầu đâu chuột còn gọi là cây bọ chó. Trái sầu đâu chuột dùng để nhuộm. Củ tán thành bột phơi khô và cho lên men để làm một loại rượu mạnh.

Cây chóc chuột (củ chóc) Typhonium trilobatum , gia đình Araceae , dùng làm thuốc trị suyễn và nôn mửa.

Sầu đâu cứt chuột là khổ sâm hay xoan rừng Brucea javanica , gia đình Simaroubaceae , trị sốt rét và kiết lỵ rất tốt. Dầu sầu đâu cứt chuột làm mềm các vết chai trên tay hay chân.

Dây cứt chuột hay đồng bìa Berchemia lineata , gia đinh Rhamnaceae , có tính hạ sốt. Rễ trị rắn cắn, đau lưng, tê thấp.

Dây tai chuột hay dây hột bí Dischidia acuminata , gia đình Apocynaceae dùng để chữa bịnh lậu và bịnh về thận và ống dẫn tiểu.

Thử nhĩ là tai chuột và cũng là tên một loại bèo gọi là bèo tai chuột Salvinia cucullata , gia đình Salviniaceae . Bèo nầy dùng để nuôi cá. Trong trạng thái thiên nhiên nó là nguồn phân xanh và là nguồn thức ăn cho súc vật. Người Anh gọi bèo nầy là Small rat's ear (tiểu thử nhĩ). Bèo nầy có chất độc chì và cadmium.

Có một loại hoa thuộc gia đình Asteraceae và được biết dưới tên khoa học Pilosella officinarum . Hoa có cánh nhuyễn giống như hoa cúc vàng. Người Anh gọi là Mouse-ear hawkweed (Ưng thảo thử nhĩ).

Trong vùng ôn đới có một loại hoa có nhiều cánh, có lông và có màu sắc đẹp như hoa súng. Hoa nầy thuộc gia đình Cariophyllaceae dưới tên khoa học Cerastium vulgarum . Người Anh gọi là Mouse-ear chickweed (hoa Kê thảo thử nhĩ). Người Pháp gọi là Céraiste vulgaire .

Người Việt Nam chê chuột xạ (chuột chù) lù đù qua câu:

Lù đù như chuột chù phải khói.

Khi chuột xạ kêu người ta tin rằng sẽ có khách đến nhà. Bị chuột cắn xé quần áo bị xem là điềm xui xẻo như hao tốn, bịnh tật hay bị kẻ nhỏ mọn gây phiền não. Nhà tự nhiên có chuột xuất hiện thì chủ nhân bị tiểu nhân rình rập, quấy nhiễu. Nếu có nhiều chuột xuất hiện thì đó là dấu hiệu suy vi. Khi có nhiều chuột đến nhà thì có mèo đến. Lúc ấy câu: “ Mèo đến nhà thì khó ” được kiểm chứng.

Mỗi khi nói đến chuột cũng như chuyện thanh liêm và tham nhũng người ta thường nhắc đến câu chuyện khôi hài kém xây dựng dưới đây:

Ngày xưa có một ông quan rất thanh liêm. Ông giúp đỡ cho nhiều người vì óc công bằng nhân đạo, lương tri và đạo đức của một ông quan thấm nhuần tư tưởng Khổng Mạnh.

Một hôm, nhân lúc ông đi vắng, có một người mang một bao tiền đến đưa cho vợ ông. Bà vợ hỏi:

‘Tiền gì vậy?'

‘Đó là tất cả lòng biết ơn của tôi đối với quan lớn. Quan lớn đã cứu tôi. Tôi phải đền ơn quan lớn.' Người đàn ông đáp.

‘Không được. Ông mang tiền về đi. Ông tôi biết được thì quở trách tôi đó!' Vợ ông quan nói.

Người đàn ông cố nài nỉ. Vợ ông quan vẫn khăng khăng khước từ. Người đàn ông bèn hỏi tuổi ông quan.

‘Tôi không nhớ rõ. Nghe đâu ông nhà tôi nói ông tuổi con chuột.' Vợ ông quan nói.

Vài hôm sau người đàn ông mang một con chuột bằng vàng đến tặng vợ ông quan. Lần nầy bà không có lý do khước từ. Bà cảm ơn người đàn ông và đem tượng con chuột vàng bỏ vào hộc tủ rồi khóa lại.

Thời gian trôi qua. Ông quan đến tuổi về hưu. Tiền bạc dành dụm không nhiều nên cuộc sống của vợ chồng ông càng ngày càng khó khăn.

Một hôm bà vợ nghĩ đến việc dùng một phần vàng trong con chuột để mua rượu thịt cho chồng ăn sau nhiều năm khổ cực vì ăn uống thiếu thốn. Ông chồng ngạc nhiên hỏi do đâu bà có tiền để mua rượu thịt. Người vợ thuật lại câu chuyện về túi bạc và con chuột vàng. Bỗng người chồng hỏi vợ:

‘Sao bà không nói tôi sinh năm Sửu?'

 

Năm Tý

Năm Tý là năm dương (+). Chúng ta có:

Năm Hành Màu sắc
Giáp Tý (1924, 1984 v.v...) Kim Trắng
Bính Tý (1936, 1996 v.v...) Thủy Đen
Mậu Tý (1948, 2008 v.v...) Hỏa Đỏ
Canh Tý (1960, 2020 v.v...) Thổ Vàng
Nhâm Tý (1972, 2032 v.v...) Mộc Xanh

Nếu năm 1864 là năm Giáp Tý thì năm 1804 (1864 - 60) và năm 1924 (1864 + 60) cũng là năm Giáp Tý. Cứ 60 năm ta có năm cùng can, cùng chi và cùng hành.

Người tuổi Tý thường được cách quyền quí. Tốt nhất là Giáp Tý. Nếu tuổi Giáp Tý lại sinh vào giờ Tý, ngày Tý và tháng Tý thì cực quí. Giờ Tý kéo dài từ sau 11 giờ đêm đến 01 giờ đêm (giờ Tý canh ba). Tháng Tý là tháng 11 âm lịch. Tháng 12 (tháng chạp) là tháng Sửu và tháng giêng tức tháng Tết là tháng Dần v.v…

Những tuổi hợp với tuổi Tý là Thìn, Thân và Sửu. Những tuổi không hợp là Ngọ, Mão, Dậu, Mùi.

Người có mặt chuột thì tâm địa không sáng sủa, nhỏ mọn, tiểu tâm, hay làm chuyện ám muội.

Người có tai nhỏ như tai chuột thì phúc mỏng và tuổi thọ không cao.

Trong số đề con chuột mang số 15 trước con ong (16) và sau con mèo rừng (17).

 

Danh nhân sinh vào năm Tý

Các danh nhân thế giới sinh vào năm Tý là: thống chế Joffre, Bukharin, tổng thống Bush I, tổng thống Carter, ngoại trưởng Foster Dulles, giáo chủ Khomeini, Kim Il Sung (Kim Nhật Thành), Võ Nguyên Giáp v.v…

Thống chế Joffre sinh năm 1852. Ông từng được gởi sang Đông Dương vào cuối thế kỷ 19. Từ năm 1914 đến 1916 ông là thống chế chỉ huy mặt trận phía tây chống quân Đức. Ông từ chức trước khi đệ nhất thế chiến chấm dứt.

Bukharin sinh năm 1888 là một lãnh tụ và lý thuyết gia của đảng Cộng Sản Nga. Ông là ủy viên bộ chính trị sau khi Lenin mất. Năm 1939 ông bị lên án là phần tử phản động có tư tưởng Trotskyite và bị hành quyết.

Tổng thống Bush I (Cộng Hòa) sinh năm 1924 (Giáp Tý). Ông làm phó tổng thống 8 năm dưới thời Reagan và làm tổng thống một nhiệm kỳ từ năm 1989 đến 1992. Trong thời kỳ ông làm tổng thống chế độ Cộng sản sụp đổ ở Đông Âu; nước Đức thống nhất (1989); Liên Sô tan rã (1991); Iraq phải rút quân ra khỏi Kuwait. Nhà tỷ phú Perot (Cộng Hòa) lập liên danh tranh cử tổng thống năm 1992 chia 19% phiếu cử tri của đảng Cộng Hòa khiến ông Bush thất cử trước Bill Clinton (Dân chủ).

Tổng thống Jimmy Carter (Dân Chủ) sinh năm 1924. Ông là cựu đô đốc và thống đốc. Ông làm tổng thống từ năm 1977 đến 1981. Thỏa hiệp trại David ký kết giữa Begin (Do Thái) và Sadat (Ai Cập) được xem là sự thành công của Carter. Nhưng ông không giải quyết được 53 con tin Hoa Kỳ bị Iran bắt giữ. Ông là tổng thống một nhiệm kỳ.

Foster Dulles được xem là bộ trưởng ngoại giao cứng rắn trong chiến tranh lạnh với Liên Sô dưới thời tổng thống Eisenhower (Cộng Hòa). Ông là tác giả của hiệp ước hòa bình ký kết với Nhật năm 1951. Ông chỉ đến tham dự hội nghị Geneva năm 1954 một cách tượng trưng chớ không ngồi trong bàn hội nghị. Ông không bắt tay với thủ tướng kiêm ngoại trưởng Trung quốc là Châu Ân Lai (Chou En-lai). Foster Dulles sinh năm 1888 và mất năm 1959.

Giáo chủ Khomeini xứ Iran sinh năm 1900 và mất năm 1989. Ông là người chống đối vua Iran Pahlavi và mọi hình thức canh tân theo kiểu mẫu Tây Phương. Sau khi lật đổ vua Pahlavi ông biến Iran thành một quốc gia Hồi Giáo mà ông là lãnh đạo tối cao (1979). Sự bang giao giữa Iran và Hoa Kỳ căng thẳng từ năm 1979 đến nay sau khi Iran bắt giữ 53 người Hoa Kỳ làm con tin. Giáo chủ Khomeini đưa Iran vào chiến tranh với Iraq từ năm 1980 đến năm 1988 và chủ trương khuấy động phong trào Hồi Giáo ở Trung Đông chống Do Thái với dụng ý tự xem mình là lãnh tụ khối Hồi Giáo.

Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) sinh năm 1912 và mất năm 1994. Ông là đảng viên Cộng Sản chỉ huy du kích chống Nhật từ năm 1932 đến năm 1945. Năm 1948 ông là thủ tướng Bắc Hàn khi mới 36 tuổi. Ông là người khởi xướng cuộc chiến tranh Triều Tiên khốc liệt từ năm 1950 đến 1953. Sau khi ông mất con ông Kim Jong Il trở thành lãnh tụ tối cao Bắc Hàn.

Võ Nguyên Giáp sinh năm 1912. Ông được xem là người hùng trong trận đánh Điện Biên Phủ năm 1954. Ngôi sao của ông càng ngày càng lu mờ và lặn biến vào thập niên 1980.

 

Biến cố quan trọng vào năm Tý trong thế kỷ XX

1900: Nghĩa Hội Đoàn bao vây các sứ quán ngoại quốc ở Bắc Kinh (Peking), vua Umberto I của Ý Đại Lợi bị một thanh niên vô chánh phủ ám sát chết.

1912: Chiến tranh Balkan (Ba Nhĩ Cán); sự thành lập Quốc Dân Đảng (Kuonmintang) ở Trung Hoa.

1924: Miriam Ferguson là người phụ nữ đầu tiên ở Hoa Kỳ đắc cử thống đốc Texas; Lenin mất; chánh phủ đảng Lao Động đầu tiên ở Anh; tác phẩm Rhapsody in Blue của George Gershwin; kế hoạch Dawes.

1936: Mặt Trận Bình Dân (Front Populaire) nắm chánh quyền ở Pháp; nội chiến Tây Ban Nha; Anh hoàng Edwards VIII thoái vị để cưới một thiếu nữ Hoa Kỳ ly dị chồng là Wallis Warfield Simpson; hiệp ước Đức - Nhật chống Quốc Tế Cộng Sản (Comintern); biến cố Tây An (Xian) (Tưởng Giới Thạch – Chiang Kai-shek – bị giữ khi đi thị sát vùng nầy và chỉ được tự do khi chấp nhận liên hiệp với đảng Cộng Sản Trung Hoa dẻ chống Nhật).

1948: Sự ra đời của quốc gia Do Thái; phong tỏa đường bộ Berlin; tổ chức các Quốc Gia Liên Mỹ Châu (OAS: Organization of American States); chánh phủ Quốc Gia Trung Ương Lâm Thời (Nguyễn Văn Xuân) (2); hiệp ước Vịnh Hạ Long (Bollaert – Nguyễn Văn Xuân).

1960: Đảo chánh thất bại ở Sài Gòn (3); sự ra đời của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng (NLF: National Liberation Front); hội nghị thượng đỉnh Paris bãi bỏ sau vụ chiếc phi cơ thám thính U-2 bị Liên Sô bắn rớt; cuộc thảm sát ở Sharpeville (Nam Phi).

1972: Tổng thống Hoa Kỳ Nixon viếng Trung Hoa; tổng tấn công mùa hè 1972; phong tỏa Hải Phòng bằng mìn; B-52 oanh tạc Hà Nội và Hải Phòng; chiến tranh cá thu (Cod War) giữa Anh và Iceland (Ích Lan); tổng thống Nixon (Cộng Hòa) tái đắc cử vẻ vang.

1984: Thế vận hội Los Angeles; Ronald Reagan tái đắc cử vẻ vang nhất trong lịch sử bầu cử trong thế kỷ (thắng 49/50 tiểu bang).

1996: Thế vận hội Atlanta; Bill Clinton (Dân Chủ) tái đắc cử; năm QUỐC TẾ DIỆT TRỪ NGHÈO KHÓ; tổng thống Mitterand (Pháp, đảng Xã Hội) mất; Uday Hussein, con trai Saddam Hussein, bị ám sát hụt.

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 

_____________

Chú thích:

(1) Mậu có nghĩa là thịnh vượng, tốt đẹp.

(2) Nguyễn Văn Xuân là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp trường Bách Khoa của Pháp (Polytechnique) năm 1911. Ông là trung tướng trong quân đội Pháp và là đảng viên đảng SFIO Pháp (SFIO: Section Française Internationale Ouvrière - Quốc Tế Công Nhân Phân Bộ Pháp Quốc)

(3) Người cầm đầu cuộc đảo chánh ngày 11-11-1960 là đại tá Lực Lượng Nhảy Dù Nguyễn Chánh Thi.

 

 


Cái Đình - 2008 .